Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2019

Bếp lạnh

Truyện Võ Kỳ Điền

Một sáng Chúa Nhựt vào khoảng mười giờ, Hoàng đi tới đi lui trong nhà bếp, mắt ngó dáo dác như muốn tìm vật gì. Chàng mở tủ ngăn trên, không có, mở ngăn dưới, cũng không có, ngăn bên giữa, cũng không có luôn. Chàng cũng đã mở hết các hộc kệ bên bồn rửa chén, trên tường, miệng lẩm bẩm: Thiệt là kỳ cục, có cái chảo, cất ở đâu kỹ quá, kiếm không ra...

Căn bếp khá rộng, chén dĩa nồi nêu son chảo, tất cả được để ở đây, ngoài ra đâu còn chỗ nào. Lục lọi hồi lâu không được, tức mình, chàng đi xuống tầng hầm. Căn hầm đã được hoàn tất đẹp đẽ, phòng ốc khang trang, đồ đạc được sắp xếp vén khéo. Phòng làm việc của chàng có tủ sách và bàn viết thật lớn, lò sưởi bằng đồng sáng loáng, cạnh bên là phòng ngủ và phòng chơi đùa của thằng Bi, cùng phòng tập thể dục. Phía sau cùng là một kho đựng những vật liệu sửa chữa nhà cửa, cùng đồ đạt ít dùng. Cũng còn vài thùng cạc- tông của chuyến dọn nhà lúc trước, còn nguyên băng keo chưa mở. Cái chảo, cái chảo, hổng lẽ được cất trong mấy cái thùng nầy. Vô lý, ai lại đem giấu cái chảo vô mấy cái thùng cạc-tông. Tuy nghĩ như vậy nhưng chàng cũng kiên nhẫn đi kiếm con dao nhỏ, khiêng ra từng thùng và rọc lớp băng keo dán bên ngoài, gia công lục lọi. Toàn là sách vở với báo chí, thư từ cũ...

Buổi sáng trời nắng trong, cả nhà yên tĩnh, không một tiếng động nào ngoài tiếng dép kéo lê trên sàn gỗ của Hoàng, tiếng thùng cạc-tông được mở, tiếng sách vở va chạm nhau sột soạt... Tiếng động tuy nhỏ nhưng cũng đủ làm thằng Bi tỉnh giấc.  Bi năm nay cũng đã mười lăm, tuổi nhổ giò nên cao lỏng khỏng. Tánh tình thiệt thà, hiền lành, an phận nhưng dễ đổ cộc, y như Hoàng. Nó cằn nhằn:

-Ba làm cái gì dưới nầy rầm rầm, con ngủ không được.

Nghe tiếng con, chàng mừng lắm. Cái nhà lớn rộng thinh thinh, đi tới nhà trước, đi lui nhà sau cũng chỉ có một cha, một con, buồn và hiu quạnh quá. Trên tường bức tranh sơn mài vẽ hình cô thiếu nữ mặc áo tứ thân, ôm đàn tỳ bà che nghiêng nửa mặt như nhìn chàng mà cười. Chàng ôn tồn trả lời con:

-Ba kiếm cái chảo, nó đâu mất tiêu rồi. Rồi nói tiếp: Mười giờ sáng rồi đó, con thức dậy là vừa, hổng có sớm đâu.

Bi mặc bộ đồ ngủ nhàu nhò bước xuống giường, đứng nhìn chàng và hỏi:

-Mà ba kiếm cái chảo làm chi?

-Cái thằng, ba kiếm chảo để nấu đồ ăn, chớ con tưởng ba kiếm chảo để đội à...

Thằng Bi cười:

-Mấy tháng nay mình ăn bánh mì thịt, cá hộp với mì gói, cũng được vậy ba. Lâu lâu đi phố Tàu mua vịt quay, gà quay, thịt xá xíu, ở tiệm Thái Sơn hay Hồng Kông được rồi... Ba nấu nướng làm chi cho mất công.

Chàng nghe con nói, đau nhói trong lòng, thấy thương và tội nghiệp con, gượng cười:

-Đâu được nè, cha con mình phải ăn uống đàng hoàng. Lúc trước nhiều công việc bận bịu quá, hết chuyện nầy đến việc kia, ba không rảnh để lo cơm nước, nay thì rảnh rồi. Để con coi, ba làm bếp ngon lắm.

Thằng nhỏ tròn xoe mắt ngó chàng, cặp mắt to đen và đẹp giống hệt má nó:

-Bộ ba biết nấu đồ ăn hả ba?

Hoàng bật cười:

-Sao không biết, con. Ba nấu giỏi lắm, con biết không, hồi đó ba đi học ở Sài Gòn, tự nấu ăn đó...

Thằng nhỏ không hề thắc mắc chuyện ba nó lúc còn đi học, tự nấu nướng ra sao, đi kiếm cái chảo phụ chàng. Nó chạy lên nhà bếp cũng kéo các ngăn kệ, các ngăn tủ như chàng đã làm, hồi lâu không được. Nóng ruột, nó đề nghị:

-Hay là ba ra tiệm mua cái chảo mới cho rồi, kiếm hoài cũng không ra.

-Ừ ừ..., chắc là phải mua cái mới.

Vừa nói vừa thuận tay, chàng vô tình kéo cánh cửa lò nướng của bếp điện. Cửa vừa mở chàng thấy bên trong có cái chảo lớn, vài ba cái nồi được xếp kỹ trong đó. Hoàng rất mừng và Bi lẩm bẩm:

-Mấy tháng nay ba có nấu nướng gì đâu nên không biết nồi với chảo để trong nầy...

Chàng vói lấy cái chảo đem lại vòi nước để rửa, miệng nói:

-Để ba làm món cải làn xào thịt bò cho con ăn, ba mua được cải tươi với thịt bò mềm lắm.

Bi thích chí:

-Dạ dạ... mà ba có dầu hào để xào giống như ở phố Tàu không?

-Cái thằng... Ba làm theo kiểu Tây, dầu hào nhiều chất béo, nghe nói ăn nhiều bị ung thư không tốt đâu.

Thằng nhỏ biết gì đâu, nghe hứa hẹn có thịt bò thì mừng lắm. Mấy tháng nay chỉ có hột vịt luộc chấm nước mắm, hoặc chả lụa xắt khúc chấm nước tương là xong buổi cơm. Đến bữa, cha xúc một tô, con xúc một tô để hột vịt hoặc miếng thịt lên trên cơm trắng, rồi kéo nhau ra ngồi trước máy tuyền hình, vừa ăn vừa coi Vi Tiểu Bảo với Trương Vô Kỵ hoặc Lịnh Hồ Công Tử... cũng xong bữa. Thiệt là gọn.

Hoàng nhớ lại những dĩa thịt bò xào cải làn đã ăn qua, dễ làm quá mà. Chàng lấy tấm thớt ra rửa sạch, đặt miếng thịt lên ngay ngắn và bắt đầu xắt từng lát mỏng. Làm món ăn thiệt là dễ, có gì khó khăn đâu. Cái gì mấy bà nội trợ làm được thì đàn ông cũng làm được, nhiều khi còn hay hơn nữa. Miếng thịt được xắt mỏng xong, chàng bỏ vào chảo mỡ. Thịt gặp mỡ nóng, cháy xèo xèo, mỡ và nước thịt văng tứ tung. Hoàng hấp tấp lấy kiếng ra đeo vào mắt, cẩn thận vẫn hơn, mở nóng văng vô mắt dám đui lắm à... Không lẽ vì ham ăn ngon mà phải bị đui con mắt!

Chàng cầm lấy cái hộp đựng muối, nhớ tới ngày nào má thằng Bi lúc làm bếp, nàng thường nhắc đi nhắc lại: - Muốn nấu ăn ngon là phải có gia vị ngon. Chàng cũng bắt chước lẩm bẩm: Một chút xiú muối, một chút xíu đường, một chút xíu tiêu...

Cầm hộp muối trên tay, chàng để trên miệng chảo: Một chút xíu muối... và trút nhè nhẹ xuống. Nào ngờ, cái nắp hộp lỏng le rơi tuột xuống đống thịt phía dưới, cả đám muối bọt trắng xoá tuôn theo. Trời đất, ai mà chơi cắc cớ, không vặn kín nắp. Hoàng phản ứng không kịp nên cả hộp muối bọt nằm trắng xoá trên đống thịt, thấy mà ứa gan! Hoàng quính quáng lấy cái muỗng hớt lớp muối trắng dư thừa phía trên... Cố gắng, cố gắng... Nếu để quá nhiều như vậy là mặn lắm, tội nghiệp thằng Bi, phải ráng hớt lớp muối dư... Mặn quá ăn làm sao được, hớt được nhiều chừng nào tốt chừng nấy... Mà phải tắt lửa, nếu không lửa phừng nóng quá làm không kịp. Nóng quá, nóng quá... Thịt phía dưới miếng nào miếng nấy săn tròn lại, xám đen.

Lửa đã tắt rồi, muối cũng đã hớt hết rồi, không cách gì hớt thêm được nữa, Hoàng lấy đũa gắp thử một miếng và nếm. Trời đất ơi, miếng thịt bây giờ như miếng khô cá mặn chát. Chàng nghe đầu lưỡi như quíu lại. Chết rồi, làm sao bây giờ. Hổng lẽ đem mấy miếng thịt đi rửa dưới vòi nước lạnh, thịt sẽ xác xơ...

Hoàng suy nghĩ, suy nghĩ... Ừ... ừ... Gờ mình có thể đổi lại, thay vì làm món thịt bò xào thì làm món canh thịt bò. Có khác gì đâu. Thêm nước vô nhiều thịt sẽ hết mặn và đỡ phải nêm nếm, chỉ cần nêm một chút đường cho dịu và một chút tiêu nữa là thơm. Chàng nhớ rõ ràng câu ca dao “Bỏ tiêu cho ngọt, bỏ hành cho thơm”. Bỏ tiêu thì cay chớ sao lại ngọt, thiệt tình không hiểu... Thôi kệ canh thịt bò cũng y như cải xào thịt bò, chỉ khác một chút là món khô với món nước.

Được rồi, Hoàng lấy cái nồi nhỏ đặt trên bếp kế bên, tay cầm cái chảo, trút hết thịt qua nồi rồi thêm nước lạnh. Mở lửa thật lớn để cho nước mau sôi. Cái bếp điện nầy tốt thiệt, vặn số cao có vài phút thì nước đã sôi ùng ục... Cái nồi cỡ một lít nước như vậy thì chắc một muỗng đường là vừa.

Mở cái nắp hộp đường, chàng xúc đúng một muỗng rồi vặn kỹ nắp hộp lại. Nêm xong chàng nếm thử, thịt không còn mặn nữa, mừng quá. Nhưng sao nước hơi ngọt. Nếm thử lại thì ngọt thiệt. Chắc tại cái muỗng canh hơi lớn, nhiều đường.

-Bi ơi, lại nếm thử giùm ba coi ra sao, cái miệng ba sớm mơi tới giờ sao mà đắng nghét, không biết được ngọt mặn gì hết trơn!

Thằng Bi nghe chàng kêu chạy lại, nhìn nồi canh đang sôi, ngạc nhiên kêu lên:

-Ủa, ba nói làm món thịt bò xào cải làn mà, sao bây giờ ba lại nấu canh.

Hoàng chống chế:

-Món canh có nước dễ ăn, bổ và tốt cho sức khoẻ hơn, con. Mấy món xào dầu mỡ nhiều, có hại...

Thằng nhỏ cười:

-Ba hổng biết nấu, rồi nói gạt con.

Nói xong nó lấy muỗng nếm thử nước canh rồi ngó Hoàng, cười:

-Canh nầy ngọt lờ lợ, ba bỏ thêm chút đường nữa thì thành chè. Phải chi có má thì mình có cải xào thịt bò ngon lành rồi...

Từ lâu hai cha con chàng cố tránh không nhắc tới Liên, má thằng Bi, vì mỗi lần nhắc tới, Bi buồn bã và Hoàng thì cay đắng. Cái cảnh hai cha con lủi thủi, hiu quạnh trong căn nhà lớn mênh mông không có bàn tay người đàn bà chăm sóc, buồn bã và thê lương lắm.

Phải chi có má... Câu buột miệng đơn giản vô tình của con, phá toang cái vết thương tình cảm trong tim chàng chưa kịp lành miệng. Thằng nhỏ nói lỡ lời, nó chớp chớp mắt như muốn khóc, mặt đỏ ửng, đứng xuội lơ. Chắc bây giờ nó đương nhớ tới người mẹ đã ra đi, thiệt xa, thiệt xa ngoài tầm mắt nhưng không phải trong lòng...

Nắng ngoài trời thiệt sáng và thiệt đẹp. Cây liễu bên bờ rào đong đưa những cành lá xanh biếc. Vạn vật thiệt là vô tình. Hoàng chua xót, sững sờ và cảm thấy mình bất lực, có lỗi với con. Chàng cố gượng buồn, ôm lấy vai Bi, nói vội vã để che lấp nỗi trống vắng:

-Thôi sửa soạn lẹ lên, ba đói bụng rồi, cha con mình đi ăn phố Tàu. Món cải làn tiệm Hồng Kông xào dầu hào ngon lắm.

         (Trích trong CÂU HỎI KIẾP NGƯỜI. Nhân Ảnh, 2018)