Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 17 tháng 12, 2018

Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 97): Lưu Uyên Khôi – Chỗ trọ trong rừng chuối

Chỗ Trọ Trong Rừng Chuối

Viết chung với Trần Vũ

clip_image002

Trần Vũ (trái) và anh cả Lưu Uyên Khôi, sinh nhật 1984.

Phải khó khăn lắm tôi mới tìm thuê được một chỗ trọ trong tỉnh lỵ này. Ngôi nhà tường gạch, lợp ngói của Má Năm nằm ở bìa thị xã, giữa những cánh đồng, những rừng dừa và rừng chuối, không xa một thôn xóm nhỏ. Từ nhà, chúng tôi không nhìn thấy thị xã, nhưng một dòng sông chảy qua trước mặt ngôi nhà, nước lặng lờ, nhắc nhở chúng tôi đến sự hiện diện rất gần của nó. Chỉ cần đạp theo con đường đất nhỏ ven bờ sông, tôi sẽ tới được nơi mình muốn tới; ở đó, dòng sông đâm thẳng vào thị xã, chẻ nó ra làm hai.

Thật ra, khi biết được lý do tại sao Má Năm vui vẻ chấp thuận cho tôi vào thuê nhà của Má, tôi đã mất đi sự xúc động ban đầu. Ngoài chuyện kiếm thêm được món thu nhập nho nhỏ hàng tháng phụ cho số lời buôn bán của con gái Má, cái lý do chính, là Má Năm muốn Cần, con trai Má, có người bầu bạn. Má kê thêm một chiếc giường trong căn buồng của Cần, bắt anh dọn hết bàn ghế, vật dụng qua một bên, nhường luôn phân nửa kia cho tôi. Cần ngoan ngoãn làm theo, không nói gì. Hình như cái diện tích đột nhiên bị thu hẹp lại, càng chồng chất, bừa bộn thêm bởi những món đồ lỉnh kỉnh, đã lấp đầy một khoảng trống của đầu óc anh. Sự xuất hiện của những đồ vật mới lạ - trong đó có tôi - cũng khiến cho anh thích thú. Tôi đã muốn dựng lên tấm phên ngăn hẳn gian buồng ra, nhưng rồi cứ ngần ngại mãi, không dám ngỏ lời với Má. Sau đó, với thời gian tôi không còn đủ can đảm mở miệng đề cập trở lại vấn đề này.

Nhưng như thế, tôi cũng có một chỗ trọ. Tôi không thể đòi hỏi nhiều hơn. Gia đình Má Năm thật tử tế với tôi, tiền trọ rẻ mạt, tôi có một nơi để ăn ngủ, đi về, trò chuyện. Tôi đang ở vào một giai đoạn khó khăn của đời người. Bị vu khống. Bị xua đuổi. Phải thú tội. Phải nhận tội, mặc dù tôi không thấy có tội... Tôi về thị xã với ám ảnh của những khúc biển thắt hẹp sình chương xác cá hôi thối... Tôi muốn quên đi nhưng chúng cứ lởn vởn. Tôi gõ cửa hầu hết những căn nhà cho thuê và những sở làm khả dĩ trong tỉnh lỵ, nhưng đều thất bại. Cuối cùng, tôi xin được một chân nhân công trong lò gạch Phát Lợi và ở đó, người ta giới thiệu tôi đến nhà của Má Năm.

*

Ngay từ đầu Má Năm đã bảo đảm với tôi rằng Cần không phải là một người nguy hiểm. Quả thực tính tình anh ta tuy ngây ngô kỳ cục, nhưng có thể nói là anh ta hiền lành và trầm lặng. Suốt ngày Cần quanh quẩn trong buồng, trong nhà, khi thì giúp Má Năm nấu nướng, giặt giũ, lúc ra săn sóc bầy heo nuôi ở vườn sau; có khi anh chịu khó cầm cuốc gầy luống rau xanh bên hàng rào. Những ngày trái trời, anh rút vào một góc âm u, không chịu làm gì cả. Anh chưa thể tự túc nổi đời sống, nên đã ba mươi lăm tuổi mà vẫn còn nấn ná ở lại với Má Năm. Anh cao lớn và trắng trẻo, hai hàng lông mày rậm châu lại với nhau trên cặp mắt sáng.

Tuy nhiên một buổi chiều, trở về nhà sau một ngày làm việc mệt nhọc, khi bước vào phòng thấy Cần nằm bất động trên giường trong bóng tối chập choạng, hai tay khư khư ôm máy quay băng trống, tôi đoán biết bịnh tình Cần lại bắt đầu trở nặng. Hồi sáng khi tôi ra đi, anh cũng nằm như vậy. Trong máy, một cuộn băng quay chậm chạp, không có tiếng động. Tôi lấy bộ quần áo sạch, mỉm cười thân thiện với anh trước khi bước ra ngoài:

— Anh Cần, nếu không xuống bếp phụ Thảo thổi cơm thì ra ngoài làm một vòng với tôi cho thoáng khí. Nằm hoài, ăn khó tiêu mà chỉ tổ bịnh.

Tôi nói vui, bông đùa, cốt ý bắt chuyện và phá tan cái bầu không khí u trầm vây quanh Cần. Một tiếng “cách” vang lên, Cần lặng lẽ lật mặt băng, bấm nút cho máy chạy tiếp, xong trở về tư thế cũ. Vẫn không có tiếng động nào phát ra. Vẫn tiếng nhựa sền sệt của cuộn băng trống quay đến mòn nhão.

Ở nhà ngoài, Má Năm rì rầm tụng kinh trước trang thờ, hai ngọn nến lung linh soi sáng những khuôn mặt người đã khuất. Những tấm huân chương mờ tỏ dưới ánh bạch lạp. Khuôn mặt Má cũng lung linh trong ánh sáng đó, mắt nhắm nghiền với hai vệt lỏm đen in dưới gò má. Không khí ngập ngụa hăng hắc, tôi rón rén bỏ xuống bếp. Một chảo lửa đang phừng phừng và trước bếp lò, Thảo ngước nhìn tôi với cặp má bầu bĩnh đỏ hồng. Ngực nàng cũng bầu bĩnh như cặp má đầy đặn, rung rinh khi nói: “Hôm nay có cá trê vàng kho, món tủ của anh với anh Cần!” Tôi đáp: “Tuyệt”. Mùi cá kho xông thơm phức, đặt sệt trong căn bếp. Tôi bỗng thấy khó chịu. Ngoài vườn sau đêm đã xuống hẳn. Buồng tắm vách tôn dựng sau chái hiên, che bởi những tấm phên đan lớn. Tôi bước ra, đứng tần ngần trước khi mở liếp, trút bỏ áo quần bẩn, xối mạnh một gáo nước. Tôi không phải là Cần. Tôi muốn hét “Tôi không phải là Cần!” Việc tôi chia chung một gian phòng, làm người bạn thường trực của anh chỉ là việc bất đắc dĩ. Nhưng hình như Má Năm với Thảo vẫn thích nhập chung tôi với anh thành một cặp bài trùng. Hễ nhắc tới Cần là có tôi, nhắc tới tôi là có Cần. Ngay cả con cá trê kho cũng phải chia ra cho tôi với Cần.

Tôi xối nước tới tấp. Nước trong veo. Long lanh trên tóc tôi, rơi xuống mặt, xuống cổ, đọng từng hạt khắp châu thân. Nước chảy nhễ nhại. Tôi xối thêm một gáo nữa, phồng ngực tận hưởng cái chất ngọt của nước mát tuôn tràn từ đầu xuống ngón chân. Óc tôi dịu lại. Nghĩ cho cùng, sự có mặt của tôi ở căn nhà này sở dĩ có được là nhờ ở Cần. Hơn nữa, Má Năm thiếu thốn một người con trai bình thường để mà yêu thương, nhờ cậy. Tôi không giúp đỡ gì được cho Má, cho Thảo, sao còn hằn học vô lối? Tôi quơ tay tắt ngọn đèn mờ.

Khi ra khỏi buồng tắm, còn đang lúi húi cuộn lại mớ quần áo dơ, một linh cảm lạ lùng khiến tôi quay đầu lại. Hai con mắt sáng biến vụt đi sau bụi rậm. Tôi bổng nổi gai lên. Đêm đen quá, tôi không thấy rõ gì hết. Nhưng rõ ràng là hai con mắt sáng vừa biến đi rất nhanh sau bụi cây. Và cái cảm giác bị nhìn chằm, nhìn lâu từ phía sau lưng, bị nhìn trộm, tôi không thể lầm… Tại sao hắn theo dõi tôi? Tôi dợm bước, định tiến về phía bụi râm bụt, xong lại thôi. Tôi biết chủ nhân của cặp mắt không còn ở đó nữa. Mọi sự yên tĩnh, chỉ có tiếng gió rì rào thổi lên những chiếc lá ổi đang đong đưa trong vườn. Gió lay lắt. Những cành ổi rung rinh... Tôi lắc đầu, cất bước vào nhà.

Bữa cơm chiều diễn ra trong sự buồn thảm. Hai ngọn nến trên trang thờ đã tắt, ánh đèn vàng rơi ảm đạm xuống gian nhà, soi sáng một cách trơ trẽn mâm cơm trên sập. Cần không ra ăn cơm, cũng không còn ở trong buồng. Khuôn mặt Má Năm nặng nề. Tôi tuy đói bụng cũng không dám ăn nhiều. Thảo phải gắp luôn tay cho tôi, nhưng chính nàng cũng chỉ ăn có một chén. Thỉnh thoảng Thảo vươn bắp tay trắng nõn, để hở phần thịt mềm mềm dưới nách. Tôi ngắm trộm nàng từng lúc, mỗi khi vờ và cơm. Bắp tay Thảo đưa lên đưa xuống khiến tôi phải cố gắng nhìn vào tô nước kho để tự trấn tĩnh.

Một lúc, Má Năm nói: “Chắc nó lại ra lang thang ngoài bờ sông.” Tôi với Thảo nhìn nhau, không biết nói gì. Không phải lần đầu tiên Cần biến mất khỏi nhà. Có những đêm tôi đã thức giấc, nhìn qua thấy giường Cần bỏ trống; tôi rán tỉnh ngủ, nghe ngóng động tịnh, rình rập tiếng chân anh trở về, rồi cuối cùng thiếp đi trong một nỗi sợ hãi vu vơ… Càn là ai? Câu hỏi quấn trong tâm trí nhưng tôi không sao giải thích. Đây là lần đầu Cần bỏ cơm. Nhất là bữa cơm có món cá trê vàng kho, do chính tay Thảo đảm trách. Má Năm nói cuối bữa: “Con để má dọn dẹp”.

Thảo nấu ấm trà, bỏ vài đọt huệ vào trong ấm, rồi ra ngồi hóng gió với tôi ngoài bực cửa. Má Năm rút vào sau bếp. Trăng thượng tuần yếu ớt trên mặt nước lặng lờ. Tiếng dế gáy ran ran từ những lùm cây ven bờ sông. Vài khóm lục bình trôi ở một phía xa. Những chấm đom đóm lập lòe sáng như trêu ngươi. Chúng chớp tắt như phát tín hiệu. Trong sân nổi lên lờ mờ chiếc bóng bất động của hòn non bộ và vài chậu cây cảnh. Không có ai nói chuyện đi tìm Cần. Tôi biết những hành vi của anh đã trở nên quá quen thuộc đối với gia đình này. Tuy vậy khi trao tách trà cho tôi, Thảo cũng nói: “Em lo ngại cho anh Cần”.

— Không biết ảnh đi đâu? Tôi hỏi, mặc dù biết Thảo có ý nói về sự trở bịnh của Cần hơn là lo ngại về nơi chốn mà anh đang có mặt.

— Nếu anh Cần lang thang ngoài bờ sông, ảnh chỉ có thể đi ngược dòng lên phía rừng chuối.

Thảo cầm lược chải lại tóc, khuôn mặt hơi hất lên về phía ánh sáng. Chiếc bóng của Thảo thắt ở eo rồi nở phồng tròn trịa in rõ mồn một trên vách. Tôi nhìn chăm chiếc bóng cho đến khi Thảo quay sang, tôi vội nhấp một ngụm nước nóng thơm hương huệ, hỏi lại:

— Sao Thảo biết?

— Hồi trước khi bịnh còn nặng, ảnh thường bỏ nhà đi luôn nhiều ngày, lần nào người ta cũng tìm thấy ảnh ở khu đó. Nàng tiếp: Khỏi rừng chuối vài cây số có cái nghĩa địa cổ, không biết từ đời nào, dân vùng này không bao giờ dám héo lánh tới.

Chúng tôi im lìm. Ngột ngạt trong tiếng muỗi. Những con muỗi vo ve như tâm hồn tôi muốn đập cánh. Tôi muốn cất cánh bay cao, xa, hoặc làm một gì đó thay vì uống ngụm trà trong yên lặng. Thảo cũng nhận ra khoảng trống, nàng nhìn lơ đãng rồi cất lược, rót thêm trà, bất chợt hỏi như để thay đổi câu chuyện:

— Công việc đằng hãng gạch cũng thường chứ, anh Quang?

— Mệt, nhưng ngược lại làm việc tay chân nhiều cũng giúp đầu óc bớt căng thẳng…

Tôi đáp mà cứ nghĩ tới khóe nách Thảo mềm mềm ban nãy. Lúc này che khuất bởi bắp tay nàng kẹp xuống. Nàng nhìn tôi:

— Anh thường bị căng thẳng lắm sao?

— Ồ, không…

Tôi vụt luống cuống, cảm thấy mình đê tiện vì đã có những ý nghĩ không tốt. Tôi muốn nói: “Tôi không có ẩn ý!” Tôi muốn thét to: “Tôi không tồi!”, nhưng không thể… Tiếng vo ve giúp tôi vờ quạt tay đuổi muỗi. Thảo trầm ngâm:

— Em hy vọng không phải những chuyện xảy ra trong căn nhà này làm anh căng thẳng. Giọng Thảo buồn bã.

— Không, Thảo đừng nói vậy. Không phải vậy đâu… nhưng Thảo biết, tôi cũng có nhiều vấn đề của đời sống…

— Em biết… Nàng thở dài. Trước kia anh ở thành phố, đi dạy học, có lý tưởng… Còn bây giờ… đời sống bây giờ không phải đời sống dành cho anh. Anh muốn tranh đấu, còn ở đây…

— Cũng không phải như vậy. Tôi rất hài lòng tìm được chỗ làm trong lò gạch. Nó giúp cho đời sống của tôi đổi mới, tôi không muốn đi dạy học nữa. Cũng không muốn tranh đấu nữa… Tranh đấu không ích gì cho xứ sở này khi mọi người chưa muốn… Biển chết… Đời sống, với tôi bây giờ là một sự khởi đầu lại tất cả.

Tôi nói nhanh, vừa ngập ngừng, hai chữ “biển chết” như đá ngầm khó phát âm. Thảo sống ở đây, giữa rừng chuối, cách xa đại dương… Nàng không thể hiểu. Tôi cảm giác kỳ cục là chữ lộn ngược trở lại vào trong cuống họng mình, may Thảo không chú ý.

— Anh nói đúng. Em với má chỉ muốn giúp đỡ anh trong tất cả những gì làm được. Anh biết đó, má coi anh như con…

Tôi suýt nhăn mặt. Câu chuyện lại chuyển sang hướng mà tôi không thích. Vì trong câu nói của nàng tỏ vẻ thương hại. Tuy mặt nàng vẫn bụ bẫm xinh đẹp. Tôi bỗng thấy một tình cảm êm ả. Có phải nàng vừa mới tỏ tình với tôi đó không? Tại sao nàng nhấc tay lên cài lại kẹp tóc cho tôi tiếp tục ngắm phần nách trắng? Trong đêm, chỗ da mềm vẫn mịn màng. Tôi nhìn chăm bẳm. Mắt Thảo hạ xuống, có vẻ ngượng ngịu. Tôi muốn nắm lấy bàn tay nàng, cắn nhẹ lên ngón tay con gái… Ý chí nổi gai trong đầu. Tôi biết tôi hay có những suy nghĩ kỳ lạ, chẳng hạn phát tờ rơi giữa phố hoặc nghĩ đến đầu ngực thanh xuân mũm mĩm mà không dám nói là mình đang mơ ước… Có những trái khuấy trong đầu một con người vì chúng sinh ra từ đồng loại. Chúng thành một ngăn cấm khi xã hội cơ cấu hóa. Rồi gia tăng thành cưỡng chế vào một khuôn, khiến con người phải trốn tránh…

Tôi hất đầu xua đuổi những ý nghĩ vẩn vơ, trong lúc Thảo im lặng, chúng tôi ngồi với nhau như thế rất lâu. Trước mắt chúng tôi vừng trăng thượng tuần vàng võ vẫn lặng lờ trôi xuôi về phía thị xã.

*

Cần mò về nhà ngay buổi sáng hôm sau, bỗng nhiên lại ngoan ngoãn, dễ bảo như cũ. Má Năm tươi tỉnh lên một chút, tới mấy ngày sau thì Má an tâm hẳn. Không khí trong nhà lại vui vẻ, những buổi cơm chiều lại là những phút họp mặt đầm ấm. Tôi với Cần càng được chăm sóc kỹ lưỡng hơn. Suốt ngày, ngoài việc bếp nước, nhà cửa, hay khi có công chuyện cần phải chạy qua hàng xóm, Má Năm lăng xăng thổi xôi, làm bánh bông lan, bánh ú, bánh đậu, bánh chuối chiên nước dừa, nấu nước mía lau, làm sữa chua cho chúng tôi ăn. Má luôn miệng hỏi: “Cần, Quang hai con ưa món gì để má làm?” Má còn bắt Thảo mua ở chợ về hai bộ đồ ngủ mới tinh cho chúng tôi. Cần vẫn thản nhiên, hiền lành nhưng thờ ơ. Tôi thấy thương Má. Một hôm tôi đề nghị xây rộng ra cái chuồng heo cho Má, vì tôi nghe Má có lần nói tính nuôi thêm mấy con heo để tăng gia sản xuất. Nghe vậy Má ngạc nhiên xúc động không thốt nên lời. Rồi Má tươi cười rạng rỡ. Những buổi tôi lúi húi ngoài chuồng heo, Má không ngớt chạy ra chạy vào, xem tôi đo đạc, đóng ráp, nóng ruột chờ đợi kết quả của công việc. Chắc chắn là Cần không bao giờ chịu cầm cây búa lên làm một việc gì cho Má. Tôi định bụng sau chuồng heo sẽ sửa chữa lại vài chỗ ngói bể trên mái.

Tôi không nói dối Thảo, tôi thích công việc chân tay. Tôi chứng nghiệm rằng công việc chân tay giúp đầu óc người ta thảnh thơi, và thích hợp cho những cơ năng của con người. Dĩ nhiên đầu óc cũng cần thiết, rất cần thiết là khác, nhưng không nên lạm dụng. Việc làm ở hãng gạch vì vậy dù cực khổ và nặng nhọc, nhưng tôi vẫn mang ơn nó. Những buổi trưa trần mình dưới nắng đổ lửa, khuân, phơi, nung gạch, hòa mình giữa những công nhân bạn, đem mồ hôi đổi lấy đồng lương nhỏ nhoi mỗi tháng, với tôi lại là một sự giải thoát. Thoát khỏi sự thụ động và thói đạo đức giả của con người ở thành thị. Nó giúp tôi không còn suy nghĩ. Tôi đã suy nghĩ nhiều rồi, tôi không muốn suy nghĩ nữa. Tôi lao vào công việc một cách nhiệt thành. Ông chủ Phát Lợi có lần khen ngợi tôi. Lương tôi tăng lên chút ít. Ông không biết rằng tôi chỉ mang ơn công viêc nặng nhọc của ông trong hiện tại; nó không giúp giải quyết gì được cho những khúc mắc bên trong tâm hồn tôi. Kinh doanh phát đạt của lò gạch Phát Lợi không giải quyết các vấn nạn của xã hội, cần một mô thức cải cách sâu xa hơn… Nhưng tôi không muốn nghĩ xa xôi vì tôi cần định tâm. Nhưng tôi biết, một con người ưa suy nghĩ rốt cuộc vẫn là một con người hay suy nghĩ. Nhất là khi tôi phải sống kế cận Cần, một con người ưa suy nghĩ khác.

Cần ít nói, nhưng khi nói, anh lại nói rất nhiều. Một lần anh mò ra chuồng heo, đứng sau lưng xem xét tôi làm việc. Rồi bỗng anh kêu: “Nhìn kìa!” Tôi ngơ ngác ngước lên. Tay anh chỉ thẳng về phía những con heo đang nằm trong chuồng. “Heo không điên, con người thì điên.” — anh nói.

Tôi bỗng bị kích thích, ném trả:

— Anh tựa vào điều gì mà nói như vậy?

— Ừ, cũng có thể có những con heo điên. Nhưng nếu điên, heo điên một cách tự nhiên, còn con người điên không tự nhiên. Con người điên cố ý!

— Chắc đó không phải là trường hợp của anh? — Tôi nói, độc ác.

— Không… Không, tôi cũng không biết. Nhưng đa số chúng ta đã sống một cách điên khùng. Có khi chúng ta cố ý điên, để biện minh cho những hành động của mình. Dù sao điều đó trái với bản chất con người.

— Chẳng hạn ai?

— Ông chủ hãng Phát Lợi, Cần đáp. Ông ta ăn nên làm ra, ngày càng béo mập trên sức lực và sự nghèo đói của công nhân, nhưng vẫn dựa vào rất nhiều các lý thuyết, chủ nghĩa và cả những định hướng để biện minh, để có thể tiếp tục vui sống thản nhiên trước một việc làm như vậy. Xã hội không đổi mới, chỉ tạo thêm những phần tử ám bám hệ thống. Ông chủ Phát Lợi là một trong những cá nhân đó. Anh tưởng không phải là điên, một cách cố ý sao? Còn những công nhân và những kẻ cùng mạt sống ở các thôn làng quanh đây nữa, anh không nghĩ họ cố ý điên để có thể chấp nhận đời sống bần cùng, bằng cách tin tưởng ở cái định mạng, cái số phần đã dành riêng cho họ sao? Có điên cố ý mới chấp nhận những mỹ từ treo lủng lẳng trước lò gạch Phát Lợi. Cớ sao đón Tết mà còn phải đón một thứ khác không liên quan và chính thứ đó dìm sâu vào chua chát? Cớ sao huyện ủy cũng cố tình điên để không nhìn thấy…

Tôi chặn lời anh:

— Anh lấy ở đâu ra những tin tức về ông chủ Phát Lợi? Tôi tưởng anh không bao giờ đặt chân tới đó?

— Tôi về đây đã lâu, bây giờ, tôi không còn muốn đi đâu hết, nhưng hồi trước tôi cũng như anh, tôi đi khắp nơi trong thị xã này và tôi quen biết nhiều người. — Cần nhìn tôi soi mói. Anh nói tiếp: Tôi không có ý chia rẻ kẻ giàu người nghèo, tôi không muốn làm cách mạng. Điều đó, tôi bất cần. Đó chỉ là một trong những thí dụ. À, mà còn những kẻ gây chiến vì nhân dân này nữa! Họ xua hàng triệu triệu người vào chỗ chết, làm tan nát nhiều triệu gia đình rồi tự nhận vì dân, cho dân… rồi những người lính, những công dân cúi đầu vâng phục như một bày cừu, không phải là họ điên, cố ý điên hay sao? Lý do này hay lý do khác, cách này hay cách khác…

— Như thế… anh cho rằng con người không điên tự nhiên, vì bản chất vốn thiện?

— Hẳn vậy.

— Nhưng anh không nghĩ rằng nếu chúng ta - con người - để cho tất cả bản năng bộc phát, thì có lẽ thế giới này sẽ điên đảo, diễn ra những cảnh cướp phá, tàn hại ghê ghớm lẫn nhau, sẽ tan hoang hết cả, bởi vì cái lòng tham, lòng dục được dịp phát triển mà không có sự chi phối của một hệ thống hay một chủ nghĩa nào? Cơ chế và giáo điều đôi khi cần thiết để kềm hãm… Như thế, thì con người điên cũng là điên một cách tự nhiên bình thường, và từ thượng cổ đến giờ, con người đã tìm mọi cách, đã cố ý để khỏi điên, để đạt đến một sự quân bình chừng mực nào đó như cái thế giới hiện nay của chúng ta…

Cần lắng nghe tôi chăm chú. Anh nhấc mắt lên lá cờ Má Năm treo đón Tết ban sáng.

— Ừ, anh nói cũng có lý. Như thế bản chất của con người vốn không thiện.

Tôi lắc đầu:

— Không, anh hiểu lầm ý tôi. Nếu bản chất vốn đã không thiện thì làm gì có chuyện tìm cách đạt đến một sự quân bình, một giá trị đạo đức nào đó?

Cần nhìn tôi đầy vẻ ngạc nhiên:

— Anh nói phải. Đây là một vấn đề trọng đại, mình phải bàn lại mới được. Thiệt rắc rối hơn tôi tưởng.

Anh dợm bước tính bỏ vào nhà. Tôi nói với:

— Thật ra, tôi nghĩ đó chỉ là cái nhị trùng bản ngã.

Cần quay lại, tiến đến gần:

— Bỏ việc đi, vô rừng chuối chơi với tôi.

Tôi lùi lại một bước, dù không cố ý. Tôi vừa thấy cặp mắt sáng đêm hôm nọ từ bụi rậm râm bụt ngó chằm vào gáy mình. Cặp mắt sáng quắc soi mói và lộ ra một ước muốn tôi chưa đoán được. Nhưng Cần vẫn thản nhiên:

— Thường thường tôi chỉ đi tới rừng chuối. Ở đó có cây chuối xanh tốt, những buồng chuối mập tròn, đẹp mắt, lũ ve tha hồ ca hát, và những con khướu, con chào mào nữa. Tôi thấy dễ chịu lắm. Đôi khi tôi gặp những nông dân vô chặt chuối, họ nói chuyện với tôi, chỉ dạy tôi nhiều thứ, có khi họ bày thức ăn, xị rượu đế, chúng tôi dùng bữa chung với nhau. Tất cả mọi điều đều đẹp đẽ. Tôi mơ ước một hệ thống tạo ra những điều đẹp đẽ và những giáo điều tạo ra hạnh phúc, thay vì…

“Thay vì…” Bỗng dưng Cần lật đật lùi lại, bước chân anh loạng choạng và đôi mắt sáng trở nên ngây dại.

“… Tôi chỉ đi tới rừng chuối, tôi không đi xa hơn. Tôi sợ…”

“Tôi sợ.”

Cần lặp lại rồi dáo dác nhìn quanh, trước khi lủi nhanh vào nhà. Tôi biết từ đây cho tới ít nhất ba ngày nữa, anh sẽ không mở miệng một tiếng.

*

Mặt sông lấp loáng sáng dưới nắng. Hình như khi trời đẹp, có mất đi cái vẻ lặng lờ cố hữu. Hàng dừa ven bờ rì rào thả hơi mát xuống con đường đất nhỏ. Chúng tôi đi bộ. Tóc Thảo bay lất phất, có lúc chạm vào má tôi đem theo mùi chanh cùng với hương da thịt nàng rất nồng nàn. Chiều thứ bảy, chúng tôi rủ nhau ra chơi thị xã. Thảo vận áo dài màu ngà, quần lụa trắng, guốc cao màu tím, ngoài đôi bông nhỏ và sợi dây chuyền thường khi, nàng đeo thêm nơi cổ tay chiếc vòng xuyến đánh bằng vàng lá, tròn trĩnh. Tôi thấy cảm động vì Thảo chịu khó diện với tôi. Tôi cũng mặc sơ mi trắng, quần ga-bạc-đin đen ủi thẳng nếp, mang giày Tây. Nếu tôi đưa tay ôm ngang hông Thảo, chúng tôi sẽ là một cặp tình nhân. Nhưng ở giữa chúng tôi vẫn có một khoảng cách. Thảo lúc nào cũng vô tư, vui vẻ. Nàng không biết những gì đang diễn ra trong đầu óc của tôi. Chẳng hạn như… tôi đang muốn sờ ngực nàng, chạm vào cặp nhũ hoa lúng liếng, viền ngón tay tôi quanh bìa môi nàng. Chẳng hạn tôi đang đoán chiếc quần lót của nàng làm bằng hàng soa hay ren... và tôi muốn một ngày được tự tay tháo. Tôi sẽ không giống những thằng điên trong chuyện khùng tháo rồi dùng làm thun bắn bi, mà hôn nàng đắm đuối… Tôi sẽ…

Mặt sông hơi giựt lên cợn nước. Ánh nắng lung lay như tự tách khỏi, tự nhấc lên, rồi lại chặp vào nước. Màu nắng nghệ quyện với sắc lục của nước, làm nên một ráng hường chập chờn. Thảo hơi hích mũi:

— Em chợt nghĩ thấy buồn cười, là tại sao mỗi lần đi chơi, chúng ta đều muốn đi về phía thị xã, hả anh Quang? Ở phía kia chắc cũng có nhiều cái để coi lắm chứ?

Tôi nhìn ra mặt sông, thấy một chiếc đò chở khẳm chuối đang chậm chạp xuôi giòng. Mặt đó sát mặt nước, giống như các tảng chuối mọc lên từ sông. Tôi ngắm chiếc đò trôi lặng lẽ, rồi đáp lời nàng:

— Tại vì chúng ta sợ.

— Sợ gì kia chứ? Thảo hỏi ngược.

Tôi nhìn nàng chăm chú:

— Sợ những điều không rõ, những điều mà nếu đi về hướng ngược lại, không chừng chúng ta sẽ rõ, và sẽ thất vọng.

— Vì vậy chúng ta cứ thích đi về phía thị xã?

Thảo cũng nhìn thẳng vào mắt tôi, môi nàng khẽ cong lên ương ngạnh. Tôi gật:

— Phải, ở đó mọi điều đều bình thường, hay được chấp nhận là bình thường. Chúng ta có khuynh hướng trôi xuôi, chấp nhận những thứ đã có sẵn, và làm theo những điều mà tất cả đám đông đang làm… — Tôi nhớ tới Cần. — Thảo có nghĩ những người điên thật ra chỉ là những người dám đi ngược lại đám đông để tìm ra sự thật? Ngay cả khi chỉ có những ý tưởng?

— Em không sợ rừng chuối, và xa hơn rừng chuối nữa — Thảo quay nhìn xuống sông.

— Nhưng Thảo không bao giờ đi xa hơn rừng chuối!

— Sao anh biết?

— … …

Tôi bối rối…

— Em không làm theo đám đông. Em không đi theo đám đông. Em cũng dám đi xa, tìm ra sự thật. Sự thật của riêng em, và em không điên.

Thảo quả quyết, hơi chau mày. Nàng đẹp dữ dội lúc ấy. Nàng làm tôi đắn đo.

— Ờ nhỉ… Và chính tôi nữa, sao tôi biết có một ngày kia mình sẽ không vượt xa hơn rừng chuối? Như vậy trong cái đám đông mà chúng ta vẫn thấy ở thị xã, có chúng ta nữa, nhiều kẻ thỉnh thoảng vẫn đi xa khỏi rừng chuối, mà không ai biết.

— …nhưng người điên thì dám làm, và dám nói công khai cho tất cả! Họ không sợ bị trừng phạt. Còn anh?

— Nhiều kẻ điên vì trục trặc một cơ quan trong đầu óc, do tai nạn hay do bẩm sinh. Nhiều kẻ khác vì tâm trí bệnh hoạn, khật khùng, kỳ quái. Có những người muốn phản kháng và có những bịnh nhân chỉ thích giết người, cướp của… Không phải người điên nào cũng lý tưởng.

Tôi nói nhanh, Thảo nhìn tôi lạ lùng.

— Thôi tụi mình ngồi đây chơi đi anh Quang, đừng ra thị xã nữa.

Thảo vén áo dài ngồi xuống dưới một gốc đa. Phần da hông vô tình lộ ra trắng mát. Nàng chớp mắt: “Đừng nói chuyện những người điên nữa, Quang à. Biết sao mà nói! Dù sao thế giới này vẫn thuộc về những người tỉnh táo, mình cũng phải tỉnh với họ. Họ thiết lập ra hệ thống, mình phải tuân phục. Có những sự thật rất bình thường và hiển nhiên của người tỉnh, mà người điên không hiểu được, hay không chịu hiểu nên họ mới điên. Em chấp nhận, vì em không muốn điên.” Môi Thảo chu khi nói, một chút dỗi hờn xa vắng, như thể Thảo đang trách cứ những người không tuân thủ. Tôi muốn cãi nhưng vạt áo xẻ cao Thảo gấp ngang làm lộ cặp giò nàng dính sát quần lụa, khiến tôi im bặt. Tôi chưa thấy gì đẹp như vậy. Đùi nàng mướt mát và phần thịt bụng khẽ phập phồng theo nhịp thở... Tôi thấy các ý nghĩ trong đầu mình đang bị chặp điện nháng lửa. Tôi cố giữ bình tĩnh, đợi Thảo nhìn mình, mỉm cười thân thiện, rồi ghé sát gương mặt nàng đang ngước. Tôi định hôn lên má nàng nhưng Thảo xô tôi ra, ngồi lùi lại một khoảng: “Đừng anh!” Tôi luống cuống. Hai tay thừa thải. “Đừng Quang…” Thảo nhắc. Rồi nàng chợt dịu lại, tươi vui, phá tan bầu không khí: “Nóng quá, em xuống ngâm chân cho mát”. Không biết vô tình hay cố ý, nhưng ngâm chân nàng phải kéo ống quần thêm cao. Nàng dọ dẫm một lúc dưới nước rồi trở lên, hai bắp đùi ướt át. Tôi nhìn trừng đường nước chảy trên đùi nàng như bị thôi miên. Những dòng nước long lanh… Thảo nhận ra ngay, nhưng nàng thản nhiên:

— Thôi về Quang ơi.

Hai chiếc bóng chúng tôi song đôi, chậm rãi. Hai chiếc bóng như có lúc ngã vào nhau rồi lại tách ra. Lúc dính, lúc tách. Lúc trước, lúc sau, lúc lao chao trên nền đất màu nghệ. Tôi không hiểu vì sao tôi nghĩ đến củ nghệ trong lúc tâm tư tôi muốn đi lui phía sau lưng nàng một chút, để ngắm hông Thảo dán sát vào vải. Lớp vải phin nhuyễn chuyển dịch theo mông nàng. Tôi lại nghĩ đến củ nghệ, có tính chất làm lành giúp kéo da non, xóa sẹo… nếu tôi có thể chà lên da nàng rồi dùng bột nghệ vẽ những đôi mắt… Thảo đột ngột kể chuyện anh Huynh, trưởng Công an xã, ghé nhà xét hộ khẩu và truy hỏi lý lịch của tôi. Nàng đổi đề tài đột ngột, bằng giọng quan trọng làm tôi rùng mình. Một nỗi sợ hãi sâu kín vụt dâng lên… Tôi đã nhiều lần bị truy xét phải vào tạm trú… Tôi tránh nghĩ đến những tai nạn đã xảy ra mà nhớ đến những chuyện hiền nhơn… Thảo trấn an là Má đã thu xếp, tôi không phải lo. Tôi thầm tri ơn Má Năm. Tri ơn đất trời cho tôi tìm được chỗ trọ này.

Ánh nắng chiều vàng rẫy xuống sông, loang loáng một lớp ráng hoàng hôn nhấp nhô từng lúc. Mặt nước tắp sát bờ kè như muốn đưa hai chiếc bóng của chúng tôi đi xa nhưng hai chiếc bóng vẫn dính vào đất. Tâm trí tôi cảnh báo phải rời khỏi thị xã, vì không còn an toàn nữa. Số mạng tôi vẫn hãy còn bấp bênh, tùy thuộc vào một điều gì đó mà tôi chưa biết.

*

Chúng tôi đều lầm. Bịnh tình Cần chưa thuyên giảm. Sự vâng phục và dễ bảo của anh chỉ là sự lắng dịu tạm thời của cơn địa chấn đầu tiên. Chuẩn bị cho đợt rung chuyển kế tiếp.

Một ngày chủ nhật Má Năm và Thảo phải ra thị xã để bàn tính công chuyện làm ăn, bỏ Cần với ngôi nhà lại cho tôi coi sóc. Buổi sáng trôi qua yên tĩnh, đến xế trưa thì mưa đổ xuống.

Tôi vừa đánh một giấc, trong giấc mơ tôi cảm giác lạ lùng là có một bàn tay thon thả rờ nắn ngực mình. Rồi các ngón tay lần xuống bụng, kỳ lạ là tôi đã ưỡn người tận hưởng và buông thả cho đến khi bàn tay làm xong công việc. Tôi choàng tỉnh, đầm đìa mồ hôi, khi mở mắt thấy trời đất tối sầm, quanh nhà mưa tuôn rào rạt, sấm rền rền bao trùm cả một vùng quê. Chăn gối tôi ướt nhớp nháp. Gió đánh bật cửa liếp lập lòe ánh chớp. Tôi chạy ra sau che lại chuồng heo, rồi đi đóng hết mọi cửa ngõ. Không thấy Cần đâu, tôi lớn tiếng gọi nhưng anh không trả lời. Tôi ngạc nhiên, lo ngại nghĩ chắc anh lại bỏ nhà chạy đi chơi đâu đó. Nhưng khi ra tới gian thờ để kéo cửa chính, tôi mới nhận ra chiếc bóng cao lớn của Cần ở ngoài sân, cạnh hòn non bộ. Anh đứng sừng sững bất động dưới màn mưa, mắt nhìn vào nhà, tay cầm chắc cán cuốc. Nước mưa tuông thành từng lớp phủ xuống người Cần ở trần.

Không lẽ Cần ra trồng rau giữa lúc trời đất như vầy? Tôi chắc lưỡi chạy ra. Tới hàng ba thì tôi lùi lại. Cần lừng lững tiến vào, nước chảy ròng ròng trên mặt mũi, thân thể. Chúng tôi đứng nhìn nhau, khoảng cách rất gần. Bất thần, Cần hươi cuốc lên. Người tôi cứng ngắc. Trong giây phút đó, chỉ có một ý nghĩ duy nhất vụt qua đầu tôi là sự nhận thức mình chạy không kịp. Nhưng cây cuốc hạ xuống, đặt nhẹ lên vai tôi. Rồi Cần khều tôi tới sát anh, bằng mũi cuốc bấu sau vai. Anh mỉm cười, nửa ngọt ngào, nửa đe dọa: “Mày đi khỏi nhà này!”

Lời nói không đi đôi với vành môi Cần. Làm sao anh vừa xua đuổi vừa có thể hòa nhã? Nhưng chỉ một giây sau, cặp mắt anh long lên: “Mày chiếm chỗ của tao. Mày giựt Má với Thảo ra khỏi tay tao. Đi khỏi đây! Nếu không tao giết mày!”. Tiếng sét rạch ngang bầu trời. Một viên ngói tách mái rơi bể tan tành trên sân. Từ chỗ đó nước dội xuống như thác đổ. Nước xối xả xuống khạp kêu ồn ĩ. Những khay phơi chuối tưng lên những kim nước như đang nhảy nhót. Tất cả hòa thành thứ âm thanh đinh tai. Tôi chưa kịp định thần, Cần đã dí sát mặt tôi. “Mày tưởng con Thảo nó yêu mày? Lầm to rồi! Cái đồ ăn nhờ ở đậu! Được thuê mướn để canh người bịnh!”. “Mày là cái thớ gì mà giành con Thảo của tao? Mày là ai?” Cần gầm lên. Tôi xô lưỡi cuốc trên tay anh, lùi lại. Từ lúc nào mặt tôi cũng đã ướt nhẹp. Hơi mưa bay trắng hàng ba. Trận mưa rùng rùng. Tôi cảm tưởng tôi đang đứng dưới máng xối trút nước. Nhưng nước lạnh ngắt giúp tôi tỉnh táo. Tôi tìm cách phản ứng. “Bỏ cuốc xuống đi anh Cần. Không cần làm dữ như vậy”. Tôi quát. Dưới tia chớp, Cần nhìn tôi ngơ ngẩn. Tia chớp lóe trong một giây làm cho gương mặt anh như vỡ vụn. Khi tia chớp tắt đi, anh như đã hóa thành một kẻ khác. Một kẻ không biết mình đương làm gì. Tôi gằn giọng: “Bỏ cuốc xuống đi. Tôi sẽ đi liền, ngay bây giờ, cho anh coi. Tôi đã tưởng sự có mặt của tôi ở đây hữu ích. Tôi tưởng gia đình này cần đến tôi. Bây giờ mọi sự đã rõ ràng, anh khỏi lo, tôi đi ngay đây! Mưa gió cũng chẳng sao”. Dứt lời tôi quay thẳng về buồng, khuôn mặt tôi vẫn ướt. Hình như một cơn giận dữ đang cuồn cuộn dâng lên hâm nóng đầu tôi. Nhưng không, chỉ có một sự buồn bã. Chiếc vali của ngày đầu tiên được lôi xuống, hai tay tôi máy móc gấp xếp thu dọn mọi vật dụng, quần áo. Vậy là hết. Sáu tháng ở trong ngôi nhà này, đã bắt đầu nghĩ đến một bến đậu, một người con gái, một mái ấm, đã nghĩ đến một vận hội mới nào vừa mở ra cho cuộc đời mình. Không một điều gì có thật cả. Tiếng khóc thút thít vang lên như một đứa trẻ. Tiếng khóc run run, kềm chế và tuyệt vọng. Tôi dừng hẳn tay lại, ngạc nhiên. Rồi tôi bỏ vali, vội vã chạy ra nhà ngoài.

Cần đã chui xuống gầm trang thờ, ngồi co quắp, nước mắt chảy ròng ròng trên mặt. Thấy tôi, hình như động lòng những tiếng nấc trong cổ họng anh lớn hơn. Ánh chớp bên ngoài từng chập lại lóe lên, soi sáng gian nhà sắc xanh cùng khuôn mặt tái mét của anh. Chiếc cuốc vất chỏng trơ ngoài hàng ba. Tôi quỳ xuống, nắm lấy hai cánh tay anh làm một động tác an ủi. Thật ra tôi không biết chuyện gì xảy ra. Anh bắt đầu nói, qua tiếng nấc, thân hình run rẩy trong tay tôi: “Tôi… tôi nói vậy… chỉ để Quang đi…” — “Tôi hiểu, tôi hiểu” — “Không… Quang không hiểu đâu… Tôi không muốn… Quang ở gần tôi… ở trong căn nhà này… Không tốt…” — “Tôi hiểu rồi, tôi sẽ đi” — “Tôi… không thương Má… không thương Thảo… tôi không có gì ghen tức với Quang”. Anh ngước hai con mắt đờ đẫn lên: “Quang đâu có tin những lời nói ban nãy có thể đến từ tôi phải không?” — “Tôi không tin”. Cần dịu lại: “Đi, đi đi, đừng ở đây”. Anh bỗng giằng tay ra, giựt đứt sợi giây chuyền vàng đang đeo trên cổ, dúi vào bàn tay tôi: “Cầm cái này, chạy đi. Đi liền đi. Đừng để dưỡng trí viện họ bắt lại”. Tôi cầm sợi dây chuyền vàng lá khá nặng đeo trở lại cho Cần: “Làm vậy đâu được, anh Cần. Mà có dưỡng trí viện nào bắt tôi. Chỉ có anh, nếu không nghe tôi bây giờ vô thay quần áo, ngủ một giấc, thì dám dưỡng trí viện đến bắt anh lắm”. Anh co cúm người lại, hai mắt trợn trừng “Đừng! Đừng để dưỡng trí viện bắt tôi!” — “Không, không”. Anh thả đầu xuống vai tôi “Tôi đã từ chối thị xã. Tôi chỉ muốn rong chơi mãi mãi trong rừng chuối. Nhưng chốn ấy không có thể dừng chân lâu dài được. Nó chỉ là một ngày đẹp trời của đời sống, người ta đến chặt chuối, ăn uống, khui rượu đế. Rồi người ta phải trở về, trở về… thị xã hoặc nghĩa địa. Thị xã chẳng có gì tốt đẹp. Nhưng nó là sự quân bình chừng mực mà người ta đã đạt đến, nó là một trận giao tranh không ngừng giữa rừng chuối với nghĩa địa. Người ta không có sự chọn lựa nào khác. Vậy thì anh hãy về thị xã đi. Rán mà sống với những người tỉnh, chấp nhận quy trình của họ. Đừng bắt chước tôi rong chơi quá lâu trong rừng chuối. Bởi vì anh có thể góp phần trồng lên những vườn chuối nho nhỏ trong lòng thị xã. Nhưng nhớ. Cho dù không làm được điều đó, cũng đừng bao giờ để người ta dẫn ngược anh về nghĩa địa….”

*

— Cần! Cần! Con ở đâu? Con ở đâu? Về với má đi con!...

Má Năm xô cửa, đứng sững nhìn tôi, khuôn mặt tàn tạ, héo hắt đi thấy rõ vì phiền não. Đã mười giờ đêm. Tôi buông cuốn sách: “Dạ, con đây má”. Má có vẻ an tâm, đến ngồi xuống bên giường, đưa hai tay rờ rẫm mặt mũi, đầu cổ tôi, rồi Má vuốt tóc tôi, ấn ấn xuống ngực trước khi kéo chăn lên tới cằm: “Coi chừng cảm lạnh nghe con. Ở đây với má, đừng đi đâu hết. Tao có một mình mày là trai, mày mà bỏ má đi, chắc má không sống nổi.” — “Dạ, con ở đây với má, con đâu có đi đâu”. Má Năm gật gù, hài lòng: “Ngày xưa má nuôi chúng nó kháng chiến, đứa nào cũng mập lu khỏe mạnh.” Rồi Má lui ra, khép cửa. Tôi thở dài, quay mình vào vách. Từ hôm Cần chết, Má Năm như quẫn trí, không ngớt gọi tôi bằng tên anh. Nói mấy, Má cũng không nghe. Những lúc Má kích thích cực độ, tôi chỉ còn biết dạ vâng cho Má yên lòng. Mà lạ, Má như tỏ ra trìu mến với tôi hơn khi Cần còn sống. Cả cách Má cạo gió cho tôi cũng khác. Thảo hay đứng ở cửa buồng liếc nhìn Má đánh gió cho tôi. Một đôi bận, tôi nhột nhạt sống lưng quay nhìn bắt gặp ánh mắt Má giận dữ xua đuổi Thảo. Một lần khác tôi lội sông về trúng lạnh, nhiều ngày liền tôi sốt nóng lạnh khắp châu thân, Thảo hái lá lốt già đun sôi rồi để một tấm lưới lên trên nồi cho tôi xông hơi. Thảo trùm tôi kín mít, lâu lâu rờ nắn hai vai hỏi tôi có bớt nhức mỏi chưa. Các ngón tay Thảo làm tôi nhớ đến bàn tay đã rờ rẫm mình nhiều lần trong bóng tối của đêm khuya, lúc Cần còn sống. Có phải là tay Cần hay chính là tay Thảo? Hay tôi đã ngủ mê? Tôi tự hỏi nhiều lần và nhiều lần tự thỏa mãn với lá xông và cách Thảo cho ngải cứu vào lu, đốt, rồi hơ tay chân cho tôi cho đến khi ấm áp. Các ngón tay Thảo dịu êm như lá ngải.

Tôi thiếp ngủ với những dìu dặt nào đó, rồi thức giấc trong trằn trọc, nhìn những lọ thuốc tâm thần còn nằm lăn lóc trên bàn ngủ của Cần, cạnh chiếc máy quay băng trống. Tôi nhìn chúng thèm thuồng, với tay, chạm vào lọ thuốc, rồi kịp định trí, cưỡng lại ý muốn, bước ra nhà ngoài thắp nén hương khấn vài lời với anh.

Cần biến mất khỏi nhà ngay đêm chủ nhật, cái hôm dông gió anh lên cơn làm trận với tôi, nói năng lảm nhảm rồi lả đi… Khi tôi tỉnh giấc, giường anh đã trống; nhìn ra cửa sổ thấy trời quang mây tạnh, tôi yên tâm, lòng cầu mong mọi sự yên ổn. Nhưng anh không bao giờ trở lại. Sau đó, chúng tôi đi khắp nơi, không thấy anh ở đâu. Ba ngày sau, người ta vớt được xác anh tắp vào chân cầu thị xã. Tôi thay mặt Má và Thảo đi nhìn xác anh. Cái xác đã trương phình, trần truồng, vầng trán bầm dập, người ta chỉ có một sợi dây chuyền vàng để trao lại cho tôi.

Nhà chức trách đến điều tra, anh Huynh trưởng công an xã lên tận khu nghĩa địa cổ. Ở đó người ta tìm ra vết tích. Cần đã đập đầu nhiều lần vào một bia đá, rồi nhảy xuống sông tự vận. Anh Huynh lấy lời khai của Má với Thảo ghi vào biên bản. Thảo thu xếp để công an không nhắc đến tôi. Anh Huynh nhìn tôi lạnh lùng trước khi ra về.

Chúng tôi quyết định quàng xác Cần tại bịnh viện. Ma chay được tổ chức sơ sài, vội vã ngay ở đó. Thảo sợ không muốn đem Cần về, vì kiêng kỵ; hơn nữa không khí trong nhà đã quá buồn bã, u ám, chúng tôi muốn tránh tối đa phải nhìn lại cảnh đau thương.

Ngôi nhà quả thực đã trở nên nặng nề khó thở. Ba chúng tôi không còn nói năng gì với nhau. Má Năm rút vào buồng, không động đậy. Tôi với Thảo đi qua đi lại trong nhà, liếc nhìn nhau. Những lúc hiếm hoi Má Năm bước ra, Má hấp tấp chạy tìm tôi, rờ rẫm đầu cổ gọi tôi là Cần. Cái tên Quang hình như đã hoàn toàn bị xóa bỏ khỏi đầu óc Má. Có khi Thảo vì thói quen, cũng lỡ miệng gọi tôi như vậy. Những lúc đó ánh mắt Thảo nửa xin lỗi, nửa khẩn cầu tôi điều chi, cùng lúc trách móc điều gì đó. Một bận tôi gạ chuyện, cầm cườm tay Thảo hỏi sao không đeo vòng xuyến nữa? Thảo đáp đã đem cầm lấy tiền đưa cho anh Huynh chạy giấy khai tử cho Cần, rồi Thảo giựt tay về, khiến tôi lúng túng. Tôi cũng để ý anh Huynh đến nhà thường hơn và chuyện trò thì thầm với Thảo lâu hơn. Những toan tính bí mật mà tôi không được biết, vì cả hai nói chuyện rất nhỏ, gần như thì thào và nhìn dè chừng vào bên trong. Tôi quan sát những lần anh Huynh đến, Thảo đều se lông mày bằng chì và tô môi son bóng. Tôi rình thấy Thảo lựa đồ lót tỉ mỉ, phân vân như đó là một sự quan trọng vô cùng. Tôi luôn rút trong buồng những khi anh Huynh có mặt. Tuy anh không trực tiếp nói chuyện với tôi, nhưng tôi luôn cảm thấy không an toàn mỗi khi anh xuất hiện. Ở con người anh phát ra tín hiệu của nguy biến, làm tôi muốn trốn chạy. Không phải vì tôi sợ, hơn thế nữa, hơn một nỗi sợ, là bản năng và kinh nghiệm bắt tôi phải đề phòng những ai đại diện cho hệ thống.

— Vì sao người ta điều tra anh?

Thảo hỏi sau khi anh Huynh ra về, gương mặt nàng điềm tĩnh lạ thường, làm như nàng đã biết hết lý lịch của tôi và bản án. Câu hỏi của Thảo càng làm cho tôi lo lắng. Tôi đã trải qua nhiều bận, không lần nào thoát… Tôi ấp úng: “…Tôi chỉ có những ý tưởng, tôi không làm hại ai… Tôi không điên…” Tôi lặp lại… “Tôi không điên…”

Thảo gật đầu ra dấu thông cảm, rồi rót cho tôi ly nước mát: “Anh đừng có những ý tưởng nữa, không giúp ích gì được đâu, anh chỉ là một cá nhân. Ở yên đây, vào rừng chuối với em khi anh khỏe. Chuối mật ngọt lắm.”

Tôi ậm ừ…, nhớ lời Cần dặn đừng bao giờ để người ta dẫn ngược vào nghĩa địa… Nghĩa địa cổ nằm ngay sau rừng chuối. Chuối mật… Tôi rúc vào một xó tối âm u, nhìn lên trần, hình như trần nhà là chỗ con người ta tìm kiếm mình nhiều nhất. Tôi cũng kiếm tôi trên đó. Những chiếc bóng của những tàu lá chuối lượn lờ trên trần nhà. Thảo đã bỏ ra. Tôi nhìn cuộn băng không phát âm thanh, không thâu điều gì của Cần nằm lăn lóc. Tôi cho nó vào máy quay, lắng nghe những gì Cần đã nghe thấy, cho đến khi thiếp ngủ.

*

Tôi trở mình, mở mắt nhìn lên trần. Trăng sáng vằng vặc, từ cửa sổ tràn vào soi rõ những cột kèo, những đường cong nét lượn chạm khắc tỉ mỉ trên đó. Đà nhà phải rất xưa, của một không gian nào đó. Không có tiếng dế gáy. Không cả tiếng gió. Mọi vật yên tĩnh đến cùng cực. Máy quay băng vẫn còn quay. Không tiếng động. Tôi bồn chồn xoay trở. Trời quá nóng. Đêm như địa ngục. Mồ hôi tôi xuất ra ướt đằm áo, thấm xuống giường, xuống gối. Tất cả ướt đẫm. Hình như ở trong tôi không còn nước, chỉ còn sự khô ran, khô hạn. Hình như tôi không có sự buồn thương, tiếc nuối nào cho cái chết của Cần. Hay đúng hơn, trong sự buồng thương tiếc nuối đó, từ mấy hôm nay đã có chen lẫn một cảm giác khoái lạc của kẻ chiến thắng. Cái chướng ngại duy nhất như đã bị đốn ngã. Dù muốn dù không, tôi còn lại là người đàn ông cuối cùng của gia đình này. Dù muốn dù không người ta cần đến tôi. Bây giờ nếu tôi mở miệng xin từ giã, người ta không khỏi níu kéo, kèo nài… Ban chiều đi ngang chòi tắm che phên cuối vườn, nghe tiếng nước dội, rửa ráy kỳ cọ của Thảo, lần đầu tiên tôi đã dám đứng dừng lại, quay đầu nhìn thẳng về phía đó, đứng nghe một lúc lâu và mường tượng ra những hình ảnh… Tôi đã rình thật lâu, đã muốn nhìn qua khe cửa… Không, tại sao tôi lại nghĩ đến chuyện đó trong lúc này! Tôi sắp trở thành loạn trí như Cần rồi! Tôi rán định tâm. Lòng tôi hồi tưởng lại những buổi nói chuyện tương đắc với anh, và những giọt nước mắt sau cùng anh đã đổ ra với tôi.

Thật ra từ sâu kín tôi có gì ghét bỏ Cần. Nếu không nói trong mối giao tình của chúng tôi, chính anh mới luôn luôn là nạn nhân, phải chịu đựng những mỉa mai, xa cách từ phía tôi. Có lẽ chưa bao giờ tôi làm được người bạn thân thiết thực sự của anh. Tôi nào có muốn đối xử với anh như vậy, nhưng những mặc cảm, những ganh ghét nhỏ mọn trong tôi còn quá lớn để tâm hồn có thể tìm về được một cõi yên tịnh. Miệng tôi lẩm nhẩm một câu niệm kinh. Mặt nước đen quanh tôi vẫn đầy mênh mông. Trăng soi rưng rức, sáng trưng thành một lớp bạc mạ. Con đò của tôi bỗng có lỗ rò! Nước dâng lên mãi, lên mãi. Tôi chìm dần, hai tay chới với, xoay trở khó khăn trong nước. Những con heo đen tôi chở trên đò cũng bị đắm, đang bơi bì bõm. Sao những con heo màu đen? Khi còn ở trong chuồng chúng màu trắng kia mà!

Tôi vùng dậy. Giấc ngủ đổ sụp như gáo nước xối. Cuộn băng vẫn tiếp tục quay. Tôi còn mụ mị nhưng lờ mờ hiểu vì sao Cần cần nghe nó, anh thâu những thinh không của vũ trụ. Những âm thanh inh ỏi rầm rập, phát ra từ lỗ đen của không gian, nhưng xuống đến mặt đất là sự im lặng. Cần nghe thấy. Tôi cũng bắt đầu nghe thấy. Hệ thống có thể cắm vào con người nhiều thứ âm thanh khác nhưng con người vẫn nghe ra thứ âm thanh tinh tuyền của vạn vật. Giáo điều chưa thể cấm cản con người nghe những gì bên ngoài hệ thống. Tiếng động dồn dập từ cuộn băng mỗi lúc một lớn. Những tiếng gào, đòi quyền sống và làm người…

— Cần! Cần!

Cửa buồng bung ra. Má Năm xuất hiện, đờ đẫn dưới ánh trăng, hai con mắt xa vắng. Tôi dụi mắt, tỉnh hẳn. Má Năm mặc áo bà ba lụa trắng nổi vân tím, những chiếc nhẫn, chiếc vòng lấp lánh sáng ở ngón và cổ tay. Dễ đã nửa đêm. “Cần, Cần, tỉnh dậy! Tỉnh dậy đi chơi với má đi con!” Vừa lảm nhảm Má vừa quờ quạng tiến về phía giường. Tôi nhổm hẳn dậy. Má nắm cánh tay tôi kéo đi, tha thiết “Cần, ra đi chơi với má, trăng sáng lắm con không thích sao?” Tôi trì lại. Bất ngờ Má gồng sức, lôi tôi một cái ra tới bìa giường. “Thằng Cần, cái đồ bất hiếu! Tao nuôi lâu nay tốn bao nhiêu tiền của, mày chỉ chực bỏ nhà chạy trốn. Mày không bao giờ biết thương má, thương em mày. Trời đánh thánh vật mày cho rảnh mắt tao!” Tôi giựt tay ra khỏi tay Má, nhảy xuống giường: “Má lầm rồi! Tôi là Quang. Tôi không phải Cần”. “Không phải Cần!” Má Năm trợn mắt lên nhìn tôi. “Má lầm to rồi, to lắm. Tôi không phải Cần.” — “Cần… vậy là… con không đi chơi với má?” Má thều thào. Tôi gằn giọng: “Cần nó chết rồi. Bộ má điên sao mà không biết?” Má Năm lùi dần, lùi dần ra tới ngưỡng cửa. Tôi hối hận vì những lời đã nói. Chợt Má ngửa đầu, cười hăng hắc, mắt trắng dã điên dại thấy rõ. Tôi chưa kịp động tịnh, Má hú lên một tiếng, thoắt cái biến mất xuống nhà sau.

*

Tôi đâm bổ theo Má. Không ngờ Má Năm bình thường từ tốn chậm rãi, mà bây giờ có thể chạy nhanh như vậy. Chưa chi, tôi thấy Má như con trâu cái tuôn qua vườn, xô cánh cửa mạch, vụt một cái băng băng giữa cánh đồng, chạy về phía những cánh rừng đen thẵm. Tôi chạy hết lực, không đuổi kịp Má. “Ha ha!... Ha ha ha!...” Tiếng cười của Má chốc chốc vọng lại. Chiếc áo cánh lấp lánh dưới trăng, ẩn hiện qua những thân cây, bụi rậm. “Ha ha ha…” Tiếng cười của Má dội lại từ những tùm lá. Má chạy phía trước, như con ngựa trắng phi nước kiệu. Tôi lao phía sau. Chúng tôi qua khỏi rừng dừa, rồi rừng chuối, những tàu chuối thấp phần phật đập ngược lên thân mình tôi. Những tàu lá như roi, lúc nồng nặc mùi mật, khi hăng hắc nhựa. Tôi nghe tiếng thở của mình hào hển, mệt đuối nhưng Má vẫn cắm mình về phía trước… Khu rừng bây giờ hoang dã, khô khan, những thân cây xù xì mọc hỗn độn, những khúc cây đen quánh trồi lên như tượng. Các bụi rậm to lớn, gai góc đâm xước trên mặt trên tay tôi đau điếng, cỏ dại cao ngang đầu gối, rạp xuống từng mảng phát lên âm thanh sắc nhọn. Có lúc tôi thấy bóng Má đứng thẳng ngay phía trước, nhào theo, liền bị chặn lại bởi những bụi cây, những chướng ngại không ngờ. Chẳng lẽ Má thuộc lòng con đường, từng chỗ quanh, lối quẹo. Vừa chạy tôi thầm khấn anh Cần nếu sống khôn thác thiêng thì làm ơn chặn Má giùm tôi chứ tôi không còn biết phải hành động ra sao nữa…

Tôi dừng phắt lại. Trăng tràn trề tắm sáng một vùng quang đãng, những bia mộ bất động nổi lên, loang lở và đen tối từ dòng trăng. Quang cảnh bãi tha ma ngập hơi sương. Má Năm ngồi sững trên một mộ đá, nhìn tôi. Hơi thở tôi dồn dập vang lên giữa không gian im vắng. Mồ hôi tuôn nhớp, ướt đầm mình mẩy, như tôi vừa bước lên từ con sông nào đó ngoài kia, con sông bị che lấp bởi chiếc bóng nặng nề của rừng đen, tôi không nhìn thấy. Tôi bước lần về phía Má. Những ngôi mộ đất đã mất gò, không còn lại dấu vết gì ngoài những tấm bia xiêu vẹo, nghiêng đổ, hầu hết chúng cụt đầu, cụt thân, những mảnh đá cổ rơi vỡ gập ghềnh, lạo xạo dưới bước chân tôi; rải rác đây đó một vài nắp mộ đã bật, một số khác bằng đá, gần như còn nguyên, có lẽ đã được xây lên rất trễ trong những đời sau. Má Năm ngồi bất động trên một trong những ngôi mộ đó.

“Cần con, tới đây, tới đây với Má”. Tôi đã đứng trước mặt Má. Tôi nghe tiếng tim mình còn đập mạnh và tiếng những hơi thở đứt quãng cuối cùng vang lên. Như hơi thở của ai khác còn hào hễn mà không phải của tôi, từ một lòng phổi vạm vỡ nào khác. Má từ từ đứng dậy, tiến tới gần tôi. Hai tay Má giơ ra đặt lên vai tôi. “Phải đó, Cần con, con ngoan ngoãn như vầy má thương.” Má nhìn tôi trân trối. “Má rất hài lòng”. Má ôm lấy tôi, khuôn mặt Má rướn lên, hôn vào trán tôi. Phựt! Tôi giật bắn mình. Manh áo ngủ trước ngực tôi phanh ra, mấy hột nút đứt tung.

Má Năm lùi lại trước ngôi mộ. Má bắt đầu cởi áo. Chiếc áo bà ba lụa phất rơi xuống mặt đất, rồi chiếc nịt vú thêu ren, quần lãnh, quần lót… Má nằm ngửa xuống, sõng soài trên mặt đá. Mồ hôi tôi tiếp tục chảy ra. Lần đầu tiên tôi chú ý đến bộ ngực còn to và chiếc mông đầy của người đàn bà chỉ mới sáu mươi. Ở dưới khuôn mặt có hai vệt lõm tối, thân hình má duỗi dài, chân dạng ra, tươi tốt như một vùng đất thịt còn trồng trọt được, bất ngờ nhìn thấy trên một sườn núi. “Cần, tới đây, tới đây con… Chỗ này do chính con lựa, vì ít rêu, mặt đá láng, bộ con không nhớ sao?” Tôi tiến tới. Trăng rơi nhễ nhại trên da thịt Má, nhiễu dài từng đường lóng lánh trên mỗi phần nhô, chỗ lõm. “Không, không, tôi không phải là Cần.” — tôi thốt lên. Má nhỏm dậy nhìn tôi.

“Anh Cần!” Tôi quay lại. Thảo tiến tới từ trong bóng tối, khỏa thân, lồ lộ như pho tượng cẩm thạch chạm nổi biết di động dưới trăng. Nàng từ từ ghé xuống bên Má, khuôn mặt đẹp kỳ bí, môi hai người chạm nhau, lưỡi quấn quýt. Tôi tê dại trong một giấc mộng. Lẽ nào tôi thấy ảo giác? Hay tôi vẫn còn đương ngủ mơ? Thảo chậm rãi rời Má, đến đứng trước mặt tôi. Nàng đưa tay xoa đầu tôi, mơn trớn nhẹ nhàng rồi bất ngờ siết mạnh khiến tôi phải há miệng vì đau hai màng tang, Thảo luồn ngay lưỡi nàng vào như đuôi rắn lục chui vào cuống họng tôi, quấn hết phủ tạng trong người tôi. Hai tay nàng ghì chặt, ghị mỗi lúc một mạnh làm tôi gập chân, khuỵu xuống. “Yêu Má, yêu Thảo đi anh!” Thảo ghim mặt tôi vào bụng nàng. Trên đầu mình, tôi nghe tiếng một hơi thở thoát ra, sung sướng. Hông Thảo rung lên từng cơn, trong lúc mười ngón tay vẫn bấu nghiếng lấy đầu tôi ấn vào chỗ ẩm ướt của nàng. Tôi quỳ trước bụng Thảo dãy dụa nhưng không sao thoát ra khỏi. Tôi bỗng thấy lạnh ở gáy. Cái cảm giác bít bùng thiếu dưỡng khí, cùng lúc nhột nhạt, ngứa ngáy không thể chịu đựng nổi. Tôi giằng ra, quay vụt đầu lại. Má Năm đã quỳ xuống sau lưng tôi, cặp mắt sáng lạnh nổi lên trên nền đen. Khuôn mặt tinh quái, thỏa mãn.

— Má! Má biết tôi không phải là Cần… phải không? Tôi kêu lớn.

Má cười dịu, cầm sợi dây chuyền vàng đeo quanh cổ tôi. Tôi ngồi yên cho Má làm. Chất kim loại chạm lạnh lên da trần, nằm lại ở đó. Tứ chi tôi bỗng dưng nhũn đi.

— Phải. Con không là Cần. Con là Quang. Thằng Cần chết rồi. Bây giờ con là con của Má, anh của Thảo. Tất cả những gì của Má, của Thảo và của Cần là của con.

Má cười hăng hắc. Tôi bừng dậy, xô mạnh. Pho tượng cẩm thạch ngã nhào xuống nhưng hai bàn tay xương xẩu có móng sơn đỏ chót vẫn bấu chặt lấy tôi. Tôi bóp cổ nó. Những chiếc móng lơi lả. Tôi vùng chạy.

*

Quang điên, nhưng thường rất khó chịu khi có ai nhắc nhở tới điều đó. Anh đã làm nhiều cố gắng để trở lại với đời sống bình thường, chịu khó làm việc, suy nghĩ, sinh hoạt như một người tỉnh. Điều đó không ngăn anh đã và còn đang là một người điên. Mặc dù vậy, cái ngày anh gõ cửa xin tá túc với ba tấm giấy — một của dưỡng trí viện, một của ông chủ Phát Lợi, còn tấm kia là giấy mỗi tháng phải ra Công an xã trình diện — Má đã hết sức mừng rỡ.

Trước đó Má đã nghĩ tới chuyện lên bệnh viện xin nhận nuôi thêm một người con trai. Cần bước vào giai đoạn khủng hoảng nặng nề, Má nghĩ rằng anh sống quá cô lập, thiếu bạn bè, thiếu giao tế. Phải có một người đồng cảnh để gần gũi, chia xẻ thường xuyên với anh, và để lỡ về sau… Việc này không có gì khó. Chúng tôi biết bệnh viện thường gặp nan đề khi phải giải quyết trường hợp những bịnh nhân dài ngày, nay lành bịnh hay đã bớt bịnh — nhưng không có gia đình, hoặc thân nhân sợ liên lụy từ bỏ — không còn ai bảo lãnh nhưng vẫn phải đưa về địa phương quản lý.

Điều kiện để người con trai đó về sống với chúng tôi: phải bịnh nhẹ, không nguy hiểm, hiền lành, ngoan ngoãn. Chưa có tiền án cướp của. Khù khờ ngớ ngẩn một chút càng hay. Quang hầu như hội đủ mọi điều. Trừ ra anh có cái tật suy nghĩ quá nhiều. Cái đầu anh xoay vần vần không thôi. Những câu chuyện thường khi kỳ quặc, không đầu đuôi của anh làm tôi ngán ngẩm. Anh cũng bị ám ảnh quá đáng vì những ý tưởng phải tranh đấu cho bản thân và người khác… Quang muốn một xã hội tốt lành để anh có thể sống lành mạnh và anh bắt đầu viết truyền đơn rêu rao, cho đến khi bị bắt. Công an giám định anh bị phức loạn thần kinh và đưa anh đi điều trị. Một tuần trước khi Quang gõ cửa, anh Huynh trưởng công an xã đến gặp Má để dàn xếp. Má nhận nuôi anh Quang với điều kiện xã cấp giấy cho Má khai thác khúc rừng chuối trước nghĩa địa. Anh Huynh đòi chia phần hời 4/10. Má ưng thuận. Nhưng mỗi ngày Quang một thêm bất thường, tôi ngờ rằng bao nhiêu bịnh tình của anh trước kia bột phát trở lại. Bổn phận của tôi, theo công an xã yêu cầu, là theo dõi và báo cáo các suy nghĩ của Quang, anh Huynh chỉ quan tâm đến tinh thần của Quang, còn thân xác anh thì cho chúng tôi hưởng.

Một đôi khi tôi cũng thương hại Quang, nhưng tự nhủ thầm anh là cặn bã của xã hội, không nên luyến tiếc. Sống bên bìa thị xã, bao nhiêu lâu nay má con tôi đã sống hết sức hạnh phúc. Tình thương Má dành cho tôi như trời biển, tôi không biết lấy gì đền đáp. Tôi chỉ nguyện dâng cho Má tất cả cuộc đời tôi, trả ơn những gì đã thụ hưởng và bù đắp lại bao điều mất mát cho đời Má, như Má đã dâng trọn tuổi trẻ nuôi các anh hùng, kể cả cha tôi, cho đến khi cha thành liệt sĩ. Tôi lớn lên trong sự bao che của Má, nếm biết được cái khoái lạc tột đỉnh của mối liên hệ vẹn toàn, thỏa mãn và mật thiết nhất trong tình mẫu tử. Quan hệ giữa tôi với Má càng thêm khắn khít khi bản chất đàn bà tự nhiên trong tôi bừng dậy, đồng thời với những ong bướm bắt đầu lượn quanh ve vãn. Chúng tôi căm thù, khinh bỉ đàn ông, nhưng tôi nhận ra rằng từ trong thâm tâm cả tôi lẫn Má vẫn còn khao khát, vẫn phải cần đến họ. Đàn ông có những bắp thịt mà chúng tôi không có, có cái mùi khác với chúng tôi, có những thứ chúng tôi thiếu. Họ đem lại cho ngôi nhà chúng tôi một sinh động, một kích thích tố mới cực kỳ sung mãn. Rồi Cần đến, được lựa ra từ đám bịnh nhân tứ cố vô thân chờ đưa về địa phương giáo dục. Cần cũng như Quang, có những ý tưởng lạ đời muốn cải cách hệ thống. Chúng tôi xếp hàng làm thủ tục đón nhận anh, như từng xếp hàng đợi phát thịt cá một thập niên trước đây. Ngay từ đầu tôi đã biết Cần không mê tôi nên việc anh ra đi, tôi không thấy mất mát.

Chúng tôi kéo được xác Quang ra tới bờ sông. Nước lớn, trăng nhuộm vàng mênh mông. Quang nằm sõng sượt, một mảng áo bị rách, phô ra những bắp thịt săn chắc của người đàn ông trẻ đương độ sung sức. Tôi nhìn xuống cái xác, tự dưng thấy thèm và hơi tiếc nuối. Quang không đẹp trai, không cao lớn bằng Cần, nhưng gương mặt anh có cái vẻ thông minh và thành thật coi rất hay. Thân thể anh cũng tầm thước, dễ nhìn. Nhiều đêm tôi đã rình xem cảnh Quang với Cần tự vuốt ve nhau, da thịt hai người đàn ông óng ánh mồ hôi như bôi dầu làm dậy lên trong mình tôi sự ham muốn. Mấy bận tôi cũng rờ mó được cả hai trong lúc họ ngủ, nếm được vị mặn âm ẩm ở bụng họ. Lúc Quang bóp cổ định giết Má, một lần nữa nhanh như cắt, Má với tay chụp cục gạch sau lưng. Cánh tay Má phóng vun vút, khỏe như con hổ cái lâm trận. Nhìn Má, tôi hiểu vì sao Má được cấp bằng khen sau chiến tranh. Chính tôi cũng không ngờ Má còn khỏe vậy. Đêm chủ nhật đó, gần như tôi và Má phải áp giải Cần vào rừng. Ở nghĩa địa, lúc anh trở cơn la hú, gào thét điên loạn, Má nổi giận với cục gạch bể, đập vào đầu anh. Phút đó Má mạnh như đàn ông, ra tay nhanh gọn, bất ngờ. Cần chết ngay ở cái đập thứ hai.

Nhưng Quang không chết nhanh như Cần, mặc dù hai cánh tay Má dẻo dai vụt tới tấp xuống đầu anh. Quang ngã xuống, rên rỉ đau đớn, hai con mắt còn nhìn lên Má. Má phải đập liên hồi, thật mạnh thêm nhiều lần nữa cho đến khi mặt Quang là một đống bầy nhầy, anh mới chết hẳn.

Má xốc cổ anh, lôi sền sệt tới tấm bia, dí trán vào một cạnh đá. Cạnh bia góc bên kia còn vệt máu khô của Cần.

“Bõm!” Má vừa dang tay, ném luôn cục gạch xuống sông. Bây giờ thì không còn gì nữa, chỉ có một khoảng trống.

“Hứ! Cái đồ phản động giả vờ điên. Cái đồ ăn nhờ ở đậu, tiền không đủ cơm hai bữa, mà không biết thân. Má con mình làm chuyện công đức, nuôi nấng, cung ứng cho tụi nó hết thảy mọi thứ từ tinh thần tới vật chất không thiếu món gì, rút cuộc chỉ có chuốc họa. May có thằng Huynh thông cảm.”

“Bõm!” Cái xác chì lỉm, mặt sông đen tuyền lấp lại, không còn dấu vết. Chúng tôi đứng nhìn theo, hình như cùng ngẩn ngơ. Một khoảng trống to lớn vừa xuất hiện, đứng sừng sững trước mặt chúng tôi. Chúng tôi không còn biết phải làm gì nữa. Mọi sự đã xong. Một tấn kịch đã hạ màn.

“Vậy là xong xuôi, hai thằng điên - cặp bài trùng - rủ nhau chết chung cùng một kiểu, một chỗ, trước sau cách nhau một tuần lễ. Có thánh mới tìm ra!” Má nói, vuốt mồ hôi trán.

Nghĩ sao, Má lại nói: “Kể cũng tội nghiệp… hai đứa chúng nó sinh ra lộn kiếp. Sống không ra sống, chết không ra chết, hồn ở ngoài xác. Đáng lẽ chết từ trong bụng mẹ còn sướng hơn… Tao cũng nóng giận quá, không phải… Thôi má con mình vầy là cũng phóng sanh cho chúng nó, như xưa tao phóng sanh cho mấy thằng trưởng ấp… Công đức mình chồng chất mấy lâu nay chắc cũng đủ chuộc lỗi với Trời. Dầu gì thằng Huynh cũng có nói tao tùy tiện xử lý.”

Má thở dài. Chợt Má quay lại, nhìn tôi. Cái nhìn lom lom làm tôi nhột nhạt mình mẩy. Má nhìn tôi từ đầu đến chân, hai mắt Má nheo nheo:

— Mày lấy chồng đi.

— Má điên rồi!

Tôi nói như la lên. Hình ảnh một cái xác thứ ba hiện lên trong tâm trí. Hai kẻ điên diện phản động cùng tự vận chết, thiên hạ cũng còn chấp nhận được… nhưng đó là cái giới hạn cuối cùng.

— Thằng Định ở xóm dưới đọc thông, khôi ngô lực lưỡng, cũng còn đang bị quản chế. Nó đeo đuổi mày mấy lâu nay…

— Má…!

— Cái thằng trẻ người mà xấu tính! Má cười khúc khúc trong cổ họng. Mặt mày tự nhiên thư thái — Mày không biết chớ, cái bữa tao kêu nó tới tráng miếng xi-măng bể ngoài sân, hồi nó xong việc, tao đang thay cái áo trong buồng, không đóng cửa… Nó đứng núp sau cây cột, ngó tao chằm chằm, mắt nổi gân. Tao hắng giọng, kêu “Định!” Nó hết hồn thò ra, sụp xuống vái tao như tế sao, nói Má tha tội con lỡ dại một lần… Hay thằng Huynh, mày giao cấu với nói rồi dụ nó cấp đất nghĩa địa cho má con mình xây thêm nhà trọ, chia 4/10… Chẳng gì mình cũng giúp nó giải quyết mấy thằng điên thành phố. Tao nuôi chiến sĩ lâu rồi tao biết, chúng nó ưa tiền và gái.

Tôi nhắm mắt. Thân hình thằng đàn ông trần truồng cong rướn, dãy dãy, vâng phục ngoan ngoãn hoàn toàn dưới sự sai bảo điểu khiển như ý của hai má con bỗng hiện lên thành một dòng điện chạy suốt qua từng lỗ chân lông, làm nở hết mọi tế bào ngây ngất của cơ thể. Tôi đang thèm thuồng. Phải, tôi quá thèm thuồng. Một tuần lễ nay Cần chết, tôi với Má chưa gần gũi. Giờ thêm Quang chết, phải lâu nữa chúng tôi mới có thể gần đàn ông. Tôi nhìn chiếc áo bà ba mặc vội, chưa kịp cài hết cúc rơi trễ trên vai Má. Tôi liếm môi, đưa tay về phía Má.

Má đẩy tay tôi ra, gài lại cúc áo, lắc đầu:

— Khoan, bây giờ tao phải về nhà. Chuyện trước mắt là tao phải tụng kinh, cầu nguyện cho vong hồn hai đứa nó siêu thoát.

Lưu Uyên Khôi & Trần Vũ, Paris tháng 1-1990

Bản in đầu tiên trên tạp chí Văn Học số 49 tháng 3-1990

TV xem lại và hiệu đính tháng 1-2017

Văn bản do Trần Vũ cung cấp