Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 19 tháng 12, 2018

Đọc Kiều của Trương Vĩnh Ký, nghĩ về ngôn ngữ Việt & một vài khía cạnh biến đổi ngữ âm, ngữ nghĩa trong tiếng Việt (*) (kỳ 2)

    Bùi Vĩnh Phúc

    ● Trong hai câu “Nguồn đào lạc lối đâu mà đến đây? Thưa rằng: thinh-khí xưa nay”, ta có Thinh/Thanh khí (i > a và a > i). Đây là một biến âm ta thấy rất thường giữa “trong Nam” và “ngoài Bắc”.

    Hai cặp chữ hay được thấy nhất là sanh/sinh và tánh/tính (nhưng người ta có thể nói tánh tình mà không thể nói *tánh tành. Cũng như hai nguyên âm giữa đóng ⟨ơ⟩ và nguyên âm giữa nửa mở ⟨â⟩, ở một số từ, có thể dùng thay đổi cho nhau, đặc biệt trong hai phương ngữ Nam và Bắc, như “nhơn dân” và “nhân dân” (hoặc “nhơn dơn”, như đã nói, mặc dù hiếm thấy).

    Trở lại với biến âm i > a và a > i, ta để ý từ “Sanh” được dùng nhiều trong văn thơ Nôm cổ. Trong Kiều chẳng hạn: “Tan sương đã thấy bóng người. Quanh tường ra ý tìm tòi ngẩn ngơ. Sanh đà có ý đợi chờ. Cách tường lên tiếng xa đưa ướm lòng.”. Ở đây, ta biết “Sanh” là “Sinh”, từ dùng để chỉ một chàng trai có học, ở đây chỉ Kim Trọng. Sanh/Sinh, a > i. Ngoài ra, cũng có dạng biến âm ngược lại, i > a, như trong “thinh khí”/”thanh khí” đã nói ở trên. Như thế, trong các trường hợp khảo sát, ta có thể viết là i > < a.

    Người ta nói và viết “thanh khí”, “học sinh” và “hy sinh” nhiều và thường hơn là “thinh khí”, “học sanh”, và “hy sanh”. “Thinh khí” mang một âm hưởng quá “cổ” và cũ. “Tiên sanh” và “môn sanh” cũng thế. Thậm chí, trong thời hiện đại, nếu dùng những từ “học sanh”, hay “hy sanh”, người ta cũng dễ có cảm giác “cổ”. Chưa kể là trong một vài trường hợp, nó còn được sử dụng phần nào có tính “đùa nghịch”. Như trong những câu hát của Ban AVT: “Báo đăng cô nữ học sanh. Cha mẹ nghiêm khắc cấm mình “phi-dê”. Giận đời vì thấy mình “quê”. Mua chai thuốc chuột đem về uống chơi…”. Hay trong câu “ca dao thời đại”: “Nếu không gọi chú bằng anh, Chắc là chú phải hy sanh cuộc đời”. Đời sống thì có thể có những đùa vui như vậy, nhưng, thật ra, ngôn ngữ là một quy ước, và nó cũng bắt nguồn từ tiếng nói, trong đó có tiếng nói của địa phương mà ta gọi là phương ngữ. Nó không có gì sai trong lời ăn tiếng nói của người dân. Về mặt chữ viết, đối với những từ, những âm cùng được chấp nhận là hợp chính tả/chánh tả, người ta có thể dùng thay đổi. Vấn đề là thói quen của từng thời kỳ, thời đại. Hay thói quen của vùng miền. Hoặc vì chính sách quy chuẩn hoá của chính phủ về mặt ghi âm, về cách viết trong các từ điển, sách vở.

    ● Ngoài những từ có sanh/sinh như vừa nói, ta còn có “bình sanh”/ “bình sinh”, “sanh tiền”/ “sinh tiền”, “sanh thời” /”sinh thời”. Và, đặc biệt, từ “sinh thì” (không có *sanh thì). “Thì” là “thời”, bởi thế, thoạt nhìn, ta có thể nghĩ “sinh thì” là “sinh thời” hay “sanh thời”. Thật ra, không phải như thế.

    “Sinh thì” là một từ có một nghĩa đặc biệt đối với người theo đạo Công Giáo tại Việt Nam. Nó là một từ thường được chỉ lúc Chúa chết, trong các kinh nguyện và ngắm; mở rộng nghĩa ra, để chỉ khi một người có đạo qua đời. Gần như tất cả các từ điển tiếng Việt, trong đó có Từ Điển Hán Việt của Đào Duy Anh, Việt Nam Tự Điển của hội Khai Trí Tiến Đức, Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ, Đại Từ Điển Tiếng Việt do Nguyễn Như Ý chủ biên (của nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin, in năm 1999), đều không có từ “Sinh thì”, chỉ có từ Sinh thời, Sanh thời, Sinh tiền, hay, có khi, Sênh tiền. Tất cả những từ vừa nói đều chỉ về giai đoạn còn sống của một người nay đã không còn nữa. Tuy nhiên, các từ điển do người Công Giáo viết như Từ Điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes, Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Paulus Của, Tự Điển của Pigneau de Béhaine cuối thế kỷ XVIII, Từ điển của Génibrel cuối thế kỷ XIX, Dictionarium Anamitico-Latinum của Đức Giám Mục Taberd xuất bản năm 1838, và trong nhiều văn bản Công giáo khác như Thánh Giáo Yếu Lý, Kinh Cầu Bảo Đàng Cho Kẻ Rình Sinh Thì, Ngắm 15 Sự Thương Khó Đức Chúa Giêsu, v.v., đều có từ “sinh thì”. Và từ này được hiểu là “chết”.

    Ta có thể nói nhiều và kỹ hơn về vấn đề ngữ nguyên của từ này, để hiểu tại sao lại có sự dùng từ “sinh thì” một cách đặc biệt như thế. Và ta có thể dựa trên các tài liệu ngôn ngữ đã có để trình bày vấn đề. Tuy nhiên, ở đây, tôi chỉ xin nói gọn. Chẳng hạn, Alexandre de Rhodes, trong Từ điển Việt-Bồ-La, giải thích: “sinh ascendo (lên), sinh thì ascensus hora (giờ lên) - đã sinh thì iam mortuus est (đã chết)... Chúng tôi mượn cách nói nơi người Lương dân, để chỉ ý nghĩa sự chết của người Ki-tô hữu như đi lên với Thiên Chúa”. “Sinh”, như thế, được hiểu là “lên”, là “chết”. Các phân tích ngôn ngữ cho biết người Tàu phát âm chữ “sinh” 生, theo nghĩa “sinh đẻ” hay “sống”, là shēng (giống giọng Bắc Kinh hiện tại). Và họ cũng phát âm chữ “thăng” 升, theo nghĩa là “(bay) lên”, y hệt như thế. Chính sự phát âm giống nhau như thế đã đưa đến một sự lộn nghĩa, hay trộn nghĩa. Nhưng cách sử dụng và giải thích từ “sinh thì” của Alexandre de Rhodes cho thấy ý hướng về một niềm tin tôn giáo. “Sinh thì” có nghĩa là “lúc chết”, là “thăng thì”, là “giờ lên”, “lúc (bay) lên (với Thiên Chúa)”.

    Ta cũng có thể xem đó là một lối dùng “uyển ngữ”, nếu không xét đến niềm tin kia. Dù sao, tôi nghĩ, nếu nhìn theo hướng thần học Công Giáo, thì đối với người tín hữu, chết tức là giây phút sống thật. Là lúc được trở về nhà Cha, trở về với Thiên Chúa. Câu chúc “Felix Dies Natalis!” bằng tiếng Latinh, có nghĩa như “Happy Birthday” trong tiếng Anh. Trong ý thức về ý nghĩa của sự chết, giáo hội Công Giáo kính lễ các thánh, đặc biệt các thánh tử đạo, vào ngày họ mất, và ngày đó được gọi là “Dies Natalis”, ngày sinh. Ngày các vị được sinh vào Nước Trời, hay ngày các vị được trở về “quê thật”, về “cõi hằng sống”. Tinh thần này cũng được biểu hiện trong dụ ngôn Chúa Jesus rao giảng: Nếu một hạt lúa được gieo vào lòng đất mà không chết đi, nó sẽ trơ trọi một mình mà thôi; nhưng nếu nó mục rã và chết đi, nó sẽ sinh ra nhiều bông hạt khác. “Chết”, ở đây, được hiểu là chết cho những gì cao quý, tốt đẹp. Chết cho anh em, bạn bè, cho người khác, chết cho chân lý, trong tinh thần được Phúc Âm rao giảng. Sự chết, như thế, trong tinh thần và tín lý Công giáo, chính là sự sống đời đời. (8)

    ● “Thoắt đâu thấy một tiểu kiều. Có chìu phong-vận, có chìu thanh-tân” (dị

    bản: có chiều). Trương Vĩnh Ký giải thích từ “Phong-vận” là xinh tốt, còn “Thanh-tân” là sạch sẽ. Trong quyển “Truyện Kiều” do Trần Nho Thìn chủ biên & Nguyễn Tuấn Cường khảo dị, chú thích, bình luận, ta thấy ghi:

    Phong vận: yểu điệu, đoan trang; Thanh tân: còn trong trắng, còn son, chưa có chồng con.

    Ta thấy cách giải thích gọn ghẽ và giản dị, có phần mộc mạc của TVK, là để nhắm vào mục đích sao cho người dân hiểu được ngay những từ Hán-Việt có vẻ cao sang. Ông không dùng những từ Hán-Việt khác, như chúng ta sau này, khi trình độ Việt ngữ của người Việt đã được nâng cao, để giải thích một từ gốc Hán-Việt. Ông tìm những từ giản dị, dễ hiểu, thậm chí là mộc mạc, dân dã để giải thích. Bởi thế, ta không nên nói, như cách phê bình của Phạm Quỳnh sau này, là sách của TVK là để viết cho trẻ con đọc. Phạm Quỳnh là một người rất giỏi, và cũng đã đóng góp được nhiều điều tốt đẹp cho văn học Việt Nam, đặc biệt qua công sức của ông khi đứng vai vừa chủ nhiệm vừa chủ bút cho tờ Nam Phong tạp chí. Ông cũng là một người rất yêu Truyện Kiều. Nhưng khi phát biểu câu nói trên, Phạm Quỳnh không để ý đến mục tiêu và đối tượng của Trương Vĩnh Ký. Phạm Quỳnh sống sau TVK khoảng trên dưới 60 năm. Là người cũng có công quảng bá và phát triển tiếng Việt, Phạm Quỳnh là một nhà văn hoá, một nhà văn và một nhà báo, người đã đi tiên phong trong việc dùng chữ Quốc ngữ (thay cho chữ Nho hay chữ Pháp) để viết nghiên cứu, lý luận. Thời của hai vị ấy khác nhau, và mục tiêu nhắm đến của hai người cũng khác. Ta nên để ý điều ấy.

    ● “Nỗi riêng dập dập sóng dồi. Nghĩ đòi cơn lại sụt sùi đòi cơn” (dị bản: lớp lớp).

    Từ điển Việt-Bồ-La có ghi mục từ “bloc”. Sơn bloc ra”. Ta thấy, chỗ này, bl- của bloc đã có sự biến đổi. Nó để rụng âm lỏng l- (âm tố thứ nhì trong tổ hợp phụ âm bl-), cho ta từ bóc (như, “Sơn bị bóc ra”); hay nó để rụng âm tố đầu b-, cho ta từ lóc (như trong tường vôi bị lóc từng mảng). Ngoài ra, bl- cũng biến đổi thành /j/ theo quy luật chung (giống như blăng > giăng, blanh > gianh, blầu > giầu …). (9) Như thế, bl- có thể chuyển thành l-, rồi l- có thể chuyển thành gi- hay tr-, như trong (Đức Chúa) Blời > Lời > Giời/Trời. (Từ “giời” này, trong Đức Chúa Giời, hay trong “Ngoài giời mưa bụi bay” của nhà thơ Vũ Đình Liên trong bài “Ông Đồ”, được xem là phương ngữ của miền Bắc.)

    Trong sự cấu tạo chữ Nôm, người ta cũng thấy có sự chuyển từ âm Hán l- qua âm Nôm tr- (như trong: lai 來 > trai , luận 論 > trọn 論). Sự chuyển đổi này cũng thuộc mô hình bl, tl, kl > l > tr, giống như trong chữ Quốc ngữ. Người miền Bắc xưa có thể nói “lọn nghĩa” thay cho “trọn nghĩa”. Sở dĩ như thế là vì hai tổ phụ âm cổ /bl- / và /tl- / có thể biến đổi ra hai hướng, là /l- / và /tr- / (blọn, tlọn > lọn/trọn; hay blúc blác > lúc lắc/trúc trắc); và cũng có khi nó biến ra l-, rồi ra tr-. Tl- (cùng với bl-) thường biến âm thành tr- (như trong tlích / blích > (cá) trích; nhưng cũng có khi tl- chỉ rụng âm tố thứ nhì, là l-, để giữ lại âm tố đầu là t-. Bởi vậy nên mới có cách phát âm “Con trâu trắng buộc bụi tre” thành “Con tâu tắng buộc bụi te” của người vùng Thái Bình, Nam Định. Nghĩ kỹ, điều ấy cũng không hẳn là sai! Chỉ là tl- thường biến thành tr- (ít nhất các ngữ liệu cho thấy như thế), chứ tl- không thường biến thành t-, mặc dù không phải không có, như trong các cặp đôi “lật ra” / “trật ra”, “lồi” / “trồi”, “lệch” / “trệch” (“chệch”), v.v. Và ngoài các dạng tròi ra, lòi ra (chưa kể thòi ra), ta còn có tòi ra; và, như đã nói, ngoài trụt, (chưa kể thụt, sụt), ta còn có tụt.

    Theo ngành nghiên cứu về biến đổi ngữ âm, người ta cũng thấy tổ phụ âm bl- có thể biến đổi thành /j/, như blái [trái, quả] > giái (như trong giái núi/trái núi, hay giái găng/trái găng, v.v.), và /j/ (⟨gi⟩), kết hợp với /ƫ / (⟨tr⟩), (do hiệu ứng chuyển biến từ phụ âm kép /tl/) trên phạm vi chung toàn đất nước (chẳng hạn, giăng > trăng, giồng > trồng, giầu > trầu, giời > trời…), đưa đến việc giái đã biến đổi hoàn toàn thành trái. Ngoài ra, trong một số trường hợp, /j/ cũng có thể biến thành /z/ (⟨d⟩), (như trong dái tai, dái mít …). (9)

    Như thế, âm /z/, mà Trương Vĩnh Ký dùng trong “Nỗi riêng dập dập sóng dồi” có nhiều phần là từ tổ hợp phụ âm cổ /bl- / đã nói ở trên mà ra. Nhưng ta đã thấy là /bl- / cũng có thể biến thành /j/ (như trong blăng > giăng). Mà /bl- /, như đã nói, còn có thể biến thành /l- / (như trong bloc > lóc). Bởi thế, ta có thể suy đoán là cách phiên âm câu “Nỗi riêng dập dập sóng dồi” của Trương Vĩnh Ký, khi sang các bản phiên âm Kiều khác, trở thành Nỗi riêng lớp lớp sóng dồi”, theo hướng biến đổi /j/ hay /z/ (“d”, như trong “Gió dập sóng dồi” hay “Dập liễu vùi hoa”; hay “gi” trong “Đánh rắn phải đánh giập đầu”, hay “Nhai chưa giập miếng trầu”) ngược lại thành /l/. Từ đó, “dập dập” thành “lớp lớp”.

    Còn “đòi”: từ cổ, có nghĩa là “nhiều”. “Cơn”: lần, lượt, phen. Cả câu: “Nghĩ đòi cơn lại sụt sùi đòi cơn” có nghĩa là cứ nghĩ rồi lại khóc, nghĩ rồi lại khóc nhiều lần.

    Dạy rằng mộng huyển (sic) cứ đâu. Bỗng không mua não, chác sầu nghĩ nao / mộng triệu, chuốc sầu.

    “Chác”: từ cổ, có nghĩa là “mua”; như trong từ kép “bán chác”, nghĩa là “mua bán”. “Nghĩ nao”: nghĩ lại mà xem, nghĩ lại xem nào.

    Phòng văn hơi giá như đồng. Trước se ngón thỏ, tơ dùn phiếm loan (So sánh các dị bản: Trúc se ngón thỏ, tơ chùng phím loan; hoặc Trúc si ngón thỏ, tơ chùng phím loan; hoặc Trúc se ngọn thỏ, tơ chùng phím loan.) [Ngón thỏ, phím loan: cây sáo làm bằng trúc và dây đàn làm bằng sợi tơ, “thỏ” và “loan” chỉ để nói cho văn vẻ thêm. Còn “Trúc se ngón thỏ”: ý nói ngón tay không để vào ống sáo; sáo trúc không thổi thì buồn bã, không có hứng thú. Đến “Trúc si ngón thỏ” thì cụm “si ngón thỏ” muốn nói là làm ngây dại ngón tay thổi sáo; “Tơ chùng phím loan”: nghĩa là để đàn giãn dây vì bỏ không, lâu không gẩy. Còn “Trúc se ngọn thỏ” có nghĩa quản bút bằng trúc, ngọn bút làm bằng sợi lông thỏ; ý là bút để se ngọn lại vì lâu không dùng, không viết. (Truyện Kiều, TNT & NTC). Trong bản Kiều chuyển sang chữ quốc ngữ của mình, Trương Vĩnh Ký giải thích “Trước” trong “Trước se ngón thỏ tơ dùn phiếm loan” là “quyển sáo” và “Tơ” là “đờn”.]

    Phiếm / Phím (iê > i). Có thể thấy (như ở trên: Chìu/chiều và Chim/Chiêm), âm /i/ có thể biến thành âm /iê/, và âm /iê/ có thể biến thành âm /i/.

    Lấy điều du học hỏi thuê. Túi đờn cặp sách đề huề dọn sang (Dị bản: đàn).

    Từ “đề huề” có nghĩa là mang và dắt; “cặp sách” là cái hộp gỗ ngày xưa dùng để đựng sách vở.

    Trong câu này, ta có biến âm ơ > a (gần giống biến âm ô > a). “Đờn > “Đàn”; giống như trong sớm mơi / sớm mai; đơn cử / đan cử; khơi thông / khai thông; Trư Bát Giới / Trư Bát Giái. Cũng như phôi màu / phai màu; mộ / mả.

    Trong các sách chú giải Truyện Kiều, “du học” được giải thích là “đi trọ học ở nơi khác”. Ở đây, ta thấy Kim Trọng, chắc là con nhà khá giả, nên thời đó cũng có thể thoải mái đi “du học”, thuê hẳn một căn/ngôi nhà, là nhà của “Ngô Việt thương gia” (tức là nhà buôn nay đi nước Ngô, mai sang nước Việt, đi buôn bán nay đây mai đó, thường không về nhà). Việc đi “du học” chắc chắn mỗi thời mỗi khác, sự dễ dàng hay khó khăn cũng thế. Thời kỳ trước 1975, ở Việt Nam, việc “du học” khó khăn hơn bây giờ, vì nhiều lý do. Còn bây giờ, việc “du học” tương đối dễ dàng hơn. Sinh viên dễ “đề huề cặp sách” từ trong nước “dọn sang” ở tại một nước khác hơn. Dù sao, Kim Trọng, khi đi “du học” như thế, còn có “túi đờn” (đi chung với “cặp sách”); sinh viên du học bây giờ, ngoài con cái các gia đình có của ra, thường là phải “tối mày tối mặt” làm việc thêm để sống còn và để có tiền ăn học, không phải ai cũng có thể có được một cái gì tương đương về mặt giá trị với “túi đờn” như thế.

    Lơ thơ tơ liễu buông mành. Con oanh học nói trên nhành mỉa mai. Mấy lần cửa đóng then gài, Dẫy thềm hoa rụng biết người ở đâu? Chần ngần đứng trót giờ lâu, (…) (Dị bản: tần ngần, suốt.) “Chần ngần”: Âm cũ, giờ vẫn còn dùng trong một số bản văn. “Chần ngần” có thể có liên hệ với “Chần chừ” (đắn đo, do dự, chưa có quyết tâm làm việc gì).

    ● Về cách diễn ý: Trương Vĩnh Ký đưa ra lời dẫn cho đoạn thơ từ câu 287

    đến câu 368: “Kim Trọng gặp Tuý Kiều tỏ thiệt tình mình ra, xin Tuý Kiều có đành không thì cho biết: rồi trâm quạt đưa cho nhau làm của tin”. Cụm từ “có đành không”, trong văn cảnh này, có thể có nghĩa là “có yêu mình không”, “có được không”, “có đặng không”, “tôi làm vậy/tôi yêu cô như vậy, cô có cho phép không?”, v.v. “Có đành không”, ở đây, nghe rất chất phác, nét giọng đặc miền Nam.

    Cách tường phải buổi im trời. Dưới đào dường thấy bóng người thít tha

    (Dị bản: thướt tha). Biến âm i > ươ. Nhiều phần có thể chỉ là cách phát âm, không phải quy luật biến âm.

    Lần theo tường gấm dạo quanh. Trên nhành liếc thấy một nhành kim-xoa.

    (Dị bản: kim thoa). Biến âm x > th. Có những địa phương phát âm âm /th/ thành âm /s/, chẳng hạn, như đã nói ở trên, thay vì nói “Em thương anh lắm!” thì phát âm thành “Em sương/xương anh lắm!”. Xin nhớ lại cách nói và ký âm “Thượng Đế” xưa: “Xán Tí”. Điều này có thể có gốc rễ, gốc gác từ sự biến âm từ s-, hay x-, sang th- (hay ngược lại) như “kim xoa” từ thời Trương Vĩnh Ký sang “kim thoa” sau này. Người phát âm chữ “sương”, “xương” (thay vì “thương”) như thế có thể sinh sống tại một vùng mà người dân vẫn còn lưu giữ lại dấu vết của những âm cổ trong lời ăn tiếng nói của mình. Trong những vùng như thế, việc phát âm theo một lối nào đó đã được chuyển từ thế hệ trước sang thế hệ sau.

    Dù sao, ở đây, ta cũng có thể ghi nhận thêm về hai âm /th/ và /s/ (xem lại chú thích số 5). Chúng có thể biến đổi, hoặc thay đổi qua lại với nhau, như trong “thẫm” và “sẫm”, “thụt” (hạng) và “sụt” (hạng), v.v. Đặc biệt, chúng ta có thể nhớ lại những cách gọi Thuý Vân, Tuý Vân và Suý (Xuý) Vân mà ta đã bàn ở trên. (10)

    Được lời như cổi tấm lòng. Dở kim-hườn với khăn hồng trao tay (Dị bản: cởi, kim hoàn). Cụ Trương chú: “Kim-hườn” là “chiếc neo, xuyến”. Biến âm ô > ơ (cổi > cởi), chuyển từ âm hơi tối (tức hẹp hơn, trầm hơn) sang âm hơi sáng (nửa như âm /a/). Tuy nhiên, sự chuyển đổi cổi / cởi có thể chỉ là do vấn đề phương ngữ. Còn sự chuyển đổi ơ > a thì mang nét quy luật hơn: như trong bạch đới / bạch đái (bệnh khí hư của phụ nữ), ngày mơi / ngày mai (và nhiều cặp đôi khác như đã nói ở trên).

    Về sự chuyển đổi ươ > oa (kim hườn > kim hoàn). Hiện tại, một đôi khi, thay vì nói “một hoàn/viên thuốc”, có người (nhất là người cao tuổi, già lão, và đặc biệt là người già miền Nam) còn dùng theo lối cổ “một hườn thuốc”.

    Rằng trăm năm cũng từ đây. Của tin gọi một chút này làm ghi. Sẵn tay bả quạt hoa quỳ. Với nhành xoa ấy tức thì đổi trao. (Dị bản: Sẵn tay khăn gấm quạt quỳ). TVK chú thích: “bả” là “cầm”.

    Chữ “xoa” thì ta đã có dịp nói. Còn chữ “bả”, theo nghiên cứu của Trần Nho Thìn & Nguyễn Tuấn Cường, có ba cách hiểu: 1/ “bả” là lượng từ trong tiếng Hán (nghĩa là “chiếc”, “cái”) dùng chỉ những đồ vật cầm tay nhỏ và dài, như dao, quạt; 2/ “bả” là giới từ trong hình thức ngữ pháp xử trí của tiếng Hán trung đại (và hiện đại), có thể hiểu là “đem… để đổi trao”; 3/ Nhà nghiên cứu Đào Thái Tôn thì nghĩ: “chúng tôi ngờ rằng chữ “bả” này có thể khắc lầm từ chữ “cầm”, hoặc đọc theo nghĩa chữ Hán (bả - cầm). Vậy theo bản Kiều của Trương Vĩnh Ký thì “Sẵn tay bả quạt hoa quỳ” có nghĩa là Kiều đang cầm sẵn ở tay chiếc quạt đẹp có thêu hình hoa quỳ, nên, cùng với chiếc kim thoa, trao tặng cho Kim Trọng, để lấy trở lại những món quà đổi trao của chàng Kim. Có bản Kiều khác chép là “Sẵn tay khăn gấm quạt quỳ”, thì “khăn gấm quạt quỳ” có nghĩa là “chiếc khăn bằng gấm, chiếc quạt gấp đẹp, có vẽ hoa quỳ”. Kiều đưa các thứ ấy cùng với chiếc kim thoa tặng cho Kim Trọng, và nhận “xuyến vàng đôi chiếc, khăn là một vuông” của chàng Kim trao.

    Vén mây nhón bước ngọn tường. Phải người hôm nọ rõ-ràng chăng nhe?

    (Dị bản: Bậc mây rón bước ngọn tường. Phải người hôm nọ rõ-ràng chẳng nhe?). TVK chú “Chăng nhe” là “Phải không hé?”. “Chẳng nhe”: chẳng phải thế hay sao, theo nghĩa khẳng định. Theo tôi tìm hiểu, “Nhe”, tiếng Nghệ, có nghĩa là nhắm (bắn), ngắm nhìn, ngắm nghía, cân nhắc, suy xét cẩn thận, như trong “Không cần nhắm với nhe gì nữa cả. Như thế là tốt lắm rồi!”. Trong câu Kiều này, nó có nghĩa là Kim Trọng không cần phải suy xét, nghĩ ngợi gì nữa; chàng ta nhìn một cái là biết ngay người con gái ấy là Kiều rồi.

    Tú-bà tốc thẳng đến nơi. Ầm ầm áp điệu một hơi lại nhà (Dị bản: Hằm

    hằm). Về từ “điệu”. Nó vẫn còn được sử dụng, nhưng đang trở thành một từ khá cổ, chỉ người Bắc, người Nghệ, còn dùng, có nghĩa là (dùng sức) lôi kéo một người nào đó theo ý mình, trong khi kẻ bị kéo tìm cách giằng co, trì níu lại. Như, thay vì nói “Lôi (cổ) hắn ra đây!”, có thể nói “Điệu hắn ra đây!”.

    ● Từ câu 455 đến câu 458, tả cảnh Kiều và Kim gặp nhau và cùng thề nguyền (“Tóc mây một món dao vàng chia hai”, và “Đinh ninh hai miệng một lời song song”, để “Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương”). Sau đó, dùng chén màu đỏ như ráng trời chiều (“bôi sắc như vân hà”), cả hai cùng uống “quỳnh tương”. Trong cảnh ấy, chàng Kim hỏi ướm: Sanh rằng gió mát trăng trong, Bấy lâu nay một chút lòng chửa cam. Giọt sương chửa nặng cầu lam, Sợ lần khân quá ra sàm sỡ chăng. (Dị bản: Chày, nện). [Bản “Kiều Truyện dẫn giải” của Hồ-đắc-Hàm (Tư-Nghiệp Quốc-Tử-Giám), 1929 Edition, của Thư Viện Quốc Gia Việt Nam, in là “Sợ lần-đân quá ra sờm-sở (sic) chăng”, và chú nghĩa “Câu này nói sợ ép nài lắm thành ra sổ (sic) sàng khó coi”]. Kiều nghe vậy thì mới trả lời, như Tố Như tả: “Nàng rằng hồng-diệp xích-thằng, Một lời cũng đã tiếng rằng tương tri. Đừng đều (sic) nguyệt nọ hoa kia, Ngoài ra ai lại tiếc gì với ai.”

    Ở đây, có hai từ mà chúng ta nên để ý. Đó là “lần khân” và “sàm sỡ”. Từ sau, “sàm sỡ”, sẽ đưa đến một từ mà ta nên quan tâm. Từ này tôi sẽ bàn ở đoạn dưới.

    Từ điển Lê Văn Đức cho “lần khân” là một trạng từ, và định nghĩa nó là “khinh lờn; lờn mặt”.

    Từ điển Khai Trí Tiến Đức định nghĩa nó là “Nhờn; hỗn; bảo không được”.

    Đại Từ Điển Tiếng Việt của Nguyễn Như Ý coi nó là một động từ, và định nghĩa là “dây dưa; cố tình kéo dài thời gian để trì hoãn”; và một nghĩa thứ hai là “đòi hỏi nhiều với vẻ thống thiết và có phần quá đáng”.

    Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của HTC thì không có từ “lần khân”, nhưng lại có một từ khác mà TVK dùng để định nghĩa từ này.

    Trương Vĩnh Ký chú: Lần khân” là lầy-đày; “sàm sỡ” là lần-đân, bốc-mạt. (Ta thấy TVK ghi âm kh- (khân) và đ- (đân) thay đổi qua lại. Xem lại bản của Hồ-đắc-Hàm nói ở trên, cũng dùng “lần-đân” mà không dùng “lần khân”). Như thế, tổng kết, trong văn cảnh này, ta có thể nói “lần khân” là đòi hỏi nhiều; khinh lờn; lờn mặt; trây mặt, vô sỉ, không biết xấu hổ; sàm sỡ, suồng sã (11). Nó còn một nghĩa khác, không trong ngữ cảnh này, như ta thấy, là “chần chờ”, “dùng dằng”, “kéo dài, không giải quyết ngay”, “dây dưa, cố tình kéo dài thời gian để trì hoãn”. [ Trong từ “lầy-đày” ở trên, do cụ TVK dùng để thích nghĩa từ “lần khân”, ta thấy từ “lầy”. Theo tự vị của Huình Tịnh Của, thì “lầy” có một nghĩa là “lỳ lợm, không biết mất (sic) cỡ”. “Lầy đây”/”Lầy đày” là “áp lại gần, không kiêng nể, làm lười, lờn dể”. “Nói lầy” là “Nói đỡ mất (sic) cỡ, nói dần lân, không biết hổ ngươi. Thí dụ: Người ta đuổi mà hãy còn ngồi mà nói lầy đây”. Và “Chơi lầy đây” là “Chơi dần lân, khuấy dai không biết kiêng nể (nói về trẻ nít)”.] Vậy, theo lối dùng chữ cổ thời cụ Trương (và cụ Huình) thì lần khân = lầy đày = lần đân = dần lân = lầy đây.

    Từ “lần khân” này cũng thấy có mặt trong Bích Câu Kỳ Ngộ: Mùi tình bén giọng quỳnh tương, Giả say Sinh cũng toan đường lần khân.

    Trong từ điển “Tiếng Nói Nôm Na” của Lê Gia, từ “lần khân” được giải thích là “do từ “lân khan”, có nghĩa là bánh xe quay từ từ, chậm rãi. Chữ “khan” là “giảm bớt” (hàng khan), “keo kiệt”, “ít ỏi”, “chậm chạp”. Cũng nói là “lươn khươn”, như trong câu “Thằng chả có tính lươn khươn, công nợ chẳng chịu trả một lần cho người ta đâu.” Sau này, từ “lần khân” biến ra thành từ “lừng khừng”, mang nghĩa nửa muốn thế này, nửa muốn thế kia; không dứt khoát.”

    ● Về từ “bốc mạt” mà Trương Vĩnh Ký dùng để giải thích từ “sàm sỡ”, tác giả bài viết này vẫn chưa tìm ra thật rõ nguồn gốc nó ở đâu. Chỉ biết là nó cùng nghĩa với “lần đân” (“lần khân”, và, dĩ nhiên, với “sàm sỡ”), theo cách giải thích của cụ TVK. “Sàm sỡ”, còn được phát âm là “sờm sỡ”, được định nghĩa là “bông đùa quá trớn đối với phụ nữ” [“Use too familiar a language (with a woman) / Từ điển Lạc-Việt]. (12) Ta thấy ở đây có biến âm qua lại giữa ơ a (ơ > < a), giữa “sờm” và “sàm”. Tôi ngờ rằng “bốc mạt” đồng nghĩa với, hoặc là một cách phát âm của, từ “bốc hốt”. Như vậy, nhiều phần nó là một biến âm của từ này.

    Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của HTC giải thíchbốc hốtnhư sau: “Bốc và hốt. Bốc: dùng một tay; hốt: dùng hai tay mà lấy. [Nghĩa bóng là] “ra tuồng ham hố, cướp giành”. Từ “bốc hốt” này, ngày nay, vẫn còn rất thông dụng. Thay vì nói, “Cha nội ấy tính hay sàm sỡ”, người ta có thể nói hơi vống lên “Thằng chả tính hay bốc hốt”.

    Nếu “mạt” (trong “bốc mạt”) biến thành “hốt” (trong “bốc hốt”) (13), rất có khả năng là có một sự biến âm từ m > h. Có một sự tương tự trên phương diện ngữ âm trong cách phát âm và ghép vần của chữ Nôm và chữ Quốc ngữ giai đoạn đầu. Điều này có thể được kiểm chứng qua các văn bản Nôm và Quốc ngữ thời cổ. Tôi không biết ngữ liệu trong các văn bản Quốc ngữ thời sơ khai, và các văn bản Nôm trước thế kỷ XVII (mà chúng ta chưa chắc đã có khả năng khảo sát, nghiên cứu hết), có phụ âm kép mh- hay không. Nếu có, sự hiện diện của nó chắc chắn rất mờ nhạt (có lẽ còn mờ nhạt hơn so với các phụ âm kép kr-, kl- khi so với các tổ phụ âm khác). Tuy nhiên, xét ngôn ngữ Jrai/Gia-Rai ở Việt Nam (một ngôn ngữ thuộc ngữ hệ Nam Đảo, giống như tiếng của người Champa (14)), trong quyết định ngày 28 tháng 10, 1981, ban hành bởi Uỷ ban Nhân dân tỉnh Gia Lai- Kon Tum, “Về việc công bố bộ chữ cái biên soạn chữ các dân tộc”, ta thấy tổ phụ âm đầu /mh- / này có mặt trong bảng 28 phụ âm ghép đôi của người thiểu số, trong đó có người Gia-Rai sống ở Gia Lai - Kontum / Xem “Lựa Chọn Bộ Chữ Viết Phục Vụ Giáo Dục Tiếng Mẹ Đẻ Cho Người Gia-Rai Hiện Nay” của PGS, TS Viện Ngôn Ngữ Học Đoàn Văn Phúc). (15) Tiếng Gia Rai, cho dù thuộc hệ Nam Đảo (Malayo-Polynesia, thống thuộc ngữ hệ Austronesia), trên căn bản, cũng là tiếng do các cố đạo chế tác. Và nó được người Gia Rai nói/sử dụng tại 47/63 tỉnh, thành Việt Nam mà tập trung nhất là tại tỉnh Gia Lai theo thống kê điều tra dân số năm 2009. Giống như trong tiếng Việt, nó cũng có các nguyên âm đi chung với các dấu phụ như ă, â, ô, ơ, ư. Tổ phụ âm /pl- /, như “plơi” (nghĩa là “làng”) trong tiếng Gia Rai, vẫn còn được giữ nguyên, trong khi tổ phụ âm này ở tiếng Việt đã biến mất và chuyển thành bl-, rồi thành l- (như blui > lùi; blóc > lóc/tróc; blúc blắc/blốc blác > lúc lắc/trúc trắc; v.v.). (16)

    Nếu tiếng Việt cổ trước đây, trong một giai đoạn nào đó, đã có phụ âm kép này, thì với việc phục nguyên ngữ âm cổ qua quá trình biến đổi ngữ âm (17), và giả định là “bốc” trong “bốc mạt” và “bốc hốt” vẫn giữ nguyên, /*mh- / có thể để rụng âm tố thứ nhì, /h- /, và ta có thể có “mạt”, từ *mhạt. Nếu tổ hợp phụ âm này để rụng âm tố đầu, ta sẽ có “hạt”. (Hoặc “mạt”, như một từ gốc, qua quá trình biến đổi ngữ âm từ /m/ sang /h/, cũng cho ta “hạt”). Nếu “mạt” biến thành “hốt”, ta còn thấy ngoài nét biến đổi phụ âm đầu m > h, còn có sự biến đổi nguyên âm, a > ô. Và các ngữ liệu nghiên cứu đã cho ta thấy có biến âm a > ô (như trong “hạt” > “hột”, “ngạt” (thở) > “ngột” (thở), hay như trong “giác” sang “giốc” đã nói ở một phần trên). Đó là chưa kể cũng có sự biến đổi thanh điệu từ trầm khứ (dấu nặng) sang phù khứ (dấu sắc). Ta cũng đã thấy có sự chuyển thanh trong quá trình biến âm như trong hai từ “khân” và “đàn” (từ phù bình qua trầm bình) của “lần khân” và “lầy đàn”, hay giữa “viễn” và “viển” (từ phù thượng qua trầm thượng, và, đặc biệt, từ Hán Việt qua thuần Việt) của “viễn vọng” và “viển vông” (18).

    Có một số từ mang nét đồng nguyên, qua ngữ liệu hiện có trong tiếng Việt, có liên quan gần gũi về cả hai mặt ngữ âm và ngữ nghĩa, ghi nhận sự biến đổi qua lại giữa hai âm /m/ và /h/, mà tôi xin thử liệt kê nơi đây: mở > < hở; mút > < hút (động tác miệng); (xa) mút (mắt) > < (xa) hút (mắt) (chỉ khoảng cách, không gian); (tịt) mít > < (tịt) hít; mô (đất) > < (răng) hô (chỉ sự nhô lên, nhô ra); (đẹp) mây mẩy > < (đẹp) hây hẩy (chỉ sự tươi tốt, đẹp đẽ, khoẻ mạnh); mắc (xương) > < hóc (xương), v.v.

    Về nguồn gốc của từ “bốc mạt” này, như đã nói, ngoài sự giải thích của Trương Vĩnh Ký ra, trong quá trình tìm hiểu, tôi đã cố gắng tra cứu nó ở rất nhiều chỗ, nhiều nguồn, mà không thấy nơi nào, từ điển nào, hay bài báo nào, chú nghĩa hoặc sử dụng nó để cho ta một sự hiểu biết rõ ràng hơn, qua văn cảnh, về nghĩa của từ. Dù sao, trong VNQATV của Huình Tịnh Của, cho dù không có từ “bốc mạt”, nhưng có từ “bốc hốt” như đã viết, mang ý chung là “ra tuồng ham hố, cướp giành”.

    Sau cùng, sau nhiều tìm tòi, may mắn, tôi lục được mấy trang báo của tờ Lục Tỉnh Tân Văn, số 562, ra ngày 6 Octobre 1918 (tức là đúng 100 năm trước), có bài “Bổn phận nhơn dân đối với nước nhà” (ghi chú thêm tiếng Pháp là “Devoir du citoyen envers son Gouvernement”), trong đó có đoạn nói về thói xấu hay tin dị đoan của người dân, và thói nói mà không biết giữ lời của họ. Đoạn sau đây nói về thói nói mà không biết giữ lời, trong đó có từ “bốc mạt” nằm trong một ngữ cảnh được xác định: “ (…) Trong nhà có hoạ, chạy đến quan làng, xin cứu khổ, nếu xong việc xin dâng hết nhà. Quan làng cứu cho khỏi tù rạc, lẽ phải biết ơn, nhớ cái lời hứa trước, ai dè kẽ (sic) mang ơn đến tay không lạy dài, xin làm phước vì hồi đó kinh hoàng hứa bốc mạt, nên việc xong rồi mà trong nhà chả có 1 (sic) điếu con. (…)”. (Tôi in đậm để nhấn mạnh) (19).

    clip_image002

    clip_image004

    Phóng bản đoạn văn có từ “bốc mạt” từ báo Lục Tỉnh Tân Văn, số 562, ra ngày mồng 6 tháng Mười, 1918 (đúng 100 năm trước)

    Như vậy, có nhiều lý do cho thấy “bốc mạt” là “bốc hốt” như tôi đã thử suy luận trước đó (như “nói/làm/hứa bốc mạt” và “nói/làm/hứa bốc hốt”). Và, xét theo chú thích của Trương Vĩnh Ký về từ “sàm sỡ”, cũng như căn cứ trên ngữ liệu từ tờ Lục Tỉnh Tân Văn, như vừa dẫn, thì, giống như từ “lần khân”, từ “bốc mạt” cũng có ít nhất là hai nghĩa: 1/ mang ý “(làm) lấy được, không kỹ càng; (làm) lấy rồi; hay “(nói) lấy được, (nói) cho xong, không suy nghĩ thấu đáo, cẩn trọng; (nói) lấy rồi”; 2/ mang ý “áp lại gần, không kiêng nể, lờn dể”, có thể đưa đến nghĩa mở rộng là “ra tuồng ham hố, cướp giành”, như TVK đã chú về nghĩa từ “sàm sỡ”, và Huình Tịnh Của đã chú về từ “lầy đây” (“lầy đày”/”lần khân”), mà ngôn ngữ bây giờ có thể mang ý thông tục là “chụp giựt”, “bốc hốt” theo nghĩa đen, trong quan hệ nam nữ.

    Dù sao, trong bài này, tôi trình bày những suy luận của mình dựa trên các phân tích về ngôn ngữ, như đã thử làm, và trên các nguồn ngữ liệu, như đã dẫn, chỉ với một mục đích là truy tìm nghĩa của một từ ít nhất đã được sử dụng trên dưới một thế kỷ rưỡi nay, ít nhất từ năm 1875, là năm TVK, người đầu tiên, phiên âm ra Quốc ngữ và chú thích truyện Kiều của Nguyễn Du. Hiện tại, ta không còn thấy từ này được dùng trên sách báo nữa. Có thể /m/ và /h/ (của “bốc mạt” và “bốc hốt”) đã phát xuất từ một từ gốc cổ có phụ âm kép /*mh- /, dẫn đến hai vỏ ngữ âm khác nhau của những từ có ý nghĩa tương tự, như: mở > < hở; mút > < hút (động tác miệng); (xa) mút (mắt) > < (xa) hút (mắt) (chỉ khoảng cách, không gian); (tịt) mít > < (tịt) hít; mô (đất) > < (răng) hô (chỉ sự nhô lên, nhô ra); (đẹp) mây mẩy > < (đẹp) hây hẩy (chỉ sự tươi tốt, đẹp đẽ, khoẻ mạnh); mắc (xương) > < hóc (xương), v.v., như đã dẫn ở trên. Những song thức này hẳn phải có liên hệ lịch sử về mặt ngữ âm và ngữ nghĩa.

    Ngay cả khi ta không thể tìm thấy tổ phụ âm /*mh- / trong hệ thống ngữ âm tiếng Việt cổ, hiện dạng của một số từ trong ngữ liệu mà ta đã trình bày, với những âm /m/ và /h/ chuyển đổi qua lại với nhau, với những liên hệ ngữ âm, ngữ nghĩa của các từ mang cặp đôi đó, đã cho ta thấy có một mối quan hệ giữa hai âm này. Ngoài ra, với cách giải thích của TVK và một vài nguồn khác như đã trình bày, ta có thể có: lần khân = sàm sỡ = sờm sỡ = suồng sã = sã suồng = bốc mạt = lần đân = lầy đày = lầy đây. Mà “lầy đây”, theo VNQATV, có nghĩa là “áp lại gần, không kiêng nể, làm lười, lờn dể”. Như vậy, “bốc mạt”, trong dãy phân tích này, có thể nói chính là “bốc hốt”.

    Ngoài nghĩa chính của từ “bốc hốt” như đã nói, VNQATV còn giải thích cụm từ “Làm bốc hốt”, nghĩa là “làm lấy được, không kỷ cang (sic); làm lấy rồi”. “Nói bốc”, hay “nói bốc hốt” là “nói lấy được”. Và “Nói hốt mớ” là “nói cho nhiều, nói vãi chài, nói lấy được”. Trong quá trình tìm hiểu hai từ “bốc mạt” và “bốc hốt”, cuối cùng, tôi lại tìm được một đoạn văn sử dụng từ “bốc hốt” theo nét nghĩa mà VNQATV vừa diễn giải. Đoạn văn này là đoạn văn duy nhất, cho đến lúc này, mà tôi tìm được, đã dùng từ “bốc hốt” theo nghĩa vừa nói:

    “ (…) Dưới tác động của một thứ lên đồng tập thể, thể loại văn chương thậm xưng đã được sử dụng vô tội vạ. Có một ông trong một phút bốc hốt đã mượn dã sử Tầu để vật hoá bà trưởng ban tổ chức thành một “bát cơm phiếu mẫu”, tức nôm na là bát cơm của một bà mẹ giặt giũ quần áo, nhưng ở đây phải được hiểu không là bùa hộ mạng của nghề giặt mà là biểu tượng của một công ơn trời biển người thọ ơn phải ghi lòng tạc dạ và đền đáp suốt đời. Một ông khác trong một phút sảng ngôn đã đẩy sự cung kính lên tới mức siêu hình tôn giáo bằng ảo hoá bà ta thành một “bà tiên nhiệm mầu chan chứa lòng bác ái!!?? ” (Tôi, BVP, in đậm để nhấn mạnh). (20)

    Trong “Từ Điển Ngữ Vựng Việt Nam” ở trên mạng, tôi cũng thấy giải thích “bốc hốt” là lấy vội vàng, làm vội vàng. Và trong Việt Nam Từ Điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ thì “bốc hốt”, ngoài nghĩa đen, là động từ, có nghĩa là vừa bốc (một tay) vừa hốt (hai tay) cho mau, nó còn được giải thích nghĩa bóng, như một trạng từ, là: 1/ vội-vàng, cẩu-thả, 2/ làm hỗn, ve-vãn đàn-bà cách vô-lễ, trắng-trợn.

    Như thế, “bốc hốt”, ngoài nghĩa thông dụng mà đến nay người Việt vẫn còn dùng, chỉ sự “chụp giựt”, suồng sã”, “sàm sỡ” trong quan hệ nam nữ, hay chỉ sự đè nén, bóc lột, “bốc hốt”, “cướp giữa ban ngày”, của kẻ giàu, kẻ mạnh, kẻ có quyền thế đối với người nghèo khổ, thế cô, sức yếu, nó còn mang một nghĩa, khi đi với “nói”, là nói bừa phứa, nói vống lên (khi “bốc”), nói cho xong, cho sướng. Nói trong lúc cao hứng bất chợt, không suy nghĩ thấu đáo, cẩn thận. Chữ “hốt” trong “bốc hốt”, theo nghĩa này, như thế, có thể còn mang trong nó dấu vết của chữ “hốt” , thuộc bộ tâm , là “thình lình, bất chợt”, trong những từ Hán-Việt như “hốt nhiên” (chợt vậy), hay “thúc hốt” (chợt thoáng, nói sự nhanh chóng, xuất ư bất ý), chẳng hạn.

    Tóm lại, ở đây, tôi thử đưa ra một suy đoán, một cách dè dặt, qua kết quả cuộc tìm kiếm của riêng mình, với các chứng liệu ngôn ngữ có được, về ngữ nguyên và ngữ nghĩa, cũng như sự phái sinh (hoặc chuyển đổi qua lại) của hai từ “bốc mạt” và “bốc hốt”. Về từ “bốc hốt”, nó có hai nghĩa như ta đã thử phân tích ở trên. Về từ “bốc mạt”, tôi nghĩ rằng một nghĩa của “bốc mạt” là, như đã nói, “(làm) lấy được, không kỹ càng; (làm) lấy rồi; hay “(nói) lấy được, (nói) cho xong, không suy nghĩ thấu đáo, cẩn trọng; (nói) lấy rồi”. Và, nghĩ xa hơn, có thể bây giờ, “bốc mạt”, trong nghĩa thứ nhất này, đã biến thành “bạt mạng”, “bốc phét” [trong “hứa bạt mạng” (hứa cho qua, cho xong, không có căn cứ gì cả); “(nói) bốc phét” (nói vống lên, cho qua, “ba hoa” để lấy tiếng)], Nó gần với từ/cụm từ “bốc đồng”, “bốc lên”, hay, đi xa hơn nữa, theo ngôn ngữ hiện đại, là “chém gió”, như trong cụm “ngồi ăn nhậu và chém gió”.]. Còn nghĩa thứ hai của từ “bốc mạt” thì có những gắn bó, liên hệ với “sàm sỡ”, “suồng sã”, “xáp tới”, “chụp giựt”, “ra tuồng ham hố, cướp giành”, “bốc hốt”, v.v. Ngoài sự giải thích của TVK, cho biết “sàm sỡ” là “bốc mạt”, cho đến lúc này, tôi chưa tìm thấy “bốc mạt” nằm trong một đoạn văn nào cụ thể để xác định trường nghĩa thứ hai này. Nhưng, căn cứ trên những cứ liệu có được, hai nghĩa của “bốc mạt” cũng là hai nghĩa mà ta đã phân tích về “bốc hốt”. Coi như hai từ đồng nghĩa. Và cả hai đều chia sẻ một nghĩa với từ “lần khân”. Đó là “đòi hỏi nhiều; khinh lờn; lờn mặt; trây mặt, vô sỉ, không biết xấu hổ; sàm sỡ, suồng sã”.

    Chắc chắn có một sự biến đổi qua lại giữa hai âm /m/ và /h/ như hiện dạng của các ngữ liệu đã cho thấy. Còn việc có hay không, trong quá khứ mịt mờ của tiếng Việt, cả trong chữ Quốc ngữ cũng như trong chữ Nôm, một phụ âm kép /*mh- /, hoặc có hay không một sự chia sẻ, vay mượn tổ phụ âm này từ một ngôn ngữ gần cận nào khác, có lẽ phải có thêm những tìm hiểu, nghiên cứu sâu xa hơn nữa. Tôi xin được ghi lại câu hỏi này ở đây, như một tồn nghi.

    .4.

    Phần trình bày trên chỉ là sự tìm hiểu và suy nghĩ của tôi về một số từ ngữ, lối dùng chữ, lối phiên âm và cách diễn đạt của Trương Vĩnh Ký qua quyển truyện Kiều, phiên âm ra Quốc ngữ của ông. Để nhắc lại, đây là bản phiên âm Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du, lần đầu tiên được phiên chuyển sang chữ Quốc ngữ. Và vào giai đoạn ấy, chữ Quốc ngữ tương đối vẫn còn khá mới đối với người dân Việt, nói chung. Nhận thấy rõ việc phổ biến thứ chữ mới này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để con người và xã hội Việt Nam phát triển, đưa tầm mức dân trí lên cao, tạo niềm hãnh diện cho người Việt và giúp người dân Việt có một phương tiện hữu hiệu và tốt đẹp để mở mang hiểu biết và thuận lợi cho việc giao tiếp, Trương Vĩnh Ký đã không chỉ làm báo để phục vụ cho hướng nhìn và lý tưởng này của mình, ông còn cố gắng dịch những truyện Nôm nổi tiếng và có giá trị sang chữ Quốc ngữ để giới thiệu cái hay, cái đẹp, và những tư tưởng nhân nghĩa, đạo đức, nghệ thuật và thẩm mỹ trong những tác phẩm ấy đến mọi người dân trong nước.

    Trương Vĩnh Ký đã đặt một cái nền tốt đẹp cho sự mở mang và phát triển tiếng Việt, qua chữ Quốc ngữ, để từ đó, với sự góp sức sau này của nhiều tài năng và nhiều nhà văn, nhà báo đầy năng lực khác, khắp các miền Nam Trung Bắc, đẩy mạnh công cuộc tiến hoá của người Việt trên khắp mọi mặt.

    Ngôn ngữ học lịch sử, trong đó có việc tìm hiểu những từ cổ, ý nghĩa và cách thức chúng được sử dụng trong dân gian qua những thời kỳ, những biến động lịch sử, những biến đổi về mặt ngữ âm và ngữ nghĩa, về nội hàm của từ ngữ, v.v., có thể cho ta thấy được phần nào sự thay đổi về thái độ, phong cách, lối suy nghĩ và ăn nói của người Việt, từ một giai đoạn hoặc thời kỳ này sang một giai đoạn hoặc thời kỳ khác.

    Nếu tiếng nói là cái vỏ ngữ âm của ngôn ngữ, của tư tưởng, thì tất cả những gì được diễn tả qua “lời ăn tiếng nói” của con người chính là ngôi nhà trong đó chúng ta cư ngụ. Nó tạo nên thế giới của chúng ta. Nó cho thấy cách chúng ta nhìn đời và quan niệm về cuộc sống, rộng hơn, quan niệm về thế giới, về vũ trụ. Với tiếng “An Nam ròng” của một miền Nam đầy sức sống, Trương Vĩnh Ký, qua những nỗ lực về mọi mặt của ông trong việc phát triển chữ Quốc ngữ, và, đặc biệt, qua việc giới thiệu, phiên âm, chú thích và giải nghĩa quyển Truyện Kiều của Nguyễn Du, đã giúp người dân Việt nhìn thấy cái hay, cái đẹp, cái lóng lánh và uẩn súc của tác phẩm lớn này của nhà thơ thiên tài của dân tộc. Trương Vĩnh Ký đã thật sự góp nhiều công sức của ông để phổ biến và phát huy tiếng Việt.

    Những gì Trương Vĩnh Ký đã để lại, về mặt ngôn ngữ, qua việc phiên âm, chú giải Truyện Kiều, nói riêng, và qua bao nhiêu công trình mà ông đã thực hiện để phổ biến và phát huy tiếng Việt, chữ Quốc ngữ, nói chung, là một vùng quặng mỏ lớn mà chúng ta, những kẻ đi sau còn có thể tiếp tục khám phá. Ngôn ngữ học lịch sử là một trong những dụng cụ giúp ta làm việc ấy.

    Con người sẽ không có thể tiến bộ nếu nó không biết nhìn về quá khứ. Nếu nó không biết học hỏi và rút tỉa những điều hay đẹp mà quá khứ đã để lại.

    Đọc và biết ơn, vinh danh những đóng góp của Nguyễn Du, Trương Vĩnh Ký, và những con người văn hoá khác của dân tộc, là, một lần nữa, tự hào về di sản mà cha ông đã để lại. Đồng thời, ý thức và hãnh diện về cái căn cước văn hoá của mình trong dòng sống của thế giới.

    Hãy luôn ý thức và hãnh diện về điều ấy trong lúc tiếp tục học hỏi và đi lên trong dòng tiến hoá của dân tộc và của con người.

    Bùi Vĩnh Phúc

    Tustin Ranch, Calif.

    4 tháng XII, 2018

    _____________________________

    Chú thích:

    (*) Vì thời lượng không cho phép, và cũng vì dành thời gian cho những câu hỏi và thảo luận, bài này được thu gọn lại trong buổi Triển lãm và Hội thảo Trương Vĩnh Ký. Đây là toàn văn bài thuyết trình.

    (1) Từ năm 939, Việt Nam giành được độc lập, thoát khỏi ách thống trị của người Hán. Theo Nguyễn Thiện Giáp, trong bài “Chính sách ngôn ngữ tại Việt Nam qua những thời kỳ lịch sử”, thì: “Nhà Trần và các triều đại tiếp theo vẫn tiếp tục sự nghiệp của nhà Lí, cũng tổ chức học hành thi cử bằng chữ Hán, cũng sáng tác bằng chữ Hán.

    Thực tiễn lịch sử chứng tỏ rằng định hướng ngôn ngữ văn tự của các triều đại Việt Nam đã khiến cho sự tiếp xúc văn hoá-ngôn ngữ Việt-Hán phát triển. Hệ quả là:

    – Việt Nam đã sáng tạo ra chữ Nôm để ghi lại tiếng nói của mình.

    – Tiếng Việt đã tiếp thu các yếu tố Hán Việt và các yếu tố Hán Việt Việt hoá làm phong phú kho từ vựng của mình.

    – Hình thành cách đọc Hán Việt, một cách đọc chữ Hán riêng của người Việt Nam.",

    và, dẫn theo bài của Nguyễn Thiện Giáp, Nguyễn Tài Cẩn cũng cho rằng: “"Tri thức Hán học của người Việt ở giai đoạn Ngô, Đinh, Lê là một sản phẩm còn lưu lại của chế độ Bắc thuộc, còn tri thức Hán học của người Việt từ đời Lí trở về sau lại là sản phẩm của một sự định hướng có ý thức của một triều đình nước Việt độc lập. Sự định hướng này làm cho Việt Nam đi hẳn vào khu vực văn hoá Hán, đứng bên cạnh Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản. Về mặt ngôn ngữ, sự định hướng này làm cho tiếng Việt đi xa dần các ngôn ngữ bà con vốn cùng gốc Mon Khmer như mình: Mường, Poọng, Chứt, Cơtu, Bana, Môn, v.v."” (“Ảnh hưởng Hán văn Lí Trần qua thơ và ngôn ngữ thơ Nguyễn Trung Ngạn”. Nxb Giáo dục, H., 1998.). Như thế, chữ Nôm đã xuất hiện trong tiến trình phát triển ngôn ngữ dân tộc của người Việt.

    (2) Có thể xem “Utahns who drop the T in words like 'mountain' not so unusual, BYU study says” của Mandy Morgan. https://www.deseretnews.com/article/865570211/Utahns-who-drop-the-T-in-words-like-mountain-not-so-unusual-Y-study-says.html

    (3) Có thể xem thêm “Biến Đổi Ngữ Âm: Những Vấn Đề Lý Luận” của TS. Nguyễn Đình Hiền, trường Đại Học Ngoại Ngữ, Đại Học Quốc Gia Hà Nội. http://repository.ulis.vnu.edu.vn/handle/ULIS_123456789/914

    (4) Xem phần Avant-Propos của Trương Vĩnh Ký ở đầu quyển sách. Xin ghi lại đoạn đầu: “Le poème que nous publions en quốc ngữ, est celui qui est dans la bouche de tous les Annamites, homes comme femmes, garçons comme filles. Il est le plus estimé, le plus goûté des lettrés, des illettrés et même des femmes, à cause de la morale qu’il renferme, si bien expliquée, si heureusement présentée sous tous les rapports, si justement appropriée à toutes les circonstances de la vie humaine. (…)”

    (5) Âm x, ký âm là / s / được gọi là âm xát xuýt chân răng, vô thanh, và âm s, ký âm / ʂ /, được gọi là âm xát quặt lưỡi, vô thanh. Theo Nguyễn Tài Cẩn (Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt (sơ thảo). Nhà xuất bản Giáo dục, 1995), “trong phương ngữ miền Bắc s- đồng âm với x-, cả hai đều được phát âm là /s/.” Âm /ʂ/ đang dần biến mất khỏi phương ngữ miền Nam. Ngày càng có nhiều người nói phương ngữ miền Nam phát âm sx giống nhau, cả hai đều được phát âm là /s/ giống như phương ngữ miền Bắc.

    (6) Có khi tôi dùng chữ “va”, có khi tôi dùng từ “va”, vì, như một trong những viên gạch khái niệm xây dựng ngành ngôn ngữ học hiện đại, “từ” (word) là một đơn vị cao hơn cấp bậc “hình vị” (morpheme) (vốn có khi được gọi là “tiếng”, “tiếng một”, hay “chữ”, trong tiếng Việt). Một từ có thể là một chữ, như đầu, mắt, cười, nói, khinh, trọng, v.v., là những từ đơn; nhưng nó cũng có thể bao gồm nhiều chữ, nhiều hình vị, như trong trường hợp của từ kép, từ láy, chẳng hạn như thanh niên, tiềm thuỷ đĩnh, sạch sành sanh, lấp lánh, nhi nhô, v.v. Một thí dụ giản dị trong tiếng Anh: boy (một từ, một hình vị); boyish (boy+ish, một từ, hai hình vị); và boyishness (boy+ish+ness, một từ, ba hình vị).

    Quan niệm của ngành ngôn ngữ học truyền thống của Âu châu cũng xem từ (word), chứ không phải “hình vị” (morpheme), là đơn vị cơ bản của ngôn ngữ. Ngành ngôn ngữ học miêu tả (descriptive linguistics) của Mỹ, sau thời hoàng kim, đã bị phê bình vì xem hình vị là đơn vị cơ bản của ngôn ngữ. Vì làm như vậy khiến cho ranh giới giữa hình thái học và cú pháp học không còn nữa, là không chú ý đến sự khác biệt giữa cái bộ phận và cái toàn thể. Nhà ngôn ngữ V.Z. Panfilov cho rằng “Hiểu lời nói là một chuỗi liên tục của các chiết đoạn hình vị, hình vị là “vật liệu” để xây dựng nên phát ngôn, là làm sai lệch bức tranh chân thực của quá trình giao tiếp bằng lời nói. Làm như vậy là bỏ đi tất cả

    những gì liên quan đến từ với tư cách “vật chứa” các ý nghĩa sự vật mà qua đó hình thành nên hệ thống ý nghĩa ngôn ngữ-xã hội.”, và nhà ngôn ngữ V.M. Solncev đã chứng minh “từ là một đơn vị bắt buộc phải có của mọi ngôn ngữ, còn hình vị chỉ là một loại đơn vị bất thường, có khi chúng mất đi, có khi chúng lại xuất hiện ở trong lịch sử ngôn ngữ. Từ là một đơn vị vĩnh hằng, bao giờ nó cũng có mặt trong suốt quá trình tồn tại của ngôn ngữ.” (dẫn theo “Những khác biệt trong hệ thống ngữ pháp tiếng Việt của Nguyễn Tài Cẩn” của GS. TS. Nguyễn Thiện Giáp).

    Tiếng trong tiếng Việt thường được hiểu là âm tiết, về phương diện là một đơn vị có nghĩa. Trên chữ viết, mỗi tiếng được ghi thành một chữ. Hình vị có hình thức cấu tạo của một âm tiết, tức là mỗi hình vị trùng với một âm tiết. Nó có vai trò như từ nhưng nó không phải là từ, vì từ có thể bao gồm một hay nhiều hình vị (một hay nhiều chữ). Âm tiết, hình vị và từ là đơn vị của ngôn ngữ. Tiếng là đơn vị của lời nói.

    Như thế, “va” có thể là một chữ hay một từ; nhưng “thiếu nữ”, “so sánh”, hay “nhanh nhẹn”, v.v., thì được quan niệm là một từ chứ không phải một chữ. Còn các chữ cái như a, b, c, d, v.v., thì có khi được gọi là “chữ cái”, có khi được gọi là “con chữ”.

    (7) Xem “Tư tưởng Tài Mệnh trong Truyện Kiều” của Thanh Tâm, https://thuvienhoasen.org/a8361/tu-tuong-tai-menh-trong-truyen-kieu

    (8) Xem Phúc Âm thánh Gio-An (John 12:24-25). Bài thánh ca “Hạt giống tình yêu” của linh mục Phương Anh được lấy ý từ lời rao giảng này. Lời kinh cầu nguyện của thánh Phanxicô thành Assisi (sinh năm 1182), trong đoạn cuối, cũng thể hiện tinh thần của cái chết, theo ý nghĩa “dies natalis”, như đã nói:

    “(…) O divine master grant that / I may not so much seek to be consoled as to console / to be understood as to understand / To be loved as to love / For it is in giving that we receive / it is in pardoning that we are pardoned / And it's in dying that we are born to eternal life.”

    Lời dịch của linh mục Kim Long không thật sát mà mang tính uyển chuyển và mở rộng, là:

    “(…) Lạy Chúa xin hãy dạy con: / Tìm an ủi người hơn được người ủi an / Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết / Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu. / Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh / Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân / Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ / Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời…”

    André Gide, nhà văn nổi tiếng Pháp, nhận giải Nobel văn chương năm 1947, có cuốn tự truyện mang tính “tự thú” với tựa đề là “Si le grain ne meurt” (Nếu hạt lúa không chết đi). Tên của tự truyện này cũng lấy từ ẩn dụ của lời dạy trong Phúc Âm.

    (9) Dẫn trích theo Vũ Đức Nghiệu, “Biến đổi ngữ âm lịch sử với việc tạo từ tiếng Việt”, 2016, http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/bien-doi-ngu-am-lich-su-voi-viec-tao-tu-tieng-viet

    (10) Theo “Lịch Sử Chữ Quốc Ngữ 1620-1659” in năm 1972 của Đỗ Quang Chính, trong các tài liệu viết tay của người nước ngoài vào thế kỷ XVII, trước năm 1632, phụ âm x- thường được viết thành s-. Thí dụ: sinuua, sinua, sinuâ, sinoá = Xứ Hoá.

    (11) “Lần khân” 吝巾 được giải thích là “suồng sã, nhờn” trong bài “Khảo Sát Từ Việt Cổ Trong Văn Bản Truyện Thơ Nôm Nhị Độ Mai Diễn Ca”, của ThS. Nguyễn Thị Hải Vân. Còn Việt Nam Từ Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức thì giải thích “Sờm-sỡ” là “sã-suồng, không còn e lệ gì. Sợ lần khân quá, ra sờm sỡ chăng (K).

    (12) Thật ra, “Sàm sỡ” được xem là có cùng nghĩa với “lần đân”/”lần khân”, theo cách giải thích của TVK. Như thế, nó cũng có nghĩa là “suồng sã”, như cách hiểu của tác giả trong chú thích trên chẳng hạn. Và “sàm sỡ” cũng như “suồng sã” không phải chỉ là “bông đùa quá trớn đối với phụ nữ” [“Use too familiar a language (with a woman) / Từ điển Lạc-Việt]. Nó còn có thể chỉ thái độ, phong cách, cử chỉ của một người (đàn ông), trong quan hệ đối với một người nữ.

    (13) Những lối phát âm do cách ghép vần trong chữ Quốc ngữ vào thế kỷ XVII và XVIII đều có cách ghép vần tương tự nơi chữ Nôm. Trong sự cấu tạo chữ Nôm, dù là qua việc dựa trên một chữ Hán hay dựa trên một chữ thuần Nôm khác, ta đều có thể ghi nhận sự biến thanh điệu Nặng > Sắc, chẳng hạn: Nhược 若 > Nước 渃 (đi với thuỷ氵, biểu ý, theo lối thuần Nôm), Lật 栗 > rất 栗, (theo lối giả tá), hay Lược 畧 > trước (đi với tiền 前, biểu ý, theo lối thuần Nôm). Sự biến thanh điệu trong chữ Quốc ngữ thời sơ khai, thậm chí cả đến sau này, cũng có những nét tương đương như trong chữ Nôm.

    (14) Về nguồn gốc tiếng Việt, có nhiều thuyết. Trong đó có thuyết cho rằng tiếng Việt (có quan hệ gần gũi với tiếng Mường), thuộc ngữ hệ Nam Á, thường gọi là Môn-Khmer (khi không bao gồm nhóm Munda). Có thuyết cho là từ tiếng Thái. Lại có thuyết cho rằng tiếng Việt phát xuất từ ngữ hệ Nam Đảo (Austronesia). Nếu tiếng Việt có gốc Nam Đảo, nó có thể chia sẻ một ít khía cạnh ngữ âm, ngữ nghĩa với tiếng của người Champa (Chàm, Chăm) và người Gia Rai. Ngôn ngữ của người Gia Rai thuộc phân nhóm ngôn ngữ Champa của ngữ tộc Malayo-Polynesia trong ngữ hệ Nam Đảo. Chưa kể là, dù nếu không cùng ngữ hệ, tiếng Việt có thể có một sự hoà đồng, ở một mức độ nào đó, về ngữ âm (chưa nói đến chuyện ngữ nghĩa) với tiếng Chàm, vì người Việt và người Chàm đã có những quan hệ “giao lưu”, “đụng chạm” ít nhất từ cuối thế kỷ thứ X trở đi (khi, vào năm 982, vua Lê Hoàn của Đại Cồ Việt mở cuộc nam chinh đầu tiên, và quân Đại Việt đã đánh chiếm và tàn phá kinh đô Indrapura, giết vua Parameshvaravarman, và mang về nước rất nhiều nhạc công và vũ công Chàm), và, sau đó, trong suốt quá trình Nam tiến của người Việt.

    (15) Trong số các bộ chữ, theo hệ Latin, của dân tộc Gia Rai thì bộ chữ này, do các cố đạo Pháp và các trí thức người Gia Rai chế tác, dược sử dụng phổ biến hơn cả và đã được cải tiến nhiều lần.

    (16): Phụ âm kép /pl- / của tiếng Gia Rai, thể hiện trong chữ Plơi hay Plây, hay Plei (có nghĩa là làng). Địa danh Pleiku ở miền Bắc Tây Nguyên, từ tiếng Gia Rai, có nghĩa là “làng có cái đuôi”. Theo Henri Maspéro (1912) và N.K. Sokolovskaya (1978), tổ hợp phụ âm đầu /pl- / cũng có trong ngôn ngữ Việt vào thời cổ, cũng như trong các ngữ liệu có liên quan trong cách ghi âm đọc chữ Nôm. Đến thế kỷ XVII, phụ âm kép này vẫn còn, mặc dù khá mờ nhạt so với các tổ phụ âm đầu khác. Ngoài ra, trong ngữ tộc Malayo-Polynesia (trong đó có người Gia Rai, Ê đê), chữ “bôn” cũng dùng để chỉ một đơn vị cư trú giống như chữ “làng” của người Việt. Từ “bôn” được người Việt đọc là “buôn” (làng); và “buôn làng” đã trở nên một từ được xem như nằm trong tiếng Việt.

    (17) Theo Henri Maspéro (1912), về quá trình biến đổi của các tổ hợp phụ âm cổ có âm lỏng r, l (như: bl -, pl -, kl -, kr -, ml -, tl -...), trong lịch sử tiếng Việt, các khả năng biến đổi của chúng có thể là:

    - Rụng yếu tố trước, giữ yếu tố sau: Từ điển Annam-Lusitan-Latinh (Việt-Bồ-La) có ghi 4 cặp song song tl- // l-: tlíu tlo- líu lo; tlúc tlác - lúc lác; tlo - lo; tlộn tlạo - lộn lạo.

    - Rụng yếu tố sau giữ yếu tố trước: Từ điển Annam-Lusitan-Latinh có ghi bơi tlẻi - bơi tải; và tlẽn (tlàng). Từ tlẽn (tlàng) này, người ở một số nơi trong trong phương ngữ Bắc phát âm tẽn / trẽn. Hàng loạt từ có âm đầu tr- hiện nay, vốn phát sinh từ tl- được phát âm với t- ở nhiều vùng ven biển Thái Bình, Nam Định như: bên tái - (bên trái), một tăm (một trăm), con tâu (con trâu), bụi te (bụi tre), cái tống (cái trống), tên giời (trên trời)...

    - “Hoà đúc” thành một âm khác (bl → / j /, tl → / ƫ /, ml → / ɲ /): Ví dụ: blang → giăng, blai → giai … tlăm → trăm, tlần → trần, tláng → trắng … mlời → nhời, mlầm → nhầm

    - Âm tiết hoá, mỗi âm tiết giữ một yếu tố: Trường hợp này nếu dẫn ngữ liệu từ từ điển thì rất hiếm. Có thể tạm đưa ra đây từ tlủng (tlũng) được ghi trong Từ điển Annam-Lusitan-Latinh. Từ này tương ứng với từ thung lũng ngày nay.

    - Hai, ba tổ hợp có thể trùng nhập vào với nhau; nói cách khác, chúng biến đổi và đồng quy với nhau.

    Thực ra, các hướng biến đổi nêu trên đây không phải chỉ đơn giản và luôn luôn có tính chất “đơn tuyến” như vậy. Mỗi tổ hợp có thể có những kết qủa biến đổi riêng, hình thành theo đường hướng riêng, nhưng cũng có khi, kết quả biến đổi của chúng trùng nhập vào với nhau. Ví dụ: bl- biến đổi cho ta / j / (blái [quả] → giái), nhưng / j / này đã trùng nhập với / ƫ / (kết quả biến đổi từ / tl /) trên phạm vi toàn quốc (ví dụ: trăng - giăng, trầu -giầu, trồng - giồng …), nên giái đã biến đổi hoàn toàn thành trái; ở một vài từ còn giữ lưu tích thì / j / đã biến chuyển thành / z / (dái tai, dái mít …).

    (Dẫn trích theo Vũ Đức Nghiệu, trong “Biến đổi ngữ âm lịch sử với việc tạo từ tiếng Việt”, 2016. VHNA).

    (18) Từ “viển vông” này hiện nay được xem là một từ láy. Tôi nghĩ có thể xem “viển vông” (với “viển” được viết bằng dấu hỏi) là một từ láy, theo dạng cấu tạo từ láy được kết hợp bởi hai chữ đều không có nghĩa (như nhi nhô, lơ thơ, lóng ngóng, bơ vơ, lác đác, v.v.). Dù sao, có lẽ ta nên ghi chú về mặt từ nguyên (etymology) là nó có gốc từ từ Hán-Việt “viễn vọng”, để nhận ra sự biến âm trên khía cạnh ngôn ngữ học lịch sử. “Viễn vọng” là trông xa (theo Từ điển Đào Duy Anh). Theo Từ điển Nguyễn Quốc Hùng, “viễn vọng” 遠望 là nhìn xa, trông ngóng điều cao xa; còn “vọng viễn” 望遠 là nhìn xa, thí dụ: vọng viễn kính (ống nhòm, cũng còn gọi là “viễn vọng kính”). Theo Từ điển Việt-Hán của Đinh Gia Khánh thì: “Viễn vọng”: 1. 遠望 nhìn xa; kính viễn vọng 遠望鏡 (viễn vọng kính); 2. 幻想 ảo tưởng”. Việt Nam Từ Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức cũng cho “viễn vọng” là “trông xa”, còn nghĩa bóng là “mong mỏi chuyện xa xôi”. Còn đối với từ “viển vông”, đa số từ điển chú nghĩa là “xa rời thực tế, không thiết thực”. Như thế, nó có nghĩa như “ảo tưởng” của từ “viễn vọng” theo giải thích của Đinh Gia Khánh, và như “trông ngóng điều cao xa”, cũng của từ “viễn vọng”, theo giải thích của Nguyễn Quốc Hùng. Về thanh điệu, từ láy thường ghép các thanh ngang-sắc-hỏi, và huyền-nặng-ngã với nhau. Vì thế, ta có “viển vông” thay cho “viễn vông”, dù rằng nếu viết “viễn vông” thì sẽ đúng với nghĩa gốc hơn.

    (19) Xem Luc Tinh Tan Van_ So 562_ 6 Thang Muoi 1918.pdf - ndc-lnh-mytho

    (20) Xem bài “Vấn đề tù chính trị và sự cần thiết lột trần âm mưu đánh tráo ngôn ngữ của bọn nguỵ danh chủ nghĩa” của Cung Trầm Tưởng [người đã làm hai bài thơ “Mùa thu Paris” và “Chưa bao giờ buồn thế” vào thập niên ’50 thế kỷ trước, và, sau đó, được Phạm Duy phổ nhạc], trong trachnhiemonline.com.

    Tài Liệu Tham Khảo Chính

    1. Alexandre de Rhodes. 1991. Từ Điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi Từ điển Việt-Bồ-La). Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính phiên dịch. Hà Nội: Nhà xuất bản KHXH.

    2. Đào Duy Anh. 1996. Hán-Việt Từ Điển. Nhà xuất bản tp HCM.

    3. Đỗ Quang Chính. 1972. Lịch Sử Chữ Quốc Ngữ 1620-1659. Saigon: Tủ Sách Ra Khơi.

    4. J.F.M Génibrel. 1898. Dictionnaire Annamite – Français, deuxième edition. Saigon: Tân Định. (nguồn sách phổ biến từ books.google.com)

    5. Hội Khai Trí Tiến Đức. 1931. Việt Nam Từ Điển. Hà Nội: Hà Nội Imprimerie Trung Bắc Tân Văn.

    6. Huình Tịnh Paulus Của. 1895-1896. Đại Nam Quấc Âm Tự Vị. Saigon: Saigon Imprimerie.

    7. Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ. 1970. Việt Nam Từ Điển. Saigon: Nxb Khai Trí.

    8. Nguyễn Khắc Kham. 1974. Chữ Nôm or the Former Vietnamese Script and Its Past Contributions to Vietnamese Literature. Bản điện tử của Nguyễn Quang Trung và Lê Văn Đặng, 2001. Tokyo: Tokyo University of Foreign Studies.

    9. Nguyễn Ngọc San. 2003. Tìm hiểu tiếng Việt lịch sử. Hà Nội: Nxb ĐHSP.

    10. Nguyễn Như Ý. 1999. Đại Từ Điển Tiếng Việt. Hà Nội: Nxb VHTT.

    11. Nguyễn Quốc Hùng. 1975. Hán Việt tân từ điển. Saigon: Nxb Khai Trí.

    12. Nguyễn Tài Cẩn. 1995. Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt. Hà Nội: Nxb Giáo Dục.

    13. Nguyễn Thạch Giang & Trương Chính. 2000. Nguyễn Du, Tác phẩm và Lịch sử Văn bản. Tp HCM: Nhà xuất bản tp HCM.

    14. Nguyễn Thiện Giáp (chủ biên). 1998. Dẫn luận ngôn ngữ học. Hà Nội: Nxb Giáo dục.

    15. Shimizu Masaaki. 2006. Sự Ảnh Hưởng Của Cấu Trúc Âm Tiết Từ Hán-Việt Đến Sự biến Đổi Các Tổ Hợp Phụ Âm Đầu Trong Tiếng Việt (The Influence of Sino-Vietnamese Phonotactics on the Evolution of Consonantal Clusters in Vietnamese). Khoa Ngôn ngữ học, Đại học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

    16. Shimizu Masaaki. 2008. Một Số Nhận Xét Về Cách Phiên Âm Từ Việt Bằng Chữ HánTrong An Nam Quốc Dịch Ngữ Trong Tứ Di Quảng Ký – Qua Việc So Sánh Với An Nam Dịch Ngữ. Hội thảo Quốc tế Việt Nam Học lần III.

    17. J.L.Taberd. 2004. Dictionarium Annamitico – Latinum. Hà Nội: Nhà xuất bản Văn Học (tái bản theo bản in năm 1838).

    18. Thiều Chửu. 2009. Hán Việt tự điển. Hà Nội: Nxb Văn Hoá Thông Tin (bổ sung theo bản in của nhà in Đuốc Tuệ, 1942).

    19. Trần Nho Thìn (chủ biên) & Nguyễn Tuấn Cường (khảo dị, chú thích, bình luận). 2007. Truyện Kiều / Nguyễn Du (Khảo- Chú -Bình). Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo Dục.

    20. Lm. An-tôn Trần Văn Kiệm. 2004. Giúp Đọc Nôm và Hán-Việt. Đà Nẵng: Nxb Đà Nẵng.

    21. Trần Uyên Thi. 2005. Thử Tìm Hiểu Luật Biến Âm Qua Hai Bản Nôm. Bản điện tử.

    22. Trần Uyên Thi & Nguyễn Hữu Vinh. 2007. Ai Vẽ Được, Ai Xoá Được / Dấu Vết Âm Việt Cổ: Từ Song Tiết và Phụ Âm Kép. Hội nghị Quốc tế về tiếng Việt (Hội Việt Học, Calif.). Bản điện tử.

    23. Trần Văn Chánh. 1999. Từ điển Hán Việt. Tp HCM: NXB Trẻ.

    24. P. J-B. Trương Vĩnh Ký. 1911. Poème Kim-Vân-Kiều Truyện. Saigon: F. H. Schneider Editeur.

    25. Vũ Đức Nghiệu. 2016. Biến đổi ngữ âm lịch sử với việc tạo từ tiếng Việt. Văn Hoá Nghệ An.