Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2018

Nhà văn đánh đổ một đế chế

Aleksandr Solzhenitsyn, sinh ngày 11 tháng Mười Hai, 1918, đã làm nhiều hơn bất kì ai khác để buộc Liên Xô quỳ gối đầu hàng.

Michael Scammell, The New York Times, ngày 11/12/2018

Hiếu Tân dịch

clip_image001

Aleksandr Solzhenitsyn tới Oslo bằng tàu biển, ngày 25, tháng Hai 1974, sau khi ông bị trục xuất khỏi Liên Xô.

Emil Christensen/Keystone, via Getty Images

Khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, các nhà bình luận đưa ra nhiều lý do khác nhau để giải thích sự thất bại của nó: kinh tế, chính trị, quân sự. Có mấy người nghĩ về một nguyên nhân thứ tư, đặc biệt hơn: chế độ đã mất hoàn toàn tín nhiệm.

Quá trình khó đong lường này bắt đầu vào năm 1956, khi Thủ tướng Nikita Khrushchev đọc cái gọi là bài ‘diễn văn bí mật’ của ông trước các lãnh đạo đảng, trong đó ông lên án những cuộc thanh trừng của Josef Stalin và chính thức tiết lộ sự tồn tại của quần đảo gulag (hệ thống các trại tập trung cải tạo). Không lâu sau đó, Boris Pasternak cho xuất bản ở phương Tây cuốn “Bác sĩ Zhivago” bị đàn áp của ông, đục thủng một lỗ khác trong Bức Màn Sắt. Rồi, năm 1962, tạp chí văn học Thế Giới Mới gây chấn động với cuốn tiểu thuyết phóng sự lấy Gulag làm bối cảnh, của một tác giả chưa có tên tuổi, Aleksandr Isayevich Solzhenitsyn.

Cuốn tiểu thuyết phóng sự đó, “Một ngày trong đời Ivan Denisovich,” đã gây bão trong nước, và sau đó, trên thế giới. Bằng lối văn trong sáng, mạnh mẽ, nó kể câu chuyện một ngày của một con người đơn giản trong một trại cải tạo, nơi anh phải chịu một cách khắc nghiệt vô vàn những bất công. Nó kích động đến nỗi, khi nó xuất hiện, nhiều độc giả LIÊN XÔ tưởng chính phủ đã bãi bỏ kiểm duyệt.

Solzhenitsyn khởi đầu sự nghiệp khi không còn trẻ. Ông sinh cách nay đúng một thế kỉ, ngày 11 tháng 12 năm 1918, chỉ 14 tháng sau cuộc Cách mạng Bolshevik, đúng ra ông cùng tuổi với nhà nước Xô viết, và đã trải qua mọi giai đoạn phát triển của nó. Khi còn trẻ và là một sinh viên, ông đã bị cuốn vào cơn phởn phơ cách mạng của thí nghiệm cộng sản và nồng nhiệt tin vào những tiền đề của chủ nghĩa Marx-Lenin. Trong Chiến tranh Thế giới thứ II, ông là sĩ quan chỉ huy tiểu đoàn pháo binh và được thưởng hai huân chương dũng cảm.

Nhưng sự nghiệp đầy hứa hẹn của Solzhenitsyn bị cắt ngang một cách tàn bạo bởi việc bắt giam ông vào tháng Hai năm 1945, với cáo buộc hoạt động chống chế độ, ông lập tức bị kết án tám năm lao động khổ sai trong gulag. Tội của ông? Phê phán Stalin và quân đội Liên Xô trong một bức thư trao đổi với một bạn học ở mặt trận khác.

Cuộc đảo ngược vận may kiểu Dickens này ném Solzhenitsyn vào thất vọng, nhưng nó cũng mở mắt cho ông thấy cái mặt trái ghê tởm của chế độ cộng sản sô viết, và cho ông thấy thoáng qua sự ngự trị của khủng bố và dối trá đã giữ cho chế độ kéo dài lâu đến thế. Ông đã viết những bài thơ, những truyện ngắn và một nửa cuốn tiểu thuyết, phần lớn với chủ đề lòng yêu nước; lúc này ông quyết định dành phần còn lại của đời sáng tác của mình để bóc trần bộ máy kinh tởm – như sau này ông phát hiện – đã giết và bỏ tù hàng triệu người như ông.

Sau khi xuất bản thêm hai truyện khác, tập trung vào cảnh khốn khổ của những người nông dân chân chất, Solzhenitsyn bị kiểm duyệt đưa vào sổ đen, nhưng ông đã kịp hoàn thành hai tiểu thuyết tự truyện lớn mà ông đã thai nghén: “Vòng đầu” (hay “Tầng đầu địa ngục”) và “Khu Ung thư.” “Tầng đầu địa ngục” viết về một nhóm tù đặc cách, bao gồm cả Solzhenitsyn, được chọn để làm việc trong một phòng thí nghiệm bí mật do nhà cầm quyền gulag quản, trong khi “Khu Ung thư” mô tả hoàn cảnh trong đó Solzhenitsyn làm việc như một giáo viên trong khu lưu đày sau khi được thả, đã được chữa khỏi ung thư ruột ở Tashkent.

Cả hai cuốn tiểu thuyết đáng chú ý về sự soi xét kĩ lưỡng vấn đề đạo đức của xã hội xô viết và bàn về những tội ác của chính phủ, cả hai bị từ chối xuất bản ở Liên Xô. Giống như “Bác sĩ Zhivago” chúng nhanh chóng được đưa lén sang phương Tây và, giống như “Một ngày trong đời Ivan Denisovich,” và ngay lập tức chúng trở thành những best-seller.

Vì có quan điểm phê phán cuộc sống xô viết, Solzhenitsyn bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn Liên Xô do nhà nước bảo trợ, và thật sự trở thành người ngoài vòng pháp luật trong chính nước ông. Nhưng ông hoàn toàn không cô độc. Nhiều nhà văn tài năng và độc lập — Varlam Shalamov (một nhà phóng sự về Gulag), Andrei Sinyavsky, Yuli Daniel và Joseph Brodsky — cũng tìm cách chọc thủng kiểm duyệt của nhà nước xô viết bằng một thể thức xuất bản mới gọi là samizdat. Nó bao gồm những bài thơ, những truyện ngắn, tiểu thuyết, nhưng lời kêu gọi quyền con người và những tuyên cáo chính trị được lưu hành bí mật dưới dạng ronéo và bản in, trong nhiều trường hợp còn được gửi ra nước ngoài.

Vào cuối những năm 1960, những nhà văn và nhà hoạt động hàng đầu được biết đến như phong trào Li Khai, hay Bất đồng Chính kiến. Mục tiêu của họ là đem đến tự do biểu đạt, và thay đổi hiện trạng chính trị một cách hoà bình, và họ đã có được một công chúng bạn đọc toàn cầu. Ngoài các nhà văn, hàng ngũ này còn bao gồm các nhà khoa học, kĩ sư, các học giả, luật gia, thậm chí những người hoạt động chống đối; lãnh đạo không chính thức của họ là nhà vật lí được giải Nobel Andrei Sakharov.

Solzhenitsyn đồng cảm và hợp tác với Sakharov và các nhà bất đồng chính kiến khác, nhưng ông không luôn luôn nhất trí với họ, và tiếp tục đi con đường của riêng ông. Năm 1973, vẫn còn ở Liên Xô, ông đã gửi ra nước ngoài kiệt tác văn chương luận chiến của mình, “Quần đảo Gulag.” Mô tả phi hư cấu này vạch trần những tội ác khổng lồ đã đưa đến sự cầm tù và tàn sát hàng loạt những nạn nhân vô tội, chứng minh rằng tầm cỡ của nó ngang với Holocaust [vụ giết hàng triệu người do phát xít Đức tiến hành trong Thế chiến thứ 2]. Cử chỉ của Solzhenitsyn là một thách thức đối đầu với nhà nước xô viết, chất vấn tính chính đáng của nó và đòi hỏi những thay đổi cách mạng.

Đáp trá, nhà nước tước quyền công dân của ông và trục xuất ông sang phương Tây; ông định cư ở Mỹ và sống gần 19 năm tiếp theo ở Vermont. Ông nhận lại được giải Nobel mà ông được trao năm 1970; ông còn viết thêm bốn tiểu thuyết lịch sử nữa, trong loạt lớn có tên “Bánh Xe Đỏ,” tập trung vào Cách mạng Nga và những hậu quả tai hại của nó.

Ông tiếp tục công kích giới lãnh đạo Liên Xô về sự đồi bại của họ và đưa ra hàng loạt khuyến cáo cho tương lai, nhưng lúc đó không phải thời gian hoàn toàn hạnh phúc của nhà văn. Những tố cáo đối với Liên Xô của ông không còn mang sức nặng như khi ông còn ở trong nước. Những công kích gay gắt của ông đối với nền dân chủ Hoa Kỳ và phương Tây chẳng bao lâu khiến những người tự do ở phương Tây vốn ủng hộ nay xa lánh ông, trong khi những phê phán mãnh liệt trong các hồi kí của ông đối với các đồng minh cũ làm tổn hại nghiêm trọng danh tiếng của ông ở trong nước.

Không có cái gì trong những chuyện này làm tiêu tan ước muốn của Solzhenitsyn là thấy chế độ Xô viết bị hạ bệ, và khi chính phủ của Mikhail Gorbachev sụp đổ năm 1991 ông vừa rộn ràng vui sướng vì thắng lợi vừa thích thú vì những tiên đoán của ông về thảm họa này đã được chứng minh là đúng. Ba năm sau ông trở về Nga và được hoan nghênh như một anh hùng. Nhưng ông không thích những gì ông thấy ở đó.

Chính phủ của Boris Yeltsin thì lộn xộn, và Solzhenitsyn chê trách cái mà ông coi như sự nịnh bợ phương Tây của chế độ mới, và cái mong muốn ngu ngốc của nó áp dụng hình thức dân chủ của phương Tây. Điều mà ông ủng hộ là một lãnh đạo mạnh, duy trì được trật tự nghiêm trong nước, cổ vũ khuếch trương tôn giáo và nhà nước ủng hộ Nhà thờ Chính thống, cùng với một tinh thần yêu nước được phục hưng, và trở về với những giá trị truyền thống.

Hình như ông đã đạt được mong muốn của mình vào năm 2000, khi Yeltsin trao quyền tổng thống cho một người chia sẻ những quan điểm dân tộc chủ nghĩa của Solzhenitsyn và hiện thân lí tưởng của ông về một lãnh đạo mạnh: Vladimir Putin. Lãnh đạo mới của nước Nga đã làm một sô biểu diễn cuộc tiếp đón Solzhenitsyn tới dinh thự của ông ta, và tìm kiếm những lời khuyên của ông; và năm 2007 ông ta trao giải thưởng nhà nước về tác giả cho những hoạt động nhân đạo chủ nghĩa của ông. (Solzhenitsyn đã từ chối những giải thưởng tương tự từ Gorbachev và Yeltsin.)

Solzhenitsyn chết năm 2008, trước khi Putin phô những màu sắc thật của ông ta với việc lạnh lùng ra tay sát hại những nhân vật đối lập, với việc tạo ra một nhà nước chuyên quyền, xâm lược Ukraine và the Crimea, và cắt xén dân chủ địa phương ở các tỉnh. (Có lẽ Solzhenitsyn tán thành những biện pháp đối với Ukraina, vì ông mang một nửa dòng máu Ukraina, nhưng sẽ không tán thành những biện pháp khác.)

Sau khi chết Solzhenitsyn được tổ chức một lễ tang hoành tráng và được an táng ờ nghĩa trang Tu viện Donskoy ở Moscow. Năm 2010 “Quần đảo Gulag” được yêu cầu đọc trong các trường trung học Nga. Đường phố Chủ nghĩa Cộng sản Vĩ đại của Moscow được đổi tên thành đường phố Aleksandr Solzhenitsyn, lễ kỉ niệm một trăm năm sinh của ông tuần này được cử hành hết sức long trọng ở Nga, và có kế hoạch dựng một tượng bán thân của ông trong tương lai gần.

Tất cả đã mang đến cho nhà văn sự thỏa mãn lớn. Nhưng mặc dù được tôn vinh và bị lợi dụng bởi những đồng minh đáng ngờ, Solzhenitsyn đáng được tưởng nhớ về vai trò của ông như một người nói lên sự thật. Ông đã liều tất cả để đóng một chiếc cọc xuyên qua trái tim của chủ nghĩa cộng sản Xô viết, và đã làm nhiều hơn bất kì cá nhân nào khác để xói mòn uy tín của nó và buộc nhà nước Xô viết quỳ gối đầu hàng.

_______________________________

Michael Scammell là tác giả của “Solzhenitsyn: Tiểu sử” và “Koestler: “Odyssey văn chương và chính trị của một kẻ hoài nghi thế kỉ hai mươi.”