Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2018

Hãy ngồi xuống đây! (kỳ 45)

THÁNG 8-2017

Một cụm từ hay: “Phản Bội Một Cách Có Phương Pháp”

Hạ Đình Nguyên


Đó là câu nói của cựu Tổng thống Pháp Hollande về Macron – người mà ông ta đỡ đầu và đưa làm phụ tá cho mình – đã giành thành công chiếc ghế Tổng thống của ông ta, rằng Macron đã “phản bội một cách có phương pháp”. (Ý nói là phản bội ông, vì tranh ghế tổng thống với ông). Nhưng Hollande cũng tỏ ra hài lòng khi bàn giao chức Tổng thống Pháp: “cho một người (Macron) gần với mình, cả về quan điểm chính trị lẫn liên hệ cá nhân, hơn là đối thủ các phe phái”.

Từ ngữ “phản bội” thốt ra từ Hollande đã trở nên nhẹ nhàng chứ không cay cú và mang ý nghĩa rất văn hóa, như cái ôm “chào nhau” giữa hai võ sĩ khi kết thúc trận đấu sống mái.

Nhưng trong một bối cảnh khác, ở một đất nước khác, như Việt Nam chẳng hạn, thì cụm từ “phản bội một cách có phương pháp” lại gợi nên một ý nghĩa khác, vừa nghiêm túc, và nghiêm trọng trong một bối cảnh hoành tráng hơn, vừa có chiều dài lịch sử và nhiều kịch tính hơn, như thể giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với nhân dân Việt Nam.

Nói như vậy, có thể là quá hồ đồ chăng, nhưng với cách nhìn khái quát nhất, thì cũng có thể… không sai mấy?

Sẽ quá phức tạp và dông dài cho người đọc để nói về cả tiến trình lịch sử. Chỉ xin nhấn mạnh cái buổi mở đầu từ “Đoàn quân Việt Nam đi…” để giành “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” như Hiến pháp thuở ấy đã từng ghi, nó thật bi tráng và đầy cảm xúc, đến cái hoạt cảnh ngày nay đang diễn ra, có thể xem là dự cảm cuối cùng cho một cách kết thúc nào đó của một thời kỳ lịch sử đặc biệt, dài hơn 80 năm từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.

Cái nút thắt ấy hình như đang rơi vào giai đoạn gần 7 năm nắm quyền lực tối cao của TBT Nguyễn Phú Trọng và êkip lãnh đạo hiện nay. Một thời kỳ mà ông Trọng gọi là sự “suy thoái toàn diện”, và cũng gọi bởi chính ông, bằng chùm từ ngữ khác không nhẹ ký chút nào, là cái nguy cơ “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, đang “đe dọa sự tồn vong của đảng”. Sau đó cũng chính ông lại nói, theo cách khá lộn xộn: “đây là thời kỳ rực rỡ nhất” lịch sử Việt Nam, vào một lúc mà có lẽ do một cao hứng bất ngờ?

Ông Trọng không phải là tất cả. Nhưng ông và ê kíp của mình phải chịu trách nhiệm tất cả về cái mẻ lưới cuối cùng nầy, khi đât nước đã được hòa bình, thống nhất, dưới quyền cai trị toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam trải qua hơn 41 năm, là một thời gian quá dài trong nhịp sống rất nhanh của thời đại ngày nay.

Nếu không gọi đích danh ông mà nói, thì nên gọi tên ai? Ở đây, ông Trọng là kẻ thừa tự chính thức và chính danh của một thứ di sản đặc biệt, thay mặt cho cả hệ thống. Ông không hề giấu giếm, mà từng thể hiện mình là kẻ “kiên định”, lại “có lý luận” về chủ nghĩa Mác-Lênin nhất nước, ông tự hào mình là kẻ thừa tự xứng đáng một thứ gia sản “chủ nghĩa” mà đối với người dân và trên bình diện quốc tế, được cho là một loại thứ phẩm đã quá đát, được cho là hàng nhái, mà một đời ông đã dày công ngâm tẩm.

Lịch sử không muốn đùa dai với một vở kịch có quá nhiều kịch tính và nhiều hình thái huê dạng diễn mãi trên sân khấu đất nước, đang làm nhão sức sống của cả dân tộc? Nếu ai đó chịu khó liệt kê tất cả những lời phát biểu và việc làm của ông, từ khi nắm quyền đến nay, thì không rõ ông là một nhà “lý luận rối rắm” đến cỡ nào!

Cái “sở tri” mà ông tự hào, trở thành một thứ chướng ngại lớn. Ông đã thành danh với đặc hiệu mà người dân gọi là Trọng Lú. Thế rồi, với chiến thắng “rực rỡ” đã giành được của cá nhân ông ở ĐH 12 bằng những động thái hiểm hóc, người ta lại phân vân tự hỏi: ông ta đâu có lú! Đúng thế, có dư luận cho rằng, với cái vốn tri thức có thể gọi là “bất minh” của mình, ông lại được “mưa thuận gió hòa” thổi từ phương bắc, nên đường dao “nội trị” của ông trở nên hiểm hóc, sắc sảo! Về đối ngoại, chưa ai từng thấy bộc lộ ở ông cái nhãn quan thông sáng kịp thời đại. Về kinh tế, gần như ông không có gì để nói. Cuộc vận hành của đất nước không diễn ra theo pháp trị, nhân trị, kỹ trị, mà là tổng hợp các thứ ấy trong một thể chế gọi là “đảng trị”. Một mô hình rất “cá biệt” vượt khung đặc biệt. Cái nào cũng có, nhưng không thực có cái nào cả, ngay trong nội tình của đảng ấy.

Trong vài năm qua, với những diễn tiến cụ thể, ông chứng tỏ là người có tài năng “trị đảng”, tiếp sau cái đảng trị nhân dân. Người xấu/tốt không thành vấn đề, củi tươi / khô gì cũng cháy hết. Theo bản tiêu chuẩn mới nhất, toàn bộ máy đảng chỉ có 2 loại người được quyền tồn tại. Loại 1: Phải “tuyệt đối trung thành”, loại 2; phải “tuyệt đối chấp hành” với ai đó và cái gì đó, thì sẽ… không đưa vào lò?

Từ buổi khởi đầu “Đoàn quân Việt Nam đi”, cho đến ngày hôm nay, thì đoàn quân ấy đã đi đến đâu, dưới sự cầm quyền của ông, với một hiện thực quá rối rắm của “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” hôm nay?

Không thể nói là nhân dân, hay người trong hàng ngũ của ông, đang “phản bội” cái lý tưởng mà ông đang là kẻ thừa kế, là “đã nhạt phai”. Ông nói, họ – những người trong hàng ngũ của ông, cùng với xu hướng xã hội – đã “thoái hóa, biến chất”, “tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Trong khi đó, sự bất bình ngày càng lớn trong nhân dân, để đòi quyền sống, về tất cả các mặt đang diễn ra: đất đai, dân chủ, nhân quyền, và quyền phát triển để đi đến hạnh phúc, sau khi đã giành được “độc lập”… như lời hứa hẹn của buổi ban đầu? Nghe qua thật rối rắm, nhưng bản chất của nhạt phai đó là gì?

Nhân dân, cùng các thế hệ thanh niên, đảng viên hơn 2/3 thế kỷ qua đã tốn hao quá nhiều xương máu, sinh mạng cho các cuộc kháng chiến vì một ước mơ, nay không thể tiếp tục bỏ phí thời gian, tiếp tục chôn vùi sinh lực của mình trong những nấm mồ của các thứ nghĩa trang thần thánh giáo điều, mà ông gọi là lý tưởng và cái lồng quyền lực của lý tưởng ấy.

Macron nói: Nước Pháp phải lên đường. France en marche. Nước Pháp không cần phải quá bận rộn với đảng cánh tả, đảng cánh hữu nữa. Nó phải vượt lên trên.

Ngẫm lại Việt Nam, thì không cần phải phân vân nuốt vào hay nhả ra cái chủ nghĩa ấy nữa, mà người cầm đầu và bộ phận phụ thuộc của nó vẫn đang cố tình nhai và nhây ra, vung vãi khắp đất nước, cố nhét vào mồm các thế hệ mới lớn cái thứ phẩm đã thành phế phẩm ấy, có người còn gọi là “hàng mã”, được “ma-de” ở Việt Nam, cũng được tái chế nhiều lần trong cụm từ mòn nhẳng, được gọi là “30 năm đổi mới” vòng vo.

Từ ngữ “độc lập” có ý nghĩa thiêng liêng của buổi đầu, nay trở nên mỉa mai, cay đắng vì nó trơ ra một màu khẩu hiệu. Cái màu ấy nằm lẫn trong “màu sắc Trung Quốc”. Nó bị đồng dạng, và ẩn trong bóng râm bị che bởi “chủ nghĩa hàng mã”, với các thứ, các loại quy trình ma mị. Thực chất của Hôi nghị Thành Đô là gì? Vì sao nó được giấu kín mãi đến hôm nay? Nó là thứ vũ khí sát thương hằng loạt trong tay Trung Quốc, nó như một bóng ma đang nắm sinh mệnh của Đảng Cộng sản Việt Nam chăng? Không một ai trong những “đứa con thừa tự” ấy nói ra cái điều mà toàn dân muốn biết. Là vì sao? Dù ê-kíp lãnh đạo hôm nay không phải là tác giả, nhưng là kẻ thừa tự, thì tinh thần, thái đô của họ ra sao?

“Tự do” đang trong khuôn khổ giáo điều, mà pháp quyền được hiện hình là bạo lực. Và “hạnh phúc” thì vang lên trong tiếng kêu than. Ấy thế mà nó vẫn cứ “rực rỡ” dưới mắt kẻ thừa tự. Hạnh phúc của người dân trở thành một loại hạnh phúc của “thú đau thương” đang được đề cao và ca ngợi? Nhìn ngày lễ trao bằng và vinh danh các bà mẹ Việt Nam anh hùng đã khêu gợi lên sự xung đột đau đớn với nhiều loại cảm xúc. Ngày lễ diễn ra dưới cơn mưa và gió rét, hình ảnh những anh hùng khốn khó đó, co ro, ướt át, dưới cái khẩu hiệu chủ đạo rất kêu với dáng dấp lãng mạn cỡ học trò, là “Mùa Hoa Đỏ” (ý là hoa máu?). Dù bất cứ ý nghĩa nào thì cũng không thể lấy máu làm hoa, và phương chi cái máu của một thời đã không nở hoa hôm nay.

Liệu có cần phải mô tả tình trạng “độc lập, tự do, hạnh phúc” của thời kỳ “rực rỡ nhất lịch sử Việt Nam” nầy của hôm nay không? Có lẽ không cần, vì tự nó đã hiển hiện đã quá đủ, chỉ cần nhìn xuyên qua một lớp ngôn từ khá rổng rang hiện có, nhìn vào các buổi lễ lạc chúc tụng cho nhau, trao nhau chức tước với những bó hoa kẻ đưa người nhận, và các nụ cười diễn không chuyên.

Nếu cho rằng, sự “phản bội” là không thể nghi ngờ, thì việc nhận ra cho rõ cũng không đơn giản. Phải chăng, vì nó được tiến hành “một cách có phương pháp”?

Nếu thế, những ai là người chủ đích thực của kịch bản có phương pháp ấy, đã kéo dài xuyên suốt gần thế kỷ?

Nếu quy hết thảy cho lịch sử hôm qua, với hàng hàng lớp lớp những người con dân đã ngã xuống, thì chắc chắn là không xác đáng. Họ đã gian khổ, hy sinh mà không mưu cầu “lợi ích” nào cho mình.

“Đoàn quân Việt Nam đi…” là cuộc hành trình lớn lao của cả dân tộc, với quyết tâm giành độc lập - tự do - hạnh phúc, như tiêu đề được ghi trên các văn kiện, từ 1946 cho đến ngày nay. Cho dù lịch sử có những góc khuất của nó, thì phần lớn đã vì mục đích cụ thể nêu trên, không vì một huyễn ào vô hình nào khác. Một lý thuyết nào đó cho dù hợp lý trong một giai đoạn lịch sử, cũng chỉ là một yếu tố kích hoạt tạo nên một sức mạnh mà người trong cuộc không ai hiểu rõ nó thật sự là gì, vì nó chưa đến, đặc biệt những kẻ cầm đầu, và cả ông Hồ Chí Minh?

Sẽ rất bất công, nếu nói chung rằng, Đảng Cộng sản đã phản bội dân tộc. Tất cả họ? Không phải tất cả họ đều là phản bội, ngược lại phần đông trong họ, và nhân dân, là bị phản bội, bởi một số ít người, họ chỉ nhận được sự thù lao nhẹ nhàng bằng những tờ giấy an ủi đặt lên bàn thờ và nước mắt.

Nhưng đó là những ai, cái số ít ấy?

Có phải, số ít ấy đích thực là chủ kịch bản? Hay là kẻ ngoại nhân nào, hay là định mệnh nó thế?

Thuyết định mệnh ngày nay không còn tồn tại. Cũng không thể đổ hết cho ngoại nhân.

Cần truy tìm nguyên nhân cốt lõi là gì cho thật thỏa đáng?

Kẻ thừa tự giáo điều?

- Có thỏa đáng chăng, nếu cho rằng, những người thành lập và cầm đầu Đảng Cộng sản đã lao vào một cuộc trường chinh máu lửa ấy, là có ý đồ “phản bội” dân tộc, đui điếc mà nhắm mắt theo Nga Tàu để dâng hiến Tổ quốc mình? Luận điểm đó không thể là sự thật. Đó chỉ là lời kết án do sự giận dữ theo một cách nhân danh, và nhìn từ một chỗ đứng khác. Cần phải nhìn thấy cái khí phách và sự hy sinh vô bờ bến vì khát vọng độc lập, tự do của gióng máu Việt. Nó đáp ứng một yêu cầu lịch sử.

- Chủ nghĩa Mác-Lênin như một loại rượu mạnh, nhất thời gây ảo giác trong cơn cháy khát giữa sa mạc của bối cảnh lịch sử mà chủ nghĩa tư bản mới phát triển cùng với cuồng vọng thuộc địa. Chủ nghĩa Mác - Lê ra đời trong hoàn cảnh lịch sử đó, nó không nhằm lừa ai. Nhưng quả thật, dù có nhiều điều bất cập, nhưng ít ra nó là một chất kích thích đang gây phấn khích cho khát vọng độc lập dân tộc, mà che lấp mầm ung thư về sau. Họ đang hưng phấn thật sự trong một thứ “ảo giác” về lý tưởng. Cơn say nắng ấy đem lại hiệu quả, đồng thời là tai họa. Hiệu quả thuộc về phần cứng, nhìn thấy được trên bề mặt, tai họa là phần mềm khó thấy, phát triển âm ỉ từ bên trong, và sau đó lan tỏa, phát lộ. Trong suốt chiều dài lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã có không ít, và liên tục, những người kiên dũng đã nhìn ra, sực tỉnh và chống lại. Và họ đã liên tiếp bị thất bại đau đớn, trả giá đắt, chết trong lao tù, trong vây hãm và tàn tạ.

Thử lấy một ví dụ trong lịch sử, có lẽ là rất đáng tiếc, từ thời triều Nguyễn Ánh - vua Gia Long.

- Khi Nguyễn Ánh diệt được triều Nguyễn Huệ, thống nhất đất nước, lên ngôi vua thì quay đầu sang thần phục phương Bắc, chấm dứt quan hệ với phương Tây, vốn là đối tượng mà Gia Long đã từng biết và nhờ vả. Đã biết phần nào về nền văn minh khoa học đang phát triển, ít nhất về súng đạn, về tàu bè, về nền giao thương của phương Tây… đã không chịu mở mắt để nhìn thấy cái lạc hậu của mình, cái mới của người mà học tập, lại đắm chìm trong tư duy cũ, chỉ để bảo vệ vương triều mà mình vừa chiếm được, lo thụ hưởng các thứ, và truyền ngôi cho con cháu, kéo dài đến 13 đời vua những 300 năm.

Công lớn nhất của triều Nguyễn là thống nhất đất nước (như ngày nay) và mở mang nội trị cục bộ được phần nào đó, trong sự tự mãn quá đáng với tư duy giáo điều theo phương Bắc. Kết quả là tiểu quốc, đại quốc đều cùng nhau trở thành thuộc địa bị giày xéo trong nô lệ. Cái tội không hoàn toàn ở Gia Long, vì ông đã bỏ hết sinh lực của mình vào cuộc đấu tranh, đầu óc đã mỏi mệt thiếu sáng kiến và, 56 tuổi thì mất. Có lẽ cái tội lớn là ở các thế hệ thừa tự. Thừa tự về cơ nghiệp được để lại, bám vào cái cũ, xây biệt điện… hưởng lạc theo cách hạnh phúc trong chăn. Nhưng rõ nét nhất và quan trọng hơn cả, chính là thừa tự giáo điều và tự thỏa mãn.

- Khi Đảng Cộng sản Việt Nam thống nhất đất nước, thì chủ nghĩa Công sản (chủ nghĩa xã hội) đã hoàn toàn lạc hậu với thời đại, đã bị gỡ bỏ trên toàn thế giới. Liên Xô – được gọi thân thiết là anh Hai – đã công khai giải thể. Trung Quốc – được gọi là anh Ba – đã ma mãnh biến dạng, thì ở Việt Nam, kẻ thừa tự chủ nghĩa, tiếp tục kiên định một cách mụ mị. Dù nhân dân không nhầm lẫn, nhưng sức mạnh của guồng máy quyền lực giáo điều còn đang trớn vận hành, bắt cả dân tộc chạy vòng quanh trong một thứ quán tính sinh học. Lẽ nào, và có thể, vào một ngày nào đó không xa, sức cùng, lực kiệt, và đào tẩu… và “để lại cho em một nước Việt buồn” (TCS).

Có điều gì giống nhau ở hàng thừa tự của hai thời đại?

Phải chăng, Lợi ích và Giáo điều đã quyện vào nhau thành một cục, được nhân danh là “lý tưởng”? Chính cái cục lý tưởng ấy không cho phép một sự khai sáng nào có thể xuất hiện, làm “chệch hướng” con đường cũ. Cái chệch đường ấy được lên án là “nhạt phai lý tưởng”, là “tự diễn biến” vì đi ra ngoài con đường kiên định giáo điều. Đó là con đường kiên định của ngựa đi với hai miếng che hai bên mắt.

Và hôm nay, sự kiên định giáo điều ấy được chính thức, công khai tái khẳng định một cách mạnh mẽ, hùng hồn như một kẻ liều chết đánh bom, vừa được ban ra tươi rói trên các kênh truyền thông quốc gia (Bộ Chính trị ban hành quy định về tiêu chuẩn chức danh cán bộ cấp cao).

Cái khẳng định ấy như sau:

“Cán bộ tuyệt đối trung thành với lợi ích (?) của Đảng, của quốc gia, dân tộc và nhân dân, kiên định với chủ nghĩa Mác - Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu lý tưởng về độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội. Đặt lợi ích (?) của Đảng, quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích của ngành, địa phương, cơ quan và cá nhân.

Tuyệt đối chấp hành sự phân công của tổ chức, giữ nguyên kỷ luật phát ngôn, mẫu mực về phẩm chất đạo đức, sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, trong sáng, giản dị, bao dung, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”.

Đọc “Quy định và Tiêu chuẩn” trên của Bộ Chính trị, ai có thể nghĩ gì? Chắc là nhiều người nghĩ nhiều.

Một bản văn rõ ràng đến độ trắng trợn về vai trò và lợi ích tối cao được xác định là của đảng, còn lại tất cả chỉ là các thứ gia vị, sắc màu hư ảo cho thêm phần tươi đẹp lời văn, kể cả cái kiên định chủ nghĩa Mác-Lê Nin, cũng là cái lẵng hoa “đinh” làm điểm nhấn nhằm tăng thêm sự mơ hồ huyền hoặc. Đoạn nầy nói rõ là dành cho cấp cao là ủy viên Bộ Chính trị.

Đoạn dưới dành cho cấp Trung ương trở xuống, là tuyệt đối chấp hành. Đã thế thì thôi, nhắm mắt, bỏ tim óc vào một họp kín mà làm theo, xin tha cho một chuổi hư từ giả dối khó kiểm tra lòng thòng dài ngoẳn kéo theo sau, là “trung thực, khiêm tốn, chân thành, trong sáng, giản dị, bao dung, và… cần kiệm liêm chính chí công công vô tư”. Bọn “từ ngữ” nầy thực chất là đểu cáng, là vô dụng, là lẫn lộn, chúng chỉ có nhiệm vụ làm hoa-lá-cành, trang trí cho bớt phần trắng trợn cái chính cương khá thô ráp “tuyệt đối chấp hành” ở đầu câu. Người ta thấp thoáng thấy có một bóng ma

giả dạng ông Không Tử đâu đây, và lãng đãng như sương khói thời Nghiêu Thuấn bên Tàu, trộn lẫn với một số từ ngữ có chức năng như một thứ phấn son thời kỳ giá rẻ. Hẳn có người muốn đi vào lịch sử, như đã từng một thời, có số người cố phấn đấu được vào nằm ở vùng đất thánh nghĩa trang Mai Dịch? Đó là chuyện cười ra nước mắt vĩ đại.

Hy vọng đội ngũ cán bộ Cao, Trung của đảng, thời ông Trọng sắp tới đây, sẽ rất hoàn hảo – dù cực kỳ khó tưởng tượng – theo cái bản tiêu chuẩn nói trên. Và từ đây sẽ không còn chỗ dung thân cho các từ ngữ dân chủ, pháp quyền, nhân quyền…Và cũng đừng mơ tưởng gì thêm. Chỉ có “Chủ chiên” và “Con chiên”. Xã hội thay bằng “Trại súc vật”.

Tinh yếu của bản văn là:

Tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng + gia vị. Tuyệt đối chấp hành + lá rừng

Qua đây, nghiệm rằng tác giả phải là người có “trình” “nghệ thuật lý luận” cao, hẳn là ông Trọng? “Phi Trọng bất thành văn” nầy. Nó được thông qua cầu vượt Bộ Chính trị ư? Và được xuôi dòng êm ái qua đại lộ Trung ương ư? Nếu thế, ắt phải tin, dù rất muốn hay rất không muốn, ông Trọng đang đạt đến đỉnh cao cheo leo quyền lực mà ông vốn từng tuyên bố là không hề có mảy may tham vọng.

Với bản văn nặng ký “chưa từng có” nầy được thông qua, buộc phải gọi nó là “CÓ PHƯƠNG PHÁP”!

Chiếu kiến vào cái hiện thực xã hội lắm chuyện hôm nay, mà hiểu cho ra cái bản văn tuyệt vời tít mù kia, thì không thể biết được cái nào sinh ra cái nào? Cái hiện thực sinh ra bản văn, hay bản văn đẻ ra hiện thực. Dù cái nào trước, chắc chắn là có tính logique của quan hệ khắng khít mẹ con, như cái biện chứng pháp Mác-Lê mà ông Trọng tự tin là mình rất rành.

Cảm ơn ông cựu Tổng thống Pháp Hollande, đã cho tôi thưởng thức một cụm từ hay.