Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2018

Những ghi chép ở tầng thứ 14 (kỳ 2)

Tiểu thuyết Thận Nhiên


ĐÊM PHỐ TÂY

Sài Gòn cuối tháng Sáu đôi khi có mưa nhưng vẫn còn nóng lắm. Bạn có thể làm quen dần với nhiều điều kiện môi trường sống nhưng khó mà thoả hiệp được với cái nhiệt độ hầm hập và thứ tiếng ồn kinh dị của thành phố này.

Tôi đón taxi về khu Tây ba-lô, một khu nằm ở trung tâm thành phố, theo chỉ dẫn từ cuốn Lonely Planet mà tôi mang theo. Ở đó là khu dành cho những kẻ như tôi, bọn du lịch bụi bờ, bọn người bị mẹ tôi cho rằng là mọi thành phần rác rưởi mà thế giới văn minh đã từ chối, nhưng bà cũng dư biết rằng cái bọn bụi đời ấy cũng khinh rẻ và chán ngán cái thế giới trật tự văn minh của bà và chúng không chịu thoả hiệp với nó. Và, điều quan trọng là cậu con trai duy nhất của bà lại lăm le muốn trở thành một thành viên của cái đám ấy. Bà biết và không đồng ý, rồi cảm thấy bất lực vì không thể lái tôi theo cái hướng tương lai mà bà hoạch định và kỳ vọng. Ban đầu bà khuyên răn tôi. Khuyên răn không xong, bà phản đối. Phản đối không ăn thua, bà dùng biện pháp chế tài, cắt giảm tiền allowance. Rồi, khi tôi đã hai mươi tuổi tuổi thì bà mặc kệ.

Giá phòng trong các nhà nghỉ ở khu này tương đối là rẻ so với các thành phố khác trong khu vực Đông Nam Á, chừng mười đô-la cho tới hai mươi đô-la một đêm, có thể trả giá thấp hơn và không phải đặt chỗ trước.

Ở đây, nếu bạn không quá khó tính thì lúc nào cũng có chỗ để đặt lưng xuống qua đêm. Nhưng tôi không muốn trải qua những ngày đầu tiên trong một căn phòng tồi tàn. Tôi muốn có một chỗ nằm tươm tất với ra trắng sạch sẽ, máy lạnh mát rượi, và các tiện nghi của một khách sạn chứ không phải ở căn phòng trọ hẹp, bẩn, ngột ngạt, không cửa sổ. Tôi cũng cần một cái hiên nhỏ có tầm mắt khoảng khoát để nhìn xuống thành phố, để cái không khí nhiệt đới hầm hập từ từ thẩm thấu vào các lỗ chân lông và làn da còn tươm mùi của thế giới tư bản; như lời cha tôi dặn, một cách hơi cường điệu và văn hoa không cần thiết: “Hãy sẵn sàng cải tạo chính mình và hội nhập vào phần đất hiếm hoi còn lại của thế giới”. Riêng điều này, một trong những điều hiếm hoi, tôi đồng ý với ông. Thêm nữa, tôi muốn chụp hình nơi mình đang ở, gởi qua e-mail cho mẹ, để trấn an bà rằng quý tử của bà vẫn đang được cuộc đời đối xử không tệ.

Liên Hiệp Quốc loan báo rằng chính thức coi việc tự do truy cập Internet là một quyền cơ bản của nhân loại: Tất cả mọi người, không phân biệt tầng lớp, tôn giáo, giới tính, độ tuổi, dân tộc... đều có quyền được truy cập Internet và tự do thể hiện suy nghĩ, quan điểm, góc nhìn của bản thân họ trên mạng thông tin toàn cầu này.

Làm thế nào để xác quyết rằng mình đang sống trong một đất nước cộng sản hay tư bản ư? Tôi bắt đầu có kinh nghiệm về điều đó. Bạn cứ lên mạng, gõ facebook.com, nếu bạn có thể đăng nhập vào một cách nhanh chóng và dễ dàng thì bạn đang ở Texas hay Toronto hay Tokyo, còn nếu không vào được, thì bạn đang ở Bắc Triều Tiên, Cuba, Trung Quốc, Việt Nam hay Pakistan...; tức là bạn đang ở một trong những đất nước độc tài hay cộng sản còn sót lại của thế giới.

Tôi chỉ lên mạng được để gởi e-mail cho mẹ, nhưng đếch vào facebook được. Tôi đang ở Sài Gòn.

Thêm một kinh nghiệm nữa, khi tôi mở iPad, bấm vào chương trình để xem phim của Netflix, một công ty cung ứng phim cho khách hàng xem trên mạng, thì được bọn ấy trả lời bằng dòng chữ: “We haven’t reached to this part of the world.” [1] Thế mới thấy cái bọn tư bản ấy phân biệt một cách chó đểu không chứ!

Tôi được bọn giang hồ vặt trên mạng cho biết rằng, không náo nhiệt như ở Bangkok hay Kuala Lumpur, nhưng Sài Gòn luôn có chỗ để bạn ngồi đến ba giờ sáng với một chai bia 333, một loại bia địa phương khá ngon, và nhấm nháp từng hạt đậu phộng rang đựng trong đĩa nhựa, tán gẫu với một cô gái có số ngữ vựng tiếng Anh vừa đủ để hiểu nhau trong các đề tài thông thường. Tuyệt nhất là có thể phì phèo phun khói thuốc lá vào đám đông chung quanh mà không hề bị phản đối hay kỳ thị. Tôi không hút thuốc nên tôi sẽ không được hưởng cái khoái cảm tự do đó.

Khách sạn này nằm ở góc đường Đề Thám và Bùi Viện ở quận 1, nó có tên là Murderers nightmare.

Tôi chưa từng giết người. Thỉnh thoảng tôi cũng có ác mộng với bàn tay nhỏ máu ròng ròng. Thường thì trong các giấc mơ khi gần sáng ấy tôi bị giết bằng một cách nào đó, thật dã man, bởi một kẻ mà tôi chưa hề quen biết. Những cơn ác mộng có vài tình huống cứ lặp đi lặp lại. Thường thì tôi bị cắt mất một hay hai bộ phận trên thân thể trước khi bị xô xuống từ một tầng lầu cao, hay từ một chiếc máy bay đang bay. Ngoài những khi bị giết bởi kẻ lạ, thì cũng có khi tôi bị cha tôi xô, khi thì bị mẹ tôi xô. Tôi thức giấc trước khi thấy mình chết hẳn; nằm một lúc định thần cho tỉnh, tôi sung sướng đến ngạt thở vì thấy mình còn sống. Có khi sung sướng quá vì còn được sống tiếp, tôi phải la hú lên thật lớn, cười sằng sặc, đập chân đập tay lên nệm ầm ầm. “Chúa ơi, con sướng quá!”

Tôi muốn thuê căn phòng trên lầu ba, phòng số 317.

Google cho tôi biết vào nhiều năm trước một vụ án mạng đã xảy ra trong chính căn phòng này. Một gã du khách gốc Thái Lan đã giết rồi chặt xác nạn nhân ra thành nhiều mảnh, bỏ vào bao rác, nhét xuống ngay dưới cái gầm giường mà tối nay tôi sẽ nằm. Lý do tôi muốn ở căn phòng này là tôi hi vọng cái không gian đó sẽ kích thích tôi, hay ít ra cũng gợi cho tôi một cái gì khác thường để tạo hứng cho trí tưởng tượng, hay tạo hứng cho việc viết.

Bà chủ khách sạn đồng ý giảm cho tôi 50% giá phòng khi tôi cho bà biết rằng tôi cũng biết cái thông tin kinh dị đó. Bà xuýt xoa tỏ vẻ khâm phục cái kiến thức có từ Google của tôi. Bà nói:

“Tôi thừa nhận là căn phòng đó có vấn đề bất thường, nhưng anh xem kìa, không phải chung quanh chúng ta chẳng có gì là bình thường cả sao? Hai mươi hai đô-la là giá đặc biệt chỉ dành cho anh thôi đấy”.

Tôi nhìn vào tấm gương đối diện, bà chỉ hiện diện trong đó với một cánh tay phải, một nửa phần cái đầu bên trái được chẻ dọc bằng một lát cắt rất phẳng.

Tôi đưa bà tờ năm mươi đô-la cho hai ngày đặt trước, với cuốn hộ chiếu, rồi lấy lại tiền dư, chìa khoá và hai cái điều khiển, một cho máy lạnh và một cho ti-vi, rồi kéo va-li vào thang máy.

Trong hộc bàn hay trên cái bàn nhỏ ở đầu giường trong các phòng khách sạn ở Việt Nam không có cuốn Thánh Kinh như khách sạn của Mỹ thường có. Tôi chưa đi châu Âu và châu Phi nên không biết các nơi đó như thế nào. Dù sao, tôi nghĩ Thượng Đế cũng nên hiện diện một cách cụ thể và công bằng ở khắp mọi nơi, nhất là các nơi như thế này, ít ra là cho những kẻ độc hành như tôi. Với những kẻ du hành cô độc thì một cuốn Thánh Kinh còn quan trọng và hữu dụng hơn chai dầu gió và thuốc tiêu chảy cộng lại. Không sao, tôi có mang theo trong túi xách một cuốn Tân Ước khổ nhỏ bằng bàn tay.

Tắm xong, tôi ngủ một giấc ngắn, cố làm quen với mùi thuốc xịt phòng gây gây, xốc lên mũi.

***

Tôi thức giấc nhưng chưa thoát ra khỏi trạng thái mê mệt khi nghe một tiếng nổ lớn rồi ngay sau đó đèn tắt phụp. Tôi để máy lạnh nên đã đóng hết cửa sổ và kéo màn lại. Căn phòng kín bưng và tối om. Tiếng động rì rì của máy lạnh và cái tủ lạnh im bặt, im bặt cùng lúc với tiếng nhạc dội lên từ dưới phố. Tôi có cảm giác căn phòng đang rơi trong một giấc mơ. Tôi nằm im lắng nghe tiếng tim mình đập. Tôi mở mắt ra, không thấy gì, nhắm lại. Khi nhắm mắt, dù có ánh sáng hay không, tôi vẫn thấy dễ chịu hơn là mở mắt. Việc nhắm mắt, không phải chú mục vào một gương mặt hay vật thể nào, cho tôi cảm giác yên bình. Nhắm mắt và lắng nghe một cách lơ đãng là trạng thái dễ chịu nhất, nhất là khi nằm bên người tình. Tôi đọc được điều này ở trong một cuốn sách mà không còn nhớ là cuốn gì, nhân vật chính có thói quen khi nằm bên người tình thì hắn không bao giờ mở mắt. Những kẻ nằm bên nhau mà mở mắt nhìn nhau thì trước sau gì cũng phải xa nhau nếu không muốn giết nhau. Vậy mà hắn liên tục phải xa rời hết người tình này đến người tình khác. Ở đoạn kết của cuốn sách, tác giả cho gã nhân vật bỏ được thói quen nhắm mắt, lúc này hắn luôn mở mắt và ngó mãi cái trần nhà hết đêm này đến đêm khác vì bên cạnh hắn không còn một ai.

Tôi ngửi thấy mùi khét của điện cháy. Có tiếng sấm dội lại từ đâu đó rất xa. Hình như có mùi nước mưa len vào từ cửa sổ. Một hai tiếng sột soạt thật nhỏ từ góc xa của căn phòng, có lẽ tiếng móng của một con gián cào lên mặt giấy.

Tôi cố nhớ lại, căn phòng này có hai giường được đặt song song, cách nhau chừng sải tay. Giường gỗ, có thành giường sát tận mặt đất, như khung của một cái hộp. Trên mỗi giường trải ra trắng, có hai gối kê, một gối ôm cũng được bao bằng vải trắng, một tấm chăn trắng mỏng, và cái khăn tắm cũng màu trắng được gấp lại dưới chân.

Lúc này, một ý nghĩ bật ra trong đầu: khi giết cô gái ấy xong, thì gã người Thái chặt xác ra làm nhiều phần, bỏ vào bao rác, nhét xuống gầm giường, nhưng gầm giường nào? Cái giường kề bên cửa sổ mà tôi đang nằm hay cái giường nằm gần nhà vệ sinh kia? Tôi hình dung ra mớ chăn gối, khăn đều màu trắng ướt sũng máu.

Tôi mở mắt, cố với tay ra mặt bàn đầu giường mò tìm, hi vọng bắt được bao diêm hay cái quẹt ga, nhưng không thấy gì cả, chỉ sờ tay đụng vào cái đế đèn ngủ bằng kim loại, lạnh ngắt. Mắt tôi tập làm quen với bóng tối. Một ánh chớp loé lên thật nhanh từ khe cửa sổ. Tôi thấy được những hàng số trên cái điện thoại bàn nhá lên chút ánh sáng.

Tiếng xe máy đột ngột rú lên. Không phải chỉ một chiếc, mà nhiều chiếc cùng rú máy. Tôi không muốn nằm im trong cảm giác chịu đựng và bất lực nữa. Tôi gượng ngồi dậy, dựa lưng vào tường. Tôi đang không mặc gì cả. Da lưng tôi cạ vào vách gai gai. Một giọt nước rơi trúng vào sống mũi lạnh buốt làm tôi giật mình. Mất vài giây tôi mới nghĩ được rằng có lẽ nước từ máy điều hoà nhỏ ra. Tôi hít sâu vào rồi thở ra thật chậm, dè sẻn từng chút không khí trong buồng phổi. Tiếng nước nhỏ từng giọt chậm trong phòng tắm. Từ vòi nước xuống cái xô. Hay từ vòi xịt bên bồn cầu xuống sàn nhà. Ban chiều, tôi đã ngạc nhiên khi thấy cái vòi xịt này, tôi chưa từng thấy nó bao giờ, rồi hiểu ra công dụng của nó khi nhấc lên xịt thử, một vòi nước bắn ra thật mạnh. À, ở đây ngoài giấy vệ sinh thì người ta còn dùng cái vòi nước này để rửa đít, tôi chưa thấy cái hình thái văn minh này ở Mỹ và các nước bên đó. Bạn thấy nó kỳ cục ư? Rồi bạn sẽ quen, tôi tin rằng tôi cũng sẽ làm quen với nó. Một cách thân thiện.

Cha tôi được kể rằng trong một hội nghị về văn hoá ở nước ngoài, một diễn giả Việt kiều tâm tình với cử toạ người ngoại quốc rằng thuở thiếu thời, khi ông ấy còn ở Việt Nam, chưa vượt biên ra khỏi nước, ông thường chùi đít bằng những viên đá ông nhặt được dọc theo đường rầy xe lửa gần nhà, ở một tỉnh miền Trung. Một cách tự nhiên, ông thường có lại cảm giác quen thuộc ở hậu môn, thấy dấy lên nỗi nhớ những viên đá ấm nóng được nung trong nắng trưa thời thơ ấu, nhớ da diết, mỗi khi đứng trước quầy hàng có hàng chục loại giấy vệ sinh mịn xốp và thơm tho. Hàng trăm người im lặng lắng nghe ông nói, rồi tiếng vỗ tay vỡ bùng lên khắp khán phòng khi ông dứt lời. Tôi muốn khóc khi nghe câu chuyện đó.

Trước đó, tôi không ngạc nhiên mấy khi thấy một cái hộp gỗ như cái tủ nhỏ, có mái che, bên trong có bức ảnh một ông râu dài mặt đỏ bên những hàng chữ Hoa, và hiểu ra đó là cái bàn thờ. Cái bàn thờ giống thế này thì tôi đã thấy trong các tiệm người Hoa ở các khu China-town bên Mỹ. Khác biệt là ở bên đó những cây nhang là đồ giả, sáng đỏ, lập loè, được làm bằng bóng điện như những con mắt nhỏ tí, còn ở đây người ta thắp nhang thật, mùi gây gây nồng khó chịu.

Mưa bắt đầu rơi lên kính cửa. Tôi quyết định ra khỏi phòng để tìm người hỏi vì sao cúp điện và khi nào thì có lại. Ít ra tôi cũng nên tìm cho mình một ít ánh sáng.

Đúng lúc đó, tôi thấy “nó”.

Thật ra, tôi không thấy, nhưng tôi cảm nhận được sự hiện diện của “nó”, ngay trong căn phòng này, ngay bên dưới cái giường tôi. Tôi không thấy “nó” bằng mắt, nhưng cảm nhận “nó” bằng tất cả mọi giác quan còn lại. Tôi cảm nhận cái mùi tanh tanh trong không khí; mơ hồ thấy cái vật thể tròn, to như một thân người, không đầu, không chân tay, lăn lướt nhẹ êm, chuyển động thật nhanh từ gầm giường tôi sang gầm giường bên kia, rồi lăn trở ngược lại; cảm nhận được cái chất nhơn nhớt “nó” để lại trên mặt sàn nhà như một vệt lân tinh sáng lên rồi từ từ tắt dần. Tôi cứng người vì sợ. Tôi không có gì để che chắn. Tôi nghe mình thét lên, một tiếng thét câm không thành tiếng:

“Chúa ơi!”.

“Nó” bắt đầu đổi hướng, không theo lộ trình từ bên này sang bên kia giữa hai giường nữa. “Nó” như ngập ngừng phân vân, rồi dừng lại ở cuối chân giường tôi, chỉ cách chân tôi chừng một mét. Tôi thét lên, lần này tôi nghe tiếng mình thét, tay chân vùng đạp kinh hoảng.

“Nó” biến mất.

Tôi cảm thấy “nó” vụt biến mất thật nhanh như chưa từng hiện hữu nơi này, như một ngọn đèn tắt phụt. Tôi vơ cái gối, ném vào dưới chân giường, hướng “nó” đã có mặt. Cái gối rơi phịch xuống sàn nhà trống. Tôi mở căng mắt cố nhìn về hướng đó, không dám rời mắt, sau một lúc không thấy gì, rồi nhìn quanh căn phòng. Không có gì bất thường, mọi vật vẫn y nguyên như trước khi tôi chìm vào giấc ngủ mê mệt, ngoài cái gối nằm dười sàn nhà. Tôi ngồi yên, hít một hơi dài để trấn tĩnh.

Tôi xuống giường, mở cửa khi nghe tiếng người bồi phòng gõ khẽ. Ba người khách trọ cùng tầng lầu mở cửa phòng họ, ló đầu nhìn rồi bước hẳn ra hành lang nhờ nhờ sáng. Anh bồi cầm đèn pin, chìa ra mớ nến cho mọi người chia nhau, anh đưa tôi hai cây nến, cố giải thích và xin lỗi lý do mất điện. Ngay lúc đó đèn bật sáng, có điện lại.

Tôi thấy mình đứng tồng ngồng trước cửa phòng, thân hình trắng bệch hiện ra trên tấm kính lát tường, tay cầm hai cây nến, trông thật luống cuống ngớ ngẩn. Một cô gái đứng ở cửa phòng số 313 ngó tôi mỉm cười, rồi thật nhanh, nàng nheo mắt, đưa tay lên ra dấu như chĩa súng bắn. Tôi ôm ngực, vờ trúng đạn, loạng choạng ngã bật ra sau, ngã vào trong khung cửa phòng mình, đá cánh cửa đóng sầm lại.

Vài phút sau, bà chủ khách sạn gọi điện thoại hỏi thăm, đề nghị rằng tôi có thể đổi sang phòng khác nếu muốn, mà giá thuê không thay đổi, bà sẽ cho người lên thu dọn giúp. Tôi phân vân vài giây, rồi cám ơn và từ chối.

Tôi lấy trong va-li ra quyển Tân Ước, đặt lên bàn ngủ. Tôi đặt tay lên cuốn sách, thì thầm đọc bài kinh Lạy Cha, đọc đi rồi đọc lại ba lần. Lạy Cha là bài kinh mà tôi thích nhất trong các bài kinh mà tôi biết. Mỗi khi đọc lên, đọc rất chậm, tôi cảm nhận được ý nghĩa của từng chữ thấm dần vào mạch máu mình, nó giúp tôi hồi sinh, giúp tôi thấy rằng mình nhỏ bé, yếu đuối dường nào nhưng luôn được bảo vệ trong tình yêu của Thượng Đế. Đó là cách tôi gõ cửa Thượng Đế. Mẹ tôi luôn dặn, “Con phải làm như vậy mỗi khi con có nhu cầu tìm đến sự an ủi và che chở của Cha Trên Trời”. Bà ít khi gọi Thượng Đế là God, hay Lord, mà bà trang trọng gọi Người là Our Father in heaven.

Vì sao tôi không muốn đổi phòng?

Tôi tin rằng mình sẽ làm quen và vượt qua được vụ này, sự việc không đến nổi sẽ trở nên quá tệ. Tôi sẽ làm bạn với “nó”. Sẽ từ tốn giải thích cho “nó” hiểu rằng tôi hoàn toàn có thiện chí, không hề có ý muốn xâm phạm vào không gian của “nó” với ý xấu. Và phần nào, tôi thấy việc rút lui khỏi căn phòng này sẽ như là dấu hiệu của sự thua cuộc, sự hèn nhát của mình. Ngoài ra, đây mới là lý do chính. Tôi muốn gặp lại cô gái ở phòng 313, vì tò mò. Tôi muốn được nàng bắn mình thêm lần nữa. Lần này, tôi nhất định sẽ ngã về phía trước, phía nàng đứng. Nàng không phải là ma. Nàng không phải là người/ma. Tôi thấy nàng khá rõ, nguyên vẹn thân thể con người, từ chân tới đầu. Nàng rõ là người. Và rất quyến rũ.


HAI TRÁI CHUỐI

“Chào cô”.

“Xin lỗi, tôi đang nói chuyện với ai đây ạ?”.

“Thưa cô, tôi là người mà cô vừa bắn trúng ngực cách đây nửa giờ. Tôi sống sót, và giờ xin mời cô uống với tôi một ly, nếu cô thấy không phiền”.

“À, tôi nhớ rồi. Anh lém lắm. Vì sao anh có thể gọi điện thoại đến phòng tôi?”.

“Tôi hỏi người quản lý khách sạn, và bà ta cho số của phòng cô”.

“Anh tên gì? Tôi phải gọi anh như thế nào đây?”.

“Tôi là William. Còn cô?”.

“Gọi tôi là Cathy”.

“Cô đi uống với tôi một ly nhé, ngay dưới phố đây thôi”.

“Hấp dẫn nhỉ? Bao lâu nữa thì anh có thể đi?”.

“Ngay bây giờ”.

“Vậy 10 phút nữa nhé. Gặp ở dưới khách sảnh”.

“Vâng, cám ơn cô. Tôi mừng quá”.

“Tôi cũng vui như anh vậy. Bye”.

“Bye”.

***

“Chào William, bây giờ trông anh khá hơn lúc nãy”.

“Vâng, tôi đã tỉnh ra, và đỡ hơn nhiều”.

“Chúng ta đi đâu đây?”.

“Thú thật, tôi vừa đến đây lúc chiều, chưa biết gì về thành phố này. Có lẽ tìm một bar bất kỳ nào đó. Quán bên kia đường chăng? Ừ, quán Go, go, go đó. Cô có đề nghị gì không?”.

“Ở đó ồn lắm. Nếu anh không biết thì đi theo tôi. Tôi biết một chỗ có quang cảnh nhìn hay lắm. Ở cuối con đường này thôi, chỉ đi bộ chừng năm phút”.

Tôi bước theo Cathy. Trời vừa tạnh mưa. Những vũng nước trên đường hắt lên ánh đèn màu lấp loá. Khu phố thật náo nhiệt. Người đi tràn xuống đường vì không có lề cho người đi bộ. Bắp chân Cathy trắng như sữa, thấp thoáng trong làn váy hoa.

Cathy dừng lại ở ngã ba đường. Cái bảng gỗ nhỏ kẽ tên quán SANTA. Anh bồi cho biết chúng tôi có thể ngồi dưới nhà hay trên lầu tuỳ ý. Chúng tôi lên một cầu thang hẹp và tối, chỉ vừa một người đi. Bên trong bày vài cái bàn, ánh đèn mờ, quán không để nhạc như phần lớn các quán khác. Cathy đẩy tôi ra phía hành lang. Một dãy ghế cao kê dọc bên gờ tường thấp, một mặt bàn bằng đá gá lên gờ tường. Đã có vài người ngồi, có vẻ như toàn người nước ngoài, không có ai là người bản xứ. Chúng tôi ngồi dưới cây quạt máy gắn trên tường, tầm nhìn hướng chếch xuống phố. Ngay trước mặt, cách chỗ chúng tôi ngồi chừng hai mét, là một trụ điện trông như cái cây kỳ dị, chằng chịt từng búi dây điện xoắn xít như những rễ cây toả ra. Nhìn xuôi theo hướng con đường, ngoài xa, là một toà nhà màu xám, cao hơn hẳn những tòa nhà khác, có lẽ nó là một trong những toà nhà cao nhất thành phố, có một sân máy bay trực thăng chìa ra ở lưng chừng. Toà nhà trông như một lưỡi đao đâm lên bầu trời thấp.

“Tôi đã nghĩ rằng anh là một người bản xứ ở đây. Anh không khác gì họ lắm về nhân dáng. Ý tôi muốn nói rằng anh là người Việt, chỉ cao lớn hơn họ một chút, và nói tiếng Anh”.

“Tôi là người Mỹ gốc Việt. Cha mẹ tôi người Việt. Tôi sanh ra và lớn lên ở Mỹ. Người ta nói những đứa như tôi thuộc về thế hệ chuối. [1] Nghĩa là ngoài vỏ thì vàng, còn bên trong ruột là trắng”.

“Ra là vậy. Tôi cũng có liên hệ với Việt Nam về mặt huyết thống, nửa phần. Cha tôi gốc Đức, mẹ tôi gốc Việt. Ông bà gặp nhau khi ông đi lính ở đây, rồi ông mang bà về Mỹ khi giải ngũ. Gia đình tôi ở Alabama. Họ cũng hay đi Việt Nam tuy rằng mẹ tôi không còn ai thân thích ở đây nữa. Họ thất lạc hết trong chiến tranh. Bà tìm mãi mà không ra ai nên bỏ luôn ý định tìm kiếm”.

“A, cô cũng là chuối, như tôi. Té ra mình là hai trái chuối tình cờ gặp nhau, cô thấy có hài hước và kỳ lạ không? Hai trái chuối Mỹ-Việt. Tôi nguyên trái, cô chỉ nửa trái!”.

“Anh đi du lịch?”.

“Tôi không biết. Tôi chỉ thích đến Việt Nam sống thử một thời gian ngắn, rồi sau đó hẵng hay. Chưa có ý định gì rõ rệt cả”.

“Anh có muốn nói tiếng Việt với tôi không, thay vì tiếng Anh?”. Cathy đổi giọng, cô nói bằng tiếng Việt khá trôi chảy, không phải cố gắng.

Tôi trả lời bằng tiếng Việt, “Ô, tôi muốn lắm. Đừng cười tiếng Việt của tôi nhé”.

Cathy cười, “Được lắm, tiếng Việt của anh tệ, nhưng không tệ quá lắm đâu, tôi hiểu hết mà. Khi nào không thể nói được tiếng Việt thì hãy dùng tiếng Anh”.

Tôi làm theo lời cô. Thấy vui vì kiểu nói chuyện bằng hai ngôn ngữ như thế này khá dễ dàng và nó kích thích đầu óc tôi làm việc nhiều hơn là một câu chuyện bằng tiếng Anh như bình thường, dễ dàng như khi tôi trò chuyện với cha mẹ và những người Việt khác ở Mỹ.

“Lúc nãy sao anh hét lên to vậy, lúc trong khách sạn đó?”.

“Tôi nghĩ là tôi thấy ma”.

“Ma à? Ghê rợn thế?”.

“Căn phòng tôi ở có ma. Mấy năm trước có kẻ bị giết và chặt khúc ra ngay trong đó”. Tôi vừa nói vừa chém bàn tay ra dấu. “Cô không biết ở đây nhiều ma lắm à?”.

“Không. Tôi không biết”.

“Cô không thấy là bà chủ khách sạn và các nhân viên là người/ma sao?”.

“Tôi không hiểu ý anh. Người/ma? Nghĩa là thế nào?”.

“Nghĩa là họ nửa người, nửa ma. Cô không thấy hầu hết bọn họ là như thế hay sao?”.

“Có vẻ như anh cần chút thời gian để bình tĩnh lại. Thú thật, tôi không thích đùa kiểu này và chúng ta không nên tiếp tục câu chuyện theo cái hướng ma quái này nữa. Nếu anh muốn tìm nơi để trút những thứ nhảm nhí đó thì, xin lỗi, anh tìm sai địa chỉ rồi”.

Người bồi đến, chìa ra cuốn thực đơn bìa nâu, những trang giấy bên trong được bọc nylon nhàu nhò. Cathy gọi một ly Rhum, tôi cũng gọi như vậy.

Thấy cô im lặng ra vẻ bất bình, tôi cố nối lại câu chuyện bằng kể vắn tắt về mình và dự định của chuyến đi này. Cathy nghe, lơ đãng. Cô nheo mắt cười khi nghe tôi nói đến dự định viết một cuốn sách, nhưng không hỏi gì thêm. Cô chuyển đề tài.

“Rượu Rhum nội địa ở đây không ngon lắm, nhưng rất rẻ. Nếu mua nguyên chai Rhum Hiệp Hòa ở tiệm tạp hoá thì chỉ hơn một đô-la. Các loại rượu nội địa làm bằng gạo khác thì cũng rẻ. Còn các loại rượu ngoại đều đắt, thường đắt hơn cả bên Mỹ, và nhiều phần là hàng giả”.

“Làm sao cô biết rành vậy?”.

“Tôi đã sống ở đây đủ lâu để biết”.

“Là bao lâu?”.

“Ba năm”.

“Cô làm gì ở đây đến ba năm?”.

“Tôi làm thiện nguyện cho vài tổ chức phi chính phủ, và đi dạy”.

“Tuyệt nhỉ. Cô dạy gì?”.

“Lăng nhăng, dạy tất cả những gì tôi biết mà người địa phương không biết, và ngược lại, học những gì họ biết mà tôi không biết, chủ yếu là dạy tiếng Anh. Tôi có thể dạy về critical thinking [2], nhưng ở đây người ta còn dè dặt với môn này”.

“Nếu tôi không lầm thì cha tôi kể rằng ông đã ngồi ở đây, ngay quán này, ngay hành lang này. Không chừng ông đã ngồi ngay cái ghế mà tôi đang ngồi”.

“Hay nhỉ? Anh có chắc về điều đó không? Anh có thấy những điều ngẫu nhiên đều rất tuyệt phải không?”.

“Ừ. Những điều ngẫu nhiên đều rất thú vị. Tôi nghĩ là đúng như vậy. Cha tôi đã ngồi ở ngay đây. Ông đã tả nơi này rất tỉ mỉ, với tôi. Ông đã tả búi dây điện trước mặt mình. Cái sân cho trực thăng đáp ở lưng chừng toà nhà ngoài xa xa kia. Căn nhà mái tôn lụp xụp đối diện bên kia đường, ông thắc mắc không hiểu vì sao họ không chịu sửa sang cho đồng bộ với những căn khác. Gánh hàng rong trên vỉa hè. Ông thắc mắc vì sao những chiếc ghế nhựa lại chịu nổi trọng lượng của người Tây phương, và vì sao họ lại có thể nhét cái mông to vào nó. Món rượu Rhum pha với nước trái quýt. Nước mưa làm chạm điện bắn lửa lẹt xẹt ở cái chùm dây điện này. Tiệm bán áo thun cho khách du lịch ở bên kia đường. Ông đã ngồi ngay đây. Bây giờ thì tôi có thể khẳng định vậy. Ông ngồi đây với cái laptop, vừa uống Rhum, vừa hút thuốc bằng tẩu, vừa viết một truyện ngắn”.

“Không phải trái quýt. Trái này nhỏ hơn trái quýt, người ta gọi là trái tắc, tôi không biết trong tiếng Anh nó là gì. Ba anh là nhà văn à?”

“Ừ, ông ấy từng kiếm sống bằng viết báo, nhà báo tự do, nhưng có viết thơ và truyện. Bằng tiếng Việt. Tôi có đọc, nhưng không hiểu gì nhiều, và không thích lắm. Ở Mỹ, tôi có học đọc và viết tiếng Việt ở một ngôi chùa của cộng đồng người Việt trong vùng”.

“Ông viết chuyện gì ở chỗ ngồi này?”.

“Ông viết về những con rồng. Ông kể chuyện ông được bạn cũ mời đi ăn thịt rồng, ngay trong quán này, ăn xong thì ói ra máu. Chắc là ông bị lừa ăn nhầm một thứ thịt thú thiu thối nào đó, và bị ngộ độc”.

“Có lẽ là vậy. Hoặc là anh đọc nhầm, hoặc ông ấy viết nhầm. Ở Việt Nam người ta chỉ ăn thịt rắn, trăn, các loài bò sát. Và côn trùng. Và hằng trăm thứ thịt thú hoang khác. Nhưng không có thịt rồng. Làm gì có komodo dragon [3] ở xứ này mà ăn!”.

“Không, không phải chuyện thật, ông hư cấu mà”.

“Ừ, vậy à. Hư cấu thì được”.

Tôi nhằn ra hai hột trái tắc trong ly rượu của mình. Vị Rhum hăng, nhưng nhạt. Những viên đá tròn tròn chạm vào thành ly lanh canh, tan nhanh.

Cathy nói tiếp, “Người ta ăn đủ thứ thịt. Một số khách du lịch đến từ Tây phương có thể ăn được thịt chó, thậm chí thịt mèo. Họ xem việc đó như là một bằng chứng, một điểm son, về khả năng hội nhập và tính hoà đồng của họ. Tôi không ăn. Người Việt uống cả mật con gấu pha với rượu. Họ nuôi gấu để lấy mật khi nó đang sống. Lấy mỗi ngày. Đâm ống tiêm vào bụng gấu rồi hút chất mật ra. Người ta nuôi con gấu như cách mở một trương mục ngân hàng. Rút mật nó như người ta rút tiền khi cần tiêu xài. Tôi có ông bạn ở Hà Nội làm như vậy. Ông bảo, “Tôi đãi cô một ly rượu quý nhé”, rồi sai người lấy ống tiêm rút mật con gấu đang nuôi trong chuồng ở góc vườn ra, pha vào rượu nếp màu trắng đục, loại rượu như Volka, mời tôi”.

“Cô uống thấy ngon không?”.

“Không, tôi không uống được, tôi ói”.

“Cô dở ẹc”.

“Tôi không làm chuyện man rợ”.

“Ai tưởng mình đang đứng vững thì hãy coi chừng kẻo ngã. Thánh Phaolô nói như thế”.

“Dẹp câu châm ngôn lạc điệu và ông thánh man rợ của anh đi. Ông ấy đâu có uống mật gấu bao giờ”.

“Ở Ấn Độ người ta ăn cả cứt khỉ và uống nước đái bò”.

“Tôi biết, có người còn cho rằng cứt khỉ ở Ấn Độ thơm ngon như sô-cô-la của Bỉ. Nhưng chuyện đó khác với việc uống mật rút ra từ bụng con gấu khi nó còn sống. Sau này tôi nghe kể rằng con gấu đó đã nhịn ăn rồi chết. Nó tự sát. Ở Phương Đông này, loài vật cũng biết tự sát như loài người. Khi một sinh vật không còn hài lòng với đời sống nữa thì nó tự kết liễu”.

“Vậy sao? Cô không thích ứng với những thứ văn hoá lạ thì làm sao cô có thể sống được ở đây, và ở những vùng xa lạ khác trên thế giới?”.

“Tôi thích ứng với các thứ văn hoá lạ, chỉ không thích ứng với sự man rợ, sự ác độc. Cha tôi từng đi lính ở đây bốn năm khi vừa lớn. Ông bảo ông đã trưởng thành nhờ khoảng thời gian này. Ông bắn người khác và bị họ bắn. Tôi không biết ông ấy có tự tay giết ai không, ông không kể, nhưng chắc mẹ tôi biết. Khi đó tôi chưa ra đời. Ông cho tôi xem sẹo và những miểng đạn được lấy ra từ thân thể. Đó cũng là một trong những lý do khiến tôi đến và ở lại đây. Tôi đi tìm cái hình ảnh và đoạn đời ông ấy đã sống, và của mẹ tôi”.

“A, thật là trùng hợp kỳ lạ. Tôi cũng có ý định đó, tìm lại hình ảnh của các thế hệ trước, những người trong gia đình tôi, vì họ gọi nơi này là quê hương, “quê hương của chúng tôi”, chứ không phải nước Mỹ. Còn cô thì khác, nơi này có liên quan gì nhiều với cô đâu? Cô có xem nó là quê hương đâu. Cô tìm cái quá khứ của ông ấy để làm gì vậy?”.

“Sao lại không liên quan? Trong tôi có nửa phần là Việt Nam mà. Tuy nhiên, tôi tìm cái phần đó chẳng để làm gì cả. Nó như một thôi thúc bí mật. Tôi không lý giải được sự thôi thúc đó”.

“Vì sao lúc nảy cô bắn tôi?”. Tôi kẹp hai ngón tay ra dấu.

“Vì sao anh ôm ngực mà không ôm dái? Khi đó anh đang truồng tồng ngồng”.

“Vì tôi không muốn cô không thấy tôi đang truồng tồng ngồng”.

“Ừ, trông anh buồn cười như một thằng bé mất quần…”.

“Vì sao bây giờ cô bỏ đi khỏi đất nước này?”.

“Tôi muốn thay đổi trong một thời gian”.

“Ba năm là khoảng thời gian không ngắn chút nào”.

“Nhưng bây giờ thì mọi chuyện đã khác, tôi hiểu tôi cần làm gì. Với lại, giờ đây Việt Nam hay một nước nào ở châu Phi hay Trung Đông chắc cũng không có gì quan trọng hơn nhau. Tôi còn cả một thế giới để khám phá và hai phần ba cuộc đời để sống. Tôi không thấy mình có trách nhiệm hay ràng buộc gì với cái quá khứ của cha mẹ mình nữa. Cái quá khứ mà tôi không có mặt”.

Cathy dừng lời, uống một ngụm, nói tiếp, “Tôi sắp đi khỏi đây. Tôi đã đặt vé, đã thanh toán gần hết đồ đạc, đã dọn nhà, chỉ ở khách sạn vài hôm để lo cho xong việc, rồi đi”.

“Tôi có thể biết cô đi đâu không?”.

“Tôi về Mỹ”.

“Cô có thấy uổng phí khi bỏ ra ba năm sống ở đây không?”.

“Tôi đã sống. Và đã hài lòng. Giờ thì muốn làm chuyện khác”.

“Cô mang gì về Mỹ?”.

“Những câu chuyện”.

“Như chuyện gì?”.

“Chuyện này chuyện kia. Như chuyện cha anh từ Mỹ về đây viết truyện ăn thịt rồng rồi quyết định không trở lại. Như chuyện tôi đi tìm con cá trê nặng hàng trăm ký ở sông Mê-kông, rồi hiểu ra rằng nó chỉ là chuyện nhảm, con cá đó chỉ là huyền thoại. Chuyện anh gặp ma và thấy người ta là người/ma. Đại khái những chuyện như vậy, những chuyện có khi là thật mà nghe như huyền thoại”.

“Vì sao chỉ là huyền thoại?”.

“Vì đây là một đất nước mà người ta sống bằng huyền thoại, có lịch sử được xây dựng bằng huyền thoại. Món này ở Mỹ thiếu, ở đó không có. Ở đó chỉ có những huyền thoại kiểu như Bill Gates”.

“Tôi định sẽ sống ở đây một thời gian. Cô có lời khuyên nào cho tôi không?”.

“Có. Anh phải tìm thuê một phòng trọ cho ít tốn tiền, ở quận Ba hoặc Phú Nhuận cũng được, không xa lắm, hay ra ngoại ô ở Thủ Đức hay Bình Chánh. Nhưng đừng sống ở ngay quận Một, anh sẽ bị luộc chín vì sự hào nhoáng và tốn kém. Anh mua lại chiếc xe gắn máy của tôi để dùng, chỉ năm trăm đô-la thôi, cũ nhưng tốt. Anh nên đi chơi một vài chuyến khi còn thì giờ và tiền, ra Hà Nội và miền Bắc, vào miền Trung, cũng nên đi Campuchia và Lào cho biết, đó là những đất nước tuyệt vời. Đi du lịch ở đây là rẻ nhất. Rồi xin đi dạy Anh văn để sống qua ngày trong khi làm quen với mọi thứ ở Việt Nam và tìm công việc khá hơn. Ở đây người ta tin rằng Anh văn là chìa khoá để mở cửa ra thế giới. Rồi tìm một cô bạn gái để sống chung, để học tiếng Việt và cho đỡ cô đơn. Tôi cũng đã từng có vài anh bạn trai người Việt. Còn đêm nay thì hãy khoan tính đến việc ngủ với tôi. Tôi chưa sẵn sàng. Nếu anh cần thì hãy xuống dưới kia, có các cô mặc áo thun, váy và quần sọt ngắn. Giá chừng ba mươi cho tới bảy mươi đô-la. Tôi khuyên anh nên dùng bao cao-su, và cẩn thận với những thứ như đồng hồ, ví, mắt kính… kẻo bị chôm mất, và hãy trả giá. Bọn đàn ông kể với tôi về những kinh nghiệm chơi bời của chúng, và họ khuyên nhau như vậy”.

“Đồng ý và cám ơn cho lời khuyên. À, tôi có thể chạy xe gắn máy, nhưng tôi nghĩ tôi không chạy xe được ở đây. Tôi chưa từng hình dung ra có một nơi nào mà giao thông lại hỗn loạn như thế này. Vả lại, tôi không có bằng lái của Việt Nam”.

“Anh phải lái được xe gắn máy nếu anh muốn sống ở đây. Không có cách nào khác. Còn bằng lái thì không cần. Cái này thay thế cho bằng lái”. Cô lục ví chìa ra cho tôi xem một tờ giấy bạc màu xanh. Tôi không kịp nhận ra mệnh giá của nó. Cô nói tiếp, “Anh phải luôn luôn có ít nhất là một tờ một trăm ngàn để sẵn, và để riêng, trong ví. Một trăm ngàn là đơn vị căn bản để giải quyết hầu hết những rắc rối trong đời sống ở đây. Từ việc vi phạm luật giao thông cho tới việc giải quyết những xung đột bất ngờ khác”.

“Tôi chưa hiểu ý của cô”.

“Nghĩa là, anh hãy đưa một tờ bạc một trăm ngàn cho cảnh sát khi bị thổi phạt, đưa hai tờ cho nhân viên hành chánh khi đi đăng ký tạm trú, đưa năm tờ cho du đãng khi sắp bị hành hung trong quán bar, vân vân…”.

Cathy búng ngón tay ra dấu chìa tiền. “Nghĩa là nó hữu dụng trong hầu hết mọi trường hợp rắc rối. Hãy tập làm quen với giá hối đoái và dùng tiền Việt thay vì đô-la. Khi anh dùng đô-la ở đây, anh sẽ hoang phí vì thấy cái gì cũng rẻ”.

“Cô nghĩ điều này, việc hối lộ, là đúng trong mọi trường hợp?”.

“Đúng vậy. Trong mọi tình cảnh. Hai mươi năm trước, người ta không dùng tiền như đơn vị để hối lộ, mà dùng thuốc lá, loại có đầu lọc, thuốc lá ngoại nhập, thường là thuốc lá của Anh, hiệu 555. Một điếu là mời nhau hút xã giao, mười điếu là cho vi phạm luật giao thông, một gói trở lên là cho các vấn đề nghiêm trọng hơn. Người ta dùng thuốc lá để giao dịch như là người thượng cổ dùng vỏ sò để giao dịch vậy. Nhưng bây giờ thì mọi chuyện đã thay đổi rồi. Họ đã văn minh hơn”.

“Cô nói thật chứ? Vì sao lúc đó họ không dùng tiền cho đơn giản hơn?”.

“Người ta kể với tôi như vậy, và tôi tin thật. Vì sao ư? Vì đạo đức. Vì tập quán. Vì tâm lý. Vì văn hoá. Vì những thứ đại loại như vậy”.

“Tôi nghĩ cô nên viết một cuốn sách về những kinh nghiệm riêng. Với nội dung đại khái như thế này, Làm sao một du khách sống sót ở Việt Nam chẳng hạn.”

“Ờ, ý kiến hay, nhưng bây giờ thì muộn mất rồi”.

“Ly nữa chứ?”.

“Không, nếu anh thích thứ này thì để tôi kêu nguyên chai, khỏi mất công gọi nhiều lần. Hôm nào nếu còn kịp thì tôi đưa anh đi chơi với những học trò của tôi. Tôi thích những người trẻ tuổi ở đây, họ dễ thương và nhiệt tình”.

“Ok. Đêm nay cô ngủ với tôi nhé? Nhưng tôi không thể làm tình với bao cao-su. Tròng bao cao-su thì chỉ là một màn tập thể dục chứ không phải làm tình”.

“Không. Nếu không thích những cô gái dưới kia thì hãy ngủ với những con ma của anh, cho quen”.
Cathy gõ cái bật lửa vào thành ly những tiếng leng keng. Người hầu bàn bước tới.

“Cho tôi một chai Rhum Hiệp Hòa, hai lon sô-đa, và nước đá nhé. Cám ơn anh”.

_________________________

[1]t hế hệ chuối: banana generation


[2] critical thinking: tư duy phê phán

[3] komodo dragon: loài rồng đất ở Indonesia

(Còn tiếp)