Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 8 tháng 11, 2018

Mười năm khinh bỉ, mười năm trung thành, mười năm tự do

Vladimir Nabokov

Phạm Thị Hoài dịch

Nhân văn-Giai phẩm thực ra là một ân huệ của số phận, nhà thơ Trần Dần ghi nhận như vậy sau ba mươi năm làm “thơ đóng chai”, ba mươi năm lừng lững cô đơn, lưu vong trên chính quê hương mình. Không có tai nạn ấy, văn học Việt Nam hẳn không có một Trần Dần như đã thấy. Không có cuộc Cách mạng Tháng Mười tròn một thế kỷ trước, chắc chắn văn học thế giới cũng không có một Vladimir Nabokov như đã thấy, “một công dân Mỹ không tiến bộ, đến từ một nước Nga không hiện hữu”, theo lời của chính ông. Lưu vong khi chưa đầy 19 tuổi, ngay sau khi những người bôn-sê-vích giành chính quyền, Nabokov suốt đời không bao giờ trở lại Nga, suốt đời giữ trọn lòng khinh bỉ “bọn Đỏ”, chủ nghĩa cộng sản và sản phẩm tinh thần của nó, văn học sô-viết. Bài viết sau đây đăng trên Rul, tờ báo của cộng đồng Nga lưu vong, xuất bản tại Berlin ngày 18 tháng Mười Một 1927, đúng dịp kỷ niệm 10 năm Cách mạng Tháng Mười. Nabokov sống tại Berlin gần 17 năm, trước khi một lần nữa lưu vong, đào thoát khỏi Đức Quốc xã rồi định cư tại Hoa Kỳ.

Vladimir Nabokov những năm 20 tại Berlin, ảnh bìa cuốn hồi ký "Speak, Memory"

Vladimir Nabokov những năm 20 tại Berlin, ảnh bìa cuốn hồi ký “Speak, Memory”

100 năm kỷ niệm sự kiện rung chuyển thế giới, nước Nga chỉ thiết tha trở lại thời Sa hoàng, nước Việt vẫn mải miết “kế thừa và vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm, bài học lịch sử của Cách mạng Tháng Mười Vĩ đại”, nhưng Trần Dần đã một phần trở lại và một chút Nabokov cũng đã đến tay độc giả Việt Nam. Thế là đủ cho tôi lạc quan rằng tương lai dù thế nào, văn học cách mạng của giai cấp cần lao hay văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa đã thuộc về quá khứ.

Người dịch

Những ngày này, khi mùi tử thi tởm lợm của một dịp kỷ niệm ở bên kia bay sang, chẳng lẽ ta không mừng lễ kỷ niệm của chính mình? Mười năm khinh bỉ, mười năm trung thành, mười năm tự do, chẳng lẽ không đáng cho một diễn văn kỷ niệm?

Khinh bỉ cũng cần đào luyện. Ta đã nghiên cứu đến tột cùng ngành khoa học khinh bỉ. Đã bão hòa đến mức đôi khi chẳng buồn chế giễu đối tượng của mình. Cánh mũi chỉ còn thoáng phập phồng, mắt khẽ nheo – rồi im lặng. Nhưng hôm nay ta lên tiếng.

Mười năm khinh bỉ. Tôi không khinh người thợ Sidorov nào đó[1], thành viên đáng kính của một hội đồng trò hề nào đó, nhưng tôi khinh cái ý tưởng tí hon, ngu si, xấu xí đã biến những người Nga ngốc nghếch thành những người cộng sản đần độn, đã biến con người thành một loài kiến mới, kiến mác-xít nhánh lê-nin-nít. Và tôi không thể chịu nổi cái vị mùi mẫn lờ lợ của sự phàm tục mà tôi bắt gặp trong mọi thứ bôn-sê-vích. Sự tẻ nhạt phàm tục hắt ra từ những trang xám xịt của tờ Pravda, sự phẫn nộ phàm tục vọng ra từ tiếng hét chính trị của người bôn-sê-vích mà bộ óc tội nghiệp đã bị nhồi đầy sự ngu xuẩn phàm tục. Người ta bảo rằng nước Nga đã ngu đi, có gì đáng ngạc nhiên đâu… Nó đã trương phình thành một cõi tỉnh lẻ hoang vu, với một tay kế toán sư tử chuồng nhà, với những cô nàng đọc tác phẩm của Verbitskaya[2] và Seifullina[3], loại kịch giải trí thảm hại, nhân vật thường là một nông dân hiền lành say rượu dựng lều ngủ giữa đường cát bụi.

Tôi khinh cái xác tín cộng sản là tư tưởng đánh đồng tất cả, là một trang ảm đạm trong lịch sử huy hoàng của nhân loại, là sự phủ định cái Đẹp thế tục và phi thế tục, là một thứ ngu xuẩn xâm phạm cái Tôi tự do lồng lộng của tôi, là sự cổ vũ cho vô tri, vô giác và lòng tự mãn. Sự khinh bỉ của tôi giàu sức mạnh, bởi khi khinh, tôi không cho phép mình nghĩ đến đổ máu. Sức mạnh ấy cũng bắt nguồn từ chỗ tôi không oán thán như một thị dân tuyệt vọng vì bị mất nhà, mất tài sản, mất thỏi vàng giấu vội dưới đáy bồn vệ sinh. Ý tưởng không giết người, mà chính con người mới sát nhân, và ta phải tính sổ riêng với nó. Tha thứ hay không tha thứ, đó là một vấn đề loại khác. Nhưng sự khinh bỉ của ta cần giữ trọn trinh tiết, quyết không để ân oán vấy ngầu. Căm hờn luôn là bất lực.

Song không chỉ mười năm khinh bỉ, ta còn kỷ niệm mười năm trung thành. Ta trung thành với nước Nga không chỉ theo cái nghĩa trung thành với ký ức, ta yêu nước Nga không chỉ như yêu tuổi thơ đã mất, tuổi trẻ đã phôi pha. Không, ta yêu nước Nga, một nước Nga từng đáng tự hào, một nước Nga chậm rãi và từ tốn hình thành, một cựu cường quốc giữa các cường quốc khác. Còn bây giờ nó là gì đây, nó đang đi về đâu, góa phụ sô-viết, người bà con nghèo khó của Châu Âu? Ta hạnh phúc với trang sử trước của nước Nga, ta trung thành với nó và lâng lâng cảm xúc khi ai đó ở những xứ sở xa xôi lại tha thiết gọi ra những cái tên đã thân thương với ta từ thời thơ ấu. Ta là một đợt sóng mới của nước Nga đã trào qua bờ và lan ra toàn thế giới. Nhưng sự phiêu bạt của ta không chỉ thuần thê lương và nỗi nhớ quê hương can trường không chỉ toàn ngăn ta vui hưởng một đất nước xa lạ, với một giác quan mài sắc cho nỗi cô đơn trong đêm tha hương sáng điện, trên một cây cầu, một quảng trường, ở một nhà ga. Và bây giờ dù đã hiểu ra, rằng mỗi người trong chúng ta khác nhau nhường nào, dù đôi khi ta tưởng như không phải chỉ một mà hàng ngàn hàng vạn nước Nga đang lang thang trên thế giới, lúc thì cơ cực và cay đắng, lúc thì thù địch chống đối nhau, nhưng vẫn có một điều gắn chặt chúng ta trong một khát vọng lớn, một ý chí chung mà các sử gia tương lai sẽ nắm bắt và nhận định.

Và ngoài ra ta ăn mừng mười năm tự do. Có lẽ không một dân tộc nào khác từng nếm cái tự do mà ta đã trải. Nước Nga đặc biệt ấy vô hình bao bọc ta, khích lệ ta, nâng đỡ ta, nuôi dưỡng tâm hồn ta và tô mầu cho những giấc mơ của ta. Ngoài bộ luật của tình yêu nước Nga, không có luật nào khác và không có quyền năng nào khác ngoài lương tâm của chính ta. Ta có thể nói tất cả, hát lên tất cả, không điều gì có thể giấu được ta, không kiểm duyệt nào có thể đặt ta vào những vòng giới hạn, ta là công dân tự do của mơ ước của chính mình. Quốc gia phân tán của ta, quyền lực phiêu bạt của ta nhờ cái tự do ấy mà mạnh mẽ và một ngày nào đó ta sẽ phải cảm ơn Clio, Nữ thần Sử thi, đã nhắm mắt trao cho ta cơ hội trải nghiệm cái tự do ấy và khả năng thấu hiểu và cảm nhận quê hương ngay ở chốn lưu vong.

Nếu những ngày này là dịp kỷ niệm xám xịt của CCCP[4], ta hãy ăn mừng mười năm khinh bỉ, trung thành và tự do. Ta không ai oán vì nỗi lưu đày. Những ngày này, ta nhắc lời một chiến binh cổ đại mà Plutarch thuật lại: “Đêm nơi hoang vu, xa Rome ngàn dặm, ta dựng lán, và lán của ta chính là thành Rome.”


[1] “Ivanov, Petrov, Sidorov” chỉ một người nào đó trong tiếng Nga, tương đương với “Tom, Dick, Harry” trong tiếng Anh.

[2] Anastasiya Alekseyevna Verbitskaya (1861-1928): Nhà văn đại chúng, viết truyện ngôn tình

[3] Lydia Seifullina (1889-1954): Nhà văn vô sản, viết truyện phổ thông

[4] Viết tắt trong tiếng Nga của Liên bang các nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Sô-viết

Phạm Thị Hoài dịch

Nguyên bản tiếng Nga. Dịch từ bản tiếng Đức “Jubiläum”, in trong: Vladimir Nabokov Toàn tập, tập XXI, trang 252-255, Rowohlt, Hamburg, 2004

Nguồn: https://baotreonline.com/vladimir-nabokovmuoi-nam-khinh-bi-muoi-nam-trung-thanh-muoi-nam-tu-do/?fbclid=IwAR3ohXxq0BHBwLS4788ppAAQvYciLTm0eVHUq7agJZTSNvVuVDTSRCi339k

Phạm Thị Hoài dịch

Nguyên bản tiếng Nga. Dịch từ bản tiếng Đức “Jubiläum”, in trong: Vladimir Nabokov Toàn tập, tập XXI, trang 252-255, Rowohlt, Hamburg, 2004

Nguồn: https://baotreonline.com/vladimir-nabokovmuoi-nam-khinh-bi-muoi-nam-trung-thanh-muoi-nam-tu-do/?fbclid=IwAR3ohXxq0BHBwLS4788ppAAQvYciLTm0eVHUq7agJZTSNvVuVDTSRCi339k