Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 8 tháng 10, 2018

Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 77): Lâm Chương – Viễn thám

Nhà văn Lâm Chương, sinh năm 1945 tại Gò Dầu Hạ Tây Ninh. Đi  học muộn. Sau trung học, một mình ra miền Trung, vừa học vừa làm nhiều nghề. Nhập  ngũ khóa 24 Thủ Đức. Ra  trường, phục vụ trong binh chủng Biệt Động Quân.

clip_image002

Lâm Chương

Sau 1975 tiêu phí 10 năm trong các trại ‘cải tạo’. Vượt biển năm 1987. Hiện định cư tại Boston, Massachusetts Hoa Kỳ. Khởi viết trong những năm cuối bậc trung học vì một chuyện ngẫu nhiên quen một cô bạn sính thơ. Bài  thơ  tán  gái  đầu  tay được ‘đi’ trên số Xuân báo Văn tại Sài Gòn, đã  trải ra một cuộc chơi dài trên các tạp chí ở miền Nam Việt Nam, và nối  tiếp  với những Văn, Văn Học,Thế Kỷ 21, Sóng Văn, Hợp Lưu, Phố Văn tại hải ngoại.

Tác phẩm đã xuất bản:

Loài Cây Nhớ Gió (thơ, Khai Phá 1971), Đoạn Đường Hốt Tất Liệt (tập truyện Văn Mới 1998), Lò Cừ (tập truyện, Văn Học, 1999), Đi Giữa Bầy Thú Dữ (Văn Mới 2001), Truyện Và Những Đoản Văn (Văn Mới, 2004)

Nguồn: http://baotreonline.com/107431-2/

Viễn Thám

Bảy thằng Viễn Thám chúng tôi được trực thăng vận vào vùng hành quân. Theo kế hoạch, giữa trưa sẽ nhảy xuống khu rừng giáp ranh đồn điền cao su Choup, thuộc lãnh thổ Kampuchia. Nhưng mấy thằng phi công ôn dịch cứ bay tít ở trên cao, và lượn tới lượn lui mãi. Chắc nó muốn ăn đạn phòng không? Nó không biết phía dưới có hàng vạn quân Bắc Việt đang giương mắt ngó lên sao? Bay lượn cái kiểu trêu người này, chẳng khác nào báo cho địch biết rằng, tao sắp thả mấy thằng Viễn Thám xuống đây, hãy chuẩn bị bắt nó. Nhưng làm sao nói với thằng phi công? Lỗ tai nó đã bịt kín lại bằng cái máy nghe. Gió tạt mạnh và tiếng cánh quạt phần phật làm át đi mọi tiếng nói.

Không những thế, nó còn làm sai bét cả nguyên tắc nghi binh của Viễn Thám. Một chiếc trực thăng đổ quân, hai chiếc Cobra yểm trợ có trang bị đại liên và rocket, sà xuống bắn xối xả, ít nhất là vài ba cái trảng trống trong rừng. Trong những lần sà xuống ấy, chúng tôi nhảy ở một nơi đã được chọn lựa trước, để địch không biết chắc chúng tôi xuống điểm nào. Đằng này, sau khi quần cho đã, bỗng chiếc đổ quân hạ ngay xuống điểm chính. Hai chiếc Cobra kè hai bên, bắn qua loa vài phát. Xong, cất đầu lên, bay về luôn.

Thằng Sử trợn mắt nhìn theo, chửi thề: “Đù má! Nó làm ăn cái kiểu gì kỳ cục vậy?”

Không ai có thì giờ ở đó mà chửi phụ hoạ theo thằng Sử. Chúng tôi lủi nhanh vào lùm rậm. Kiểm lại quân số. Rồi tức tốc rời khu vực vừa đổ quân, càng xa càng tốt. Chậm trễ, địch kéo tới bao vây thì bỏ mạng.

Vào đất Kampuchia lần này, chúng tôi có nhiệm vụ theo dõi tình hình và ghi nhận những nơi tập trung quân của địch. Đây không phải lần đầu tôi nhảy toán. Nhưng chuyến đi này, tôi lo lắng rất nhiều, nếu không nói rằng sợ. Theo tin phòng nhì, Công Trường 7 và Công Trường 9 của Bắc Việt, hiện đang có mặt trong vùng rừng rậm Lưỡi Câu, Mỏ Vẹt, trải quân chiếm cả hai đồn điền cao su Choup và Mimot. Mấy tháng trước, chiến đoàn phối hợp nhị thức Bộ Binh Thiết Giáp, vào Choup và đã bị đánh bật ra ngoài, gây tổn thất khá lớn về nhân mạng. Sau đó, người ta không muốn dùng lực lượng bộ binh để tấn công vào đồn điền nữa, vừa tốn kém nhiều, lại không nắm chắc được phần thắng. Vì thế, Không Quân và Pháo Binh được nghĩ đến. Và Viễn Thám được điều động vào vùng, để đưa những mục tiêu lên “lưới”.

Liên tiếp trong hai tuần lễ vừa qua, có hai toán Viễn Thám được thả vào đồn điền Choup. Nhưng tất cả đều mất tích một cách khó hiểu. Những chàng Kinh Kha thời đại, chẳng ai tiễn qua sông mà cũng một đi không trở lại. Toán chúng tôi là toán thứ ba. Kế hoạch có thay đổi chút ít. Xuống ở vùng rừng rậm, để từ đó, mò vào Choup. Lấy hướng Đông, xuyên qua đồn điền, về điểm hẹn tại biên giới Việt Nam. Trên đường đi, sẽ chấm toạ độ đóng quân của địch, đưa lên “lưới viễn thám” cho phi pháo oanh kích. Nhiệm vụ đơn giản chỉ có thế, nhưng thi hành thì tính mạng ngàn cân treo sợi tóc.

Từ nửa tháng nay, tinh thần chúng tôi hơi căng. Lúc những đơn vị lớn nằm án binh bất động, là lúc bọn Viễn Thám lao vào vùng địch. Thời gian hạn định cho một chuyến công tác là ba ngày hai đêm. Đã hơn mười ngày rồi, hai toán trước vẫn biệt tăm. Máy siêu tần số của trung tâm vẫn trực 24/24. Không một tín hiệu gọi về. Đứt liên lạc. Tình hình địch ra sao, không nắm vững. Trong chiến tranh, mạng người như những đồng bạc lẻ, tiêu pha không tiếc. Mất mười bốn thằng Viễn Thám, chẳng nghĩa lý gì so với với những thiệt hại vừa qua ở Dambert, Soul, Mimot, Choup. Thí mạng thêm bảy thằng Viễn Thám nữa, để thăm dò tình hình địch, không phải là một cái giá quá đắt.

Tôi được gọi lên phòng thuyết trình, nhận lệnh hành quân. Sáu thằng trong toán lảng vảng bên ngoài, lo lắng. Khi tôi bước ra, không thằng nào lên tiếng hỏi, nhưng những cặp mắt ái ngại nhìn tôi, chờ đợi một câu trả lời.

Tôi nói ngắn gọn: “Chuẩn bị.”

Có mấy tiếng lảm nhảm chửi thề. Đó là dấu hiệu của sự bất mãn. Trong cái đầu của những thằng lính trận, hình như luôn luôn có sự bất mãn. Và miệng sẵn sàng tuôn ra những câu chửi thề vô tội vạ. Bất mãn, chửi thề là cái bệnh chung của anh em. Không cần chữa trị, căn bệnh này cũng biến mất lúc đứng trước thượng cấp. Vì thế mà kỷ luật được duy trì, mệnh lệnh được thi hành một cách triệt để.

Trong lúc anh em lo kiểm lại cấp số đạn dược, và sơn mặt ngụy trang, tôi bảo trung sĩ Năng lên kho tiếp liệu, lãnh khẩu phần cho cả toán.

Khi vác khẩu phần về, Năng nói:”Kèo nài mãi, mới xin dư được một túi mưu sinh.”

Thằng Nhiêu hỏi: “Để làm gì?”

“Bán cho mấy thằng trực thăng. Cũng được chầu nhậu linh đình.”

“Chưa biết còn mạng trở về hay không. Nói chi đến chuyện nhậu.”

Năng sừng sộ: “Đù má! Sắp hành quân. Miệng ăn mắm ăn muối, đừng nói bậy nhe.”

“Mày là thằng sợ chết nhất. Mới cưới con vợ ngon lành. Sáu tháng chưa về phép. Đêm ngủ mộng tinh. Bỏ vợ nhà lâu quá, hôi ê.”

Anh em cười rộ.

Năng nhìn tôi: “Xong chuyến đi này, trung úy đề nghị cho tôi về phép?”

Tôi trợn mắt: “Mày giỡn? Tình hình đang căng thẳng, cấm trại trăm phần trăm. Ai dám cấp giấy phép cho mày?”

“Lúc nào cũng nghe nói tình hình căng thẳng, và cấm trại. Đánh giặc lâu dài, chứ đâu phải đôi ba bữa là xong. Không thể trấn con người ta vô rừng mãi được. Phải liệu cách giải quyết chứ?”

“Mày có gan thì lên gặp Đại Bàng Già mà khiếu nại. Trên ổng còn có Mặt Trăng, Mặt Trời, Bắc Đẩu…, cứ theo hệ thống quân giai mà khiếu nại dài dài lên Tổng Thống. May ra trường hợp của mày được giải quyết.”

“Những thằng lính văn phòng, chẳng cần phép tắc mà vẫn tà tà ở thành phố, ôm đít vợ hằng đêm. Còn mình trông cái phép gần chảy máu mắt, không được. Bất công!” Năng càm ràm.

Tôi nói: “Bất công là lẽ thường. Trên cõi đời chó má này, làm gì có sự công bình?”

“Nghĩ tức. Nhiều khi muốn đào ngũ.”

“Cứ đào ngũ đi. Bọn Quân Cảnh ngồi ngáp gió, không có việc gì làm. Nó đang chờ mày đấy. Còn ở đây, không có mày thì có thằng khác thế vào.”

Thượng sĩ nhất Sử, nói: “Năng ơi, trước khi hành quân, mày đừng lải nhải ba cái chuyện đó nữa, được không? Nhìn bộ mặt nhăn như cái bánh bao của mày, tao nản!”

Thằng Sử là toán phó Viễn Thám. Nó ra trường Đồng Đế năm mười chín tuổi. Liều mạng và háu đá. Năm năm chiến trường, chưa một lần bị thương. Nó khoe, thầy của nó tu luyện ở Thất Sơn, chuyên môn uống máu dơi và ăn gan rắn hổ. Ngày vẽ bùa trấn ma. Đêm ngậm ngải mà ngủ. Cái nanh heo rừng, nó đeo lủng lẳng trước ngực, thầy nó đã tươm bùa vào rồi. Nó coi cái nanh này là một thứ bùa hộ mạng, bom đạn không thể xâm phạm được nó. Từ tiểu đoàn Biệt Động Quân, nó xin qua Viễn Thám. Mới đầu, tôi không chịu nhận nó vào làm toán phó. Tôi chỉ cần thằng nào dè dặt và cẩn trọng, chứ không cần liều mang và háu đá. Bởi nhiệm vụ của chúng tôi là theo dõi địch tình, và né tránh tối đa những đụng độ. Nhưng nó nói, ông thầy yên tâm đi, thằng Sử này cũng biết tùy hoàn cảnh, không phải lúc nào cũng làm ẩu đâu. Tôi nhận, và đề nghị cho nó đi thụ huấn một khoá Viễn Thám ở Dục Mỹ. Học xong, nó về với tôi, đã hơn năm. Sau những lần vào ra hang hùm, tôi thấy nó đã biết… sợ.

Từ lúc đổ quân cho đến chiều, chúng tôi luồn lách trong khu rừng rậm. Phát hiện nhiều dấu vết di chuyển của địch qua cây cỏ bị rạp. Phần lớn rạp xuôi về hướng đồn điền. Chiều gần chạng vạng, chúng tôi dừng lại bên ven rừng, giáp ranh đồn điền. Dự định “lót ổ” qua đêm. Tôi mở máy siêu tần số, báo về trung tâm hành quân những gì đã nhìn thấy, và ước đoán tình hình địch đang dồn thêm quân về Choup.

Có tiếng của Đại Bàng Già: “Dấu vết mới hay cũ?”

Tôi trả lời: “Có mới, có cũ.”

Lệnh Đại Bàng Già: “Ngày mưa phùn. Chồn Đầu Bạc lần theo dấu mới. Hết.”

Trong đặc lệnh truyền tin, “ngày mưa phùn” là ngày mai. Ám danh của trưởng toán 3 Viễn Thám là Chồn Đầu Bạc. Chẳng biết tại sao, khi làm đặc lệnh truyền tin, người ta lại lấy tên của con thú đặt cho tôi? Đã là chồn, thì có chồn hôi, chồn mướp, chồn đèn. Làm gì có chồn đầu bạc?

Có lần, đang ngồi chơi trước Bộ Chỉ Huy, trông thấy vị sĩ quan truyền tin đi qua, tôi gọi: “Ê! Thuận Phong Nhĩ. Sao đặt tôi là Chồn Đầu Bạc?

Hắn cười: “Chồn già.”

“Trai ba mươi tuổi còn son. Gái ba mươi tuổi đã toan về già. Tôi ba mươi, sao gọi rằng già?”

“Già mưu mô, như con chồn của La Fontaine dụ con gà trống gáy. Còn bạn, sao gọi tôi là Thuận Phong Nhĩ?”

“Trong Tây Du Ký, Thuận Phong Nhĩ là thằng truyền tin của Ngọc Hoàng, có cái lỗ tai nghe xa ngoài ngàn dặm.”

Hắn gục gật cái đầu: “À, ra thế.”

Rồi bỏ đi. Cái tướng phục phịch như con gấu đực, nhưng vô cùng chung thủy. Không bao giờ hắn chơi đĩ. Hắn sợ mắc tiêm la, rồi sang mầm bệnh cho vợ. Nhiều thằng lén rỉ tai, hắn bị vợ khoá cu, không cho chơi bậy.

Tôi chọn chỗ ngủ có nhiều gai góc, và lùm bụi che khuất. Ban đêm, nếu địch di chuyển qua đây, cũng phải né tránh những nơi vướng mắc khó đi. Thế là chúng tôi được an toàn. Bóng tối đổ xuống rừng già rất nhanh. Đêm mù. Khí ẩm hơi sương. Thỉnh thoảng, có những trận gió cuốn qua, rào rào trên đọt cây. Tiếng hú của cú mèo, như tiếng ma kêu. Tiếng “cốc cốc” của con chim gì không biết, như tiếng gõ nhịp song lang. Chúng tôi nằm im, nhưng không thằng nào ngủ được. Nghĩ đến mai đây, lần theo dấu địch vào đồn điền cao su, ai cũng ớn xương sống. Địch đông như kiến cỏ. Chúng tôi chỉ bảy thằng. Nếu bị lộ tung tích, biết chạy đàng nào?

Thằng Năng, nằm kế bên tôi, thì thầm: “Xong chuyến này, thế nào trung úy cũng ráng tìm cách cho tôi về thăm vợ vài ngày?”

Thì ra, thằng Năng không ngủ vì nhớ vợ. Chẳng phải như chúng tôi, không ngủ vì lo một ngày mai.

Tôi nói nhỏ: “Lúc này, cầm giấy phép về phố, Quân Cảnh cũng nắm đầu. Tao sẽ năn nỉ, xin Đại Bàng Già cấp sự vụ lệnh cho mày đi công tác. Lợi dụng chuyến đi này, mày ghé về thăm vợ.”

“Trung úy hứa thì giữ lời nhe.”

“Tao giữ lời. Còn cấp trên chịu cho hay không, là chuyện khác.”

“Tôi nghĩ, trung úy nói là ổng thông cảm liền.”

Tôi nằm xích lại gần Năng hơn: “Tao hỏi thiệt. Đêm động phòng, vợ mày còn nguyên không?”

“Làm sao biết còn hay không?”

“Rách màng trinh, chảy máu.”

“Tối quá. Không nhìn thấy.”

“Có tỏ vẻ đau đớn không.”

“Không biết. Chỉ nằm im như khúc gỗ. Có thể đau, nhưng mắc cở nên cắn răng chịu đựng.”

“Có “bót” không?”

“Bình thường.”

Tôi vặn: “Bình thường là sao?”

Năng lí nhí: “Hỏi khó nói quá.”

“Mày như con bò rừng. Chỉ biết hùng hục, chẳng nhận xét gì cả.”

Năng nói, nghe rất tội nghiệp như tự nói với chính mình: “Người ta thương mình. Chịu làm vợ mình, đủ rồi. Mất hay còn trinh, không quan trọng. Miễn sau này, đừng bậy bạ với thằng nào. Trước khi lấy người ta, mình cũng… tơi bời hoa lá, chứ tốt lành gì, mà đòi hỏi người ta còn nguyên xi.”

Nằm một lúc lâu, Năng khều vai tôi: “Hồi còn bên Trinh Sát, nghe trung úy sắp cưới vợ?”

Tôi nói: “Xù rồi.”

“Ai xù?”

“Đàng gái.”

“Tại sao?”

“Ông bố của cô ta bảo, khi nào tao xin được về văn phòng, mới chịu cho đám cưới. Mà gia đình tao nghèo, không quen “gốc lớn”. Làm sao xin?”

“Thương thì lấy. Văn phòng hay tác chiến, đâu quan trọng?”

“Ổng sợ con ổng sớm thành goá phụ.”

Năng chửi thề: “Đù má! Đi tác chiến, đều là những thằng gia đình nghèo nàn, không thân thế. Sống hùng sống mạnh, nhưng không không sống lâu.”

“Thôi, ngủ đi Năng ơi. Khuya, mày còn lên phiên gác.”

Tôi lan man nghĩ về cô sinh viên Sư Phạm. Tưởng mối tình sẽ tốt đẹp, sau khi cô ra trường. Nào ngờ, bố cô như một bóng đen trùm xuống với một điều kiện, mà tôi biết rằng tôi không đủ khả năng thực hiện. Thế là cô ta đi lấy chồng. Rồi mọi chuyện cũng đâu vào đó. Cô vẫn bình thường, như chưa từng trải qua một lần thề sống chết với tôi. Khi tôi tình nguyện qua Viễn Thám, có thằng bảo tôi thất tình, lao vào chỗ chết. Tôi chỉ cười. Thật ra, tôi có buồn buồn một thời gian. Nhưng không quằn quại đau thương bỏ ăn mất ngủ, đến nỗi điên khùng muốn tự tử, như mấy thằng bạn nói.

Rọ rạy một hồi, Năng lại hỏi: “Không cưới được vợ, có thất tình không?”

Tôi nói có. Năng bảo nhiều thằng vì thất tình mà trở thành thi sĩ. Và hỏi tôi có làm thơ thất tình không?

Tôi trả lời bằng cách đọc ẩu:

Em như cục cứt trôi sông

Anh như con chó đứng trông trên bờ

Em như cục cứt dật dờ

Anh như con chó trên bờ đứng trông.

Năng cười rúc trong cổ: “Thơ thất tình gì mà chỉ thấy chó với cứt. Con vợ tôi nghe được bài thơ này, chắc cười chết bỏ.”

Tôi nhắc lại lần nữa: “Thôi, ngủ đi Năng ơi. Khuya, mày còn lên phiên gác.”

Trời hừng sáng. Đủ loại chim rừng hót rộ trên cây. Chúng tôi nhìn nhau, thấy lạ. Màu chàm ngụy trang trên mặt cho tiệp với màu xanh cây lá, đã đã làm mặt người đổi khác. Tôi trải tấm bản đồ, chỉ cho cả toán biết điểm tập trung trong ngày, nếu chẳng may thất lạc.

Lại dặn dò hạ sĩ Nhiêu: “Mày đi đầu, không cần phải theo đúng phương giác địa bàn. Tùy theo địa thế mà đi. Phải hết sức cẩn thận.”

Theo đội hình hàng dọc, Nhiêu là khinh binh đi đầu, kế là tôi…, và thằng Sử toán phó, đi sau cùng. ( Chú thích từ Đ344: Nguyên tắc trưởng toán đi thứ nhì sau khinh binh, toán phó thường là ThS hay ThS1, ít nhất củng là TrS1 phải đi sau cùng để xoá dấu )

Đồn điền Choup. Những cây cao su được trồng ngay hàng thẳng lối. Thân cây già cỗi, to đến cả người ôm. Tàn lá rợp, che bóng mặt trời. Thời kỳ chiến tranh, đồn điền bị bỏ hoang nhiều năm. Gai mắc cở là đà ngang đầu gối. Cỏ dại gần lút đầu người. Những loài cây tạp cũng chen nhau, vươn lên cùng với cao su. Lợi dụng địa hình che khuất, quân Bắc Việt đã vào đây trú ẩn.

Gần đứng trưa. Thằng Nhiêu dừng lại, nép vào gốc cao su, ngắc tay gọi tôi lên.

Nó nói nhỏ: “Lắng nghe.”

Trên trời có tiếng rì rì như tiếng của con ong bay qua.

Tôi nói: “Con đầm già L19, bay quan sát.”

Nó lắc đầu, chỉ tay về phía trước. Có tiếng nói văng vẳng, vọng lại từ xa. Thỉnh thoảng có tiếng động, hình như tiếng chặt cây.

Tôi ngó về phía sau, làm thủ hiệu cho anh em bố trí tại chỗ. Tôi và thằng Nhiêu len lỏi mò lên. Không dám tới quá gần vì sợ bị lộ, nhưng tôi cũng ghi nhận được những dữ kiện cần thiết để ước đoán tình hình. Khi quay lại chỗ cũ, tôi mở máy báo về trung tâm hành quân. Thuận Phong Nhĩ tức tốc gọi Đại Bàng Già đến ngay đầu máy.

Tiếng Đại Bàng Già: “Tao đưa mục tiêu lên “lưới”. Chồn Đầu Bạc xáp lại gần, quan sát, điều khiển “thiên lôi” làm việc, và cho biết kết quả. Hết.”

Trời đất! Phi pháo dội xuống mục tiêu. Quân địch như ổ kiến lửa, bị động sẽ bung tràn lan ra ngoài. Đại Bàng Già bảo xáp lại gần. Ông tưởng bọn tôi có thể tàng hình trước con mắt địch quân hay sao?

Tôi bảo mấy thằng trong toán: “Lệnh là thế. Nhưng tụi mình phải “dọt” khỏi chỗ này cho xa.”

Chúng tôi đổi phương giác. Né tránh mục tiêu. Chừng mười lăm phút sau, pháo nổ ầm ầm dữ dội. Dứt đợt pháo, phản lực cơ bắt đầu gầm thét và thả bom Napalm, đốt cháy một khu vực đồn điền.

Đang di chuyển, tôi nghe tiếng Đại Bàng Già hỏi, tốt không, có cần điều chỉnh gì không?

Nhìn về phía mục tiêu, tôi nói tốt rồi. Đâu biết phi pháo dội có chính xác hay không. Tôi nghĩ, dù sao cũng phải lo cho mạng sống của bảy thằng chúng tôi trước. Bỗng có tiếng súng AK nổ dòn, bên hông trái đội hình. Tiếp theo, nhiều loạt súng khác nổ ran.

Trời ơi! Né tránh chỗ đóng quân, lại đâm đầu vào “chốt” tiền đồn của địch. Tôi la lên trong máy: “Đụng rồi.” Và bấm cái nút báo động đỏ. Máy siêu tần số trang bị đặc biệt cho Viễn Thám, khi bấm nút đỏ, sẽ tự động báo nguy về máy trung tâm bằng những tiếng “cạp… cạp… cạp…” liên tục, như tiếng vịt kêu hoảng hốt.

Chúng tôi vừa bắn trả, vừa tạt về bên phải. Chạy! Tiếng súng đuổi nà theo sau lưng. Phi pháo vẫn hoành hành ngút khói tại mục tiêu chính.

Chạy trối chết ra khỏi đồn điền, chúng tôi lủi nhanh vào rừng rậm, nơi đã dặn dò điểm tập trung. Kiểm lại quân số. Không thấy thằng Nhiêu. Những cặp mắt tởn thần mở lớn, chưa hết nỗi kinh hoàng. Địch quân đang truy lùng khắp khu vực. Tôi liên lạc về trung tâm, báo tổn thất của ta, và ước đoán thiệt hại của địch.

Lệnh của Đại Bàng Già: “Tung tích đã bị lộ. Lo dọn bãi đáp. Trực thăng bốc về.”

Trong khi ẩn trốn, chờ thằng Nhiêu, tôi mệt mỏi nằm gối đầu trên chiếc ba lô. Đến chiều vẫn không thấy tăm hơi. Có thể nó đã gục ngả ngay đợt nổ súng đầu tiên. Nếu tính cái giá hơn thua bằng xác chết, thì mất một thằng Nhiêu, đổi lại bao nhiêu sinh mạng địch quân trong trận oanh kích vừa qua. Nhưng tình cảm con người, không đơn giản như đơn vị đo lường. Chúng tôi buồn thảm nhìn nhau. Tự dối lòng, biết đâu thằng Nhiêu vẫn còn thất lạc đâu đó.

Ngày thứ ba, kể từ khi vào đất Kampu chia. Không thể xuyên qua đồn điền để về điểm hẹn tại biên giới Việt Nam. Chúng tôi đi ngược về phía rừng già, tìm bãi bốc trực thăng. Nhưng trực thăng không xuống được. Những con chuồn chuồn vừa lảng vảng vào khu vực, đã bị phòng không từ dưới đất bắn lên. Đành phải bay về. Địch quyết phong toả vùng trời, để chận bắt cho được chúng tôi. Liên tiếp hai ngày sau, vẫn thế.

Lương thực mang theo đã cạn. Chúng tôi bắt đầu mở túi mưu sinh. Túi này chỉ trang bị đặc biệt cho Viễn Thám. Những chàng phi công phải mang dù khi cất cánh, đề phòng bất trắc. Còn chúng tôi được trang bị túi mưu sinh, phòng khi gặp khó khăn không trở về đúng thời hạn. Trong túi chứa đủ thứ lỉnh kỉnh. Thuốc tăng sức, dùng khi có biến phải chạy thoát thân. Chẳng biết đây có phải là thứ thuốc chích cho ngựa chạy trường đua hay không. Dẫu sao điều này cũng không thực tế. Vì khi gấp rút chạy bán mạng, thì giờ đâu mà mở túi mưu sinh để lấy thuốc? Thuốc chống buồn ngủ, dùng ban đêm, lúc cần phải tỉnh thức canh chừng. Thuốc muỗi thoa ngoài da. Thuốc lọc nước, có công hiệu sát trùng rất mạnh. Sáu cái bánh mặn, theo chỉ dẫn, mỗi ngày chỉ dùng hai cái. Những viên thịt bò khô màu nâu, mỗi viên làm ngọt nước một tô canh. Một chùm lưỡi câu, lớn bé đủ loại. Một cuộn dây cước màu xanh nhạt, làm dây câu cá. Và sau cùng là quyển sách nhỏ, in hình một số cây lá trong rừng, cùng những lời giải thích để phân biệt loại nào có thể, và không thể ăn.

Có túi mưu sinh, chúng tôi vẫn bị đói. Không tìm được cây, lá, củ, trái nào giống như trong sách chỉ dẫn. Có lần, moi được củ khoai, như một loại khoai mỡ, ruột màu vàng nhạt. Thằng Năng bảo khoai nần. Muốn ăn phải xắt lát, ngâm nước vài ngày cho ra hết chất độc, sau đó phơi cho thật khô, rồi mới luộc. Nhưng thằng Sử cắn một miếng nếm thử. Nó khẳng quyết đây là một trong những loại khoai mỡ, và muốn lên lửa để nấu.

Tôi nói: “Muốn chết hả? Nếu địch quân nhìn thấy khói, dù bọn mình có mọc cánh cũng bay không thoát.”

Sau chừng mười phút, bàn ra tán vào về cái củ khoai lạ, môi miệng thằng Sử bị ngứa và sưng vều lên. Mọi người đều hoảng. Cũng may, nó chỉ nếm thử, chứ chưa nuốt.

Chúng tôi xuống sức vì đói. Đêm nằm trong vùng đất ẩm, lại bị vắt hút máu. Mặt người phờ phạc. Tinh thần khủng hoảng. Tôi thường xuyên kêu cứu về trung tâm. Nhưng mỗi lần trực thăng vào vùng lại bị phòng không. Địch biết chúng tôi chưa ra khỏi vùng, báo động khắp nơi. Chúng tôi lẩn vô rừng già. Đi về hướng Bắc, nơi có lữ đoàn Dù đang hoạt động ở Dambert. Hy vọng đi gần về phía quân bạn, sẽ bớt được áp lực của địch.

Tiết trời nóng nực, mà rừng rú vẫn xanh um cây lá. Tiếng ve buồn râm ran mùa hạ. Như những con thú hốt hoảng, chúng tôi sợ hãi bất cứ tiếng động nào. Sợ nhất là những con chim “tắc cọ”. Loài chim quái ác! Mỗi khi thấy có người đi, nó sẽ lượn theo mãi ở trên đầu, và la “tắc cọ… tắc cọ…” vang cả rừng. Gặp trường hợp này, phải dừng lại ngồi im trong lùm, không dám động. Kêu một hồi không thấy ai, nó sẽ chán, và bay nơi khác. Ngược lại, cũng nhờ chim “tắc cọ” báo động, mà chúng tôi biết địch đang di chuyển từ xa, để kịp thời tránh né. Lính hành quân trong rừng, gọi loài chim này theo cái tên nhà binh: “chim tiền sát”.

Chúng tôi lại chạm địch lần thứ hai. Hoả lực địch rất hùng hậu. Tôi biết ngay đây là một đơn vị lớn, không phải “chốt” tiền đồn. Chúng tôi thối lui, đồng thời ném những trái mini lựu đạn về phía sau, nhưng không cản được bước địch. Súng nổ rát bên mang tai. Địch đuổi theo, truy bức. Tôi thấy thằng Năng chạy cà nhắc. Một chân nó đã bị đạn. Tôi lướt tới, kè thằng Năng bằng cách nắm cánh tay của nó choàng qua vai mình, lôi bừa.

Năng lắc đầu tuyệt vọng: “Thôi, chạy đi.”

Tôi hét: “Ráng!”

Nó xô tôi ra: “Không được.” Và sà xuống một gốc cây, xả súng bắn ngược về phía sau cản địch, cho những thằng còn lại thoát thân.

Từ hai ngày trước, tôi yếu sức vì đói. Nhưng bây giờ, tôi chạy rất khoẻ. Đôi chân nhanh nhẹn lạ thường. Tuôn qua những gai góc, phóng qua những lùm bụi dễ dàng. Thân thể tôi dường nhẹ tênh, lướt như bay qua những chướng ngại. Những thằng kia cũng nhanh không kém. Nó chạy mà không cần biết anh em có theo kịp hay không. Nhờ thằng Năng cản địch, chúng tôi bỏ tiếng súng xa dần. Lúc dừng lại, tôi hấp tấp báo về trung tâm hành quân. Tiếng nói đứt quảng. Vừa nói vừa thở hổn hển như sắp đứt hơi. Bây giờ, tôi mới để ý đến tôi, và thấy mệt như chưa bao giờ mệt đến thế.

Bom và trọng pháo lại dội tan tành xuống mục tiêu. Đại Bàng già quyết định, bằng mọi cách phải mang chúng tôi về. Trong khi địch đang bị sấm sét, lợi dụng cơ hội này, trực thăng lao vào vùng, thả dây cấp cứu. Năm thằng chúng tôi ôm nhau thành một khối, treo tòn ten phía dưới trực thăng. Gió ù ù rát mặt. Từ trên cao nhìn xuống, tôi thấy một vùng khói mù. Oanh tạc cơ vẫn còn tiếp tục thả bom. Giữa ngàn xanh mênh mông u uất dưới kia, có thằng Nhiêu, thằng Năng vĩnh viễn nằm lại đất Kampuchia.

Tôi xin ra khỏi Viễn Thám từ dạo ấy. Đời lính vẫn thường chứng kiến nhiều thương đau mất mát của anh em đồng đội. Thế nhưng, những đêm nằm rừng, nghe tiếng súng xa xa, tôi lại nghĩ đến hai thằng em trong toán của tôi, nhất là thằng Năng. Tội nghiệp, sau cái đêm động phòng với vợ, nó đi luôn không bao giờ về nữa.

Nguồn: https://vantuyen.net/2014/07/10/vien-tham-lam-chuong/