Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2018

Nhà xuất bản Tri thức, một địa chỉ Giáo dục đích thực

Phạm Anh Tuấn

Trong vòng chục năm nay, những cuốn sách do nhà xuất bản Tri thức chọn dịch và xuất bản đều là những tác phẩm ưu tú, có chất lượng. Không có những tác phẩm dễ dãi, đọc để giải trí, xong rồi có thể quên luôn, không bao giờ ngó lại nữa. Tại các buổi seminar định kì hằng tháng do Tri thức tổ chức, ta vẫn thường nghe thấy những ý kiến đại loại như “sách của nhà Tri thức rất hay, rất có giá trị” và “cần tăng tốc thêm nữa, còn nhiều cuốn sách nữa cần dịch lắm” … Đó là vì nhà xuất bản Tri thức khởi đầu với một mục tiêu phải dịch bằng hết 500 cuốn sách tinh hoa của nhân loại. Đến nay danh mục, được bổ sung hằng năm, đã lên tới con số nhiều nghìn!

Tất cả những cuốn sách của nhà xuất bản Tri thức thực chất đều xoay quanh hai chữ GIÁO DỤC. Giáo dục không được hiểu đơn thuần là cung cấp thông tin để đào tạo chuyên môn. Giáo dục là học lấy một chuyên môn đồng thời tự đào luyện chính mình để cho đầu óc sáng ra, cởi mở ra, không còn u mê. Đọc sách kinh tế, xã hội học, nhân học, triết học, thậm chí sách giáo khoa, không chỉ là để “biết” những kiến thức của từng lĩnh vực chuyên môn ấy, mà còn đồng thời để tự mình giải phóng khỏi những u mê, ngộ nhận. Con đường này được gọi là sự khai sáng.

Phó giáo sư Tiến sĩ Khoa học Chu Hảo là linh hồn của Nhà xuất bản Tri thức, Ông thành lập nhà Tri thức sau khi nghỉ hưu, rời khỏi cương vị Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, và cả “danh xưng” giáo sư vật lí nữa. Nhìn vào việc làm của ông, tôi thấy rất rõ một định nghĩa đặc trưng về thế nào là trí thức. Trí thức tất nhiên là một người làm việc đầu óc, song một nhà chuyên môn, một chuyên gia (bác sĩ, kĩ sư, nhà kinh tế học, chuyên gia nông nghiệp, chuyên gia công nghệ v.v.) chưa hẳn đã là “trí thức”. Chỉ là tri thức khi một người bước ra ngoài lĩnh vực chuyên môn của mình, để tự mình dính dáng vào các vấn đề xã hội, tức “dấn thân” hay “hành động” thực tiễn (hiểu theo nghĩa “praxis”), hay nói khác đi, để dùng cách nói quen thuộc, là phải có tinh thần phản biện xã hội.

Nhà trí thức dấn thân tiêu biểu Jean-Paul Sartre có một định nghĩa thật chính xác, và có lẽ thật đúng trong trường hợp này: “Trí thức là người tự mình can dự vào những gì chẳng liên quan tới mình” (ba bài nói của Sartre tại Nhật Bản năm 1966, Plaidoyer pour les intellectuels (Biện hộ cho trí thức). Khác với ở khu vực Mĩ, nơi “trí thức” thường được hiểu là các nhà chuyên môn giỏi và nếu họ có dấn thân thì nói chung là họ tham gia các “think tank” để “phục vụ” các quyền lực, thậm chí chính quyền, còn ở Pháp, chữ “trí thức” hiểu theo định nghĩa có tính truyền thống như cách nhìn của Sartre đã xuất hiện từ vụ án Dreyfus năm 1897 (với dấu ấn Émile Zola), tiếp đó là giai đoạn giữa hai Thế chiến với André Gide và kế đó là với Jean-Paul Sartre.

Khai sáng là làm cho đầu óc bớt u mê đi, bớt máy móc, bớt rập khuôn đi. Thế thì tại sao có người lại “kị” cái chữ đó đến thế! Một nền giáo dục chỉ biết dạy “biết đọc, biết viết”, dạy “biết làm tính”, biết sử dụng cái máy, cái công nghệ kĩ thuật … mà bỏ qua việc dạy để hiểu cái “nhân văn”, cái “phẩm giá người”, biết bảo tồn “tính người”, thì nền giáo dục như vậy giống như người đi cà nhắc. Không đi xa được đã đành, mà hễ đi nhanh là thể nào cũng vấp, ngã.

Phản biện xã hội tức là biết phê bình và tự phê bình. Thế mà có người lại sợ cả hai chữ ấy!

Sartre trong ba bài nói ở Nhật nói trên còn nói rằng người trí thức dấn thân sẽ rơi vào tình trạng cô đơn nếu họ không thuyết phục được những người khác. Cô đơn thì có thể, song tôi tin là họ không bao giờ cô độc!