Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2018

Nỗi sợ tập thể

Vũ Thành Sơn

Trong tác phẩm Trại ung thư, nhà văn Alexander Solzhenitsyn kể câu chuyện một bệnh nhân mắc bệnh ở giai đoạn cuối cùng chờ ngày giải phẫu mà hy vọng sống còn rất mong manh; vốn là một cán bộ đảng ở địa phương, anh vẫn có thói quen bắt đầu một ngày mới bằng việc đọc báo Pravda (Sự Thật) của đảng. Anh trông ngóng từng số báo một để đón đọc bài xã luận; nó đem đến cho anh một thứ cảm giác yên ổn, tin tưởng trong ngày hôm đó, bởi qua đó anh biết một cách chính xác mình cần phải làm gì, phải nói gì, nói như thế nào và những vấn đề gì mà anh cần phải giữ kín miệng. Đứng trước những vấn đề mà anh phải thực hiện một sự lựa chọn, anh không còn sợ bị sai lầm nữa, bởi vì anh đã được đảng trang bị cho một sự xác tín. Có thể những bài xã luận thay đổi như chong chóng: cái tên ngày hôm qua còn được xưng tụng trên cửa miệng mọi người nhưng ngày hôm nay đã bị khai trừ; những hành động mới ngày nào còn bị kết án nhưng bây giờ đã được tán dương, cổ xúy. Nhưng không sao, miễn là anh biết lắng nghe, biết tuân thủ những gì mà anh được chỉ bảo, anh sẽ không thể mắc sai lầm. Sở dĩ anh cán bộ đảng có được sự bình yên tinh thần bởi anh đã biết đặt tất cả niềm tin của mình vào bộ máy của đảng và lãnh tụ Staline. Và bằng cách chỉ bảo phải làm gì mỗi ngày, Staline đã cất đi gánh nặng trách nhiệm trên đôi vai của anh cán bộ khi đứng ra giải quyết thay anh gánh nặng nghẹt thở của sự hiểu biết.


Câu hỏi quan trọng mà Zygmunt Bauman, nhà xã hội học Ba Lan, đặt ra ở đây là tại sao người dân sống dưới chế độ cai trị của Staline lại có nhu cầu được yên ổn khẩn thiết đến mức sẵn sàng hy sinh cả tự do tinh thần của họ cho ông ta và còn cảm thấy như được ban phát ân huệ khi sự hy sinh đó được Staline chấp thuận?

Trả lời cho câu hỏi này, Zygmunt Bauman truy nguyên đến tận nguồn gốc: đó là chính nỗi sợ của con người trước vũ trụ. Đó là sự run sợ khi đứng trước sự to lớn bao la vô cùng và sức mạnh vô tận của vũ trụ; trước bầu trời đầy sao; trước khối hình hình bất động của những dãy núi; của biển cả; trước những tai hoạ thiên nhiên khôn lường. Con người cảm thấy mình quá nhỏ bé, vô nghĩa, phù du và dễ tổn thương. Không những dễ tổn thương, con người còn cảm thấy hoang mang bất lực hoàn toàn trong việc thấu hiểu được sức mạnh kỳ vĩ của vũ trụ. Vũ trụ có một kế hoạch hay lô gích phát triển hay không thì hẳn là nằm ngoài phạm vi hiểu biết của con người và vì vậy, sự tiến hóa trong tương lai của vũ trụ là bất khả dự đoán.

Dễ tổn thương và hoang mang, bất định là hai nét nổi bật trong nỗi sợ hãi của con người trước vũ trụ, được tất cả các hệ thống tôn giáo sử dụng. Hình ảnh Thượng Đế, một đấng toàn năng tối cao cai quản thế giới và loài người đã được chế tạo từ hai tình cảm quen thuộc đó của con người trong nỗi sợ hãi trước cái bất khả tri. Và khi đã được khoác lên một bộ mặt người, vũ trụ giờ đây không còn là một lực lượng vô danh, câm nín đáng sợ nữa. Con người từ nay đã có thể giao tiếp với vũ trụ bởi vũ trụ đã có tiếng nói, đã biết lắng nghe, biết ban thưởng và trừng phạt.

Zygmunt Bauman nhấn mạnh đến hai yếu tố dễ tổn thương và hoang mang đó, vì chính chúng sẽ làm nên cấu trúc của sự sợ hãi tập thể trước sức mạnh của quyền lực chính trị.

Tất cả các quyền lực chính trị đều tạo ra để sử dụng và khai thác triệt để hai yếu tố hoang mang, bất an và nhỏ nhoi, dễ tổn thương bằng mọi phương tiện hướng đến một sự sợ hãi tập thể và qua đó duy trì tính chính danh, đồng thời sự thiết yếu của mình: bằng bạo lực, nhà tù, đe dọa, khủng bố, tuyên truyền, mị dân… Một mặt, họ dựng nên những nỗi sợ bị xâm lược; bị khủng bố, thất nghiệp, mất bản sắc văn hóa… bởi nạn nhập cư; sự bất ổn xã hội khi nhập khẩu những giá trị văn hóa của phương Tây hay dựng nên cái gọi là “thế lực thù địch”, “thế lực phản động” đe dọa sự mất “ổn định chính trị”… Mặt khác, họ làm cho việc cai quản của nhà nước trở thành một thứ quyền lực quan phòng, tối cao, bí ẩn, khó đoán nhưng toàn năng; con người lúc đó trở nên nhỏ bé, tuân phục, dễ bảo và đổi lại, để được nhà nước bảo đảm cho một tương lai yên ổn, không còn bị đe dọa.

Phân tích của Zygmunt Bauman giúp soi sáng nguồn gốc sức mạnh có tính cưỡng đoạt và không nền tảng của các quyền lực chính trị. Trong điều kiện của xã hội Việt Nam hiện thời, nhận ra điều đó là cần thiết hơn tất thảy, mặc dù không hề dễ dàng.

Có lẽ nhiều người Việt Nam đều biết câu truyện thiếu phụ Nam Xương, người phụ nữ có chồng trấn thủ ở biên cương, nuôi con nhỏ một mình. Đêm đến, để trấn an đứa nhỏ luôn hỏi mẹ về người cha vắng mặt, nàng chỉ tay lên bóng mình in lên vách bởi ngọn nến thắp, nói với đứa nhỏ: “Cha con đó”. Lâu ngày đứa bé tin chiếc bóng in lên vách đó chính là cha của mình. Cho đến một ngày người chồng trở về, người mẹ nói “Cha con đó”, đứa bé không tin. Có lẽ không cần phải nhắc lại đoạn kết của câu truyện ở đây, vấn đề mà chúng ta thấy qua câu truyện này là việc nhận ra sự thật sau một thời gian dài bị ru ngủ, nhồi sọ, mê hoặc là khó khăn biết chừng nào. Đừng gán cho đứa bé là “con cừu” hay “kém trí nhớ” sau khi đã trải qua nhiều trò mị dân, lừa gạt chính trị.

Tiến trình dân chủ hóa ở Việt Nam không hề là một việc dễ dàng. Bên cạnh sự cần thiết của việc đấu tranh hằng ngày đòi hỏi công lý, công bằng xã hội cho dân oan, cho những tù nhân lương tâm, thiết nghĩ một công việc khác không kém phần cần thiết, nếu không muốn nói là quá cần thiết và hệ trọng, là giải hoặc, là khai dân trí, là nhận diện và nhận diện lại tất cả các vấn đề của xã hội hiện thời, là trả sự thật lại với ánh sáng.