Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 1 tháng 8, 2018

Thơ Nguyễn Thị Hải

20180606_075011


Đọc Nguyễn Thị Hải với tập thơ Một dòng tiểu sử của bạn tôi

Viết để tìm và giữ lại chính mình một quê hương
Như Quỳnh de Prelle

Nếu tập thơ đầu tay của Nguyễn Thị Hải tôi không thể xác định cô ấy ở đâu, thuộc giới tính nào thì ở tập thơ Một dòng tiểu sử của bạn tôi, tôi đã nhìn thấy quê hương, nguồn cội một con người đang tồn tại và viết. Hải viết đều trong một nội tâm mạnh mẽ và tinh tế với cách kể rất đỗi bình thường đến vô thường. Viết như thiền trong một khu vườn lặng lẽ giữa phố đông, giữa cả cái cũ và mới, giữa âm nhạc xưa và môt giọng hát đằm sâu như trong một cõi rất xa thẳm nhưng người khác có thể chạm vào thật nhẹ và nhớ lâu.

Còn ai trong thế hệ của tôi, giữa Sài Gòn còn lại, vẫn đều đều nhưng con chữ về quê hương, về một đồng bằng Bắc bộ của những mùa, của chùa, của làng, những con ngõ nhỏ, của lò gạch, cầu ao, những cơn mưa không điệu đang phố xá… Nguyễn Thị Hải có cái hồn quê ấy, hay một quê hương lưu lạc ở chính quê hương rộng lớn Việt Nam. Cô ấy viết và tìm đến thi ca để khỏi bị đánh mất, bị quên đi dòng tiểu sử của chính mình?


khói bếp
 
Đàn chim
sẻ đậu trên
nóc bếp
Giám
thưởng hờ
hững

Làn khói
bay lên từ
bữa trưa
bà mẹ
đang xào
nấu

Mâm cơm
bày ra giữa
nhà
Còn một
mâm cơm
khác
Bày dưới
trời mây

Linh hồn
của cơm
canh mùi vị
Thếp vào
tầng khí
quyển
Một quê
hương phù
ảo


 
Tên của các bài trong tập chỉ có 1, 2 hoặc 3 chữ, hiếm lắm mới có một cái tên dài đến 5 chữ. Phải chăng cô gái ấy đang tối giản cho chính phong cách của mình, sự trầm mặc trong những chuyển động không có sóng, không có dữ dội mà tự chảy ra như thiền giữa quê hương đang dâng tràn, bão dâng? Càng tối giản bao nhiêu thì tính tổ chức càng cao, sự logich càng mạnh mẽ. Tôi nhìn thấy những tầng sâu trong tâm hồn người thi nhân ấy, bật ra những lời Chân không.


một dòng tiểu
sử của bạn tôi

 
Có bà nội bị
điếc
Hàng mấy
chục năm
Thỉnh thoảng
lại nói ra một
câu
Không ai hiểu
Bà chỉ thích trò
chuyện với
nước
Mỗi khi ngồi
lầm lũi cọ rửa
Có lẽ thế giới
bên trong bà
Cũng ngập
tràn là nước


Cô viết ra bằng trí nhớ với ngôn từ chắt lọc và sắc gọn. Tình cảm và lý trí, một sự cân bằng hiếm có cho thi ca Việt giữa những cơn bão của tuổi thanh xuân cô độc hay những mode thời trang thị thành. Đặc biệt nữ sỹ này không có một bài thơ tình nào, nếu có tình yêu thì cũng không đậm chất thơ tình trong thơ của Nguyễn Thị Hải. Đó là một dấu ấn đặc biệt trong thơ và phong cách thơ của thi nhân này.

Một người có tuổi thơ như tôi, gắn bó với gia đình ông bà ngoại trong một gia tộc, ở một vùng quê trù phú cói xanh, chưa bao giờ biết làm đồng, làm ruộng… đọc thơ của Hải tôi nhớ về những người bạn ấu thơ cái Thoa, cái Mừng… bọn con trai lùa nhau chơi ở khắp các cồn cát, cánh đồng và những đám ma kéo dài từng đoàn người… Dòng tiểu sử của bạn tôi trong thơ Hải như dòng tiểu sử cả một thế hệ chúng tôi, có thể là những dòng tiểu sử của nhiều thế hệ khác đã mất…. được bật ra không phải những giai điệu dân ca hay hò vè, hát ví, bật ra từ tâm hồn thi ca, từ giọng điệu riêng của Nguyễn Thị Hải. Có lẽ đó là một nước Việt xưa đã mất? chứ không phải riêng một vùng đồng bằng bắc bộ. Những vùng quê ấy vẫn còn, vẫn có những dấu tích nhưng một Việt Nam xưa thì không còn bao lâu rồi? Tôi nhìn thấy một nhà thơ tương lai cần mẫn và tinh tế, viết trong im lặng. Cô ấy viết để tìm và giữ lại chính mình một quê hương. Một sự tuyệt đối hiếm hoi trong dòng chảy thơ ca hiện đại Việt Nam. Điều thú vị, Hải xuất hiện nhiều ở các trang văn chương bên ngoài chứ không phải trong nước. Trong nước, cô chỉ xuất bản và phát hành bản giấy, không lộ diện nhiều, không gặp gỡ. Tôi thì gặp cô ở chính các trang online và trong những email, tin nhắn của facebook. Lúc nào, cô cũng gửi thơ cho tôi như được là người đầu tiên dù rất xa mà lại nhanh nhất.

Thơ của Nguyễn Thị Hải và tác giả cho tôi nhìn thấy một sự cân bằng và riêng biệt giữa những bấp bênh, giữa những trào lưu chữ nhảy múa trên facebook, trên mạng xã hội. Tôi còn tin rằng, còn một người viết mà không bị ảnh hưởng bởi bất cứ hiệu ứng nào bên ngoài hay từ chữ của người khác, hay từ cảm xúc dây chuyền nhân danh liên văn bản….

Với những tâm hồn thi ca, hãy tìm đến tác giả, tác phẩm của Nguyễn Thị Hải để tìm ra những đồng điệu hay những mới mẻ riêng. Như một người bạn gái, tôi chỉ hé mở ra, những dòng chảy róc rách để chúng ta cùng khám phá tiếp hay chạm vào tâm hồn thi ca như Một dòng tiểu sử của bạn tôi hay của chính Hải, của chính chúng tôi, và chúng ta đang bị dần mất đi.


lò gạch
 
Bầy chim én
say mê chao
lượn trên ruộng
lúa
Không gian hầu
như thoáng
đãng
Nếu không bất
động ở đó một
lò gạch đốt dạo
mùa đông
Một thứ hình
hộp như được
xây nên bởi loài
ong cần mẫn
bản năng
Một căn nhà
sinh sống
những con
người cô đơn kì
lạ
Một nấm mồ cất
kỹ những linh
hồn thuở xưa
Làn da mình
nãy giờ căng
thẳng
Chờ mãi một
đám mưa xuân
bay xuống từ
vòm mây thấp
nặng
Sông trôi nhanh
Cỏ hai bờ tái
sinh liên hồi
trong nước
Trừ những
bông hoa trì
hoãn hiện kiếp
riêng mình
Sực nhớ đến
con tim của mình
Bèn bước theo
đường bờ
ruộng nhỏ hẹp
Đến bên cạnh
lò gạch tàn lạnh
Vứt bỏ nỗi khổ
tâm
Để trở thành
một con chim
én
 


Brussels, ngày tháng 6, 2018


Một dòng tiểu sử của bạn tôi
tập thơ của Nguyễn Thị Hải
Domino Books & Nxb. Đà Nẵng 2018
Giá bìa: 60.000đ


Sách Domino Books có bán tại:


1) Nhà sách Hà Nội, 245 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP HCM
2) Nhà sách Khai Tâm, 8 Nguyễn Phi Khanh, quận 1, TP HCM
3) Nhà sách Hoàng Cương, 11 Đường D2, p. 25, Bình Thạnh, TP HCM
4) Hệ thống nhà sách Phương Nam
5) Cà phê Nhạc lòng năm cũ, 4A Đặng Hữu Phổ, p. Thảo Điền, quận 2, TP HCM
6) Cà phê Hoàng Thị, lầu 1, 14 Tôn Thất Đạm, quận 1, TP HCM
7) Kafka Booksstore, 64/7 Cù Lao, p. 2, q. Phú Nhuận, TP HCM
8) Nhà sách Tri Văn, 236/38, Điện Biên Phủ, p. 17, quận Bình Thạnh, tp HCM
9) Sách Khai Minh, 306/29A Xô Viết Nghệ Tĩnh, p. 25, quận Bình Thạnh, TP HCM
10) Thư quán Văn Khoa, Sảnh C, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn tp HCM, 10-12 Đinh Tiên Hoàng, p. Bến Nghé, quận 1, TP HCM
11) Nhà sách Tổng hợp, 62 Nguyễn Thị Minh Khai, p. Đa Kao, quận 1, TP HCM
12) Nhà sách Quang Huy, 235 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP HCM
13) Hộp - Thư viện & hiệu sách, ngõ 240 Âu Cơ, Hà Nội https://www.facebook.com/thuvienhop/


Thơ Nguyễn Thị Hải

(trích trong tập Một dòng tiểu sử của bạn tôi)


Tiểu khê

Con mương nhỏ

Con cá con tôm nhỏ

Một đứa nhỏ

Cất chiếc vó nhỏ

Bỗng nghe

Bước dần theo ngọn tiểu khê

Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh*

Một cụ ông chống gậy ra đình

Đình treo lá phướn thắm

Ở cuối dòng tiểu khê

*Kiều, Nguyễn Du


Chùa làng

Ông Phật gỗ ở trong ngôi chùa gỗ

Ông sư quá cố

Bà vãi bỏ chùa

Áo nâu áo lam treo trên móc đinh tự cũ

Ngạch cửa gỗ ngã bổ nhào đứa bé

Phật chỉ cười không dỗ

Ai ra cho quả chuối

Ai lau chùi mặt mũi

Ông sư quá cố

Bà vãi bỏ chùa

Đứa bé ấy có phải là tôi không?


Giọt nước mưa

Bà cụ còn giận chuyện ngày hôm kia

Cháu ngủ say rồi vẫn vỗ ru

Giọt trước rỏ đâu

Giọt sau rỏ đấy

Ông con dỗi

Mặt hằm hằm không nói

Hút thuốc lào phả khói

Vào trời mưa


Biển

Nhà hết muối bèn hỏi ông Tiền Hải
Muốn ăn cá khô thì đợi vợ ông ta
Chiếu rách thì ngóng người Trấn Dương đem đến
Tôi hỏi người lớn biển chỗ nào
Họ liền bảo Trấn Dương, Tiền Hải
Thì ra biển cách nhà tôi không xa
Đạp xe thồ lộc tộc cũng tới
Như người bán cá bán muối
Thì ra chiếu, muối và cá
Tôi nằm và ăn biển mỗi ngày


Trăng đỏ

Đêm tối có người đi đến

Không đánh tiếng

Cứ bước sầm sầm

Kéo lại hỏi chuyện gì

Bèn ngửa mặt lên trời

Trỏ vào vầng trăng đỏ quạch

Quầng ngũ sắc rừng rực

Nói như đinh đóng cột

Thể nào mai cũng mưa


Người tù ()

Xóm nhỏ có người tù

Tù chung thân biền biệt

Trẻ đời sau nghe nhắc

Nhưng không biết mặt mày

Vợ tự cấy tự cày

Con tự chơi tự lớn

Cha tự yếu tự già

Không nhắc nhưng vẫn đợi

Một giọt mực rơi vãi

Xuống góc quê hương buồn

Có ngày nào về lại

Lệ hòa vừa chữ Nhân (人)


Khách

Người vừa đến nhà tôi

Quê ở đâu xa lắm

Tay bị và tay gậy

Đứng lầm lì trong sân

Mới sáng tôi đã mong

Hôm nay có khách đến

Hóa ra người ăn mày

Tiếng nói nghe là lạ

Người ăn mày xin gạo

Một bơ tôi múc đầy

Đổ vào túi vải rỗng

Rõ chẳng thấm vào đâu

Người ăn mày ra ngõ

Đi mất vào trong làng

Tôi quay về quở trách

Con chim báo khách nhầm

Chim quẹt mỏ lách chách

Đối đáp lại chẳng vừa

Khách nào chả là khách

Bảo nhầm là cớ sao


Xổng lu

Lào xào lào xào

Lắc lư lắc lư

Xộc xệch xộc xệch

Trăm con cua rốc

Đổ nhào cái lu

Lật bay tấm thớt

Vượt ngục giam nhốt

Theo mùi bùn đất

Tìm đường tháo thân

Rau đay chỉ lối

Mồng tơi dẫn đường

Củ gừng đưa tiễn

Mày sống tao còn

Xa chạy cao bay

Đêm dài chả mấy

Ối lũ cua rốc

Xổng ra hết sạch

Lu kê không vững

Mẹ vụng

Thớt mòn mỏng chặn

Con hư


Chạy mưa

Mưa ập xuống cánh đồng

Người chạy trâu bò chạy

Cày cuốc chạy quang gánh chạy

Tôi với con bò nhỏ cũng chạy

Chạy với mọi người trên đường cái

Chỉ có một người không chạy

Đi dạt sang lề hai tay ôm bụng

Cái bụng sắp sinh ra đứa bé

Một ngày nào đó cùng chạy mưa


Bò lạc

Cắm cúi ăn

Không nghĩ không lo

Mặc chim đậu ruồi bu muỗi cắn

Chổi đuôi tiện đập phật phật

Không thù không oán

Tới chừng ngẩng lên

Đất lạ trời lạ người lạ

Đi một ngày đàng

Lạc vào cõi lạ

Bơ ngơ bơ ngơ

Bò ơ bò ơ……..

Tiếng gọi vòng vọng quen quen

Rượt tới đàng sau

Chếch sang đông

Lệch sang tây

Gần rồi xa

Mãi không đến đích


Cầu ao

Chậm rãi rửa từng lá rau trên cầu ao nhà mình

Đưa mắt nhìn sang cầu ao đối diện

Sắp tới giờ bà cụ nhà ấy vo gạo nấu bữa trưa

Nhưng cũng có thể thằng con ra tập bơi

Thân thể đang lớn của nó duỗi căng trong làn nước

Mình nghĩ mình hóa thành đá

Bất động trong không gian này mãi mãi

Chú tâm rửa sạch từng lá rau

Những vệt bùn, con sâu nhỏ

Thì mình sẽ trì hoãn được thời gian

Trì hoãn được dòng chảy của đời mình

Để nó không cuốn mình phăng phăng về phía trước

Ôm rổ rau xanh ngắt

Dưới gốc hòe mùa không hoa

Mình đợi mãi

Mà chẳng có ai ra cả


Hướng nhà

Từ hướng nam xoay ngược sang hướng bắc

Trổ một lối ngõ mới ra đường

Xây gian bếp, khoảng sân mới

Nhà trước thành vườn sau

Chìm dần vào quên lãng

Đứa cháu đích tôn thừa kế mảnh đất tổ tiên

Một đêm sáng trăng mở cửa sổ buồng ngủ

Trông thấy bà nội quá cố nhiều năm trước

Dò dẫm bước xuống bậc cầu ao hoang phế

Tấm lưng còng nhỏ bé

Kì cọ chiếc nồi gang đã bán đồng nát lúc nào