Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2018

Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 54): Nam Dao – Người mình…

NamDao (1)

Nguyễn Mạnh Hùng (1944- ). Bút hiệu: Nam Dao, Dã Tượng. PhD. Khoa Kinh tế (Đại học Toronto, Canada). Giáo sư Kinh tế học, đã về hưu (Đại học Laval, Quebec, Canada). Tác giả nhiều công trình nghiên cứu đã công bố trên những tờ báo chuyên môn quốc tế, trong đó có những tờ báo nổi tiếng hạng nhất trong ngành. Từng được giải có bài nghiên cứu kiệt xuất của Asian Pacific Economic Review năm 1999, nguyên thành viên Ban tuyển chọn của Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Nhân văn của Canada về Kinh tế học, nguyên thành viên của nhiều Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế tại Canada và Pháp, Úc, v.v.

Sáng tác văn học:

Sách đã in

· Ghềnh V, NXB Hội Nhà Văn và Phương Nam Book, 2013.

· Vu Quy, NXB Hội Nhà Văn và Phương Nam Book, 2013.

· Cõi Tình & Vu Quy, tiểu thuyết, Văn Mới, California 2009.

· Trăng Nguyên Sơ, tiểu thuyết, 240 tr, NXB Lao Động và Trung Tâm Văn Hóa Đông Tây, 2008.

· Bể Dâu (tiểu thuyết lịch sử), 2 tập, 991 tr, NXB Văn Mới, California, 2007. Tái bản NguoiViet Book, California, 2015

· Những con người, những bóng ma, bút ký, 250 tr, NXB Văn Mới, California , 2006.

· L’écho du gong, edition Aube, France, 2006.

· Trăng thuê ảo ảnh, (tập truyện), 190 tr, Nhà XB Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2004.

· Đất Trời (tiểu thuyết lịch sử), 420 tr, Văn Mới, California, 2002. Tái bản, 404 tr, NXB Đà Nẵng, Việt Nam, 2007. Tái bản NguoiViet Book, California, 2015

· Khoảng chơi vơi (Truyện và Ký), 242 tr, ThiVan, 2001.

· Trong buốt pha lê (Tập Truyện), 219 tr, ThiVan, 2001.

· Ba vở kịch, 232 tr, ThiVan, 2000.

· Tiếng Cồng (tiểu thuyết), 182 tr, ThiVan, 2000.

· Gió Lửa (tiểu thuyết lịch sử), 493 tr, Thi Van, 1999. Tái bản NguoiViet Book, California, 2015.

Thơ, Truyện Ngắn, Kịch, Ký, Tiểu Luận…

In trong Hợp Lưu, Văn Học, Văn, Da Màu ở hải ngoại, Tuần báo Văn Nghệ, Bauxite Việt Nam, Văn Việt trong nước … Tất cả được tập hợp lại trong www.amvc.free.fr và có một số hiển thị trên E.E - Emprunt Empreinte - Mượn Dấu Thời Gian (phannguyenartist.blogspot.com) và Văn Việt (vanviet.info).



Người mình...

Gửi những ngôi thứ ba của cô em PTH tuổi mơ...

Ðêm xanh màu mực loãng nhợt nhạt buông trên ánh đèn lập lòe nhấp nháy tên một dãy Bar bán rượu và thịt đàn bà rải rác trên con phố nằm chếch đâm vào hông lộ chính dẫn thẳng đến downtown thành phố T. Nằm ngang biên giới cách San Diego không đầy vài dặm chim bay, thành phố ấy nổi gồ lên trên mặt trái đất này một sự tương phản khá lố bịch giữa sạch và bẩn, giầu và nghèo, yên lành và hỗn loạn... Nói tóm lại dẫu chẳng tránh được chút ngoa ngôn, đó là sự tương phản giữa thiên đàng nhân ái mang dấu Chúa và địa ngục nhầy nhụa bàn tay Sa-tăng. Giữa địa ngục nên dẫu có vào con đường chỉ độ sáu thước rộng, xe vẫn vèo vèo chạy như trên xa lộ. Dĩ nhiên thỉnh thoảng có tiếng phanh rít lên, và rồi tiếng fuck phát âm khi thì kiểu Mễ, khi thì kiểu Mỹ, khi thì hằn học, khi lại như reo mừng. Thành phố hồi này đầy đám buôn ma túy và bọn ăn cắp xe hơi. Lâu lâu, lại có một vụ bắn lộn, tiếng Magum đùng đùng, và sau là tiếng la, tiếng hét, tiếng cười, tiếng khóc. Nhân loại xưa nay vẫn kiếm tiền và giải trí kiểu này. Vào buổi quá độ lên toàn cầu hóa mọi thể loại ăn cắp và cướp giật, người ta đệm vào tiếng súng âm sắc của những bài giảng đủ loại. Từ lý tưởng dân chủ đến chuyện bảo vệ môi sinh. Từ quyền tự nhiên của gia súc như mèo như chó ở Mỹ đến thảm họa diệt chủng xứ Rwanda giữa hai bộ tộc Tutsi và Hutu. Nghĩa là tất cả. Và tất cả thì nghĩa là lại không gì hết. Giản dị nhất là cứ sống. Cứ chụp giật. Rồi giải trí. Ðây là Bar Sexo, dăm em Mễ váy cũn cỡn, môi đỏ chói màu son, miệng phì phèo Marlboro, ghếch chân lên rồi dạng háng ra mời gọi. Còn kia, Bar Amor, cũng tự nhiên không kém, lại cử thêm một chàng da đen thân hình lực sĩ phía dưới che độc một cái xì líp đen đang uốn éo chân nhịp theo nhạc heavy metal chát chúa đập không thương xót vào màng nhĩ khách lộ hành. Và nào là Bar Alamos. Rồi Femina. Rồi... và rồi không kể hết được cho đến cuối đường là Bar Carmen, một thứ Bar chưa bắt kịp tình hình thế giới, còn chơi nhạc Flamenco và ê a rên rỉ hát kiểu du mục Gitan, cái món truyền thống Tây Ban Nha đậm chất Ả Rập vẫn còn hấp dẫn ít nhiều khách chơi chưa giác ngộ.

Y thuộc loại khách đó. Tại sao? Y chỉ biết mình thích tiếng ghi-ta. Năm mười lăm, y tự mình mua sách học ghi-ta cổ điển. Năm mười sáu, y gẩy Romance Amor, cái bài ai cũng thích ở Xóm Mới. Năm mười bảy, y làm quen một thằng học Quốc gia âm nhạc. Nó dạy y đánh Moonlight, cái bài ai cũng thích ở chợ Cũ Sài Gòn hồi Ðệ Nhất Cộng Hòa. Năm mười tám, đến tuổi động viên nhưng thi trượt tú tài 2. Vào Võ bị Thủ Ðức, y chỉ mang theo cây đàn. Nhưng từ đó y quên dần, cả Romance Amor lẫn Moonlight. Rồi sau y quên luôn tiếng đàn. Mười năm liền y chỉ sống với tiếng đạn bay bom nổ, suýt chết hai lần, lãnh thẹo rồi được gắn Anh Dũng bội tinh. Ðùng một cái đi tù. Và xong tù là chờ, chờ cho đến ngày có xuất cảnh theo diện H.O. Ðến Cali được độ một thập niên, y lại mua đàn, mua sách. Và lần này, y học Flamenco. Hola! Khó quá. Khó hơn ghi-ta Cổ Ðiển nhiều. Thôi, không đánh được thì đi nghe vậy. Giải trí, phải giải trí. Không còn tiếng súng, hắn thầm nhủ, ta quay về tiếng đàn. Còn rên xiết van vỉ, thì đấy, hát điệu Gitan, rên xiết van vỉ đến thế là hết mức.

*

Chen vào, y luồn ra phái trái tìm cái bàn quen thuộc trong góc, xa mấy cái loa 300 watt om sòm tiếng đàn Flamenco dậm giật. Trong khói thuốc xanh um, con bé bán rượu môi đỏ chót trờ tới, tay cầm chiếc khay nhựa đen, hông ghếch lên, bụng hở rốn, áo không cài khuy buộc túm lại ngay dưới lồng ngực bung nứt. Nó nhe răng cười, hàm răng trắng xanh dưới ánh đèn lân tinh, miệng ngoác ra: “Hola, buenos noches, ninõ” rồi chờ, mắt đảo nhìn vào dãy bàn xung quanh. Cha mày, Ninõ. Ninõ gì mà tóc bạc, con đĩ ơi! Cha mày đã từng ăn sỏi uống nước đái cầm hơi ở mặt trận Quảng Trị. Cha mày bị bắn rách bụng ở Pleiku, thò tay ôm của quí khấn thầm đạn có vào đâu thì vào chứ cái chỗ này thì xin chớ. Rồi cha mày cũng đi cải tạo như ai, ba năm nằm ở Long Bình, vừa trồng khoai vừa ngắm mây xa, vỗ tay hát chơi dăm ba câu thơ cổ “Ta hồ trượng phu đương như thị” dịch nôm na ra “Ðã thân trượng phu đành là vậy”, con bé chuyển giọng nói tiếng Anh. “OK, baby. One Bud and one whisky for my friend”. Con bé lại quay về tiếng Mễ “... Si, bueno. Dónde está amigo?”. Thì đấy, tay chỉ vào chiếc ghế trống, y đáp: “Nó ngồi đây...”, tay kia đưa thuốc lên môi. Thôi cứ giữ chỗ, nhưng giữ chứ làm gì có bạn. Giữ chỗ thế, cho thoáng chứ không thì tí ngộp người. Cái trò tiểu xảo không hiểu sao làm mãi rồi mà cứ còn chạnh lòng. Bạn ta đâu, dónde amigo? Ðấy, cái ghế trống. Bây giờ để ly Bud vàng óng lăn tăn bọt trước mặt. Rồi nâng ly whisky lên, nói: “Cheers! Bạn ta”. Nhưng bạn không đáp. Uống xong. Rồi uống ly Bud của bạn. Vẫy tay “Holà, baby. One bud anh one whisky! For my friend”. Con bé cười, nhún nhảy: “Dónde amigo...”. Lại đáp “Nó vừa đi. Nó ra nhảy...”. Con bé nháy mắt “Senorita?”. Dĩ nhiên. Cha mày, đồ vô duyên. Tao lê từ Los qua cái tỉnh biên giới này làm chi, hở? Ðể xem đá gà trưa nay à? Ừ, cũng vui. Ðặt cuộc vào con gà riu mạng hỏa, gáy đỏ tía, nhưng bé xíu, độ với con gà xù lông đen mắt đùng đục kiểu mạng mộc. To xác thì to, cựa dài thì dài, nhưng hỏa khắc mộc. Lửa lên, cây cháy thành than, chắc rồi. Tao cuộc theo mạng gà, không thèm so đo chi khác. Học tập về, sống bằng đá độ sáu năm liền, nhìn gà ra mạng, và đánh theo âm dương ngũ hành. Gà độ tao nhỏ, riết một ăn tám. Ðược. Ðể kinh nghiệm truyền thống Á Châu đọ với bọn mi coi sao? “Hey! Amigo... 50 US”. “OK!”. Thế là tao rủng rỉnh bỏ túi 400 đô. Ðêm nay, có uống mấy cũng không hết. Rồi xem có hứng thì trọi một trọi. Trọi thì trọi bọn “nhảy zù” chứ nghề nghiệp quá mất vui. Thời này, túng thì “zù”, mặt mũi bọn zù gượng vui, nhìn tinh là thấy. Chúng không ngổ ngáo, tìm khách bằng cách đưa mắt liếc tình. Chúng thường tìm bàn ngồi chứ không đỏng đảnh đứng quanh Bar rượu.

Nốc ực một cái, y đặt ly whisky xuống bàn rồi đứng dậy. Phải tuần tra ngay. Khách bắt đầu nghẹt quán, và tiếng Flamenco ầm ầm át dần tiếng người. Y len bước, ra quầy rượu, tay vê râu mép, mắt ngó nghiêng. Không. Nhỏ này coi bộ “nghề” rồi. “Amigo! Senior...”. “No, no... ha ha, để tao yên nào, ép dầu ép mỡ ai nỡ ép duyên hở baby?”. Y chợt lại nhớ những bar rượu ven sông Hàn. Mỗi lần từ Ðông Hà về Ðà Nẵng xả hơi trong hai ngày phép, y lang thang Bar này sang Bar khác, rưới rượu vào đốt bỏng lòng rồi bật quẹt Zippo châm cho cháy bùng lên, cháy để nướng đến sạch mấy tháng lương cong queo nằm trong túi sau ướt nhẹp mồ hôi và bụi đất. Rồi trọi em nào, y cũng rất tình tứ, giọng xuống hẳn một ốc-ta, trìu mến “... thằng này yêu em, yêu thật tình!”. Nói riết, y tin là thế. Rồi các em gọi y là “trâu điên thật tình”, Trâu Ðiên vốn là tục danh của đơn vị y. Vân vê râu mép nay màu tiêu ít muối nhiều, y tự hỏi sao qua đây, ở cái thành phố rộn ràng ngực mông và tiếng đàn Flamenco cùng những cú dậm chân vào sàn gỗ nghe chát chúa, y không giữ được cái thói xưa, thủ thỉ kiểu “Hey, I really love you”, thông điệp hy vọng của một thời cái chết nằm kề từng đêm chằng chịt pháo quang giữa quay cuồng lửa đạn.

*

Ngồi xo ro ngay chỗ bạn y, cái ghế trống, con bé đeo kính ngước lên, luống cuống đứng dậy. Chẳng hiểu giống gì. Nếu là Mễ, xương quá nhỏ, và thiếu cái thô thô của thứ xác thịt ngộn ngàng màu mỡ. Nhưng tóc đen, mũi tẹt, da thì rõ là không trắng. Hừ, giống gì thế? Y chẳng nói chẳng rằng, tay chỉ vào ly Bud, ý bảo bạn ta ngồi đây rồi. Con bé xô ghế chực đứng lên thì có tiếng eo éo “Nè Xuân, nè...”. Một ả nạ dòng ở đâu xồ ra, hai tay hai cái ly, thản nhiên như không có chuyện gì. Con bé tên Xuân nói gì nho nhỏ. Ả quay nhìn y, giọng ráo hoảnh “... có người ngồi rồi hỉ?”. Y không đáp. Ả tiếp “Chú người mình?”. Y lẳng lặng ngồi xuống. Ả xớn xở “Very crowdy, hỉ! Sit just a moment, OK? You are Chinese?”. Y gật đầu, ả cười hở lợi, tay vỗ vai con Xuân “...My sister, we Korean, ...Seoul? You, Hồng Kông?”. Y bật cười. Hồng Kông cái con mẹ mày. Ta đích thị Sài Gòn. Nhưng thôi, thây kệ, y đáp “No, Tai Pei!”. Ả bất ngờ xổ một tràng tiếng Tàu. Chết cha. Y ngớ ra, nhưng nhanh trí cứ lắc đầu quầy quậy. Ả hỏi “... no Cantonese? – rồi lụp chụp – speak Mandarin?”. Y gật đại. Ả lại hà hà “Me, no Mandarin”. Ừ, ta cũng vậy, có biết tiếng quan thoại đâu. Ta xạo chơi thôi. Y gật gù, tay đưa ly whisky lên miệng. Ả quay về phía con Xuân “... nè, Bloodymary đấy... Mari ứa máu đó em, uống nghen”. Con Xuân cầm lấy ly, tay gỡ kính. A cặp mắt. Y nhìn. Cái cặp mắt này y đã thấy ở đâu rồi nhỉ? Nó ươn ướt như lúc nào cũng khóc, đuôi dài hơi xếch ngược lên, viền mi đen thẫm như giấu diếm một điều gì ấm ức khôn nguôi. Con Xuân áp tai vào nghe ả nói. Y giả bộ ngó xa nhưng tò mò lắng nghe.

“Ðó chị à! Từ ngày bả qua đoàn tụ là thôi... Ảnh đi làm về đưa tiền bả. Bả kêu, tao là mẹ nó, gia đình có trên có dưới. Sáng sáng, bả phát tiền cho ảnh tiêu vặt, cho em đi chợ... Rồi bả nhiếc, mi là vợ nó mà sao năm năm rồi tao không có đứa cháu bế hỉ? Mi không muốn con à? Tụi mi bây giờ ích kỷ lắm... Em đi làm neo, bả kêu, tiền đâu mà phí phạm vậy. Em uốn tóc, bả la, rồi bả biểu ảnh rằng con vợ mi trông như con điếm... Ðó, ảnh yếu đuối quá à. Ảnh biểu em, bả già rồi, chết là mình lại tự do. Xí, bao giờ mới tự do? Em cằn nhằn, ảnh la “Bộ em bắt tui phải chọn giữa mẹ và vợ hả?”. Trời đất ơi – con Xuân nghẹn ngào – thời buổi này chứ đâu còn ở miệt ruộng nữa đâu mà bắt ne bắt nét con dâu, hả chị”. Tiếng ả “... mà thằng Nam chồng em nó hiền quá...”. Con Xuân ngắt “... hiền chi, ngu thì có! – giọng hằn học, nó quên mất là nó đang nói chuyện riệng tư – ngu thấy mồ tổ đi chị ơi! Ðàn ông chi mà như đứa nít nhỏ. Bả chửi em đồ điếm thúi, đuổi em ra khỏi nhà. Ảnh lừng chừng, bả thét lên “Thằng Nam, mày giữ vợ mày thì tao đi”, rồi thuận tay tát vào mặt. Ảnh ôm mặt khóc kêu má, má...”. Phá lên ngặt nghẹo cười, ả nạ dòng léo nhéo “Thôi em, quên cho nó đi cho rồi. Xứ tự do, làm lại cuộc đời như chơi. Dễ ợt em ơi, nè uống đi, bữa nay vui một đêm hết mình nghen... OK...”. Không đợi con Xuân đáp, ả quay nhìn y, hỏi “... you like dance?”. Y lắc đầu. Chân ả đá nhè nhẹ vào chân y khiêu khích. Y thầm nhủ, a, loại này cũng zù, nhưng là zù thâm niên đã lên chức bà nội rồi. Ả lại nhăn nhở “Buy me a drink, OK? Go to the bar...”. Y thò tay xuống bàn xoa vào đùi ả bóp bóp. Ả lại ngặt nghẽo “Buy me a drink first!”. Y cười cười, tay chỉ con Xuân “... I like her” khi nó vừa hớp trái cerise đỏ chót lềnh bềnh mặt ly Bloodymary đã uống gần nửa.

*

Leo lên căn gác hệt như từng chệt những dãy nhà nằm bờ sông Hàn, ả đi trước dặn dò “... nè Xuân, đừng nói lố nghen em. Nhớ em là Korean đó!”. Con Xuân ngượng ngập “... ờ. Mà sao lại Korean à?”. Ả đáp “Korean mới bảnh chớ! Thằng chệt này từ Taiwan cũng ngon. Chớ nói Việt, Miên, Lèo thì... nhục thấy bà!”. Chữ nhục ả hạ giọng nghe nặng như chì đổ. Ả quay ra nắm lấy tay y thì thào “... here! You pay now, OK”. Y móc ví. Ả cầm chìa khóa tra vào ổ vặn lạch xạch. Con Xuân quíu quáo đứng tần ngần. Ả đẩy nó vô, lại dặn “... nhớ cái ca-pốt nghen. Phải giữ an toàn – ả cười ằng ặc trong cổ – đừng vui chơi một tối mà để hận muôn đời... Xong, em quay về bar chị đợi. Quá 45 phút, chị sẽ lên đây tìm...”. Khi bước ra cửa, ả nói với lại “See you later...” rồi biến đi trong ánh đèn tù mù màu đỏ lừ lừ gắn trên vách tường.

Con Xuân vào toa-lét. Y bước đến mở tung hai cánh cửa sổ, thò mặt ra ngoài hứng gió đêm. Tiếng đàn Flamenco lại vẳng lên, nhịp dồn dập, đệm theo giọng hát Gitan ê a nghe hệt như đang uất ức, van vỉ, rồi bất chợt cất cao nổi loạn. Nghe tiếng nước rô-bi-nê chảy, y bị kích thích, thò tay cởi cúc áo rồi kéo zíp-pơ quần. Y tắt đèn, trần truồng đứng cạnh cửa sổ. Xe bình bịch ở đâu gầm rú những tiếng súng liên thanh bùng bục như trống ếch. Xa tít tắp đèn nhạt dần, mơ hồ ánh lên một giải trắng trông tựa dòng sông xưa lờ lững. Trời hầm hập cái nóng ẩm sũng ứa ra từ những lỗ chân lông ấm ức nước. Y dơ tay quẹt mồ hôi trên trán, bật Zippo châm thuốc, rít khói vào, rồi thổi ra những con số Zê-rô từ từ loang to dần trong không khí ngột ngạt. Ðốm lửa sáng lên hắt vào những góc cạnh nhấp nhô phong trần một khuôn mặt xương xẩu chợt mang nét kinh hoàng chưa chịu lặn sâu vào quá khứ.

Con Xuân từ toa-lét ra chui tọt ngay vào tấm đra trải giường màu trắng toát. Y lấy dáng hiên ngang bước lại. Con Xuân úp mặt vào gối, giải tóc đổ xuống lượn là theo hình cong một con rắn đen tuyền ngọ nguậy trườn đi. Y áp mũi lên, hít sâu vào lồng ngực hương ngai ngái mồ hôi trộn vào mùi nước hoa vừa bôi còn sực chất cồn chưa bốc hết hơi. Y nhớ đến những phim xi-nê người hùng thường mạnh bạo kéo toạc tấm đra. Con Xuân níu lại. Y thò tay bật đèn ngủ, Con Xuân nhắm mắt, quay mặt vào tường, van vỉ hệt như kiểu người đẹp trên màn ảnh Shut the light off, please. Y áp môi vào cổ con Xuân, thè lưỡi liếm, miệng mằn mặn vị muối. Con Xuân rên lên, co đùi lại. Y vật ngửa nó ra, rúc mặt vào ngực, vào bụng. Râu y đâm vào làn da trắng mịn màng âm ẩm nhớt nhát mồ hôi làm con Xuân oằn oại, buột miệng kêu nho nhỏ, Nam... Nam, rồi lảm nhảm nhưng tay cứ bíu chặt lấy tấm đra. Tiếng con Xuân nửa mơ nửa tỉnh khiến y cảm động. Ðúng em “zù” lần đầu, vậy thì có khác chi đâu y đang phá trinh. Y đắc thắng thầm nói, Nam đây, tay cởi nịt vú, tay kia thò xuống kéo chiếc xì-líp mỏng mảnh màu hồng nhạt. Bên ngoài, lại chợt có tiếng bình bịch hằn học rú. Chen vào là giọng hát du mục Gitan chập chờn kéo lê thê, dài ra như mảng thời gian bắt đầu từ bờ sông Hàn. Y áp mặt vào cặp mông. Mông ta không tròn, không đầy như mông Mỹ, mông Mễ. Y bật cười, ờ, chắc phải hai thế hệ ăn uống ê hề rồi mông ta mới phát triển cho kịp mông thế giới. Mùi nhờn nhờn hăng hắc thoảng vào mũi khiến bỗng dưng y nhớ Diễm Hằng. Diễm Hằng bên bờ sông Hàn lộng gió. Y nắm bắp tay con Xuân. Cũng chắc nịch. Hai mươi lăm năm trước, Diễm Hằng bảo anh biết là tại sao không? Tại hồi em mới mười ba, một sáng leo cây ổi tụt tay. Cha chết, em ở với mạ, mạ lại đi vắng. Hai tay em nắm cành ổi, chân đạp mà không tựa vào đâu được. Trời, em nhìn xuống. Buông tay chắc chết. Em nhắm mắt, nắm chặt cành ổi, khấn Trời Phật thương em, đừng bắt em bỏ tay ra. Em nắm như vậy cho tới khi có người la lên. Rồi mấy chú chạy tới. Nhìn ra, mặt trời đã xế bóng. Mấy chú căng tấm bạt nhà binh phía dưới, kêu buông tay ra. Buông. Người em rơi xuống không khác chi một trái ổi chín muồi. Rồi. Sao máu me vầy nè. Diễm Hằng cười, lần đầu em có kinh đó anh. Sợ quá, hóa thành đàn bà anh ơi! Còn anh, anh có sợ bao giờ không? Anh cũng sợ chớ. Sợ tiếng đạn bay xé gió. Sợ tiếng pháo tầm xa, tiếng súng bắn sẻ. Sợ tiếng xích xe tăng. Sợ tiếng đồng đội rên la, tiếng hô xung phong. Mỗi lần sợ, anh không hóa ra đàn bà mà trở thành thằng liều. Liều vì sợ mà được gắn Anh Dũng bội tinh đó em! Kỳ thiệt! Y chép miệng, đầu rúc vào bụng con Xuân. Lại tiếng bình bịch. Không, tiếng súng trung liên đó chớ. Rồi tiếng rên la của mấy thằng vừa trúng đạn. Rên la giọng hát kiểu Gitan à? Ðau thì đau, van vỉ làm chi? Còn máu, ờ, mày bị chỗ nào mà máu vậy? Chỗ này, trúng bụng. Không, máu tháng Diễm Hằng đó. Cha mày, thằng ngu, khi không đưa bụng ra hứng đạn AK. Diễm Hằng à, em chảy máu thành đàn bà chớ tụi này chảy máu là chết đó em. Anh lúc nào cũng chân trước chân sau thập thò cửa tử. Thương anh không em? Thương chớ, lần sau anh về phép, em ở với anh, một mình anh thôi. Cám ơn em, y buột miệng “Thằng này yêu em, yêu thiệt tình!”.

Con Xuân vùng ngồi dậy, mắt kinh hoàng, tay đẩy y ra. Y chặc lưỡi. Chết cha. Lẽ ra phải nói “I love you, really love you” chớ. Hỏng hết rồi, chú chệt đâu ở Tai Pei làm chi nữa! Không lẽ bây giờ thú thật là chú lúc nào cũng vất vưởng trên bờ sông Hàn suốt một trăm năm lộng gió? Y ấp úng. Con Xuân kéo tấm đra phủ lên ngực. Mắt nó sụp xuống, viền mi đen làm tối cả khuôn mặt nhưng giờ không còn giấu diếm được cái điều ấm ức khôn nguôi. Nó quay mặt vào tường. Không hiểu có phải hậm hực vì bị một người đồng hương lừa dối hoặc xấu hổ vì lừa dối một người đồng hương hay còn bởi một lẽ nào đó chỉ có Trời mới biết, con Xuân thình lình vừa khóc vừa nói như gào lên “I am Korean”.

*

Y quay người đi ngược về phía có ánh đèn chớp giựt màu đỏ lè mang tên Bar Alamos. Thôi nhé. Adios Xuân và bờ sông Hàn! Chẳng được chi, ngoài cái nỗi ê chề có để cho nước vòi sen chảy mười lăm phút vào đầu vào mặt cũng không gột sạch cho hết. Lần sau, y bực bội nghĩ, thì cố mà nói “Really I love you...” và hạ chỉ tiêu xuống một mức, có dối thì bảo “I am Philippino” chẳng hạn. Taiwan tiến xa rồi. Còn Korea thì khỏi nói, xe Hyundai đã chạy đầy đường cạnh tranh với Ford, với Chrysler. Dừng chân, y bật quẹt. Sau lưng, một đứa loắt choắt chạy ào đến, miệng la “Ông thầy, em nè ông thầy, Sáu “tà loọc” đây!”. Y chợt vui, nhưng chỉ một tích tắc niềm vui bỗng hẫng chân rơi xuống như một bông hồng ai buông tay ném vào vực thẳm. Y quay nhìn. Ðúng là thằng Sáu, cái thằng chết nhát lo cái ăn chỗ ngủ cho y ngày y tại ngũ. Mắt nó nay hõm sâu, lòng trắng bệch hoác ra lạnh tanh phát ớn. Miệng nó cười nhưng nay không còn răng, trông móm mém đến tội nghiệp. Y lắc đầu. Lâu lắm rồi y không nhìn mình trong gương. Mình ra sao rồi nhỉ? Răng cũng đã rụng. Phía trước nay là răng giả, may mà còn mấy cái răng hàm để nhai. Còn ria, vẫn đấy, nhưng màu muối nhiều hơn màu tiêu. Cắt đi thì mặt trơ ra. Không cắt, đến lượt tuổi, tuổi trơ ra. Trơ trơ như thế ư? Sáu thấy y lơ ngơ thất thần, ngờ ngợ hỏi “Trung úy Nam tiểu đoàn Trâu Ðiên, không nhìn ra nhau sao?”. Y mím môi lắc đầu đáp “I am Philippino” rồi quầy quậy bước.

Y đi tới phía trước, ánh đèn lùi lại phía sau. Y bước, cái bóng y lừng lững vẫn đi trước. Cứ thế, y theo sau. Y chồm tới bắt lại bóng mình. Cái bóng thoăn thoắt chồm tới trước. Cuộc săn đuổi bắt đầu. Y ngừng lại. Cái bóng trêu y, cũng ngừng. Bất ngờ, y co cẳng nhảy, chắc vồ được bóng. Y thụp xuống quơ tay. Cái bóng y ùn lên thành một hũng đen không khác gì lỗ huyệt. Lúc ấy, y sống lại cái cảm giác nằm trong đống gạch ngói thành Quảng Trị. Y vùng dậy. Lỗ huyệt sâu thăm thẳm bị kéo đứng lên, dài ra, lặc lừ nghiêng ngả. Có lẽ nào cả nửa thế kỷ rồi mà y vẫn còn chụp hụt bóng mình. Y ngẩn ngơ nhìn. Cái bóng lại sừng sững gãy đổ từ thân xác y, cái thân xác thương tật cứ mãi còn loay hoay với phần hồn chưa hoàn lại sau những giấc mộng mị kinh hoàng của một thời phải quên đi. Quên rồi, việc còn lại, y biết. Y sẽ hòa mình với bóng, và đứng lên từ cái thân phận khốn khổ kia, mặt quay về phía mặt trời đón gió một mùa dẫu chậm chân nhưng vẫn một lòng giữ hẹn. Không, y không phải là kẻ đến từ Tai Pei. Không, I am not Philippino. Không, không, cứ dối trá như thế thì làm sao tìm lại được bóng mình, hở Nam? Quay nhìn về góc đường, y hoảng hốt cất tiếng gọi như điên như rồ “Sáu, Sáu ơi ! Tao đây...”.

Québec, 25-02-2000