Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 17 tháng 7, 2018

Cao Đông Khánh và Thơ

(Trích Nháp Về Thơ Hải Ngoại 1975-2025)

Ngu Yên

Bất kỳ một dòng thơ nào có căn cước chứng minh, có nét độc đáo để nhận diện, đều phải có tác phẩm nổi bật và tác giả phẩm hạng.

Cao Đông Khánh là một trong vài nhà thơ trong giai đoạn đầu tiên sau 1975, xứng đáng làm dấu ấn cho dòng thơ hải ngoại qua ba sắc diện: 1. chống chế độ cộng sản, 2. hoài hương và 3. hội nhập. Phần thơ mang tâm trạng hoài hương vượt trội hơn hết.

Bạn đọc thơ, có bao giờ tự hỏi:

- Thơ Cao Đông Khánh “hay” ở chỗ nào? Nói một cách kỹ thuật hơn, giá trị của thơ ông ở đâu?

- Vì sao tôi chọn Cao Đông Khánh làm nhà thơ mở đầu cho cuốn sách Nháp Về Thơ Hải Ngoại 1975-2025? Thay vì nhà thơ Cao Tần, hoặc những nhà thơ chống cộng kịch liệt trong thời điểm di tản - vượt biên như Hà Huyền Chi, hoặc nhà thơ sáng tác trường giang tình tự như Du Tử Lê…

Bởi thơ họ Cao nổi bật: 1. thuật ngữ lạ lẫm, 2. tứ thơ biến ảo, 3. thẩm mỹ bao gồm tính và nét Đông lẫn Tây, 4. thể hiện lịch sử, xã hội cố xứ và tha hương, 5. văn hóa chủ bàng bạc tự nhiên trong văn hóa khách. Trên hết, những điều vừa kể kết hợp với ý tưởng về nỗi “mơ hồ” đã tạo ra tầm vóc thơ của ông.

Dĩ nhiên, thơ Cao cũng có những giới hạn trong tư thế toàn cầu và những khiếm khuyết thông thường khi sáng tác do bản chất kế thừa di sản thi ca chưa được phân biệt, tìm hiểu trong môi trường văn chương đối sánh (Comparative Literature). Cho đến khi qua đời, di sản thơ của ông vẫn còn quanh quẩn trong chủ nghĩa dân tộc.

Ý Thức Về Sáng Tác: Cửa mở sẵn dành cho những người không biết tưởng tượng. (Derrek Landy)

“Tôi bắt ghế ngồi ngay cửa sống chết

người đến người đi khắc dấu lưu danh

thành vết xâm mình cực kỳ lập thể

một miếng da hùm để lại u linh”

(Một Quốc Gia Một Cuộc Đời)

Cao Đông Khánh ý thức về sáng tác một cách rõ ràng. Ông viết: “Đôi khi tôi làm thi sĩ, nhiều khi tôi không làm, bởi vì không ai khai giải nổi được bí mật của mọi người tưởng tượng một cách vừa ý.” (Lời Tỏ Tình với Người Đàn Bà Thoáng Gặp). Làm thơ không phải dễ, không phải lúc nào cũng có thể làm. Sự khó khăn là khai giải những bí mật của con người. Khác với một số lớn thi sĩ muốn khám phá bí mật của siêu nhiên, của huyền bí, ông khẳng định: Bí mật của mọi người và đặc biệt là bí mật tưởng tượng dẫn đến hai điều:

1. Ông thể hiện tinh thần hậu hiện đại không quan tâm đến thượng đế, mà chú trọng đến nhân sinh. Ông viết: “... hắn nhìn thấy, tự trong mơ hồ, hình ảnh của đức chúa Giê-su chịu tội cho loài người là hình ảnh của người gánh nước “nặng hơn vác thánh giá” (Thế Giới Tự Tình)

Đọc bài thơ “Bữa Tiệc Người”, bạn đọc sẽ nhận ra một dụ ngôn được tái dụng, biến dạng từ Kinh Thánh, “phạm pháp” đối với siêu bản (metanarrative, Lyotard) và mỉa mai chế độ cộng sản:

“Sách Tân Ước mở ra. Kẻ kia đến

ngọn đèn mặt trời trên đỉnh núi khô

thấy chưa? Điều bí mật

mở cửa bản năng

con người ăn thịt sống uống máu tươi

bữa tiệc ảo tưởng của thế kỷ 20

- ai hóa đá thành bánh mì thành cơm gạo?...”

Kinh Thánh và cộng sản trong bản chất lý tưởng là siêu bản, xây dựng niềm tin đồng phục, thiết lập quy luật áp dụng cho mọi người. Trong khi nghệ sĩ chân chính thường bứt thoát những ràng buộc, những nguyên tắc để khám phá và điềm chỉ những bí ẩn tàng trữ trong siêu bản. Đó là lý do tại sao Platon muốn đuổi hết thi sĩ ra khỏi thành phố của ông dù vinh danh họ bằng vòng hoa.

Đặt câu hỏi nghi vấn về những bí ẩn là vi phạm vào niềm tin siêu bản, là chống đối những quyền lực được tôn sùng, đồng nghĩa là Judas “kẻ phá hoại.” Người hoạt động chính trị, xã hội, thỉnh thoảng làm cách mạng. Nghệ sĩ liên tục thúc đẩy tinh thần cách mạng, không phải đi tìm quyền lực mới, mà đi tìm sự thật đang bị che giấu. Kế thừa dòng máu nghệ sĩ, Cao Đông Khánh nghi ngờ: “... cho tôi khóc bằng đôi mắt đá / người đàn bà cầm đuốc ở New York đã đốt cháy trái tim / khi người thi sĩ ra khỏi tòa đại sứ. / Judas, đã làm ám hiệu gì / cây trí tuệ tróc gốc / đá trong đầu tượng Thần Tự Do chảy nước mắt .. (Trái Tim Hà Nội.) (Dấu “/” ký hiệu sự xuống hàng).

Siêu bản không phải là điều sai lầm như nhiều lập luận theo phong trào hậu hiện đại. Siêu bản ví như một bộ luật, tự bản thân không có giá trị gì cho đến khi áp dụng vào những trường hợp phán xử tội phạm. Giá trị của siêu bản thể hiện trong từng tiểu bản (vi mô bản). Có tiểu bản tuân phục như Phê- rô, ngược lại là tiểu bản Judas. Nghệ sĩ đặt vấn đề nơi tiểu bản nhưng mỗi tiểu bản có khả năng kinh động đến gốc rễ của siêu bản. Phùng Quán vô tội khi thao thức về lời mẹ dạy con làm người chân chính, làm thi sĩ chân chính nhưng lời thơ đó động chạm đến những nhà thơ thiếu chân chính. Ngược lại những quy luật không chân chính, ông trở thành có tội.

Lập luận về tiểu bản theo hậu hiện đại cũng không hoàn toàn đúng vì tiểu bản chỉ thật sự có giá trị khi đối chiếu với siêu bản. Cả hai đều phải hiện diện để tạo ra giá trị như một người lượm được viên kim cương nhưng không thật sự biết giá trị của nó cho đến khi so sánh với viên kim cương tốt nhất trong bảo tàng hoặc tiêu chuẩn phẩm chất kim cương đúc kết từ lịch sử. Nhưng nếu nhà tôn giáo, chính trị gia, triết gia... nỗ lực thiết lập siêu bản và nghệ sĩ, dẫn đầu là thi sĩ, truy lùng, khám phá những tiểu bản trong suốt cuộc đời của họ, có thể xác nhận Cao Đông Khánh kế thừa bản tính thi sĩ.

dưới cây ngàn tuổi tôi nằm

những mùa rụng lá dao đâm kinh hoàng

mấy ngàn năm nữa lang thang

dưới cây ngàn tuổi tôi bàng hoàng đau.

(Tư tưởng)

2. Không thể nào khám phá tận cùng bí mật. Có bí mật nào mà không phát sinh từ hư cấu? Mọi bí mật đều bắt nguồn từ tưởng tượng. Bản chất của tưởng tượng là thay đổi. Làm sao có thể khám phá toàn diện? Vì vậy, làm thơ là hành trình vô tận. Mỗi thi sĩ chân chính chỉ đi được một khúc đường, khám phá một số điều, nói lên sự minh bạch một cách mơ hồ: “mai mốt, bây giờ làm sao biết được / tuổi trẻ, tình yêu, như trái đã rơi / cây đã cháy như cá đã nướng / cũng như em đã sống ở đời”. (Mẩu Đối Thoại Ở Hoa Thịnh Đốn.)

Nói minh bạch một cách mơ hồ, Cao Đông Khánh có lối nói riêng, mang chất giọng của kẻ giang hồ miền Nam. Bằng một sinh hoạt ẩn dụ, ông nói về làm thơ qua những hình ảnh hiện đại: “Nhiều khi tôi làm thơ như những giờ phút ái ân không chứng tỏ nỗ lực vậy mà hai đứa giống như khiêu vũ nhẹ nhàng xuyên qua khoảng hành lang bóng đêm đông đặc, xâm nhập vào khu vực Harlem nơi nhiều mộng mị nên nhiều thảm sát nhất Hoa Kỳ, tình cờ gặp một danh thủ bóng rổ hay một võ sĩ hạng nặng, một kịch sĩ, một danh ca... người nào đi đứng cũng nhún nhảy trong chiếc thuyền buồm màu đen no gió chờ đợi trăm năm vẫn chưa đến lúc khởi hành” (Lời Tỏ Tình với Người Đàn Bà Thoáng Gặp). Nói minh bạch một cách mơ hồ nhưng không phải vô nghĩa hoặc tầm thường, chẳng phải vô cớ mà Platon đã viết: “Thi sĩ thốt lên những điều lớn lao và uyên thâm mà bản thân họ cũng không hiểu.” Platon muốn nói đến kinh nghiệm sống và tư duy của người làm thơ, dằn vặt lâu ngày, âm ỉ trong tâm thức, một hôm xuất thần thể hiện ra văn tự. Sự tinh lọc của vô thức vượt qua giới hạn nhận thức. Cao Đông Khánh làm thơ như vậy và phát hành hai tập thơ. Tập thơ đáng kể là “Lửa Đốt Ngoài Giới Hạn”, thơ tuyển chọn từ 1976-1996. Và chúng ta đang theo dấu phần thơ Lửa Đốt.

Phong Độ: Thi sĩ, thực sự là kẻ trộm lửa

(Arthur Rimbaud)

Phong độ là nghệ thuật thông đạt của tác giả, bao gồm phong cách sử dụng thuật ngữ, xây dựng tứ thơ, trình bày điều muốn giải thích theo sở học và cá tính của một người. Tất cả gôm vào bốn chữ: sáng tạo cá nhân.

Sáng tạo không đáng tin. Tự nó là thứ gì vô hình. Một trừu tượng có thể bóp méo, bẻ cong, nhồi nắn thành thiên hình vạn trạng. Sáng tạo thơ chỉ có tác dụng khi nhập vào ngôn ngữ hoặc văn bản. Tôi sẽ tiếp xúc và giải thích văn bản “Lửa Đốt Ngoài Giới Hạn” qua một phần vay mượn từ Giải Cấu Trúc của Derrida: Truy lùng sự khác biệt (différance) và phần khác vay mượn từ Jacques Lacan (1977), thứ tự của kinh nghiệm xuất hiện qua ngôn ngữ: 1. biểu tượng hoặc ẩn dụ, 2. tưởng tượng, 3. thực tế. Nói ngược lại, vai trò thực tế được tưởng tượng hóa trong thơ Cao Đông Khánh chia sẻ những gì với chúng ta qua biểu tượng và ẩn dụ?

Đồng thời tìm đến những lời thơ Lửa Đốt. Lửa trong thơ của họ Cao, có thể hiểu qua hai quan điểm: 1. Lời thơ mang lửa từ lòng người đốt cháy tỏa ánh sáng. 2. Lửa thảm họa, lửa địa ngục, lửa thương tâm đốt cháy sôi sục bốc thơ ra lời. Nói theo diễn trình: Lửa bi kịch đời sống đốt thơ sôi sục bốc ra những lời thơ đầy lửa nóng và sáng.

“ đại thọ với núi lớn với hư vô phục kích

ta bước ra bản lĩnh cũng bình thường

biển đã định trong hồn nhược tiểu

chí lớn đâu còn hưng phế nổi thâm tâm...

ta với đời sống như một điều nhớ kiệt sức

mây trường thiên đâu cuốn nổi bao la

ta nỗ lực thực hiện những công cuộc xa vắng

con người với về khuya là chỗ ở của ban ngày”

(đêm xuống núi thăm người tình cũ.)

Ẩn dụ và biu tượng: Trước hết, thực tế trong thơ chỉ là hình ảnh tái lập phản ảnh hiện thực để “khai giải” điều tác giả muốn nói. “Tất cả những gì có thể nhìn thấy chỉ là đại biểu cho những gì không nhìn thấy.” (Seth Adam Smith, Rip Van Winkle). Thơ Cao chú trọng ẩn dụ, biểu tượng và phúng dụ, nhưng không tái dụng những loại ẩn dụ, biểu tượng tồn kho quen thuộc. Bằng tài năng riêng, ông đã tân thời hóa, sử dụng những chuyện bình thường xảy ra để ám thị một ý nghĩa khác. “Tôi khóc bạn bè không còn nước mắt / con cá dư thừa ướp muối phơi khô.” (Một Quốc Gia Một Cuộc Đời) Con cá đó là ai? Có phải cá chết, mắt vẫn mở mà khô? “Em hãy k tôi như trái cây lột vỏ / để quá đêm ngày hôi gió thịt xương tôi” (Uẩn Tình Kẻ Xa Xứ). Phong cách thông đạt từ cái đại diện (signifier) qua ý nghĩa khác của cái được đại diện (signified) là đường lối giải thích của cấu trúc luận, dẫn đầu là Saussure. Qua giải cấu trúc, không có cái đại diện và cái được đại diện, chỉ có cái đại biểu với nhiều ý nghĩa khác nhau trong mỗi văn bản. Như vậy, “Tôi khóc bạn bè đã quá nhiều, khóc thêm chỉ vô ích. Bản thân cảm thấy dư thừa, nhưng cá khô muối chờ đợi một cơ hội hữu ích.” Ông viết tiếp: “chưa hết một ngày tôi thành hoang đảo / gió đập trên đầu nước dưới dâng lên / tôi tưởng tôi chìm giữa hành quân khúc / tiếng nói con người như sóng bao quanh” (Một Quốc Gia Một Cuộc Đời)

Thuật ngữ và cú pháp: Cũng như nhiều nhà thơ kế thừa phong cách làm thơ trước năm 1975 ở miền nam, ông quan tâm đến thuật ngữ. Giá trị thơ đặt trên quan niệm “ngôn từ đắc địa” không còn là tiêu chuẩn cao giá. Tuy nhiên nỗ lực sử dụng ngôn từ “mới lạ”, âm sắc “kêu vang”, ý nghĩa “bàng bạc”, nhất là đọc lên nghe lãng mạn du dương, xuất hiện vào những năm đầu thập niên 1970, kéo dài và mang theo ra hải ngoại. Sự lạm dụng thuật ngữ đôi khi đưa đến sáo ngữ: Rùm beng mà không có trọng lượng. Tiến thêm một cấp nữa, sáo ngữ trở thành ngôn từ bí hiểm, không còn ai hiểu.

Cao Đông Khánh phối hợp thuật ngữ và văn phạm thơ, tạo ra những câu thơ biến hóa, rồi những khi xuất thần, câu thơ bay lên lộng lẫy: “gió nhiệt đới tươm mồ hôi mật / tiếng đạn xa bay thấu lâu đời / mưa óng ả từng sợi diệp lục / guốc sương mù son đỏ gót chân” (Lý Con Trăm Hương). Hoặc “người ta móc thân thể em lấy hạt minh châu / thân xác còn dư ướp trầm hương cho biển” (Tôn Nữ Lưu Vong). Hoặc “con mắt có chân trời phía trước / những chân trời con mắt tiếp theo / em tóc ngắn môi đường da mật / có chân trời con mắt kế bên anh” (Tháng 13). Trong “Lửa Đốt Ngoài Giới Hạn” có rất nhiều câu thơ như vài ví dụ trên. Và xen lẫn những câu thơ sáo ngữ: “sợi tóc chẻ hai gần đường xích đạo / vạt áo sau lưng khép hở Sài Gòn.” (Uẩn Tình Kẻ Xa Xứ). Hoặc “giữa sân rồng em đứng hình cây kiểng / mùa nhãn thơm như núm vú hồng / trẫm cởi hoàng bào trở thành dân dã / từ lãnh cung ai ngó xuống nghìn trùng” (Tôn Nữ Lưu Vong). Khi những câu thơ hoặc đoạn thơ chỉ làm cho bài thơ dài hơn mà không gia tăng hoặc độc đáo hóa ý nghĩa bài thơ, là những câu nên xóa bỏ.

Tứ thơ: Nhưng cơ sở của thơ không phải là câu, mà là tứ. Nét đặc sắc của tứ thơ Cao nằm nơi hình ảnh biến ảo. Sự linh hoạt giao hòa giữa những hình ảnh trong cách thế biến chuyển bất ngờ, tạo ra kinh ngạc, gây thú vị cho thưởng ngoạn. “Khuy áo cũ có thời gian chứng giám / sứt nút từng giai đoạn truân chuyên / con đò chở mỹ nhân đời trước / chở luôn người thất thế qua sông” (Tôn Nữ Lưu Vong.) Đã là mỹ nhân, nhất định sẽ bị sứt nút. Mỹ nhân bị bạc đãi, áo cũ khuy lờn. “Như một loài thủy sản không xương / con hải sư một hôm bình phục / lông lá điêu tàn còn chi để xưng vương” (Tôn Nữ Lưu Vong). Đôi khi, thoạt hiện một tứ thơ làm người đọc bỡ ngỡ, e rằng không mấy liên quan: “Một ngày không biết nói chuyện với ai / nhớ quê hương như nhớ vợ ngoại tình.” (Căn Cước Lưu Vong.) Vợ ngoại tình? can dự gì đến quê hương? Nghĩ lại, thật đúng. Vừa biểu hiện lại vừa biểu tượng. Ở quê nhà, trên đường lưu lạc, biết bao nhiêu người vợ lâm vào cảnh bị xâm phạm hoặc phải hiến dâng tiết hạnh. mặt khác, dưới chế độ cộng sản, quê hương như người đàn bà không thể thủ tiết chờ chồng.

Có thể nói, Cao Đông Khánh xây dựng tứ thơ linh hoạt, sôi nổi, bất ngờ, thú vị... từ vô thức. Chỉ vô thức mới có thể cho hình ảnh biến hóa không luận lý, không nguyên nhân. Tứ thơ đến tự nhiên, sắp xếp bên nhau cũng tự nhiên, hầu như đầy dẫy khắp trang sách, tạo ra lửa và lửa cháy ra ngoài trang sách:

“Còn sót lại ta như cây tróc vỏ / trăng trắng xanh mát ruột gỗ hồng đào / tinh sương cô độc trong chiều sâu xa lộ / chạy mù mê về chỗ đứng đêm qua” (Đêm xuống núi thăm người tình cũ)

“Rừng có tên nàng mặt trời lót chữ thị/ Ái có chữ tình mây có nồng cốt thịt xương/ Đầu môi ủy mị cầu kinh thiên phú / Thời đại mỹ nhân trên chót lưỡi lưu tình” (Con sư tử măng tơ)

“bầy kên kên đáp xuống đợi chờ bạo ngược / chờ tương lai khô hơi thở nồng nàn/ rỉa miếng thịt máu tươi còn nóng/ ăn miếng mồi hy vọng thê lương” (Xứ ái tình)

“Lưỡi dao phân tâm xẻ em ra thành nhiều mảnh, vài miếng mỹ miều trong tranh cảnh Picasso, có miếng thịt da, có miếng trái tim, có miếng lý trí... miếng điên, miếng khùng, miếng dại, miếng khôn... có miếng trung thành, có miếng phản bội... em sống nhọc nhằn rơi mất miếng lương tâm.” (Một đêm một đời từ một thế kỷ)

Rất nhiều những tứ thơ biến hóa, đôi lúc mê mê tỉnh tỉnh, đôi lúc đầu Sở mình Ngô, không lý luận mà hợp lý, không thể giải thích mà tự dưng cảm được ý nghĩa. Đây là khả năng cao nhất trong thơ của ông.

Tứ thơ linh hoạt kiểu này cũng xuất hiện trong lục bát, gần gũi thần sắc Bùi Giáng hơn vóc dáng Kiều. Mô tả ca sĩ da đen hát nhạc Jazz, ông viết: “Em như con rắn trườn vào / đèn xanh ngọn lá trăng trào mộng ra / đêm mun nhạc rợn màu da / giọng cao mất tích giọng xa nỗi gần / ...” (Jazz). Tặng Khánh Trường, nhà văn đương thời nhiêu khê tình ái, ông viết: “tại anh đội lớp người ta / cửa không mưa gió vào ra lộng hành / thẹn thùng em đỏ em xanh / dạ thưa từ đó cũng đành vậy thôi.” (Căn Cước Lưu Vong). Theo tôi, lục bát không phải là thể thơ có thể cưu mang tài năng của ông, cũng không phải các thể thơ 5 chữ, 7 chữ, 8 chữ, hoặc thơ tự do, mà chính là thể thơ xuôi.

Thể thơ: Vào thế kỷ 17, ở Nhật Bản, nhà thơ hài cú Ba-sô (Matsuo Basho) là người đầu tiên tạo ra thể thơ xuôi, bằng cách phối hợp văn xuôi với thơ hài cú, sử dụng trong một chuyến du hành lên miền bắc, ghi lại trong tác phẩm Oku no Hosomichi (Con đường mòn xuyên sâu nội địa). Nobuyuki Yuasa dịch sang Anh ngữ: The Narrow Road to the Deep North. Chắc ông cũng không thể ngờ, thể thơ này được sử dụng rộng rãi trên thế giới trong suốt thế kỷ 20.

Vào thời đoạn di tản và vượt biên, hầu hết các nhà thơ hải ngoại sáng tác bằng những thể thơ quen thuộc. Cao Đông Khánh đã dấn thân thử nghiệm thể thơ xuôi và thành tựu. Mãi đến giờ (2017) vẫn chưa thấy nhà thơ hải ngoại nào có lượng và phẩm thơ xuôi vượt qua ông.

“bầy ngựa trên linh địa” là một trong những bài thơ xuôi, bày tỏ nội lực và cá tính của Cao Đông Khánh. Hình ảnh con ngựa, một loài thú tiền thân của rồng, một đại biểu anh hùng trận mạc, một cá tính trung thành, một giang hồ vó câu trên núi đồi, đồng bằng, sa mạc. Bầy ngựa mà ông để thơ cưỡi đi từ ca dao “đưa nàng về dinh” cho đến con ngựa của Phù Đổng Thiên Vương phun lửa dẹp giặc, thoắt từ trời Đông sang trời Tây, nhập vào con ngựa thành Troy. “Một ngày anh nghĩ đến câu thơ thấp thoáng núi biển, trời đất và tình yêu rộng đến vô chừng trong cô đơn hèn mọn một góc tịch liêu, nghĩ đến con ngựa màu sương mù chở tuổi tác qua những thế kỷ tâm lý mà ngôn từ dùng để tuyên truyền cổ võ cho cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn giữa loài người với nhau.” [...] Bạn đọc có nhìn ra con ngựa màu sương mù chở tuổi tác phóng qua cõi phù du. Ông nhắn nhủ, sao không bay nhảy với đất trời tình yêu vô hạn mà mải mê tàn sát anh em?

“Ngựa ô anh thắng kiệu vàng, anh tra khớp bạc, anh phi nước đại, lục lạc đồng đen, búp sen ngó dậm, dây cương nhuộm thắm, cán roi anh bịt đồng xòa, anh đưa nàng đi dự đại hội anh hùng, ở đó, những chàng hoàng tử ước mơ của gái dậy thì đi quyền múa kiếm, phi hành trên đầu cây ngọn cỏ, thấy, con vượn bồng con lên non hái trái, mà, cảm thương nàng phận gái còn son.” [...] Bạn đọc có trượt theo trầm bổng của tứ thơ bất chợt từ con ngựa thanh xuân biến qua con vượn thương cảm, từ hân hoan đưa nàng dự đại hội tình ái anh hùng bỗng chốc vì đâu nên thương xót phận gái không chồng?

“Anh bắt ngựa không gian, thắng xe song mã, mời bạn bè lên chơi trên ngôi nhà ngoài vô tận, nói chuyện đông tây, uống rượu đọc thơ... Trên bàn cơm có khô lân chả phụng, anh lấy mặt trăng làm chiếc dĩa đựng rau sống, mỗi sắc rau ngạt ngào hương vị một tín ngưỡng, mà, tội nghiệp cho em mọi bữa riêng mâm, mà, nước mắt lưng tròng.” Bạn đọc có nghe tiếng “mà” đệm đều đều như một bài ca hoặc một hơi thơ chưa muốn chấm dứt? Thi sĩ bỗng dưng thốt lên những tứ thơ kỳ dị, không phải siêu thực, không phải hóa ảo, không phải khoa học viễn tưởng, mà chỉ kỳ lạ đủ để thấy sự khác biệt giữa ước mơ hư cấu và hiện thực trên mâm ăn nước mắt rưng rưng.

Thơ có đủ trí tuệ và cảm xúc sẽ như ngọn lửa phừng lên theo gió. Sở học qua tư duy sinh kinh nghiệm. Hứng khởi đưa cảm nhận đến giây phút xuất thần. Khi trí tuệ và cảm xúc thành một, thơ đầy trọng lượng mà bay cao nhẹ nhàng. Arthur Rimbaud viết: “Thi sĩ thực sự là kẻ trộm lửa. Chịu trách nhiệm đối với nhân loại, thậm chí đối với thú vật. Thi sĩ phải bảo đảm tầm nhìn có thđược cảm nhận, yêu thích, lắng nghe. Nếu những gì mang đến ngoài hình thể, hãy cho chúng hình thể. Nếu không có, cứ để không có. Một loại ngôn ngữ phải được tìm thấy... của linh hồn, cho linh hồn; bao gồm tất cả: hương vị, thanh sắc, ý nghĩ vật lộn với ý nghĩ.” Thơ họ Cao có ngôn ngữ riêng, có hương vị, có thanh sắc. Bạn đọc có tìm thấy “ý tưởng vật lộn với ý tưởng” trong thơ Cao Đông Khánh?

Ghi:

Vì chưa đầy đủ tài liệu, tôi tạm gọi cuốn sách đang viết: Nháp Về Thơ Hải Ngoại, dự định sẽ xuất bản sau năm 2025, tức là 50 năm thơ hải ngoại, lúc đó có thể có tựa sách khác phù hợp với nội dung và tài liệu sử dụng.

(Còn tiếp kỳ 2: Lửa Đốt Ngoài Giới Hạn)