Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 16 tháng 7, 2018

Phải sống (kỳ 3)

Tiểu thuyết của Dư Hoa (Trung Quốc)

Dịch giả: Nguyễn Nguyên Bình

PHẦN 1 (tiếp theo)

Sau khi Gia Trân ra đi, mẹ tôi thường ngồi một chỗ, âm thầm lau nước mắt, tôi vốn đã muốn tìm lời để an ủi bà đôi chút, nhưng hễ nhìn thấy bộ dạng bà như vậy, tôi lại không thể mở mồm nói được câu nào. Trái lại, bà thường nói với tôi:

- Gia Trân là người đàn bà của con, không phải là của người ta, chẳng ai cướp được của con đâu.

Tôi nghe câu nói đó, chỉ còn biết ngấm ngầm vuốt bụng thở dài một tiêng, tôi còn biết nói làm sao nữa? Cả gia đình đang yên đang lành, bỗng đâu chia năm xẻ bảy, tan tành ra như ngói vụn. Tối đến, tôi nằm trên giường, chẳng mấy khi ngủ được, lúc thì bực với người này, lúc thì oán trách người kia, rồi kết cục nghĩ ra: kẻ đáng trách nhất lại chính là bản thân mình. Đêm nằm nghĩ ngợi quá nhiều, ban ngày đâm ra ra đau đầu, chẳng còn thiết làm gì nữa, cũng may còn có Phượng Hà, nó thường kéo tay tôi mà hỏi:

- Cha ơi, một cái bàn có bốn góc, cắt đi một góc thì còn mấy góc?

Chẳng biết Phượng Hà nghe được ở đâu câu đó, tôi trả lời nó rằng còn ba góc, thế là Phượng Hà sướng quá cười khanh khách lên, nó bảo:

- Sai rồi, còn những năm góc cơ nhá.

Nghe Phượng Hà nói, tôi muôn cười mà cười không nổi, nghĩ đến trong nhà vốn có bốn người, Gia Trân đi rồi thì cũng như cắt mất một góc bàn, thế mà trong bụng Gia Trân lại đang có một đứa con, tôi liền nói với Phượng Hà:

- Đợi khi nào mẹ trở về, thì sẽ có năm góc đấy.

Những đồ đạc có giá trị trong nhà đã bán hết, sau đó mẹ thường phải dắt Phượng Hà đi hái rau dại, đào rau má, mẹ tôi cắp làn, đi dẹo dọ, còn chậm hơn cả Phượng Hà. Tóc mẹ tôi đã bạc hết cả rồi mà lại còn phải tập làm những việc nặng nhọc, từ tấm bé bà chưa bao giờ phải làm; nhìn mẹ tôi nắm tay Phượng Hà dọ dẫm từng bưóc thế kia, nước mắt tôi không cầm được nữa.

Tôi nghĩ, không thể sống mãi kiểu như thế, tôi phải nuôi sống mẹ tôi và Phượng Hà. Tôi liền bàn với mẹ, lên trên thành đi mướn ít tiền bạn bè thân thiết để mở cái quán con con, mẹ tôi ngồi nghe chẳng nói chẳng rằng gì cả, bà không nỡ rời nơi này, người ta khi già cả đều như vậy đấy, chỉ muốn ở đâu ở đấy, chẳng muốn đi đâu. Tôi liền nói với bà:

- Nay thì cả nhà lẫn ruộng đều là của Long Nhị mất rồi, ở đây với ở kia có khác gì nhau đâu?

Mẹ tôi nghe nói vậy, lặng đi một hồi mới nói:

- Phần mộ của cha con hãy còn ở đây.

Chỉ câu nói đó của bà, đủ khiến tôi không dám bàn tới bàn lui gì nữa, nghĩ đi nghĩ lại đành phải đi tìm Long Nhị.

Long Nhị trở thành chủ đất ở đây, thường mặc áo dài lụa, tay phải cầm ấm trà, đi đi lại lại trên đất ruộng của mình, rất là ra dáng. Cái miệng có bịt hai chiếc răng vàng to tướng lúc nào cũng nhách ra mà cười, cả khi mắng mỏ những người tá điền không vừa mắt, ông ta cũng nhách môi ra, lúc đầu tôi còn tưởng đó là ông ta niềm nở với mọi người, sau dần dần mới biết ông ta chỉ muốn khoe răng vàng.

Long Nhị cư xử với tôi cũng còn tỏ vẻ khá lịch sự, thường cười hề hề với tôi:

- Phú Quí, lại nhà tôi uống ngụm nước đi.

Tôi chẳng đến nhà Long Nhị bao giờ, sợ không chịu nổi đau lòng; từ khi mới lọt lòng, tôi đã ở trong ngôi nhà đó, mà nay nó đã trở thành nhà của Long Nhị, anh nghĩ xem, lòng tôi lúc đó chua xót thế nào.

Kỳ thực, đã lụi bại tới mức đó, người ta cũng chẳng còn nghĩ ngợi lôi thôi đên thế mấy khi, tôi thì đã gọi là, đúng như trong câu cổ nhân nói, thuộc loại “nhân cùng chí đoản” rồi mà. Hôm đó, khi tôi đi tìm Long Nhị, ông ta đang ngồi trên chiếc “kỷ thái sư” ở phòng khách của nhà tôi, hai chân gác lên chiếc ghế nhỏ, tay cầm ấm nước, tay cầm quạt, vừa nhìn thấy tôi bước vào, Long Nhị đã nhách mồm ra cười:

- Phú Quí đấy à, tìm lấy ghế mà ngồi đi.

Ông ta ngả người nằm ườn trên tràng kỷ, tôi cũng chẳng mong chi ông ta rót cho chén nước mà uống nữa. Tôi ngồi xuống xong, Long Nhị nói:

- Phú Quí, anh đến tìm tôi để vay tiền chăng?

Tôi còn chưa kịp nói không phải, ông ta đã nói tiếp:

- Lẽ ra thì tôi cũng nên cho anh vay mấy đồng bạc, tục ngữ nói “Giúp người lúc khó, chẳng ai giúp cứu khỏi được nghèo”, như tôi ấy à, chắc cũng chỉ giúp cơn khó khăn nguy cấp của anh thôi, không cứu được cái nghèo đâu.

Tôi gật đầu nói:

- Tôi muốn thuê mấy mẫu ruộng.

Long Nhị nghe nói liền cười, lim dim mắt lại:

- Anh cần mấy mẫu?

Tôi nói:

- Năm mẫu.

- Năm mẫu? - Lông mày Long Nhị nhướng cao, hỏi - Sức vóc anh thế này chịu được không?

- Cố gắng tập dần thì được - Tôi nói.

Ông ta nghĩ ngợi một lát rồi nói:

- Chúng ta là những người quen biết cũ, tôi đưa anh năm mẫu ruộng tốt.

Long Nhị hãy còn một chút tử tế, ông ta đã cho tôi thuê năm mẫu ruộng tốt thật. Mình tôi làm năm mẫu ruộng, mệt tưởng chết được. Tôi chưa làm ruộng bao giờ, cứ nhìn những người trong làng mà làm theo, làm chậm lắm. Khi trời mới tưng tửng sáng, nhìn rõ đường đi là tôi đã ra đồng, ban đêm hễ có tí trăng sáng, là tôi cũng ra đồng làm lụng. Mùa màng phải làm kịp với thời vụ, lỡ đi ít ngày là hỏng ăn hết cả, khi đó chưa nói đến việc nuôi mấy miệng ăn, mà đến tô thuế nộp trả Long Nhị cũng không trả đủ nữa là. Tục ngữ có câu “chim chậm phải bay trước”, tôi thì chim chậm phải bay nhiều kia.

Mẹ tôi thương tôi lắm, cũng theo ra đồng làm việc với tôi, bà đã một đống tuổi rồi, chân lại bị bó khó đi, lưng thì cứ cúi xuống một lúc là không thẳng lên được nữa, cứ phải ngồi xệp xuống ruộng mà làm. Tôi bảo với bà:

- Mẹ ơi, mẹ đi về cho rồi, đi.

Mẹ tôi lắc lắc đầu, nói:

- Bốn cái tay thể nào cũng khoẻ hơn hai cái tay mà.

Tôi nói:

- Chẳng may mệt quá, mẹ ngã bệnh, lúc đó một tay cũng chẳng còn làm được, mà con lại phải ở nhà chăm mẹ nữa thì sao?

Mẹ tôi nghe nói vậy, mới từ từ bước lên bờ ruộng, ngồi đó cùng với Phượng Hà. Ngày nào con bé cũng ra bờ ruộng với tôi, xem tôi làm, nó hái rất nhiều hoa dại, cứ từng bông một giơ lên hỏi tôi là hoa gì, tôi nào có biết đó là hoa gì, liền nói:

- Con hỏi bà nội ấy.

Mẹ tôi ngồi ở đầu bờ, khi nào thấy tôi cầm cuốc cũng cứ nói:

- Con khéo kẻo bập vào chân, con nhá.

Tôi dùng đến liềm, bà càng lo hơn, luôn miệng nói:

- Phú Quí, đừng có cắt phải tay đấy.

Mẹ tôi có nhắc nhở cũng bằng thừa thôi, công việc quá nhiều tôi phải làm cố cho nhanh, đã làm thì chẳng tránh khỏi sứt chân đứt tay. Tay chân mà hơi sứt xát một tí là mẹ tôi xót đến đứt ruột, tậm tạch đôi chân bó, chạy đên chỗ tôi, vo một hòn đất ướt, bịt vào chỗ chảy máu, miệng thì xuýt xoa ca cẩm mãi không thôi. Tôi chẳng nói đi nói lại câu nào, nếu không thì mẹ lại chảy nước mắt nữa, cho xem.

Mẹ tôi thường nói, đất ở ruộng là lành nhất, không chỉ là cho cây cối mùa màng, mà còn chữa được bệnh. Bao nhiêu năm đã qua, trên mình tôi, chỗ nào sứt da chảy máu, là lại vê một hòn đất dẻo đắp vào. Mẹ tôi nói rất đúng, đừng coi khinh coi rẻ. bùn đất kia nhé, nó trị được bách bệnh đấy.

Con người ta, nếu mà cả ngày đã làm việc hết cả hơi, thì sẽ chẳng còn sức đâu mà nghĩ ngợi lung tung nữa. Sau khi thuê ruộng của Long Nhị, tôi cứ ngả lưng xuống giường là ngáy pho pho luôn, chẳng còn kịp nghĩ cái gì nữa cả. Nói đúng ra thì có sống nhũng ngày vừa khổ sở vừa vất vả thế này, tôi mới suy nghĩ được chín chắn một chút. Tôi nghĩ, như lúc này, cũng coi như họ Từ nhà tôi đã có được một con gà nhép rồi, cứ tiếp tục cố gắng làm lụng thế này thì chỉ mấy năm nữa là con gà nhép này sẽ biến thành ngỗng, họ Từ sẽ có ngày lại phất lên được.

Từ đó trở đi, tôi không bao giờ mặc áo lụa nữa, áo vải thô của tôi là do mẹ tôi dệt lấy vải, cắt may bằng tay, hồi mới mặc lên cứ cảm thấy ngượng nghịu mất tự nhiên, da thịt bị cọ xát cứ ngứa ngáy thế nào ấy. Nhưng lâu dần rồi cũng quen, không thấy khó chịu nữa. Trước đó ít lâu, Vương Hỉ người cùng làng đã chết, Vương Hỉ vốn là tá điền của nhà tôi, nhiều hơn tôi hai tuổi. Trước khi chết, anh ta có dặn lại con cái đem biếu tôi chiếc áo lụa cũ của mình, anh ta vẫn còn nhớ trước đây tôi là công tử, muốn cho tôi khi nào chết thì được mặc áo lụa cho nó đỡ tủi thân. Còn như tôi thì, thật không xứng với tấm lòng tốt của Vương Hỉ; với lại, vừa mặc vào người chiếc áo lụa cũ đó, tôi liền phải vội cởi ra ngay, sao mà nó khó chịu thế, cứ nhũn nhèo, ươn ướt, dính vào thân mình như nước mũi ấy.

Cứ vậy khoảng chừng ba tháng gì đó thì Trường Căn tới, đó là người ở của nhà tôi khi trước. Hôm đó, tôi đang lọ mọ trên cánh đồng, mẹ tôi và Phượng Hà ngồi ở đầu bờ, Trường Căn chống một khúc cây khô, áo quần rách rưới, vai đeo bị, đi tới, trên tay còn có cả một chiếc bát mẻ nữa, ông lão đã trở thành một lão ăn mày thực sự rồi. Chính Phượng Hà lại nhìn ra ông lão trước tiên, nó đứng bật dậy gọi to:

- Trường Căn, Trường Căn.

Mẹ tôi vừa nhìn thấy Trường Căn mà mình đã nuôi từ nhỏ đến lớn, cũng vội ra đón. Trường Căn rớt nước mắt nói:

- Thưa cụ, con nhớ công tử và Phượng Hà, mới lại thăm đây.

Trường Căn bước xuống ruộng, nhìn thấy tôi mặc áo vải thô, đất cát dính đầy người thì hu hu khóc, nói:

- Công tử, sao cậu lại ra thế này rồi.

Sau khi tôi thua sạch cả gia sản thì người khổ nhất là Trường Căn. Trường Căn làm việc cả đời cho nhà tôi, nói đúng ra thì nhà tôi phải “sống nuôi chết chôn”. Nhưng nhà tôi lại đến chỗ lụi bại thê kia, ông lão đành phải ra đi, bơ vơ xin miếng ăn qua ngày.

Nhìn bộ dạng Trường Căn lúc đó, tôi thực đau lòng xót ruột, khi tôi còn nhỏ, lão suốt ngày cõng tôi đi rong khắp nơi, khi lớn lên, tôi chưa bao giờ coi ông lão ra gì hết cả, ai ngờ lão lại còn nghĩ đến mà lại thăm chúng tôi. Tôi hỏi lão:

- Bác vẫn khỏe chứ?

Trường Căn dụi dụi mắt nói:

- Cũng còn được ạ.

Tôi hỏi:

- Bác chưa tìm được chỗ người ta mướn bác à? Trường Căn lắc lắc cái đầu nói:

- Già mõ ra rồi, ai còn muốn mướn nữa.

Nghe câu nói ấy, tôi suýt rớt nước mắt. Trái lại Trường Căn không cảm thấy mình là khổ, ông lão lại khóc thương cho tôi, bảo:

- Công tử ơi, cậu làm sao mà chịu đươc khổ thế này?

Tối hôm đó, Trường Căn ngủ lại trong lều nhà tôi. Tôi bàn với mẹ định giữ ông lão ở lại với nhà mình, như vậy thì sẽ phải chịu khổ chịu cực hơn. Tôi nói với mẹ:

- Khổ mấy cũng phải giữ bác ấy ở lại, nhà ta mỗi người nhịn đi vài miếng cơm thì cũng đủ nuôi miệng bác ấy.

Mẹ tôi gật gật đầu nói:

- Trường Căn đến là tốt bụng. Sáng sớm hôm sau, tôi nói với Trường Căn.

- Trường Căn, bác đã về đây là tốt rồi, tôi đang thiếu một người đỡ tay, từ rày bác hãy ở lại đây đi.

Trường Căn nghe xong nhìn tôi mà cười, cười mãi đến chảy cả nước mắt, ông lão nói:

- Cậu ơi, tôi chẳng còn sức để làm đỡ cậu được đâu, được chút lòng này của cậu là mừng rồi.

Nói rồi Trường Căn định đi ngay, tôi nói với mẹ khăng khăng giữ lại, Trường Căn bảo:

- Hai người đừng ngăn tôi nữa, rồi thế nào tôi cũng trở lại thăm nữa.

Sau khi ra đi lần đó, Trường Căn còn trở lại một lần nữa; lần đó, ông lão còn đem cho Phượng Hà một sợi dây đỏ buộc tóc. Đó là lão nhặt được đấy, lão giặt sạch rồi, cất trong ngực áo, dành để tặng cho Phượng Hà. Sau lần đó, tôi không còn gặp lại được ông lão nữa.

Tôi đã thuê ruộng của Long Nhị, tất nhiên trở thành tá điền của ông ta, tất nhiên không thể gọi ông ta là Long Nhị như trước nữa, phải gọi là “Lão gia”. Đầu tiên nghe tôi gọi như vậy, Long Nhị cứ xua tay nói:

- Phú Quí, như anh với tôi thì việc gì phải giữ kẽ quá thế.

Thời gian hơi lâu một tí là quen ngay thôi, khi tôi làm ngoài đồng, ông ta thường tới nói vài câu. Có lần tôi đang gặt lúa, Phượng Hà đi theo sau để mót những bông sót, Long Nhị lắc la lắc lư đi tới, nói với tôi:

Phú Quí ạ, tôi dứt hẳn rồi, từ nay không bao giờ đánh bạc nữa. Cờ bạc là bác thằng bần mà tôi giờ đang gặp vận, phải dứt ngay đi mới được, kẻo rồi lại gặp bước lụn bại như anh thì khốn.

Tôi cứ khom lưng trước mặt Long Nhị cung kính nói:

- Đúng thế, thưa lão gia.

Long Nhị chỉ chỉ Phượng Hà, hỏi rằng:

- Đây là nhóc nhà anh đây à?

Tôi lại khom lưng, nói một tiếng:

- Vâng, thưa lão gia.

Tôi thấy Phượng Hà đang đứng ở kia, trong tay nắm mấy bông lúa, cứ thế trố mắt ra nhìn Long Nhị, liền vội vã bảo nó:

- Phượng Hà, lạy lão gia đi, nhanh lên nào.

Phượng Hà liền bắt chước tôi, khom lưng xuống trước mặt Long Nhị, cất tiếng:

- Vâng, thưa Long lão gia.

Tôi cứ hay nhớ đến Gia Trân, lại còn đứa con trong bụng cô ấy nữa chứ. Gia Trân đi được hơn hai tháng thì nhờ người nhắn về, nói cô ấy đã đẻ rồi, đẻ được một đứa con trai, ông bố vợ tôi đặt tên cho là Hữu Khánh. Mẹ tôi ngập ngừng khẽ hỏi người đưa tin:

- Hữu Khánh họ gì vậy?

Người kia nói:

- Họ Từ chứ họ gì nữa.

Lúc đó tôi đang ở ngoài ruộng, mẹ tôi dặt dẹo đôi chân hớt hải chạy ra nói lại với tôi, chưa nói xong đã đưa tay chùi nước mắt. Tôi vừa nghe nói Gia Trân đã sinh con trai cho mình thì vứt ngay cuốc định chạy vào thành. Chạy được độ mươi bước thì lại không dám chạy nữa. Nghĩ thân mình thế này mà đi thăm mẹ con Gia Trân, sợ rằng ông bố vợ lại không cho bước qua ngạch cửa ấy chứ. Vì vậy tôi bảo mẹ:

- Mẹ ơi, mẹ nhanh nhanh thu xếp đi, đi thăm mẹ con Gia Trân với.

Mẹ tôi cũng nói đi nói lại mãi là sẽ vào thành để thăm cháu nội, nhưng rồi mấy hôm sau bà cũng chẳng bước được bước nào, tôi cũng không tiện giục nữa. Theo tập tục ở chỗ chúng tôi, Gia Trân bị nhà cha mẹ đẻ bắt về nhà thì cũng phải để bên ấy tự đưa sang nhà chồng. Mẹ tôi bảo tôi:

- Hữu Khánh đã lấy họ Từ thì Gia Trân cũng sẽ được về ngay thôi mà.

Bà lại bảo:

- Gia Trân nay người còn yếu, hãy cứ ở lại trên thành mà tẩm bổ ít lâu nữa cũng tốt.

Gia Trân về khi Hữu Khánh được nửa năm. Khi về cô ấy đã không ngồi kiệu, cô ấy địu Hữu Khánh đằng sau lưng, đi hơn mười dặm đường để về nhà. Hữu Khánh nhắm tịt mắt, đầu dựa vào lưng mẹ, cứ lắc lư lắc lư như vậy mà về với cha nó.

Gia Trân mặc chiếc áo dài màu đỏ thắm, tay khoác chiếc tay nải bằng vải màu lam có hoa trắng, tươi đẹp như hoa mà trở về. Hoa cải dầu hai bên đường nở vàng rười rượi, ong mật vu vu bay lượn khắp đồng. Gia Trân đi đến cửa túp lều tranh nhà tôi thì dừng lại một lát rồi quả quyết bước vào đứng ngay cạnh cửa mà cười tủm tỉm ngó mẹ tôi.

Mẹ tôi đang ngồi đan giày cỏ, bà ngẩng đầu lên thì nhìn thấy một người đàn bà xinh đẹp đang đứng ở cửa nhà, người cô che mất ánh sáng ở ngoài rọi vào nhưng chính cô lại đang toả sáng, lóng la lóng lánh cả cái nhà lên. Mẹ tôi còn chưa nhận ra là Gia Trân, cũng chưa nhìn thấy Hữu Khánh đằng sau lưng Gia Trân. Mẹ tôi hỏi cô ấy:

- Tiểu thư nhà ai đấy, cô hỏi ai vậy?

Gia Trân nghe vậy thì khanh khách cười lên, mới nói:

- Con đây, con là Gia Trân đây.

Lúc đó, tôi với Phượng Hà đang ở ngoài đồng. Phượng Hà ngồi bờ ruộng đếm từng việc của tôi làm được, tôi nghe có tiếng gọi mình, hình như tiếng mẹ tôi, mà hình như lại không phải. Tôi hỏi Phượng Hà:

- Ai gọi đấy nhỉ?

Phượng Hà quay sang ngó ngó rồi nói:

- Bà nội đấy.

Tôi đứng thẳng người lên, nhìn thấy mẹ tôi đứng ở cửa nhà đang gò lưng rán sức ra gọi tên, Gia Trân mặc áo đỏ tươi đứng bên cạnh đó. Phượng Hà vừa nhìn thấy mẹ nó, liền tung chân chạy về nhà. Tôi cứ đứng đờ ra giữa ruộng, nhìn mãi bộ dạng mẹ tôi khòm lưng mà gọi, bà gắng sức quá đi mất, hai tay chống vào đùi, sợ nhỡ lại ngã chúi người xuống. Phượng Hà chạy quá nhanh, cứ lao đao, lao đao, mãi rồi cũng ôm chầm được vào chân của Gia Trân. Gia Trân đang ôm Hữu Khánh, liền quì xuông ôm cả Phượng Hà vào lòng. Lúc này tôi mới đi lên đầu bờ ruộng, mẹ tôi vẫn còn gọi mãi chưa thôi. Càng đi đến gần bọn họ, đầu óc tôi càng muốn ù đặc hẳn đi. Tôi cứ thẳng tới trước mắt Gia Trân, rồi cười cười. Gia Trân đứng dậy, mắt cứ đăm đăm nhìn tôi. Bộ dạng tôi lúc đó trông đã ra kẻ nghèo khốn đến nỗi đã khiến Gia Trân phải cúi đầu mà sụt sịt.

Mẹ tôi thì khóc hu hu lên ở bên cạnh đó bà bảo tôi:

- Mẹ đã bảo mà, Gia Trân là đàn bà của con, người khác có muốn cướp cũng chẳng được.

Gia Trân đã trở về, thế là cả nhà lại đoàn tụ. Tôi làm ruộng cũng đã có người đỡ chân đỡ tay. Tôi bắt đầu biết thương đàn bà nhà mình rồi, điều này chính tôi cũng không tự biết mà là Gia Trân nói ra đấy. Tôi thường bảo với Gia Trân:

- Nhà hãy lại bờ ruộng nghỉ uống nước đi.

Gia Trân là tiểu thư sinh ra ở phố, da thịt mỏng manh non bấy, nhìn cô ấy làm việc nặng, tôi tự thấy xót xa lắm. Gia Trân nghe tôi giục đi nghỉ uống nước thì cười lên sung sướng, cô ấy lại bảo:

- Em chẳng mệt đâu.

Mẹ tôi thường bảo, người ta chỉ cần được vui vẻ, là chả sợ gì cái nghèo. Gia Trân đã cởi bỏ áo dài lụa mặc áo vải thô giống như tôi, cô ấy làm lụng suốt ngày mệt đến đứt cả hơi, thế mà vẫn cứ cười chúm chím được. Phượng Hà là một đứa bé ngoan, chúng tôi chuyển từ nhà gạch mái ngói tới ở nhà tranh vách đất, nó vẫn vui vẻ như thường, ăn gạo xấu, thức ăn chỉ có mắm muối rau dưa, nó cũng chẳng trễ miệng ra. Sau khi em trai trở về, nó càng vui vẻ, không ra ruộng ngồi với tôi nữa, chỉ một lòng muốn được bế em. Hữu Khánh khổ thật, chị nó ít ra cũng còn được bốn năm năm trời sung sướng, chứ Hữu Khánh mới ở trên thành phố được có nửa năm đã về ở với tôi để mà chịu khổ rồi, tôi cảm thấy mình có lỗi nhất là đối với đứa con trai này đây.

Ngày tháng cứ vậy trôi qua được một năm thì mẹ tôi đổ bệnh. Mới đầu chỉ là hoa mắt chóng mặt, mẹ tôi bảo nhìn chúng tôi chỉ thấy lờ mờ thôi. Tôi cũng không để ý lắm, nghĩ chắc là bà già rồi, tự nhiên là mắt phải kém đi. Sau đó, một hôm, mẹ tôi đang thổi cơm thì tự nhiên ngoẹo hẳn cổ, ngã vào vách bếp ngủ biến ngay đi. Khi tôi và Gia Trân ở ngoài đồng trở về, mẹ tôi vẫn dựa vách như vậy. Gia Trân gọi bà, bà không trả lời, đưa tay lay người thì bà lại trượt theo vách, mà ngã xuống đất. Gia Trân sợ quá gọi tôi, tôi bước vào bếp thì mẹ tôi đã hơi tinh tỉnh ra, mở mắt trừng trừng nhìn chúng tôi một hồi. Chúng tôi hỏi gì bà cũng chẳng trả lời gì cả, mãi một lúc sau, bà ngửi thấy mùi nước cơm cháy, biết rằng nồi cơm đã bị trào ra ngoài, mới mở miệng nói:

- Chao ôi, sao tôi lại ngủ đi mất thế nhỉ?

Mẹ tôi cuống lên định đứng dậy, bà mới hơi nhắc mình lên thì chân đã nhũn nhùn ra, cả người lại ngã chúi xuông đất. Tôi vội bế mẹ tôi lên giường, bà cứ lẩm bẩm nói mình tự nhiên ngủ mất, bà sợ chúng tôi không tin. Gia Trân kéo tôi ra một chỗ nói:

- Anh đi mời ông lang đi.

Mời ông lang thì phải có tiền, tôi đứng đực người ra đó. Gia Trân lôi từ đáy cái đệm cỏ ra hai đồng bạc trắng bọc trong khăn tay. Nhìn hai đồng bạc, tôi thấy đau xót trong lòng, hẳn đó là của Gia Trân đem từ trên tỉnh về, chỉ còn lại hai đồng này thôi. Nhưng mà sức khoẻ của mẹ làm tôi phải lo ngại, tôi đành phải cầm lấy bạc vậy. Gia Trân cầm chiêc khăn tay, gấp thật vuông vắn, lại nhét xuống dưới đáy chiếc đệm, rồi lấy cho tôi bộ quần áo sạch bảo tôi thay vào. Tôi nói với Gia Trân:

- Tôi đi đây.

Gia Trân chẳng nói gì thêm, đi theo tôi ra đến cửa, tôi bước đi mấy bước, ngoái lại nhìn nhìn cô ấy Gia Trân quay đi búi lại tóc rồi quay lại gật gật đầu. Từ khi Gia Trân trở về, đây là lần đầu tiên tôi rời xa cô ấy. Tôi mặc bộ áo quần cũ rách mà hết sức sạch sẽ, dưới chân dận đôi giày cỏ mẹ tôi bện, sắp sửa lên thành phố. Phượng Hà ngồi phệt dưới đất trước cửa nhà, tay thì bế Hữu Khánh đang ngủ say. Nó thấy tôi ăn mặc sạch sẽ liền hỏi:

- Cha ơi, cha không ra làm đồng à?

Tôi đi rất nhanh, chưa đầy nửa canh giờ đã tới thành phố. Đã hơn một năm tôi không lên thành rồi, khi đi vào thành, tim tôi quả có đôi chút nao nao hồi hộp, tôi sợ gặp những người quen thuở trước trông thấy tôi rách rưới lam lũ thế này, chẳng biết rồi họ sẽ nói gì. Người tôi sợ gặp nhất vẫn là ông bố vợ, tôi không dám đi lối có cửa hàng gạo của ông, thà đi vòng, phải mua thêm một ít đường còn hơn. Y thuật của mấy ông lang trong thành tôi đều biết, ông nào hám tiền, ông nào có chút công tâm, tôi cũng đã biết. Tôi nghĩ ngợi, hay là đi tìm ông lang họ Lâm ở sát cửa hàng tơ lụa. Ông già đó là bạn của bố vợ tôi, thấy tình cảnh Gia Trân thế này chắc không nỡ lấy nhiều tiền.

Khi đi qua phủ đệ của ông tri huyện, thấy một đứa bé mặc áo quần bằng lụa đang đứng kiễng chân cố với cái vòng đồng dùng để gõ cửa. Đứa bé nọ cũng trạc tuổi Phượng Hà nhà tôi, tôi nghĩ có lẽ nó là công tử con ông Huyện, mới bước tới mà bảo nó:

- Để tôi gõ cửa giúp cậu.

Đứa bé mừng rỡ gật gật đầu, tôi liền nắm lấy vòng, gõ mạnh mấy cái, ở trong có tiếng người nói vọng ra:

- Đây rồi.

Đứa bé nói với tôi:

- Chúng ta chạy đi thôi.

Tôi còn chưa hiểu thế nào thì đứa bé đã men theo tường mà lui đi mất. Khi cửa đã mở ra, một người ăn mặc lối người hầu ra vừa nhìn thấy áo quần trên người tôi liền chẳng nói chẳng rằng đưa tay xô tôi một cái. Tôi bị bất ngờ, ngã khuỵu xuống chỗ tam cấp. Tôi lồm cồm bò dậy, định bụng cố nhịn cho qua chuyện, nhưng thằng cha kia lại đi xuống đá tôi một cái, lại còn nói:

- Xin ăn mà lại không mở mắt ra nhìn xem đây là đâu.

Tôi bốc máu lên tận đầu, chửi lại:

- Bố mày có phải gặm xương của cụ tổ mày, cũng không thèm xin ăn nhà mày nhá.

Hắn xô lại đánh, tôi bị một quả đấm vào mặt, hắn cũng ăn của tôi một cái đá. Hai đứa tôi xáp vào đánh vật với nhau trên đường phố. Thằng ranh này đánh tồi lắm, xem ra không đánh nổi tôi, liền đá một cú mạnh vào đũng quần tôi. Còn tôi hả, cũng đá được mấy cú vào mông đít hắn. Hai đứa tôi đều không biết đánh nhau, đánh một hồi thì nghe có người đứng đằng sau nói to:

- Đánh nhau chán chết, hai thằng chó này đánh nhau xem ngán muốn chết được.

Chúng tôi tạm dừng chân tay, ngoảnh ra nhìn, một toán lính Quốc dân đảng mặc áo ka ki vàng đang đứng đó, lại có đến mười cỗ đại pháo do ngựa kéo nữa. Người la lối ban nãy thì có một khẩu súng ngắn dắt ở lưng, đó là quan quân. Tên người hầu đánh nhau với tôi thật láu cá, vừa nhìn thấy người làm quan liền lập tức gật đầu khom lưng chào:

- Quan lớn, hì hì, lạy quan lớn.

Quan lớn phẩy phẩy tay vối hai chúng tôi, nói:

- Hai con lừa kia, đánh nhau cũng không biết, đi ra kéo pháo cho ta.

Tôi vừa nghe nói vậy, đầu tự nhiên ngứa rần như rôm đốt, ông ta đang bắt lính đây, tôi sắp bị bắt mất rồi. Người hầu nọ cũng đã cuống, bước lên nói:

- Thưa quan lớn, tôi là người nhà của huyện thái gia ở đây ạ.

Quan lớn bảo:

- Công tử của huyện thái gia cũng nên góp sức với Quốc dân đảng chứ.

- Không, không ạ. - Người hầu sợ cuống cuồng

- Tôi không phải là công tử, đánh chết tôi cũng không dám nhận. Thưa trung đội trưởng tôi là người hầu của huyện thái gia.

- Con mẹ mày - Quan lớn to tiếng chửi - Bố mày đây là đại đội trưởng.

- Vâng, vâng thưa đại đội trưởng, tôi là người hầu của huyện thái gia.

Ngươi hầu kia - nói thế nào cũng không xong trái lại còn làm cho đại đội trưởng phát cáu, đại đội trưởng đưa tay cho ngay một cái bạt tai:

- Nói ít thôi, cái con mẹ mày lắm nữa, đi kéo pháo - Ông đại đội trưởng nhìn nhìn tôi - Còn mày đấy.

Tôi đang phải bước đi, cầm lấy dây cương của một con ngựa, theo chân bọn họ. Tôi định đến lúc nào đó sẽ tìm cách mà chuồn. Người hầu kia vẫn cứ theo van xin lạy lục ông đại đội trưởng, đi được một đoạn, tự nhiên đại đội trưởng đồng ý, ông ta bảo:

- Được, được, cho mày về, đồ ranh con đã làm tao phiền đến chết được.

Người hầu sướng không tả, tưởng hắn có thể quì sụp xuống rập đầu lạy đại đội trương ngay tại chỗ, nhưng hắn lại không quỳ, chỉ vái lia lịa trước mặt đại đội trưởng, ông ta nói:

- Còn không cút mẹ mày đi.

Người hầu nói:

- Cút ngáy, cút ngay, con xin cút ngay ạ.

Người hầu nói xong quay mình bước đi. Lúc đó, đại đội trưởng rút khẩu súng ở lưng ra, giương thẳng cánh tay, nheo một mắt ngắm trúng vào người hầu vừa quay đi. Người hầu đi được hơn chục bước thì ngoái lại nhìn xem sao, vừa nhìn thấy vậy y liền sợ hết hồn đứng chôn chân tại chỗ, không dám cựa quậy một ly, như con chim sẻ đêm ngủ đỗ cành cây, để cho đại đội trưởng nhắm kỹ hơn. Lúc này ông kia bảo y:

- Bước đi, bước vào.

Người hầu quì thụp xuống đất vừa kêu vừa khóc:

- Đại đội trưởng, đại đội trưởng, đại đội trưởng.

Ông ta bắn y một phát, chưa trúng, đạn sượt qua mình y, cày xuống đất, một hòn đá nhỏ bật lên đập vào tay người nọ, tay hắn chảy máu ra. Đại đội trưởng cầm súng vẩy nòng về phía người hầu nói:

- Đứng dậy, đứng dậy.

Y đứng dậy rồi. Đại đội trưởng lại nói:

- Bước đi, bước đi.

Y đau khổ quá khóc lên, miệng lắp ba lắp bắp:

- Đại đội trưởng, để tôi đi kéo pháo vậy.

Đại đội trưởng lại giơ thẳng cánh tay, nhắm vào tên người hầu, miệng lặp lại:

- Bước đi, bước đi chứ.

Người hầu lúc đó như mới chợt hiểu ra, quay mình đi là chạy thục mạng ngay. Đại đội trưởng bắn phát thứ hai, vừa hay người kia đã rẽ ngoặt vào một con ngõ nhỏ, đại đội trưởng nhìn nhìn khẩu súng của mình, chửi thề một câu:

- Mẹ nó chứ, ông nheo sai mất một bên mắt.

Ông ta quay lại, nhìn thấy tôi đang đứng đằng sau liền cầm súng đi đến, dí nòng súng vào ngực tôi, bảo:

-Mày cũng đi về đi.

Hai chân tôi run bắn lên, bụng nghĩ lần này, dù ông ta có nheo sai cả hai bên mắt thì khẩu súng đó cũng vẫn có thể đưa mình sang Tây Thiên được. Tôi vội nói lia láu:

- Tôi xin kéo pháo, tôi xin kéo pháo ạ.

Tay phải tôi nắm dây cương ngựa, tay trái bịt chặt bên túi có hai đồng bạc của Gia Trân đưa cho, khi đi ra khỏi thành, nhìn thấy những túp lều tranh giống nhà của mình trên đồng ruộng, tôi cúi đầu mà khóc.

Tôi theo tốp pháo binh đó đi về hướng Bắc, càng đi càng xa nhà, hơn một tháng sau thì đến An Huy. Mới đầu tôi cũng định chạy trốn, mà không chỉ mình tôi tính chạy đâu, cứ qua vài ngày, trong đại đội lại vắng đi vài khuôn mặt quen thuộc, tôi còn đang tự hỏi, có phải họ đã chạy trốn hay không? Tôi liền hỏi một người lính cũ tên là Toàn, lão Toàn bảo:

- Không ai trốn nổi đâu.

Lão Toàn hỏi tôi đêm ngủ có nghe thấy tiếng súng không, tôi nói có nghe thấy, lão nói:

- Đó là tiếng súng bắn lính đào ngũ đấy, người nào mạng lớn không bị bắn chết thì cũng bị đơn vị khác bắt lại.

Lão Toàn nói làm tôi lạnh cả tim. Lão bảo tôi, lúc kháng chiến bắt đầu liền bị bắt lính ngay, trên đường đến Giang Tây lão đã trốn được, mấy hôm sau lại bị độ đội Phúc Kiến lôi đi. Làm lính đã hơn sáu năm, chưa bắn một phát súng nào với quân Nhật Bản cả toàn đánh nhau với du kích cộng sản. Suốt thời gian đó lão đã chạy trốn đến bảy lần đều bị đơn vị khác bắt lại. Lần cuối cùng lão chỉ còn cách nhà hơn trăm dặm, kết quả húc phải một tốp pháo binh. Lão Toàn nói giờ lão chẳng buồn trốn nữa, lão bảo:

- Tôi ngán chạy trốn rồi.

Khi chúng tôi vượt Trường Giang xong là đã phải mặc áo bông rồi. Vừa qua Trường Giang chúng tôi nản hẳn, chẳng còn bụng dạ nào mà chạy trốn nữa. Rời xa quê nhà càng nhiều, cái gan chạy trốn của tôi càng bé đi. Trong đại đội tôi có độ mươi người mới mười lăm mười sáu tuổi, có một chú lính tên là Xuân Sinh, bấm ra sữa, là người Giang Tô, nó cứ hỏi thăm tôi ở phía bắc có còn đánh nhau nữa không, tôi bèn nói còn đánh đấy. Kỳ thực tôi cũng không biết được, tôi nghĩ đã là lính thì không tránh khỏi đánh nhau. Xuân Sinh thân với tôi nhất, nó chẳng rời tôi mấy khi, thường kéo cánh tay tôi mà hỏi:

- Chúng mình liệu có bị bắn chết không nhỉ?

Tôi nói:

- Tôi chẳng biết đâu.

Nói câu đó mà lòng tôi cũng thấy đau nhói từng hồi. Sau khi vượt qua Trường Giang, chúng tôi bắt đầu nghe thấy tiếng súng pháo, mới đầu là từ xa vọng lại, chúng tôi đi thêm hai ngày nữa, tiếng súng tiếng pháo càng nghe to hơn. Lúc đó chúng tôi đến một xóm làng, người trong làng chả thấy một ai, kể cả trâu bò lợn gà cũng không có nữa. Đại đội trưởng ra lệnh đặt trận địa pháo, tôi biết phen này là sắp đánh nhau thật rồi đấy. Có người đi tới hỏi đại đội trưởng.

- Đại đội trưởng, đây là đâu?

Đại đội trưởng nói:

- Mày hỏi tao, tao đi hỏi con mẹ đứa nào?

Đại đội cũng còn không biết chúng tôi đã đi đến đâu, dân làng thì chạy sạch rồi, tôi ngó đông ngó tây bốn bề toàn là cây trụi lá với một ít mái nhà tranh chả có gì nữa cả. Vài hôm sau, những binh lính mặc áo quần màu vàng mỗi lúc một đông lên, từng tốp từng tốp đi ngang qua, rồi lại từng tốp đi trở lại. Có mấy đơn vị đã hạ trại bên cạnh chúng tôi. Lại vài hôm sau nữa, pháo của chúng tôi chưa kịp bắn phát nào thì đại đội trướng nói với chúng tôi:

- Chúng ta bi bao vây rồi.

D.H.