Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 7 tháng 6, 2018

Tư liệu tham khảo về đặc khu kinh tế – hành chính (1)

Khai mạc Hội thảo khoa học quốc tế về phát triển Đặc khu kinh tế - Kinh nghiệm và Cơ hội

20/03/2014 11:00

QNP – Sáng nay, 20-3, tại TP Hạ Long, Ban Chỉ đạo Tổ chức Hội thảo quốc tế tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) và Trung tâm Nghiên cứu Đặc khu kinh tế Trung Quốc thuộc Đại học Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) đã long trọng tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế về phát triển Đặc khu kinh tế - Kinh nghiệm và Cơ hội. Đây là hội thảo lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, tạo điều kiện cho các đại biểu Trung ương, địa phương và quốc tế trao đổi kinh nghiệm và cơ hội phát triển Đặc khu kinh tế.

Dự hội thảo các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị; Phó Chủ tịch Quốc hội; Phạm Gia Khiêm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; Vương Đình Huệ, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Trưởng Ban kinh tế Trung ương; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các các tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng, Kiên Giang và các học giả, nhà khoa học trong nước.

Về phía các đại biểu quốc tế có bà Đào Nhất Đào, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Đặc khu kinh tế Trung Quốc thuộc Đại học Thâm Quyến (Trung Quốc), Trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc; cùng các đoàn đại biểu, học giả, nhà khoa học quốc tế.

Về phía tỉnh Quảng Ninh, dự hội thảo có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Đỗ Thị Hoàng; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trưởng BCĐ Tổ chức hội thảo cùng các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ tỉnh, các đoàn thể; lãnh đạo các sở, ban, ngành và các địa phương trong tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đại biểu trong nước và quốc tế đã dành thời gian và sự quan tâm đặc biệt cho Hội thảo khoa học quốc tế về phát triển Đặc khu kinh tế - Kinh nghiệm và Cơ hội diễn ra tại tỉnh Quảng Ninh.

Nhấn mạnh về mục đích, ý nghĩa của hội thảo, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nêu rõ: Thông qua hội thảo sẽ góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng Đặc khu kinh tế, cụ thể hóa 3 khâu đột phá chiến lược. Hội thảo cũng là diễn đàn để các đại biểu chia sẻ những kinh nghiệm, bài học quý giá trong xây dựng các Đặc khu kinh tế; đề xuất những cơ chế, chính sách trong việc xây dựng Đặc khu kinh tế ở Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng.

Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu khai mạc Hội thảo.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong các đại biểu đi sâu phân tích các nội dung của hội thảo để làm rõ các vấn đề cả về lý luận và thực tiễn để góp phần thúc đẩy, phát triển việc xây dựng các Đặc khu kinh tế ở Việt Nam và các nước trên thế giới.

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội đã nhiệt liệt chào mừng các đại biểu tham dự hội thảo và nhấn mạnh: Sự có mặt các đại biểu thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm đối với Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng trong việc xây dựng, phát triển Đặc khu kinh tế.

Đồng chí cũng đánh giá cao công phu cũng như sáng kiến của tỉnh Quảng Ninh; sự phối hợp chặt chẽ của tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) và Đại học Thâm quyến (Trung Quốc) trong việc tổ chức hội thảo. Điều đó càng khẳng định thêm mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa của 2 nước Việt Nam – Trung Quốc nói chung và tỉnh Quảng Ninh với các tỉnh, thành phố nước bạn.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xác định đất nước cần có những địa bàn đột phá phát triển. Theo đó, Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hoà) và Phú Quốc (Kiên Giang) được chọn xây dựng 3 đặc khu kinh tế, trở thành 3 điểm đầu tàu đột phá cho 3 miền Bắc - Trung - Nam của đất nước. Đối với Việt Nam đây là mô hình mới, do đó Hội thảo thực sự là diễn đàn quan trọng để các đại biểu trao đổi kinh nghiệm, thực tiễn, trên cơ sở đó áp dụng trong quá trình thực hiện tại Việt Nam.

Bà Đào Nhất Đào, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Đặc khu kinh tế thuộc Đại học Thâm Quyến (Trung Quốc) phát biểu tham dự Hội thảo.

Đồng chí tin tưởng rằng các bộ, ban, ngành, các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp, các nhà khoa học sẽ dành thời gian để đóng góp ý kiến cũng như chia sẻ những kinh nghiệm, lý luận và thực tiễn để các tỉnh, thành phố của Việt Nam có tiềm năng trong xây dựng Đặc khu kinh tế tiếp thu, áp dụng; đồng thời góp phần cho việc xây dựng luật khung đặc khu kinh tế.

Phát biểu chào mừng, bà Đào Nhất Đào, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Đặc khu kinh tế thuộc Đại học Thâm Quyến (Trung Quốc) bày tỏ cảm ơn sâu sắc đối với những tình cảm của các đại biểu dành cho hội thảo lần này. Đây là kết quả của sự nỗ lực chung của 2 bên, đặc biệt là sự cố gắng nỗ lực của tỉnh Quảng Ninh.

Bà Đào Nhất Đào tin tưởng hội thảo lần này là diễn đàn để chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn trong việc xây dựng và phát triển Đặc khu kinh tế. Những thu hoạch từ hội thảo không những là cơ hội để giúp tỉnh Quảng Ninh xây dựng thành công Đặc khu kinh tế, mà còn cung cấp những lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng Đặc khu kinh tế tại Việt Nam.

Sau phiên khai mạc, các đại biểu đã nghe các tham luận về kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam, trong đó GS.TS. Vương Đình Huệ, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương tham luận về việc xây dựng Đặc khu kinh tế ở Việt Nam; GS. Đào Nhất Đào, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Đặc khu kinh tế Trung Quốc chia sẻ kinh nghiệp về xây dựng Đặc khu Thâm Quyến (Trung Quốc); Ông Parth Shri Tewari, Chuyên gia Ngân hàng thế giới tham luận về xây dựng Đặc khu kinh tế ở Singapore; Ông Andrew Grant, Giám đốc hợp danh cao cấp, lãnh đạo toàn cầu Khối Khu vực công tập đoàn Mc Kinsey Singapore tham luận về các biện pháp thu hút nguồn lực xây dựng và phát triển Đặc khu kinh tế./.

Chung Ngọc

Nguồn: http://www.quangninh.gov.vn/Trang/ChiTietTinTuc.aspx?nid=56858


Trung Quốc "tung hoành" ở Lào

Thứ Tư, ngày 12/05/2010 - 15:18

(Toquoc)-Trung Quốc tăng cường sự hiện diện mạnh mẽ về kinh tế và dân số ở Lào, trở thành nhà đầu tư chiến lược với ảnh hưởng bao trùm tại đất Phật thuộc miền "biên duyên" của Trung Quốc.

Nước Lào với diện tích 236.000 km2, ít hơn Việt Nam khoảng 100.000km2, với dân số chỉ có hơn 5,5 triệu người. Quả là xứ sở đất rộng, người thưa. Người Lào ôn hòa, chân thực, dễ kết bạn, sống ung dung tự tại năm này qua năm khác cho đến khi cuộc chiến tranh đặc biệt của Mỹ những năm 1960 đánh thức họ. Ngày nay, nước Lào cuốn hút vào vòng quay nhịp độ cao của các mối liên kết kinh tế với láng giềng khu vực. Nhiều nước lớn và nhỏ, xa và gần cũng tìm cách tăng cường hiện diện tại Lào. Nhưng thực tế, Trung Quốc “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” đang lấn át và "tung hoành" ở Lào.

Trung Quốc - nhà đầu tư chiến lược

Báo chí Lào thời gian gần đây đã đề cập nhiều đến tình hình hàng hoá Trung Quốc nhập vào Lào theo nhiều đường khác nhau, kể cả hàng lậu, cũng như những mặt hàng được các dự án của Trung Quốc sản xuất ngay tại Lào, như trứng gà, cá nuôi nước ngọt, rau tươi lấn lướt hàng nội.

Về thương mại, Lào cho rằng thị trường Trung Quốc vẫn là mục tiêu tốt mà nước này cần tiếp tục hợp tác và phát triển thương mại. Trung Quốc là một trong những bạn hàng chủ chốt của Lào, chủ yếu nhập khẩu đồng đỏ, nông lâm sản của Lào. Theo Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc, năm 2010, Lào và Trung Quốc đã giảm thuế cho hàng hoá của nhau xuống còn 0-5% đối với tất cả mặt hàng, trừ những mặt hàng nhạy cảm và gây ảnh hưởng đến an ninh của mỗi nước. Chính phủ Lào và Trung Quốc đề ra chỉ tiêu thương mại song phương đạt 1 tỷ USD năm 2010.

Đường cao tốc Côn Minh - Chiang Rai (bắc Thái Lan) do Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Ngân hàng Phát triển châu Á đồng tài trợ, vào miền Tây Bắc Lào, đang tạo ra cơ hội mới cho các vùng nông thôn Lào phát triển. Thị trấn Mohan là cảng đất liền cùng thị trấn Bòtèn (tỉnh Luôngnậmthà) phát triển mạnh.

Các công ty Trung Quốc đổ vào làm ăn tại Lào ngày một đông đúc. Họ đã gia tăng đầu tư vào những đề án lớn ở Lào dưới hình thức tư nhân cũng như nhà nước vì nguồn tài nguyên giàu có của Lào. Trong tháng 4 năm nay, hơn 100 doanh nghiệp đại diện cho 91 công ty của Lào và Trung Quốc đã gặp gỡ tại tỉnh Bòkẹo (Bắc Lào) để thảo luận và tìm hiểu cơ hội đầu tư ở tỉnh này và đặc khu kinh tế Tam giác vàng. Hiện nay, Trung Quốc là chủ của gần 40% các công trình đầu tư ở Lào, với trợ giúp của Chính phủ, đầu tư của Nhà nước hay tư nhân. Số công ty, xí nghiệp tư nhân Trung Quốc ngày càng nhiều trên đất Lào. Họ kiểm soát nhiều mảng kinh tế của nước này, từ tài nguyên mỏ cho đến cao su, điện, khu vực bán lẻ, khách sạn.

Trung Quốc

Đức Phật ngoạ thiền sẽ phải thức giấc khi một trung tâm đô thị kiểu "China Town" được xây dựng tại That Luang

Tại Bắc Lào, cây cầu hữu nghị 4 bắc qua sông Mekong nối tỉnh Bò Kẹo (Lào) và tỉnh Chiêng Rai (Thái Lan) sẽ được khởi công xây dựng vào đầu năm 2010, sau khi Chính phủ Thái Lan và Trung Quốc ký cam kết về khoản vốn đầu tư. Các công ty không thuộc ba nước Lào, Thái Lan và Trung Quốc không được tham gia đấu thầu xây dựng. Việc xây dựng cầu hữu nghị 4, với 50% vốn đầu tư của Lào do Trung Quốc cho vay ưu đãi, sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp Trung Quốc vào làm ăn tại Lào.

Chính phủ Lào đã đưa dự án xây dựng mạng lưới đường sắt và đường siêu tốc vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015, coi đó là ưu tiên chủ chốt trong phát triển đất nước. Hiện Lào chỉ có một đoạn đường sắt dài 3,5 km do Thái Lan tài trợ, chạy từ giữa cầu Hữu nghị Viêng Chăn-Noỏngkhai đến ga Thanalaeng của Lào, cách trung tâm thành phố Viêng Chăn 25 km. Ngày 7/4, Trung Quốc ký thoả thuận với Lào xây dựng hệ thống đường sắt quốc gia, tạo cơ sở pháp lý để Lào và Trung Quốc xây dựng công ty liên doanh, đầu tư cho dự án. Dự án này dự kiến tạo điều kiện cho Lào trở thành trung tâm vận chuyển của khu vực. Hệ thống đường sắt chạy từ biên giới Trung Quốc đến Viêng Chăn và Thàkhẹc (tỉnh Khămmuộn), đi tiếp đến biên giới Lào-Việt Nam. Trung Quốc sẽ tài trợ cho dự án này cùng các cơ sở đi kèm dưới hình thức cho vay dài hạn 4 tỷ USD. Tiền đi đến đâu, lao động phổ thông của Trung Quốc đến đấy.

Ngày 24/4, Dự án nhà máy sắt thép Lào đã được khởi công xây dựng ở huyện Xaythani, thủ đô Viêng Chăn. Đây là liên doanh giữa Công ty xuất-nhập khẩu CK của Lào (30%) và công ty sắt Kungang Vân Nam (70%), với công suất cuối cùng đạt 500.000 tấn thép/năm.

Ngày 30/4, tuyến bay trực tiếp giữa Lào và Trung Quốc đã chính thức được khai trương tại tỉnh Luông Phabang (bắc Lào) bằng máy bay của Lao Airlines. Tuyến bay này đã được khai trương lần đầu từ năm 2003 nhưng tạm ngừng hoạt động do khó khăn về thị thực và kinh tế. Đường bay trực tiếp này giúp hành khách rút ngắn được thời gian đáng kể. Mỗi năm, hơn 7 triệu lượt du khách Trung Quốc và quốc tế đến Xishuangbanna nên Lào hy vọng sẽ có ít nhất 300.000 du khách đến Luông Phabang.

Dự án That Luang và trung tâm đô thị mới tại Viêng Chăn

Hiện nay, những tỉnh thành đông người Hoa nhất là thủ đô Viêng Chăn, tiếp đến là tỉnh Luông Nặmthà, Bò Kẹo, Xavannakhệt, Chămpaxắc, vì đây đều là những đơn vị hành chính lớn của Lào có hệ thống đường sá thuận tiện. Mặt khác, nhà chức trách địa phương cũng luôn tạo điều kiện thuận lợi cho người Hoa làm ăn vì cho rằng với năng lực kinh doanh của mình, người Hoa sẽ giúp phát triển kinh tế địa phương. Ngoài ra, Lào cho rằng người Trung Quốc sẽ giúp họ phát triển theo hình thức dự án hồ Thạt Luổng ở thủ đô Viêng Chăn.

Trung Quốc

Ngày xưa bao quanh That Luang là các ngôi chùa cổ kính

Theo báo Vientiane Times, Giám đốc Dự án Phát triển hỗn hợp Viêng Chăn Sihoun Sithileuxay đã khẳng định, một dự án đầu tư lớn của Trung Quốc nhằm biến đầm That Luang và các khu vực lân cận thành một trung tâm đô thị mới của Viêng Chăn sẽ được tiến hành. Thông tin này ngược lại với các đồn đoán trước đây rằng các nhà đầu tư đã rút khỏi dự án phát triển trung tâm đô thị mới (New own) trị giá 1,1 tỉ USD này. Dự án That Luang và việc xây dựng Sân vận động Quốc gia là không thể tách rời. Ông Sihoun cho biết thêm, chính quyền thủ đô đã hoạch định 670 héc-ta cho dự án và Chính phủ đang thảo luận với các nhà đầu tư về việc nộp tiền để bồi thường cho dân chúng trong khu vực dự án, số tiền bồi thường dự kiến 100 triệu USD.

Cuối năm 2009, Tổ chức Nông Lương Liên Hợp quốc (FAO) đã đề xuất bảo tồn 20 km2 đầm That Luang với mục đích bảo vệ khu dự trữ nước, động thực vật và đời sống cư dân cũng như các giá trị văn hóa và lịch sử của khu vực này. Đề xuất này và các cuộc thảo luận xung quanh đã làm nẩy sinh câu hỏi liệu dự án đầu tư nói trên có bị hủy bỏ. Nhưng một nguồn tin Chính phủ Lào khẳng định dự án không bị hủy bỏ. Ngân hàng Phát triển Trung Quốc sẽ cung cấp vốn 1,1 tỉ USD cho các công ty nhà đầu tư dự án. Chính phủ Lào cũng sẽ cấp cho các công ty Trung Quốc 100 hécta tại khu vực Dongphosy và 430 hécta tại Km 18 để xây dựng các trung tâm đô thị mới.

Boten – thành phố Trung Quốc

Theo tuần báo Courrier International (Pháp), “Trung Quốc đang tăng cường một cách ngoạn mục sự hiện diện ở Lào”. Trong vùng Tam giác vàng, ảnh hưởng của Trung Quốc đã có từ lâu. Một đợt dân lao động ở VânNam đã đến đây vào thế kỷ 19 và một đợt mới đang đổ về đây. Từ mấy năm qua, Trung Quốc đã tập trung vào phát triển khu vực phía bắc Lào sau một thoả thuận hợp tác hai bên được ký vào năm 1997.

Năm 2008, chính quyền Vân Nam đã đưa ra đề án gọi là Northern Plan, mục tiêu nhằm phát triển lãnh vực công nghiệp vùng phía bắc Lào từ nay đến năm 2020. Đề án đang chờ Đại Hội lần thứ IX của đảng Cộng sản Lào vào năm 2010 phê chuẩn.

Đông đảo dân Lào cũng như giới quan sát viên quốc tế đếu lo ngại về tác động đối với môi trường và xã hội Lào. Mối quan ngại lớn hiện nay là về “xa lộ” 3, xây dựng với vốn của Trung Quốc, Thái Lan nối liền Vân Nam -Bangkok và xuyên qua vùng Bắc Lào.

Trung Quốc

Boten-Mohan là cửa khẩu đường bộ duy nhất từ Trung Quốc sang Lào

Thành phố Boten của Lào nằm trên biên giới với Trung Quốc, gần xa lộ số 3, đã có được quy chế “vùng kinh tế đặc biệt” với diện tích 21 km2. Tên mới là Boten Golden City (Thành phố vàng). Tờ báo nêu trên nhận xét thành phố này “trên thực tế xem như đã sát nhập vào Trung Quốc”. Được giới thiệu là hiện đại nhất nước Lào, Boten đã được nhượng lại cho các nhà đầu tư Trung Quốc trong thời hạn 30 năm, và có thể kéo dài đến 60 năm. Mọi thứ ở thành phố này đều là Trung Quốc. Sự kiện Boten đã làm dấy lên cả một phong trào phản đối vì để xây dựng đặc khu kinh tế, cư dân ở Boten đã bị trục xuất khỏi thành phố, bị dời ra cách đó khoảng 20 km, nơi mà dịch vụ kém cỏi, đất cằn cỗi hơn. Boten là trường hợp điển hình nhưng không phải duy nhất.

Việc nhượng đất là mối đe doạ đối với môi trường sinh thái bao gồm nạn săn bắt, buôn bán thú vật quý hiếm. Nhưng đáng lo ngại nhất, theo bài báo, là nạn phá rừng, bán gỗ, và sau đó trồng cây cao su. Theo Le Courrier, các công ty Trung Quốc đầu tư ồ ạt vào các đồn điền. Khi được giấy phép của chính quyền Vientiane, các công ty Trung Quốc thương lượng với chính quyền địa phương là xong.

Theo Vientiane Times, ngay dù Chính phủ không cho phép những người nước ngoài có quyền sử dụng đất nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn thông qua người Lào để mua những lô đất lớn. Điều này đã làm gia tăng giá nhà đất, khiến Lào gặp nhiều khó khăn để phát triển trong khi người dân chỉ có thể mua đất với giá ngày càng tăng cao. Le Courrier kết luận rằng với những khoản trợ giúp vô điều kiện, Trung Quốc sẽ còn tung hoành người láng giềng nhỏ bé này trong nhiều thập kỷ nữa./.

Nguyễn Nguyên

Nguồn: http://toquoc.vn/ho-so-quoc-te/trung-quoc-tung-hoanh-o-lao-94686.html