Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2018

Trư cuồng (kỳ 5)

Nguyễn Xuân Khánh

Tiểu thuyết

Phần 1

Nhật ký lợn

Ngày… tháng…

Thường dễ đã nửa tháng, hôm nay tôi mới lại ngó đầu vào chuồng lợn. Tôi giật mình; con lợn Bò của tôi đang đứng sững im lặng trước chậu cám, vẻ tư lự. Tôi gọi:

- Linh ơi! Lợn làm sao? Hôm nay, con lợn Bò không ăn.

Linh cười:

- Cậu ấy làm điệu đấy. Thùng tóp mỡ vơi rồi. Hôm nay, cám ít tóp mỡ nên cu cậu biếng ăn

- Sao không cho thêm vào? Được đến đâu, hay đến đó. Hết lại tính sau.

Linh rầu rầu:

- Bố không biết là nhà ta đã hết gạo, hết tiền phải ăn cháo cám ư? Và cả cám ngô cũng sắp hết. Lợn biếng ăn là dĩ nhiên. Mẹ con bảo: người trước tiên… sau đó mới đến lợn.

Tôi im lặng, nhìn chú lợn Bò. Con Bò nghiêm trang nhìn tôi như muốn bảo:

- Các ngừoi đã ăn tranh tóp mỡ và cám của ta.

Tôi bực bội với con con lợn láo xược:

- Chính ngươi mới là kẻ ăn tranh phần của chúng ta. Chúng ta phải làm quần quật để nuôi ngươi. Con ta hết cái ăn; còn ngươi, mỗi ngày ta vẫn phải cung phụng cho hàng chục bạc.

- Khi ta mới về, ngươi săn sóc, chăm chút ta, ta cứ tưởng ngươi là kẻ thông hiểu sự đời. Mi tưởng ta hèn hạ ư? Hãy nhìn vào cơ bắp ở vai ta, ở lưng ta, ở mông ta… Hãy nhìn vào chiếc miệng bẹ dừa to lớn của ta… Mi thấy chưa? Ta là quý tướng.

Rồi con lợn bỗng cười to, và giọng nói trở nên hùng hồn, kỳ dị:

- Quý tướng! Ngươi biết không? Rồi… ta sẽ là bão tố… là khủng khiếp… là tuyệt đối… là tất cả… Ngươi hãy chiêm nghiệm lời ta… Rồi sẽ thấy. A, mà ta cần gì tranh cãi nhỉ… Bây giờ đây, ta đang chỉ cần tăng nhanh sức vóc của ta… Rồi ta… tương lai… tương lai sẽ là của ta… Tất cả sẽ là của ta…

Tôi ngây người, có pha chút sợ hãi trước những lời tiên tri đầy bí ẩn và quỉ quái của chú lợn lông hung vàng, mà trước đây tôi cứ tưởng là ngây ngô, chẳng biết gì.

Con lợn Bò bỗng không thèm nhìn tôi nữa. Nó cúi xuống, và mặc dù trước mặt nó là máng cám đầy bèo, nó cũng ăn ngon lành. Nó ăn với một tốc độ kinh hoàng. Tộp! Tộp! Tộp!… Nó ăn như vỗ tay reo, không ngơi nghỉ. Tộp! Tộp! Tộp!… Tiếng ăn ròn rã tưởng như súng nổ liên hồi. Tôi ngây người nhìn con lợn. Thật hay là ảo? Có phải, đúng là con lợn đã nói với tôi lúc nãy? Một thoáng gai gai, rờn rợn, chạy dài suốt dọc sống lưng tôi. Kìa! Cái máng ăn đã như chùi sạch nhẵn. Con lợn Bò ngước mắt nhìn tôi bằng đôi mắt to mầu nghệ hay mầu trắng nhởn. Ma quái!

Ngày… tháng…

Ít lâu nay, Tám liên tục viết cuốn Bách Khoa Lợn. Nhà giáo hí hửng trao cho tôi một đoạn bản thảo. Anh nói:

- Đoạn này, tôi nghiên cứu chồng chéo sang cả lĩnh vực ngôn ngữ học. Có lẽ… thú vị chăng?

- Nhà sinh vật cả gan thật! Dám đặt chân sang cả mảnh đất ngôn ngữ. Không sợ cấm địa sao?

Tám dụt dè:

- Thì cũng thử một chút xem sao.

Tôi đeo kính, trang trọng cúi đọc.

Đồ tể

Tìm từ nguyên của từ “đồ tể” thấy gồm hai thành tố: tiền tố đồ và hậu tố tể.

Riêng hậu tố “tể” chỉ thấy hiện diện trong hai từ khác: chúa tể và tể tướng. Hoá ra anh làm nghề giết lợn lại có họ hàng gần với những bậc chí cao: ông vua và quan đại thần tột bậc. Họ gần gũi nhau ở điểm gì? Xét cả ba nghề làm vua, làm quan, giết lợn, thì thấy cả ba giống nhau ở chỗ đều có quyền giết chóc kẻ khác. Vua và tể tướng có quyền giết dân, đồ tể có quyền giết lợn. Giết người là một quyền uy to lớn nhất, tối cao nhất trong mọi quyền. Suy cho cùng, có thể nói nghề vua quan cũng là một thứ nghề đồ tể; chỉ có khác, đối tượng giết ở đây là con người.

Thế mà nghề đồ tể lại bị khinh rẻ. Ngày xưa, nhà Mạnh Tử ở gần nhà đồ tể, Mạnh Tử bắt chiếc chọc tiết lợn; mẹ Mạnh Tử là hiền mẫu, không muốn con tập nhiễm thú tính, bà liền dời nhà đi nơi khác. Xã hội khinh rẻ kẻ chém giết lợn, cho là kẻ thất đức nên trước chữ tể đặt thêm chữ đồ. Đồ lưu manh, đồ ăn cướp trong hai từ ấy, tiền tố đồ dùng để chỉ sự khinh miệt. Người ta khinh kẻ giết lợn, nhưng lại trọng kẻ giết người. Trong thiên hạ, ai cũng ham ngôi chúa tể, ngôi tể tuớng. Than ôi! Một thang giá trị đảo điên!

Riêng tôi, tôi vẫn giữ lại trong ký ức hình ảnh người đồ tể thời xưa. Đó là một con người to lớn, vạm vỡ, mặc bộ quần áo nâu cứng đờ vì vấy máu. Xóm tôi ở gần Lò Lợn, mà mẹ tôi không phải là một hiền mẫu như mẹ Mạnh Tử, nên hình ảnh người đồ tể xưa in rất đậm nét trong bộ óc thời thơ ấu của tôi. Một điều ta dễ thấy là anh đồ tể nào cũng hay uống rượu. Anh đồ tể của tôi thường đi chệnh choạng trên hè phố, mặt lầm lỳ, mắt đỏ ngầu, tay xách cái bị rủng roẻng những dao nhọn. Gặp người say, trẻ con thường hay chòng ghẹo, riêng đối với anh đồ tể, dù anh ta say khướt cũng chẳng đứa trẻ nào dám lơ mơ, ho he. Tôi còn nhớ rất rõ, cứ mỗi khi thấy bóng anh ta ở đầu phố, là lũ trẻ con lảng xa ngay. Anh đồ tể bước ngang qua cửa nhà tôi, đôi mắt vằn tia đỏ của anh nhìn thẳng vào mặt tôi, tôi vội vàng run rẩy cúi xuống. Chợt nhớ tới câu thơ xưa của Hàn mặc Tử:

… Run như run thần tử thấy long nhan…

Ngày xưa, khi nhà vua du hành qua, thì người dân ai cũng phải quì rạp xuống, cúi đầu xuống, không được phép nhìn. Nhìn Vua là mắc tội khi quân. Anh đồ tể cũng có phong khí một ông Vua, nên ai ai cũng phải run sợ khi thấy anh ta.

Có lẽ dần dần con người đã nhận ra được cái quyền uy đặc biệt ấy ở nghề đồ tể, nên con người hiện đại đã thay đổi cách nhìn đối với nghề giết lợn. Cũng có thể, tính chất đồ tể của xã hội hiện đại ngày càng mạnh, nên người ta không những không ghét, mà trái lại người thời nay quay trở ngược lại thích thú nghề giết lợn. Cũng có thể, vì ai ai cũng thích làm Vua, làm quan, nhưng ngôi vị Vua, quan lại quá ít, mà người thèm khát ngôi vị ấy lại quá nhiều, nên con người đã vô thức chuyển di sự thèm khát của mình sang nghề đồ tể. Như ta đã biết cả ba nghề ấy đều có quyền chém giết như nhau, song nghề Vua quan dù sao cũng phải chém giết một cách lịch sự, một cách gián tiếp, giết thế cũng hả đấy nhưng không được nhìn thấy dòng máu đỏ phụt ra… Còn nghề đồ tể thì lại khác, anh đồ tể ngày nào cũng được giết, mà lại giết một cách trực tiếp. Những xung động hung hãn nguyên thuỷ như thể chắc được thoả mãn hơn, kẻ đồ tể chắc thấy “đã” hơn anh quan, anh Vua. Vì dù sao thì cũng là máu, máu người, máu lợn đều đỏ như nhau…

Cái chất Trư Bát Giới hiện đại đang được xổng xích. Dục vọng hiện đại đang sôi như bão lốc. Nhưng có điều phải tinh ý, anh đồ tể hiện đại rất khó phân biệt với người thường. Phải nhớ, anh ta không mặc bộ quần áo nâu cứng máu như thời xưa, và mắt không lờ đờ vằn tia đỏ như ngày xưa. Tôi đã được hân hạnh dự một cuộc liên hoan ngoài Lò Lợn gần đây.. Những chàng đồ tể hiện đại trông như những thư sinh, thân thể thon thả trong những bộ trang phục đắt tiền nhất, hợp thời trang nhất… Họ biết uyển chuyển nhẩy những điệu vũ rất uốn éo và cũng biết cầm cả những cây ghi ta xanh đỏ để hát những bản tình ca mùi mẫn…

Mà cứ gì anh đồ tể. Chúng ta hãy tự lặng lẽ suy ngẫm về mình. Tại sao ta chẳng nói rằng bất cứ ai cũng có thể là anh đồ tể. Con người hiện đại yêu cuồng dại, mà căm thù cũng cuồng dại, vì thế trong tim ai cũng đều lấp ló một anh đồ tể.

*

* *

Thực ra, anh bạn Tám của tôi đã viết một bài nghiên cứu có tính xã hội học. Đọc xong bài viết, cứ thấy nhức nhối trong lòng. Cứ nhớ mãi câu kết: “Trong tim ai cũng đều lấp ló một anh đồ tể.” Tôi chợt cảm thấy một nỗi buồn thấm thía. Ân hận chăng? Té ra tôi là một anh đồ tể, tôi đã chọc tiết tâm hồn vợ con tôi. Tôi biết mấy đêm nay vợ tôi vẫn khóc thầm khi tôi ngủ. Đêm nay, tôi chợt giật mình thức giấc giữa đêm khuya. Có một tiếng động gì tấm tức bên tai. Tôi lắng nghe và hiểu ra, tôi nằm lặng, cứng đờ. Đằng sau lưng tôi người đàn bà đang nức nở… Có thể sự xấu hổ, sự tự ái đã bắt tôi nín lặng. Có thể tôi không đủ trơ trẽn để tự cho mình là cao thượng, để làm lành với nàng. Cũng có thể tôi không đủ đạo đức giả để tin mình là không độc ác, để cho rằng sự giận hờn, sự nghi ngờ đã tan biến trong tôi.

Tôi nằm im bên tiếng tấm tức với nỗi sầu muộn, với sự sợ hãi và không phải là không có niềm thương xót. Và cuối cùng không chịu nổi tiếng tấm tức ấy, tôi ngập ngừng quay lại, giơ tai đặt lên mặt nàng. Có lẽ đêm tối làm bàn tay run rẩy của tôi quên xấu hổ, nó nhẹ nhàng xoa khô những giọt nước mắt trên má người đàn bà, rồi lặng lẽ nhẹ nhàng trườn lên mí mắt, và bò xuống vành tai, cái vành tai đầy đặn, cái vành tai đẹp, cái vành tai quí tướng mà nàng vẫn thường khoe và vẫn thường thích tôi mơn man nhẹ nhàng trên đó.

Người đàn bà lặng im để yên cho tôi ve vuốt khuôn mặt. Nàng đã thôi khóc. Khi bàn tay mơn man đến vành tai thì có lẽ sự thờ ơ, sự xấu hổ trong nàng cũng tan biến. Cái thân thể nóng hổi của nguời đàn bà chợt run rẩy trong tay tôi.

Thân xác con người đôn hậu hơn tâm hồn. Nó rộng lượng hơn và bao giờ nó cũng đi đầu trong những cuộc làm lành. Nó là người thợ hoá trang rất tài tình, nó biết khâu lại xoa kín đi, những rách nát đời người. Nó là nhà ngoại giao uyển chuyển có thể làm xích lại, thoả hiệp những xung đột tưởng chừng như không hoà giải. Một nhà ngoại giao không cần lời nói, nhà ngoại giao của những bàn tay và những làn da.

Nàng có một làn da rất đẹp, một làn da trắng mịn ngọc ngà, một làn da mát mẻ đầm ấm, một làn da mà tôi quên lãng bao lâu. Nàng có một hốc nách ngai ngái, cái hốc nách mà tôi vẫn chúi mũi vào để khơi gợi cái khao khát trong nàng thức dậy. Người đàn bà giang rộng vòng tay đón nhận tôi. Tôi lặng lẽ đi vào bên trong thẳm sâu nàng. Tôi đi vào một cách vụng về, không háo hức. Hình như thân xác tôi còn mơ ngủ, mới chỉ nửa chừng thức dậy. Còn nàng nàng đã tha thứ hết. Tôi hiểu vậy, làn da nàng nói như vậy, thân xác run rẩy của nàng nói như vậy. Nàng đằm thắm gọi hồn tôi về nhập vào cuộc giao hoan. Tôi ra sức chiều nàng, cố đáp ứng lại nàng… song… lạ chưa! Tôi vẫn như kẻ mộng du trong cơn ân ái. Sự cố sức ấy chẳng thể đánh thức nỗi khoái cảm thức dậy trong tôi. Tôi âu lo… còn nàng thì ngỡ ngàng. Tôi úp mặt vào đôi vú tròn trịa và thở dài… Bỗng dưng nàng chợt hiểu… có thể nọc độc của những hờn căm dai dẳng đã làm tê liệt những cảm xúc rất người trong tôi. Có thể ở một góc tối nào của tâm hồn tôi còn bị che phủ mờ, nó vẫn còn chối bỏ sự xoa dịu. Một con vật thầm kín nào đó thức dậy trong tôi, nhưng cũng có một con vật thầm kín nào khác còn ngủ lịm trong tôi. Một cuộc giao hoan thảm thương!

Tôi nằm lặng song song bên nàng, mắt nhìn trân trân vào bóng tối. Còn nàng bỗng dưng nức nở. Nàng ôm lấy tôi và nức nở. Tủi hận vì cho mà chẳng được nhận chăng? Lo sợ một cái gì khủng khiếp đã xảy ra trong thân xác tôi chăng? Thương chăng? Giận chăng? Tôi lặng lẽ vuốt ve làn da trắng mịn. Làn da run lên khi gặp tay tôi. Làn da ngọc ngà cũng biết đắng cay. Sự thương xót bỗng dâng lên tràn ngập. Tôi vuốt ve, vuốt ve và thì thầm: Nín đi em! Nín đi em!

Ngày… tháng…

Lợn Bò định âm mưu gì? Nó lầm lầm lì lì. Tôi đứng bên chuồng lợn ngắm nghía nó hàng tiếng. Mới chỉ lơi quan sát ít lâu, mà có cái gì đó khác lạ xảy ra với nó. Mọi khi thoáng thấy bóng tôi là nó đã chồm ngay lên, bám hai chân trước vào dóng tre và rống lên đòi ăn. Hôm nay, nó không làm thế, nó chỉ đứng lặng lẽ gườm gườm nhìn tôi như muốn nói “Tại sao ngươi cứ rình mò ta? Sao ngươi không để ta yên. Đây là chuồng lợn, hãy nhớ đây là chuồng lợn chứ không phải chiếc ghế bành cà khổ bên bàn trà để ngươi ngồi tư lự”.

Ngày… tháng…

Vợ tôi lặng lẽ. Cuộc gặp gỡ thân xác đêm xưa vẫn không xoá nổi nỗi buồn phiền. Cô ta hiểu im lặng lúc này là cần thiết. Cái kỷ niệm đêm hôm ấy thật quá ngỡ ngàng, thật không tương hợp với những đổ vỡ quá ư to lớn trong đời sống vợ chồng. Giá như từ điểm xuất phát đêm xưa, tôi cố từ từ xích lại… đằng này tôi cũng chỉ im lặng. Có lẽ vì vậy nên sự lặng lẽ của vợ tôi là đúng. Bắt đầu là im lặng, tiếp theo là lẩn tránh. Cả hai chúng tôi đều ít muốn đối diện với nhau. Lắm lúc, tôi cứ tự hỏi tại sao tôi lại im lặng. Có lẽ tôi lặng lẽ vì thân xác tôi muốn tôi lặng lẽ. Sự bất lực đêm xưa là một tín hiệu, một ngôn ngữ ẩn ngầm. Gượng ép để làm gì? Giả dối để làm gì? Thân xác tôi nói vậy. Tôi để mặc cho nọc độc hờn oán trong từng tế bào li ti của tôi dần phai nhạt để biến thành nỗi phiền muộn ưu uất. Ước mong một ngày kia nó sẽ thăng hoa thành niềm thương xót… Cũng có thể sự lặng lẽ ấy là dư âm của những nghi ngờ, dư âm của một mơ ước bị lăng nhục … Cũng có thể nó là khởi đầu của sự dày vò hối hận, của sự tự trừng phạt của một linh hồn nhạy cảm… Nào ai có thể hiểu cặn kẽ cội nguồn của nó.

Cậu con trai của tôi cũng lặng lẽ. Nó bị lây nhiễm vì không gian lặng lẽ. Cứ ở trường đại học về nhà, là nó lại trèo lên gác xép, chúi đầu vào đọc Trang Tử. Ô hô! Cái ông già Trang Tử, khi vợ chết, đem mâm ra gõ, mang nồi ra gõ, rồi cầm đàn vừa gẩy vừa hát nghêu ngao, hoá ra cũng có chỗ đúng trong cái mùi sặc sụa, mùi lợn này sao?

Cả đến con lợn Bò cũng im lặng. Chúng ta im lặng còn có lý. Còn ngươi sao ngươi im lặng? Đúng là ngươi vẫn đang âm mưu một cái gì.

Tám bách khoa đến chơi; anh chàng hình như đánh hơi thấy cái mùi lặng lẽ của nhà tôi. Anh chàng gàn ấy sộc ngay ra chuồng lợn, ngắm nghía chú lợn Bò, sau đó quan sát căn nhà tôi ở, rồi thốt lên khúc láy quái gở:

- Ô nhiễm! Ô nhiễm!

Tiếp đó, Tám thốt lên một từ ngữ la tinh khoa học gì đó nghe rất kỳ dị. Anh ta nói lầm bầm nên tôi chỉ nghe ra một thứ âm “nô nô ni ni” rất lạ tai. Tôi hỏi :

- Anh nói “nô nô ni ni” là cái gì?

Tám không trả lời. Hình như anh không nghe thấy lời tôi hỏi. Hay có thể nói, Tám đang bận tư lự một điều gì đó rất quan trọng. Tôi mời nước, Tám cũng không nghe thấy tiếng tôi mời. Tôi nhìn bạn, thương hại. Tôi thầm nghĩ: chắc Tám ốm. Hôm trước, tôi đến chơi, thấy Tám nằm đắp chăn trên giường; cửa đóng kín mít; nhà tối như hũ nút.

- Anh không đi dạy học hôm nay?

- Tôi xin nghỉ một tuần.

- Sao?

- Còn sao nữa? Chúng ta là một lũ lợn. Anh còn định bắt tôi dạy học sao? Tôi… rất thương lũ trẻ.

Tôi ôn tồn:

- Tám ơi! Anh ốm rồi đấy. Anh cần nghỉ ngơi. Có lẽ anh nên xuống ở với tôi. Anh ở đây một mình lỡ ra ốm to, ai chăm sóc cho anh?

- Cám ơn! Tôi không ốm. Mà tôi cũng không thể nào xa căn phòng này được. Sống ở ngôi nhà lạ, tôi thấy bối rối, khó chịu. Cứ để tôi ở đây…

Có mấy người bạn đã cho tôi hay về những hành vi khác thường ở Tám. Từ ít lâu nay người ta bảo Tám đến lớp rất rộng rãi với học trò. Học sinh thích điểm nào, Tám cho ngay điểm ấy.

- Em xin thầy điểm bảy.

Đó là yêu cầu của một học sinh biết điều.

- Em xin thầy điểm chín.

Một học sinh kém lại yêu cầu Tám cao đến thế.

- Em thích điểm mười tôi cũng cho – Tám lầm bầm – Cho em điểm mười, tôi cũng chẳng mất cái gì, và em cũng chẳng được cái gì. Một khi tai hoạ đang đổ xuống đầu chúng ta thì keo kiệt một vài điểm với các em cũng chẳng ích gì.

Lũ trẻ ngạc nhiên:

- Thưa thầy, tai hoạ gì ạ?

- Khốn khổ! Các em thì ngây thơ, còn tai hoạ thì… tràn lan. Thật khủng khiếp!

Chính vì vậy, nên khi Tám xin nghỉ, ông hiệu trưởng chấp thuận ngay. Ông còn giục Tám đi khám bệnh, song Tám không đi. Anh chỉ nằm dài suốt ngày trong phòng, đóng kín cửa lại và ăn bánh mì, uống nước trắng.

Tôi ngồi xuống bên Tám:

- Có lẽ anh nên ngừng viết.

- Anh bảo sao?

- Tôi cho rằng anh nên tạm ngừng viết cuốn Bách Khoa Lợn. Tôi sợ rằng… anh nghĩ ngợi quá nhiều đâm sinh bệnh.

- Anh thật ngớ ngẩn, ngốc nghếch. Có bao giờ ai viết sách lại sinh ốm đâu. Anh nên hiểu: viết sách sẽ khỏi bệnh. Người suy nghĩ, nếu không viết, chữ nghĩa sẽ bề bộn trong óc, gây cho ta phát sốt hoặc chí ít gây ra mệt mỏi. Nhưng nếu chữ được tuôn ra trên trang giấy, óc có chỗ thoát, ta sẽ được vơi nhẹ. Tất là khỏi bệnh.

- Nghe ông nói, cứ tưởng như ngôn ngữ có thể trị bệnh.

- Chứ sao! Viết là một phương pháp trị bệnh: ngôn ngữ liệu pháp.

- Nói xong Tám mỉm cười. Chẳng còn biết anh nói đùa hay nói thật. Còn tôi thì lắc đầu.:

- Ông điên rồi. Ông chỉ bịa ra những lý thuyết quái quỉ.

Sau hôm gặp ấy, tôi cho rằng Tám đang bị rối tinh thần. Tôi đi đến một quyết định: có lẽ không nên tranh cãi với Tám, và cũng không nên để cho Tám nói nhiều. Chính vì vậy, hôm nay tôi im lặng, mặc dù tôi rất muốn hỏi ra cái chữ “nô nô ni ni” quái quỉ của Tám.

Tôi im lặng nhìn bạn; còn Tám cũng ngồi im lặng. Ông khách lạ lùng ấy không thèm nhìn chủ nhà, cũng không thèm gợi chuyện chủ nhà. Như một người điên, Tám đăm đăm nhìn vào một cõi xa vời. Dáng trầm ngâm của anh làm tôi bối rối, chẳng biết phải nên đối xử ra sao. Rồi, bất thình lình, Tám đứng dậy, chụp cái mũ len xuống kín mít đầu. Qua khoảng hở của chiếc mũ, đôi mắt long lanh của anh nhìn tôi chằm chằm, và môi anh lẩm bẩm. Đôi mắt ấy, đôi môi ấy đang tiên tri một điều gì đó qua câu thần chú khó hiểu:

…Nô nô.

…Ni ni.

Ngày… tháng…

Tôi và Lân đến thăm Tám. Bạn tôi khoá trái cửa, anh nói vọng từ trong phòng ra:

- Các cậu về đi. Tuần này, tôi không thể tiếp bất cứ ai.

- Ông giận chúng tôi sao?

- Tôi chẳng giận ai. Xin để tôi yên. Một tuần lễ nữa, tôi sẽ tiếp các cậu.

- Có chuyện gì vậy? – Chúng tôi lo lắng.

- Chẳng có chuyện gì cả. Tôi chỉ cần yên tĩnh một thời gian. Có thế thôi.

Chúng tôi trở về với tâm trạng vô cùng lo ngại. Hay là… hay là… Tám đã bắt đầu điên?

Ngày… tháng…

Người hàng xóm của Tám bảo đã ba hôm nay Tám không hề ló mặt ra đường, vì vậy nỗi lo ngại của tôi và Lân lại càng tăng. Tám ốm, lại không ra đường, vậy ba hôm vừa rồi Tám ăn uống ra sao? Có thể anh ấy đã ốm nặng. Chúng tôi cương quyết gõ cửa phòng Tám, nhưng chẳng thấy tiếng trả lời. Nỗi lo ngại càng tăng, chúng tôi gõ cửa mạnh hơn, rồi thậm chí xô đập cửa, rồi đấm cửa thình thình. Và chúng tôi gọi to: “Tám! Tám”. Vẫn cứ lặng như tờ. Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau. Lân bảo:

- Chắc đã xảy ra chuyện gì.

- Hay là… ta phá cửa.

- Tôi giơ chân đạp mạnh. Đến lúc ấy mới thấy tiếng nói của Tám.

- Này hai anh bạn. Đừng làm ồn ĩ như thế.

Chúng tôi van vỉ:

- Tám đấy ư? Cậu ốm nặng đấy. Hãy mở cửa cho bọn mình.

Bên trong, một tiếng cười ngặt nghẽo của Tám:

- Rõ vớ vẩn! Tớ vẫn khoẻ như vâm. Chẳng sao cả.

- Cậu nói dối. Chúng tớ van cậu… Hãy mở cửa ra… Cậu rất cần bác sĩ lúc này.

- Thôi đi! Quấy rầy! Quá đủ rồi – Tám cáu kỉnh - Đã bảo người ta chẳng làm sao cả.

- Chả sao mà lại nằm lì, đóng cửa phòng ba hôm.

- Người ta cần yên tĩnh. Yên tĩnh! Hiểu chưa?

- Thế… ăn uống ra sao?

- Rất ngon lành. Tớ đã có ba cân bánh mì tẩm đường, sấy khô, và một gánh nước. Lại cả bếp dầu… Lại cả chiếc bô vệ sinh… Tám nói xong cười rúc rích.

Chúng tôi nhìn nhau. Đúng là giọng Tám vẫn sang sảng. Và cũng chẳng thấy dấu hiệu gì là mất trí khôn trong cách đối đáp của anh ta. Tám không ốm thật. Chúng tôi thở phào. Tuy nhiên riêng tôi vẫn nghĩ thầm: “Tay này chưa điên đâu, nhưng ít nhất cũng đang lên cơn gàn, tức là đang mấp mé bên bờ vực của những cơn rồ dại.” Chúng tôi lặng lẽ ra về; trước khi đi chúng tôi còn dặn dò nhờ người hàng xóm trông chừng anh bạn của chúng tôi, và nếu có điều gì khác lạ thì phải báo cho chúng tôi ngay.

Ngày… tháng…

Một sự việc quan trọng đã xảy ra trong chuồng lợn của tôi. Có thể nói, một cuộc cách mạng đang xảy ra ở đấy.

Sự việc đầu đuôi như sau: Hôm nay, nhà tôi có ba chiếc đầu cá mè. Vợ tôi mua được ba cân cá phiếu. Khúc giữa và khúc đuôi dành để người ăn, còn khúc đầu dành phần cho lợn. Bỏ ba chiếc đầu cá mè vào, nồi cám lợn bỗng thơm ngon khác hẳn mọi ngày. Có váng mỡ nổi lềnh bềnh, thậm chí có mùi thơm phức.

Khi tôi đổ cám vào máng, con lợn Bò liền xông ra trước tiên. Nó đã có vóc dáng khoảng chừng bốn chục cân. Nó đã to ềnh, còn lũ ỉn thì đang còn choai choai chỉ khoảng trên hai chục cân mỗi con. Hôm nay có cám ngon, đột nhiên con lợn Bò thay đổi hẳn tính nết. Nó mới ăn được vài miếng thì ba con ỉn mới bắt đầu sục mõm vào máng. Bò ta tức thì hất băng con ỉn lang đứng cạnh, sau đó quay mặt sang phía bên kia để cắn vào tai con ỉn trắng còn đang mải miết ăn. Con lợn trắng kêu ré lên thảm thiết. Lần đầu tiên, con lợn Bò có hành vi hung bạo đến thế. Lũ ỉn bị tấn công bất ngờ, cả ba con thoạt đầu còn ngơ ngác, nhưng chỉ một lát sau cả ba con ỉn đều nhất loạt xông vào đánh lại. Hình như con lợn Bò đã chuẩn bị sẵn trước. Nó đứng lùi vào một góc chuồng để tránh bị tập hậu. Như một võ sĩ nhà nghề đã quen chiến trận, nó nhằm vào con ỉn lang, con ỉn đầu đàn, rồi lao đến như một quả trái phá, cắn vào bụng. Con lợn ỉn ngã chổng bốn vó lên trời. Thế là con lợn Bò thả sức nào cắn, nào nhay, nào húc… Con ỉn Lang cuống cuồng đứng dậy chạy trốn. Con lợn Bò chồm hai chân cưỡi lên lưng con lợn lang, đè bẹp đối thủ, bắt nó phải quị xuống dưới sức nặng của mình. Con Bò cắn gáy con Lang. Con Lang đau quá rít lên rồi rống lên thê thảm như đang bị cắt tiết. Hai con lợn ỉn kia sợ hãi, rúm ró đứng ở xó chuồng cứt đái. Cuối cùng con ỉn Lang, con ỉn đầu đàn cũng thoát được khỏi nanh vuốt con lợn Bò, nó chạy đến bên lũ bạn và run cầm cập.

Đến lúc ấy, Bò ta đĩnh đạc đường hoàng đến bên máng ăn và chén một mình. Nó ăn phè phỡn, thật no thật chán, đến lúc cái bụng căng phình mới đủng đỉnh đến chỗ cái tải khô và nằm xuống, lim dim con mắt.

Lẽ dĩ nhiên con lợn Bò không thể ăn hết cám, bởi vì sức chứa của bụng nó chỉ có giới hạn. Nhưng rõ ràng phần cám của ba con lợn ỉn đã bị con lợn Bò ăn lẹm vào; vì vậy bữa này, sau khi con lợn Bò đã ngủ, ba chú ỉn mới dám lân la đến máng ăn, vừa ăn vừa run và ăn xong thì bụng còn đói.

Tôi sang nhà Lân, thông báo tình hình mới xảy ra trong chuồng lợn. Mắt Lân sáng lên:

- Có thế chứ. Chẳng lẽ con lợn Bò của anh lại là giống hèn hạ. Hèn nào vừa qua, tôi cứ ngờ ngợ.

Rồi Lân sang ngay nhà tôi, anh ra chuồng lợn và tỏ vẻ hỉ hả:

- Thì ra mày là giống tinh ma. Biết trường kỳ mai phục. Giỏi! To xác thế mà thâm. Mày học được cái sách nhẫn nhục của Hàn Tín. Ha ha… biết nằm gai nếm mật. Biết nằm chỗ hôi thối để chờ thời, để chờ cho sức mình đủ mạnh. Và cuối cùng đã choảng cho bọn đối thủ một trận tơi bời…

Tôi lặng lẽ mỉm cười nghe Lân khoái trá đọc bài diễn văn hùng hồn đó. Rồi anh vội vã quay về nhà mình, mang sang một bó rau muống. Anh gật gù:

- Phải thưởng cho nó Hoàng ạ. Nó có liêm sỉ…

- Liêm sỉ? Tôi hỏi nhưng Lân không trả lời, anh vẫn tiếp tục dòng suy nghĩ của riêng anh.

- Rau muống tươi là món ăn ngon nhất có phải không? Nào! Bò vét đĩa! Lại đây tao thưởng. Rau rất non vợ tao mới mua.

Lân tung những ngọn rau xanh muốt lên sàn chuồng xi măng, rồi sáng mắt khoan khoái nhìn con lợn lông vàng xô tới nhai ngấu nghiến nhai rau gau gáu. Lũ lợn ỉn cũng đứng dậy theo, mắt thèm thuồng nhìn những ngọn rau, song chúng vẫn chưa hết sợ, nên chỉ biết đứng thèm thuồng nhìn con lợn Bò đang vênh vang chén bữa tiệc rau.

Ngày… tháng…

Cuộc chiến tranh lần thứ hai lại xảy ra trong chuồng lợn của tôi. Lũ ỉn không cam chịu. Chúng cố sức đánh trả hòng chiếm lại những đặc quyền đã bị con lợn Bò nổi loạn chiếm mất. Cuộc chiến diễn ra suốt ngày, suốt đêm. Thỉnh thoảng lại vang lên tiếng chí choé. Sau đó lại hưu chiến, lại im lặng. Tôi gan lì ngồi trong chiếc ghế bành, hút thuốc lào vặt. Tôi lại áp dụng cách giải quyết lần trước, nghĩa là cứ để mặc cho chúng hục hặc với nhau, để rồi rốt cuộc sẽ tiến tới sự cân bằng. Sẽ có một bên thắng, và một bên chịu lép vế; hoặc nếu sức mạnh đôi bên đồng cân đồng lạng thì sẽ có sự chung sống bình đẳng.

Nghe tiếng lợn ẩu chiến kể cũng buốt ruột, nhưng biết làm sao được. Nhà chật và không có tiền, nên không thể có một chuồng lợn thứ hai để tách đôi chúng ra.

Ngày… tháng…

Đầu, mõm, tai, thân thể của ba con lợn ỉn đều sây sát rớm máu, nhưng chúng vẫn không chịu thua. Chúng vẫn tuyệt vọng chiến đấu. Và đến lúc này thì chẳng còn cần đến những luật chơi nữa. Mọi trò quân tử hão, anh hùng hảo hán, hay chơi đẹp đều bị vứt bỏ tuốt tuột. Lũ ỉn đánh mọi lúc, chơi bẩn, cắn trộm, đánh khi ăn, cắn khi ngủ. Cũng vì vậy nên sự hằn thù của đôi bên đã trở nên rồ dại. Con lợn Bò đến lượt mình cũng quẳng nốt luật chơi… Chính vì vậy nên đến ngày hôm nay, có thể nói, cuộc chiến đã trở nên quyết liệt.

Tôi vẫn ngồi lì bên bàn nước. Cũng đã nhiều lúc tôi định rời bỏ cái lô cốt của mình để ra can ngăn lũ lợn, nhưng rồi tôi lại tự dằn mình ngồi yên. Tôi ngồi yên với hy vọng rằng chiến tranh đến lúc cao điểm nhất tức là đã đến gần doạn chót nhất.

Đến chiều, khi vợ tôi có mặt ở nhà, nghe lợn kêu, cô ta cũng ngồi lì, song đến khi lũ lợn ẩu đả nhau rát quá, cô ta ngơ ngác nhìn tôi, rồi nhấp nhổm định chạy ra chuồng lợn. Ở ngoài, đấy là chiến tranh nóng, còn giữa chúng tôi chắc là chiến tranh lạnh. Tôi đâu phải là gỗ đá; thú thật, tôi buốt ruột vô cùng, nhưng không hiểu có một sức mạnh nào đó đã ngăn cản làm cho tôi bỗng trở nên gan lì. Lúc trước, hoàn toàn do cách lý luận chăn nuôi nên tôi đã ngồi yên. Tôi muốn bằng cách tự nhiên để cho đàn lợn tự thích ứng với nhau đi đến chỗ cân bằng. Còn bây giờ lại là chuyện khác khi có cái nhìn của vợ tôi xen vào, lúc này lại thêm yếu tố tâm lý. Lúc cầm bút viết những dòng chữ này tôi thấy thái độ của tôi lúc đó thật kỳ quái, thật không thể hiểu nổi. Thế mà tôi đã sử sự như thế đấy. Có ai có thể tin rằng khi vợ tôi bịt tai lại để khỏi nghe tiếng lợn đánh nhau, rồi cô ta nhăn mặt đứng dậy, rồi đùng đùng dắt xe ra cửa, thì lúc ấy lòng tôi chợt thấy hả hê không? Thế mà chuyện đó đã xảy ra rồi đấy. Khi tôi rít điếu thuốc lào ròn tan thì lòng tôi chợt chùng ngay xuống. Khi không còn nhìn thấy khuôn mặt của vợ tôi đối diện nữa thì lòng tôi lại thấy buồn tênh. Chao ôi! Thật là nẫu ruột.

Ngày… tháng…

Đêm nay ấm trời. Có lẽ vì vậy nên cuộc chiến trong đàn lợn của tôi dịu đi. Chỉ thấy vài tiếng chí choé không đáng kể. Có thể lũ lợn đã mệt nhoài sau mấy đêm ngày ẩu đả, thấy cần phải nghỉ ngơi lấy lại sức. Và nhân đêm ấm trời, chúng tranh thủ ngủ.

Trời ấm, lòng tôi cũng dịu đi. Tôi ngồi trên chiếc ghế bành cà khổ và lại rơi vào trạng thái miên man suy nghĩ. Tôi chợt thấy thèm viết. Tôi vẫn thường trốn lủi khỏi cuộc sống bằng cách ngồi trước trang giấy. Vợ tôi vẫn bảo: “Anh viết làm gì? Nên vương nên tướng gì? Cũng chẳng ra cơm, ra gạo. Chỉ là hạt cát bụi thôi.” Thì tôi đâu có cãi. Đúng, tôi chỉ là cát bụi. Thậm chí ngòi bút của tôi đã đem lại cho tôi bao oan trái. Tôi hiểu thân tôi là kiếp dã tràng. Nhưng tôi không thể baogiờ cưỡng lại nổi cái ham muốn ngồi trước trang giấy đó. Tôi vặn ngọn đèn dầu cho to lên. Tôi đang làm một công việc kép: Vừa trốn chạy cái eo óc thường nhật, vừa mổ xẻ phanh phui nó ra; cho cái ảo tan loãng vào cái thật; cho những thù hận được thăng hoa thành những hạt châu lóng lánh, cho kiếp nhân sinh bèo bọt phải trở thành linh thánh.

Đêm nay tôi viết một truyện ngắn.

(Còn tiếp)

N.X.K.