Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2018

Nỗi niềm tiếng Việt

Dạ Ngân


Má mù chữ, má không phát âm đúng chữ tê-e-rờ. Vì vậy má kêu Chời ơi chứ không kêu Trời ơi. Những bà bán cá trong xóm cũng mù chữ, rao “Cá gô, cá gô đồng mua hông?” Đám con của má cười ngặt nghẽo “Bắt con cá gô bỏ vô cái gổ, nó nhảy nghe gọt gẹt” (Bắt con cá rô bỏ vô cái rổ nó nhảy nghe rột rẹt). Ba nghiêm giọng “Má con cũng ngọng, tụi con không được trêu đùa người ta, nghe không?” Bà nội thở dài “Dân trong rạch trong luồng mới nói năng đớt đát vậy”.

Ông bà nội gốc Cao Lãnh sông Tiền di cư xuống. Theo ông bà, dân xứ vườn chính hiệu Mỹ Tho, Sa Đéc, Cao Lãnh, Bến Tre… sông sâu nước chảy phát âm chuẩn hơn dân mạn dưới. Học giả Sơn Nam giải thích “Không có gì lạ, miệt vườn của người Kinh hình thành hơn ba trăm năm, họ có văn minh miệt vườn, tức có tri điền và có tây học. Đất cổ thì văn hóa nền tảng sâu, vậy thôi”. Ba chú ý dạy đám con phát âm chuẩn như người miệt vườn nhưng má là dân miệt guộng (miệt ruộng), lưỡi của má không quen nói chuẩn mà má cho rằng nói điệu. Trong nhà có luật bất thành văn: các con phải phát âm đúng, nhưng không được trêu chọc má hay những người “lưỡi cứng” như má!


Hậu chiến, bỗng dưng có đèn xanh cho những người ít học: Cán bộ cần bổ túc văn hóa và bằng tại chức để được cơ cấu! Miền Nam đứt ngang nền giáo dục cởi mở nghe cách phát âm có thể đoán được người đó học đến đâu, thậm chí học ở trường nào. Miền Nam mênh mông, người cũ không đáng tin và người cũ đang tìm cách dứt áo ra đi. Miền Nam chịu cảnh chảy máu chất xám ròng rã. Nhưng sao miền Bắc xã hội chủ nghĩa cũng rầm rộ tại chức? Thì ra, có một cuộc sàng lọc dai dẳng và dữ dội để cho con em thành phần cốt cán lên ngôi. Loay hoay cải cách và tiêu chí lý lịch đã khiến bản thân ngành giáo dục và ngành văn hóa có quá nhiều người dốt nát làm lãnh đạo. Từng có một hiệu trưởng trường đại học mà không có bằng đại học chỉ vì ông ấy cần được ngồi vào đó để tiếp quản!

Nhiều lần truyền hình khu vực của miền Tây phát cảnh phỏng vấn, phóng viên hỏi và người được hỏi đều ở cùng một đẳng kiểu “Bỏ con cá gô vô cái gổ nó nhảy nghe gọt gẹt!” Ông bà nội tự hào văn minh miệt vườn đã ra đi nên không phải thở dài. Các con của má giờ đã thành người già, bỗng phải thở dài. Má cười móm mém “Chiền hình còn nói ngọng, huống chi tao!” Không, má không thắng thế, má vẫn thua nhưng má đã có đồng minh!

Không ai dám nghĩ đồng minh kiểu cá gô gọt gẹt của má giờ phủ sóng cả ở diễn đàn quốc hội, ở giảng đường đại học và khủng khiếp hơn, ở cả môi trường sư phạm, tức nơi đào tạo thầy cô - những người Việt trước hết phải phát âm tiếng Việt cho đúng.

Mỗi khi có tụ tập là người bà nhà văn đều phải làm “cảnh sát tiếng Việt”. Con cái dâu rể và các cháu phát âm cho đúng cho đẹp đi nào! Quá chán. Thi thoảng gặp, bà khó, bà hay để ý, ai mà nói chuẩn và nói đẹp được như nghệ sĩ Thành Lộc mà bà yêu cầu, Việt Hương nổi tiếng với ghế nóng mà vẫn có khi ngọng đớt đó thôi. Bà không chán, bà không chịu chán, bà không việc gì phải chán. Vì “tiếng Việt còn thì nước ta còn”, và người Việt phải có bổn phận viết và nói tiếng Việt cho chuẩn, cho đẹp. Một quốc gia sắp 100 triệu dân, những nhà cầm cân nẩy mực xin đừng đùa với vận mệnh, vận khí và sự tồn vong của dân tộc!

Mọi thứ dường như mất kiểm soát trầm trọng. Người dân lam lũ lo đói lo bệnh lo sinh kế lo tai ương thở còn khó huống chi nói cho đúng, cho đẹp. Viên chức công và tư sở chăm chăm luyện tiếng Anh tiếng Nhật tiếng Hàn chứ tiếng Việt chỉ để nói với nhau, mắc gì phải chuẩn? Và cái “lão gu-gồ” thống trị toàn cầu hào hiệp hết cỡ, sai chính tả ư, không lo, cần gì bộ nhớ bằng não của chính mình! Nhưng gu-gồ có ích khi chỉ có ta với ta, ông ấy không toàn năng khi ta phát biểu trước đám đông, trên diễn đàn, trên học đường, trên sóng và, thậm chí trên bàn nhậu có người nước ngoài mà họ lại nói tiếng Việt đúng hơn, chuẩn hơn ta! Có chết không, có đáng xấu hổ không, thưa người Việt?

Dư luận đang dậy sóng việc một ngài bộ trưởng giải thích về thu phí và thu giá của đám BOT. Họ đã trương biển rồi, nghĩa là đã có những Trạm thu giá… gì gì đó chứ không chỉ là mới nói ở hành lang Quốc hội. Tiếng Việt một phen bị ám sát trắng trợn từ một ngài bộ trưởng sáng láng chứ không chỉ là chuyện tiếu lâm, chuyện đùa. Có thể nào đứng trên mọi thứ để chà đạp thứ tiếng mà người Việt chúng ta đã đổ xương máu ra tạo dựng, xây đắp cùng với hình hài bờ cõi quốc gia hàng ngàn năm nay? Đừng cả vú lấp miệng em, dân dù ngọng hay đớt đều biết các vị đang làm trò, họ biết tỏng tiếng Việt trong thu giá nghe tức cười gần chết!