Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2018

Chỉ là gió trên cánh đồng – Tựa

Đặng Thơ Thơ

Trong hình ảnh có thể có: văn bản

“Mặt trời đã xế dần về phía chỗ cô. Cô đoán nó sẽ không dừng lại mà có ý định đi thẳng vào đêm. Bây giờ cô muốn nhảy múa, hoặc khóc, hoặc dọn dẹp tất cả những nỗi nhớ của mình.” (trích Bản giao hưởng gió của Nguyễn Hoàng Anh Thư)

Chỉ là gió trên cánh đồng – một tuyển tập gồm 32 truyện ngắn và truyện cực ngắn xen kẽ, là tập hợp của những diễn ngôn thơ như vậy. Tác giả vận dụng phong cách huyền ảo và ấn tượng, thiên về cảm giác, tâm trạng, với một ngôn ngữ riêng biệt mang đậm nét thi ca, vì cô cũng là một nhà thơ nữa. Những gì Nguyễn Hoàng Anh Thư viết mang một dấu ấn riêng biệt, không đụng chạm với bất kỳ ai. Cái mới của Nguyễn Hoàng Anh Thư nằm ở cách nhìn và đặt vấn đề, thủ pháp dựng truyện, những suy nghiệm và liên tưởng gây bất ngờ, cách vận dụng ngôn ngữ đậm chất thơ, và trong nhiều truyện, nhất là truyện cực ngắn, một sự tự động phối hợp các thành tố để tạo ra một cấu trúc nghệ thuật tân kỳ. Từ đó truyện đã mở ra những biên độ sâu rộng hơn thế giới chúng ta đang sống.

Thế giới truyện của Nguyễn Hoàng Anh Thư là những câu chuyện và những nhân vật khác thường: một người chuyên đắp mồ mả liên quan đến những con đom đóm hoặc sẽ trở thành đom đóm, chiếc sừng hươu giả làm từ một cành cây khô, một cô gái có mái tóc dày như gai và có thể cô không phải là người mà là tò vò, một “hắn” thèm món canh cá diếc nấu lá vông và câu chuyện những kẻ bị ngộ độc cây vông, trở nên liệt não, mất ý chí kháng cự; một “hắn” khác sống cô độc với giàn gấc, với những câu đồng dao đầy nghịch lý, và nhìn thấy gấc chảy máu trên mặt đất và trong nồi lẩu; một cô gái bị rơi vào chiếc vỏ ốc và chiếc vỏ ốc bị lãng quên dưới gầm tủ, một chiếc phễu là “người quen” của một cô gái bệnh nặng, đến để rủ rê cô vào cõi chết, vv… Cứ thế đi suốt toàn tập truyện, chúng ta gặp những câu chuyện mang tính phóng tưởng, những tự sự tràn ngập cảm xúc, những hình ảnh siêu thực, và những hiện tượng ma mị. Từ đầu người mọc ra những sợi gai, một nhánh hoa nở ra bên hông người, những tàu chuối khô rách bươm biết tự động đan bện và rút sợi từ cơ thể người… những hình ảnh và hành động chỉ có trong những giấc mơ quái dị. Hay trong truyện Người quen trở nên đầy nghi hoặc, như thể nó phải là Người? Quen? mới phả.. Vì nó gợi nên câu hỏi: Có hẳn là “người” không? “Người” như thế nào? Thế nào là “quen”? “Người quen” có phải là trông quen quen nhưng không phải người?

Chất liệu Nguyễn Hoàng Anh Thư sử dụng là thiên nhiên, mùa màng, cây cỏ, hoa, nước, lửa, sâu bọ, và côn trùng. Con người trong truyện chỉ là một phần bình đẳng và luôn tương tác qua lại, đi về, với những chất liệu khác. Con người đồng hiện và tự do chuyển hóa sang các dạng hiện hữu khác của thiên nhiên và thế giới vi sinh. Thiên nhiên và thế giới vi sinh ở đây hàm chứa tất cả những bí ẩn của vũ trụ, những điều nằm ngoài tầm mắt của con người, vĩ mô hoặc vi mô. Con người luôn đứng giữa các thế lực siêu nhiên và thế giới cực tiểu mắt người không thấu đáo. Có thể thấy đây là motif tái hiện liên tục trong tập truyện:

“Có một ngày, nàng ghép được cả một ngôi nhà bằng thứ đất nâu nhão sệt mà nàng cướp của lũ tò vò. Có hôm nàng ngồi chăm chú nhìn chúng xây tổ. Nàng ngồi bất động nhìn hai cái vòi của chúng, thật chăm chỉ và khéo léo. Hôm ấy bàn tay của nàng sưng vù lên. Vài hôm nữa thôi, chúng sẽ tha về vài con nhện thả vào trong ấy. Nàng cảm thấy hài lòng và một khoái cảm từ sự nhức nhối trên đầu mười ngón tay. Nàng sờ lên đầu. Những chiếc gai đâm phọt. Những dòng máu ứ tuôn xuống ào ào. Nàng thấy thật an toàn về mái tóc. Nó vấn quanh màu đất sét như cái tổ của tò vò” (Tóc mây).

Khác với Hóa thân của Kafka trong đó con gián như một tai ương không tránh khỏi và không thể thay đổi của định mệnh, nhân vật của Nguyễn Hoàng Anh Thư tự động xóa nhòa ranh giới giữa con người và những gì không phải người, và họ tự động đổi chỗ tùy thích. Họ tự chọn lựa cho họ:

“Nàng mở mắt. Nàng nghe tiếng nhai ngấu nghiến. Lũ ấu trùng đã nở. Nàng mơ màng như đang nghe hợp âm của những thứ cỏ ngày xưa trên mái tóc dài phủ mượt. Chúng vi vu màu xanh, màu xanh nhạt, màu vàng úa, màu nâu hổ phách như cánh tò vò. Chúng đã nằm trong cái tổ đất. Đã lâu, chúng không có ánh sáng.

***

Nàng nhìn chúng, lũ ấu trùng, chúng li ti và có khuôn mặt như những đứa bé bầu bĩnh. Nàng khóc và đưa tay vuốt lại mái tóc.

Nàng thức dậy thấy mình nằm trong ngôi nhà có hình chum.” (Tóc mây)

Quá trình chuyển hóa đa chiều giữa con người và thế giới vi sinh đến do ý thức về những mâu thuẫn đã xảy ra ở thế giới loài người. Nhiều điều đáng thất vọng về con người đồng loại đã xảy ra ở mức độ gây chấn động:

“Thành phố, thật mới, đối với nàng. Chấn động đầu tiên là những đôi mắt ngó nhìn nàng. Nàng thấy như nó chấn động cả mặt đất dưới nàng đang đứng. Nó đang nứt. Nàng thấy sự vị tha và cao thượng nàng mang lên từ quê bị tuột xuống những đường lằn hun hút.” (Tóc mây)

Và: “Chúng tôi chỉ hoàn toàn bất lực từ thiên tai, và từ những con người ngu xuẩn bị mù màu, họ không nhận ra màu xanh từ chiếc lá, và họ cũng bị mù mùi từ chiếc mũi, ví dụ như họ không hít được sự trong lành từ dưới những tán cây.” (Câu chuyện từ vòm cây mất ngủ)

Quan hệ của con người với thiên nhiên đã thay đổi, như trong Câu chuyện của những hạt cát:

“Một trận bão hến đã ập vào đường chân trời của chúng tôi.
Ngoại tôi bảo: "Hến nhiều thế thì sắp đói to đấy".

Hôm sau cửa biển ngoài đường chân trời đã bị lấp lại. Chúng tôi đã bị mắc kẹt lại đó không trở về được nữa. Gió nghẹt đứng trên hàng tre chẳng nghe tiếng chúng tôi cầu cứu. Chúng tôi hét nhưng gió chẳng nghe thấy gì:

-Chúng tôi ở đây… chúng tôi ở đàng này…!

Ngực gió vô hồn, chúng tôi đang thở thật khó nhọc. Trái tim dường như đã chật. Những xác hến trắng phau trôi tấp thành từng mảng. Những cơn cuộn dòng xám ngắt.” (Câu chuyện của những hạt cát)

Trước đó, những đứa trẻ trong truyện đã đến tận đường chân trời trong một buổi chiều mùa hè. Tác giả đã dùng thiên nhiên để dựng nên một cảm thức không gian khác thường, ở đây là một trận bão hến và việc bị mắc kẹt ở đường chân trời. Đứng ở đường chân trời, có vẻ như con người ở ngay vị trí trung tâm đất trời, nơi chia đôi đất trời rạch ròi. Nhưng vị trí trung tâm ấy không có thật, chỉ là một dấu mốc luôn di động, một khái niệm do con người tạo ra. Và họ đã mắc kẹt ở đó không trở về được nữa, mắc kẹt trong chính khái niệm họ tạo ra! Tất cả những truyện của Nguyễn Hoàng Anh Thư đều là một sự nhìn lại và nghĩ lại về cấu trúc thế giới và tâm thức con người bị tác động bởi các hệ thống quyền lực. Và cách nghĩ đó phản ảnh một hiện thực vô cùng buồn bã, về thế giới của Những kẻ bị đánh cắp gương mặt, những Người cô bị điên, những người làm cho đến chết vẫn không đủ sống (Đồng dao), hay ở những Buôn làng buồn khi con người bị tước đoạt dần mòn môi trường sống:

“Tôi đã thấy tất cả mọi thứ trong màu đen bởi mặt trời ở đây lặn sớm vào buổi sáng. Bức tượng kia thật là đối xứng hoàn hảo: đôi mắt, đôi vú, đôi tay, đôi chân trên một cái cọc gỗ. Tôi nhìn thấy những bông hoa ở đây mọc thẳng đứng, những ngọn núi được cắt đồng đều nhau và một dòng sông không bao giờ đổ.”
Cách nhìn hoài nghi và bi quan về sự tha hóa của con người:

“Nhưng cuộc sống hiện tại đôi khi khó vượt qua khỏi màng bụi máu, và đôi khi cô phải cúi mặt xuống. Do đó có thể cô không biết ai là người” (Đọc báo).

Theo một logic của liên tưởng mà Nguyễn Hoàng Anh Thư thường sử dụng, việc “không biết ai là người” đã đẩy các nhân vật đi vào thế giới vi mô của sâu bọ và cây cỏ, với hy vọng tìm thấy “người quen”. Việc hóa thân vào ve sầu, tò vò, hay những loài hoa kỳ dị (Đại tướng quân, Hoa vông) là một cách thoát ly khỏi giới hạn thực thể để tìm ra những khả thể mới cho câu hỏi về hiện hữu. Đó là hành động con người tự ly tâm khỏi vị trí trung tâm điểm của vũ trụ để bắt đầu hành trình nhìn nhận lại chính mình. Quá trình nhận thức này dẫn đến nhu cầu sử dụng một chất liệu mới, một hình thức nghệ thuật mới, để thể hiện. Điều tác giả muốn nói đòi hỏi một thứ mỹ học khác, phổ quát hơn, không bị đóng khung trong lãnh địa quốc gia hay chủng loại. Điều muốn nói cần tìm ra một mặt bằng chung để những không gian khác biệt có thể cùng đồng hiện. Nguyễn Hoàng Anh Thư dùng thủ pháp huyền ảo kết hợp với ngôn ngữ ấn tượng để tự do đi lại trong sáng tạo, băng qua các biên giới, và nếm trải tất cả kinh nghiệm sống bằng tưởng tượng, khai phá, và tiếp nhận. Tưởng tượng sáng tạo của Nguyễn Hoàng Anh Thư đưa người đọc vào những trò chơi khác, những cuộc du hành khác, ly tâm khỏi quỹ đạo, đứng ở một chiều không gian khác để định lượng lại bản chất của chủng loại người. Trong truyện chớp Lò bát quái, tất cả mọi giá trị của xã hội loài người sẽ phải ném vào lửa bát quái. Lửa tượng trưng cho những đam mê dữ dội, hơn rượu mạnh, hơn mọi chất gây nghiền:

“- Đây là lò bát quái của Thái Thượng đấy, mày đừng lo, nó sẽ đỏ mấy tỉ năm nữa, không hết lửa đâu - tiếng từ trên cái miệng lò vọng xuống.

Hắn cảm thấy yên tâm. Hắn ôm lửa và mặc sức nghiền nó thành những thứ bột li ti siêu nhỏ, đến nỗi hắn không thể nhìn bằng mắt được. Hắn nằm thẳng tay thẳng chân khoan khoái hít cái mùi bột ấy. Hắn định sẽ ở yên vị trong cái lò này khoảng mấy trăm năm nữa.

- Linh đan đâu, đã có chưa?- có tiếng người nói ở ngoài.

Hắn mơ màng chực tỉnh. Người ta đang luyện cao người.” (Lò bát quái)

Cao người ở đây cũng dễ sợ như món lẩu gấc- lẩu máu của những người khốn cùng trong truyện Đồng dao. Nguyễn Hoàng Anh Thư quan tâm đến cách con người ăn uống, thái độ của họ đối với việc nhai nuốt và hưởng thụ, như thú tính, trong Bữa tiệc ngoài trời, Nướng vị giác, hay Buôn làng buồn. Cách cô dị ứng với những giá trị mang tính bầy đàn của xã hội và cách cô tưởng tượng ra những giá trị khác trên tiêu chuẩn nhân bản, tất cả tự thể hiện qua toàn tập truyện. Người quen trong Chỉ là gió trên cánh đồng vì vậy cũng là người đọc, hoặc đồng cảm với tác giả, hoặc đã quá “quen” với chuyện “luyện cao người” và trở nên vô cảm (nếu muốn tỏ ra hoài nghi cay độc). Những điều viết ra trong tập truyện Chỉ là gió trên cánh đồng đến từ tâm hồn cực kỳ phản cảm với cái ác, sự tham lam, sự vô tri, và những bất công xã hội. Tâm hồn ấy cũng vô cùng nhạy cảm với vẻ đẹp của thiên nhiên, nhân loại, mọi sinh vật, và niềm tin vào khả năng vượt thoát của con người. Những truyện thành công nhất trong tập truyện đều thể hiện tinh thần này. Cô gái trong truyện ngắn Người quen cuối cùng đã thoát khỏi cái bẫy êm ái quen thuộc, quen thuộc như thể “đã đóng từng vòng tròn vào nhau, từng đốt sống, từng thời gian vào nhau,” quen thuộc như một phiên bản đồng dạng của chính mình. Những cặp song hành cô gái-cái phễu trong Người quen hoặc thuyền giấy-bóng đèn trong Mộng du, một cách nào đó trong tâm thức hay tiềm thức sáng tạo của Nguyễn Hoàng Anh Thư, đã soi rọi một cách rất thơ (trẻ) trò chơi ly tâm khỏi quỹ đạo để nhìn thấy cái bóng của chính mình vẫn còn đang quay cuồng trong cơn bão.

“Một ngày nó nhận được một gói quà màu nâu cánh gián với chiếc nơ thắt ruy băng màu vàng rất tuyệt. Nó mở ra: màu đỏ của hộp mứt dâu tây, một quyển sách và một cái bóng đèn quả dâu bằng pha lê trong suốt. Chúng được quấn quanh bằng giấy mềm thật cẩn thận. Một mảnh giấy nhỏ ghi vỏn vẹn: hướng dẫn sử dụng bóng đèn ở trang 68.

(…)

Rất vội vàng, nó giở quyển sách, từng tờ từng tờ, đến trang 68: nghệ thuật gấp thuyền giấy. Thuyền giấy và bóng đèn? chúng có liên quan gì nhau cơ chứ? Bóng đèn tỏa sáng và đẩy lùi những suy nghĩ ám ảnh đen tối trong đầu nó. Còn thuyền giấy? Nó đọc xuống trang: "thuyền giấy có thể đi xuyên và lệch so với quỹ đạo, sẽ mang lại cho bạn cảm giác đi qua các chu kì nước trên bề mặt của cuộc sống.” (Mộng du)

Để đến được tận đích, con thuyền phải đi lệch so với đường chuẩn của quỹ đạo. Một nguyên lý của sáng tác chăng? Tất nhiên, truyện ngắn, như mọi sáng tác hư cấu khác, luôn luôn là một giả định. Nên để những diễn dịch thả lênh đênh trên dòng nước. Ở đây, những giấc mơ, suy tưởng, và diễn ngôn đã hòa nhập thành một dòng chảy êm thuận. Khởi đi tập truyện đầu tay này, những chiều không gian mới sẽ mở ra, những cảm thức nghệ thuật mới sẽ hình thành, và con thuyền giấy chở đầy chữ sẽ còn đi tìm những quỹ đạo rộng hơn, trong và ngoài cuộc sống. Tại sao? Vì đó là điều chỉ văn chương, và duy nhất văn chương, có thể nói lên, về một thứ logic huyền ảo khác.