Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 14 tháng 5, 2018

Thơ Việt từ hiện đại đến hậu hiện đại (kỳ 21)

Inrasara


ĐẶNG THÂN

Sinh năm 1964, hiện sống và làm việc tại Hà Nội.

Thơ tiếng Việt đã đăng trên các báo, tạp chí trong và ngoài nước: Người Hà Nội, eVăn, Văn chương Việt, Văn nghệ sông Cửu Long Online, Tạp chí Thơ, Thơ Tân hình thức, Hợp lưu, Tiền vệ, Gió-O, Da màu… và các tuyển tập: Blank Verse – Thơ không vần, Tuyển tập Tân hình thức, Tuyển tập Tiền vệ I, Khoan cắt bê tông, Có jì dùng jì – có nấy dùng nấy.

Thơ tiếng Anh đã đăng trên các tạp chí Wordbridge, The Writers Post… và trong các tuyển tập The Colors of Life, The International Who’s Who in Poetry.

Tác phẩm đã xuất bản:

- Truyện ngắn trên trang Web (in chung), NXB Văn Học, Hà Nội, 2006.

- Ma Net, NXB Văn Học, Hà Nội, 2008.

Các tập thơ (chưa xuất bản):

1. [phô] phố, (2004 – 2008)

2. TỪ ĐIỂN THI X/X LOẠI [chúng sinh], (2005 – 2008).

3. Thơ phụ âm, (2008 ~)

Thơ tuyển

Mùa Tết

Hạ Huế

Bờm

Đặng Đình Hưng [the "Dada" Bird]

Đặng Mậu Lân [the Đađa-ist]

Phụ âm [Âm đạo hệ khoa lão mẫu thân tử]

ĐẶNG THÂN KHAI MỞ DÒNG THƠ PHỤ ÂM VIỆT

Ngạc nhiên là khởi đầu của suy tư triết học.

Ngạc nhiên và đặt câu hỏi, nhà tư tưởng đẩy đến tận cùng vấn đề cần truy vấn. Còn ai suy tư cái đã được suy tư? Heidegger đã đặt câu hỏi về Tính thể (Sein, Être, Being) như thế. Chuyện ai cũng tưởng đã biết rồi và, ai cũng có thể nói được, góp lời được, nhưng chưa ai suy tư lại. Tại đó, khởi đầu hành trình tư tưởng Heidegger(1).

Đứa trẻ cũng ngạc nhiên, ngạc nhiên và hỏi các câu hỏi ai cũng biết rồi. Ờ, thì trẻ con, lớn lên xíu là chúng hết ngạc nhiên. Nhưng thi sĩ, cùng là nòi ngạc nhiên về cái chưa biết, về sự mới lạ, mới lạ cả những điều đã quen thuộc, sự việc và sự vật thường nhật. Giữ và dưỡng nuôi được ngạc nhiên lâu dài hay không, là vấn đề của mỗi thi sĩ.

Trong một bài viết, tôi có nói Việt Nam thiếu truyền thống triết học, ta cũng chưa sẵn sàng cho truyền thống đó(2). Chúng ta dạy nhau làm việc theo và nói theo, suy nghĩ (hoặc chẳng suy nghĩ gì cả) theo và sống theo. Khi đã thành tín đồ “theo-ism” thì chúng ta hết có “tại sao?”. Hết tại sao thì đứt bóng sáng tạo. Sáng tạo như là sáng tạo.

Đặng Thân đã rất khác!

Làm thơ, anh đặt câu hỏi về điều lâu nay chưa ai đặt câu hỏi, cả các nhà thơ lớn, ít ra là ở Việt Nam. Về một chuyện rất nền tảng: kĩ thuật, ở một khía cạnh rất nhỏ tưởng như chẳng có gì đáng đặt câu hỏi: phụ âm.

Từ nhỏ tôi thường thắc mắc là sao xung quanh mình cứ hễ nghe đến thơ là bài nào cũng vang lên những vần vè của nguyên âm. Câu/ bài thơ nào cũng như thể được sự biên tập của một bậc thầy duy nhất nào đấy trong một khuôn phép “độc nhất vô nhị” nào đấy.

Những vần vè tràn khắp như một thể chế “độc quyền”, phản ánh một nền thơ “độc tài”. Những vần vè tràn lấp đến mang tai. Dường như không có nó thì thơ không còn là thơ nữa.

(Thơ phụ âm (Alliteration) [& tôi], chưa xuất bản)

Tại sao người Anh đã sử dụng thi pháp lặp lại phụ âm đầu từ hơn ngàn hai trăm năm trước, còn dân Việt thì không? Đặng Thân đặt câu hỏi, Đặng Thân truy vấn nguyên do, sục vào kho thơ ca tiếng Việt lẫn thơ tiếng Anh để trả lời cho tại sao của mình và,... thực hiện các bài thơ phụ âm đầu tiên trong/ cho tiếng Việt.

Xao xuyến & Sung sướng

Xốn xang chuột rúc xục xùng xung

Náo nức nôn nao thị não nùng

Sinh kí tử quy sao sồn sột

Mõ mòng mồng mộng giấc mung mung

*

Bôi bác chi bớ những bà bác ba bốn bự

Cự nự gì các chàng hang cau có cay cú du côn

Dáo dác mặt dơ dung dăng dãi dầm dâm dật lù dù

Đụ má mày đu đơ đù đờ đảo điên đần độn đứng đắn

Xao xuyến xôn xao

Gầm gừ gạ gẫm kiếp người nơi gừ gào thét gắt gao

Hung hăng bọ xít hôn hít hụt hịt

Dằng dặc gót giầy dẫm giẫy

Kêu như cha chết kền kệt kèn kẹt

Sung sướng sồn sồn

... Trộn trạo lao xao tráo trở trụt trịt mờ trông tròng trành đất trời trệu trạo

Vênh vang vớ vẩn vồn vã cả vú lú mề vội vàng vơ

Xào xáo xà bông xà beng xà xẻo xài xể xàm xỡ xàng xê xành xạch xao xác xào xáo xăm xỉa xầm xì xây xẩm xấc xược xề xệ xoắn xuýt xắc xô

Zero

Sung sướng làm sao...

Xao xuyến xốn xang xâm xấp xuống

Sung sướng sục sôi sụt sỗ sàng

(Thơ phụ âm (Alliteration) [& tôi], chưa in)

Chớ vội kêu lên có hay ho gì đâu mấy ngữ đó. Đúng. Cả người viết bài này cũng chẳng thấy nó “hay”! Hãy hiểu rằng đây là thử nghiệm đầu tiên của một tác giả qua hơn mười năm làm thơ nhưng chưa cho ra mắt tập thơ nào. Thật bất công, khi đòi hỏi thơ phụ âm hay ngay bước khởi đầu chập chững. Hơn nữa, độc giả hôm nay hoàn toàn chưa chuẩn bị “tâm thế thơ” để đón nhận nó. Hãy chú ý nhịp điệu của những chữ, của những phụ âm đầu lặp lại liên lỉ, sẵn sàng lặp lại lần nữa, làm trương nở và phá vỡ cấu trúc câu/ đoạn thơ; khiến bài thơ ngập tràn âm thanh, gai góc mà bay bổng. Chúng ta chưa giã từ thói quen thưởng thức thơ theo lối cũ. Đặng Thân đã trải nghiệm gần như đủ loại thơ. Từ thơ cổ điển đậm đà bản sắc dân tộc, thơ “vay mượn học đòi”, cho tới những sáng tạo khác của anh về thơ “vô thức”, thơ “âm thanh”, thơ “phá chữ”. Và không phải nó không có “nội dung” và không hay.

Đặng Thân của [Phô] Phố đưa cái nhìn soi rọi vào hiện thực cuộc sống thủ đô đổi mới, xô bồ, nhếch nhác và hỗn độn. Hỗn độn từ kiến trúc đô thị đủ loại đủ kiểu trồi sụp đến cách bài trí con đường, ngõ phố; vô trật tự từ số nhà đến lối làm ăn buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, nhếch nhác từ tổ chức lễ hội truyền thống hay hiện đại, từ ngôn ngữ hàng ngày cho đến cách yêu đương,... Tất cả chỉ để biến Hà Nội thành “hạ lội”. Một “hạ lội” không mang tính khái quát như ở Phan Nhiên Hạo: “biến ngôi làng của mình thành một thủ đô/ Một thủ đô được yêu mến bởi những người nước ngoài/ nhưng hãy còn xa lạ với nhiều người Việt Nam khác(3), mà là một Hà Nội rất cụ thể, thân thuộc và đầy thương mến nữa. Hà Nội của hàng việt nam chất lượng cao, những siêu nhân king kong spidermen, trẩy hội chùa phất phơ bóng cà sa khói loang hàng mã, đường đê dài thảng thốt tower cao vút xa phố nhòa; Hà Nội của ngày cuối đông sặc sỡ phố trần nhân tông muôn mầu áo phủ náo nức mẹ chen em chen con chen nó chen, em thiền tưng tưng bừng bừng nứng có những con tim bứng những con chim cứng hồn nhiên lạ; Hà Nội của:

máy lạnh ngan ngát mùi Hoa Kỳ ngày nóng cực lôi tuột vào những nửa tạ thịt nừng nực những kẻ sành điệu con hàng hiệu viêm tiết niệu có thể đang theo vật lý pháp liệu với một tên physio-the-rapist nào đó

gà phơi lườn phô đùi sần sùi trườn đến để phơi phô

(“KFC”, [Phô] Phố)

Sau [Phô] Phố, Đặng Thân chuyển qua Từ điển thi x/x loại [chúng sinh], làm thơ phác họa chân dung các văn nghệ sĩ, xưa và nay, trong hay ngoài nước, với những nét vẽ khác lạ. Là lối chân dung hậu hiện đại. Nó không theo kiểu họa long điểm nhãn cổ điển, cũng không khắc họa bằng nhát cắt bén ngọt khiến đối tượng vừa tưng tức nhưng vẫn phải cười mếu như các chân dung của Xuân Sách về các nhà văn nhà thơ cùng thời với ông. Vì nó quá trúng, không cãi vào đâu được. Chân dung của Đặng Thân khi thì đầy tràn tri thức: “Lý Thường Kiệt & bài thơ thần”, “James Joyce”, khi thì chỉ nhấn vào huyệt đạo tư tưởng nghệ thuật hay hành động trí thức của nhân vật: “Đặng Đình Hưng”, “Cao Bá Quát”, “Gao Xingjian”, “Nguyên Ngọc”. Đôi lúc Đặng Thân chế ra tên nhân vật để tránh sự cãi cọ vặt vãnh không cần thiết trong nỗi đời, nhưng vẫn phác được nét chính của chân dung: P.F, Phàn Cái, Cao Ba Nhá,... Các chân dung tinh nghịch, bỡn cợt, “đánh” mà không chút ác ý. Từ điển được xếp theo vần (đương nhiên) và, oái ăm thay, mục “Lồn” nằm chung mục với “Lý Thường Kiệt & bài thơ thần”, do đó chất humor được đẩy lên cao hơn. Tinh thần giải thiêng của hậu hiện đại được đảm bảo, nhưng không vì thế mà người đọc đánh mất sự trân trọng với vị anh hùng dân tộc.

Từ điển thi x/x loại [chúng sinh] tiếp tục làm cuộc giải minh, phản biện và gợi mở các hiện tượng văn hóa - văn chương. Đặng Thân lật tung phần chìm, bề tối của câu hỏi để đặt lại vấn đề tưởng đã giải quyết đâu đấy. Anh xáo độn tiếng Việt, từ Hán Việt, tiếng Anh vừa bình dân vừa bác học khiến người đọc rối mò lên, nhưng rốt cùng bài thơ cũng đã tìm được lối ra, vừa thanh thoát vừa bất ngờ.

Vấn đề “Lồn & Húy” hay “Jái” chẳng hạn. Người đọc được tác giả cung cấp nhiều thông tin, thông tin đa chiều, khá thú vị. Hoặc chuyện “đơn thuốc cho thi ca” qua việc luận giải hai câu thơ của Tú Xương.

... văn chương thì lại càng hơn lúc nào hết phải thoát khỏi cái tình trạng “tam đại tiện” (là 3 cái đại đê tiện của người cầm bút; xin đừng nhầm với đại tiện/ỉa là việc thiết yếu/sung sướng với mọi con người lành mạnh, là 1 trong “tứ khoái”) là: nhạt như thể đang là nghề chính của bọn bán ốc luộc (úng thủy – tượng gian nan, hiểm trở); suốt ngày cúng cụ như bọn bán vòng hoa, hương, vàng mã và cờ phướn (hỏa quá vượng nên nặng về lễ nghĩa xằng), dốt nát như bọn buôn hũ (thổ trung hỏa/hỏa nhập vào lòng đất thì là tượng của quẻ Địa Hỏa Minh Di – tình trạng đau thương, ngu tối, điên dại, gẫy đổ, nát bét). Tức là phải làm làm sao để cho độc giả luôn được vừa bốc lửa vừa chẩy nước! Nếu không thì viết làm gì.

Như thế mới được quẻ Thủy Hỏa Kí Tế. Tế là vượt qua sông, là nên; kí tế là đã vượt qua, đã nên, đã thành. Quẻ này trên thủy dưới hỏa, Lửa có tính bốc lên mà ở dưới nước, nước thì chảy xuống, thế là nước với lửa giao với nhau, giúp nhau mà thành công. Cũng như nồi nước để ở trên bếp lửa, lửa bốc lên mà nước mới nóng, mới sôi được, để thành công dụng cho đời.

Như thế thì dù là “đơn thuốc” hay “văn chương” cũng đều phải trọng dụng thủy hỏa vậy.

(“Tú Xương & sai lầm chết người trong văn chương”, Từ điển thi x/x loại [chúng sinh], chưa xuất bản)

Người đọc có thể đọc nó như đọc một tiểu luận, hay như một bài thơ cũng được, không vấn đề gì cả!

Nhưng thơ phụ âm mới là thứ lôi cuốn anh, đang quyến rũ anh. Loại thơ gần như thuần tuý mang tính kĩ thuật. Đây là một ý niệm mới và quan trong. Thơ phụ âm của Đặng Thân sẽ đặt dấu ấn riêng trong tiến trình thơ Việt. Nó mở lối, và điều chắc chắn là sẽ có thi sĩ nối gót nó. Không phải giẫm lên lối mòn nó vừa đi qua mà là, từ những gì nó đã gợi hứng, gợi mở.

Sài Gòn, 28-1-2009

________________________

(1) Martin Heidegger, Phần khai đề chưa đầy một trang in của tác phẩm thời danh: L’Être et le Temps, bản dịch của Rudolf Boehm và Alphonse de Waelhens, Gallimard, France, 1964, p. 13; bản Việt ngữ của Trần Công Tiến Hữu thể và Thời gian I & 2, Quê hương xuất bản, 1973, tr. 1, là cực kì quan trọng. Nó mang tính quyết định cho cả hành trình suy tư của Heidegger.

(2) Inrasara, “Giải Nobel cho văn chương Việt Nam, tại sao chưa?”, Vietnamnet, 10-10-2008.

(3) “Hà Nội 1”, Chế tạo thơ ca, NXB Văn, San Jose, Hoa Kì, 2004.