Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 1 tháng 5, 2018

Thơ Đào Như

CHÙM THƠ BA MƯƠI THÁNG TƯ

hay là

CHUYỆN CỦA BA NGƯỜI LÍNH

1- Người chiến binh về thăm nhà

(Từ câu chuyện người bệnh nhân kể lại ‘chuyện nhà’ của anh)

Cuộc chiến vừa tàn.

Sau ba muơi năm

Người chiến binh về thăm nhà…

Nói đi anh

Sao anh đứng lặng yên như núi Cà Đú? (1)

Ngôi nhà xưa như ngôi mộ cổ

Cột kèo xiêu tán,

Mái ngói âm dương cỏ mọc rêu xanh.

Có những đêm mưa thật sâu

Có những đêm đen vô cùng

Đi qua căn nhà này

Đi qua cõi lòng của Mẹ…

Cha đã về nơi vĩnh hằng

Mẹ còn ngồi đó đợi anh ba mươi năm…

Mẹ lẫn.

Mẹ không còn nhìn ra anh nữa.

Nghe tiếng anh mẹ sờ soạng… mẹ khóc.

Anh ngước nhìn trời.

Trời xanh thăm thẳm.

Anh nhìn chung quanh cỏ cây vẫn vậy.

Phan Rang vẫn nghèo.

Xóm Động vẫn buồn, như thuở anh đi…

Dừng chân với mẹ được vài ba ngày.

Anh tôi lại lên đường làm nghĩa vụ người lính

Cuối năm 80

Có người đến nhà cho hay: “Mẹ là Mẹ Liệt Sĩ ”

Anh tôi đã hy sinh tại chiến trường Campuchia

Mẹ kinh hãi

Mẹ khóc

Đêm hôm đó, mẹ ngủ.

Giấc ngủ an lạc – Giấc ngủ nghìn thu…

Từ đó anh tôi không còn về thăm nhà nữa,

Anh vĩnh viễn ở lại Campuchia

Anh đâu có hay,

thằng em của anh,

vượt biên thuở ấy,

bây giờ là

“Lão già mỏi mệt

Đang loay hoay quờ quạn tìm một chỗ nằm

Nơi đại lục xa xăm”. (2)

(1)- Núi Cà Đú phía bắc thị xã Phan Rang.

(2)- Thơ của Võ Phiến, Bé Bồ Dịch

2- Người lính vừa đi xa

Vong Linh Tướng Ngô Quang Trưởng

Đại bàng vừa gẫy cánh

22-Giêng-2007

Người lính khóa 4 Trừ bị Thủ Đức

Sau hơn ba mươi năm lưu vong ở Mỹ

Anh từ chối mọi thứ huân chương

Anh từ chối mọi nghi lễ an táng

Ngay cả lá cờ phủ trên quan tài anh

Anh từ chối cả quá khứ

Quá khứ đau thương

Quá khứ sai lầm

Quá khứ phản bội

Anh muốn ra đi trong sự lãng quên

của lịch sử, của đất nước

Như lúc anh còn sống

Anh đã nhiều lần tự quên mình trong chén rượu…

Anh

Người lính

Của Vùng I Chiến thuật

của núi rừng Trường Sơn bạt ngàn

của đèo Cả - Hải Vân

Sóng biển Thái Bình Dương gầm thét dưới chân anh

Hết rồi

Những tháng ngày bão tố

Bay trên vùng Trị Thiên

Mây trời Ai Lao…

Anh ra đi

Có tiếng sóng Phá Tam Giang tiễn đưa

Gào thét gọi tên anh

Có người lính già ở tận quê nhà

Thắp nén hương khấn nguyện

Thầm gọi tên anh

Trong cõi âm u

Trong bóng tối của lịch sử.

3- Đoản khúc 30-4

Anh thăm nhà về. Anh nằm ngủ. Hai tay úp trên ngực. Giấc ngủ thanh thản. Nét mặt phong trần. Chị ngồi cạnh Anh. Chị khâu khuy áo – áo trận màu chàm, Anh vừa mang về, sau gần 30 năm bỏ lại tại quê nhà, Chị vẫn còn ngửi thấy mùi mồ hôi của Anh, Chị cảm động. Áp áo vào lòng, Chị thổn thức.

Vâng, Chị đang ngồi bên cạnh Anh đang ngủ. Sao Chị vẫn nhớ Anh. Chị nhớ Anh ở cuối trời xa…

Năm 64 vừa tốt nghiệp quân trường Thủ Đức, Anh được ném vào trận Bình Giã. Những ngày đó biết bao là thử thách, xót thương. Chị quay quắt nhớ thương chồng. Rủi ro người không về thì sao?

Nhưng là trai thời loạn, Anh vẫn hiên ngang, vượt muôn ngàn sóng gió. Với chiếc áo trận này, Anh lội suối băng ngàn, những năm tháng ở Đồng Tháp Mười, U Minh Thượng, U Minh Hạ, Tết Mậu Thân ở Huế, A Sầu, A Lưới, Mùa Hè Đỏ Lửa ở An Lộc, Đại Lộ Tử Thần, Cổ Thành Quảng Trị. Trong chiến dịch Lam Sơn 719, với chiếc áo trận này Anh dẫn các toán viễn-thám vào tận Tchépone…

Những lúc ấy, Chị biết rõ nỗi lo canh cánh bên lòng anh là Chị, người vợ ở hậu phương. Những thư Anh viết cho chị từ KBC, những thư viết trên thùng đạn, những bức thư tràn đầy yêu thương, không có màu khói kửa chiến tranh, không có chết chóc hận thù. Đối với Anh đời chiến binh thắng bại là chuyện thường. Điều quan trọng là ta có thể làm gì cho lịch sử?

Sau 30-4-75 Anh trở lại vùng binh lửa Anh đã từng đi qua với thân phận người tù cải tạo. Những địa danh An Dưỡng, Suối Máu, Kà Tum, Bù Gia Mập, Vườn Đào, Phú Quốc, Chí Hòa, Đồng Tháp, Lý Bá Sơ, Cổng Trời, Bắc Thái, Hoàng Liên Sơn, Lào Kai… Những trại tập trung, những nhà tù cải tạo, khi nhắc đến đau lòng cho những ai yêu nước. Hơn 10 năm trong lao tù cải tạo, những ngộ nhận, nhầm lẫn, những hận thù phi lý chồng chất… không ngừng đổ xuống trên thân phận của muôn vàn chàng trai yêu nước.

Chị ôm chiếc áo, siết chặt vào lòng, Chị nức nở.

Anh giật mình, thức giấc:

Ồ! Em làm gì vậy? Chiếc áo ấy cũ xưa quá rồi. Em khâu lại làm gì. Thời thế đã thay đổi rồi. Không còn ai muốn mặc những cái áo nặng nề như vậy nữa đâu.

Chị vẫn cúi xuống yên lặng

Anh đến ngồi bên chị.

Em khóc!

Anh ôm vai chị

Anh thều thào:

Chiến tranh mà em…

Dù sao nó cũng qua rồi.

Chicago, 4-2000

Để đánh dấu một thiên niên kỷ mới