Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 30 tháng 5, 2018

SEMINAR: NGUYỄN VĂN VĨNH LÀ AI? Một suy ngẫm về thành tựu nghiên cứu Dân tộc học

Đơn vị tổ chức: Nhà xuất bản Tri Thức
Chủ trì: GS. Chu Hảo
Đơn vị phối hợp: HopeLab. Tham luận: Đăng Thành
Thời gian: 13h45 – 16h30, thứ 6, ngày 08/06/2018
Địa điểm: Tầng 3 – Toà nhà VUSTA 53 Nguyễn Du, Hà Nội
Timeline:
13h45 - 14h05: Check-in
14h05 – 14h30: Giới thiệu chương trình – Trần Đăng Dương
14h30 – 15h30: Tham luận: “Nguyễn Văn Vĩnh, nhà dân tộc học - Một đánh giá" - Đăng Thành
15h30 – 16h30: Thảo luận
(*) Chú ý: vào cửa tự do
(**) Thông tin diễn giả: https://dangthanhsite.wordpress.com/
Nguyễn Văn Vĩnh là một nhân vật lịch sử, hiện gây nhiều tranh cãi, cần thiết được nghiên cứu rốt ráo. Ông là con người tài năng, có thành tựu trong nhiều lĩnh vực. Nguyễn Văn Vĩnh nồi tiếng với tư cách nhà làm báo, nhà viết báo, dịch giả thời Pháp đô hộ.
Ngoài ra, Nguyễn Văn Vĩnh là một nhà dân tộc học với những công trình nghiên cứu đăng trên tờ L’Annam Nouveau (Nước Nam mới). Việc đánh giá những công trình nghiên cứu của ông góp phần xác định những đóng góp, đồng thời hạn chế của Nguyễn Văn Vĩnh, từ đó minh định chuyên môn của Nguyễn Văn Vĩnh.
Do hạn chế của bản thân, chúng tôi chưa thể khảo sát tất cả những công trình Nguyễn Văn Vĩnh đã đăng trên tờ L’Annam Nouveau (Nước Nam mới) mà chỉ sử dụng những tiểu luận được dịch trong: Nguyễn Văn Vĩnh (nhiều người dịch), Lời người Man di hiện đại: Phong tục và thiết chế của người An-nam, (Hà Nội) NXB Tri thức, 2013.
Do đó, việc đánh giá không thể tránh khỏi những thiếu sót. Chúng tôi rất mong nhận được sự trao đổi từ quý vị.

Nguyễn Văn Vĩnh, nhà nghiên cứu khoa học xã hội

Một đánh giá

Đăng Thành

Email: Dangthanh1896@gmail.com

Số điện thoại: 01298205885

Website: Dangthanhsite.wordpress.com

I. Tóm tắt

Bài viết bước đầu đánh giá những công trình nghiên cứu phong tục và thiết chế làng xã của Nguyễn Văn Vĩnh trên ba khía cạnh (1) lịch sử báo chí, (2) những đóng góp khoa học, (3) Phương pháp nghiên cứu.

Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Vĩnh (Phạm Toàn, Nguyễn Như Phong & Dương Tường dịch; Nguyễn Lân Bình & Nguyễn Lân Thắng chủ biên), Lời người Man di hiện đại: Phong tục và thiết chế của người An-nam, (Hà Nội) NXB Tri thức, 2013

II. Từ khóa

Nguyễn Văn Vĩnh, Việt Nam thời Pháp thuộc, Lịch sử báo chí, Dân tộc học, Nguyễn Văn Huyên, Emile Durkheim.

III. Nội dung chính

Nguyễn Văn Vĩnh là con người tài năng, chiếm lấy nhiều lĩnh vực. Nguyễn Văn Vĩnh, trước hết, là nhà làm báo, nhà viết báo, trong những năm đầu của thế kỷ XX thời Pháp thuộc, đã hô hào phổ biến chữ quốc ngữ cho nhân dân. Nguyễn Văn Vĩnh còn là dịch giả nhiều tác phẩm như Kim Vân Kiều từ bản chữ Nôm sang Pháp văn…[1]

Nếu là người thích liệt kê, tôi không thể viết gọn về Nguyễn Văn Vĩnh. Một lần nữa, tôi khẳng định Nguyễn Văn Vĩnh rất rộng và buộc tôi, khi xử lý trường hợp này, phải tách Nguyễn Văn Vĩnh và đánh giá ông trên từng lĩnh vực.

Từ hành động trên, cùng sự xuất hiện – dùng từ “trở lại” mới đúng – của tập đầu tiên bộ sách Lời người man di hiện đại[2], tôi đặc biệt quan tâm đến Nguyễn Văn Vĩnh với tư cách một nhà nghiên cứu khoa học xã hội thời Pháp thuộc về phong tục và thiết chế người Việt ở Bắc Kỳ.

Vấn đề thiết chế và tổ chức làng xã đã đeo đuổi Nguyễn Văn Vĩnh từ rất lâu, trước khi ông, ở tuổi 49, thành lập mục “Phong tục và thiết chế của người An-nam” trên tờ báo L’Annam Nouveau (Nước Nam mới) của mình[3]. Nguyễn Văn Vĩnh đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng và có một kế hoạch dài hơi đăng liên tục những công trình nghiên cứu trên tờ báo phổ thông này.

Sự tồn tại của nhà khoa học xã hội Nguyễn Văn Vĩnh mang đặc tính của một giai đoạn lịch sử. Từ những năm cuối thập niên 1920s, với sự phát triển đột ngột của số lượng những tờ báo, đi kèm theo số lượng người đọc[4] và tầm ảnh hưởng lớn của báo chí chí tới dư luận[5], các học giả có xu hướng lựa chọn đăng tải những công trình nghiên cứu, không chỉ trên sách, mà ngay trên báo, đặc biệt là những tờ báo phổ thông[6].

Một đặc điểm lớn của những công trình khoa học đăng trên những tờ báo phổ thông từ cuối những năm 1920s tới hết thời kỳ thuộc địa là chúng rất rất khó bảo quản, lưu trữ. Vậy nên, sự trở lại của loạt bài nghiên cứu phong tục và tổ chức làng xã của Nguyễn Văn Vĩnh vô cùng cần thiết để, không chỉ đánh giá Nguyễn Văn Vĩnh với tư cách một học giả, góp phần bổ sung lịch sử nghiên cứu các bộ môn khoa học xã hội ở Việt Nam còn nhiều khoảng trống[7].

Trước hết, có thể coi Nguyễn Văn Vĩnh như người tiên khởi xác định và tách bạch rõ ràng những khái niệm “ngõ”, “giáp”, “xóm”, “thôn” của một ngôi làng. Điều này là một đóng góp của Nguyễn Văn Vĩnh. Nguyễn Văn Huyên, trong Văn minh Việt Nam[8] đã trích dẫn Nguyễn Văn Vĩnh khi viết về những đơn vị hành chính của làng.

Nguyễn Văn Vĩnh có xu hướng định nghĩa những khái niệm, thuật ngữ được sử dụng trong việc nghiên cứu phong tục và thiết chế làng xã của người Việt. Trong tiểu luận Chơi họ, một hình thức kinh doanh tài chính của người Việt[9], Nguyễn Văn Vĩnh[10] đã xây dựng một bảng thuật ngữ gồm 32 khái niệm[11].

Qua sự trở lại của một phần nhỏ các nghiên cứu của Nguyễn Văn Vĩnh về phong tục, thiết chế người Việt ở Bắc Kỳ, chúng tôi có thể khẳng định Nguyễn Văn Vĩnh là một nhà khoa học, một nhà dân tộc học chí.[12]

Về việc định nghĩa một dân tộc chí, một địa phương chí, nhà nhân loại học Claude Levi-Strauss đã viết[13]:

“Tất cả các nước, hình như thế, đều quan niệm dân tộc chỉ cùng một cách. Nó tương ứng với các bước đầu của sự nghiên cứu: quan sát và miêu tả, điều tra hiện trường. Một địa phương chí, nhắm vào một nhóm hạn chế vừa đủ để tác giả có thể tập hợp phần lớn thông tin của mình bằng kinh nghiệm cá nhân, tạo thành đích loại hình của sự khảo cứu dân tộc chí. Chỉ nói thêm rằng dân tộc chí cũng bao gồm cả những phương pháp và kỹ xảo liên quan đến việc điều tra hiện trường, việc xếp hạng, việc miêu tả và phân tích các hiện tượng văn hóa đặc biệt.”

[…]

Đối với dân tộc chí, dân tộc học là bước thứ nhất đi tới sự tổng hợp. Không loại trừ sự quan sát trực tiếp, nó hướng dến sự kết luận đủ rộng, những kết luận mà người ta khó có thể lập dựng chỉ duy nhất bằng một sự hiểu biết trực tiếp.

[…] Ở tất cả nơi nào chúng ta bắt gặp từ nhân học xã hội hay văn hóa thì chúng được gắn liền với giai đoạn thứ hai và cuối cùng của sự tổng hợp, lấy cơ sở là những kết luận của dân tộc chí và dân tộc học. Trong các xứ Anglo-saxons, nhân học nhằm vào những kiến thức toàn diện về con người, bao quát chủ thể của nó trong tất cả sự khuyếch trương lịch sử và địa lý; mong đi tới một kiến thức khả áp dụng vào toàn thể sự phát triển người từ những homo-sapiens đến các chủng tộc hiện đại; và hướng tới những kết luận, tích cực hoặc tiêu cực, nhưng có giá trị đối với tất cả các xã hội người, từ thành phố lớn hiện đại đến bộ lạc nhỏ nhất melanedien. Vậy trong ý nghĩa ấy, người ta có thể nói rằng nhân học và dân tộc học có cùng một quan hệ giống như quan hệ đã xác định ở trên giữa dân tộc học và dân tộc chí. Dân tộc chí, dân tộc học và nhân học không tạo thành ba môn học khác nhau hay ba quan niệm khác nhau về cùng những khảo cứu. Thực tế đó là ba giai đoạn hay ba yếu tố của cùng một nghiên cứu, và sự ưu thích đối với từ này hay từ nọ chỉ diễn đạt sự chú ý lớn hơn đối với loại hình khảo cứu, nó không bao giờ có thể bác bỏ hai loại hình kia.”

Nguyễn Văn Vĩnh đã sử dụng khoảng thời gian 9 năm điều hành Hội đồng làng xã để quan sát, ghi chép phong tục, thiết chế người Việt ở Bắc Kỳ[14].

Ông đã giải thích rõ ràng cái lợi của phương pháp này: “Tôi đã có cơ hội tiếp thu những khái niệm về làng xã của người An-nam, những khái niệm mà nói chung dân thành thị không có và cũng chẳng thèm quan tâm” [15]

Phương pháp nghiên cứu của Nguyễn Văn Vĩnh phần nào rất gần với yêu cầu của Emile Durkheim: Yêu cầu nhà nghiên cứu phải từ bỏ lối tư biện triết học, rút sự kiện xã hội bên ngoài đời sống thành những khái niệm trong óc mình để suy nghĩ. Durkheim cho rằng nhà nghiên cứu phải quan sát sự kiện xã hội, quan sát cái logic của sự kiện như nó là[16].

Tôi không có bằng chứng để khẳng định Nguyễn Văn Vĩnh đã đọc Durkheim nhưng các quy tắc của phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội của Durkheim tác động mạnh đến học giới lúc bấy giờ, có thể bao gồm cả những học giả tại Việt Nam.[17]

Phương pháp điền dã là điểm mạnh của Nguyễn Văn Vĩnh, trong so sánh với hai học giả Trương Vĩnh Ký[18] và Phan Kế Bính. Đúng hơn, Phan Kế Bính, trong Việt Nam phong tục[19] (cuốn sách uy tín được ca ngợi như thứ buộc phải đọc khi một người muốn tìm hiểu hoặc nghiên cứu văn hóa Việt Nam[20]), đã không dành một dòng để trình bày phương pháp nghiên cứu. Trương Vĩnh Ký, người được Nguyễn Đình Đầu khẳng định vai trò tiên khơi của bộ môn dân tộc học ở Việt Nam[21], cũng phạm phải sai lầm như Phan Kế Bính[22].

Không xác định phương pháp nghiên cứu, vậy nên cả Trương Vĩnh Ký[23] lẫn Phan Kế Bính đều không xác định rõ ràng đối tượng nghiên cứu[24]. Độc giả không thể biết hai vị nghiên cứu những sự kiện xã hội hay nghiên cứu ý niệm của bản thân về sự kiện xã hội đó[25].

Những thiếu sót trong phương pháp nghiên cứu của những thế hệ trí thức thời thuộc địa Trương Vĩnh Ký, Phan Kế Bính và cả Nguyễn Văn Vĩnh phạm phải vô cùng phổ biến như những nghiên cứu khoa học xã hội thế kỷ XIX ở Châu Âu được Emile Durkheim chỉ rõ trong Những nguyên tắc cơ bản của phương pháp xã hội học[26].

Tuy nhiên, chính Nguyễn Văn Vĩnh lại thực hiện phương pháp điền dã dân tộc học – điểm mạnh của ông, trong so sánh với một số học giả như Trương Vĩnh Ký và Phan Kế Bính – một cách hời hợt.

Trước hết, Nguyễn Văn Vĩnh không giải thích rõ địa điểm và thời gian cụ thể ông tham gia điền dã trong 9 năm. Ông Vĩnh điền dã bao lâu hay chỉ như vài anh tây viết bút ký dừng chân đôi ít lâu. Nguyễn Văn Vĩnh cần thiết phải viết rõ ràng, trung thực quá trình điền dã của mình. Những nghiên cứu dân tộc chí của ông được hình thành chốc lát hay trong quá trình điền dã lâu dài, tại một khu vực? Nguyễn Văn Vĩnh với tư cách nhà báo khác Nguyễn Văn Vĩnh, một học giả. Anh nhà báo có thể dễ dàng miêu tả một phong tục chỉ qua thời gian ngắn quan sát còn nhà khoa học thì cần nhiều thời gian hơn.

Nhà khoa học đặt ra những câu hỏi để tự đi tìm lời giải. Hành vi anh ta quan sát được của vài người trong một xóm có phải một phong tục, một thiết chế hay chỉ mang tính cá nhân? Học giả quan sát không chỉ vài người mà nhiều hơn thế nữa trong một phạm vi xác định tùy theo mục đích. Khi anh ta đã khẳng định hành vi đó là một thiết chế áp đặt lên người dân ngôi làng thì nhà khoa học không ngại ngần tiếp tục đặt câu hỏi để đi tìm câu trả lời: Đằng sau thiết chế là gì? Tại sao người dân lại hành động như thế? Đồng thời, thiết chế đó là đặc trưng của một làng hay có giá trị phổ quát? Để trả lời cho thắc mắc trên, nhà khoa học không áp đặt ý chí bản thân dựa vào kinh nghiệm mà họ, như Durkheim đã viết: họ phải luôn trong tâm thế mình chưa hề biết gì[27]. Kinh nghiệm, trong nhiều trường hợp, không tương thích với thực tại. Rất có thể, nhà khoa học sẽ gặp bất ngờ. Những đóng góp khoa học, rất thường xuyên, xuất phát từ những khác lạ nhỏ bé.

Nguyễn Văn Vĩnh viết chung chung như thể bất cứ làng quê Bắc Bộ nào cũng như nhau. Mặc dù bản thân ông ý thức rất rõ sự khác biệt, nhưng chính ông cũng không thể tránh khỏi những sai sót về phương pháp nghiên cứu[28]. Khi nghiên cứu tập quán của làng xã Bắc Bộ như Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Huyên chỉ lựa chọn nghiên cứu một số lượng nhỏ các làng cụ thể [29].

Chúng tôi lấy một bài viết Nguyễn Văn Vĩnh nghiên cứu cách phân chia hành chính ở làng làm một ví dụ[30]. Nguyễn Văn Vĩnh viết trong tiểu luận: “Có xóm có tới 100 nhân khẩu, nhưng cũng có xóm chỉ có được hai người. Đã từng, có trường hợp xóm phải xóa sổ. Cá nhân tôi, chưa thấy có trường hợp nào”[31].

Khi xét mức chênh lệch dân số của các xóm khác nhau ở Bắc Bộ, ông Vĩnh đưa ra hai ví dụ dường như rất hợp lý nhưng chúng đều hỏng cả vì đó là dẫn chứng ta không biết nguồn thông tin, số liệu. Nguyễn Văn Vĩnh cần chỉ ra cụ thể những xóm nào có tới 100 khẩu hay những xóm nào chỉ được hai người. Rồi chuyện xóm bị xóa sổ Nguyễn Văn Vĩnh có thông tin từ đâu? Rõ ràng, ông thừa nhận mình không trông thấy.

Nguyễn Văn Vĩnh còn viết: “Tôi đã miêu tả một ngôi làng ở đất nước An-nam đúng như những gì nó đã tồn tại, giống như nó vẫn còn đâu đây và sẽ còn tồn tại nếu không có quá nhiều nguyên nhân gây biến đổi”[32]. Nhưng kỳ thực, với sự ghi chép mô tả sơ sài, Nguyễn Văn Vĩnh đâu miêu tả được đúng cái làng như nó là[33].

Bên cạnh đó, trong tiểu luận Các phương pháp bói toán lai Tàu lai ta[34], Nguyễn Văn Vĩnh, ngoài phương pháp điền dã, đã thực hiện phương pháp phỏng vấn[35] người thực hành ma thuật là vị thầy bói giò[36] và tham khảo tài liệu là những cuốn sách hành nghề bói toán.

Kỹ thuật phỏng vấn người thực hành ma thuật của Nguyễn Văn Vĩnh còn đáng ngờ ngay ở cách ông lựa chọn thầy bói để phỏng vấn[37]. Nguyễn Văn Vĩnh cần nêu cụ thể bằng cách gì ông biết chắc đó là thầy bói thực sự trong biết bao nhiêu kẻ buôn thần bán thánh[38]. Một người thầy bói đích thực là như thế nào? Nguyễn Văn Vĩnh đâu có để ý đến điều đó[39]. Nguyễn Văn Vĩnh đã xác định ngay đối tượng phỏng vấn, một cách tiên nghiệm. Nhưng dân tộc học không bao giờ chấp nhận thiếu sót này.

Trong so sánh với phương pháp nghiên cứu của Nguyễn Văn Huyên, cũng về vấn đề ma thuật, thấy rõ sự non nớt của Nguyễn Văn Vĩnh.

Khi xác định đối tượng nghiên cứu là một dạng ma thuật chữa bệnh ở miền thượng du Bắc Kỳ, Nguyễn Văn Huyên đã lựa chọn tiến hành điền dã khu vực người Tày ở Lạng Sơn và Cao Bằng và tham gia trực tiếp vào quá trình các vị thuật sĩ người Tày chữa bệnh bằng ma thuật.

Nguyễn Văn Huyên rất cẩn thận trong công việc nghiên cứu nên trước khi tiến hành quan sát đã có những kỹ thuật xử lý để khẳng định người thực hành ma thuật Nguyễn Văn Huyên trực tiếp quan sát là vị thuật sĩ thực sự. Nguyễn Văn Huyên chỉ ra vị thuật sĩ thực sự phải hội đủ những yếu tố sau đây. Trước hết, họ phải được cộng đồng thừa nhận và được thụ pháp một cách hợp thức; họ được ủy thác nắm trong tay một quyền lực được cộng đồng nơi họ sinh sống thừa nhận là thuyết yếu đối với sự sống còn của nó. Đồng thời, với việc thông thạo ngôn ngữ Tày, chữ Hán, chữ Nôm, Nguyễn Văn Huyên đã đọc rất kỹ những cuốn sách thiêng, thứ góp phần giúp những vị thuật sĩ học ma thuật. Cuối cùng, Nguyễn Văn Huyên ghi chép rất tỉ mỉ, cẩn thận và chụp hình quá trình chữa bệnh[40]. Tất cả những kỹ thuật trên của Nguyễn Văn Huyên, như lời thông báo của tạp chí Viễn Đông Bác Cổ Pháp[41], là “những điều kiện không thể tránh những ảo giác rất dễ dàng đánh lừa nhà dân tộc học nước ngoài.”[42]

Chính vì ý thức rõ về phương pháp nghiên cứu nên Nguyễn Văn Vĩnh nhận ra những hạn chế trong những công trình nghiên cứu tập quán và thiết chế của người Việt của bản thân. “Tôi chỉ được đọc các ghi chép tổng quát về phong tục tập quán. Thôi, xin để cho các nhà nghiên cứu chuyên sâu, phân tích và giải thích các phong tục khác thường mà mỗi người chúng ta đều có thể có cơ hội được nghe kể lại mỗi Chủ nhật, thông qua các cụ già bán hàng nước. Chỉ cần nửa xu là bạn có thể ghé vào một cái lán, có mái tranh bán hàng nước nào đó ở một làng nào đó, để vừa được nghe kể chuyện vừa được uống một hoặc hai bát trà xanh”[43]

Dẫu cho sự non nớt trong phương pháp nghiên cứu của Nguyễn Văn Vĩnh, những tiểu luận của Nguyễn Văn Vĩnh, không phải tách nhỏ mà xếp chúng lại thành một thể thống nhất, tạo nên điều gì? Một cuốn sách tập hợp những tiểu luận về phong tục, thiết chế của người Việt của Nguyễn Văn Vĩnh không phải một phép tính cộng đơn thuần những tiểu luận riêng rẽ.

Nguyễn Văn Vĩnh chủ tâm nghiên cứu phong tục và thiết chế của người Việt xứ Bắc Kỳ với những khía cạnh khác nhau: tôn giáo, ma thuật, tài chính (chơi họ), kinh tế,… Nguyễn Văn Vĩnh viết, dường như, không trừ bất cứ ai, bất cứ thứ gì của làng xã, từ những ngõ-giáp-xóm tới những nhóm chơi họ, ông thầy bói giò, ông lý trưởng, những nhà sư trong ngôi chùa làng, người lính tuần canh, những người dân ngụ cư…

Làng xã của người Việt ở Bắc Bỳ không thể nào, và không bao giờ, chỉ đơn thuần là một con số cộng những thiết chế mà học giả nghiên cứu riêng rẽ. Cũng như Karl Marx từng viết: “Xã hội không bao giờ gồm những cá nhân xã hội biểu thị những con số tổng những quan hệ và những điều kiện trong đó các cá nhân ấy đặt người này đứng trước người nọ”[44].

Ý đồ của Nguyễn Văn Vĩnh khi nghiên cứu rất nhiều khía cạnh trong phong tục và thiết chế người Việt, đặc biệt là làng xã Bắc Kỳ là mối liên hệ giữa những khía cạnh đó với nhau, chúng đã được cấu trúc ra sao[45], từ đó đi tới một sự hiểu làng xã - một khu vực quá bất ổn đối với con người luôn đấu tranh đòi Pháp quốc trực trị Bắc kỳ, luôn băn khoăn tìm cách kiểm soát[46].

Tuy nhiên, khả năng và phương pháp nghiên cứu đầy những thiếu sót đã cản trở ông rất nhiều. Ý đồ của Nguyễn Văn Vĩnh còn quá chung chung, chưa đủ chi cụ thể để tạo thành một thao tác, một thao tác như Nguyễn Văn Huyên đã sử dụng và thành công. Và trong so sánh với Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Văn Vĩnh, nhà dân tộc học, rất non nớt và không thể sánh bằng.

Tóm lại, sẽ quá nghiên khắc nếu đánh giá Nguyễn Văn Vĩnh là nhà dân tộc học thất bại nhưng sự non nớt trong phương pháp nghiên cứu là không thể phủ nhận. Bên cạnh đó là vài đóng góp cùng những đánh giá không có gì thật nổi bật và ý đồ còn rất mù mờ.

IV. Tài liệu tham khảo

A. Sách

1. Claude Levi-Strauss (Claire Jacobson & Brooke Grundfest Schoepf dịch), Structural Anthropology [Tạm dịch: Nhân loại học cấu trúc], (New York) Basic Books, 1963

2. Đoàn Văn Chúc, Xã hội học văn hóa, (Hà Nội) NXB Văn hóa – Thông tin, 1997

3. Đào Văn Hội, Nam Kỳ danh nhân, (Hà Nội) Nhã Nam & NXB Tri thức, 2017

4. Đỗ Lai Thúy, Vẫy vào vô tận, (Hà Nội) NXB Phụ nữ, 2014

5. Emile Durkheim (Đinh Hồng Phúc dịch), Các quy tắc của phương pháp xã hội học, (Hà Nội) NXB Tri thức, 2012

6. Ferdinand de Saussure (Tổ Ngôn ngữ học Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội dịch), Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, (Hà Nội) NXB Khoa học xã hội, 1973

7. Hoàng Ngọc Phách, Tố Tâm, (Hà Nội) Nhã Nam & NXB Hội nhà văn, 2015

8. Khổng Xuân Thu, Trương Vĩnh Ký (1837 – 1898), (Saigon) NXB Tân Việt, 1958

9. Lê Thanh, Cuộc phỏng vấn các nhà văn, (Hà Nội) NXB Đời mới, 1943

10. Lương Đức Thiệp, Xã hội Việt Nam từ sơ sử đến cận đại, (Hà Nội) Tao Đàn & NXB Tri thức, 2016

11. Marcel Mauss (Robert Brain dịch), A general theory of magic [Tạm dịch: Một lý thuyết đại cương về ma thuật], (London & New York) Routledge, 2001

12. Nguyễn Bá Chính, Hà Nội chỉ nam, (Hà Nội) Nhã Nam & NXB Hà Nội, 2016

13. Nguyễn Đình Đầu (chủ biên), Petrus Ký: nỗi oan thế kỷ, (Hà Nội) Nhã Nam & NXB Tri thức, 2016

14. Nguyễn Khắc Xuyên, Mục lục phân tích tạp chí Nam Phong 1917-1934, (Saigon) Trung tâm Học Liệu, Bộ Giáo dục, 1968

15. Nguyễn Văn Huyên (Hà Văn Tấn chủ biên; Trần Đỉnh, Đỗ Trọng Quang & Phạm Thủy Ba dịch), Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam – Những công trình nghiên cứu của Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên: Tập 1, (Hà Nội) NXB Khoa học Xã hội, 1995

16. Nguyễn Văn Huyên (Đỗ Trọng Quang dịch), Văn minh Việt Nam, (Hà Nội) Nhã Nam & NXB Thế giới, 2016

17. Nguyễn Văn Vĩnh (Phạm Toàn, Nguyễn Như Phong & Dương Tường dịch; Nguyễn Lân Bình & Nguyễn Lân Thắng chủ biên), Lời người Man di hiện đại: Phong tục và thiết chế của người An-nam, (Hà Nội) NXB Tri thức, 2013

18. Nguyễn Văn Vĩnh (LÁ minh họa), Trẻ em hát, trẻ em chơi, (Hà Nội) Nhã Nam & NXB Hội nhà văn, 2015

19. Nguyễn Văn Vĩnh (Nguyễn Lân Bình biên soạn; Nguyễn Như Phong & Phạm Văn Tuyên dịch), Lời người man di hiện đại: Nhời đàn bà, (Hà Nội) NXB Phụ nữ, 2018

20. Nhất Tâm, Nguyễn Văn Vĩnh (1882 – 1936), (Saigon) NXB Tân Việt, 1957

21. Nhiều tác giả (Nguyễn Lân Bình chủ biên), Nguyễn Văn Vĩnh là ai?, (Hà Nội) NXB Tri thức, 2014

22. Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, (Hà Nội) Nhã Nam & NXB Hồng Đức, 2018

23. Phan Khoang, Việt Nam Pháp thuộc sử, (Saigon) Phủ Quốc vụ khanh Đặc trách Văn hóa, 1971

24. Phan Khôi (Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn), Tác phẩm đăng báo 1929, (Đà Nẵng) NXB Đà Nẵng, 2004

25. Phan Khôi (Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn), Tác phẩm đăng báo 1933 – 1934, (Hà Nội) NXB Tri thức, 2013

26. Shawn Frederick McHale, Print and Power: Confucianism, Communism, and Buddhism in the Making of Modern Vietnam, [Tạm dịch: In ấn và quyền lực: Nho giáo, Chủ nghĩa Cộng Sản và Phật giáo trong sự hình thành Việt Nam hiện đại] (Honolulu) University of Hawai'i Press, 2004

27. Trương Tửu (Nguyễn Hữu Sơn & Trịnh Bá Đĩnh sưu tầm và biên soạn), Tuyển tập nghiên cứu, phê bình, (Hà Nội) Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây & NXB Lao động, 2007

B. Báo chí

Phụ nữ tân văn (Saigon)

Phụ nữ thời đàm (Hà Nội)

Tràng An báo (Huế)


[1] Đọc: Nguyễn Văn Tố (Phạm Toàn dịch), Sự nghiệp Nguyễn Văn Vĩnh, in trong: Nhiều tác giả (Nguyễn Lân Bình chủ biên), Nguyễn Văn Vĩnh là ai?, (Hà Nội) NXB Tri thức, 2014, trang 139 – 211.

Trong khoảng thời gian trước ngày 30 tháng Tư 1975, tại miền Nam, sự nghiệp của Nguyễn Văn Vĩnh, bên cạnh một số nhân vật như Trương Vĩnh Ký đã được giới thiệu qua tủ sách “Những mảnh gương” của NXB Tân Việt. [Đọc: Khổng Xuân Thu, Trương Vĩnh Ký (1837 – 1898), (Saigon) NXB Tân Việt, 1958].

Tuy nhiên, tác giả Nhất Tâm đã quá nhấn mạnh vai trò nhà chính trị, dịch giả và ký giả của Nguyễn Văn Vĩnh mà không viết về Nguyễn Văn Vĩnh với tư cách một nhà nghiên cứu khoa học xã hội với những bài nghiên cứu phong tục và thiết chế của người Việt đăng báo. [Đọc: Nhất Tâm, Nguyễn Văn Vĩnh (1882 – 1936), (Saigon) NXB Tân Việt, 1957, trang 09 – 14]

[2] Lời người man di hiện đại là một bộ sách dự kiến gồm 15 tập do Nguyễn Lân Bình, cháu nội của Nguyễn Văn Vĩnh, chủ biên. Bộ sách tập hợp trước tác của Nguyễn Văn Vĩnh trên báo chí thời Pháp đô hộ bằng chữ quốc ngữ và Pháp văn, nay được dịch trở lại chữ quốc ngữ. [Đọc: Nguyễn Văn Vĩnh (Phạm Toàn, Nguyễn Như Phong & Dương Tường dịch; Nguyễn Lân Bình & Nguyễn Lân Thắng chủ biên), Lời người Man di hiện đại: Phong tục và thiết chế của người An-nam, (Hà Nội) NXB Tri thức, 2013, trang 219 – 223]

Mới đây, tập thứ hai của bộ sách đã được phát hành, được Nguyễn Lân Bình tổ chức dịch và biên soạn những bài báo của Nguyễn Văn Vĩnh về đề tài phụ nữ. [Đọc: Nguyễn Văn Vĩnh (Nguyễn Lân Bình biên soạn; Nguyễn Như Phong & Phạm Văn Tuyên dịch), Lời người man di hiện đại: Nhời đàn bà, (Hà Nội) NXB Phụ nữ, 2018.]

[3] Đọc: Trịnh Văn Thảo (Lê Thị Kim Tân dịch), Ba thế hệ trí thức Việt Nam, (Hà Nội) Tuvanbooks & NXB Thế giới, 2013, trang

[4] Việc Pháp đô hộ Việt Nam khiến xuất hiện một tầng lớp mới, trước kia chưa hề có, được Phan Khoang gọi tên Tân tư bản trung lưu. Họ

có đời sống sung túc hơn nông dân, thường sống ở những đô thị. [Đọc: Phan Khoang, Việt Nam Pháp thuộc sử, (Saigon) Phủ Quốc vụ khanh Đặc trách Văn hóa, 1971, trang 439 – 440]

Từ những năm 1920s, kỹ thuật in ấn đã được cải tiến và giá thành ấn phẩm (sách và báo) hạ thấp. Báo chí phổ thông giá rẻ xuất hiện, đáp ứng được nhu cầu thông tin của người dân, đặc biệt là tầng lớp Tân tư bản trung lưu ở đô thị.

Khai thác tư liệu từ Sở Mật Thám, Shawn Frederick McHale cho biết: từ năm 1922 – 1940, đã có 13.381 đầu sách, đầu báo được xuất bản tại Việt Nam. [Đọc: Shawn Frederick McHale, Print and power: Confucianism, Communism, and Buddhism in the making of modern Vietnam [Tạm dịch: In ấn và quyền lực: Nho giáo, Chủ nghĩa Cộng Sản và Phật giáo trong sự hình thành Việt Nam hiện đại], (Honolulu) University of Hawa’I Press, trang 17 – 27].

Phan Khôi tiết lộ về lượng phát hành của những tờ báo phổ thông bán chạy bậc nhất Việt Nam thời bấy giờ, tập trung tại hai đô thị lớn là Hà Nội và Sài Gòn. “Thần chung, hồi thịnh lắm, mỗi ngày ra đến ngót 12 ngàn số. Lại Phụ nữ tân văn năm thứ nhất cũng chạy đến hơn một vạn. […] Người ta nói Phong hóa mỗi kỳ phát hành đến hơn vạn, nhưng kỳ thực đâu chừng bảy tám ngàn, bờ đó mà thôi.” [Đọc: Hồng Ngâm (tức Phan Khôi), “Phong hóa, tờ báo hiện chạy nhất Đông Dương”, (Hà Nội) Phụ nữ thời đàm số 06 (22 tháng Mười 1933), trang 8 – 11 in trong : Phan Khôi (Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn), Tác phẩm đăng báo 1933 – 1934, (Hà Nội) NXB Tri thức, 2013, trang 338 – 340] Các trích dẫn bài báo của Phan Khôi đều được rút ra từ bộ sách Phan Khôi tác phẩm đăng báo do Lại Nguyên Ân biên soạn, xuất bản từ 2003 tới 2017.

[5] Tờ báo bán chạy nhất Việt Nam thời bấy giờ, Phụ nữ tân văn số 55 (05 tháng Sáu 1930) đã thông báo tổ chức cuộc thi kỷ niệm tròn một năm ra số báo đầu tiên dành cho độc giả. Phụ nữ tân văn đưa ra ba câu hỏi, trong đó câu hỏi cuối cùng như sau: “Nếu có cuộc tuyển cử 10 vị Việt Nam Nhơn dân Đại biểu, mà những vị kể tên sau nầy ra ứng cử, thì quí độc giả sẽ cử những vị nào”. Đây là danh sách 20 người được Phụ nữ tân văn đưa ra cho độc giả: (1) Nguyễn Hữu Bài - Thủ tướng Nam triều, (2) Bạch Thái Bưởi - Chủ hãng tàu và mỏ than, (3) Bùi Quang Chiêu – Lãnh tụ đảng Lập hiến, (4) Vương Tứ Đại – Thượng thư Lễ bộ, (5) Dương Văn Giáo – Trạng sư, (6) Huỳnh Thúc Kháng – Chủ báo Tiếng dân ở Huế, (7) Trần Trọng Kim – Thanh tra sơ học, (8) Diệp Văn Kỳ - nguyên chủ bút tờ Thần chung ở Sài Gòn, (9) Lưu Văn Lang – Kỹ sư sở Tạo tác, (10) Nguyễn Phan Long – chủ báo Đuốc Nhà Nam ở Sài Gòn, (11) Lê Quang Liêm – Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ, (12) Hoàng Trọng Phu – Tổng đốc Hà Đông, (13) Phạm Quỳnh – chủ báo Nam Phong ở Hà Nội, (14) Nguyễn Hữu Thu – Phó Nghị trưởng Kinh tế Hội nghị, (15) Nguyễn Trác – Nghị trưởng Nhơn dân Đại biểu viện Trung Kỳ, (16) Nguyễn Bá Trác – Bố chánh tỉnh Bình Định, (17) Trần Trinh Trạc – Điền chủ ở Bạc Liêu, (18) Lê Quang Trunh – Y khoa Tấn sĩ, (19) Phan Văn Trường – Luật khoa Tấn sĩ, (20) Nguyễn Văn Vĩnh – chủ báo Trung Bắc Tân văn ở Hà Nội. Thông qua danh sách, ta phần nào nhìn thấy tầm ảnh hưởng của báo chí, đặc biệt là những người gắn bó chặt chẽ tới hoạt động báo chí tới dư luận.

[Đọc: Cao Việt Dũng, Phan Khôi và Đào Trinh Nhất: hai “cách tồn tại” trong báo chí văn chương Việt Nam trước 1945 in trong: Nhiều tác giả, Kỷ yếu hộ thảo “Phan Khôi và những đóng góp trên lĩnh vực văn hóa dân tộc”, (Đà Nẵng), NXB 2014]

[6] Trước những năm cuối thập niên 1920s, các học giả có xu hướng đăng những nghiên cứu khoa học học, bên cạnh kênh xuất bản, trên những tờ tạp chí khoa học như Nam Phong tạp chí do Phạm Quỳnh làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Những công trình nghiên cứu đăng trên Nam Phong rất đa dạng từ nghiên cứu phong tục tới nghiên cứu văn học, triết học,… [Đọc: Nguyễn Khắc Xuyên, Mục lục phân tích tạp chí Nam Phong 1917-1934, (Saigon) Trung tâm Học Liệu, Bộ Giáo dục, 1968.]

Chúng tôi đặt giả thiết lý do của hiện tượng trên có thể do sự lựa chọn hạn chế các tờ báo và kỹ thuật in ấn. Năm 1923, chỉ có 15 tờ báo, trong đó 8 tờ báo Pháp ngữ và 7 tờ báo chữ quốc ngữ ở Hà Nội. [Đọc: Nguyễn Bá Chính, Hà Nội chỉ nam, (Hà Nội) Nhã Nam & NXB Hà Nội, 2016, trang 77 – 79.]
Tuy nhiên, từ những năm cuối thập niên 1920s, với sự phát triển của kỹ thuật in ấn và lượng độc giả đông đảo, học giả, bên cạnh xuất bản sách hoặc đăng trên những tạp chí khoa học, còn có thêm một sự lựa chọn: đăng tải những công trình nghiên cứu trên những tờ báo phổ thông.
Hai ví dụ: Loạt 21 bài nghiên cứu Cái ảnh hưởng của Khổng giáo ở nước ta của Phan Khôi được đăng trên nhật báo Trung Lập (Saigon) từ số 213 (01 tháng Mười 1929) tới số 249 (17 & 18 tháng Mười một 1929). [Đọc: Phan Khôi (Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn), Tác phẩm đăng báo 1929, (Đà Nẵng) NXB Đà Nẵng, 2004, trang - ]. Năm 1935, nhà nghiên cứu văn học Trương Tửu cũng lựa chọn tờ báo phổ thông Loa để đăng tải loạt bài phê bình những nhà văn đương thời như Khái Hưng, Vũ Trọng Phụng,… [Đọc: Trương Tửu (Nguyễn Hữu Sơn & Trịnh Bá Đĩnh sưu tầm và biên soạn), Tuyển tập nghiên cứu, phê bình, (Hà Nội) Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây & NXB Lao động, 2007]

Tóm lại, Phan khôi, Trương Tửu và Nguyễn Văn Vĩnh đã ý thức rõ ràng tạo ra loạt bài nghiên cứu dài kỳ trên báo; rõ ràng, xét về độ dày dặn, các công trình nghiên cứu đăng báo nếu được tập hợp lại không thua kém gì những công trình nghiên cứu in thành sách.

[7] Việc nghiên cứu tác gia như Nguyễn Văn Vĩnh thúc giục những nhà chuyên môn phải sưu tầm, dịch và công bố, không thể được toàn vẹn tất cả những công trình thì cũng phải phần lớn những bài báo Nguyễn Văn Vĩnh đã viết. Kinh nghiệm của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân từ những công trình sưu tầm và biên soạn tác phẩm đăng báo của Phan Khôi có thể là một ví dụ.

[8] Khác với những nghiên cứu trước đây của Nguyễn Văn Huyên, Văn minh Việt Nam, như Nguyễn Văn Huyên nhận định, không mong muốn là một công trình nghiên cứu độc đáo. Văn minh Việt Nam là cuốn sách giáo khoa được Toàn quyền Đông Dương đặt hàng Nguyễn Văn Huyên năm 1938 dành riêng cho bộ môn Văn hóa Việt Nam mới được đưa vào chương trình đào tạo bậc trung học tại các trường Pháp – Việt. Cuốn sách giáo khoa này, như mục đích của Nguyễn Văn Huyên, cung cấp cho học sinh những điều cốt yếu để hình thành nền tảng của văn minh Việt Nam. Năm 1939, Nguyễn Văn Huyên đã hoàn thành cuốn sách nhưng, như chính Nguyễn Văn Huyên đã viết, việc xuất bản bị trì hoãn và tác giả đã cố gắng để cập nhật, sửa lại nội dung. Năm 1944, Văn minh Việt Nam chính thức xuất bản.

Trong lời nói đầu, Nguyễn Văn Huyên dành lời cảm ơn những tác giả ông đã tham khảo tài liệu, trong đó có Nguyễn Văn Vĩnh. Cụ thể, trong chương ba “Làng”, Nguyễn Văn Huyên đã tham khảo loạt bài viết Làng người Việt của Nguyễn Văn Vĩnh trên tờ L’Annam Nouveau (Nước Nam mới) từ tháng Giêng đến tháng Bảy 1931. [Đọc: Nguyễn Văn Huyên (Đỗ Trọng Quang dịch), Văn minh Việt Nam, (Hà Nội) Nhã Nam & NXB Hội nhà văn, 2016, trang 5 & 85 – 119]

[9] Nguyễn Văn Vĩnh, sđd, trang 143 – 172.

[10] Tiểu luận của Nguyễn Văn Vĩnh gợi mở một cuộc tìm hiểu lịch sử việc nghiên cứu hình thức chơi họ của người Việt và liệu có thể coi Nguyễn Văn Vĩnh là người đầu tiên nghiên cứu vấn đề này không.

[11] Nguyễn Văn Vĩnh, sđd, trang 171 – 172.4

[12] Đỗ Lai Thúy, trong tập tiểu luận thứ hai viết chân dung học thuật, đã nhận định Nguyễn Văn Vĩnh với tư cách một nhà dân tộc học, với việc một phần nhỏ các công trình nghiên cứu phong tục và thiết chế làng xã của Nguyễn Văn Vĩnh được dịch ra chữ quốc ngữ. Đỗ Lai Thúy cố gắng bao quát được sự nghiệp Nguyễn Văn Vĩnh nhưng thiếu thao tác đánh giá tập trung vào một khía cạnh nổi trội của Nguyễn Văn Vĩnh. Tiểu luận của Đỗ Lai Thúy có xu hướng như một sự liệt kê. [Đọc: Đỗ Lai Thúy, Vẫy vào vô tận, (Hà Nội) NXB Phụ nữ, 2014, trang 69]

[13] Chúng tôi đã trích dẫn phần Đoàn Văn Chúc trích dịch Nhân loại học cấu trúc của Claude Levi-Strauss. [Đọc: Đoàn Văn Chúc, Xã hội học văn hóa, (Hà Nội) Viện Văn hóa & NXB Văn hóa – Thông tin, 1997, trang 15 – 25]. Chúng tôi đồng thời tham khảo bản dịch Anh ngữ của cuốn sách. Đọc: Claude Levi-Strauss (Claire Jacobson & Brooke Grundfest Schoepf dịch), Structural Anthropology [Tạm dịch: Nhân loại học cấu trúc], (New York) Basic Books, 1963]

[14] Trong những bài nghiên cứu, Nguyễn Văn Vĩnh đôi khi chen vào vài lời tâm sự. Chúng rất quan trọng để hiểu quá trình, phương pháp nghiên cứu phong tục, thiết chế làng xã của ông.
“Năm 1921, với sự giúp đỡ chân tình của ngài Thống sứ [Thống sứ Bắc Kỳ] và ông Tổng đốc tỉnh, tôi đã làm cho mình trở thành Chánh hương hội của làng” [Đọc: Nguyễn Văn Vĩnh, sđd, trang 55]
“Để viết những dòng này, tôi xin viện dẫn cái chức Chánh hương hội của làng tôi, bởi lẽ trong suốt 9 năm tôi đã điều hành Hội đồng làng xã, tôi đã có cơ hội tiếp thu những khái niệm về làng xã của người An-nam, những khái niệm mà nói chung dân thành thị không có và cũng chẳng thèm quan tâm.” [Đọc: Nguyễn Văn Vĩnh, sđd, trang 73]

[15] Nguyễn Văn Vĩnh, sđd, trang 73.

[16] Emile Durkheim (Đinh Hồng Phúc dịch), Các quy tắc của phương pháp xã hội học, (Hà Nội) NXB Tri thức, 2012, trang 107 – 158

[17] Việc nghiên cứu kinh nghiệm đọc của các tác giả không phải bao giờ cũng dễ dàng. Trong một vài trường hợp hiếm hoi, họ để lộ cho công chúng về những cuốn sách, những tác giả từng đọc. Trong thế hệ các trí thức thời Pháp thuộc, nhà văn, nhà phê bình văn học Hoàng Ngọc Phách đã từng đọc Emile Durkheim. Trong Tố tâm, Hoàng Ngọc Phách chủ tâm để lộ những cuốn sách nhân vật chính Đạm Thủy từng nghiền ngẫm.
“Ký giả có chút việc riêng phải ở lại trường; lúc sang chơi bên buồng những bạn tân khoa ở thì thấy bạn chí thân của ký giả là Lê Thanh Vân, biệt hiệu là Đạm Thủy, đương soạn hòm để vinh quy, ký giả lại ngồi xem bạn soạn. […] Sách vở phần nhiều thuộc về khoa triết học, đại khái như tâm lý học, luân lý học, như xã hội học của Durkheim, sư phạm khoa của Freboel và Compayre v.v... và dễ thường đủ những bộ tiểu thuyết trứ danh của Bourget và Barres.
“Bạn tôi thích về các khoa ấy mà cũng đã nổi tiếng trong học đường. Hy vọng của bạn tôi muốn đem những khoa ấy mà so sánh và tham bác với lý tưởng Á Đông rồi lấy quốc văn mà diễn ra một thứ luân lý, sư phạm thích hợp với tính tình người Nam Việt.” [Đọc: Hoàng Ngọc Phách, Tố Tâm, (Hà Nội) Nhã Nam & NXB Hội nhà văn, 2016, trang 26 – 27].
Ngoài ra, trong cuộc trả lời phỏng vấn nhà phê bình Lê Thanh, Hoàng Ngọc Phách tiết lộ đã sử dụng không ít chi tiết tiểu sử trong Tố tâm. Hoàng Ngọc Phách khẳng định đã từng đọc những tác giả ông đã liệt kê trong tiểu thuyết và bổ sung một tác giả ông yêu thích là Jean-Jacques Rousseau. [Đọc: Lê Thanh, Cuộc phỏng vấn các nhà văn, (Hà Nội) NXB Đời mới, 1943, trang 87 – 112]
Đồng thời, cũng trong bài trả lời phỏng vấn Lê Thanh, Hoàng Ngọc Phách tiết lộ mối quan hệ gần gũi với Nguyễn Văn Vĩnh. Vậy nên, chúng tôi tự đặt giả thiết Hoàng Ngọc Phách đã chia sẻ kinh nghiệm đọc Durkheim với Nguyễn Văn Vĩnh.
Bên cạnh đó, chúng tôi nhìn thấy điểm giống nhau của những luận điểm của Hoàng Ngọc Phách và luận thuyết của Emile Durkheim, trong cuốn tiểu thuyết Tố Tâm. Những lập luận của nhà luân lý Hoàng Ngọc Phách, dường như bị lấn át bởi câu chuyện tình bi ai của Tố Tâm và Đạm Thủy, thể hiện rõ điều chúng tôi đã nhận định. Hoàng Ngọc Phách coi Luân lý chính là một sự kiện xã hội. Luân lý áp đặt lên mọi cá nhân, như hai nhân vật Đạm Thủy và Tố Tâm, mặc cho tiếng gọi của ái tình.

[18] Hai tiểu luận của Trương Vĩnh Ký nghiên cứu phong tục và thiết chế người Việt là Tổng và xã thôn dưới thời đầu thuộc địaPhong tục tập quán của người An Nam. [Đọc: Nguyễn Đình Đầu (chủ biên), Petrus Ký: nỗi oan thế kỷ, (Hà Nội) Nhã Nam & NXB Tri thức, trang 194 – 205]

[19] Việt Nam phong tục tập hợp những tiểu luận của Phan Kế Bính đăng Đông Dương tạp chí từ số 24 – số 49 (năm 1913 – 1914). [Đọc: Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, (Hà Nội) Nhã Nam & NXB Hồng Đức, 2018, trang 03]

[20] Nguyễn Mạnh Tiến, dẫn… in trong Lương Đức Thiệp, Xã hội Việt Nam từ sơ sử đến cận đại, (Hà Nội) Tao Đàn & NXB Tri thức, 2016, trang 05 – 06.

[21] Nguyễn Đình Đầu (chủ biên), sđd, trang 193.

[22] Thật đáng tiếc khi Trương Vĩnh Ký, trong hai tiểu luận trên, không nêu rõ phương pháp nghiên cứu, điều mà ông đã từng làm được trong tiểu luận Kiến vàng và kiến hôi.

“Tôi xin phép được tóm tắt ngắn gọn thành quả từ các quan sát của tôi. Ở tỉnh Vĩnh Long, đặc biệt ở huyện Cái Nhum và Cái Mong quê tôi, tôi luôn thấy những người trồng cam quýt đặc biệt để ý đến chuyện nuôi các tổ kiến vàng khi muốn nhân thêm các cây bụi. […] Đến nay tôi đã có thể quan sát, suy ngẫm, cùng với kinh nghiệm của bản thân và của những người khác, tôi cho rằng kết luận rút ra sẽ được công nhận rộng rãi.” [Đọc: Trương Vĩnh Ký (Nguyễn Đình Đầu dịch), Kiến vàng và kiến hôi in trong Nguyễn Đình Đầu (chủ biên), sđd, trang 214 – 215]
Như vậy, Kiến vàng và kiến hộiRau Câu, một tiểu luận khác, là hai công trình hiếm hoi Trương Vĩnh Ký chú tâm trình bày phương pháp nghiên cứu của bản thân là quan sát, mô tả. [Đọc: Trương Vĩnh Ký (Nguyễn Đình Đầu dịch), Rau câu in trong Nguyễn Đình Đầu (chủ biên), sđd, trang 226 – 227]

Sẽ thật thiếu sót nếu đánh giá Trương Vĩnh Ký không chú ý đến việc ghi chép trong những cuộc điền dã dân tộc học. Đào Văn Hội ca ngợi Trương Vĩnh Ký ở sự học có phương pháp và hay ghi chép. “Pétrus Ký là một học giả giữ kỷ luật chín chắn. Phàm học gì hay đi đến đâu, thấy gì, ngài cũng biên kỹ, để sau làm tài liệu cho việc tra cứu trước tác.” [Đọc: Đào Văn Hội, Nam Kỳ danh nhân, (Hà Nội) Nhã Nam & NXB Tri thức, 2017, trang 207]

Nhưng thật đáng tiếc, những ghi chép trong quá trình điền dã của Trương Vĩnh Ký không được trình bày ở trong những tiểu luận.

[23] Trương Vĩnh Ký là một đề tài được các học giả từ thời Pháp thuộc tới nay quan tâm. Tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975, tác giả Nguyễn Sinh Duy nhận định Trương Vĩnh Ký đã vượt qua loại tác giả những cuốn sách tổng hợp, chỉ đòi hỏi một kiến thức tổng quát rộng rãi, mà tiến vào những lãnh vực chuyên môn (tôn giáo), góp phần thỏa mãn mong muốn hiểu Việt Nam của những người Pháp khi mới bắt đầu cuộc đô hộ. Nguyễn Sinh Duy, cũng như nhiều tác giả khác, chú ý bao quát sự nghiệp Trương Vĩnh Ký, nhưng không đánh giá những bài nghiên cứu phong tục, thiết chế người Việt của Trương Vĩnh Ký. Những tiểu luận có đóng góp đối với khoa học của Trương Vĩnh Ký – điều chính bản thân Nguyễn Sinh Duy đã nhận định - phải được đánh giá trên khía cạnh lịch sử vấn đề, phương pháp nghiên cứu và những kết luận mới. Chính Nguyễn Sinh Duy đã khơi mào nhưng ông không thể đi giải quyết luận điểm của mình. Nguyễn Sinh Duy viết rất mù mờ, chung chung về những tiểu luận phong tục, thiết chế làng xã của Trương Vĩnh Ký. [Đọc: Nguyễn Sinh Duy, “Thương xác cùng nhà học giả Hồ Hữu Tường về hiện tượng Trương Vĩnh Ký”, (Sài Gòn) Bách Khoa số 416 (19 tháng Mười 1974) in trong Nguyễn Đình Đầu (chủ biên), sđd, trang 538 – 539]

Trước đó, vào năm 1937, Nguyễn Văn Tố đã viết tiểu luận đánh giá sự nghiệp khoa học của Trương Vĩnh Ký. Nguyễn Văn Tố nhấn mạnh tới những nghiên cứu ngôn ngữ học và sử học nhưng chưa đánh giá các tiểu luận nghiên cứu phong tục và thiết chế của người Việt của Trương Vĩnh Ký – các công trình, như Nguyễn Văn Tố nhận định, nằm ngoài lĩnh vực quen thuộc cà còn một số điểm yếu kém của Trương Vĩnh Ký. [Đọc: Nguyễn Văn Tố (Nguyên Ngọc dịch) Petrus Ký (1837 – 1898) in trong Nguyễn Đình Đầu (chủ biên), sđd, trang 371 – 410]

Một học giả không được đào tạo để trở thành chuyên gia ở mọi lĩnh vực, kể cả nhà bách khoa thư. Đặt Trương Vĩnh Ký và Nguyễn Văn Vĩnh cạnh nhau để đánh giá, ta sẽ bước đầu đi tới tri nhận về chuyên môn của từng người là gì.

[24] Chính phương pháp tạo ra đối tượng nghiên cứu – Saussure. [Đọc: Ferdinand de Saussure (Tổ Ngôn ngữ học Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tổ chức dịch), Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, (Hà Nội) NXB Khoa học xã hội, 1973, trang 28]

[25] Vì không có phương pháp nghiên cứu nên Trương Vĩnh Ký không xác định được đối tượng nghiên cứu. Trong tiểu luận Phong tục tập quán của người An Nam, chính thiếu sót trên đã khiến ông có những nhận xét chủ quan và sai lệch. Khi nghiên cứu những đối tượng trừu tượng, những điểm yếu từ sự thiếu sót của Trương Vĩnh Ký bộc lộ rõ ràng. Khi nghiên cứu tôn giáo của người Việt, Trương Vĩnh Ký đã không xác định được khái niệm “Tôn giáo” và đánh đồng những nghi thứ thờ thần tiên, ma thuật cũng là một thứ tôn giáo. [Đọc: Nguyễn Đình Đầu (biên soạn), sđd, trang 194 – 205]

Ở trường hợp đối tượng nghiên cứu là Tôn giáo của người Việt, Nguyễn Văn Vĩnh cũng lặp lại sai lầm của Trương Vĩnh Ký khi đánh đồng của những tín ngưỡng dân gian và ma thuật với tôn giáo. “Có nhiều tôn giáo không chính thức nhưng có thể tồn tại cùng với nhau mà không gây ra sự xung đột như: Phật giáo, Lão giáo, tục thờ cúng các linh hồn (chư vị) hay thờ cúng Hưng Đạo Vương…” [Đọc: Nguyễn Văn Vĩnh, sđd, trang 43]

[26] Việc đánh giá những công trình nghiên cứu của những trí thức Việt Nam thời thuộc địa như Trương Vĩnh Ký, Phan Kế Bính và Nguyễn Văn Vĩnh, trong chừng mực nhất định, cho ta thấy khởi đầu gian nan của những vị tiên khởi (Trương Vĩnh Ký). Nhiều thế hệ học giả thời thuộc địa thiếu những phương pháp và kỹ thuật nghiên cứu dân tộc học.

Trong sự tiếp xúc văn hóa Phương Tây khi Việt Nam bị đô hộ, ảnh hưởng lớn nhất của quân xâm lược đến người bản địa, theo sử gia Phan Khoang, chính là tinh thần khoa học. “Tinh thần khoa học đem lại cho học giả sự trật tự, sáng suốt, và bắt buộc họ, trong khảo cứu, phải có óc hoài nghi, phải suy luận, kiểm điểm, phê bình, nhờ đó học thuật phát triển trên những nền móng mới” [Đọc: Phan Khoang, sđd, trang 436]

[27] Emile Durkheim, sđd, trang 107 – 158.

[28] “Những tập quán và phong tục đặc biệt của mỗi làng là chủ đề của chuyên khảo nghiên cứu mang lại những lợi ích lớn. Việc nghiên cứu này dường như là không giới hạn vì có một số phong tục kỳ lạ có thể gây sự ngạc nhiên đặc biệt.” [Đọc: Nguyễn Văn Vĩnh, sđd, trang 21]

[29] Khi đối diện với việc nghiên cứu tập quán làng xã Bắc Bộ, chuẩn bị cho bài thuyết trình của Viễn Đông Bác Cổ các ngày 10 tháng Một 1944 và ngày 06 tháng Ba 1944, Nguyễn Văn Huyên lựa chọn nghiên cứu ba làng Dương Liễu, Quế Dương và Mậu Hòa thuộc huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Đông. Khu vực ông Nguyễn Văn Huyên tiến hành nghiên cứu cách trung tâm Hà Nội 25 km. [Đọc: Nguyễn Văn Huyên (Trần Đỉnh dịch), Những nghiên cứu về tập quán Việt Nam in trong Nguyễn Văn Huyên (Hà Văn Tấn chủ biên; Trần Đỉnh, Đỗ Trọng Quang & Phạm Thủy Ba dịch), Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam – Những công trình nghiên cứu của Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên: Tập 1, (Hà Nội) NXB Khoa học Xã hội, 1995, trang 490]

[30] Nguyễn Văn Vĩnh, sđd, trang 15 – 19.

Tiểu luận này, như đã viết ở trên, là một đóng góp của Nguyễn Văn Vĩnh, được Nguyễn Văn Huyên, học giả thế hệ sau, thừa nhận. Nguyễn Văn Huyên, trong Văn minh Việt Nam (1944), khi viết về tổ chức các đơn vị hành chính của làng, trong Văn minh Việt Nam (1943), đã trích dẫn Nguyễn Văn Vĩnh. [Đọc: Nguyễn Văn Huyên, sđd, 2016, trang 102 – 104]

[31] Nguyễn Văn Vĩnh, sđd, trang 16.

[32] Nguyễn Văn Vĩnh, sđd, trang 129.

[33] Tháng Chín 1936, Giám đốc Nha học chính Đông Dương đề xuất tới các giáo viên bậc tiểu học VIệt Nam một cuộc điều tra dân tộc học rộng rãi. Ông yêu cầu họ cung cấp những thông tin về môi trường địa lý, lối sinh hoạt, những tín ngưỡng,… của khu vực họ sinh sống. Tính đến giữa năm 1937, Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO) đã nhận được trên 80 tài liệu của các giáo viên xứ Bắc Kỳ và Trung Kỳ gửi về.

Đại diện EFEO, Nguyễn Văn Huyên đã thể hiện niềm vui mừng trước sự nhiệt tình của các giáo viên. Họ, cũng như ông Nguyễn Văn Vĩnh, đều không được đào tạo dân tộc học bài bản, là những nhà dân tộc học nghiệp dư, trước cuộc điều tra khó khăn, đã tự ứng biến mình trở thành một nhà dân tộc học.

Một số chuyên khảo được Nguyễn Văn Huyên đánh giá rất cao như công trình của ông Nguyễn Văn Tiến, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hạ Bì (Phú Thọ). Ông Nguyễn Văn Tiến, bằng ghi chép tỉ mỉ, đã góp phần thể hiện rõ ràng thực tại chế độ sở hữu tài sản ở Bắc Kỳ giữa các vùng, các làng rất khác nhau. Tại Hạ Bì (Phú Thọ), người giàu nhất có 8 mẫu ruộng lúa – nguồn tài sản chủ yếu của người nông dân Việt Nam là đất đai. Trong khi đó, một ngôi làng cách Hạ Bì chỉ 3 km là làng La Hòa, người giàu nhất có tận 50 mẫu ruộng, một con số quá chênh lệch.

Nguyễn Văn Huyên khen ngợi những công trình nghiên cứu dân tộc học được ghi chép, miêu tả cụ thể, chi tiết, với nguồn tin đáng tin cậy. Những yêu cầu trên “đòi hỏi nhiều cố gắng” nhưng vô cùng quan trọng, góp phần nghiên cứu phong tục, thiết chế làng xã ở Việt Nam, tránh những đánh giá chung chung.

[Đọc: Nguyễn Văn Huyên (Phạm Thủy Ba dịch), Một điều tra dân tộc học in trong Nguyễn Văn Huyên, sđd, 1995, trang 401 – 404]

[34] Nguyễn Văn Vĩnh (Phạm Toàn dịch), Các phương pháp bói toán lai Tàu lai ta in trong: Nguyễn Văn Vĩnh, sđd, trang 173 – 181.

[35] Trong một tiểu luận, có lẽ, Nguyễn Văn Vĩnh đã nói vui về kinh nghiệm phỏng vấn của bản thân trong phương pháp điền dã. “Các phong tục khác thường mà mỗi người chúng ta đều có thể có cơ hội được nghe kể lại mỗi Chủ nhật, thông qua các cụ già bán hàng nước. Chỉ cần nửa xu là bạn có thể ghé vào một cái lán, có mái tranh bán hàng nước nào đó ở một làng nào đó, để vừa được nghe kể chuyện vừa được uống một hoặc hai bát trà xanh”. [Đọc: Nguyễn Văn Vĩnh, sđd, trang 21]

[36] Bói giò là xem bói bằng chân động vật, thường là chân gà.

[37] Ông Nguyễn Văn Vĩnh viết về các thầy giò. “Khoảng năm, sáu năm trước, các thầy giò vẫn đầy rẫy ở Hà Nội. Nhưng bây giờ, thường chỉ gặp họ ở các làng quê, ở đó họ kiếm ăn cũng kha khá. Hiện ở Hà Nội vẫn có khoảng bốn hoặc năm người là cùng. Nói chung họ đã hành nghề khác nhiều hơn là làm nghề bói toán bằng các con vật. Thường những người này hay tụ tập ở cửa các chùa chiền. Tại đây họ lấy tiền công vài ba xu, rồi đọc và giảng giải cho những phụ nữ mù chữ các lá thẻ do những ông từ giữ đền ban cho.” [Đọc: Nguyễn Văn Vĩnh, sđd, trang 177]

[38] Một ví dụ về nạn buôn thần bán thánh thời thuộc địa. Tác giả ký tên N. H của Tràng An báo, năm 1935, đã ghi nhận nạn buôn thần bán thánh tại một nhà một người bạn (làng Lương Quán, ngoại ô Huế). Gia chủ phải tốn 15 đồng Đông Dương, một số tiền lớn tại thời điểm bấy giờ, cho buổi lễ đó. [Đọc: N.H, “Sự mê tín ở thôn quê: Một cuộc hầu đồng”, (Huế) Tràng An báo, số 17 (26 tháng Tư 1935), số 19 (03 tháng Năm 1935), số 20 (07 tháng Năm 1935) & số 21 (10 tháng Năm 1935), trang 2.]

[39] Thật quá khắt khe nếu đánh giá ông Nguyễn Văn Vĩnh không để ý tới những quy tắc phân biệt một thầy giò thực sự. Bằng chứng là Nguyễn Văn Vĩnh đã viết về những cuốn sách nhỏ giúp các thầy bói giò hành nghề nhưng sau đó, ông không tiếp tục, từ việc đọc cuốn sách đó, đánh giá những vị thầy bói ông tham gia vào một buổi lễ.

“Hiện thời [năm 1931] thật khó mà mua nổi một cuốn sách viết bằng chữ Nho đó. Nói chung, cái cuốn sách đó trong tay những người làm nghề bói toán ở Hà Nội, là sách viết dưới dạng văn vần in mực đen chừng 150 câu thơ. Không thấy họ xuất bản cuốn sách này, chỉ có những bản chép tay, trong đó đầy những công thức có tính ký ức, đọc lên nhiều khi chúng ta cũng không hiểu gì.” [Đọc: Nguyễn Văn Vĩnh, sđd, trang 177]

[40] Nguyễn Văn Huyên, Một dạng ma thuật ở miền thượng du Bắc Kỳ: Những cách chữa bệnh bằng phép lạ, in trong: Nguyễn Văn Huyên, sđd, 1995, trang 493 – 495.

[41] Tạp chí Viễn Đông Bác Cổ Pháp (CEFEO) số 14 (Tháng Mười hai 1939).

[42] Là học trò của Marcel Mauss, chuyên gia về tôn giáo và ma thuật, dường như là lý do khiến Nguyễn Văn Huyên - người dành rất nhiều công trình nghiên cứu tôn giáo, tín ngưỡng và ma thuật ở Việt Nam - luôn rất thận trọng trong phương pháp nghiên cứu. Nguyễn Văn Huyên, bằng sự chặt chẽ trong phương pháp, luôn muốn tránh những ảo tưởng đánh lừa nhà dân tộc học.
Marcel Mauss từng cảnh báo các nhà dân tộc học: nếu quá chú tâm vào thái độ của cộng đồng để đánh giá một người thực hành ma thuật thì, rất có thể nhà, dân tộc học sẽ bị đánh lừa. [Đọc: Marcel Mauss (Robert Brain dịch), A general theory of magic [Tạm dịch: Một lý thuyết đại cương về ma thuật], (London & New York) Routledge, 2001]
Nạn buôn thần bán thánh diễn ra phổ biến ở Việt Nam thời Pháp đô hộ buộc Nguyễn Văn Huyên không dừng lại đánh giá người thực hành ma thuật chỉ bằng thái độ của cộng đồng nơi anh ta sinh sống. Công đoạn đọc trực tiếp những cuốn sách thiêng, những tài liệu hướng dẫn các vị thuật sĩ thực hành ma thuật của Nguyễn Văn Huyên là vô cùng cần thiết.

[43] Nguyễn Văn Vĩnh, sđd, trang 21.

[44] Chúng tôi sử dụng bản trích dịch của Đoàn Văn Chúc. [Đọc: Đoàn Văn Chúc, sđd, trang 56 – 57]

[45] Ông Nguyễn Văn Vĩnh thể hiện ý đồ của mình khi tiết lộ một nghiên cứu của ông về mối quan hệ giữa tín ngưỡng và tôn giáo với các cấp tổ chức hành chính của làng xã. [Đọc: Nguyễn Văn Vĩnh, sđd, trang 27]

[46] Có lẽ chúng tôi cần thêm một tiểu luận khác nghiên cứu những phương án của ông Nguyễn Văn Vĩnh đề xuất để giúp chính quyền quản trị làng xã. Ví dụ, Nguyễn Văn Vĩnh đề xuất thiết lập một danh sách các vị quan chức không dựa theo quyền hạn mà theo những gì họ đã làng được cho làng xã. Danh sách ấy được cập nhật năm hoặc ba năm một lần. Từ bản danh sách đó, các cơ quan có thẩm quyền có thể đánh giá năng lực và khả năng quản lý của các quan chức cấp thấp. [Đọc: Nguyễn Văn Vĩnh, sđd, trang 61]