Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 29 tháng 5, 2018

nguyễn đính. như tôi biết

Trần Doãn Nho

Nguyễn Đính ra đi vào ngày 9 tháng 5 năm 2018.

Tôi và Đính quen nhau năm 1964, vào cái thời mà ở Huế, ai cũng có thể quen với ai và ai cũng có thể là bạn của ai. Cái thời mà ở Đại Học Văn Khoa Huế, bọn dự bị văn khoa chúng tôi say sưa nghe thầy Trần Văn Toàn giảng dạy “Hành trình vào triết học” và “Tìm hiểu Triết học Karl Marx”. Cái thời mà bên ngoài thì biểu tình tranh đấu, còn bên trong các quán cà phê, chuyện hiện sinh, tranh đấu, cách mạng xã hội và tư tưởng Karl Marx được mang ra bàn tán ồn ào, sôi nổi giữa đám sinh viên chúng tôi, lúc đó đang hưởng một không khí khá tự do của thời hậu đảo chánh 1/11/1963. Tuy khác quan điểm nhưng chúng tôi lại khá thân nhau. Còn nhớ, Đính đã từng cho tôi mượn tập sách nhỏ bằng tiếng Pháp “Manifeste du Parti Communiste” vàng ố, nói tau biết mi không ưa gì Cộng Sản nhưng “đọc cho biết”, nhớ cẩn thận kẻo bị cảnh sát bắt thì phiền.

Một lần, đâu khoảng giữa năm 1965, tôi cùng vài đứa bạn cao hứng, hùn tiền nhau rủ Đính đi chơi, nhậu nhẹt cả đêm. Sau đó, Đính biến mất. Té ra chàng âm thầm vọt “lên xanh”.

image(Tranh Bồ Đề Đạt Ma, vẽ 4/3/2010. Nguyễn Đính tặng 2011)

Mãi đến 1981, ở tù về, tôi mới gặp lại chàng. Đính nói, tau chừ còn phản động hơn mi nữa nếu mi không sợ đi ở tù lại thì cứ đến chơi với tau. Tôi bảo, tau ở tù tau khai hết rồi, sợ gì nữa. Nhắc chuyện thơ từ viết lách, tôi nói với Đính, tau không thích cái bút hiệu trần vàng sao của mi, nghe nó “sao vàng” quá, Đính cười hồn nhiên, nếu mi không thích thì thôi mi cứ kêu tau là thằng Đính như ngày nào, còn tau tau thích thì kệ tau. Đính kể, hồi ở trên rừng, có lần bị càn quét quá, tau núp kín dưới một triền núi, bỗng nghe chiếc trực thăng bay rà rà trên đầu, phát thanh xuống, đọc lời của mi kêu gọi tau ra chiêu hồi. Tôi nói, bọn họ bịa ra đó, tau đang đi học, tau có viết bài chưởi cộng sản, nhưng kêu mi về hồi chánh thì quả là chuyện khôi hài, ai mà làm, tau biết tính mi mà. Đính nói, tau nhớ răng tao nói rứa, mi không có thì thôi. Rồi cười xòa.

Sau đó, thỉnh thoảng tôi ghé nhà Đính chơi. Tuy thất thế, nhưng Đính nhiều bạn, đủ loại bạn cũ, mới. Khi buồn, là đến. Và đến là gặp vì chàng ở nhà cả ngày, chẳng mấy khi đi mô. Không những gặp Đính mà còn gặp người này người nọ. Tả có hữu có. Hầu hết đều là dân văn nghệ. Tất nhiên là có cả công an đâu đó. Thỉnh thoảng lại thấy có một ai đó lạ mặt xuất hiện, nghe nói “ở trên” cử xuống “thăm hỏi” Đính. Nhà chàng là một nơi dân dã đến tận cùng: ngói vỡ, tường ố, nền nứt, mái dột, rêu xanh, ghế gãy, dép sứt, áo quần nhàu nát, chân đất, ly đóng khớm, chén bể, sách vở giấy bút ngổn ngang, tranh Bồ Đề Đạt Ma nơi này nơi kia. Thích nhất là cái vườn rộng, có cây vú sữa cao, mùa hè ve kêu inh ỏi. Và Đính chân đất, quần đùi, miệng móm, râu thưa, cười nói mi mi tau tau. Gặp nhau, hô lên nhậu hè, là đứa này góp một ít đứa kia góp một ít, gom lại, sai thằng con ra chợ Vỹ Dạ mua vài xị rượu đế, ít gói đậu phụng… Thằng ni về, lại có thằng khác vô. Nhiều buổi trưa, ngủ không được, lục kiếm mấy đồng, đi đò Cồn qua sông, ghé chợ Vỹ Dạ mua xị rượu mang vào, nhậu, nghe ve kêu và nói dốc. Những ngày ấy như thế, buồn buồn vui vui, bạn bạn bè bè nói chuyện tầm phào, cho vơi bớt nỗi niềm. Có lẽ công an cũng rình rập dữ lắm, nhưng thấy cả đám rượu chè vô hại, nên cứ để yên.

Sau này, khi đi phỏng vấn xuất cảnh sang Mỹ (chương trình H.O) ở Sài Gòn yên ổn xong, ra Huế lại, tôi tránh gặp Đính. Chàng viết trong hồi ký, “Tôi bị coi khinh. Cho tới hôm nay những năm 91, 92, 93 này, những thằng bạn cũ ngày trước sắp đi HO cũng lánh mặt tôi và những anh em khác. “Hiểu cho tao với, để cho tao đi trót lọt cái đã, không lỡ nửa chừng bị ách lại thì quá cực.” Thằng Trần Hữu Thục nói với tôi sáng 31.7.1993 như vậy. Bọn tôi thông cảm bọn hắn.” (Tôi bị bắt/Talawas kỳ 9)

Gần hai chục năm sau, về thăm. Nhà vẫn thế, Đính vẫn thế, nhưng móm mém nhiều. Lần này, có rượu ngoại, có bia bọt thoải mái, có thuốc thơm, có mồi đầy đủ. Nhậu đã xong, ra về, biếu chàng tí quà. Đính cười, mi cho là tau lấy, tau cám ơn Trời Phật, bữa ni có lộc.

Sau, tôi ghi lại vài câu thơ nhớ lần gặp gỡ:

tới viếng thăm thằng đính

móm mém vết đời đau

tạt ngang nhà nguyệt hạ

nắng úa đẫm hàng cau

Bài thơ của một người yêu nước mình” là tập thơ đầu tiên của Đính được in ra ở Hải Ngoại, do Khánh Trường, lúc đó đang chủ trương nhà xuất bản Tân Thư, đứng ra lo. Tên tập thơ cũng là tựa đề bài thơ nổi tiếng nhất của Đính. Bài thơ hay vì nó tình cảm, nó chân thành, than thở và ước ao, không kêu gọi đấu tranh, căm thù, cũng không có bóng dáng của đảng của bác. Một bài thơ như… một bài thơ. Nếu Đính cứ làm thơ như thế, thì có lẽ mọi sự đã khác, không chừng chàng đã trở thành một cán bộ đảng ngon lành nào đó rồi.

Nhưng lên rừng, ra bắc, chàng đột nhiên thay đổi. Một trăm tám chục độ. Chàng đẩy cuộc đời chàng đến chỗ phá cách. Và thơ chàng cũng phá cách theo. Tuyệt đối. Toàn diện. Chàng vứt bỏ hết những hình ảnh lãng đãng, bâng quơ và… đẹp trong “Bài thơ của một người yêu nước mình” ngày nào, đại loại như:

một vết bùn khô trên mặt đá

không có ai chia tay

cũng nhớ một tiếng còi tàu

image(Tập thơ “Bài thơ của một người yêu nước mình”,

Tân Thư xuất bản, California, Hoa Kỳ 1993)

Thay vào đó, Đính đẩy ngôn ngữ thi ca xuống sâu trong đời thường và vượt ngưỡng đời thường, đến chỗ tận cùng của nó, sần sùi, thô nhám. Là một kho khẩu ngữ, rặt khẩu ngữ. Nó trông có vẻ phi thơ, phản thơ, phi văn, phản văn. Nó trần trụi, trực tiếp đến nỗi ta không tìm thấy cái gọi là thi-ảnh. Nó là sự, là vật, là chữ trong cái man dã, nguyên con của nó. Không ẩn dụ, không tu từ, không trau chuốt. Thơ Đính phơi trần một thứ hiện-thực-không-pha-chế; nó hiện thực đến nỗi bản thân nó tự biến thành ẩn dụ một cách vô cùng hồn nhiên. Nó trực tiếp xóa nhòa biên giới giữa chữ-nghĩa-như-ký-hiệu và hiện-thực-phi-ký-hiệu ở bên ngoài.

Những là: thằng, tau, mi, hắn, vấy, ruồi bọ, muốn mửa, đứng bu, nhai, nuốt, nhả bả, ruồi bu, phân người, chổi cùn, con đĩ, cào rác, giẻ rách, cục cơm, miếng xương, ếch nhái, nón rách, bãi phân trâu, mua chịu, lông lá, moi óc, mả cha, ỉa vất, lỗ phên trống, đẻ dễ, đĩa thịt, cào cổ…

Những là: da thịt tôi nổi ốc, mùi trú ngún trong bếp, đứng ngoài xúi giặc, đạp mẻ chai, đi đầu xuống đất, xanh xương mét máu, ngó lui ngó tới, trong đầu em có cục sạn, chui vào bụi, củ khoai cả hà, dép sút quai,…

Trong một thế giới như thế, nhân vật “tôi” là một hữu thể mang tính sinh vật. Nó tồn tại, quằn quại trong một hiện sinh trần truồng, bầm dập, vụn nát và bi thảm. Tận cùng bi thảm. Sống chỉ còn là những phản ứng có điều kiện:

Tôi ăn, tôi nuốt, tôi hả họng, tôi cào cổ, tôi chưởi, tôi ít khi được ăn cơm no, tôi quanh quẩn với mình, tôi thèm miếng mỡ, tôi cắn, tôi bị rệp cắn ngứa hết cả thân hình, tôi đã hôn em cực khổ như thế, tôi cơm không có mà ăn ngó tới ngó lui không biết thù ai, tôi tưởng tượng được ăn thịt rồi vui vẻ nói cười…

Nhân vật “tôi” đói, thường trực đói, phải đi tìm đồ ăn trên những cái mả mới chôn người chết:

tôi đợi cho mọi người đi hết

cho mấy cái khăn vàng khăn đỏ hết ngoái lại nhìn con ai dại

trời nắng không có mũ nón trên đầu

mấy cây hương còn cháy cắm lên vắt cơm

để trên miếng chuối hơ vừa héo

tôi ngồi xuống đất

những hột cơm trắng và khô

tôi ăn cả tàn hương phẩm đỏ vào bụng

liệu ai ở nhà tôi chết có được một vắt cơm

to trắng thế này để trên mả không

(Đứa bé thả diều trên đồng và vắt cơm cúng mả

mới)

Nhà hắn chẳng có gì ngoài… rệp và muỗi:

bây giờ tôi trông mỗi ngày có gạo ăn

(…)

rệp và muỗi

máu

cái mùng mười năm không có một thân lành chỗ cột túm

chỗ gài kim băng chỗ vá đậy bằng vải quần lót

nửa đêm cả nhà thức dậy thắp đèn bắt muỗi

thấy máu nghĩ tới bữa ăn lúc tối

đứa có thịt ăn lại không bị muỗi rệp cắn

tôi chưởi (000)

Người bóc lột người mà rệp, muỗi cũng “bóc lột” người!

“Tôi” bị đánh mất luôn “tôi”:

mọi người đã thù ghét không muốn tôi có tên

để tôi như chó như cây như cứt như đá

(Người đàn ông mất trí và con chó con chưa mở mắt)

Hết chỗ nói. Ngột ngạt quá thể!

Thơ đó chăng? Văn đó chăng? Thôi thì bạn muốn gọi gì thì gọi. Chúng đã như thế rồi.

Thơ Đính, rốt cuộc, là âm bản của một sự thật:

Cuộc cách mạng này kinh khủng thật. Không phải nó chỉ thay đổi tâm tính, thái độ, tư tưởng của từng con người mà thay đổi vị trí của từng đồ vật trong từng nhà, cái ghế, cái bàn, cái tủ, cái giường, tôn lợp trên mái nhà, lư hương trên bàn thờ… đều thay đổi chỗ, xếp đặt lại tất cả. Hôm qua cái bàn còn để đó, hôm nay không còn nữa, cái bàn đã đi qua nhà khác, đã ở ngoài chợ. Cuộc cách mạng này đã phá hết, phá tan hết những gì mà từng gia đình đã bòn mót bao nhiêu năm nay từ ông cha đến con cháu để nuôi sống mình, để tồn tại với đời. Và những người làm cách mạng đã thay thế những gì mà họ đã phá sạch bằng công an, bằng quyền lực trấn áp, bằng mệnh lệnh, khẩu hiệu, băng cờ.” (Tôi bị bắt/Talawas kỳ 9)

*

Trong cái ray rứt, ngột ngạt, bế tắc, tôi chợt tìm thấy một Nguyễn Đính khác, rất hiếm hoi:

người thổi chai thổi cái chai qua lỗ trống

người thổi chai thổi từ cái không qua cái có

người thổi chai thổi cái không để đựng cái có

người thổi chai không thổi được chất chai chỉ thổi được hình chai

người thổi chai thổi mình vào cái chai

(Thổi chai)

Nguyễn Đính đâu, hay vẫn là đó, tài hoa, trong một khoảnh khắc bất chợt lão trang.

*

Bây giờ Đính đã là “con cua ngoài miệng giỏ”, theo cách nói của McAmmond Nguyen Thi Tu trong một bài viết trên Da Màu.

Chàng ngoài cõi.

Vui vẻ nhé, Đính ơi.

TDN

(Dallas, 22/5/2018)

-

_________________________________

Ghi chú: Thơ trích trong bài lấy từ tập thơ “Bài thơ của một người yêu nước mình”, Tân Thư xuất bản, California, Hoa Kỳ 1993)