Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 25 tháng 4, 2018

Từ ‘Tôi cùng gió mùa’ đến ‘Tản mạn bên tách cà phê’

Nguyễn Mạnh Trinh

Tác phm Nguyn Xuân Thip

Nguyễn Xuân Thiệp.Từ tuyển tập thơ”Tôi Cùng Gió Mùa” đến tạp bút “Tản Mạn Bên Tách Cà Phê”, hình như tôi thấy một không gian thơ rộng khắp của ý tưởng như những cánh chim bay lượn tận từng không. Thơ như những sợi gió báo mùa và thơ cũng là những suy tư bất chợt đến, vô tình đi của những bài tản mạn. Bao nhiêu năm trời, đọc lại những bài thơ, những câu văn tưởng như gặp lại cố tri với tâm tình sâu lắng. Tôi đọc lại Nguyễn Xuân Thiệp từ tâm tư ấy.

Một buổi chiều đầu thu, ra ngồi ngoài hiên sau nhà. Nhìn những đợt sóng dần lan tỏa, nghĩ vu vơ và lơ đãng ngó mông lên trời cao xanh mà tay lần giở những trang thơ. Tự nhiên giữa trời-đất-người có một nỗi niềm, có một sợi giây liên hệ nhè nhẹ sâu lắng tựa như niềm cảm thông tuy hiện hữu nhưng trong giây lát e dè giấu kín. Tấm lòng mở ra, từ những sợi liên tưởng từ vần điệu, ngôn ngữ, mong manh ơ hờ nhưng vô cùng sinh động.

Ở đâu đó, dường thấy lại phiến kinh thư ố vàng ngàn năm chưa phai vết mực. Ở đâu đó chỗi dậy một thời hỗn mang của thế thời cùng cực biến loạn mà thảm kịch cứ rình mò bước đến.Nỗi buốt xót dần dần lan tỏa.Niềm đớn đau khôn nguôi của vết thương đã cố công lành miệng ngoài da nhưng tận cùng sớ thịt là điệu rung quay quắt của những sợi thần kinh chực chờ kích xúc. Nỗi và niềm,ý và lời, gờn gợn quấn quít với nhau. Trầm lắng, ở cõi bất khả tư nghị. Sâu sắc, không chút hung nộ mãnh liệt, không cường điệu đao to búa lớn, thế mà, thảm kịch của một thế hệ bị xua đẩy vào lò lửa chiến tranh đã được cảm nhận y nguyên. Đời người sao có những bước chân cứ xoay vòng hoài những tấn thảm kịch. Gió mùa mà sao toàn cơn lốc. Tôi đọc thơ Nguyễn Xuân Thiệp.

Lạ lùng, hình như tôi từ bỏ vai trò của người đọc mà đành hanh bước đến tâm thức của một người làm thơ để đòi chia sẻ những hình ảnh, những nhân dáng của một thi sĩ khác. Sở dĩ tôi có ý nghĩ trên vì hình như ở một góc cạnh nào đó thi sĩ đã hòa nhập cùng tôi trong cùng cảm nhận thế thời trong những ý tưởng gặp gỡ tình cờ có được qua ngôn ngữ thơ.

Nói một cách thành thực, ở đời thường, tôi chỉ gặp ông có vài ba lần và câu chuyện cũng chỉ ở mức xã giao thông thường. Thế mà, qua thơ, tôi cảm giác đã nói với ông nhiều chuyện. Chuyện xưa, chuyện nay, chuyện mình, chuyện người. Qua câu chữ và ý tình, thấy được nỗi niềm phóng chiếu từ cái riêng biệt để thành chung mang của luồng sóng cộng hưởng phát xuất từ trái tim luôn tin đời và yêu mình.

Đã có người nhận định, thơ Nguyễn Xuân Thiệp có cái mở, của lòng Nhân dù bị tù tội bạc đãi trong suốt một thời gian dài nhưng vẫn an nhiên tự tại và cố quên đi hận thù đeo đẳng. Điều ấy có thể đúng ở một góc cạnh quan sát nào đó nhưng trong tổng thể ở một vị trí thật khách quan tôi thấy thơ của ông có những đợt sóng ngầm của những uất kết chất chứa và những dồn nén vô biên.

Ngày xưa, thơ Đỗ Phủ vẽ lại một thời thế, mà màu đen đã được bôi loang đến vô cùng tận. Dù chẳng oán trời trách đất, dù không hận đời hận người, thơ chỉ mô tả và kể lại chuyện một thời mà cũng đủ khiến người đọc, dù sau cả trăm ngàn năm cũng còn thấy xúc động bùi ngùi. Thời đại của quỷ dữ ngự trị được phác họa mà những cảnh mâu thuẫn trái ngang được phóng chiếu để thấy được cái vô lý của kiếp nhân sinh. Tôi không dám lộng ngôn so sánh giữa Nguyễn Xuân Thiệp và Đỗ Phủ, nhưng qua thơ Tôi Cùng Gió Mùa tôi cũng liên cảm được nỗi đau rất người và nhân bản ấy đã tồn tại từ ngàn năm trước.

... thơ bay đồi hoa gạo

ối đỏ đầy quán không

xứ xứ hồn u khốc

ngày kêu ngoài bãi sông

cát bồi mây núi sụt

nước cuốn phăng mấy làng

trời một vùng châu phủ

đêm nghe tiếng hổ gầm

gió mùa về châu phủ

nhà trống tuếch trống toang

dậy bóng đoàn thu sản

che khuất một vừng trăng

sông Mã trôi sông Mã

nguồn cao sóng réo gầm

người túa ra sân ga

người lang thang phố chợ

thân gầy áo rách tươm

khất đồng tiền của quỷ

mẹ bán con làng bên

mai này con hết khổ

chó nhà ai đi hoang

nửa đêm về cào cửa

đời siết mấy dây oan...

Tự nhiên, tôi lại liên tưởng đến Thạch Hào Lại, Tam Cốc Hành, Tân Hôn Biệt, Binh Xa Hành,... của Đỗ Tử Mỹ. Cũng mênh mang nỗi lòng từ thiên cổ. Cũng băn khoăn trở trăn vì vận nước, tình người. Tôi hiểu được một điều, thơ đích thực đã vượt qua được hàng rào không gian, thời gian để hiện tại và quá khứ tựu chung cũng chỉ là một, tuy có thay đổi nhưng hình như bất biến. Ở một thời đại nào, đất nước nào con người cũng chỉ có chung một nhịp đập của trái tim và nhịp rung của tâm hồn. Và biểu hiện qua thơ, cũng chỉ là một, dù ở hình thái khác nhau ở tiểu tiết nhưng đại thể vẫn chỉ là một.

Đọc thơ Tôi Cùng Gió Mùa có phải là đi ngược lại hành trình của con đường thi ca Nguyễn Xuân Thiệp? Trải dài hơn mấy chục năm, với bài thơ đầu tiên của tập thơ viết năm 1954, ”Nhịp Bước Mùa Thu” đến bài viết coi như mới nhất hoàn tất năm 1988 “Hoa Bluebonnet và Nắng Thơ Tôi”, dấu ấn thời gian thật in rõ nét. Từ cái thuở “hút với nhau điếu thuốc/ giữa buổi chiều hoa quỳ/ tôi nhìn quanh bóng núi/ chợt thấy đời vô vi/” đến cái đau Pleiku Tháng Ba 1974 linh cảm trước một cơn địa chấn “cầm bút viết đồi hoa quỳ vàng/tháng ba xuống khu rừng bóng quạ/rung những nhánh cây màu tàn lửa/ tiếng thét hư không. Chiều rượt ngàn.” thơ đã có những dấu chân đi dài thăm thẳm mà biến cố qua cảnh, qua người như lẩn khuất đâu đây. Thơ đầy ứ nỗi niềm. Thơ của một không gian lạnh lẽo của một đất nước đầy tai ương khốn khó.

Rồi ngày đại nạn nước mất nhà tan những giọt lệ nén xuống âm thầm tân đáy lòng. Đời tù binh thua trận, phiêu bạt kiếp tội tù điêu linh, trôi dạt đến tận mãi xó rừng miền Bắc heo hút vẫn hoài một phương Nam xa vắng mong chờ một buổi trở về

”khi ta đi lên miền Bắc

hồn đầy những sắc tạp âm

thổi chùm cỏ khô bay mất

ôi bóng mùa vui biệt tăm”.

Chúng ta đi qua thảo nguyên, cùng mẹ, cùng cha, cùng chị ,cùng em, chung thân phận lưu đày biệt xứ cùng những nỗi niềm ấp ủ với những hình tượng cỏ cây hoài vọng suốt tháng ngày

“mùa hạ ta qua vùng thảo nguyên

gió thổi chiều xanh trôi với nắng

khoảnh khắc vầng trăng bạc nhú lên

cánh chim theo trăng vào trời rộng.”

Và trăng,cũng là thiên nhiên và con người hòa làm một, khi những ấn tượng rất ảo huyền nhưng lại chân thực được phác họa lại bằng phương cách tài hoa, trong ngôn ngữ có tiềm tàng một cơn bão dậy.

“giữa cuộc bạo hành, cơn sốt dữ

nỗi đau này cháy vỡ thịt da

thử ngẩng nhìn trăng đêm phán xét

ai công , ai tội. dưới trời khuya

ai xô trăm họ vào gai góc

ai hái dâng đời một đóa hoa

Hãy xét trong cơn đau lịch sử

nỗi đau nào đau của riêng ta

áo quan chưa đóng. thời chưa hết

có kẻ cùng ta thức đợi chờ

nay dẫu đường đi đôi dặm khuất

trăng treo đầu ngõ. thấy quê nhà...”

Trong từng câu, từng chữ, những nỗi niềm tượng hình. Không nói đến nỗi oán. Nhưng khi đọc vẫn cảm thấy. Không một chữ đề cập đến nỗi hận nhưng cảm giác vẫn tràn đầy vô bờ những chất chứa dồn nén. Hình như, một không gian thời gian lắng đọng đến tột cùng để thành rung động đến từ thông cảm. Đất-Trời-Người trong vòng tương sinh tương diệt quấn quít trộn lẫn vào nhau để thành một cuộc sống. Và thơ, cũng chỉ là một liếc mắt qua từ một phần góc cạnh để hy vọng thấy được cái vô biên của cuộc sinh tồn.

Tôi thấy theo chủ quan tôi, Nguyễn Xuân Thiệp không cố tình làm mới thi ca. Ông chân thành từ ý nghĩa tỏ bày trung thực từ ngôn ngữ chuyên chở. Hình ảnh tuy có lúc rất xương kính nhưng vẫn nhằm biểu lộ một phần sâu thẳm bên trong nội tâm. Thơ của ông có những bước chân mê mải vào những nội cỏ hoang vu để tưởng nghĩ đến những vó ngựa lồng lên một thuở nào thanh xuân vừa mất biệt trong năm tháng.

Bài thơ Chiều Bên Sông Giăng mở ra từ ngoại cảnh bên ngoài để đóng lại vào cõi sâu thẳm bên trong của tiềm thức, là một thí dụ điển hình. Trời đất, dông bão, mưa gió bên ngoài vẫn chỉ làm bùng vỡ bên trong những thời chấn động. Những ý nghĩa đứt quãng, nhưng lại có lúc như mâu thuẫn liên lạc với nhau từ một cố ý nổi bật để hiểu thêm được và chia sẻ được những điều nghĩ đến tình cờ tưởng là giây phút ngẫu nhiên của lịch sử.

“...chiều bên sông giăng

tháng ba bồi hồi sấm động

màu ráng trời rớt xuống hồn ta

cháy đỏ

những vệt sầu cổ thi

này hiền sĩ xưa ơi. cuộc lãng du ai

quên nỗi đói nghèo. ngày lại ngày

dắt lũ chó vàng đi săn chồn cáo. bước

chân qua chín mươi chín ngọn non

hồng

chiều đang gọi qua truông

về chưa. về chưa

tháng ba. quanh trời. sấm động

chiều nghi xuân. u uất. màu mây

ai xưa. múa con dao dài. chặt giang đốn

củi. ngày ngày theo ông vượn vào

hang sâu. nhặt trái gấm ăn xót dạ.

hồn xanh đắm giạt mây ngàn

ngày về chết bãi sông tương

tràng an ơi. san sát bờ lâu sậy xa

thơ đâm chảy máu bầu trời...”

Nói với bây giờ. Đối thoại với tương lai. Âm vọng cùng qúa khứ. Có phải đích thực là giấc mơ của thi sĩ để ngôn ngữ thi ca vào cõi vô cùng. Một hai thế kỷ, có phải chỉ vỏn vẹn là một sát na của lịch sử. Hiểu như thế, để thấy rằng nếu đích thực là tấm lòng thi ca thì sự tồn tại sẽ chẳng phải là trăm năm ngàn năm mà còn miên viễn hơn nữa. Do đó có người đã nghĩ tội tình gì mà vắt cạn lòng, công phu gì mà mải miết kiếm những màu sắc dễ phai nhạt của tấm áo bên ngoài, của những cố công giả vờ chơi trò cút bắt chữ nghĩa. Sống chân thực thản nhiên với mọi vọng động thì thơ cũng cùng một cung cách ấy sẽ có hồn biết bao nhiêu và biết đâu sẽ gặp tri âm tri kỷ. Tôi chắc tác giả Tôi Cùng Gió Mùa cũng cùng chung ý nghĩ đó với tôi.

Đọc tuyển tập thơ Tôi Cùng Gió Mùa mà không gian thơ, thời gian thơ còn vương vấn. Cầm Tản Mạn Bên Tách Cà Phê trên tay, tôi tưởng như mình đọc một tùy bút thơ hay một hồi ký thơ cũng thế. Thơ tràn khắp. Từ suy nghĩ cảm hứng. Đến những bài viết ngắn và dễ thương như những bài thơ văn xuôi. Thơ chiếm lĩnh và ngự trị. Thơ của một hồn thơ khoảng khoát vô bờ. Thơ của những cảm xúc của những sợi đàn rung cực độ. Tôi đọc Tản Mạn Bên Tách Cà Phê.

Đọc trang đầu bài viết Chiều Tím Một Bông Trăng tưởng như đọc một bài tùy thi của một kẻ sĩ Việt Nam làm những câu thơ lỡ vận:
“…Có một thời, sau khi đất nước đổi chủ, kẻ sĩ lang thang trên đường phố với xe đạp và túi xách. Chỉ thiếu cây gậy đả cẩu. Nào Trần Lê Nguyễn, Phạm Kiều Tùng, Thế Viên, Trụ Vũ, Thế Phong,... Và còn nhiều nữa – trong đó có cả Thanh Tâm Tuyền, Cung Trầm Tưởng,... những tác giả đã góp phần làm nên diện mạo văn học một thời. Lại có kẻ – như Nguyễn Đình Toàn – lui về căn nhà cũ, ở Làng Báo Chí, “Này em có nhớ căn nhà xưa bên khu vườn cải/Nơi mỗi sớm nằm nghe nắng dòn trên mái...” Và ai, ai đã nghĩ tới Nguyễn Du lúc ẩn thân ở Ngàn Hống mà xót xa cho phận mình” Nguyễn Du về Ngàn Hống/ngắm mảnh trăng non Đoài/tôi chiều hái rau sam ngoài bờ ruộng/ chiều tím một bông trăng” Thật ra kẻ này không dám nhận mình là kẻ sĩ nhưng cũng ngày ngày cưỡi xe đạp đi bán chữ. Từ những dặm đường gió bụi này hình thành một phác thảo lấy tên Vầng Trăng và Chiếc Xe Đạp Của Tôi. Ôi phác thảo cho tới ngày hôm nay vẫn còn nằm trong hộp sọ, chưa bao giờ thành chương khúc hẳn hoi. Trí tường mê hoảng của tôi lúc đó hình dung mình như Dante trong Thần Khúc nhờ thi sĩ Virgil dẫn đường lần tới inferno. Thế đây, xã hôi trước mắt lúc bấy giờ chẳng phải là một thứ lò luyên ngục – inferno – đó sao. Không có ai dẫn đường tôi nhờ vầng trăng chỉ lối. Và cứ như thế, đi qua, đi qua những dặm trường và tới phố Ôn Như Hầu: Hồn trà mi/phố khuya/ tôi đi từ cổ độ/ về qua lối phù dung/ thấy mảnh trăng vô thường cháy/ trên nóc mái đường thi…

Ôi, chiều ở đâu, chiều tím một bông trăng.”

Tản Mạn Bên Tách Cà Phê còn có những bước chân vu vơ nhưng thật là thơ, tuy gần gũi cận kề cuộc sống mà sao như là những hoài niệm vương vấn mãi trong đời. Có khi nào chúng ta, viết một bài tùy bút nhỏ, gửi đến chú ve sầu như một liếc mắt bùi ngùi về qúa khứ.

Nguyễn Xuân Thiệp viết trong cái say sưa của một hồn thơ: “Tiếng ve mùa hạ. Đây rồi hồn ta. Một hôm có nắng bỗng nhớ tiếng hát em, hỡi chú ve nhỏ. Nắng bâng khuâng hoài... Tôi nhớ lắm chứ. Thảo nào, hồi nãy nhìn thấy màu nắng và hoa trúc đào, à không, hoa hải đào màu đỏ, tôi bỗng thấy nhớ một cái gì đó mà chưa định tiếng, định hình được. Thì ra là tiếng ve và màu hoa phượng. Những thực thể tầm thường như vậy trong đời sống mà tôi và bạn và em đã vĩnh viễn mất đi. Muốn lại được nghe thấy, nhìn thấy nó ta phải vượt trùng dương, băng qua ngàn dặm trở về. Có hy vọng nào làm được như thế không? Cho nên, buổi trưa nghe tiếng ve dù không bừng cháy da diết như những tiếng ve trong vườn nhãn ấu thời ở Huế, trên những hàng cây bên trường Lê Ngọc Hân ngày nọ hay trong công viên Tao Đàn Sài Gòn, nhưng thứ tiếng đầy âm thanh đó đủ khiến tôi bồi hồi suốt một buổi. Thât là nhảm, đại nhảm.Nhưng biết làm sao. Rằng quen mất nết đi rồi... Trong nỗi xúc động ấy, buổi chiều tôi báo tin vui cho người bạn thơ, rằng tôi vừa nghe tiếng ve kêu trong bóng mát lùm cây ở Dallas.

Tiếng ve. Có lần tôi đã viết về tiếng ve ở những khu vườn rợp nắng buổi đầu đời. Nó vang dậy như một dàn đại hợp xướng, chỗ này vừa lặng tiếng chỗ khác đã rộ lên cứ thế không dứt...

...Xin các chú ve hãy cứ ca hát trong những mùa hè ở đất nước tôi. Dù xa dưới ngàn mây trắng, khi nhìn về ấu thơ tôi vẫn thấy vô cùng thân thiết với các chú và hết lòng tạ lỗi cũng như biết ơn. Bởi không có các chú, tuổi thơ tôi mất đi vẻ đẹp vẻ sáng. Cũng như không có các thi sĩ, nhạc sĩ thì trái đất này sẽ trần trụi khô khan biết mấy. Nó sẽ không còn là quả cam màu xanh, nơi cư ngụ bình an của con người...”

Viết về mẹ, từ cây ngọc lan, thi sĩ đã liên tưởng từ cây ngọc lan, mặt trăng và bóng mẹ:
“Ngọc Lan... Không hiểu vì đâu khi gọi tên hoa ngọc lan là Nguyễn nghĩ tới ánh trăng. Có lẽ vì màu hoa như màu trăng chăng? Hay vì hương ngọc lan về trong một đêm trăng nào đáng ghi nhớ trong đời mình. Và nhìn trăng thì Nguyễn nghĩ tới mẹ giờ đã ở sau làn mây trắng...

...Riêng Nguyễn cũng có một cây ngọc lan, trong sân chùa Già Lam, là nơi năm nào Nguyễn đã gởi lại nắm tro tàn của mẹ cha. Cách đây dăm năm, bạn văn N. Ngọc đã tới thăm và hái ít bông ngọc lan để trên trang thơ của Nguyễn rồi chụp hình gửi qua. Nhìn những bông hoa trong hình, Nguyễn xiết bao cảm động. Viết đến đây Nguyễn chợt nhớ ca từ một bài nhạc của Thanh Tùng: “lối cũ ta về/ vườn xưa có còn/ thoảng bay trong gió/ mùi hoa ngọc lan...” Với Nguyễn, kỷ niệm về mẹ cũng có hoa ngọc lan đấy, ngoài ra còn có một vầng trăng. Tại sao lại là một vầng trăng? Nguyễn không cắt nghĩa được. Chỉ biết lúc nhỏ phải đi học xa mẹ, Nguyễn thường khóc dưới vầng trăng. Sau này, lớn lên, mải theo đuổi mộng đời, có lúc lạc mất vầng trăng của mẹ. Nhưng mỗi lúc thất bại, vấp ngã trong đời lại thấy vầng trăng và hình bóng mẹ hiện ra. Ý nghĩ này không phải độc sáng của Nguyễn mà thiền sư Nhất Hạnh và nhà văn Võ Đình đã nghĩ tới. Thầy Nhất Hạnh nói rằng hễ nhìn thấy vầng trăng là thấy mẹ.

Đêm nay, khi Nguyễn viết những dòng này, cũng có một vầng trăng trên ngọn cây sồi già. Chợt nhớ một câu trong Vầng trăng của May khi hai mẹ con vừa đi dạo dưới trăng về…từ nay ánh trăng sẽ theo John suốt cả cuộc đời sẽ che chở bảo bọc nó, nhất là những lúc cần tĩnh tâm nhìn lại.” Mẹ ơi, mẹ chính là vầng trăng chiếu sáng đời con. Đêm nay, một đêm trăng ở thành phố Garland, ước chi Nguyễn có được một vài bông ngọc lan để đặt lên bàn thờ mẹ.”

Hình như thi sĩ họ Nguyễn không quên được những ngày lao ngục trong trại giam Cộng sản. Và thơ, như những dấu tích của vết thương tâm, của nỗi niềm muốn quên mà sao vẫn nhớ. Tản mạn Bên Tách Cà Phê cũng có những dòng hồi tưởng:

“Ô hay! Tôi lại làm thơ nữa rồi. Lòng những tưởng sẽ dừng lại ở dòng viết này. Như một khúc ly ca. Nhưng hốt nhiên, tiếng quạ trong vườn khuya đêm qua khiến liên tưởng đến nàng Lenore của Edgar Poe và nàng Đường Uyển của Lục Du. Đồng thời nó cũng gợi lên những bóng quạ đen trên lưu đày thời miền Nam đổi chủ. Và bóng quạ đen trên sân nắng một buổi trưa khi còn ở Mira Mesa, San Diego. Như vậy, tại sao không viết tiếp để gom tất cả lại thành một Tứ Đại Óan thời nay.

Thi sĩ Phạm Công Thiệnđi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất” và thấy được những hình ảnh vừa âm u vừa thơ mộng, lại vang vang tư tưởng của triết gia. Riêng Nguyễn và các bạn đồng hội đồng thuyền đã đi qua hết cả ba ngàn đêm hoang vu trên mặt đất quê nhà thời đổi chủ và đã thấy những bóng quạ đen như ác mộng trên phần kiếp của mình. Thuở ấy, những thân tù xanh lướt như rau tàu bay như ngải đắng của vùng gió Mán mưa Tày soi bóng xuống mặt nước xanh chàm của Thác Bà, cùng với bóng những cây trầm thủy. Những cái bóng ấy, dừng lại một hai nơi rồi lại đi khi có “ lệnh trên” (đây là trên “khung”, bộ chỉ huy trại tù của VC) vì kẻ thù từ Trung Quốc tràn qua bám theo đuôi ngựa. Đi. Đi... Qua đồi sắn, nương khoai, ruộng bậc thang và bóng nhà sàn vọng tiếng mõ trâu trong chiều, qua những đồi cọ dưới trời Hà Tuyên nắng rực trên vai áo rách bạc màu hướng về những đồi chè Bắc Thái. Dừng lại rồi đi tiếp vì kẻ thù vẫn bám riết. Đi qua ngã ba Đồng Lộc về tới Thành Đá Xanh thời Trung Cổ.

Vâng, ngày ấy năm 1979, Nguyễn và các bạn làm thơ làm nhạc bị giam ở Thanh Chương, Nghệ Tĩnh – có Hà Thượng Nhân, Vũ Đức Nghiêm, Tô Thùy Yên, Chu A Hạnh, Nguyễn Trung Dũng, Xuân Bích... cùng khoảng một ngàn anh em khác. Thanh Chương là vùng đất khô cằn, núi đá trùng điệp ngay bên cạnh trại cũng có một ngọn núi đá. Từng ngày tiếng mìn phá núi vang dội đôi khi có cả những cục đá to rơi kinh hoàng trên mái trại. Từng ngày anh em bạn tù dùng xe cải tiến đi xúc đá chở đá. Cả một vùng đá núi khô cằn cỏ cây xơ xác. Và những cơn gió Lào trong mùa nắng cháy không ngớt thổi về làm đỏ hoe con mắt khô héo ruột gan tù. Ở đây chỉ có một năm đã có ba bạn tù rũ áo: Lê Thơm. Hậu và một người nữa không nhớ tên (có phải là Nghĩa). Đây là đất của diều và quạ. Đêm thường nghe vọng

Ác điểu ngày đêm gào xáo xác

Dường như cả thế giới lâm chung

(Tô Thùy Yên)

Đêm qua trăng ngủ. đầu ngọn khuya

Qụa quắp trái tim ta lên núi

(Nguyễn Xuân Thiệp)

Như thế đấy, bóng quạ kêu trong đêm nguyệt tận nào phải” nguyệt minh tinh hi... ô thước nam phi” như trong bài phú Tiền Xích Bích của ông Tô Tử ngày xưa. Cũng không phải tiếng quạ trên bến cây phongNguyệt lạc ô đề...” Ôi , tiếng quạ kêu dưới những lán trại xác xơ trong thành đá xanh ngày ấy. Rồi cũng ở Thanh Chương, Nghệ Tĩnh, những trưa tù đốt rừng, hừng hực nóng, khói và sâu bọ cuồn cuộn lên khiến lũ quạ bay đảo đầy trời. Chúng kêu rân, họng đầy máu... Tiếng kêu của những phù thủy áo đen ấy tưởng như báo điềm gở, làm cho bầu trời lạnh băng, không gian chợt tối lại.

G từ tiếng quạ của đất tù ngày ấy, tôi đi... qua biển rộng, qua những chiếc cầu hoàng hôn, những bến cảng sương mù, những xa lộ thời gian... Để đến trên ngọn đồi Penasquitos

Buổi trưa nhìn nắng xế

Trên sân bóng quạ què

Kêu kêu từng giọt máu.

Như vậy đó, ôi cuộc hành trình nhân sinh và đời đã qua biết mấy nhịp cầu. Để gặp lại tiếng quạ trong vườn khuya trụi lá đêm qua.

Phải chăng đã hoàn thành một Tứ Đại Óan để gửi người thời nay?”

Nguyễn Xuân Thiệp trong Tản Mạn Bên Tách Cà Phê còn nhiều tâm sự. Từ cảnh vật ở quê nhà, Huế, Đà Lạt , Sài Gòn, Pleiku đều có mặt trong thơ văn như từng kỷ niệm chẳng bao giờ quên. San Juan Capistrano, New Orleans, New York... xứ người nhưng cũng là ký ức của một đời nhắc lại một thời lưu lạc. Rồi từ nhưng khuôn dáng bằng hữu, những tâm tình thân thương của một thời chìm nổi qua những ngõ lối tưởng đã cùng đường Tản mạn cũng đúng mà hồi ký cũng một phần có phải chân dung Nguyễn Xuân Thiệp đã được phác họa lại bằng chính cây cọ vẽ của mình?

Đọc hai tác phẩm của một thi sĩ, có phải tôi đã đi vào một không gian thời gian của thơ. Ngẫm nghĩ lại, sao tôi cũng có lúc suy nghĩ giống như tác giả. Như một cái nghiệp đeo đẳng, thơ có phải là cứu cánh để đời sống không đơn điệu lúc tuổi già...

Nguồn: http://phovanblog.blogspot.de/2018/04/tu-toi-cung-gio-mua-en-tan-man-ben-tach.html