Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 2 tháng 4, 2018

Thơ Việt từ hiện đại đến hậu hiện đại (kỳ 7)

Inrasara

KHẾ IÊM

Sinh năm 1946 (khai sinh 1947) tại Lê Xá, Vụ Bản, Nam Định. Học Luật tại Sài Gòn. Sáng lập và chủ biên Tạp chí Thơ tại Orange County, California, Hoa kỳ từ năm 1994-2004. Chủ trương website: Câu Lạc Bộ Tân Hình Thức từ năm 2004. Giới thiệu thể thơ Không Vần trong thơ Việt

Tham dự hội nghị hàng năm lần thứ 56 (từ 4-7 tháng 3-2004) của Hiệp hội Nghiên cứu Á châu (Association For Asian Studies, www.aasianst.org). Thơ là một trong 219 cuộc hội thảo của chương trình, bao gồm nhiều chủ đề khác nhau từ kinh tế, chính trị, xã hội, ngôn ngữ, văn hoá…. về các nước vùng Á châu kể cả Trung Hoa và Ấn Độ. Bốn nước tham dự cuộc hội thảo thơ là Lào, Việt Nam, Thái Lan và Philippine, với chủ đề: Thơ, cửa sổ qua lịch sử và biến đổi ở vùng Đông Nam Á (Poetry as a Window on History and Change in Southeast Asia). Bản tham luận tựa đề: Thơ Việt Trên Đường Biến Đổi: Bức Tranh Văn Học (Contemporary Vietnamese Poetry, On The Path Of Transformation: A Portrait Of Vietnamese Literature)

Thơ và tiểu luận dịch tiếng Anh đăng trên Wordbridge Magazine và các diễn đàn: CriticalPoet.com, PoetryCircle.com, Poetry.About.com, Thewriterspost.net… Bài thơ The Black Cat (nguyên bản Con Mèo Đen) được chọn là một trong ba bài thơ hay nhất trong tháng 12-2007 của diễn đàn thơ Poetry.about.com.

Biên soạn tập tiểu luận: Tân hình thức, Tứ khúc và những Tiểu luận khác (California, 2003). Biên tập thơ tuyển song ngữ Anh Việt, Đỗ Vinh dịch thuật: Thơ Không Vần, Tuyển Tập Tân Hình Thức, Blank Verse, An Anthology Of Vietnamese New Formalism Poetry (California, 2004).

Tác phẩm thơ đã xuất bản:

Thanh Xuân (Thơ, California 1992)
Dấu Quê (Thơ, California 1996).

Tuyển thơ

Níu lại

Tìm kiếm

Kịch một giây

Thiếu phụ

Tân hình thức và câu chuyện kể

Cái hộp

Bậc thang

KHẾ IÊM, CÂU CHUYỆN TÂN HÌNH THỨC KỂ LẠI

Trong hành trình thơ Việt, mười năm cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI, không thể không nhắc đến Thơ - tạp chí thơ tiếng Việt xuất bản tại Orange County, California, Hoa Kì mà Khế Iêm là người khai sinh và chèo chống suốt từ năm 1994 đến năm 2004. Những sáng cà phê hẻm đường Cao Thắng hay quán Trống Đồng đường Lê Quý Đôn của Vũ Trọng Quang, Thơ, Việt, Hợp lưu là đề tài câu chuyện bên lề văn chương của văn nghệ sĩ Sài Gòn khuynh hướng tự do và khát khao làm mới thơ bị đóng băng quá lâu trong khí quyển văn chương bế quan tỏa cảng. Không ít bạn thơ nôn nóng chờ. Chờ và lo. Anh chị em xì xầm rằng từ năm nay Thơ giảm còn mỗi hai kì hoặc, sau số 8, Việt sẽ đình bản hay, Khánh Trường sắp nghỉ bên Hợp lưu.

Sách ngoại văn vào được trong nước đã khó, sách báo tiếng Việt càng khó hơn. Nhưng qua nhiều ngõ ngách khác nhau, thế nào rồi cũng lọt. Vũ Trọng Quang - như tính cách dễ dãi của anh - gì cũng có, rồi chỉ một tháng sau thôi thì gì cũng không còn. Anh chị em chộp được, chuyền tay nhau photocopy. Nhớ là sách photocopy khác với sách in photocopy. Người ta có thể mang photo sách in photocopy. Giai đoạn này, Việt, Hợp lưu, Thơ,... là tạp chí được nhân bản nhiều nhất tại Sài Gòn.

Hành trình đó, tạp chí Thơ với các thông tin mới lạ, tiểu luận sắc sảo, các thử nghiệm mới mẻ của vài cây bút tài hoa, đã ảnh hưởng không ít đến sáng tác trong nước. Hơn nữa, chúng như chất kích thích sự khai phá tìm tòi, rằng mình vẫn không cô độc trên con đường sáng tạo! Nhưng rồi, bước sang thiên niên kỉ mới, khi hàng loạt website trong đó có tienve.org, tapchitho.orgthotanhinhthuc.com ra đời, nó dần dần chìm và cuối cùng, coi như làm xong “nhiệm vụ lịch sử”.

Nhắc đến Khế Iêm, không thể không nói đến tân hình thức. Với bao nỗi gập ghềnh và oái ăm của nó.

Trên tạp chí Thơ, số Mùa Thu 1996, tôi đọc được:

TV Ký

Bud weis er

Cách dùng:

Đọc theo âm kêu của ễnh ương (Bợt wais ờ). Tước đoạt nghĩa của chữ, cả đen lẫn bóng. Lập đi lập lại để nảy sinh hình và ý.

Budweiser, Khế Iêm đụng nó trên đường phố, các trang quảng cáo, qua radio, tivi - mỗi ngày. Nó không là gì cả nhưng miết rồi thành ám ảnh. Anh đánh vần nó, phát âm bắt chước âm kêu của ễnh ương nơi quê nhà và, hướng dẫn gợi ý người đọc theo cách đó. Người đọc tham gia vào sáng tạo ý nghĩa bài thơ, từ đó nhiều ý nghĩa khác nhau phát sinh qua kí ức và trải nghiệm riêng tư của mỗi độc giả(1). Bài thơ tạo liên tưởng khác nơi tôi. Những năm bao cấp, các khẩu hiệu treo đỏ đường phố, nẻo quê. Mỗi dịp lễ lạc là mỗi khẩu hiệu mới, khác nữa. Như thể chúng ta chuẩn bị cho nhau sống qua/ với/ bằng khẩu hiệu. Không ít người rất dị ứng, tôi ngược lại - thuộc tất. Thuộc và đọc diễn cảm chúng. Trên đường đến trường, trong lúc đi theo cày hay giữa giờ giải lao công sở. Mỗi lần đọc mỗi khác, tâm trạng khác, nhịp điệu hay lối nhả chữ, chuyển âm hoàn toàn khác. Sự thể gây cho tôi cảm xúc khác lạ. Tôi nghĩ tại sao Khế Iêm không triển khai ý niệm này? Thực hiện và đẩy tới.

Đinh Linh cho rằng cái hay nhất của Khế Iêm nằm ở thơ tự do trong tập Dấu quê, chứ không phải tân hình thức. Sao phải nhọc công theo đuổi tân hình thức là loại thơ đã lỗi thời cơ chứ. Như bài thơ tự do “Dấu quê” chẳng hạn.

phà vào lũ mục

tử bằng đất nung

vói tay nhón cái phôi

pha với khói

tí tách

con mắt góc

xếch

mé trong thế giới hai mặt một lời

(ai ở ngoài lời)

vẽ lại hình dạng đã thành quen

thói

phẩy con đường làm đôi

không biết lối nào có dấu quê

(2)

Nhưng nỗi thơ cũng như nỗi người, đâu có giản đơn thẳng đường mà tiến. Nó có thể tụt hậu hoặc lạc thời, quay trở vào kho lục lạo tìm xài lại cái cũ, xào xáo hay cải tiến. Tân hình thức không là ngoại lệ. Khế Iêm có cách nghĩ riêng. Anh đặt câu hỏi về thất bại của thơ tự do, và tự trả lời:

Nhưng tại sao thơ tự do, sau một thế kỷ, lại làm cạn kiệt người đọc và đặt thơ trước tình trạng không còn ai muốn quan tâm tới thơ, ngoài những nhà thơ? The Waste Land là một tác phẩm khó, ít nhất là 4 đặc điểm như sau: hình thức rời rạc và đứt đoạn, trích dẫn những tiếng ngoại quốc, đủ loại ẩn dụ, và cấu trúc huyền thoại(3)

“Đặc tính của thơ hiện đại được bàn cãi nhiều nhất là tính khó hiểu tối nghĩa của nó”, Delmore Schwartz nhận xét vào năm 1941(4). Bất kì bài thơ nào, tập thơ nào của tác giả nào, cứ là khó hiểu với tối nghĩa. Vậy, thơ để làm gì? Khế Iêm ý hướng thiết lập lại quan hệ giữa thơ và người đọc, kéo người đọc trở lại với thơ. "Tân hình thức như một thời lãng mạn mới, một trật tự mới hay một nền ca dao mới trong một xã hội bình đẳng và dân chủ, lôi cuốn người đọc, làm phong phú đời sống và ngôn ngữ tự nhiên”(5).

Vẫn còn chung chung quá. Ở chỗ khác, anh cụ thể và thực tế hơn: Tân hình thức "kết hợp với một số yếu tố và kỹ thuật của thơ tự do, phá vỡ những âm hưởng Tiền Chiến, chấm dứt nửa thế kỷ dậm chân tại chỗ của thơ Việt"(6). Là tham vọng chính đáng của mọi nhà thơ, hấp dẫn đấy chứ!

Sẵn sân chơi là tạp chí Thơ, tân hình thức lôi cuốn bao nhiêu người làm thơ chịu chơi nhập cuộc. Có thể kể: Trần Tiến Dũng, Nguyễn Đạt, Đoàn Minh Hải, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Đỗ Minh Tuấn, Lưu Hy Lạc, Đỗ Kh., Lý Đợi, Bùi Chát, Khúc Duy, Inrasara, Lê Thánh Thư, Nguyễn Thị Thanh Bình, Nguyễn Đăng Thường, Trầm Phục Khắc, Lê Giang Trần, Phan Thị Vàng Trắng, Hoàng Xuân Sơn, Nguyễn Thị Khánh Minh, Nguyễn Quán, Phan Tấn Hải, Nguyễn Hoài Phương, Đinh Cường, Phạm Việt Cường, Hà Nguyên Du. Các bài thơ cấp tập ra mắt công chúng thơ. Tập tiểu luận như là lí thuyết mang tính khai mở Tân hình thức, Tứ khúc và những Tiểu luận khác mở mắt chào đời tại California năm 2003. Sau đó một năm, cũng tại đây, thơ tuyển song ngữ Anh Việt: Thơ Không Vần, Tuyển Tập Tân Hình Thức, Blank Verse, An Anthology Of Vietnamese New Formalism Poetry, do Đỗ Vinh dịch được xuất bản, đánh dấu mốc quan trọng cho tiến trình thơ tân hình thức Việt(7).

Thế nhưng, mấy vướng bận về hình thức rời rạc và đứt đoạn, đủ loại ẩn dụ, khó hiểu và tối nghĩa, vân vân của thơ tự do, hậu hiện đại đã vượt thoát từ lâu rồi! Vậy đâu là kĩ thuật của tân hình thức Việt, để có thể tạo nên khác biệt? Vần và lặp lại, vắt dòng, và hiệu ứng cánh bướm, là những thủ pháp đã lưu kho, các nhà thơ tân hình thức tái chế lại. Nhiều nhà thơ đang sinh sống tại Sài Gòn đã triệt để vận dụng nó, như là một trong những thủ pháp nghệ thuật, chứ chưa có nhà thơ chuyên trị tân hình thức. Cho dù vần và lặp lại nguy cơ [và đã từng] đưa thơ vào sự quẩn quanh, bí bức, nhàm chán; yếu tố tính truyện đã xô rất nhiều bài thơ trở thành lan man và nhảm; ngôn ngữ đời thường khiến không ít người làm thơ lạm dụng ngôn từ dung tục từ đó tầm thường hóa thơ, nhưng tân hình thức vẫn hiến cho người đọc không ít bài thơ hay. Khế Iêm cũng có được vài bài thơ đặc sắc. “Con mèo đen” là một.

Con mèo đen có linh hồn và chiếc

xương sườn của tôi, mỗi buổi sáng thức

dậy không bao giờ rửa mặt, mỗi buổi

sáng thức dậy không bao giờ đánh răng;

con mèo đen có đôi mắt bằng đất

sét, mở ra và nhắm lại, hay cứ

mở ra và không bao giờ nhắm lại,

trong lúc lên thang xuống thang, mang theo

linh hồn và chiếc xương sườn của tôi,

mà quên rằng, tôi đã sống những ngày

hôn ám biết bao, tự thuở nào và

tại sao thì tôi đành chôn kín, trong

cái túi đựng đầy những đoạn chú thích,

được lượm lặt từ rất nhiều mẫu chuyện,

để cấu thành câu chuyện về con mèo

đen, mang linh hồn và chiếc xương sườn

của tôi; dĩ nhiên, đó là con mèo

đen có đôi mắt bằng đất sét, chứ

không phải bất cứ đôi mắt nào khác;

mù đặc, trong lúc lên thang xuống thang.

Không phải là không hay và ám ảnh. Người đọc dễ tiếp nhận nữa.

Nhưng tân hình thức vẫn cứ bị dị nghị, từ khai cuộc cho đến hôm nay, trong lẫn ngoài nước. Hải ngoại, lực lượng tạp chí Thơ bị phân hóa. Trong nước, nó chịu phận ngoài lề, góp mặt với đời qua hình thức in photocopy. Chịu đấm như Inrasara cũng chỉ được mười tám bài trong Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài thơ tân hình thức(8). Có mặt chính thống, nhưng chúng bị chèn ép và che khuất giữa thơ tự do và thơ xuôi ngay trong tập. Bị dị nghị, kì thị và dè bỉu. Biết, chê đã đành. Không tìm hiểu “mĩ học tân hình thức” hay chỉ mới đọc lướt qua vài bài tân hình thức dỏm, cũng chê bừa.

Dù gì thì gì, tân hình thức Việt cũng đã làm tiêu tốn bao nhiêu giấy mực. Cho dẫu Bàn tròn văn chương kì 9 - đã lên chương trình thảo luận và sơ kết về tân hình thức mùa Hè 2007 - nửa đường đứt gánh, nhưng tân hình thức như là một trào lưu văn chương, đã thổi được một làn gió vào khí quyển tù đọng của thơ ca trong nước. Sau thời gian im ắng, một thế hệ tân hình thức mới xuất hiện: Bỉm, Biển Bắc, Giảng Anh Yên, Thiền Đăng, Nguyễn Tất Độ với tập thơ Bướm sáu cánh(9), mang sinh khí khác cho tân hình thức. Bớt đi mấy chuyện vụn vặt ngày thường xà phòng với giường chiếu, Bỉm biết đưa ngôn ngữ thơ dấn vào tâm trạng bề sâu hơn, tứ thơ cư trú ở khoảng bấp bênh hơn dù ở đó không thiếu khuyết chất bỡn cợt. “Guitar đêm” của Gyảng Anh Iên như thể một lãng mạn mới. Cũng sương khuya, côn trùng, cũng tiếng mẹ hay giấc ngủ sâu, nhưng qua tân hình thức, chúng đã mang hơi thở khác. Nữa: “Thành & bại” không phải không “đầy tràn cảm xúc”.

Tân hình thức Việt đã đổi khác. Để tồn tại, nó cần phải đổi khác.

Sài Gòn, 24-1-2009

_______________________

Chú thích

(1) Inrasara, Song thoại với cái mới, tiểu luận, NXB Hội Nhà văn, H., 2008, tr. 209

(2) Dấu quê, Văn Mới xuất bản, Hoa Kì, 1996

(3) Khế Iêm, “Vũ điệu không vần”, bản thảo

(4) Delmore Schwartz observed in 1941 that "the characteristic of modern poetry which is most discussed is of course its difficulty, its famous obscurity". Dẫn lại từ Khế Iêm, “Vũ điệu không vần”, bản thảo

(5) Tạp chí Thơ số 20, 2001, tr. 70

(6) Tạp chí Thơ số 18, 2000, tr. 94

(7) Khế Iêm, Tân hình thức, Tứ khúc và những Tiểu luận khác, California, Hoa kì, 2003; Thơ Không Vần, Tuyển Tập Tân Hình Thức, Blank Verse, An Anthology Of Vietnamese New Formalism Poetry, do Đỗ Vinh dịch, Hoa Kì, 2006.

(8) Inrasara, Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài thơ tân hình thức, NXB Hội Nhà văn, H., 2006

(9) Bướm sáu cánh, tập thơ năm tác giả: Biển Bắc, Bỉm, Thiền Đăng, Nguyễn Tất Độ, Gyảng Anh Iên, NXB Tân hình thức, Sài Gòn, 2008.