Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2018

Gửi Nguyễn Duy

Cao Huy Thuần

Anh Nguyễn Duy thân mến, chắc anh đã nhận được thư mời viết bài cho Giai Phẩm Xuân của các bạn Diễn Đàn. Họ mời anh là đương nhiên rồi: không mời Nguyễn Duy thì mời ai? Nhưng tôi, lão lai tài tận, mà họ cũng mời, thật là áy náy quá. Tóc trên đầu rụng như sung, chữ nghĩa cũng vậy, ý tứ đâu nữa mà viết? Đọc lui đọc tới cái thư mời, bình tĩnh lại, mới vỡ lẽ: họ nói năm nay là kỷ niệm 50 năm Tết Mậu Thân. Mình là người Huế... cậu là người Huế mà cậu không nhớ Mậu Thân thì nhớ cái gì, chắc họ nghĩ vậy. Oan cho mình quá, năm 68 mình ở đường Sommerard, ngay sát cạnh Sorbonne, chỉ nhớ mùi lựu đạn cay và hình như có tham gia chống chiến tranh gì đó với trai gái sinh viên thế giới, chớ có biết gì đâu Mậu Thân mà nhớ? Có nhớ chăng là nhớ: ờ, năm 68 chiến tranh leo thang dữ dội lắm. Vừa nhớ đến cái ý "dữ dội" thế thôi, bỗng câu thơ của Nguyễn Duy nhảy vọt vô đầu một cách vô duyên. Nghĩa là vô duyên cớ.

Nghĩ cho cùng

Mọi cuộc chiến tranh

Phe nào thắng thì nhân dân đều bại...

Hay quá, mình nhớ Mậu Thân rồi! Nhớ cả cái đặc biệt của Mậu Thân, không chiến tranh nào có: phe nào cũng nói mình thắng cả. Ai cũng thắng, chỉ có nhân dân là...

Tôi nói nhỏ nhỏ thôi, không phải vì sợ anh quá bạo gan, mà sợ anh sẽ gặp nhiều người bắt bẻ. Tôi phải dượt anh trước để anh khỏi lúng túng nhé.

Chắc chắn có đứa, rất ác, sẽ đem một câu danh ngôn của một ông sư tổ Sorbonne ra để làm thịt anh: "Chính con người làm nên lịch sử, nhưng họ không biết lịch sử mà họ làm". Ký tên: Raymond Aron. Có đúng thế không? Anh là người cầm súng làm chiến tranh, nghĩa là làm lịch sử, vậy thì lúc anh nổ súng lia lịa, anh có biết lịch sử mà anh đang làm sẽ là cái gì không? Cái ấy có phải là cái mà anh nghĩ trong đầu? Bạn bè anh, đồng đội anh có biết không? Hay là cũng ngẩn ngơ như anh? Lịch sử là mù lòa? Hay anh mù lòa, ai cũng mù lòa? Chẳng lẽ chiến tranh cũng mù lòa nốt? Chiến tranh chẳng có nghĩa lý gì cả? Chỉ chết thôi?

Câu hỏi ấy đượm mùi triết lý, anh hãy tránh đừng đi vào cãi cọ chính trị mà rước họa vào thân, hãy đứng vững hai chân hạ cánh an toàn trên miếng đất thuần túy triết lý. Để giúp anh khỏi mất công, tôi mở từ điển để tìm hiểu chiến tranh là gì, không phải từ điển thông thường mà là từ điển đặc biệt, mang tên Từ điển triết lý hẳn hoi. Đây rồi, Chiến tranh, tác giả: Voltaire. Mình sợ ông đại triết gia, đại văn hào này viết triết lý khó hiểu, ai ngờ ông chỉ kể chuyện, mà lại là chuyện cổ tích, với cái giọng ỡm ờ nửa nghiêm nửa tếu, đáo để quá chừng, dịch nguyên văn nhé.

"Một anh chàng viết gia phả chứng minh cho một ông hoàng tử nghe rằng ông là chắt chiu trực hệ của một ông bá tước mà thân sinh phụ mẫu đã làm một giao kèo gia đình cách đây ba hay bốn trăm năm với một gia tộc mà ngay cả ký ức cũng không còn ghi nhớ nữa. Gia tộc ấy nuôi một ý đồ xa xôi về một tỉnh mà người cai trị cuối cùng đã chết vì bệnh xuất huyết não. Ông hoàng tử và chàng quân sư ấy dễ dàng đi đến kết luận rằng tỉnh ấy thuộc về ông hoàng theo luật thiêng liêng của Thượng Đế. Tỉnh ấy, cách xa ông hoàng hàng trăm dặm, phản đối nhưng vô ích, phản đối rằng họ chẳng biết ông hoàng là ai, rằng họ chẳng muốn ông đến cai trị, rằng để ban luật thì ít nhất luật cũng phải được dân chấp thuận: chẳng lời lẽ nào lọt được tai ông, quyền của ông là hiển nhiên, bất khả cãi. Lập tức, ông tập hợp ngay được đông đảo những kẻ chẳng có gì để mất, ông cho họ mặc một lá cờ xanh lớn, giá mỗi thước vải chừng một trăm mười xu, cho họ đội mũ có viền trắng to tướng bọc quanh, bảo họ quay bên phải, quay bên trái và tiến bước tới đài vinh quang".

Anh kể đến đây, chắc có người chận anh lại để góp ý về mấy chữ trong đoạn cuối: "chẳng có gì để mất". Họ sẽ nói: Ủa, sao nghe hao hao tuồng như có ai cũng nói tương tự như thế, hình như "chẳng có gì để mất ngoài xiềng xích". Hứng chí, người ấy có thể nói thêm: Có phải những người "chẳng có gì để mất" ấy làm nên lịch sử chăng? Lịch sử mà họ nghĩ là họ đang làm đã trả lui xiềng xích lại cho quá khứ chưa? Đã tới đài vinh quang chưa?

Anh cứ giả bộ làm lơ, cười trừ một tiếng rồi đọc tiếp.

"Các ông hoàng khác nghe nói có cuộc viễn chinh ấy bèn vào cuộc ngay, mỗi vị tùy theo quyền lực của mỗi vị, và giẫm tràn trên mỗi phần đất nhỏ bằng chân của bọn giết người đông như kiến, đông hơn cả bọn Mông Cổ tàn bạo mà Thành Cát Tư Hãn đã kéo theo.

Dân nghèo ở xa nghe nói sắp đánh nhau, ai tham gia sẽ được lãnh năm hay sáu xu mỗi ngày, lập tức chia ra hai phe, tựa như bọn đi cấy, và bán sức dao búa cho ai muốn mua. Đám đông ấy xông xáo chém giết nhau tận lực, chẳng những chẳng có lợi ích gì trong cuộc tranh cãi, mà cũng chẳng hay biết có chuyện gì mà đánh nhau vậy".

Chắc sẽ có người gật gù đố anh: Ờ, Nguyễn Duy cho tớ biết chính xác vì chuyện gì mà ông Mỹ đưa quân vào Việt Nam ta vậy? Tớ nghe người này nói thế này, người kia nói thế khác, riết một hồi mình cũng chẳng rõ đích xác vì duyên cớ gì mà đánh nhau dữ vậy. Vậy thì ai biết?

Cứ lờ đi mà đọc tiếp là thượng sách.

"Người ta thấy cùng lúc năm hay sáu phe lâm chiến, có khi ba chống ba, có khi hai chống bốn, có khi một chống năm, tất cả đều căm thù nhau như nhau, khi thì liên minh nhau khi thì tấn công nhau, tất cả chỉ đồng ý với nhau trên một điểm: giết chóc, tàn phá càng nhiều càng tốt.

Tuyệt vời nhất trong chiến trận địa ngục ấy là mỗi lãnh tụ của bọn giết người kia đều xin ban phước lành cho cờ xí của mình và long trọng viện dẫn Thượng Đế trước khi xung kích tận diệt đồng loại. Nếu một lãnh tụ chỉ có hạnh phúc được cắt cổ hai hoặc ba ngàn người thôi, vị ấy chẳng cám ơn Thượng Đế đâu; nhưng nếu vị ấy giết được chừng mười ngàn, và còn hưởng thêm ân sủng tàn phá được nát bét vài tỉnh, lúc đó họ hát một bài hát dài bốn đoạn, viết bằng một thứ ngôn ngữ lạ hoắc với tai của tất cả những người đã chém giết và, thêm nữa, đầy cả chữ nghĩa nhố nhăng chẳng ra chữ nghĩa".

Anh có thể dừng lại, nhún vai trả lời người vừa chất vấn khi nãy: Vì cái duyên cớ gì mà đánh nhau? Ai biết? Thì ông Voltaire đã nói rồi: các ngài thượng cấp ấy biết, chứ ai! Thế rồi anh ngậm ngùi chấm dứt câu chuyện cổ tích bằng cách ngâm nga với cái giọng tha thiết mê hồn của anh: "Phe nào thắng thì nhân dân đều..." Và anh đổi giọng tức khắc từ ngậm ngùi ra giận dữ: Lịch sử là cái quái gì? Lịch sử là một bãi tha ma! Một nghĩa địa! "Quel cimetière que l'histoire!" Nói thêm chữ Tây ấy cho oai, vì câu ấy là của ông Taine, sử gia. Ông Taine là một sử gia bi quan. Ông sợ những hung bạo thú tính chỉ mới được chôn vùi một nửa trong con người gọi là văn minh thức dậy đe dọa nền móng hãy còn mong manh của văn minh. Ai thức dậy? Lịch sử! Lịch sử nào cũng làm các dân tộc mơ mộng, say sưa, hưng phấn, gợi lên những kỷ niệm không thật, kích thích mãnh liệt những phản xạ về những kỷ niệm ấy, duy trì những vết thương do những kỷ niệm ấy gây ra, hành hạ các dân tộc kể cả trong giấc ngủ, dẫn họ đến mức điên loạn về vinh quang. Tôi lấy ý ấy từ ông Paul Valéry danh tiếng, tuy chẳng cao siêu gì, không dám tự bày đặt. Thì cứ xem nước Đức quốc xã! Hai chiến tranh thế giới, mỗi trận đánh là cả chục ngàn người chết. Chiến tranh thuộc địa cũng vậy thôi. Đi chiếm đất người ta mà say sưa viết lịch sử là đem ánh sáng văn minh đến cho bọn u tối lạc hậu. Bọn lạc hậu được học lịch sử như vậy. Lịch sử, cũng như chiến tranh, là được viết bởi kẻ thắng. Nội chiến thì khỏi nói, câu ấy đã thành danh ngôn: "chiến tranh luôn luôn được viết bởi kẻ thắng". Nghĩa địa càng nhiều thì vinh quang càng lớn trong trang sử.

Đến đây, e có đứa sẽ đem cái đặc tính có một không hai mà chúng ta vừa nói ở trên của Mậu Thân để cãi lý với anh: trong chiến tranh Mậu Thân, phe nào cũng nói mình thắng, phe nào cũng viết lịch sử rằng mình thắng, vậy lấy luận lý thuần túy ra mà suy, nói "ai cũng thắng" phải chăng đồng nghĩa với "ai cũng bại"? Trong chiến tranh, làm gì có win-win? Chết như ngoé. Anh chết, em chết, huynh đệ chết, chết một thành hai, vết thương bên này cũng là vết thương bên kia, đau chung máu mủ. Vậy thì chiến tranh để làm gì khi anh cũng bại mà em cũng bại? Chiến tranh như vậy tự nó cũng bại nốt. Bại cả lũ! Vậy thì câu danh ngôn "chiến tranh luôn luôn được viết bởi kẻ thắng" áp dụng thế nào trong trường hợp Mậu Thân? Ai cũng bại cả thì lấy đâu kẻ thắng để viết lịch sử? Chẳng lẽ lịch sử Mậu Thân là do kẻ bại viết à? Sử gia là nhân dân? Chân lý là nhân dân? Chỉ có một chân lý duy nhất thôi là từ miệng nhân dân?

Luận bàn một hồi, thế nào cũng có một câu hỏi giáo khoa cổ điển, căn bản, đặt ra: thế nào là viết lịch sử? Đâu là phương pháp sử học chính xác, khoa học? Lại cãi nhau. Nhưng thế nào cũng có một quan điểm đưa ra hùng hồn: lịch sử là những sự kiện, biến cố; viết lịch sử là viết về những biến cố, sự kiện của quá khứ một cách trung thực, mắt thấy tai nghe, không thêm bớt mắm muối thiên kiến hay hệ này hệ nọ, tôn giáo hay ý thức gì đó vân vân. Mắt thấy tai nghe? Thế thì sử gia nhân dân phải viết lịch sử kiểu Trịnh Công Sơn rồi!

Chiều đi qua Bãi Dâu / Hát trên những xác người

Tôi đã thấy, tôi đã thấy

Ông thấy gì?

Xác người nằm quanh đây, trong mưa lạnh này

Bên xác người già yếu, có xác em còn thơ ngây

Xác nào là em tôi, dưới hố hầm này...

Toàn xác là xác. Chết nghẹn ngào mình không manh áo? Chết tình cờ, chẳng hẹn hò, không hận thù, nằm chết như mơ? Lịch sử Mậu Thân cũng trần truồng như vậy? Trần truồng không manh áo thiên kiến, hận thù? Mà chết! Ấy là phương pháp luận sử học của nhân dân? Thế thì, trên các con đường mang tên chàng ấy, mà người ta cứ tưởng là nhạc sĩ, hãy chua thêm cho rõ vào các bảng đường, dưới tên Trịnh Công Sơn, "sử gia nhân dân".

Ấy là chẻ sợi tóc luận lý ra làm tư để trêu Nguyễn Duy thôi. Chứ trên thực tế, ai chẳng biết, chiến tranh kia, dù tự bản chất là bại, anh cũng bại mà em cũng bại, trên thực tế bao giờ lại chẳng có những người còn khí giới trong tay và những người tay không? Có bao giờ những kẻ có độc quyền khí giới mà không phải là kẻ thắng? Kẻ nắm quyền? Vậy thì, từ xưa đến nay, ai kiểm soát được hiện tại thì kiểm soát được quá khứ, ai kiểm soát được quá khứ thì đương nhiên là kiểm soát viên của lịch sử, tha hồ vẽ rồng vẽ rắn trong những trang giấy gọi là sử để con trẻ ê a tụng kinh lịch sử trên ghế nhà trường. Cái bại ấy mới là ghê gớm, anh Nguyễn Duy ạ. Cái bại ấy còn thê lương gấp ngàn lần nghĩa địa. Bởi vì đó là nghĩa địa của văn hóa. Thề với anh, tôi không có ý ám chỉ ai mà chỉ nói sự thật nguyên xi trong các sách giáo khoa trên toàn thế giới. Ông đại triết gia Nietzsche đã phải nói đến thế này: "Lịch sử luôn luôn là một thứ thần học mang mặt nạ". Tôi không biết tiếng Đức. Tiếng Pháp là: "L'histoire est toujours une théologie masquée". Mà thật vậy, anh Nguyễn Duy ạ, nếu lịch sử là do các người thợ săn viết, thì chắc chắn chẳng còn ai nghe nói đến con thỏ nữa. E cũng chẳng còn ai nghe nói đến Mậu Thân. Bất tri tam bách... Tố Như Nguyễn Du coi vậy mà có con mắt lịch sử tiên tri:

Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khốc... Mậu Thân

Bởi vậy, anh Nguyễn Duy, thương anh quá, thương anh đã nhỏ nước mắt trên kẻ bại, tôi cũng chỉ biết mượn một giọt nước mắt trong thơ văn để thút thít với anh. Đây là thơ của Verlaine gửi Victor Hugo:

Tuy khinh cái chết và những báo hiệu nó đến

Hugo, ông mủi lòng trước kẻ bại hao mòn

Khi cần khóc, ông biết nhỏ vài giọt lệ

Vài giọi lệ thương yêu trên những kẻ đã không còn.

Quý mến,

Tết Mậu Tuất

Tái bút:

Trước khi bấm nút gửi thư này đi cho anh, tôi giật mình thấy mình viết thiếu một đoạn, mà lại là đoạn quan trọng. Chợt nghĩ, thì cũng như viết chúc thư, chúc thư cuối cùng là định đoạt tối hậu, tái bút cũng thế, cho nên thêm tái bút này, không đùa nữa.

Trong thư trên, tôi chưa nói hết ý của tôi về nhớ và quên. Nhớ hay quên một vết thương của chiến tranh. Nhớ hay quên một trang lịch sử tang tóc. Vết thương nhức nhối, nên nhớ hay nên quên? Nên tưởng niệm cộng đồng hay nên mượn sóng thời gian xóa đi vết chân trên cát?

Tôi đọc lại lịch sử Âu châu, về một biến cố trọng đại mà ai học lịch sử đều biết: cuộc thảm sát Saint-Barthélémy ngày 24-8-1572. Voltaire ghi lại cuộc thảm sát ghê rợn này trong một bài thơ dài La Henriade bất hủ mà tôi chỉ tạm dịch vài câu:

Tôi không vẽ lại đây cảnh náo động và la hét,

Cảnh máu tuôn như suối khắp Paris,

Con bị đâm chết trên thây cha,

Anh trên thây em gái, con gái trên thây mẹ,

Vợ chồng chết thiêu dưới mái nhà rực cháy,

Trẻ trong nôi trên gạch đá nát toang:

Hung bạo con người, thôi thì xem như ai cũng biết.

Nhưng đây là điều mà tương lai khó hiểu,

Là điều mà chính bạn chưa tin,

Dưới kích động của các nhà tu khát máu,

Lũ quỷ kia vinh danh Chúa mà cắt cổ đồng bào;

Và, hai tay đẫm máu người vô tội,

Dám dâng lên Thượng Đế thứ hương nhang ghê tởm này.

Nên quên, hay nên nhớ Saint-Barthélémy trong một ngày tưởng niệm hàng năm, mỗi chục năm, hăm lăm năm, năm mươi năm, một trăm năm...? Voltaire chủ trương nhớ, phải nhớ, phải tưởng niệm, để đừng bao giờ quên những man rợ của cuồng tín. Sinh sau hơn hai trăm năm, một sử gia hàng đầu của Pháp, Renan (1823), tác giả bài diễn văn nổi tiếng Dân tộc là gì?, chủ trương ngược lại, phải quên. Tại sao? Tại vì đó là nhu cầu thiết yếu cùa dân tộc. "Một dân tộc, ông viết, là tất cả mọi cá nhân đều có nhiều thứ cùng chung và tất cả cũng đều phải đã cùng quên nhiều thứ. Mỗi công dân Pháp đều phải đã quên Saint-Barthélémy và những cuộc thảm sát ở miền Nam hồi thế kỷ 13. Trong nước Pháp, không có được mười gia đình có thể đưa ra bằng cớ là thuộc dòng dõi franc, và nếu có đi nữa, thì bằng cớ ấy cũng chẳng đáng tin gì, vì sau đó có hàng ngàn pha trộn huyết thống vô danh mà các hệ thống làm gia phả cũng đành chịu thua".

Bài thơ của anh, anh Nguyễn Duy, chỉ nói chiến tranh thắng bại, nhưng thắng bại luôn luôn đi với quên và nhớ. Renan muốn cả thắng lẫn bại đều phải đã quên Saint-Barthélémy, bởi vì lịch sử quá trình hình thành của một dân tộc bắt buộc phải thế. Lịch sử không phải là gánh nặng chết của quá khứ đặt trên vai hiện tại. Trái lại, lịch sử là phương tiện nhờ đó một dân tộc biết mình là ai qua một quá trình chung sống tích cực, trường tồn.

Bởi vậy, phải nhớ tích cực và phải quên tích cực, cả hai. Thanh bình mà nhớ. Thanh bình mà quên. Tôi biết, người ở gần sẽ trách tôi: anh ở xa nên tỉnh táo, nếu anh ở tại chỗ, khó mà quên. Mậu Thân, ai quên được trong tình trạng hiện nay? Cho nên, trong thư trên, tôi đã mượn giọng của Voltaire mà nhớ. Nhưng tự trong con người tôi, tôi gần với Renan. Phải đã quên. Không quên bây giờ thì ngày mai phải đã quên. Dân tộc không thể trường tồn nếu hận thù còn mãi. Trách nhiệm xóa vết thương, vì vậy, chính là trách nhiệm của người thắng, người viết lịch sử thông minh.

Nghĩ cho cùng, anh Nguyễn Duy, dù nhân dân có bại trong thơ anh, rốt cuộc, kẻ thắng không phải là ai khác: là dân tộc. Nếu dân tộc không thắng thì nước ấy mất.

Cao Huy Thuần

Nguồn: https://www.diendan.org/sang-tac/gui-nguyen-duy