Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2018

Chữ quốc ngữ thời Hội thừa sai (0)

Phạm Thị Kiều Ly (*)

Tóm tắt

Lịch sử chữ quốc ngữ kể từ khi hình thành cho đến khi nó được áp dụng một cách chính thức, thay thế cho chữ Hán để truyền tải ý nghĩ của người Việt kéo dài bốn thế kỷ.

Chúng ta đã có các công trình nghiên cứu về thời kỳ khai sinh ra chữ quốc ngữ từ 1615 đến 16511. Nhưng chúng ta ít biết về lịch sử chữ quốc ngữ dưới thời Hội thừa sai  từ 1663. Mới đây Đoàn Thiện Thuật có xuất bản một cuốn sách về chữ quốc ngữ thế kỷ 18, nhưng ông chỉ dừng lại ở việc giới thiệu một số văn bản viết tay bằng chữ quốc ngữ được lưu trữ ở văn khố của Hội thừa sai2 và nhận xét về sự thay đổi chính tả.

Trong bài viết này, tôi sẽ trình bày về sự thay đổi vai trò của chữ quốc ngữ (hay nói cách khác là lối phiên âm tiếng Việt theo con chữ La-tinh). Hoàn cảnh lịch sử cũng như quyết định của giám mục Deydier đã đưa chữ quốc ngữ từ một công cụ để học tiếng Việt cho người nước ngoài, trở thành phương tiện giao tiếp của các linh mục người Việt và người nước ngoài.

1. Khái quát lịch sử chữ quốc ngữ

Chúng ta biết rằng, ba thừa sai Dòng Tên3 đầu tiên tới Đàng Trong ngày 18 tháng 01 năm 1615. Thời kỳ đầu, các thừa sai được giáo dân Nhật Bản4 giúp đỡ và làm thông ngôn với người bản xứ.

Francisco de Pina, thừa sai người Bồ Đào Nha đã học ở tu viện Macao từ 1611 đến 1617. Ông tới Đàng Trong năm 1617 và chỉ hai năm sau đã viết xong một bản từ vựng tiếng Việt, nhưng Pina cho rằng tiếng Việt không có ngữ pháp :

“ vay triãdo a limpo hum vocabulario em lugar de arte da q̓ aquella lingoa formalmẽte não he capaz, como tambẽ o não he a da China” 5

[Cha Pina đã viết xong bản từ vựng của ngôn ngữ này thay vì ngữ pháp, tiếng Trung cũng không có ngữ pháp]

Ngữ pháp theo mô hình ngữ pháp La-tinh và từ điển là hai phương tiện chính để học một ngôn ngữ mới6. Khi đi truyền giáo, các thừa sai luôn so sánh các ngôn ngữ mới này theo ngữ pháp La-tinh và ghi âm ngôn ngữ đó sang alphabet La-tinh. Nhận định trên của Pina là do ảnh hưởng nhận định của Mattéo Ricci rằng tiếng Trung không có ngữ pháp.7

Năm 1623, Pina có viết trong báo cáo:

« Eu ja tento feito hũ tratadozinlo sobre a Orthographia, e toadas desta lingua, vou entrando pela Arte” 8

[Về phần mình, con đã soạn một bản chính tả và thanh điệu của ngôn ngữ này, con đang bắt tay vào ngữ pháp]

Chúng ta không biết liệu Pina có hoàn thành được bản ngữ pháp trước khi qua đời do chết đuối năm 1625 hay không? Nhưng các thừa sai khác tới Đàng Trong và Đàng Ngoài sau đó như Antonio de Fontes, Alexandre de Rhodes, Gaspar de Amaral và Antonio Barbosa đều không đề cập đến ngữ pháp tiếng Việt trong các bản báo cáo. Đặc biệt Amaral kể rất rõ ông đã hoàn thành một cuốn “Vocabulario” nhưng không nói gì đến ngữ pháp9. Tôi nghi ngờ rằng trước bản ngữ pháp của Alexandre de Rhodes gắn trong cuốn Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum năm 1651, các thừa sai không làm một bản ngữ pháp nào.

2. Hội thừa sai

Như chúng ta đã biết ngày 03/07/1645 A. de Rhodes bị trục xuất hoàn toàn khỏi vương quốc Đại Việt. Ông bắt đầu cuộc hành trình về Macao rồi đi Châu Âu, mãi tới ngày 27/06/1649 ông mới về tới Roma, và xin cấp giấy phép xuất bản cuốn Việt-Bồ-La và cuốn Phép giảng tám ngày. Ông cũng vận động Bộ Truyền giáo gửi đại diện tông tòa (vicaire apostolique) sang xứ An Nam. Không nhận được câu trả lời, A. de Rhodes gặp Giáo hoàng Innocent X để trình bày những thỉnh nguyện trên. Tòa thánh không thể quyết định, với sự chấp thuận của Giáo Hoàng, năm 1652 A. de Rhodes sang Pháp để vận động vua và giới quý tộc Pháp đưa thêm người sang miền Viễn Đông.

A. de Rhodes bị gửi sang Ba Tư năm 1654 trước khi nhìn thấy thành quả các cuộc vận động của mình. Năm 1658-1659, ba linh mục người Pháp là François Pallu, Pierre Lambert de la Motte và Ignace Cotolendi được sắc phong làm giám mục « in partibus » và là giám mục hiệu tòa tại Đàng Ngoài, Đàng Trong và Trung Quốc. Hội thừa sai chính thức được thành lập năm 1663.

3. Chữ quốc ngữ thời giao thoa của Dòng Tên và Hội Thừa sai

Như chúng ta đã biết, khởi nguồn của lối phiên âm theo ngữ hệ La-tinh chỉ là một công cụ học tiếng của các linh mục người nước ngoài. Dưới thời của các thừa sai Dòng Tên, Alexandre de Rhodes có thành lập tu hội thầy giảng nhưng các thầy giảng chỉ giữ vai trò trung gian giữa các linh mục người nước ngoài và giáo dân bản xứ10. Khi Gaspar de Amaral tới Đàng Ngoài năm 1631, Amaral tiếp tục phát triển tu hội thầy giảng.

Với cách thức truyền giáo và đào tạo như đã nêu của Dòng Tên, chúng ta sẽ xem chữ quốc ngữ giữ vai trò như thế nào?

Chúng ta không biết chắc chắn khi nào thầy giảng người Việt được học chữ quốc ngữ. Cho tới hiện nay chúng ta có hai văn bản bằng chữ quốc ngữ đầu tiên do Bentô Thiện11 et Igesico Văn Tín12 viết năm 1659. Cũng xin nhấn mạnh Bentô Thiện (hoặc Bentô Văn Hiền) chính là một trong những người Việt đầu tiên được thụ phong linh mục năm 166813. Amaral đánh giá cao Bentô Thiện trong bản báo cáo của ông năm 1637. Chúng ta có thể đặt giả thuyết Bentô Thiện đã học chữ quốc ngữ từ thời Amaral (1631-1637). Văn khố của Dòng Tên còn lưu trữ một lá thứ viết bằng chữ quốc ngữ của hai thầy giảng người Việt Jacinto Thiêu et Francisco Luấn viết năm 167814.

Khi Hội thừa sai  tới, các Linh mục Dòng Tên không phục và tìm cách trục xuất các giám mục tông tòa. Vì những mâu thuẫn này mà bốn linh mục dòng Tên bị triệu tập qua Roma năm 168015. Hai linh mục Acosta và Candone rời Đàng Trong về Macao năm 1682. Fucuti và Ferreira rời Đàng Ngoài về Roma năm 1684. Sau khi yết kiến giáo hoàng, hai linh mục này viết thư cho thầy giảng và giáo dân người Việt để thông báo rằng các giám mục tông tòa hoạt động hợp pháp16 :

Tạm thời Dòng Tên bị cấm cử người quay lại Đại Việt. Mãi tới năm 1692, Dòng Tên mới được phép cử linh mục quay trở lại truyền giáo. Để có thể liên lạc với giáo dân và thầy giảng người Việt, các thừa sai Dòng Tên đã dùng chữ quốc ngữ để viết thư trao đổi thông tin. Chính vì vậy, với Dòng Tên, chữ quốc ngữ đã đổi vai trò từ công cụ học tiếng của các thừa sai người nước ngoài thành phương tiện liên lạc giữa các linh mục Dòng Tên và giáo dân người Việt.

4. Chữ quốc ngữ dưới thời Hội thừa sai

4.1. Chính sách đào tạo linh mục bản xứ và sự lựa chọn ngôn ngữ truyền giáo

Hai giám mục tông tòa Pierre Lambert de la Motte et François Pallu lần lượt đến Ayutthaya17 năm 1662 và 1664. Thời đó, Ayutthaya là thành phố có chính sách mở, tàu buôn các quốc gia tới buôn bán tấp nập. Trong thành phố, người ta nghe thấy hơn hai mươi ngôn ngữ khác nhau18. Có nhóm giáo dân người Đàng Trong vì bị bách đạo mà lập nhóm sinh sống tại đây. Chính họ là những người thầy dạy tiếng Việt đầu tiên cho Lambert de la Motte.

Trường đào tạo linh mục được đặt tại Ayutthaya năm 166619. Các giám mục tông tòa được cử tới Á Đông với nhiệm vụ đào tạo linh mục bản xứ. Tiếng La-tinh là ngôn ngữ bắt buộc trong các nghi thức công giáo. Một trong những thách thức với các thầy giảng người bản xứ là học tiếng La-tinh như Lambert de la Motte viết trong một báo cáo năm 166720. Việc học La-tinh khó đến nỗi Lambert de la Motte chấp nhận thụ phong cho một số linh mục người Việt năm 1668 mặc dù họ đọc tiếng La-tinh mà không hiểu. Nhiệm vụ dạy tiếng La-tinh được đặt ra cấp thiết. Các giám mục tông tòa hy vọng có thể biến La-tinh thành ngôn ngữ giao tiếp chung của các linh mục và thầy giảng tại trường Dòng.

Năm 1671, trường Dòng ở Ayutthaya có 25 chủng sinh trong đó có 6 người Việt21. Hai năm sau, số lượng chủng sinh là 17 thì có tới 12 người Đàng Trong và 2 người Đàng Ngoài. Trước tình hình này, giám mục Laneau quyết định ưu tiên dạy tiếng Việt và chữ quốc ngữ cho các chủng sinh 22. Chữ quốc ngữ trở thành chữ viết trung gian giữa các giám mục người nước và chủng sinh, linh mục bản xứ.

4.2. Báo cáo bằng chữ quốc ngữ lưu trữ tại văn khố Hội thừa sai

Tôi tìm thấy hàng trăm báo cáo viết bằng chữ quốc ngữ tại văn khố của Hội thừa sai  do các linh mục người Việt viết23. Văn bản đầu tiên được viết năm 1667 tại Đàng Trong24 và năm 1687 tại Đàng Ngoài25. Chúng ta biết rằng với chính sách đào tạo linh mục bản xứ dưới thời Hội thừa sai, các linh mục người Việt được phép viết báo cáo và gửi trực tiếp về trụ sở tại Paris. Nhưng tại sao các linh mục người Việt lại không viết bằng chữ Nho hoặc Nôm mà lại bằng quốc ngữ?

Khi các giám mục tông tòa đầu tiên tới Đại Việt, chữ Nho và chữ Nôm vẫn được sử dụng phổ biến để viết các cuốn giáo lý. Cho tới tận năm 1679, Deydier vẫn viết trong báo cáo của ông rằng các phép bí tích phải được viết bằng ngôn ngữ và chữ viết bản xứ để cho các linh mục có thể đọc được khi cử hành các nghi lễ26.

Theo báo cáo thường niên năm 1685, lính gác và quan bắt một người giúp việc trong nhà Dòng ở Nghệ An khi người này mang hai tập tài liệu viết bằng chữ Nho và chữ viết bằng chữ cái La-tinh. Tình cờ lính chỉ mở tập tài liệu ghi bằng chữ cái La-tinh, họ không hiểu nên để cho người giúp việc của nhà Dòng được đi tiếp. May mắn cho người này hoặc may mắn cho số phận của chữ quốc ngữ vì “tất cả báo cáo viết bằng chữ viết của người bản xứ chứa toàn bộ thông tin quan trọng của truyền giáo nhưng bị cấm”27. Ngay lập tức Deydier ra lệnh, tất cả các giấy tờ, thông tin quan trọng cần được viết bằng con chữ La-tinh, tức chữ quốc ngữ.

Chính bước ngoặt quan trọng này mà chữ quốc ngữ được dạy, sử dụng trong cộng đồng công giáo trong vòng hai trăm năm trước khi nó được đưa vào trường học ở Đàng Trong năm 1861.

4.3. Các trường Dòng tại Đàng Trong và Đàng Ngoài

Việc học và sử dụng chữ quốc ngữ phụ thuộc rất lớn vào các trường Dòng đặt tại các địa phương. Văn khố của Hội thừa sai  lưu trữ rất nhiều văn bản viết tay của các linh mục Đàng Ngoài, nhưng từ năm 1700, tôi không tìm thấy báo cáo do linh mục Đàng Trong viết nữa. Vấn đề này có thể lý giải bằng việc lập các trường Dòng tại hai miền.

Ngay từ khi thành lập, các giám mục tông tòa của Hội thừa sai  luôn thực hiện chính sách đã được ghi rõ trong “Instructions” : [giảng dạy Đạo chúa bằng ngôn ngữ bản xứ song hành với dạy tiếng La-tinh] 28. Khi François Pallu tới thăm Đàng Ngoài, ông hiểu ngay lập tức rằng không thể tổ chức đào tạo linh mục bản xứ giống với quá trình đào tạo tại Châu Âu được.

Năm 1666, Deydier tập hợp 15 thầy giảng trong đó có Bentô Hiên [Thiện] et Giuong Hoè và thành lập trường Dòng đầu tiên tại Đàng Ngoài. Năm 1682, Deydier mở thêm một trường nữa tại Kiên Lao29. Trường thứ ba đặt tại Kẻ Cọc năm 168530. Một trường nữa đặt tại Kẻ Vĩnh năm 1713.

Các chủng sinh được học cả tiếng La-tinh và chữ quốc ngữ, quá trình đào tạo tại các trường cơ sở là để chuẩn bị cho quá trình đào tạo tại trường tổng ở Ayutthaya: “Nhờ các công trình tiếng Việt được viết bằng chữ quốc ngữ, họ [chủng sinh] kế thừa truyền thống của nhà thờ La Mã bằng cách thực hành đời sống công giáo rồi họ sẽ trở thành các thầy giảng dạy”31.

Trong khi đó tại Đàng Trong, Lambert de la Motte đã thăm địa phận hai lần: lần đầu thăm bí mật năm 1671-1672, lần sau thăm chính thức năm 1675-1676. Giám mục tông tòa đầu tiên Louis Chevreuil được gửi tới Đàng Trong năm 1664, ông gặp hai linh mục dòng Tên Marques và Fuciti. Nhưng cũng năm đó Hiền Vương cầm đạo. Rồi những tranh chấp giáo phần giữa Dòng Tên, dòng Phan Sinh và Hội thừa sai diễn ra khiến cho công việc truyền giáo gặp trở ngại, việc lập trường Dòng ở Đàng Trong cũng không được thực hiện. Hơn nữa cũng có rất ít người Đàng Trong được thụ phong linh mục. Cho tới năm 1690, cũng mới chỉ có 8 linh mục người Đàng Trong được thụ phong32. Nhưng sau đó, các đại diện tông tòa buộc phải dựa vào các thầy giảng, nhưng các thầy giảng cũng chỉ phụ trách việc ghi sổ sách sinh tử, hay là những người mới tới. Chứ không thể lo cử hành lễ.

Chính hoàn cảnh lịch sử như vậy đã khiến cho chữ quốc ngữ không phát triển ở Đàng Trong, cho đến khi Pigneau de Béhaine dẫn chủng sinh về Hòn Đất lánh nạn năm 1765.

4.4. Đóng góp của linh mục người Việt

Lưu trữ của Hội thừa sai  hiện còn giữ hai cuốn từ điển cùng niên đại (1772-1773) do Pigneau de Béhaine và học trò làm. Cuốn từ điển Dictionarium Annamiticum-Latinum đã được in bản Fac-similé mà chúng ta biết mang tên Pigneau de Béhaine. Nhưng bản viết tay không phải do Pigneau de Béhaine ký tên. Cuốn thứ hai chưa được công bố cũng là từ điển Việt-La nhưng ghi âm Hán Việt33.

Vị giám mục Adran có thể giữ vai trò là người điều phối làm từ điển nhưng ông không thể làm hai cuốn từ điển này một mình được, như ông viết trong một bản báo cáo khác : « Sau mười tháng làm việc và với sự trợ giúp của 8 người Đàng Trong, con vừa hoàn thành sáu bản cuốn từ điển có tất cả các chữ và tất cả các từ theo thứ tự alphabet”34. Vậy ai là những người Việt tham gia cuốn từ điển này ? Bản báo cáo của De Béhaine nêu tên 6 người là : Chantra Toû (Tú ?), Antoine Lợi, Paul Nghị, André Loan, Dominique Vãng et Raphael Chay (Cháy ?)35, còn lại hai người vô danh.

Hơn nữa cuốn từ điển Dictionarium Annamiticum-Latinum phản ảnh tư duy làm công cụ học tiếng của người bản xứ chứ không phải người nước ngoài. Thông thường khi một người nước ngoài học một ngôn ngữ mới, từ điển và ngữ pháp là hai công cụ không thể tách rời. Việc không có ngữ pháp đính kèm từ điển như trong các công trình ngôn ngữ của các thừa sai khắp nơi trên thế giới thời kỳ đó có thể giải thích cho việc cuốn từ điển này là do người Việt làm là chính.

Cũng vì thời đó Hội thừa sai chưa đặt nhà in, nên tất các các cuốn giáo lý, từ điển đều được chép bằng tay. Theo Theurel kể lại rằng cuốn từ điển của Pigneau de Béhaine và các học trò được cứu khỏi vụ hỏa hoạn tại Cà Mau năm 1778 và Taberd đã thu thập những phần còn lại để in cuốn từ điển năm 1838. Nhưng trên thực tế, báo cáo của De Béhaine cung cấp thông tin lý thú  rằng ngay lúc đó đã có 6 bản chép tay chứ không phải một bản. Và chưa kể đến việc các chủng sinh tự chép thành các bản theo nhu cầu sử dụng của từng người.

Kết luận

Như vậy chữ quốc ngữ đã chuyển từ vai trò là một công cụ học tiếng sang thành một chữ viết trung gian, công cụ giao tiếp giữa các thừa sai người nước ngoài và linh mục, thầy giảng người Việt. Quyết định của giám mục Deydier góp phần phổ biển chữ quốc ngữ trong các bản báo cáo của các linh mục. Cũng cần nhấn mạnh việc tổ chức các trường Dòng đóng góp rất quan trọng vào việc giảng dạy và gìn giữ chữ quốc ngữ trong vòng gần ba trăm năm trong lòng giáo hội. Chính các linh mục, chủng sinh người Việt góp phần to lớn vào việc gìn giữ, phát triển chữ quốc ngữ.

Phạm Thị Kiều Ly

(*) Nghiên cứu sinh Tiến sĩ - Đại học Sorbonne Nouvelle

Chú thích:

0. "Hội thừa sai", cũng thường được gọi là "Hội thừa sai Paris" thực ra có tên chính thức là: Société des Missions Etrangères (không có chữ "de Paris"). Điều này được thể hiện rõ trong "Instructions aux vicaires apostoliques", bản gốc năm 1659 và bản sửa đổi dưới thời giám mục Laneau năm 1682. Trong bài này, chúng tôi lấy lại tên gốc của Hội.

1 Đỗ Quang Chính. 2008. Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659, Hà Nội, Nhà xuất bản Tôn giáo ;  Roland Jacques. 2002. L’œuvre de quelques pionniers portugais dans le domaine de la linguistique vietnamienne jusqu’en 1650, Bangkok, Orchid Press.

2 Đoàn Thiện Thuật. 2008. Chữ quốc ngữ thế kỷ XVIII, Hà Nội, Nhà xuất bản Giáo dục.

3 Thành lập năm 1540 do Giáo Hoàng Paul III phê chuẩn, đấng sáng lập là Ignace de Loyola.

4 Kể từ 1612, vua Nhật cấm đạp gắt gao. Rất nhiều giáo dân Nhật rời khỏi đất nước và tới sinh sống tại Hội An.

5 João Roiz. “Annua de Cochinchina de 1619, muito Reverendo em Cristo P.M”, Archivum Romanum Societatis Iesu (ARSI), Jap-Sin. 71, fl. 002.

6 Sylvain Auroux. 1994. La Révolution technologique de la grammatisation, Liège, Mardage, p. 82.

7 Liam Matthew Brockey. 2007. Journey to the East. The Jesuit mission to China 1579-1724, Cambridge, MA & London, The Belknap Press of Harvard University Press, p. 247.

8 Jesuítas na Ásia, vol. 49/V/7, fl. 414v.

9 Biblioteca da Ajuda, Jesuítas na Ásia, 49-V-31, fl. 308.

10 Đến năm 1630, lúc Rhodes bị trục xuất mới có bốn thầy giảng tại Đàng Ngoài.

11 ARSI, Jap-sin 81, fl. 246r-v.

12 ARSI, Jap-Sin 81, fl. 248-259v.

13 André Marillier. 1995. Nos pères dans la foi, T.III, Paris, Eglises d'Asie, p. 3.

14 Jesuítas na Ásia, 49/V/33, fl. 370r-v.

15 Đỗ Quang Chính. 2007. Dòng Tên trong xã hội Đại Việt, Hà Nội, Nhà xuất bản Tôn giáo, tr. 222-226.

16 AME, V. 681, f. 76-77.

17 Thủ đô của Thái Lan thời đó

18 Françoise Fauconnet-Bezelin. 2006. Le père inconnu de la Mission moderne Pierre Lambert de la Motte, premier vicaire apostolique de Cochinchine 1624-1679, Paris, Archives des Missions Etrangères, p. 89.

19 Hội thừa sai thành lập Collège général đóng tại Ayutthaya và các collèges locaux đóng tại các nước truyền giáo.

20 Françoise Fauconnet-Bezelin. Ibid., p. 436.

21 Alain Forest. 1998. Les missions Français au Tonkin et au Siam XVIIè –XVIIIè siècles, T. I, Paris, L’Harmattan, p. 197.

22 Alain Forest. 1998, op. cit, p. 196; AME. 851, p. 120.

23 Archives des Missions Etrangères.

24 AME, V. 733, p. 596.

25 AME, V. 681, p. 20-21.

26 André Marillier. 1995. op. cit., T. I, p. 13. Văn bản gốc : Deydier Bourges, 7. 1. 1679, AME, V. 651, p. 128.

27 André Marillier. 1995. Ibid., p. 14.

28 André Marillier. 2005. op. cit., T.I, p. 119.

29 Ibid., p. 117.

30 Ibid., p. 114.

31 Ibid., p. 124.

32 Trương Bá Cần. 2008. Lịch sử phát triển công giáo ở Việt Nam, T. I, Hà Nội, Nhà xuất bản tôn giáo Hà Nội, tr. 219-233.

33 V. 1064.

34 Lettre de Pigneau de Béhaine adressée à Mgr. Boiret écrit le 9 mai 1773 à Pondichéry, AME, V. 994, p. 736.

35 Lettre de Pigneau de Béhaine adressée à Mgr. Boiret écrit le 9 mai 1773 à Pondichéry, AME, V. 994, p. 736-737.

Tài liệu tham khảo

Tài liệu viết tay

- Archivum Romanum Societatis Iesu (ARSI)

Jap-Sin. 71, fl. 002; ARSI, Jap-sin 81, fl. 246r-v ; Jap-Sin 81, fl. 248-259v.

- Biblioteca da Ajuda

Jesuítas na Ásia, vol. 49/V/7, fl. 414v; Jesuítas na Ásia, 49-V-31, fl. 308; Jesuítas na Ásia, 49/V/33, fl. 370r-v.

- Archives des Missions Etrangères

V. 651, p. 128 ; V. 681, p. 20-21 ; 76-77 ; V. 851, p. 120 ; V. 733, p. 596 ; AME, V. 994, p. 736-737.

Tài liệu in

Alain Forest. 1998. Les missions Français au Tonkin et au Siam XVIIè –XVIIIè siècles, T. I, Paris, L’Harmattan.

André Marillier. 1995. Nos pères dans la foi, T.I-III, Paris, Eglises d'Asie.

Đỗ Quang Chính. 2007. Dòng Tên trong xã hội Đại Việt, Hà Nội, Nhà xuất bản Tôn giáo.

Đỗ Quang Chính. 2008. Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659, Hà Nội, Nhà xuất bản Tôn giáo.

Đoàn Thiện Thuật. 2008. Chữ quốc ngữ thế kỷ XVIII, Hà Nội, Nhà xuất bản Giáo dục.

Françoise Fauconnet-Bezelin. 2006. Le père inconnu de la Mission moderne Pierre Lambert de la Motte, premier vicaire apostolique de Cochinchine 1624-1679, Paris, Archives des Missions Etrangères.

Liam Matthew Brockey. 2007. Journey to the East. The Jesuit mission to China 1579-1724, Cambridge, MA & London, The Belknap Press of Harvard University Press.

Sylvain Auroux. 1994. La Révolution technologique de la grammatisation, Liège, Mardage.

Trương Bá Cần. 2008. Lịch sử phát triển công giáo ở Việt Nam, T. I, Hà Nội, Nhà xuất bản Tôn giáo Hà Nội.

Nguồn: https://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/chu-quoc-ngu-thoi-hoi-thua-sai-paris