Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 23 tháng 2, 2018

Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 14): Văn Mai Thảo sau 1975

Bùi Vĩnh Phúc

(Văn chương Mai Thảo) giai đoạn 1978 cho đến hiện tại

imageGiai đoạn hồi cố, qua một số truyện ngắn, một số tùy bút, một số ghi nhận. Ý thức chống Cộng phần nào được hồi phục trong suy tưởng của Mai Thảo khi nhắc về những bằng hữu cũ hay khi lên tiếng về những vận động cho tự do, cho nhân quyền, cho quê hương. Tuy nhiên, nổi bật nhất trong giai đoạn này vẫn là những ghi nhận về đời sống và về những sinh hoạt nghệ thuật (đặc biệt là văn học) ngoài nước qua mục Sổ Tay ông viết đều đặn hằng tháng trên báo Văn tục bản trong nhiều năm qua. Từ những ghi nhận về đời sống và văn học này, những hồi quang của kỷ niệm cũng có một cái nền rất… hôm nay để lấp lánh, rực rỡ trở lại.

Kể từ vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1978 đến nay, Mai Thảo ra được một tập chân dung văn nghệ, viết về các người viết văn cùng thời, trong một cái nhìn thật thân hữu. Và với một phong thái thật Mai Thảo. Cuốn sách cũng là một tài liệu cho việc tìm hiểu những sinh hoạt văn học cũng như lối sống của những nhà văn được Mai Thảo đề cập. Ngoài ra, ông còn in được một vài tập truyện ngắn nữa. Cái mới trong các truyện ngắn của Mai Thảo ở đây là ông đưa được vào trong chúng những hoàn cảnh mới, những thái độ mới, những suy nghĩ mới. Còn về phong cách viết, xem như không có gì thay đổi.

Nhưng theo tôi, phong thái và bản sắc đặc biệt của Mai Thảo trong giai đoạn này được thể hiện không phải qua những cuốn sách mà ông đã xuất bản. Nó thể hiện qua Sổ Tay, một thứ lá thư tòa soạn mà ông cho đăng đều đặn trên Văn từ nhiều năm nay. Ở đây, trong vóc dáng, trong lốt vỏ, và ngay trong bản chất, Sổ Tay là một loại tùy bút mới của Mai Thảo. Như con cá được lội trong dòng nước khỏe khoắn quen thuộc, Mai Thảo, một cách hết sức sinh động, bàn về đủ mọi thứ chuyện liên quan đến đời sống, đến văn học, đến xã hội, đến bằng hữu, đến kỷ niệm…

Câu văn của Mai Thảo ở đây thường “tự nhiên” hơn là câu văn của ông ở những chỗ khác. Rất nhiều câu cụt và ngắn một cách cố ý. Mà vẫn có nghệ thuật. Hình ảnh và nhịp điệu của chúng phơi phới bay múa. Nhịp điệu của hình ảnh? Vâng, đó là một đặc trưng của văn Mai Thảo.

Mưa. Mùa Thu. Mưa dương cầm Nghiêm Phú Phi. Thu vĩ cầm Đan Thọ. Phần tôi, sáng nay một hơi thuốc lá thấy ngon hơn, hơi thuốc của thơ Hồ Dzếnh: ngỡ lòng mình là rừng, ngỡ hồn mình là mây, cộng với cái nhìn bởi nắng đã lui quân nên đằm đằm bóng rợp, đã những ý thơ, hình thơ, ảnh thơ, tứ thơ về mùa thu, về mưa trời, về tháng chín óng ả hiện hình dưới hàng hiên tâm hồn sáng nay tôi đang ngồi, trên một ghế bành tưởng tượng, nhìn mưa Mỹ nghiêng nghiêng chở mùa thu Việt tới.

[…] Mùa thu. Moderato, trong nhạc dân gian Phạm Duy. Lá vàng mùa thu. Doloroso, trong nhạc trữ tình Cung Tiến.

[…] Thơ tiền chiến về mưa thu, nắng thu lấp lánh thật nhiều châu báu, kim cương nơi thể thơ như một bình ngọc riêng được đúc ra để đựng hết mùa thu ngây ngất là thể thơ lục bát. Câu sáu đội mưa thu bay. Câu tám nhặt ngô đồng rụng.

(Văn số 40, 10/1985)

Đích thực mưa xuân. Phơi phới, nghiêng nghiêng. Và lục bát trên những mái nhà. Và tứ tuyệt trên những đường phố. Và song thất ở những ngã tư. […] Đêm qua thức giấc, thoáng nghe thấy, thật xa, những tiếng mưa trên những cảnh ngộ, những thân thế quê nhà. Tiếng mưa dài như một cuộc đời buồn. Những tiếng mưa tăm tối.

(Văn số 57, 3/1987)

Rồi thì là một lạnh buồn vô tận đấy nhỉ? Rồi thì là một nhớ nhà vô chừng đấy nhỉ? Khi, giữa một đêm quê người, một đêm ở Mỹ như đêm qua, tôi thức giấc lúc ba giờ sáng, vì trận mưa tháng bảy rì rào trên mái. Nằm nghe mưa. Thấy mưa trong cảnh ngộ mình, trong tâm thể mình. Hiện giờ. Thấy những khoảng cách mịt mùng. Thấy những không gian vô bờ. Thấy những thượng tầng lạnh buốt. Đất nước. Mưa đang ở phía ấy. Trên suốt ba miền đất nước hồng thủy. Mưa đang ở phía ấy, từ Hà Nội vào, từ Sài Gòn ra, những trận mưa trọn mùa trên một Việt Nam buồn, mưa chế độ đang làm cho hàng triệu người phải kéo cao cổ áo, rảo bước, cúi đầu xuống. Khi cái chế độ thù nghịch từ hơn mười năm rồi, chẳng còn dành cho ai một trú ẩn nào.

(Văn số 50, 8/ 1986)

Mai Thảo đã làm mới phong cách viết trong những câu văn như vừa trích dẫn. Ngữ pháp của Mai Thảo mang rất nhiều chất thơ. Nhiều khi, nó tạo ra những phân cảnh. Không phải là những cảnh liên tục. Nhưng chỉ là những phân cảnh. Như của kỹ thuật làm phim. Nhiều khi, những câu văn của Mai Thảo là những close-ups, những gros plans, những cận ảnh. Cận ảnh được phóng lớn nhờ vào những câu thiếu thành phần. Chỉ là một từ, một trạng từ, một tính từ hay một danh từ. Có khi chúng là những cụm trạng từ (adverbial phrases), hay những giới ngữ (prepositional phrases), hoặc là những nhóm từ bổ nghĩa kéo dài ra từ một câu hoàn chỉnh. Và được cho đứng một mình. Có khi chúng là những ngữ đoạn tiếp nối ý cho một câu đi trước. Lại được cho đứng một mình. Để hình ảnh hoặc âm thanh của chúng lan đầy ấn tượng trong ta. Kỹ thuật ấy, thơ thường sử dụng. Như Du Tử Lê đã đẩy nó đến tận biên giới của phân cảnh.

Đọc thêm một đoạn nữa để thấy rõ hơn điều tôi vừa nói:

Mưa tuyết ở Mạc Tư Khoa. Như trong Docteur Jivago. Bão tuyết ở Luân Đôn. Như trong tiểu thuyết gián điệp John Le Carré. Biển tuyết ở Thượng Hải. Như trong thơ Bạch Cư Dị. Tuyết phủ kín mặt đất. Tới chân trời. Tuyết làm đông đặc các giòng sông, cắt đứt mọi giao thông, khiến hàng chục thành phố phải đặt trong tình trạng báo động, công sở đóng cửa, nhi đồng nghỉ học, ông già bà già từng chùm cao niên chết cóng trong những ngôi nhà quan tài tuyết lập một đêm thành mộ thu con người nhỏ lại trước chi phối đời đời. Của thời tiết. Khi thời tiết làm dữ. Của khí hậu. Khi khí hậu hiển lộng. Dẫu là con người sắp bước vào thế kỷ 21. Dẫu là con người đã lớn bồng trong chinh phục thiên nhiên. Dẫu là con người, bởi những bước hài bảy dặm của văn minh cơ khí, đã nghĩ mình vạn năng, đã tưởng mình thần thánh. Thành ra mùa đông không chỉ là một cảnh tượng tuyết. Còn là một bài học nhân văn. Thành ra tuyết phủ không chỉ là một giá lạnh thượng tầng. Còn là một thức tỉnh. Con người thấy lại kích thước nó. Sự nhỏ bé nó. Sự hữu hạn nó. Như vậy chỉ cần một mùa đông lâu lâu lại khốc liệt hơn mọi mùa đông khác mà thôi.

(Văn số 57, 3/ 1987)

Cách viết của Mai Thảo cũng như lối diễn tả của ông được nhiều người bắt chước. Thời đó cũng như bây giờ. Nhưng, cẩn thận, nếu không có một tay nghề vững chãi, một nội lực hành từ và bố câu thâm hậu, và một ý thức thật vững chắc về ngữ pháp, hãy tránh sự bắt chước bừa bãi. Bởi vì nó có thể giết chết câu văn của ta. Hơn nữa, việc cắt câu văn quá cụt và vụn có thể làm cho bài văn như bị băng bó, hoặc chênh vênh, dễ gẫy đổ. Thật ra, chính Mai Thảo cũng phải cẩn thận, vì, kể từ sự làm mới thật rõ rệt về bút pháp trong tập Tùy Bút đã nhắc ở trên, in ở Sài Gòn, ông đã đẩy những yếu tố của câu văn mình đi phân ly trăm nhánh.

Cái tài của Mai Thảo sáng lên ở chỗ ông là một diệu thủ về cách sử dụng chữ nghĩa và hình ảnh. Và nhịp điệu nữa. Ông cắt chỗ này, gọt chỗ kia, làm cho nhiều câu trở nên ngắn. Nhưng lại có những đoạn văn ông viết thật dài. Ý tứ của chúng, cũng như hình ảnh và nhịp điệu trong chúng bồng bế, xoắn xuýt với nhau trong một chỉnh thể toàn bích. Mai Thảo đã quá thân thiết với chữ nghĩa để không cần chăm chú theo dõi xem câu nào, đoạn nào nên dài, nên ngắn. Chính cảm xúc và sức hút về một cái đẹp trong ông đã tự điều chỉnh những câu văn mà ông viết ra.

imageThật sự, lối văn cắt gọn ngữ pháp như vậy đã được nhiều nhà văn ngoại quốc sử dụng. Và ta cũng nên hiểu rằng thủ pháp đó là để nêu bật hình ảnh và tạo cảm xúc. Nhưng, nếu hình ảnh và cảm xúc cứ được nêu bật để lên đến một tần số nào đó, tác dụng biểu cảm và nhấn mạnh của chúng sẽ nhạt và yếu đi. Như miếng bánh madeleine chấm nước trà được đưa lên miệng của Marcel Proust. Lần đầu, nó khơi quật trở lại bao nhiêu cảm xúc, bao nhiêu hình ảnh, bao nhiêu hoa lá, bao nhiêu kỷ niệm. Lần thứ nhì đưa lên miệng, miếng bánh mang trong nó ít cảm xúc và hình ảnh hơn lần đầu. Và cứ thế, mỗi lần sau lại mỗi nhạt đi. Vấn đề là sự quyết định về tần số và về vị trí, thời điểm của những câu văn dài ngắn. Nhiều hay ít. Chỗ nào dài, chỗ nào ngắn. Mai Thảo là một nhà văn có tài. Ông đẩy thủ pháp này đi rất xa. Có thể nói ông gần như luôn luôn thành công trong phong cách của mình. Nhưng cũng có khi ông bị vấp. Hãy đọc thử đoạn văn ngắn sau:

Một số bạn bè tôi đang vậy. Đã dành được một số tiền. Còn nguyên một tháng nghỉ phép. Những địa chỉ tá túc ở những viễn phương đã có, khỏi cần khách sạn. Cửa tiệm đã có người coi giùm, vợ chồng cùng đi được. Thêm phi trường đã thạo. Thêm thủ tục đã thuộc. Vậy năm ngoái là Hương Cảng, năm nay là Paris. Và rủ tôi cùng đi.

Đây là một đoạn văn (paragraph) trong bài tùy bút Mười Năm, Kỷ Niệm Và Trí Nhớ. Đây là một trong những bài tùy bút đẹp nhất của Mai Thảo mà tôi được đọc ở ngoài nước. Với cái nhìn và tâm thế hồi cố, ông đã viết bài này với những xúc động đầy trong một biển kỷ niệm xôn xao òa lấp. Rất nhiều đoạn văn đẹp tha thiết như muốn bóp nghẹt trái tim ta. Hình ảnh quê hương hiện về lênh đênh, mềm mại, hùng vĩ, lai láng… Ông nói về sự du lịch ngày xưa và sự du lịch bây giờ. Ông cho rằng, với phương tiện hiện tại của khoa học kỹ thuật, với điều kiện sinh sống cho phép tại những đất nước giàu mạnh như ở Mỹ, ở Pháp, v.v., nhiều thân hữu của ông đã sẵn sàng để lên đường. Sự du lịch không còn là một khó khăn quá đáng như khi còn ở quê nhà nữa.

Đoạn này gồm nhiều câu ngắn, cú pháp bình thường theo… thể điệu Mai Thảo. Nhưng khi cắt câu quá ngắn như vậy, ta phải để ý kỹ hơn đến việc hành từ. Phải để ý đến nhịp điệu. Hai động từ ở thể quá khứ “đã có” ở câu 4 và 5 hình như đòi hỏi phải được tách rời xa nhau hơn, để câu văn nghe bớt chói. Hai câu 6 và 7 có hơi nhiều hơn mức nên có của những âm /thờ/ (th). Chúng làm cho những từ ngữ bị rối lên. Một vài nhà văn cổ điển và hiện đại của Pháp, của Mỹ là những người rất nổi tiếng, chỉ vì viết những câu như vậy mà bị phê bình mãi. Có lẽ chúng ta cũng nên lưu ý. Bốn câu cuối, ngoài liên từ “vậy” được dùng rất nhẹ (và nếu phát âm cũng thế, rất nhẹ) vì nó chỉ là một thành phần rất phụ của cấu trúc câu, có thể được chia làm 5 vế đọc, như lối chúng đã được Mai Thảo ngắt. Bỏ từ “vậy” rất nhẹ ra, mỗi vế trong cả 5 vế này đều có 5 từ. Khi đọc lên một loạt 5 vế 5 từ như vậy, sự đều đặn nhàm chán là điều không thể tránh khỏi. Nhất là, hơn nữa, hai âm /i/ (Paris, đọc đúng theo âm Pháp, là Pa-ri) ở hai câu cuối như vậy (Pari, cùng đi) làm cho tác dụng thẩm mỹ của âm điệu bị mất đi nhiều.

Nhưng, chúng ta ai cũng có thể có lúc vấp vào những điều như thế. Vấn đề là tránh được càng nhiều càng tốt. Mai Thảo là một nhà văn có tài, đặc biệt về phương diện chữ nghĩa, âm điệu. Những lỗi như vừa kể trong văn của ông phải nói là rất hiếm. Tôi chỉ hơi tiếc vì bài tùy bút trong đó chúng xuất hiện lại là một bài văn quá đẹp của ông. Để công bằng, trước khi viết những lời kết thúc bài này, tôi xin trích thêm một đoạn văn khác, rất đẹp, cũng ở trong bài tùy bút vừa nói của Mai Thảo. Qua đó, với chữ viết và cách diễn tả của ông, tôi thấy yêu quê hương thêm. Và cùng lúc, ông làm tôi thêm yêu thương thiết tha chữ nghĩa quê nhà.

Đã đi từ đó. Mười sáu tuổi, thoát ly gia đình bạc đà trên vai lăn mình vào trường kỳ kháng chiến. Lửa khởi chiến đỏ rực ba mươi sáu phố phường Hà Nội thiên đô. Những bờ bãi ngút ngàn dọc theo hai bờ Hồng Hà. Những con đường của toàn quốc tiêu thổ chạy dài bất tận giữa những thị trấn và những xóm làng đã san bằng thành bình địa. Những đêm Sơn Tây, sông Đáy chậm dòng qua Phủ Quốc như một bài thơ Quang Dũng. Những chiều Phú Thọ, bốn phía núi chập chùng. Những buổi trưa trung du, cái nắng lả lả trên những sườn đồi hoang vu. Những tinh sương Việt Bắc, con suối độc bốc hơi giữa ngút ngàn hoang dâm. Những đêm ngủ dưới trời sao, lưng nằm trên cỏ rừng, đầu kê lên một phiến đá núi. Gió biên giới lồng lộng qua những mái nhà sàn, ở dưới là biển sương dày đặc. Những thị trấn mang những cái tên không bao giờ quên cho người lữ hành trẻ tuổi mà ngọn gió của thời thế tao loạn đã ném bổng vào phiêu lưu chuyển dịch là Đồng Quan, Cống Thần, Chợ Đại. Từ Hà Nội đi ra. Xa Hà Nội, nhìn về Hà Nội. Trong tôi, suốt một thời gian dài là hình ảnh những vầng trăng xanh lạnh trên một vòm trời viễn phương.

[…] Trên một chiếc xe vận tải, một bộ đồ thợ máy, mưu sinh cùng với xê dịch, tôi đã đi theo không ngừng những chuyến chở hàng từ Sài Gòn-Chợ Lớn về các tỉnh và đưa hàng từ các tỉnh về Chợ Lớn-Sài Gòn. Mỹ Tho, Long Xuyên, Châu Đốc, những tỉnh miền Tây. Thành phố soi mình trên giòng Cửu Long bao la, mỗi châu thành là một trên bến dưới thuyền tấp nập. Buôn Mê Thuột, Pleiku, Kontum, những thị trấn Tây Nguyên nằm dưới những bóng núi, bóng rừng trùng điệp, thị trấn nào cũng dày đặc những lô cốt phòng ngự, và những quân phục, cảnh thổ in hình cây súng và cái nón sắt, dấu vết chiến tranh ở cả những ngọn cỏ đường. Những thành phố miền Trung, từ Đà Lạt ngút ngàn thông reo đổ đèo Ngoạn Mục xuống, Phan Thiết. Nắng dữ dội những rừng lá choáng váng. Phan Rí Thành, Phan Rí Cửa, hoàng hôn những đoàn tàu đánh cá trở về. Phan Rang, những trưa hè oi nồng. Nha Trang, thủy triều lên trên bãi biển phẳng tắp. Tuy Hoà, những dãy phố buồn, những hàng cây thấp. Quy Nhơn, mộ Hàn Mặc Tử trên một lưng đồi cao, giữa những giây kẽm gai. Huế, mưa sớm Nam Giao, mưa chiều Vọng Cảnh, những buổi sáng dài vô tận, thời gian ở đây như ngừng lại với người. Quảng Trị, soi cái bóng trên giòng Trà Khúc. Bến Hải, một cây cầu, hai bóng cờ, đôi bờ đất nước ngó sang nhau.

*

Để kết, về Mai Thảo, người ta nên nói những điều gì?

Tôi không biết những người khác sẽ nhìn văn chương Mai Thảo và những đóng góp của ông theo chiều hướng nào. Riêng tôi, đọc văn ông và nhìn sự tham dự của ông vào trong sinh hoạt văn chương và văn học miền Nam từ khi thấy được cái đẹp của chữ nghĩa, cái hay của văn chương, tôi chỉ muốn nói một điều: Mai Thảo là một nhà văn chân thật. Và tha thiết với văn chương. Dĩ nhiên, bằng cung cách của riêng ông.

Với văn chương, ông đã phơi bày tấm lòng mình, tâm sự mình, thiết tha mình, và những ấp ủ mình. Và với văn chương, ông đã thật lòng đóng góp. Ông đã, trong giới hạn và phạm vi của riêng ông, làm cho văn chương Việt Nam sinh động và đẹp đẽ hơn. Đóng góp nổi bật của Mai Thảo là làm cho câu văn Việt trở nên mới. Cách diễn tả của ông cũng thế. Điều đó, cũng như ông trong văn, có thể nói Xuân Diệu là người đầu tiên đã làm được nó, trong thơ.

Cho dù có những lúc cái nhiệt thành và sức sống của tuổi trẻ có làm ông lên tiếng chối bỏ những nhịp cầu quá khứ, những nhịp cầu đã đưa dẫn ông tiến về những bến bờ mới của hành trình mình, ông cũng đã có những dịp nhìn lại. Có lẽ để thấy rằng văn chương là một dòng chảy không ngừng nghỉ. Nó mang trong nó cái lẽ biến dịch. Nhưng nó cũng có ở trong lòng mình cái chất vĩnh hằng. Mỗi bồi đắp là công của những hạt phù sa, kéo theo mình những trân qúy của thời gian và sự sống. Mỗi nhịp cầu là mỗi chiu chắt ngửa lòng. Văn chương của Mai Thảo, đọc lại, thấy như tiếng còi tàu kia, trên sông Hồng, dài và lạnh, nhưng có một âm vang kỳ lạ, chuyên chở và vất đẩy ta vào một góc ấm êm của quê hương ngày cũ.

Tiếng còi được ném lên vòm trời khởi sự là một thứ âm thanh đặc quánh hơi nước, tiếng còi vút lên thật cao, còi rùng mình rồi phóng về hai phía, vẽ lên, bằng cái âm thanh ngân ngân vang vang kỳ lạ của nó tất cả những bờ bãi, những cuối mỏm, những đầu ghềnh, những khúc quanh, những ngã ba nhạt nhoà trong bóng tối. Tiếng còi vang động một vùng làng xóm ngủ thiếp, lọt vào những cánh cổng đóng kín, lan tới những khoảng sân vắng, những cái bếp tro than nguội lạnh, những bờ ao kín đặc trong sương, tự lòng sông chuyển cả không gian mịt mùng, chuyển cả thời gian thăm thẳm, chuyển những vì sao lạc, những ánh trăng suông, cái điệp điệp trùng trùng của trường giang, cái mênh mông ngút mắt của bãi bờ, của cửa biển, của khơi xa, của núi rừng vào những làng xóm, làng xóm trùm kín lấy, và lắng đọng bồi hồi mãi.

(Chuyến Tàu Trên Sông Hồng)

Phải, ta là những vùng làng xóm ngủ thiếp, những cánh cổng đóng kín, những khoảng sân vắng, những cái bếp tro than nguội lạnh, những bờ ao kín đặc trong sương… Tiếng còi mang lại cho ta những tiếng quê nhà. Làm ta tỉnh thức. Mở tung những cánh cửa. Bước ra ngoài sân vắng, cời lại đống tro than tưởng đã nguội lạnh kia. Dưới tro, những ánh hồng vẫn âm ỉ cháy. Tiếng còi thổi mạnh, như ta chúm môi thổi vào đám lửa chực tàn. Hơi nóng bừng lên. Rồi ánh lửa tỏa lan ấm áp.

Tiếng còi. Và ta lắng đọng bồi hồi mãi.

Mai Thảo chính là tiếng còi tầu đó. Văn chương ông cũng là một tiếng còi như thế. Nó mở lại cho chúng ta những cảm xúc và những cái đẹp mà, trong chúng và với chúng, ta đã nhìn thấy mình lớn lên.

Cảm xúc, cái đẹp, và sự nhận biết ý nghĩa cũng như giá trị của cái đẹp và cái cảm ấy, sẽ tiếp tục nuôi lớn mỗi một chúng ta.

Ở đằng kia, phía bầu trời xa thẳm, có một vạt mây trắng vẫn đang bay.

Bùi Vĩnh Phúc

(California, 03.1994.

Xem lại & sửa: 10.2014)

Trích từ bài viết “Văn chương Mai Thảo: biên địa của cảm xúc và cái đẹp, giao thoa với ý thức về đời sống”. Xin đọc toàn văn bài viết tại đây: Mai Thảo_bvp_VV