Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 24 tháng 2, 2018

Suy nghĩ về một số vấn đề trong thơ (thẩm thơ Cánh Đồng - Nguyễn Đức Tùng)

Nguyên Lạc

Phần I

SUY NGHĨ VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRONG THƠ

Xin được sơ lược về quan niệm thơ và những điều cần thiết cho sự thẩm nghiệm (BÌNH) thơ của riêng tôi.

THƠ LÀ GÌ?

Ngài Bùi Giáng đã nói đại để như sau:

"Con cá thì ta biết nó lội, con chim thì ta biết nó bay, nhưng thơ là gì thì đó là điều mà ta không biết được".


Ngài nói chơi chứ biết quá đi thôi. Tính ngài ưa giỡn nên "lửng lơ con cá vàng" như vậy!

Thôi tui đành nhờ ông Nguyễn Hưng Quốc vậy:

"Thơ là một cảm xúc đi tìm một đồng cảm. Thơ là tiếng nói một người nhân danh tất cả mọi người trong hoàn cảnh ấy, số phận ấy."

Và ông giải thích thêm:

Đó là sự đồng cảm giữa con người với nhau nói chung. Đó là mối "tương liên" giữa thế hệ này với thế hệ khác, giữa thế kỷ này với thế kỷ khác. Đó là những giọt nước mắt con người ứa ra qua những "tam bách dư niên hậu". Lại nhớ đến Nguyễn Du.

Nguyễn Du viết về Đỗ Phủ:

Dị đại tương liên không sái lệ

(Khác thời đại thương nhau ứa nước mắt)

Đỗ Phủ sinh năm 712 và mất năm 770 ở Trung Hoa. Nguyễn Du sinh năm 1766 và mất năm 1820 ở Việt Nam. Tính theo năm sinh, Nguyễn Du ra đời muộn hơn Đỗ Phủ 1.054 năm. Thế nhưng hai người gần nhau biết mấy. Đêm đêm hồn Nguyễn Du vẫn nằm mộng trong những vần thơ Đỗ Phủ (Mộng hồn dạ nhập Thiếu Lăng thi). Bao nhiêu khoảng cách bỗng bị xoá nhoà. "Cách hàng ngàn năm gặp gỡ, tâm sự vẫn giống nhau" (Thiên cổ tương phùng lưỡng bất vi).

Thơ xoá đi cái không gian trống giữa người với người. Để giậu mồng tơi xanh rờn không là nỗi phân ly. Để tam tứ núi, thập bát đèo không là điều cách biệt.

Thơ cũng xoá đi cái không gian chết giữa đời này với đời khác. Để những giọt lệ của Kiều ngày xưa còn cay cay trong mắt người bây giờ. Để nhân loại hôm nay còn thấy bàng hoàng trước tiếng thét dài làm lạnh cả hư không của thiền sư Không Lộ một ngàn năm xa xưa... (Nguyễn Hưng Quốc)

Tôi tâm đắc nhất ở đoạn này: "Thơ là một cảm xúc đi tìm một đồng cảm". Do đó theo tôi: Không có CẢM XÚC thì không có THƠ. Nói rõ ra "tức cánh sinh tình": Cảm nhận đưa đến cảm xúc rồi từ đó đưa đến THƠ (tôi chỉ bàn về THƠ TÌNH).

THƠ ĐẾN TỪ ĐẦU?

Thì như trên tôi đã nói: THƠ (cảm xúc đi tìm một đồng cảm) đến từ TRÁI TIM, từ TÂM HỒN thi sĩ chứ đâu!

Người thi sĩ như con tằm phải biết cách bắt lá dâu xanh biến thành tơ nõn. Chỉ có thi sĩ mới làm được điều đó và chỉ có thi sĩ mà thôi.

THƠ SẼ VỀ ĐÂU?

Đây là vấn nạn lớn của của ông bạn tôi, nhà phê bình Phạm Đức Nhì thường trăn trở.

Theo tui, không cần bận tâm quá. Nói theo nhà Phật là như nhiên, tùy duyên: Cứ để nó tự nhiên như bốn mùa thay đổi: xuân, hạ, thu, đông. Ta có thể nào thay đổi được trật tự luân chuyển này đâu, lo chi cho mệt trí.

Đến từ đâu hay sẽ về đâu không cần bận tâm; cái chuyện bận tâm, theo tui là THƠ VIẾT CHO AI, PHỤC VỤ AI và làm sao viết cho HAY.

Theo tôi, thơ phải viết cho CON NGƯỜI, con người nói chung, "đa số"; chứ không phải cho một "thiếu số đặc quyền", cho một chế độ. Thơ không nên viết vì tư dục riêng mình. Thơ phải chân thật, cống hiến cái ĐẸP cho đời, nói lên những tâm tư, những khát khao của nhân loại...

Nghĩa là thơ phải có tính NHÂN BẢN, không cổ động sự DỐI TRÁ, ÁC ĐỘC, DÃ TÂM XÂM LƯỢC

Thơ giống như thức ăn, nước uống: Đang đói khát gần chết, có thức ăn nước uống mừng quá, thế mà còn bị chặn lại giải thích thức ăn nước uống nay là gì, từ đâu mà có; rồi ăn uống như thế nào, phải ăn uống như thế này, ăn uống cái này, đừng ăn uống cái này, v.v. và v.v., thì ôi thôi chết người ta rồi!

THƠ HAY?

Như đã nói trên, điều quan trọng là làm sao viết cho HAY. Ta thử tìm hiểu THƠ (TÌNH) HAY như thế nào:

1. Phải là thơ không?

Trước hết, ta cần xem bài được bình phẩm có thật sự là THƠ không (ở đây là THƠ TÌNH) để khỏi tốn thời giờ vô ích.

Theo tôi, mục đích chính của Văn là chuyển tải thông điệp. Cũng có khi có cảm xúc, nhưng nếu không có cũng không sao. Nhưng với Thơ thì cảm xúc là cốt yếu; nếu thiếu cảm xúc thì thơ sẽ không còn là thơ nữa, mà thành thể loại khác.

Có hai đặc tính để nhận ra một “Bài Thơ” không phải là Thơ:

1. Nó hoàn toàn là sản phẩm của lý trí.

hoặc là:

2. Tác giả đã bước vào khung cảnh của “Bài Thơ” nhưng chưa có những câu Sinh Tình.

-- Sản Phẩm Của Lý Trí:

Công Cha Nghĩa Mẹ

Công cha như núi thái sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con

(Ca dao)

Một nhà Nho đã đem quan niệm về chữ hiếu của Khổng Tử dàn trải trong 4 câu lục bát để loan truyền trong dân gian. Đây chỉ là sản phẩm của lý trí, tâm chưa đối cảnh, không có cảm xúc, không thể gọi là thơ.

Hình Vuông

Muốn tìm chu vi hình vuông

Lấy cạnh nhân bốn lệ thường nhớ ghi

Diện tích hình vuông khó gì

Lấy cạnh nhân cạnh sai đi đường nào

Môt ông thầy dạy toán nào đấy đã mượn thể thơ lục bát để diễn tả một công thức toán cho học trò dễ nhớ. Nội dung của 4 câu lục bát hoàn toàn là sản phẩm của lý trí, không có một chút cảm xúc nào. Đây không phải là thơ.

-- Sinh Tình

Anh Yêu Khoảnh Đất Hình Vuông

Ôi! Khoảnh đất hình vuông

ở giữa là căn nhà nhỏ bé

vách đất, mái rạ

nơi anh đã gởi cả trái tim

vì trong căn nhà đó có em.

(PĐN chế để minh họa)

Ở đây tác giả đã bước vào, đã xuất hiện trong khung cảnh thơ, tâm đã đối cảnh. Và đã có cảm xúc. Hay dở chưa bàn đến, nhưng Anh Yêu Khoảnh Đất Hình Vuông đã có thể gọi là thơ. (Trích lời của Phạm Đức Nhì trong bài viết THƠ HAY TỨ TUYỆT của Nguyên Lạc)(1)

Xin đuoc dẫn thêm vài hàng của nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc:

Thơ không là chữ. Chỉ mải mê trau chuốt chữ, may lắm, người ta tạo được những hòn non bộ giả núi vụng về.

Một hiện tượng rất phổ biến trong thơ: hoa giả. Có hằng hà những bài thơ cứ ngồn ngộn chữ, cứ lấp lánh màu sắc và trầm trầm bổng bổng hơi nhạc nhưng lại rỗng tuếch, không nói lên được điều gì cả. Nó ném xuống ào ạt lá vàng nhưng không làm cho người ta thấy được mùa thu. Nó khua động ầm ĩ nhưng không làm thành âm vang của tiếng hát. Nó dựng lên ùn ùn những khói nhưng không tượng hình nổi một làn mây. Nó có dáng dấp của hoa nhưng lại thiếu hẳn một làn hương. Nó có tất cả, trừ một điều: cảm xúc"

Nguyễn Du là tác giả của hai câu thơ rất thơ này:

Tưởng rằng nói để mà chơi

Song le lại động lòng người lắm thay (Nguyễn Hưng Quốc)

Chúng ta đã hiểu thế nào là thơ rồi, phần kế tiếp sau đây liên hệ đến thế nào là THƠ HAY.

2. Thế nào là thơ hay:

Thơ hay là THƠ CÓ HỒN. Xin được dẫn vài đoạn trích từ bài THƠ HAY TỨ TUYỆT (Nguyên Lạc) liên quan về thơ hay.

a. Lan Man Về Cái Tôi

Trước khi bàn về THƠ HAY và cách làm thơ Tứ Tuyệt hay, xin cho phép lại dẫn những đoạn trong bài THƠ HAY TỨ TUYỆT một lần nữa về THƠ CÓ HỒN.

Thông thường có ba loại CÁI TÔI:

-- CÁI TÔI VĂN HOÁ (Lý Trí): tuân thủ rất nhiều nguyên tắc giao tiếp, ứng xử trong xã hội. Xã hội càng văn minh số lượng nguyên tắc càng nhiều.(Cái Tôi Phải Đạo - NL)

Lý Trí là Kẻ Thù Của Thi Sĩ Trong Lúc Làm Thơ. Thi sĩ làm thơ trong lúc tỉnh táo quá thì những điều viết ra sẽ được cân nhắc, suy hơn, tính thiệt kỹ càng. Đó sẽ là những vần thơ phải đạo, được “đạo diễn” bởi “cỗ máy biết suy nghĩ” - “cái tôi văn hóa”. Nếu thi sĩ có kỹ thuật thơ cao cường – ngôn từ trong sáng, thế trận chữ nghĩa chặt chẽ, hiệu quả - thì thơ vẫn có cảm xúc, vẫn có thể “hay” nhưng không có Hồn.

-- CÁI TÔI "TEO CHIM": Nghĩ đến chết chóc, tù đày, gia đình bị tước đoạt mọi phương tiện, nguồn sống, ngòi bút của thi sĩ đôi lúc phải cong lại hoặc vừa viết lại vừa phải “lách”. ["hòa quá nhiều nước lã vào mực." (Modern poets mix too much water with their ink - Goethe) (Nghĩa là không chân thật, không lương thiện - NL)]

-- CÁI TÔI ĐÍCH THỰC: Khi thi sĩ thật cao hứng, lên cơn điên vì yêu, hận (giận), vui sướng, buồn bã, ghen ghét, ham muốn … cảm xúc sẽ sôi lên phủ mờ lý trí, “cái tôi đích thực” sẽ vùng dậy đẩy “cái tôi văn hóa” (và “cái tôi teo chim”, nếu có) vào bóng tối để dành quyền “đạo diễn” bài thơ của mình. Thi phẩm viết ra trong tâm cảnh ấy sẽ chẳng màng đến chính kiến, lập trường, truyền thống, đạo đức, lễ giáo, thước đo giá trị của người đời … mà chỉ là những gì tuôn trào ra ngòi bút bởi “cơn điên” của thi sĩ đang thôi thúc trong lòng. Lúc ấy kỹ thuật thơ vẫn mang dáng dấp đẳng cấp của thi sĩ nhưng lời thơ, tứ thơ – không còn bị chi phối bởi cái tôi văn hóa - sẽ là tâm tình chân thật của “cái tôi đích thực”. Nếu thi sĩ chọn được thể thơ thích hợp, tứ thơ sẽ chảy thành dòng, cảm xúc sẽ lớn mạnh, bài thơ sẽ CÓ HỒN, thông điệp của thi sĩ sẽ đi vào lòng độc giả một cách dễ dàng... (Phạm Đức Nhì )

b. THƠ HAY

Qua trên, chúng ta thấy muốn làm THƠ HAY thì THƠ PHẢI CÓ HỒN, nghĩa là:“CÁI TÔI ĐÍCH THỰC” sẽ vùng dậy đẩy “CÁI TÔI VĂN HOÁ ” (và CÁI TÔI "TEO CHIM", nếu có) vào bóng tối để dành quyền “đạo diễn” bài thơ.

THƠ HAY là thơ đọc qua liền nghe lòng mình thổn thức, thuộc và nhớ rất lâu! Như người nữ đẹp (giai nhân), gặp qua một lần là suốt đời không quên!

Nét độc của bài THƠ HAY là phải đảm bảo được nguyên tắc “mạch kỵ lộ” của thi pháp thơ Đường: Nghĩa là mạch thơ tối kỵ bị để lộ ra. Nhà thơ phải cách nào để đến câu cuối cùng, điều mình muốn nói, muốn nhắn nhủ mới lộ ra; gây bất ngờ cho người đọc. Bất ngờ càng lớn, ngược lại được những đoán định, thì sức lay động sẽ càng mãnh liệt. Vì thế, câu cuối cùng thường là câu gánh vác nhiệm vụ thể hiện chủ đề của bài thơ. Những câu đầu dù nói nhiều điều, tả nhiều thứ vẫn chỉ là sự chuẩn bị cho sự xuất hiện của câu cuối. (Trích trong bài viết THƠ HAY TỨ TUYỆT của Nguyên Lạc) (1)

Thơ hay không cần phải nói nhiều, nói thêm; đôi khi nửa câu cũng đã đủ ý. Cái phần còn lại để dành cho độc giả tưởng tượng thêm. Cái tưởng tượng bao giờ cũng hay hơn cái có thật, cái chưa có bao giờ cũng hấp dẫn hơn cái đã có.

...

Thơ khác hơn văn xuôi ở chỗ đặt cơ sở trên cảm giác về âm vận, tiết điệu. Cũng thời bao nhiêu chữ, bao nhiêu câu đó, phải lựa chỗ, lựa nơi, thêm chữ này, bớt chữ kia, cố sắp xếp làm sao tạo được cái cảm giác bồi hồi cho người đọc. Mỗi chữ, mỗi lời phải xôn xao, nhảy múa, linh động... Từ cái tính chất xao xuyến, chơi vơi đó, nhà thơ dẫn dắt độc giả vào cõi mông lung của cảm giác, chuyện khó như nhảy xuống nước mò trăng. (Võ Kỳ Điền - VÀI NÉT LẠ TRONG THƠ LƯU NGUYỄN)

Trong một bài thơ hay phải hội đủ ba yêu tố: VẦN, NHẠC và HỌA. Thơ hay là phải có vần điệu, nhạc diệu và hình ảnh (họa). Nhờ những điều này thơ mới dễ đi vào hồn người. Thiếu một trong ba thì không thể là THƠ HAY được

Đọc (cảm nhận) thơ như LÀM TÌNH, gặp được GIAI NHÂN (thơ hay) sẽ đạt tới thống khoái. THƠ không có vần, nhạc và họa cũng giống như BỘ XƯƠNG (thịt đã đã mất hết). Ai có thể ôm ấp, LÀM TÌNH với BỘ XƯƠNG?

HỆ QUY CHIẾU

Có thể giải thích thêm ở đây: Đọc thơ, thưởng thức thơ còn tuỳ thuộc vào "hệ quy chiếu" của mỗi người. Những hệ quy chiếu này hoàn toàn khác nhau, do đó cách đọc và cảm nhận cũng khác nhau. Không thể đứng ở hệ quy chiều này mà phê bình, áp đặt hệ quy chiếu khác, cho rằng mình là đúng và người khác sai Ngay ở một người, hai cái đọc ở hai thời điểm khác nhau, với những kinh nghiệm và quan điểm khác nhau, tác phẩm cũng có thể có những diện mạo khác nhau.

***

Đó là những điều cần thiết tôi cần cho sự thẩm nghiệm THƠ TÌNH

Phần II

THẨM BÀI THƠ CÁNH ĐỒNG

Nhân đọc bài thơ tình CÁNH ĐỒNG THƠ TÌNH THỨ BẢY NGUYỄN ĐỨC TÙNG. Bài thơ được rất nhiều Fan của anh gắn vương miện, "hít hà" khen thưởng và ngưỡng mộ tài. Tôi là con chim "lạc bầy" xin được ghi ra đây vài cảm nhận của mình.

Đây là bài thơ:

THƠ TÌNH THỨ BẢY

CÁNH ĐỒNG

Sau ba năm chung thủy

Với người chồng đi xa

Chị đã thất tiết một cách lạ kỳ

Với người đàn ông xấu xí

Già hơn chị rất nhiều

Trong một buổi chiều bão tố

Khi chúng tôi đến đó

Người đàn ông đã đi rồi

Chỉ còn lại trên đồng lúa

Vết xước của dĩa bay mà thôi

(Nguyễn Đức Tùng)

Vì Nguyễn Đức Tùng là người được rất nhiều người "hít hà" khen, đã dẫn chứng các ông Tây bà Đầm... để gắn "vương miện" cho thơ anh, nên tôi bình phải cẩn trọng. Muốn thấm qua được "màn vỏ bọc" để vào trong lấy ĐÓA HOA VÀNG (Ý tưởng tác giả), chắc tôi phải luyện tập, "tu bổ" thêm sao cho "sung độ"; rồi mới đủ sức xuyên qua lớp màn ngoài, đi sâu vào tận cùng "bên trong" thơ anh. Tôi bắt buộc phải tìm "dưỡng chất"hấp thụ lấy tinh túy, bỏ những bộ phận không cần thiết để tẩm bổ cho mình.

Đối với tôi, ông Cap, ông Hen.v.v... nào đó của phương Tây; hoặc ông Trương, ông Kim.v.v..nào đó phuơng của Đông cũng không bằng các ông bà, anh chị VN như: Nguyễn văn Trung, Thụy Khuê, Nguyễn Hưng Quốc, Lê Hữu, Võ Kỳ Điền, Ngô Nguyên Dũng, Trần Doãn Nho...và nhất là các lời tranh luận trên Talawas, Da màu mà tôi từng theo dõi. Tôi tâm đắc những"dưỡng chất" này. Đó là tất cả những gì tôi dùng để xuyên thấu qua màn vỏ của bài thơ này. Lũi qua màn che, đi tìm "động HOA VÀNG" [HỒN THƠ (?)] của bài thơ CÁNH ĐỒNG.

THƠ - THƠ TÌNH

Theo tôi nhận xét: Thực sự CÁNH ĐỒNG chỉ là truyện cực ngắn, được sắp xếp bằng thể THƠ phi truyền thống. Nhưng vì có quá nhiều người ca tụng nó là "thơ tuyệt", nên tôi tạm chấp nhận vậy đi: Nó là "thơ ", một bài"thơ lạ"

Trước hết phải xét xem "bài thơ" CÁNH ĐỒNG có phải là THƠ TÌNH không?

Tui xin ghi ra đây vài phản hồi đối với bài thở CÁNH ĐỒNG

- Thi sĩ Phạm Hồng Ân: "Suốt bài thơ, chỉ là một truyện kể về người đàn bà thất tiết. Cuối cùng, còn lại là nỗi cô đơn của số phận lẻ loi rất đàn bà. Truyện kể như một loại thơ kể truyện. Tác giả chỉ nói phớt qua về sự bất hạnh của một con người. Không đào xới tâm lý. Không dùng thi ca để diễn đạt tầm vóc nỗi đau một cách nghệ thuật. Truyện kể rất bình thường, bình thường đến độ tầm thường...thế mà có người choàng hoa, đội mũ, mang hia một cách chủ quan?"

- Thi sĩ Quan Duong: "Người đọc thơ dùng cảm xúc để cảm nhận. Bài thơ nào không cho mình cảm xúc thì đó là bài thơ dở. Qua bài thơ trên chưa chắc tác giả hiểu mình muốn nói lên điều gì. Tác giả không hiểu thì mắc mớ gì người đọc phải suy luận"

Vậy là hai thi sĩ trên xác định bài thơ CÁNH ĐỒNG không phải là THƠ TÌNH vì không có cảm xúc để cảm nhận

Tôi thì nghĩ hơi khác hơn: Nó có một chút xíu TÌNH (cảm xúc) thông qua câu: "Chị đã thất tiết một cách lạ kỳ". Vì chữ "thất tiết" hàm chứa nhiều nghĩa, trong đó cũng có thể có sự đồng tình của người nữ (nghĩa ưa thích; có cảm xúc) – giống như sự thất tiết (có đồng tình) của cô gái với chàng phu kiệu trong truyện "Cao Lương Đỏ" - Red Sorghum Clan của Mạc Ngôn – mà tôi sẽ bàn kỷ sau ở mục hai chữ THẤT TIẾT.

Vậy có nghĩa là có chút xíu TÌNH, có "chút xíu máu trong rượu" như chuyện vui ghi ra phía dưới trước khi kết thúc bài viết.

Nhưng chỉ một chút xíu TÌNH (cảm xúc), giống như làn gió quá nhẹ của lông gả phe phẩy thì sao làm mát người được; làm sao đưa đồng cảm lên "tới bến" được; do đó không phải là THƠ HAY như thi sĩ Quan Dương đã nói.

Không ai ngu gì để mất thì giờ mà bàn về THƠ KHÔNG HAY. (Xin nói rõ lại ở đây là thẩm THƠ TÌNH)

THƠ HIỆN ĐẠI - THƠ TRIẾT LÝ

1. Lời ca ngợi

Tuy nhiên, theo tôi Nguyễn Đức Tùng là người có tiếng, một người rất chú trọng đến lý thuyết thơ và đang có nỗ lực "làm mới thơ", nên chắc có điều gì nằm giữa hai dòng chữ, nằm dưới mặt chữ. Chắc anh muốn chuyển tải một tư tưởng nào đó thông qua bài THƠ KHÔNG TÌNH này. Bài "thơ" này chắc là loại thơ khác: THƠ NGỤ NGÔN (Phúng dụ) như nhà phê bình Diên Hồng Dương (DHD) - Giáo sư trường Cao Đẳng Tây Ninh đã cài "vương miện" chăng?

Ghi những lời "không khen" mà không ghi những lời ca ngợi thì không công bằng.

Đây là lời ca ngợi của nhà phê bình DHD:

"MỘT BÀI THƠ THÚ VỊ CHO BỨC TRANH ĐẦY CHẤT NỮ TÍNH / Thơ của thi sĩ bác sĩ Nguyễn Đức Tùng luôn thú vị ở chỗ rất cô đọng / Theo tôi, CÁNH ĐỒNG không phải là một bài thơ tình bình thường. Xét cái tạng của toàn bài, đây là một bài thơ Ngụ ngôn ( Phúng dụ)" (DHD)

"sử dụng thủ pháp lạ hóa của lối viết tiểu thuyết phương Tây, na ná phong cách nhà văn Kafka" (DHD)

"đã mở ra cho trí tưởng tượng của tôi những vấn đề hết sức thú vị về văn chương và ma thuật của ngôn ngữ, Văn chương trong sự nối kết hình tượng nghệ thuật với hiện thực đời sống đầy chất bi và hài". (DHD)

Khiếp chưa?

Theo tôi thích gọi, đây là THƠ TRIẾT LÝ (ẩn chứa nhiều ý tưởng). Thôi, tôi tạm quên nguyên tắc chỉ bàn về THƠ TÌNH (truyền thống), quay sang bàn về THƠ TRIẾT LÝ (hiện đại) lần duy nhất này xem sao. Bởi vì nếu ngừng ngay tại đây thì e rằng thất lễ.

THẨM THƠ HIỆN ĐẠI -TRIẾT LÝ "CÁNH ĐỒNG"

Tứ thơ

Tứ thơ của Cánh Đồng có thể tóm gọn trong một câu: "Sau ba năm chung thủy với người chồng đi xa, người phụ nữ đã ăn nằm với người đàn ông già nua, xấu xí, xa lạ (ví von bằng dĩa bay) trên cánh đồng buổi chiều bão tố, dưới sự chứng kiến (rình rập?) của tác giả với những người bạn (thời trẻ nhỏ). Khi những người trẻ chạy đến hiện trường thì người đàn ông xa lạ ( cả người phụ nữ) đã bỏ đi, chỉ còn lại những dấu vết để lại trên cánh đồng.

Ưu điểm của bài thơ

Ngôn Ngữ Thơ:

-Bài "thơ" rất cô đọng, có vóc dáng mới, thoát hẳn truyền thống, hoàn toàn thoát khỏi những trói buộc của thể thơ. Số chữ trong câu, sô câu trong bài không bị một quy luật nào chi phối

- Nguyễn Đức Tùng cố tình tránh dùng những tĩnh từ, trạng từ đa nghĩa. Chữ dùng giản dị, dễ hiểu ((Muốn làm điều này chắc anh phải vận dụng tối đa "lý trí")

- Nét hay của bài thơ là đảm bảo được nguyên tắc “mạch kỵ lộ” của thi pháp thơ Đường: Nghĩa là "Mạch thơ tối kỵ bị để lộ ra. Nhà thơ phải cách nào đó để đến câu cuối cùng, điều mình muốn nói, muốn nhắn nhủ mới lộ ra, gây bất ngờ cho người đọc. Bất ngờ càng lớn, ngược lại được những đoán định thì sức lay động sẽ càng mãnh liệt."

Giống như ván bài xì phé, chỉ khi "con bài tẩy" lật lên mới biết kẻ thắng, người thua. Trong Cánh Đồng, Nguyễn Đức Tùng đã khéo léo giữ kín "con bài tẩy" đến giây phút cuối cùng, gây bất ngờ cho độc giả. Con bài tẩy là "Khi bản năng dục tính bị ức chế, lúc nó trỗi dậy thì "tới bến" với ngay cả người xấu xí, xa lạ cũng là chuyện bình thường, không có gì phải mặc cảm, hổ thẹn”.

Đó là tổng quát toàn bài, giờ hãy thử xét từng khổ

1. Khổ 1

Sau ba năm chung thủy

Với người chồng đi xa

Chị đã thất tiết một cách lạ kỳ

Với người đàn ông xấu xí

Già hơn chị rất nhiều

a. Về hai chữ THẤT TIẾT

Hình như có vấn đề với hai chữ này trong khổ thơ.

THẤT TIẾT là gì?

- Động từ: Không giữ được trọn tiết với chồng theo quan niệm phong kiến.

- Người con gái (trinh) "tới bến" với bạn trai không có sự ưng thuận của cha mẹ (định nghĩa của tui). Nghĩa thứ 2 chắc không có ở đây vì "chị" đã có chồng.

Người chồng ấy đi xa, hoặc chết, người đàn bà thủ tiết đúng ba năm như nghi lễ, tang chế theo tập tục (cổ xưa hủ bại) thì có quyền "tới bến" với người đàn ông khác mình thích, hoặc không thích (cưỡng bức hoặc lý do nào đó) cũng không gọi là THẤT TIẾT. Gọi khác thì được, trừ hai chữ này. Tác giả sử dụng hai chữ THẤT TIẾT không chính xác.

Để giải quyết vấn đề này, có thể thay đổi thời hạn dưới 3 năm, hoặc thay thế THẤT TIẾT bằng một chữ nào đó. Đây là khuyết điểm của bài thơ

b. Cái ý tưởng nằm dưới con chữ, nằm giữa hai hàng chữ

Tạm quên tính chính xác vừa nói, ta tự hỏi: Thường người nữ thích "tới bến" với những chàng trẻ đẹp, lực lưỡng; tại sao ở đây thất tiết một cách lạ kỳ với một người xấu xí, già nua, xa lạ? Tại sao?

Khổ 1 này chắc phải ẩn tàng (hàm chứa) một điều gì đây? Một BI KỊCH?

Theo tôi sự "thất tiết một cách lạ kỳ" đó do nhiều nguyên nhân:

b1. Vì thiếu hụt

-- Đó là trường hợp Thúy Kiều bán mình chuộc cha trong Truyện Kiểu của Nguyễn Du. Cũng có thể nhớ đến chuyện "gã bán", vì nghèo của cô gái cho gả giàu có xấu xí, già nua trong truyện "Cao Lương Đỏ" - Red Sorghum Clan của Mạc Ngôn (giải Nobel văn chương) [Sau đó nàng ta THẤT TIẾT (có đồng tình) với chàng trai trẻ lực lượng trên cánh đồng cao lương]

-- Đó là trường hợp người vợ của cảc chàng trai trẻ sĩ quan "ngụy" bị đi "cải tạo":

1. phải "bán thân" (THẤT TIẾT) để lo cho gia đình chồng, con và thăm nuôi chồng như tôi đã viết trong bài thơ QUÊ HƯƠNG.

2. phải chịu nhục ưng thuận lời gạ gẫm, hăm doạ của các tên cán bộ CS, vì thiếu hụt và sợ đi "kinh tế mới"

b2. Vì đói

Cái đói khủng khiếp lắm, ai có kinh qua thì biết. Đem thân xác đánh đổi là chuyện bình thường, làm tôi đòi là chuyện nhỏ (Trong hinh minh họa của bài thơ CÁNH ĐỒNG cô gái đứng ăn lén: Là tôi đòi đó). Chính vì hiểu như thế, CS mới dùng "cái đói" sai khiến con người. Đó là "chính sách" hộ khẩu của CS.

b3. Vì bản năng

Hai trường hợp trên rất bi thảm, nhưng chưa phải là ĐẠI BI KỊCH như trường hợp thứ ba này:

- Bản năng của con cái "động đực": DỤC TÍNH đòi hỏi (do sự truyền giống, duy trì nói giống) Dục tính càng kềm chế thì càng bùng phát mạnh nếu có dịp, lý trí không thể nào kiểm xoát được.

Đòi hỏi quá mức vi ức chế thì khi phát ra, lúc đó lý trí đã mất, thì đâu cần biết xấu xí, già nua gì gì. Xong mới ân hận, mới nối tiếc thì chuyện đã rồi, để lại một vết sẹo trong tâm.

Đây mới là ĐẠI BI KỊCH

Tôi nhớ lại một truyện ngắn của Trần Doãn Nho (?): Hai người nữ/ nam trong trại cải tạo, lâu ngày quá thèm khát, gặp nhau tại bờ suối vắng, lúc được cho phép tắm sau những giờ lao động khổ sai; dù chỉ quen sơ nhau ngoài đời, đã lao vào nhau "tới bến" không cần biết trời đất gì cả.

Đó là bàn qua những nguyên nhân gây ra "thất tiết". Ở đây, tôi đoan chắc là do bản năng đòi hỏi nơi người đàn bà "động đực"!

Chính vì biết sức mạnh của bản năng dục tính khiếp lắm, nên các ông như Khổng Khâu... đã đề ra những KỶ CƯƠNG để kiềm chế. Nhưng hỡi ôi! Cái KỶ CƯƠNG này chỉ áp đặt, kiềm chế đàn bà, còn đàn ông thì được thả lỏng. Chúng được dùng để phục vụ cho điều cổ hủ "Trọng nam khinh nữ" (Nhất nam viết hữu/ Thập nữ viết vô). Đàn bà phải nghiêm ngặt tuân theo "Tam cương, ngũ thường" Cái KỶ CƯƠNG này khủng khiếp đến nỗi, không cần phải ôm ấp, ăn nằm, chỉ cần tay chạm vào đàn ông là đàn bà đã bị kết án thất tiết rồi. Như chuyện cô gái tặng chén cơm cho Ngũ Tử Tư (thời Chiến quốc Trung quốc) đang đói, phải nhảy sống chết vì tay chạm tay và từ điều đó cho rằng mình đã thất tiết.

Phải phá bỏ điều cổ hủ này, đập bỏ cái vòng "kim cô" này

2. Khổ 2

Trong một buổi chiều bão tố

Khi chúng tôi đến đó

Người đàn ông đã đi rồi

Chỉ còn lại trên đồng lúa

Vết xước của dĩa bay mà thôi

Thật sự thì tôi không hiểu hết được ý của khổ này. Theo tôi, do "động đực", sự "ăn nằm" xảy ra vào buổi chiều bão tố, trên cánh đồng ruộng, dưới mắt rình rập của những đứa trẻ nhỏ (trong đó có tác giả). Sự đòi hỏi của bạn năng tính dục sau ba năm thiếu vắng dù cho có bão tố, dù "con đực" già nua, xấu xí, xa lạ như từ hành tinh khác đến (ẩn dụ dĩa bay), sự "tới bến" vẫn xảy ra. Khi những đứa trẻ tò mò lén đi đến xem, thì đã tàn cuộc, người đàn ông và người đàn bà đã bỏ đi, chỉ còn lại dấu vết trên cánh đồng.

Tác giả muốn nói: Tình dục cũng là một nhu cầu thiết yếu của con người; đừng e ấp ngại ngùng, hãy hưởng thụ, chẳng gì phải hối tiếc. Chuyện đã rồi, chỉ để lại một vết sẹo trong tâm, rồi sẽ lành thôi, không đáng quan tâm? Đó là điều tôi đoán, không biết có gắn "râu ria" cho tác giả không?

Khuyết điểm của bài thơ

- Như tôi đã nói trước, sử dụng từ THẤT TIẾT không chính xác.

- Năm câu của khổ 1 không vần điệu, không gây một cảm xúc nào cả.

- Vì cố tình không dùng những từ, hình tượng lung linh, bắt mắt nên ngôn ngữ thơ và cấu trúc câu "thơ" của Cánh Đồng đơn giản đến mức tối đa, không gây hứng thú cho người thưởng thức thơ quen thuộc. Như tôi đã nói trên, muốn làm điều này tác giả phải vận dụng lý trí tối đa: CÁI TÔI LÝ TRÍ xen vào, đẩy cái TÔI CẢM XÚC (TÔI THẬT SỰ) "đi chỗ khác chơi" thì làm sao THƠ CÓ HỒN. Độc giả đọc qua KHÔNG "liền nghe lòng mình thổn thức, thuộc và nhớ rất lâu! Như người nữ đẹp (giai nhân), gặp qua một lần là suốt đời không quên" như đã bàn về THƠ HAY ở trên. Đọc mà không hiểu ngay là THƠ HỎNG như nhà phê bình Phạm Đức Nhì đã nói trong các bài viết của anh.

- Không nhạc điệu: Tìm không có chút nhịp nhàng nào trong thơ vậy sao là "thơ tuyệt" như một số người gắn "vương miện" (Xin nhắc lại là tôi chỉ bàn về THƠ TÌNH như Nguyễn Đức Tùng đã ghi). Mạn phép được nhắc lại vài điều về THƠ HAY đã bàn ở trên:

"... Một bài thơ hay phải hội đủ ba yêu tố: VẦN, NHẠC và HỌA. Thơ hay là phải có vần điệu, nhạc diệu và hình ảnh (họa). Nhờ những điều này thơ mới dễ đi vào hồn người. Thiếu một trong ba thì không thể là THƠ HAY được.

Đọc (cảm nhận) thơ như LÀM TÌNH, gặp được GIAI NHÂN (thơ hay) sẽ đạt tới thống khoái. THƠ không có vần, nhạc và họa cũng giống như BỘ XƯƠNG (thịt đã đã mất hết). Ai có thể ôm ấp, LÀM TÌNH với BỘ XƯƠNG?"

Nếu đây là bài thơ TRIẾT LÝ,THƠ NGỤ NGÔN (PHÓNG DỤ - lời DHD) thì xin tác giả bài "Thơ" bỏ qua hai chữ THƠ TÌNH vì nó "ép nghĩa". Đâu có từ nào diễn tả sự YÊU THƯƠNG trong bài? Chỉ là sự "động đực" chứ không có TÌNH YÊU. Tôi chợt nhớ đến từ "Hiếp dâm chữ nghĩa' của ông Phạm Công Thiện lúc trước.

Văn thơ hiện đại, thơ TRIẾT LÝ có rất nhiều nghĩa ngầm, phức âm, đa nghĩa; tôi chỉ hiểu và bàn về nghĩa TÌNH, phần ẩn ngữ riêng xin dành cho các bậc cao nhân.

Vài lời ghi thêm

Đến đây, tôi đã thầm định xong bài thơ CÁNH ĐỒNG. Với tôi: Thực sự CÁNH ĐỒNG là truyện cực ngắn được sắp xếp bằng thể thơ phi truyền thống. Cánh Đồng là một "bài thơ lạ". Vì lạ nên bài thơ kén người đọc. Nguyễn Đức Tùng, qua bài thơ Cánh Đồng, muốn truyền đạt điều gì, muốn chuyển lửa... thì nên nhằm vào đại chúng, vào đa số, chứ không chỉ riêng một thiếu số được gọi là TRÍ THỨC, gọi là "hiểu biết tót vời". Chính đa số người bình thường mới làm nên lịch sử. Những vị gọi là TRÍ THỨC tôi e làm tôi nhớ lại câu nói của Lenin (và cả ông Mao) mà chắc ai cũng biết, không cần ghi ra.(2)

Nhớ trong truyện Lục Vân Tiên, cụ Nguyền Đình Chiểu có viết:

Trước đèn xem chuyện Tây - minh

Gẫm cười hai chữ nhân tình éo le

Hỡi ai lẳng lặng mà nghe

Dữ răn việc trước, lành dè thân sau

Nếu thơ cụ rắc rối thì làm sao người bình thường hiểu được mà RĂN với DÈ.

KẾT LUẬN

Qua trên là toàn bộ là những ý nghĩ (đầy chủ quan) của tôi khi lọt qua lớp vỏ chắn của bài thơ CÁNH ĐỒNG. Nhưng không biết có lấy được CÁNH HOA VÀNG hay không? Có gắn "râu ria" thêm không?

Trong một bình luận trên FB, Nguyễn Đức Tùng viết “Tác phẩm văn học người khen kẻ chê là chuyện thường, nhưng phê bình không chỉ là khen chê, mà cốt ý làm cho người đọc và người viết cùng nhau ngẫm nghĩ, phân tích, tự mình rút ra nhận xét riêng”. Tôi hoàn toàn đồng ý với anh. Mong rằng bài viết này sẽ là THƯƠNG THẢO, không có ĐÚNG/SAI, để ngưòi viết và cả người đọc nhìn lại và tự rút ra nhận xét hữu ích cho riêng mình, cùng nhau tiến bộ.

------

Phụ chú:

Thấy không khí nghiêm nghị quá, thôi để xả "xú bắp" bớt "air", tôi tặng các bạn chuyện vui sau đây trước khi ngưng bài.

Một chàng bợm rượu đọc một bài khoa học viết về rượu, lo lắng quá vội đến văn phòng bác sĩ thử máu

- Thưa bác sĩ, hãy xét nghiệm xem trong máu của tôi có rượu không ạ. Tôi lo quá

Bác sĩ lấy máu anh đem thử nghiệm và rồi hớn hở trả lời

- Mừng cho anh nhé, không có rượu trong máu. Ăn mừng đi!

À mà này, chỉ có vấn đề nhỏ thôi, không cần quan tâm đâu:

"Thử nghiệm cho thấy chỉ có chút xíu máu trong rượu"

Giot MÁU là Ý TƯỞNG, là HỒN THƠ đó các bạn!

Đừng bơm rượu vào nhiều quá khiến cơ thể (THƠ) chỉ còn có chút xíu máu!

Trân trọng

Nguyên Lạc 10/2017

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Tham khảo: Thụy Khuê, Nguyễn Hưng Quốc, Võ Kỳ Điền, Lê Hữu, Phạm Đức Nhì, Da màu, Tiền Vệ, T. Van, Talawas và một số nhà phê bình đã ghi trong bài viết.

(1) THƠ HAY TỨ TUYỆT

http://t-van.net/?p=31609

(2) Lenin gọi trí thức là cứt. Trong thư gửi Maxim Gorky ngày 15/9/1919, Lenin viết: “...những kẻ tưởng mình là bộ não của quốc gia. Trên thực tế, bọn chúng không phải là bộ não mà là cứt.”