Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 1 tháng 1, 2018

Nhớ Xuân Diệu


FB Nguyễn Quang Lập

Hồi bé ở quê đọc thơ Xuân Tửu: ai đã đến Hà Nội/ đi trên đường Điện Biên/ hẳn nhìn thấy vút lên/ cột cờ cao vòi vọi, đến khi ra Hà nội đi qua đường đó mặt cứ vác lên trời cố nhìn cho được cái cột cờ. Nhìn mãi chẳng thấy, hóa ra nó đứng thấp tè sát bên đường, ui xời thế mà bảo vòi vọi.

Bù lại thất vọng vòi vọi của Xuân Tửu lại tìm thấy vòi vọi khác cũng ở trên đường này, đó là hai nhà thơ Xuân Diệu và Huy Cận, họ ở 24 Điện Biên Phủ.

Hồi trẻ thích mê man thơ hai ông này, mặc kệ thầy giáo chê ỏng chê eo vị nghệ thuật với tiểu tư sản, mình mò trong tủ sách của ông già và mấy ông anh, tìm đọc cho bằng hết thơ hai ông. Lớn lên thì chỉ thích thơ Huy Cận thôi và cũng chỉ thích thơ thôi, còn cái tính Huy Cận chán ngấy, chán đến nỗi chẳng buồn kể nữa. Không thích thơ Xuân Diệu nữa nhưng lòng ngưỡng mộ không hề giảm sút, càng gần ông càng yêu thích và ngưỡng mộ.

Những năm 74- 75, rất nhiều buổi chiều mình đạp xe đi qua đi lại trước nhà ông, mong cho thấy một lần nhưng chịu, đứng phục cả buổi chiều quyết thấy cho bằng được, vẫn chỉ thấy u Khang- bà giúp việc của Xuân Diệu đi vô đi ra, tuyệt không thấy ông.

Đã ngồi nghe Xuân Diệu bình thơ ở trường Bách Khoa rồi, ông đọc thơ chả hay, bình thơ người khác thì hay, đến đoạn bình thơ ông thì chán ốm. Tuy vậy vẫn náo nức gặp ông, trong túi luôn thủ sẵn chùm thơ, định bụng gặp ông phát là chìa thơ ra nhờ ông đọc giùm. Chỉ cần ông cầm cho, đọc lướt qua, nói đôi ba câu chiếu lệ là đủ để về khoe với cả làng, cái mồm giỏi chế tác của mình sẽ làm cho lũ bạn lác mắt, he he.

Nhưng vẫn không gặp được, bọn thằng Phong (Nguyễn Thành Phong) thằng Hạnh ( Hà Đức Hạnh) thỉnh thoảng lại khoe Xuân Diệu nói với tao như này, Xuân Diệu nói với tao như kìa… còn mình vẫn không sao gặp được, tức muốn chết.

Thế mà gặp Xuân Diệu, lại gặp trong một trường hợp trớ trêu. Hôm đó, hình như năm 76, mình đến chợ Hàng Da để tìm mua cái gì đó, quên rồi. Vừa đúng lúc bà hàng rau đang đôi co với chị mậu dịch thu vé chợ, cãi nhau ầm ĩ.

Chả phải cãi nhau, chị mậu dịch thu vé vào chợ to đùng, chửi bà hàng rau xơi xới, mông vú rung bần bật, nói văng cả bọt mép, cầm cả gánh đòi lôi bà hàng rau ra khỏi chợ. Bà hàng rau nhỏ thó, gầy đét, mặt mày nhăn nheo cố níu lấy gánh, mếu máo nói đi nói lại, tôi xin chị.. ôi tôi xin chị…

Thời bao cấp, cán bộ mậu dịch hách dịch láo toét mình thấy đã nhiều, nhưng chưa thấy ai như chị này, chỉ cái vé vào chợ mấy đồng bạc mà chị ta xéo bà già đáng tuổi mẹ mình như xéo con giun đất. Khi đó mình còn nhỏ tuổi, chỉ biết trố mắt nhìn, không dám làm gì.

Bỗng có ai hích cái sau lưng mình, nói, này... chị kia… mình ngước lên thì thấy rõ ràng Xuân Diệu, ông mặc quần soóc tay xách bịch thịt chó luộc, đang len đám đông đi vào. Mặt ông đỏ gay, hai thái dương giật giật, có lẽ ông đang điên lắm. Ông trừng mắt quát chị mậu dịch, nói, chị làm gì quá đáng vậy, người ta bằng tuổi mẹ chị, chị không biết sao? Ông nói lắp kinh hồn, có một câu ấy thôi mà kéo rê ra mãi mới xong. Sau này mới biết khi tức giận Xuân Diệu mới nói lắp, chứ khi đó thì ngạc nhiên lắm, ông cà lăm giọng hệt ông nhà quê.

Có lẽ cũng vì nghe cái giọng cà lăm quê quê vậy mà chị mậu dịch xem thường, chị vếch mày lên cười nhạt, nói, này ông kia... không việc gì đến ông đâu nhé, biến mẹ đi. Xuân Diệu lại đỏ mặt tía tai, lại cà lăm, nói, tôi là... xu… ân Dị ị ị..iệu đây. Có lẽ chị mậu dịch nghe không ra, tưởng ông nói rượu chè gì đó, chị nhìn bịch thịt chó trong tay ông, liền cười cái xoẹt, nói, riệu riệu cái sư bố ông, biến mẹ đi cho người ta làm việc.

Xuân Diệu vứt cái bịch thịt chó xông vào, chỉ mặt chị mậu dịch, nói, tôi là nhà thơ Xuân Diệu, chị nghe rõ chưa! Chị là cán bộ nhà nước mà giày xéo dân lành… tôi sẽ lôi cổ chị lên Thành ủy. Chị này chẳng hề sợ hãi, lại vếch mày lên cười hơ hơ hơ, nói, ông dọa tôi à, nhà báo tôi chẳng sợ chứ cái thứ nhà thơ như ông là cái thá gì. Biến mẹ đi.

Xuân Diệu gầm lên một tiếng cha mày, chực lao vào đánh chị. Mọi người lao vào cản ông, mình cũng ôm ông ngăn lại. Xuân Diệu rời đám đông hầm hầm bỏ đi, quên cả bịch thịt chó. Mình cầm bịch thịt chó đuổi theo, đưa cho ông, nói, thưa anh… em là Nguyễn Quang Lập… Anh nói, làm thơ à? Mình dạ. Ông nhìn mình chằm chằm hồi lâu, nói, điếc đi em... câm đi em... mù đi em... thơ phú làm gì, văn chương làm gì… nhục lắm. Rồi ông xách bịch thịt chó lên xe đạp đi. Mình nhìn theo ông mãi, thấy cái lưng to bè của ông đang len lỏi trong đám đông nhếch nhác tất bật, tự nhiên thương ông quá chừng.

Một lần gặp ấy thôi đã đủ cho mình xóa hết những gì cô thầy vẽ vời về ông. Tâm hồn ông đâu có treo ngược cành cây, cũng chẳng phải suốt ngày ông mơ theo trăng và vớ vẩn cùng mây. Sai bét.

Sau này nghe anh Hoàng Cát kể hồi đó anh bị mất việc, làm cái quán chè chén ngồi bán vỉa hè. Huy Cận biết được, phê bình Hoàng Cát, nói, Cát không được làm thế, mình là cán bộ không được làm mấy cái tư bản tự phát đó. Xuân Diệu nổi điên, nói, thằng Cát nó không tư bản tự phát thì người khác cũng tư bản tự phát, mà không tư bản tự phát thì sống bằng cái gì, khẩu hiệu có nuôi sống được ai không hở Cận ơi!

Thì ra cái dáng đi chậm rãi, thong dong, mắt ngước mơ màng của ông, lối nói nhẹ nhàng, Diệu thế này Diệu thế kia của ông, cả cái vẻ nhũn nhặn nhún nhường, nhiều khi thái quá, trước cấp trên của ông… không dấu được ngọn lửa sống sôi sục trong ông. Tiếc thay ông chỉ làm thơ tình, tiếc quá đi mất.

Năm 1983 Xuân Diệu vào Đà Nẵng dự Đại hội văn nghệ tỉnh Quảng Nam- Đà Năng ( cũ), mình có nhắc đến chuyện chợ Hàng Da, ông nhìn mình thương mến, nói, anh cứ tưởng em giận anh lắm. Mấy ngày đại hội mình cứ đeo lấy ông, ông cũng có vẻ mến mình, gọi mình khi thì ông Bọ, khi thì cu Bọ. Mấy năm sau gặp lại vẫn cứ nghe ông gọi cu Bọ ông Bọ, chẳng biết ông có nhớ tên mình không nữa.

Xuân Diệu rất dễ gần, ông quí bọn trẻ thật sự, nói chuyện đùa cợt cãi nhau tay bo không sợ ông giận. Bọn trẻ khéo bày trò nhậu nhẹt, nịnh nọt cũng khéo, Xuân Diệu thích lắm.

Bế mạc đại hội được bữa tiệc ra trò, nhưng bia cũng chỉ một mâm bốn chai, Xuân Diệu tất nhiên chẳng thấy bõ bèn gì, nên hú khẽ cái là ông nhảy sang mâm bọn trẻ liền. Mình và thằng Sĩ ( hình như Nguyễn Tấn Sĩ ở Tam Kỳ) thay nhau đi ăn cắp bia ở các mâm chưa có người ăn về đãi ông. Ông uống uống nói nói vui hơn tết. Hiếm thấy ai uống bia hồ hởi hăng say như Xuân Diệu.

Mình đoán thế nào ông cũng đi giải, quyết phục xem của ông cái. Lâu nay toàn đồn đại của ông chỉ bằng đầu đũa thôi, có người còn nói ông đái ngồi, bụng nghĩ lần này chết cũng xem của ông cho bằng được.

Xưa nơi tiểu tiện thường đặt ngoài trời, chỉ quây lại bốn bức tường, không có mái che. Mình chọn một góc đẹp rình và ngạc nhiên vô cùng thấy của ông cực kì hoành tráng, mình còn gọi ông bằng cố nội, hi hi.

Xuân Diệu sống tằn tiện nhưng không ki bo, mình thấy nhiều giai thoại về ông hơi quá đáng. Nấu chè hạt sen ông cẩn thận đếm từng hạt nhưng lại sẵn sàng tặng chị Anh Thơ cả một chiếc xe đạp. Ông cẩn thận dặn u Khang là phải chẻ đôi chẻ tư mấy cái tăm to mà xỉa, không phí. Thế nhưng có lần ông đã bỏ tiền mua hẳn một căn hộ cho một nhà thơ đàn em, người này cũng chẳng phải thân thiết gì, chỉ tại ông thấy hoàn cảnh tội nghiệp quá. ( Và nói thật ông này khéo nịnh ông, Xuân Diệu tiếng vậy chứ hồn nhiên quá lắm)

Năm 1984 mình ra Hà Nội tìm tài liệu viết sử Trung đoàn, đơn vị cấp tiền ba tháng, tính mình tiêu hoang chỉ hai tháng là hết sạch. Đơn vị tức tốc cho người đem tiền ra, chỉ một ngày chờ tiền thôi mà mình đã đói hoa mắt. Mình đứng ở Ngã Tư Sở, vân vê 5 hào cuối cùng, nghĩ mãi có nên ăn một bát cơm canh rau muống hay là uống chén nước chè hút điếu thuốc lá cuộn thì Xuân Diệu từ đâu trờ tới, nói, đứng đây làm chi cu Bọ? Hình như ông đi nói chuyện thơ ở khu Cao Xà Lá về.

Ông lôi vào quán cơm, gọi cơm cho mình ăn. ông chỉ ngồi uống bia thôi chứ không ăn. Mình nói, sao anh không ăn? Ông nói, tụi nó cho ăn no rồi, anh thấy cái mặt đói của cu Bọ thì mời cu Bọ bữa cơm thôi. Ăn xong ông còn cho mười đồng nữa, mình cảm động quá. Có thể ông chẳng nhớ tên mình là gì thế mà vẫn đài đằng, vẫn cho tiền như anh em trong nhà vậy.

Mình cứ ao ước có được một mớ tiền để mời Xuân Diệu một bữa thật hoành tráng, uống theo năng lực, ăn theo nhu cầu… nhưng mãi cho đến tháng 12 năm 1985 mình vẫn không có được một nhúm tiền chứ đừng nói là mớ, thì Xuân Diệu đã đi rồi.

Ông đi đúng cái đêm Hội nghị văn trẻ toàn quốc lần thứ 3 bế mạc, Hội nhà văn cho uống một bữa bia hơi thả cửa, thằng nào thằng nấy ngất ngư. Mình đang tán láo với mấy em xinh đẹp thì có ai đó nói Xuân Diệu mất rồi. Ngô Minh nghe nói thế tự nhiên trào bia ra cả.

Đám tang Xuân Diệu đông nghịt người, hàng trăm vòng hoa đặt lên mộ ông, nhìn xa như một đồi hoa rực rỡ. Đời mình chưa thấy ai có cả một đồi hoa như thế. Ba ngày sau đến thăm mộ ông thì không còn một cọng hoa nào, nhiều dấu chân dẫm bừa bãi lên mộ. Tấm bia có tên Xuân Diệu to đùng thế kia mà bọn trộm hoa vẫn không chừa anh ra, thấy uất không chịu được.

Bỗng nhớ câu nói của anh mười năm trước: Điếc đi em... câm đi em.. mù đi em.. thơ phú làm gì, văn chương làm gì… nhục lắm.

Rút từ Bạn văn 1

Nhớ Xuân Diệu

Chân dung Hồi bé ở quê đọc thơ Xuân Tửu: ai đã đến Hà Nội/ đi trên đường Điện Biên/ hẳn nhìn thấy vút lên/ cột cờ cao vòi vọi , đến k...

KHOVANBOLAP.BLOGSPOT.COM