Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 8 tháng 1, 2018

Kẻ Di Truyền Sách (kỳ 3)

Trần Vũ thực hiện

clip_image001clip_image003

Tranh Mila Posthumus

clip_image005Trần Vũ: Hãy bắt đầu với Tôi-Không-Biết Wislawa Szymborska mà Ngu Yên sưu tập, tổng hợp, giới thiệu, nhận định và dịch thơ. Trước hết, vì sao Wislawa Szymborska? Vì là Nobel 1996? Có khá nhiều Nobel cho Ngu Yên chọn, như Czeslaw Milosz, Nobel 1980, cũng là một thi sĩ đã tặng thơ cho các lãnh tụ:

Người là ai — sát nhân hay anh hùng?

Người, mà đêm đã dâng cho hành động.

Nắm trong tay số phận ông lão và trẻ thơ

Gương mặt

Tựa quái vật bùn nhìn thế giới

Người rất tốt bụng và đôi khi giữa các đồng chí

Vuốt má thiếu nhi

Nhưng nếu một triệu gia đình cùng nguyền rủa

Hãy coi chừng! Còn lại gì những ngày vinh quang?

Còn lại gì trong diễn văn Phải Phấn Đấu?
Bóng đêm đang đến.

[Czeslaw Milosz, Au Politicien]

Đọc thơ Gửi Chính Trị Gia của Milosz, không thể không nghĩ đến Hồ Chí Minh. Nhưng theo dõi “Thi nghiệp” của Ngu Yên, tôi khám phá anh dị ứng trầm trọng với chính trị, khác hẳn Phạm Thị Hoài. Vì sao Ngu Yên không “dấn thân” mà trốn tránh trách nhiệm của thi sĩ là lên tiếng trước bất công, tố cáo cường quyền? Trước kỷ nguyên Islam, các xứ Ả Rập khái quát chức năng của thi sĩ: Nổi trội bằng kiến thức, là lời ca không thể thiếu của nhóm, vinh danh thành quả, chế diễu kẻ thù, gìn giữ nòi giống trước đối thủ và là niềm kiêu hãnh của bộ tộc. Phải đến thế kỷ thứ 3 thi sĩ mới khoác lên mình áo nghệ sĩ không còn nhiệm vụ bảo vệ bộ lạc, ngược lại, phải tuân thủ quy tắc mà mỗi câu thơ đưa đến kiểm tra nghiêm ngặt. Là những gì Ibn Rachik viết.

“Thi nghiệp” của Ngu Yên là một chọn lựa mỹ học với thm mỹ tuyệt đối, thay vì “tranh đấu”. Có phải vì vậy anh chọn Wislawa Szymborska, vì tuy là người tình của Czeslaw Milosz và tuy thi tập đầu tay bị Ban Tuyên giáo Ba Lan kiểm duyệt cấm xuất bản, vì không đạt yêu cầu của “Chủ nghĩa Xã hội”, cuộc đời của Szymborska vẫn là chuỗi nỗ lực tách rời chính trị, cho bản thân và trong nghệ thuật. Tôi hiểu sai? Lp lại: Vì sao Wislawa Szymborska?

clip_image007Ngu Yên: Nếu xét lại tiểu sử của Milosz, ông ta là nhà thơ tư duy và hành động. Ông chọn lựa, khám phá ra lầm lẫn, chọn lựa lại. Như đã từng rời bỏ đạo Thiên Chúa, rồi cuối đời quay trở về, như đứa con đi hoang tìm về người cha đang mở tiệc đón mừng, dụ ngôn trong kinh thánh, nhưng đã là đứa con khác hơn xưa. Trong hành động chính trị, cũng vậy, ông chọn rồi bỏ rồi chọn lại. Một người có thừa can đảm nhưng thiếu nhất quán. Ông viết: “Khi những mảnh vàng son tróc ra trên cánh tay các tượng người, / Khi chữ nghĩa rơi ra khỏi bộ sách luật pháp, / Ý thức trần trụi chỉ còn một mắt... Ông mở đầu bài thơ Niệm Thần Chú, Robert Hass dịch, Lý trí con người đẹp và bất khả bại. / Không chấn song, không rào kẽm, không sách vở khoét ruột, ... Và sau bao năm lưu vong, khi bức màn sắt hạ xuống, ông trở về quê hương: “Trong số những ai còn nhớ món nợ của tôi chưa bao giờ thanh toán, / Sự hổ thẹn của tôi không phải muôn đời, những hành vi hèn kém để tha thứ. / Và thành phố đứng trong ánh sáng sau bao năm tôi trở về... (And The City Stood in Its Brightness, Robert Hass dịch.) Và phê bình văn học cho rằng Milosz lãnh giải Nobel vì những luận văn về thi ca hơn là thơ của ông.

Nữ sĩ Wislawa Szymborska cũng trong hoàn cảnh tương tự. Khi trẻ bà ủng hộ chế độ xã hội, về sau bà phản đối, phản kháng chế độ Cộng Sản Ba Lan và tự chối bỏ tất cả những bài thơ đã sáng tác lúc còn trẻ. Trong lần phỏng vấn với báo Los Angeles Time, (Hỏi): Cuộc Cách Mạng Đoàn Kết đã chuyển hướng thơ bà như thế nào? (Trả lời:)  Không ảnh hưởng đến sáng tác của tôi. Bắt đầu thập niên 1954-55 [sau cái chết của lãnh tụ Cộng Sản Joseph Stalin] tôi đã khởi sự có suy nghĩ khác, vẫn y như những điều tôi suy nghĩ bây giờ. Từ đó, tôi giữ vững quan điểm về thế giới. Sau tất cả những lỗi lầm, sau giai đoạn đầu thập niên 50, sự suy nghĩ của tôi đã cải thiện chín chắn, sống như một công dân của một đất nước đã có thay đổi lớn, kể từ Cách Mạng Đoàn Kết. Riêng đời sống của một người làm thơ, vẫn như vậy. (Hỏi:) Trong thời kỳ đầu, bà làm thơ theo kiểu xã hi hiện thực, ca tụng chủ nghĩa Cộng Sản, tại sao vậy? (Trả lời:) Khó mà giải thích cho tường tận. Bây giờ, người ta khó hiểu được tình hình lúc đó. Tôi thực tâm muốn cứu giúp nhân loại, nhưng đã chọn con đường tồi tệ để đi. Tôi bắt đầu bằng yêu nhân loại. Sau đó, mới hiểu được, không nên yêu nhân loại, tốt hơn nên ưa chuộng con người. Thích nhưng không yêu. Tôi không yêu loài người, tôi ưa thích những cá nhân. Tôi cố gắng tìm hiểu mọi người, nhưng không thể đề nghị sự cứu giúp đến tất cả. Đây là bài học lớn cho tôi. Đó là lỗi lầm của tuổi trẻ. Tôi phạm lỗi này trong một niềm tin tốt đẹp. Tiếc quá, nhiều người cũng đã lầm lẫn như vậy, nhưng về sau, họ bị nhốt trong ngục tù vì sự thay đổi ý thức hệ. May mắn thay, số phận đó đã tha cho tôi, bởi vì, tôi chẳng bao giờ có bản chất thật sự của nhà hoạt động chính trị.

Khi dịch thơ, tôi chọn trên 4 yếu tố: 1- sở thích, 2- quan niệm văn chương và văn học, 3- tài liệu khả thi, 4- bản quyền. Yếu tố cuối cùng đối với tôi, lại là yếu tố hàng đầu. Khi dịch xong tập thơ của Allen Ginsberg khoảng 500 trang, ông đã qua đời. Khi ông còn sống, sẽ dễ xin phép dịch hơn. Những người thừa kế không toàn quyền. Nhà xuất bản đại diện trả lời, rất lấy làm tiếc, chúng tôi chỉ làm việc với các cơ quan lớn, không quen làm việc với cá nhân ... Đành cất vào hộp điện tử. Chờ cơ hội khác.  Yếu tố 3, khi dịch toàn tập thơ của Octavio Paz, hơn một nửa, mới phát giác đã không có đủ tài liệu bản gốc. Phải có bản gốc mới có thể dịch theo phương pháp liên văn bản. Đành phải chờ. Gần đầy, tôi đã có cơ hội bắt đầu thu thập thêm văn bản gốc thơ của ông. Đang xin bản quyền, “Thư gửi đi mấy lần, đợi hồi âm chưa thấy.. (Sao Chưa Thấy Hồi Âm. Châu Kỳ.) Sau đó, quay sang dịch thơ của Federico Garcia Lorca. Ông này chết quá 70 năm, không cần xin phép. Rồi đến dịch thơ của nữ sĩ Ba Lan, nhưng trước khi đi xa hơn với Szymborska, nên quay lại với quan niệm chính trị, quan điểm chính trị và hành động chính trị trong văn chương của Ngu Yên.

“Đừng đòi hỏi đất nước làm gì cho bạn, nên hỏi bạn có thể làm gì cho đất nước.”

(John F. Kenedy.)

Câu nói của tổng thống Kenedy nghe thú vị nhưng không dùng được trong nhiều trường hợp, nhất là trong những quốc gia có chế độ độc tài và chế độ Cộng Sản. Đúng theo bản sắc, chính trị có ý nghĩa từ Đông sang Tây, và trong các hiến pháp lớn: Chính quyền được thành lập, được dân cử để phục vụ cho dân. Nên đổi lại: “Đừng đòi hỏi người dân làm gì cho đất nước, hãy đòi hỏi đất nước làm gì cho người dân.” Từ sự biến dạng của câu nói, cho thấy “chính trị” mờ đi ý nghĩa của thuật ngữ “chính”, mà trở thành kỳ đà thay đổi màu da, tùy nơi nào là chính, tùy ai đang là chính. Nhà tư tưởng Michel Foucault (1926-1984) nhận định, quyền lực tạo nên chân lý, chẳng phải là điều đáng suy nghĩ sao? Đó là lý do Hậu Hiện Đại nghi hoặc, tra vấn chức năng và hiệu quả của các nền chính trị từ giữa thế kỷ 20.

Trong tác phẩm Postmodern Politics and the Battle for the Future, Steven Best và Douglas Kellner nhận xét về chính trị trong thời đại chúng ta sống, “Trong lý thuyết Hậu Hiện Đại, không có điều gì gọi là chính trị Hậu Hiện Đại, nhưng đúng hơn là một tập hợp các vấn đề mâu thuẫn phát xuất từ những thay đổi mơ hồ của xã hội và các quan điểm lý thuyết của Hậu Hiện Đại. Chính trị trong thời kỳ này thể hiện qua nhiều hình dạng khác nhau. Đầu bên kia là khái niệm chống chính trị của Baudrillard, “sự hoài nghi, tuyệt vọng từ chối niềm tin.” Trong khi, Lyotard, Foucault, và Rorty đề nghị tăng cường tự do cá nhân và mang lại sự thay đổi tiến bộ tập trung vào cấp bậc địa phương để giải quyết những khó khăn trong xã hội. Tuy quan niệm chính trị của Hậu Hiện Đại nằm về phía tả, nhưng họ phản đối quyền hành tập trung vào chính phủ, nơi mà người dân phải phục vụ thay vì được phục vụ. Đặc điểm, chính trị đương thời đặt lại nghi vấn và đả phá khả năng thần tượng và tài năng của thiên tài lãnh đạo. Truyền thống tin tưởng vào thiên tài điều khiển đất nước, sẽ đưa đến những nhân vật lãnh tụ độc đoán và đui mù, vì bất kỳ trí óc vĩ đại nào cũng bị giới hạn và có tật xấu riêng của nó. Nhất là khi tật xấu có môi trường phát triển lớn, như trường hợp Hitler, Lenin, Mao Trạch Đông, Pol Pot, Hirohito, Pasha, Kim Il Sung, Hussein, .... Thay vào quan niệm này là quan niệm một mô hình chính trị có khả năng thích ứng, thay đổi theo sự biến chuyển của thời thế và xã hội. Không chỉ văn chương người Việt bị lỗi thời mà quan niệm, tư duy và hành động chính trị của đa số người Việt cũng không hợp thời.


“Cho đến khi tìm được mục đích mà ta cam tâm chịu chết, chưa xứng đáng để sống.”

(Ifeany Enoch Onuoha.)

Theo tôi, chính trị hiện diện khắp nơi, trong mọi ý tưởng, lời nói, hành động. Bao gồm một chu vi rộng lớn ví như đại dương, nhưng có thể định nghĩa hẹp như dòng sông, lại có thể giải thích khoanh vùng nhỏ như một hồ bơi, và nếu có ác ý, có thể nhận xuống vũng đọng đầy bùn. “Chỉ vì bạn không thích thú về chính tri, không có nghĩa chính trị không thích thú về bạn.” (Pericles.) Không ai trong chúng ta có thể thoát ra vòng ảnh hưởng của chính trị. Nó bám sát con người hơn cả vợ chồng. Chết rồi, ra đến nghĩa trang, chính trị vẫn còn đưa tiễn. Vì vậy, ý thức về chính trị là điều cần thiết để tư duy và hành động cho phù hợp với cá nhân.

Theo tôi, chính trị ở cấp bậc thấp đối phó với quyền lực, kinh tế, quốc gia và thế giới. Ở cấp cao hơn, chính trị đối phó với nhân quyền. Trên hết, chính trị đối phó với chính nó. Nói một cách khác, ở cấp bậc cao nhất, chính trị phải tự ý thức và tự phản tỉnh. Tự nhìn vào bản sắc và tự kiểm soát khi thể hiện trong suy tư và hành động. Nếu không, chỉ nhìn ra bên ngoài, sẽ xoay quanh hạ tầng quyền lực, kinh tế, xã hội, quốc gia và thế giới. Một xoay cuồng càng lúc càng phức tạp, rối mù. Và nhân quyền chỉ là bình phong để thi hành lợi ích. Mỗi người dù muốn hay không, sẽ phải đối diện với một trong ba tầng lớp. Có người đối phó cả ba. Như vậy, tùy bạn là ai? thuộc thể loại người nào? sẽ bị thu hút và sẽ phản ứng tự nhiên, nếu không tự mình ý thức và chọn lựa. Không phải chọn lựa đảng phái, không phải chọn lựa thể chế, mà trước hết, chọn lựa chức năng và hiệu quả chính trị có thể cho bản thân trong sáng và có khả năng làm cho đối tượng tốt đẹp hơn. Mỗi cá nhân sẽ chọn đối tượng khác nhau.

Dựa vào giả thuyết “Hunters vs. Farmers” (1995) của Thom Hartmann, giả định sang lãnh vực “tâm lý chính trị xã hội,” sự di truyền cá tính của bản sắc sinh tồn, có thể chia ra ba loại nhà văn (bao gồm nhà thơ và nghệ sĩ ): 1- Loại thợ săn. Ngày ngày rập rình nguy hiểm, săn bắn thực phẩm và tiêu diệt thú dữ. Đêm đêm trực tiếp đốt lửa canh giữ trại cư. Họ ăn hết thịt rừng, đi săn tiếp. Nếu cần, sẽ di chuyển chỗ ở để tìm thực phẩm. Họ can đảm và nhạy bén. Ứng biến nhanh nhẹn và ra tay không ngại hậu quả. Những nhà văn này thường kiêm luôn công việc của nhà hoạt động chính trị xã hội. 2- Loại nông dân. Họ chuẩn bị mùa màng, tiên đoán thời tiết, đề phòng sâu bọ, thú vật phá phách. Dự tính và phòng bị tương lai. Quan trọng nhất, bảo vệ hạt giống. Nếu không, mai sau sẽ đói rét. Họ quan tâm đến gia tộc, láng giềng, nơi cư ngụ. Những nhà văn này thường lặng lẽ, âm thầm đeo đuổi mục đích và dự tính đã chuẩn bị. 3- Loại lai, vừa giống thợ săn, vừa giống nông dân. Thông thường, loại nhà văn này làm việc ít có thành quả. Thoạt ngưng việc săn đi làm việc cày. Thoạt ngưng việc cấy mạ đi nướng thịt rừng. Thoạt qua thoạt lại, hết giờ. Đời người vốn ngắn ngủi, không thể có quá nhiều chọn lựa.

Milosz thuộc loại thợ săn. Szymborska thuộc loại nông dân. Tôi thuộc loại thứ 2, vì vậy, tôi đối phó với chính trị như một nông phu trù tính thời tiết, canh tác mùa màng. Sử dụng chính trị như một nông dân bảo vệ hạt giống và chờ mùa gieo gặt. Trong khi Phạm Thị Hoài thuộc loại thứ nhất, có thể như Shannon L. Alder nói rằng: “Phẩm cách không bao giờ im lặng. Nó có tiếng nói, con tim và linh hồn. Chân lý và can đảm làm nền tảng. Nó sẽ chống lại số đông để nói lên sự thật. Bởi vì mỗi người phi thường luôn luôn làm những việc mà người thường sợ hãi không dám làm. Còn tôi, xin trích dẫn: “Nay kẻ mù nói: Trắng nghĩa là trắng. Thâm nghĩa là đen. Dẫu cho kẻ sáng mắt cũng không đổi được lời hắn. Nếu để đen trắng lẫn lộn, rồi sai kẻ mù chọn lấy, hắn không thể biết. Cho nên người ta thường nói: Kẻ mù không biết trắng đen. Đó không phải vì sự gọi tên, mà vì chọn lựa. (Thiên Quý Nghĩa. Mặc Tử.) Làm sao để người mù sinh con cháu về sau được sáng mắt?


“Cách tốt nhất để dự đoán tương lai là tự tạo ra nó.”

(Abraham Lincoln.)

Nếu phải chọn giữa thể chế và đất nước, tôi sẽ chọn đất nước. Nếu phải chọn giữa đất nước và dân tộc, tôi sẽ chọn dân tộc. Dân tộc còn, người Việt còn. Dân tộc mất, người Việt mất. Điển hình là dân tộc Do Thái và dân tộc Chiêm Thành. Điều tôi quan tâm là 100 năm nữa, các thế hệ trẻ người Việt sẽ ra sao? Chúng ta có rất nhiều nhà hoạt động chính trị cho người đương thời. Có bao nhiêu nhà hoạt động chính trị cho người mai sau? Điều tôi hiểu biết và có khả năng nhất là văn chương, nên tôi chọn văn học làm hoạt động cho ngày mai. Nếu trong văn thơ của tôi có hình ảnh hoặc ý tứ chính trị, cũng chỉ là tự thức, tự phản tỉnh, tự nhắc nhở trên con đường thử nghiệm văn học. Để chuyện hôm nay cho các nhà thợ săn truy lùng. Anh Vũ nói đúng, tôi thuần túy sáng tác văn chương để tiếp tục chứng minh những quan điểm văn học nào đó, đang rối rắm.

Họa sĩ già, sống từ kháng chiến đến giải phóng, ngày ngày ra chợ vẽ chân dung kiếm ăn.

Không ai trả tiền, vì ông vẽ tóc tai mắt mũi, nhưng không vẽ miệng.

Tác phẩm chính, suốt đời ông vẽ, rồi xóa trước khi công an xét nhà.

Hôm trước, trúng gió, chết ngoài đường. Tịch thu tài sản, chỉ mỗi bức tranh.

Vẽ chủ tịch,

có miệng.


“Tôi Không Biết.”

(Wislawa Szymborska.)

Trước đó, tôi dịch nhiều thơ của bà vì thích. Cho đến khi nhận được sự đồng ý từ Board of the Wislawa Szymboska Foundation cho phép, tôi mới có ý định dịch toàn tập với những nhận định riêng. Vượt qua yếu tố thứ 4, yếu tố thứ 3 không khó lắm vì sách của bà bán đầy đủ ngoài thị trường. Tuy cố gắng thu thập thêm những bài thơ đã bị bà chối bỏ, nhưng không thể tìm ra, kể cả gia đình của bà cũng không biết những bài thơ bị khai tử. Mỗi lần dịch thơ, kể cả văn xuôi, tôi luôn luôn nhớ đến lời nói của Umberto Eco: “Dịch là nghệ thuật thất bại, như gương soi.

Yếu tố thứ 2 liên quan đến lửa. Đối với người tiền sử, lửa quan trọng hơn mặt trời. Lửa mang ánh sáng chống lại đêm tối, bảo vệ chống thú dữ, sưởi ấm giá lạnh, nhưng quan trọng nhất là nấu chín những thực phẩm sống. Thi sĩ thường ví thơ như lửa. Thơ chống lại đen tối, chống lại bạo quyền là chức năng của nhà thơ thợ săn. Thơ sưởi ấm, nấu chín tim não là chức năng của nhà thơ nông dân. Khi con người đã quen sử dụng và xem thường công dụng của lửa, họ mang lửa ra trình diễn, hát xiệc, thậm chí dùng đốt rác, tệ hại nhất, họ thiêu sống nhau. Phải chăng thơ cũng đi trong quá trình như vậy?

Trong nhiều năm thử nghiệm với thơ, đưa tôi đến kết luận, thơ hôm nay, nhất định phải cưu mang tư tưởng thời đại qua suy tư và kinh nghiệm cá nhân. Những điều trăn trở lâu ngày sẽ mang theo khó khăn khi phải giải thích bằng ngôn ngữ, một phương tiện không hoàn hảo. Vì vậy, tôi chọn cách sử dụng ngôn ngữ bình thường, có khi là lời nói, để những ẩn dụ và tượng trưng dễ hiểu hơn, để tự thơ trò chuyện với người đọc, thay vì tác giả phải uốn nắn ngôn từ làm cho khó hiểu thêm. Tôi tìm thấy có thể chứng minh khái niệm này qua thơ Szymborska.

Những điều trăn trở không nhất thiết là những điều lớn lao, suy tư về vĩnh cửu, cảm thán về siêu nhiên. Tôi đồng thuận với bà về những đối tượng bình thường, tầm thường nhưng chợt biểu lộ một điều gì khác biệt. Trước kia tôi yêu thích thơ của Charles Simic qua những bài thơ về cái nĩa, trái dưa hấu (Phật màu xanh / trên quy cây trái. / Chúng ta ăn nụ cười / rồi phun ra hạt.) và những sự vật xuất hiện hàng ngày trong đời sống. “Bí ẩn của đời sống không có ý nghĩa gì ngoại trừ phải tự mình khám phá.” (Somerset Maugham.)  Szymborska khám phá một cách bình thường: “Thế gii th xem như nhà thương điên, / nhưng hàng ngày tôi chp nhn sng. / Không t hi - Làm thế nào - ti sao - / ri t đâu đến đây - / làm sao quá nhiu tiu tiết chng cht. / Tôi như cây đinh mc kt na chng trên tường”. (Nieuwaga, tâm.)

Thơ của Szymborska trung thực, bình tĩnh đi qua cuộc sống, không gồng mình, không nỗ lực công danh, “Một thi sĩ đọc thơ cho người mù./ Không ngờ trước lại khó khăn như vậy./ ..[...]   / Ông cảm thấy từng câu thơ / đưa vào nơi đen tối thử nghiệm. / Ông phải đối phó một mình,/ không có sắc màu và ánh sáng. / ...[...]... / Nhưng tuyệt diệu lòng tử tế khán giả / hết sức kiên nhẫn quảng đại. / Lắng nghe, mỉm cười rồi vỗ tay. / Hơn nữa, còn người lần đến / mở sách ra / xin chữ nhưng không bao giờ thấy. Tôi yêu mến sự trung thực và giản dị trong thơ và phẩm chất cá nhân của bà.

Những đồng điệu đó đưa đến yếu tố thứ nhất: sở thích. Yêu thích thơ Szymborska là chuyện không cần nhắc lại. Dịch thơ bà, chỉ cần một người đọc tương lai nhận ra nghệ thuật “băng trôi” (Hemingway). Chữ nổi trên mặt sóng 1/8. Nghĩa chìm trong lòng nước 7/8. Nhận ra sự bình thường của thơ chính là chỗ khác thường của nó. Nhận ra thơ không phải để bất tử, mà để cho người sống được bình an và chết được thoải mái. Chỉ cần một người là đủ, là hoàn tất bản dịch. Có như vậy, thơ mới trở về vị trí cao nhất trong nghệ thuật, lúc đó, thơ chính là ánh sáng của trí tuệ và tâm tình chiếu soi mọi sự vật bình thường trong đời sống cho thấy những gì tốt đẹp hơn.

Người nông phu đó đấu tranh cho hy vọng ngày mai một cách khiêm tốn, “Tôi không biết” ... Vì tất cả những kẻ tra tấn, kẻ độc tài, kẻ cuồng tín, kẻ mị dân, đang đấu tranh quyền lực bằng cách hô to khẩu hiệu. Họ sung sướng với công việc và thi hành nhiệm vụ bằng nhiệt tình đầy sáng tạo. Vâng, đúng như vậy, nhưng họ biết. Những hiểu biết và kiến thức đó đã đầy đủ cho họ, biết một lần thỏa mãn suốt đời. Họ không muốn tìm biết gì hơn nữa vì sẽ làm suy yếu sức mạnh lý lẽ của họ đang có. Và bất kỳ kiến thức nào không dẫn đến những câu hỏi mới, sẽ chết đi trong một thời gian ngắn, nó sẽ mất dần nhiệt độ cần thiết để duy trì sự sống. Trong những trường hợp cực đoan nhất, những trường hợp nổi tiếng trong lịch sử từ cổ đại đến hiện nay, nó còn sinh ra những mối đe dọa chết người cho xã hội. Đó là lý do tại sao tôi đánh giá rất cao cụm từ tôi-không-biết. Tuy nhỏ nhưng nó bay trên đôi cánh hùng vĩ. Nó mở rộng đời sống, bao gồm từ không gian nội tâm ra đến vũ trụ mênh mông, nơi trái đất nhỏ bé đang treo lơ lửng”. (Trích diễn văn Nobel. Szymborska.)

(Còn tiếp)

Tranh của các họa sĩ Mila Posthumus, Michel Berbarian, Brooke Di Donato

Thư mục bộ sách Ý thức Sáng tác của Ngu Yên

Trên Kệ Sách Amazon: Amazon.com. Search: Gõ vào tựa đề sách, không dùng dấu. Type in the title.

1. “Ý Thức về Dịch Thuật”. Biên khảo về dịch thuật, dịch thơ.

2. “Độc Quạnh” Thơ. Từ giã dòng thơ cũ.

3. “Tôi Không Biết”. Tập 1 &2. Giới thiệu, nhận định, dịch toàn bộ thơ Wislawa Szymborska. Nobel 1996.

4. “Học Thuyết Truyện Ngắn Hiện Đại”. Cuốn 1 của bộ sách Ý Thức Sáng Tác Truyện.

5. “Học Thuật Truyện Ngắn Hiện Đại”. Cuốn 2 của bộ sách Ý Thức Sáng Tác Truyện.

6. “Văn Học Truyện Hậu Hiện Đại”. Cuốn 3 của bộ sách Ý Thức Sáng Tác Truyện.

7. “Văn Học Truyện Đương Đại”. Cuốn 4 của bộ sách Ý Thức Sáng Tác Truyện  (chưa phát hành)

8. “Ý Thức Sáng Tác Truyện Ngắn Hiện Đại”. Bộ 1.

“Ý Thức Sáng tác Truyện Hậu Hiện Đại và Đương Đại.” Bộ 2. ( Chưa phát hành.)

9.  “Tôi Học Được Bí Mật Của U sầu. Tập 1.  Thơ Federico Garcia Lorca.” Tái tác và tái bản.

“Mộ Phần Tôi Ở Đâu?. Tập 2.  Thơ Federico Garcia Lorca.” Tái tác và tái bản.

https://www.amazon.com/s/ref=sr_st_date-desc-rank?rh=n%3A283155%2Cp_27%3ANgu+Yen&qid=1514468153&sort=date-desc-rank