Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 1 tháng 1, 2018

Kẻ Di Truyền Sách (kỳ 2)

Trần Vũ thực hiện


clip_image002

tranh Nguyễn Khắc Chinh

clip_image004

Trần Vũ: Những gì anh rao giảng vô cùng bổ ích, tuy nhiên không lẽ chỉ cần hóa thân thành mọt sách gậm nhấm sách một cách hệ thống rồi tiêu hóa kiến thức, là ra kiệt tác? Thập niên vừa qua tại Pháp có nhiều văn gia lên tiếng về sự sa sút trầm trọng của phẩm chất tiểu thuyết mà hai giải Nobel liên tiếp trao cho Jean-Marie Le Clézio và Patrick Modiano không chứng thực thời hoàng kim. Richard Millet trong ban chủ khảo của nhà Gallimard và Jean-Marc Roberts, giám đốc nhà xuất bản Stocks (trước khi mất), đã phê phán kịch liệt sự thiếu dũng cảm của phê bình đương đại không còn dám lên tiếng trước những tác phẩm tầm thường, và, đặc biệt, hiện tượng trống vắng văn phong ở lớp người viết bây giờ.

Như thế, yếu tố giọng văn mới thực sự quan trọng. Chính giọng văn tạo ra khí hậu truyện và chính khí hậu túm bắt người đọc đến dòng cuối cùng. Không khí hậu ấy, không văn phong ấy, thì kiến thức sẽ vô ích, vì không ai đọc quá ba trang. Chúng ta thấy rất rõ, các sáng tác hải ngoại giảm dần những cá tánh mạnh, mất dần những giọng văn độc đáo. Kỳ trước, phê phán Văn học Hải ngoại nhưng anh không bàn đến điều này. Vì sao? Có phải vì khí hậu truyện là một thứ gì mù mờ trừu tượng, ít cụ thể, khó nắm bắt nên khó phân tích? Làm sao tạo ra khí hậu truyện?

Một yếu tố nữa: Là môi sinh. Ý thức, kiến thức, giọng văn thôi chưa đủ nếu thiếu môi sinh xã hội vây quanh gây kích thích, tạo thuận lợi và gầy động cơ cầm bút. Chính đây là mới là khoảng trống lớn nhất của Văn học Hải ngoại, nhưng không ai lấp được sa mạc.


clip_image006Ngu Yên: Đọc và viết là khoảng cách từ mắt đến tay. Trong không gian, khoảng cách này rất gần, nhưng rất xa nếu tính bằng thời gian. Đọc và viết có liên hệ nhân quả, nhưng không nhất định phải xảy ra. Lý do là khoảng giữa mắt và tay có bộ não và trái tim, một ý thức và một vô thức. Freud giải thích, ý thức là vòng tròn nhỏ trong vòng tròn lớn vô thức. Vòng tròn nhỏ này là hệ thống duy nhất để vào và ra cõi vô thức, một nơi uy lực mênh mông, chưa hề có ai thông suốt. Sáng tác là công việc của vô thức được ý thức hướng dẫn.

Gặm nhấm sách là giai đoạn đầu tiên để đưa kiến thức vào hiểu biết, xây dựng ý thức. Nếu dừng lại ở đây, sẽ là mọt sách. Nếu tiếp tục hành trình còn lại, con mọt sẽ hóa thành chim bay, đôi khi là đại bàng. Hành trình còn lại của ý thức là xay nhuyễn kiến thức thành "kinh nghiệm hiểu biết," để đưa vào kho trữ vô thức. Xay nhuyễn bằng cách nào? Bằng học thuật và thực hành. Thời gian từ mắt đến tay này rất dài, liên tục, và dường như chỉ chấm dứt bằng cái chết. Viết là hành trình ngược lại, đưa "kinh nghiệm hiểu biết" từ vô thức đến ngôn ngữ. Hầu hết các nhà tư tưởng, nhà văn lớn, nhà thơ xuất sắc đều là mọt sách, nhưng họ mọc cánh và bay cao.

Khái niệm này cho thấy việc tu tập là sinh tố quan yếu để con mọt mọc cánh. Có thể dựa trên một công thức:

[Tài năng bẩm sinh] cao + [kinh nghiệm hiểu biết + tu tập] cao = Tác giả lớn.

[Tài năng bẩm sinh] cao + [kinh nghiệm hiểu biết+ tu tập] kém = Tác giả trung bình.

[Tài năng bẩm sinh] thấp + [kinh nghiệm hiểu biết + tu tập] cao = Tác giả trung bình.

[Tài năng bẩm sinh] thấp + [kinh nghiệm hiểu biết + tu tập] kém = Người viết bình thường.

Thử nhìn vào công thức cụ thể này, chúng ta cũng có thể đoán ra nhà sáng tác hải ngoại là ai. Mỗi nhà văn, nhà thơ hải ngoại có thể tự điền bản thân vào công thức này, sẽ nhận chân mức độ sáng tác cá nhân đang ở khoảng nào.

"Văn phong của tác giả phải là hình ảnh tâm tư của họ, nhưng sự chọn lựa và điều khiển ngôn ngữ là kết quả của tập luyện." (Edward Gibbon.)

Văn phong hấp dẫn, quyến rũ là yếu tố phải có của bất kỳ văn bản nào để tiếp xúc và ở lại với người đọc. Nhưng thế nào là văn phong hấp dẫn, quyến rũ? Chưa có câu trả lời nhất định, bởi hấp dẫn và quyến rũ thuộc về sở thích và kinh nghiệm thưởng ngoạn. Mỗi người đọc sẽ khác nhau. Mỗi giai cấp đọc sẽ khác nhau. Có văn phong quyến rũ người này, mà lại xua đuổi người kia. Có văn phong hấp dẫn tầng lớp trí thức, lại nhàm chán đối với người đọc trung bình.

Phong cách viết là y phục của tư duy. Văn phong của mỗi nhà văn phải mặc vừa vặn và hợp ý với bản sắc cá nhân. Như vậy, sáng tác mới thoải mái và biết chắc văn phong đó phục vụ cho mình. Cho dù văn phong cũng như y phục, có thể thay đổi, nhưng lúc nào cũng phải biểu trưng, phù hợp, và làm đẹp cho chủ nhân. Đúng như lời của Katherine Anne Porter, "Bạn không tạo ra phong cách. Bạn làm việc và phát triển bản thân. Phong cách sẽ tự phát từ chính đời sống của bạn." Có người ăn diện thích người khác chú ý, như văn phong Võ Phiến. Có người thích gây sốc cho người đọc, như văn phong Mai Thảo. Có người ăn mặc chừng mực thủ lễ, như văn phong Doãn Quốc Sĩ... Cả ba đều có số đông độc giả ngưỡng mộ.

Không xác định được yếu tố hấp dẫn, quyến rũ, nhưng có thể nhận ra văn phong sống và văn phong chết. Lập luận này đưa đến khái niệm "Giọng nói của nhà văn." Một người chưa có thể là nhà văn đúng đắn cho đến khi họ tìm được giọng nói của bản thân. Al Alvarez trong The Writer's Voice, trang 9, xác định, "Để tìm ra giọng nói riêng, một nhà văn trước tiên phải làm chủ văn phong của mình." Văn phong sống đến từ chất giọng sinh khí. Sự sống động trong văn chương thay thế được yếu tố hấp dẫn và quyến rũ. Một văn bản có sinh lực luôn luôn lôi cuốn người đọc trong tầng lớp hiểu biết mà văn bản đó cung cấp. Ngược lại, văn phong chết là một giọng nói không có cá tính, không sinh động, chỉ chuyển tải ý nghĩa qua ngôn ngữ nhưng không thật sự truyền đạt.

Thế nào là văn phong có cá tính và sống động? Là văn phong của giọng nói có quan điểm và phát biểu với nhiệt tâm. Yếu tố sinh động trong văn phong thay thế cho yếu tố hấp dẫn và quyến rũ. Khi cá tính bộc phát mạnh gia tăng sự sinh động, sẽ tạo ra văn phong độc đáo. Tuy văn phong độc đáo không nhất định tạo ra nhà văn lớn nhưng bất kỳ nhà văn lớn nào cũng có văn phong độc đáo. Thuật ngữ "độc đáo" được hiểu là "nguyên bản" trong chủ nghĩa Hiện Đại. Sang phong trào Hậu Hiện Đại, "độc đáo" có nghĩa là nổi bật, nâng cao sự thú vị. Nguyên bản và độc đáo không còn được quan niệm giống nhau như trước đây hoặc trong ý nghĩa từ điển. Ngày nay, có nguyên bản không hẳn đã có độc đáo. Hoặc có độc đáo không chắc là nguyên bản. Thủ pháp Tái lập và Tái Dụng của văn học Hậu Hiện Đại, đã lấy đi độc quyền của "nguyên bản" sở hữu "độc đáo". Văn phong độc đáo đương nhiên phải đến từ giọng nói độc đáo. Yếu tố độc đáo là một trong vài mục tiêu sáng tác tìm kiếm trong văn chương đương đại.

Khi phân tích về văn phong và chất giọng của nhà văn, nhà thơ hải ngoại, một số điều có thể ghi nhận: 1- Sáng tác ít quan tâm về chức năng và hiệu quả của văn phong. Không phân biệt sự khác nhau giữa văn phong tự nhiên theo thói quen và văn phong tạo dựng theo ý thức. 2- Văn phong thường bị lầm lẫn với bút pháp và hình thức trình bày ngôn ngữ. Nghĩa là phong thái văn chương bị lầm thành phong thái văn bản. 3- Nỗ lực tạo một văn phong không phù hợp với văn bản và bản sắc cá nhân, trở thành văn phong giả, nhất là trong lãnh vực sáng tác thơ. Ý thức về văn phong là một phần trong ý thức về sáng tác.

"Tìm văn phong cho cá nhân là một việc làm kiên nhẫn. Có người một sớm một chiều, ngay tác phẩm đầu tay, đã thể hiện văn phong khác thường. Có người suốt đời vẫn không đạt được. Hoặc đạt sai, trở thành ngượng nghịu, hoặc cường điệu.

Tìm văn phong, căn bản trước tiên phải là "của mình", không thể bắt chước bất kỳ ai. Nghe thì dễ nhưng khó thực hiện. Để là "của mình" phải bao gồm hai điều kiện: 1- tự tin và 2- tự nhiên.

Tìm văn phong là tìm tiếng nói riêng, nghe không thể lầm lẫn với tiếng nói của người khác.

Tìm văn phong là tìm học thuật để phát biểu tiếng nói riêng của mình..." (Trích Học Thuật Truyện Ngắn Hiện Đại. NY)

Văn phong độc đáo tạo khí hậu ấn tượng.

Khi văn phong là nơi thể hiện chất giọng đặc thù của nhà văn, văn phong vượt lên bút pháp, văn phạm, hình thể, sắc thái của văn bản, để trở thành thủ pháp sinh tạo khí hậu của văn bản. Như không khí bao quanh địa cầu, không thấy nhưng tất cả đều sống trong đó. Không thấy nhưng nhận ra một cách rõ ràng. Mỗi văn bản đều có khí hậu riêng của nó. Và hơn bao giờ hết, văn bản hôm nay cần một khí hậu có khả năng nuôi dưỡng thưởng ngoạn.

"Một tác phẩm bao gồm hai loại không khí: 1- không khí do tác giả tạo ra, 2- không khí do người đọc cảm nhận. Hai không khí này có liên hệ một chiều, đi từ sáng tác đến thưởng ngoạn, nhưng hiệu quả đáng kể nằm ở nơi người đọc. Không khí do tác giả tạo ra để giúp cho tất cả các yếu tố thành lập truyện được hoàn tất một cách hay nhất, có thể đạt được. Cùng một lúc tác dụng trên không khí do độc giả cảm nhận, để nuôi dưỡng cảm giác và cảm tưởng của độc giả. Thưởng ngoạn là không khí cộng hưởng, sáng tác là không khí sáng tạo." (Trích Học Thuyết Truyện Ngắn Hiện Đại.) Khi hai không khí này kết hợp, tạo ra một khí hậu chung. Trong khí hậu này, độc giả bước vào thế giới riêng của tác phẩm.

Có thể nói không khí và khí hậu có nhiều phạm vi trùng nhập với nhau, tuy nhiên khí hậu chủ yếu là sự thay đổi và chuyển động, trong khi không khí là toàn thể và nhất quán. Một tác phẩm đương đại có giá trị luôn luôn có một toàn bộ không khí đặc sắc và một khí hậu ảnh hưởng sâu đậm người đọc.

Truyện ngắn và tiểu thuyết cần tạo một khí hậu xuất sắc. Trong khi thơ ngắn chỉ tạo được một khoảnh khắc như gió thổi, mưa rơi, bụi mờ, nắng ấm.... Sáng tác hải ngoại thường không quan tâm đến văn phong, hoặc sử dụng văn phong như phong thái văn bản, thì khí hậu không phải là yếu tố quan trọng để người viết xây dựng. Truyện hải ngoại có khí hậu tự nhiên đến theo ngôn ngữ và cốt truyện. Trong khi, ý thức về khí hậu ngay từ lúc dựng truyện, đã thành hình và được chú ý dọc theo hành trình sáng tác.

Bất kỳ văn phong nào cũng tạo ra khí hậu, nhưng khí hậu của một tác phẩm chỉ thành công khi tạo ra ấn tượng cho độc giả. Khí hậu ấn tượng đòi hỏi phong thái văn chương của tác phẩm phải có chất giọng độc đáo. Bước vào thế kỷ 21, văn chương thế giới quan tâm đến tạo dựng không khí hoặc khí hậu cho tác phẩm thay vì chú ý đến cốt truyện. Dựng một cốt truyện, không nhất thiết phải cần độc giả, nhưng dựng không khí-khí hậu truyện, nhất định phải biết độc giả "vô hình" là ai vì họ sẽ lai vãng suốt thời gian sáng tác. Chính vì thường xuyên nghĩ đến tác dụng của khí hậu trên người đọc, tác giả sẽ chọn lựa những chi tiết, những tứ văn, những hình ảnh trong mục đích xây dựng một khí hậu ấn tượng.

Sự kiện thơ văn giảm sút đang xảy ra trên toàn cầu, phần lớn vì sự thay đổi của xã hội và lề lối hiện sinh của con người thời đại. Tình trạng sẽ tệ hơn cho sách vở trong tương lai. Chưa hẳn sẽ tệ hơn cho sáng tác. Các nhà văn học nhìn từ góc cạnh tác phẩm ấn loát và phát hành sẽ lo lắng cho số phận thơ văn đang tiến vào giai đoạn khủng hoảng. Nhưng nếu chúng ta nhìn theo sự thay đổi để sinh tồn: Phẩm chất sa sút, phải chăng là phẩm chất đang chuyển mình trong cuộc truy lùng một phẩm chất khác, một giá trị khác? Có điều chắc chắn sẽ xảy ra, sáng tác văn chương sẽ biến dạng cho phù hợp với nhịp sống đang biến chuyển. Nhịp sống có vật chất phát minh lũy tiến và tâm hồn trống rỗng nội lực sinh tồn. Ví dụ như thơ văn đã từng biến dạng trong xã hội hậu Hiện Đại, và trước đó, đã từng biến dạng trong thời đại Ánh Sáng. Có lẽ, phải sau thời điểm 2050, sự biến dạng mới có thể thành hình một cách rõ rệt hơn. Thơ văn Việt, nói chung, cũng sẽ biến dạng theo trào lưu thế giới, nhưng phải là một biến dạng có ý thức: Ý thức sáng tác trong nhịp sống của thời đại và ý thức thay đổi của giá trị văn chương toàn cầu.

(Còn tiếp)

(*) tranh của các họa sĩ Nguyễn Khắc Chinh, Louay Kayyali và nhãn hiệu cầu chứng của rượu chát Insomnia

Bộ sách Ý Thức Sáng Tác của Ngu Yên

Trên Kệ Sách Amazon: Amazon.com. Search: Gõ vào tựa đề sách, không dùng dấu. Type in the title.

1. “Ý Thức về Dịch Thuật”. Biên khảo về dịch thuật, dịch thơ.

2. “Độc Quạnh” Thơ. Từ giã dòng thơ cũ.

3. “Tôi Không Biết”. Tập 1 &2. Giới thiệu, nhận định, dịch toàn bộ thơ Wislawa Szymborska. Nobel 1996.

4. “Học Thuyết Truyện Ngắn Hiện Đại”. Cuốn 1 của bộ sách Ý Thức Sáng Tác Truyện.

5. “Học Thuật Truyện Ngắn Hiện Đại”. Cuốn 2 của bộ sách Ý Thức Sáng Tác Truyện.

6. “Văn Học Truyện Hậu Hiện Đại”. Cuốn 3 của bộ sách Ý Thức Sáng Tác Truyện.

7. “Văn Học Truyện Đương Đại”. Cuốn 4 của bộ sách Ý Thức Sáng Tác Truyện. (Chưa phát hành)

8. “Ý Thức Sáng Tác Truyện Ngắn Hiện Đại”. Bộ 1.

“Ý Thức Sáng tác Truyện Hậu Hiện Đại và Đương Đại.” Bộ 2. (Chưa phát hành)

9.  “Tôi Học Được Bí Mật Của U sầu. Tập 1.  Thơ Federico Garcia Lorca.” Tái tác và tái bản.

“Mộ Phần Tôi Ở Đâu?. Tập 2.  Thơ Federico Garcia Lorca.” Tái tác và tái bản.

https://www.amazon.com/s/ref=sr_st_date-desc-rank?rh=n%3A283155%2Cp_27%3ANgu+Yen&qid=1514468153&sort=date-desc-rank