Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 17 tháng 12, 2017

Văn học miền Nam 54-75 (459): Ngô Thế Vinh (3)


Tâm tình Ngô Thế Vinh qua “Vòng đai xanh”

Lại Mạnh Cường

clip_image002clip_image004

Từ phải: tác phẩm Vòng Đai Xanh, Nxb Thái Độ Sài Gòn 1970;

trái: The Green Belt, ấn bản Anh Ngữ, Ivy House xuất bản 2004

Ngô Thế Vinh ngày càng nổi tiếng qua “Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng”. Đây là tiểu thuyết dữ kiện (faction; fact+fiction), đã đoạt giải thưởng văn học hội Y Nha Dược Sĩ Hải Ngoại, tổ chức vào năm 2002.

Cách đây hơn 30 năm, NTV còn là tác giả một tác phẩm lớn khác. Đó là “Vòng Đai Xanh” (VĐX), cũng thuộc loại tiểu thuyết dữ kiện, mỏng hơn tác phẩm trên rất nhiều. VĐX đoạt Giải thưởng Văn học 1971. VĐX được tái bản lần thứ nhất tại hải ngoại vào năm 1986. Tác phẩm mới đuợc dịch qua tiếng Anh dưới tựa đề “The Green Belt” [Ivy House Publishing Group 2004].

Nếu “Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng” nêu lên nan đề môi sinh tại Việt Nam và con sông Mekong, thì VĐX tường thuật lại những bí mật bị che dấu trong chiến tranh Đông Dương lần thứ hai. Trong đó nan đề sắc tộc vùng cao nguyên mạn tây nam Trung phần giáp giới với Lào và Miên, gọi tắt là Tây Nguyên, đuợc tác giả mổ xẻ tường tận. Xung đột Kinh – Thượng vẫn còn là vấn đề nhức nhối cho đất nước hơn bao giờ hết. Hợp nhất lòng dân còn khó hơn thống nhất đất nước về địa dư gấp bội.

*

Ngô Thế Vinh (NTV) vốn đàn anh trong nghề, nhưng thuộc bậc thày tôi về văn chương. Anh làm việc rất khoa học và vô cùng mẫn cán. Anh có viễn kiến đi trước người đồng thời vài thập niên!

NTV viết văn rất sớm, ngay từ năm đầu học Y. Trong lúc còn là sinh viên, anh đã cho ra mắt một loạt tác phẩm: Mây bão (1963); Bóng đêm (1964); Gió mùa (1965). Đó là kết quả từ lòng đam mê văn chương của người sinh viên trẻ trường thuốc, kết hợp với cách làm việc hài hoà giữa việc học và viết văn. Y khoa thuộc ngành khoa học thực nghiệm, tưởng như trái chiều với văn chương, cần nhiều mộng mơ. Bảy năm học nhọc nhằn, với những buổi trực gác căng thẳng, thiếu ngủ, lại phải tham dự các tối học thêm tại bệnh viện, đã hút hết sinh lực người sinh viên thời chiến.

Không có nhiều cây bút xuất thân từ trường thuốc thời đó. Tôi còn nhớ trước 1975, thế hệ đàn anh thấy xuất hiện Đặng Đức với "Thế giới trường thuốc" và Trang Châu qua "Y sĩ tiền tuyền". Còn ai khác nữa tôi không rõ.

Niềm đam mê viết văn của NTV và sự dấn thân đầu tiên của anh thể hiện qua vai trò chủ bút báo Tình Thương của sinh viên trường Y Khoa Sài Gòn. Ngô Thế Vinh không dừng lại ở đó. Anh nuôi ý định theo đuổi nghiệp viết văn. Anh vốn là một người trầm tĩnh, ít xuất hiện trước công chúng, và muốn dành toàn thời gian cho sáng tác và nghiên cứu. Do sẵn mối quan tâm về vấn đề Kinh – Thượng từ khi còn là một nhà báo sinh viên, nên khi tốt nghiệp NTV tình nguyện gia nhập binh chủng Lực lượng Đặc biệt (LLĐB), để có cơ hội tiếp tục nghiên cứu tận gốc vấn đề các sắc tộc thiểu số đang sống trên vùng cao nguyên Nam Trung phần (Tây nguyên). Những trang cuối VĐX đuợc hoàn tất tại trại LLĐB Bunard cuối năm 1969, khi anh đang là y sĩ trưởng Liên đoàn 81 Biệt cách Dù.

Vòng Đai Xanh (VĐX) là đỉnh cao sự nghiệp văn chương của NTV. Trước tết nguyên đán 1971 NTV đoạt giải Văn học Nghệ thuật toàn quốc. "Phúc bất trùng lai", ngay sau Tết anh lại phải đi hầu toà, vì truyện ngắn Mặt trận ở Sài Gòn đăng trên tạp chí Trình Bầy số 34. Toà Sơ Thẩm kết tội truyện: "có luận điệu phương hại trật tự công cộng và làm suy giảm kỷ luật, tinh thần chiến đấu quân đội". (ghi chú 1)

NTV trở nên nổi tiếng, nhưng chỉ trong giới báo chí và giới trí thức, vì trào lưu văn nghệ thời thượng lúc đó là truyện dịch kiếm hiệp, "love story" kiểu Quỳnh Dao, Dung Saigon... Thời chiến người ta cần thứ văn nghệ giải trí thực sự hơn là văn nghệ chính sự; những thứ khó nuốt lại dễ gây nhức đầu. Vả lại, những sắc tộc thiểu số xưa nay vẫn bị coi là những công dân hạng hai, một thứ gánh nặng cho quốc gia dân tộc, hơn là những đồng bào ruột thịt kém may mắn trong chiến cuộc.

*

Sau 1975, Ngô Thế Vinh bị đi học tập cải tạo ba năm, nhưng cuối cùng anh cũng đến được Mỹ tám năm sau. Học lại và trở thành bác sĩ nội khoa (internist) và giữ chức vụ bác sĩ điều trị và giảng huấn tại một bệnh viện ở Nam Cali. Tuy bận rộn với công việc chuyên môn, nhưng NTV vẫn thu xếp thì giờ để viết và thực hiện các chuyến đi khảo sát thực địa (fieldtrip).

Tại hải ngoại, ngoài một số tác phẩm viết trước 1975 được nhà xuất bản Văn Nghệ tái bản, NTV đã cho ra mắt tác phẩm đồ sộ Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng. (ghi chú 2)

Tuy thế, NTV vẫn không xa rời đề tài cũ. Nan đề xung đột sắc tộc vẫn luôn đè nặng tâm can anh. Song song với tệ nạn phá hại môi sinh của con người, vấn nạn xung đột sắc tộc đang là nguy cơ đe doạ sự ổn định các quốc gia và nền hoà bình thế giới.

Tại Việt Nam, cuối thập niên 50 đã manh nha hình thành phong trào "nổi dậy", đòi tự trị cho khoảng 30 sắc tộc thiểu số vùng Tây Nguyên, gọi chung là người Thượng dưới thời ông Ngô Đình Diệm [Trước đó người Kinh miền xuôi gọi chung họ là người Mọi, với dụng ý khinh bỉ "man ri mọi rợ"]. Giữa thập niên 60 âm mưu tổng nổi dậy của người Thượng dưới sự chỉ đạo của FULRO, một phong trào đòi tự trị vùng đất Tây Nguyên cho người Thượng, thổi bùng lên ngọn lửa xung đột Kinh – Thượng.

Ngay từ lúc còn là nhà báo sinh viên, NTV đã ý thức rõ ràng cả người Thượng lẫn người Kinh đều cùng là nạn nhân của một âm mưu lớn, do người Mỹ đứng sau giật dây. Điều đau xót nhất là anh không đuợc phép nói lên toàn bộ sự thật đó. Tác giả VĐX thổ lộ: - Kiểm duyệt là mối ám ảnh thường xuyên mỗi khi tôi cầm bút. Và cũng khó mà có thể giữ nguyên hứng khởi và cả kiên nhẫn nữa để hoàn thành một cuốn sách khi không thấy tương lai có thể xuất bản!". Để tránh lưỡi hái kiểm duyệt, nhà văn của chúng ta "sau một thời gian gián đoạn" viết lách, "phải tìm cách vượt qua khó khăn này bằng một chọn lựa hình thức tiểu thuyết cho cuốn sách". Điều đó đồng nghĩa với "phải tự cắt xén đi gần một nửa số trang của cuốn sách"; "một sự phá hỏng tác phẩm", để VĐX đuợc xuất bản!

Tại sao NTV lại cam chịu nhiều thiệt hại như vậy? Anh tiết lộ: - Để kịp đối lại với Green Beret của Robin Moore, ra mắt bên Mỹ, nhằm ca tụng lính Mũ Xanh (Green Beret) của Lực Lượng Đặc Biệt Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam. Moore tả họ giống như những anh hùng giải phóng (De Oppresso Liber), từ phương trời xa đến gỡ bỏ gông cùng của người Kinh áp đặt lên đầu lên cổ người Thượng! Chính khách Mỹ đang muốn nặn ra hình ảnh này để biện minh cho sự hiện diện đông đảo của những người (lính) Mỹ "đặc biệt" trong cộng đồng người Thượng; còn dân Mỹ muốn thấy lại hình ảnh sống thực những "người hùng miền viễn Tây" khi xưa, nhưng trên đất Việt xa xôi và vẫn còn "hoang dã" đối với họ. Sách ông Moore vì thế trở thành "best seller" trong nhiều tuần trên đất Mỹ! (Sau 1975 các đạo diễn Mỹ còn quay thành phim về các chiến tích của lính Mũ Xanh, với các tài tử thượng thặng như là một hình tượng tiêu biểu của người lính mũ xanh Mỹ ngang dọc một thời trong vùng rừng núi Đông Dương.)

Qua tác phẩm của mình NTV đã đưa ra một "lối nhìn Việt Nam" về vấn đề Tây nguyên, đồng thời phơi bày bộ mặt thật của những người Mỹ hiện diện tại đó.

*

Trong vai trò một chứng nhân lịch sử có ý thức thật cao, NTV mượn các nhân vật trong VĐX như một diễn đàn, để phân tích thời cuộc tại Tây Nguyên thật sâu sắc. VĐX làm nhiệm vụ "cái móc áo", để tác giải diễn đạt tâm tư thầm kín của mình trước tình thế dầu sôi lửa bỏng của quê hương và dân tộc.

Những bí mật lịch sử (cận và hiện đại) VN

Đầu thế kỷ 19 bác sĩ Alexandre Yersin khám phá ra Đà Lạt. Quân viễn chinh Pháp nối gót sau đó, nhưng bị người Thượng kháng cự mãnh liệt. Nhờ các giáo sĩ thừa sai Công giáo dàn hoà và chiêu dụ, thực dân mới thiết lập đuợc chính quyền tại đó. Trong thời chiến tranh Đông Dương lần hai, chính các mục sư Tin Lành người Mỹ giúp cho quân Mỹ thiệt lập các trại Lực Lượng Đặc Biệt (LLĐB) trên vùng cao nguyên Nam Trung phần (tr. 35). Dựa vào những kinh nghiệm lịch sử qúi giá đó, NTV tâm sự qua nhân vật của mình trong truyện: "Trong thâm tâm tôi cũng không mấy tin tưởng ở tính cách thuần túy xã hội của các giáo hội truyền giáo." (VĐX tr. 96)

Dưới thời Pháp thuộc, thực dân áp dụng chính sách "Chia để trị" chẳng những giữa người Kinh ở ba miền đất nước, mà còn giữa các sắc tộc với nhau: "Có lẽ cảm thấy sự nguy hại về mối đoàn kết Kinh Thượng, người Pháp đã ra lệnh cấm mọi giao dịch và ngăn ngừa mọi trà trộn của người Kinh. Họ coi người Thượng như một loại động vật sắp sửa biến mất, một loại đồ cổ cần phải bảo trì trong tình trạng nguyên thủy. Và vấn đề trở nên khó khăn từ đó. Lại những người lính Mũ Xanh làm ung thối thêm bằng ý muốn đi nốt đoạn cuối của con đuờng mòn". (tr. 72) (ghi chú 3)

Chính tổng thống Kennedy là người khai sinh ra cái lực lượng đặc biệt, có tên gọi là lính Mũ Xanh (The Green Beret) đó. NTV lột trần một bí mật của dưới triều đại Kennedy, vị tổng thống Mỹ nổi tiếng nhất thế giới: "Fort Bragg là một trung tâm đào tạo các toán lính Mũ Xanh để tung vào khắp các ngõ ngách hoang vu của thế giới, từ rừng rậm Phi Châu đến các vùng hẻo lánh của Nam Mỹ, nhưng thí điểm chính vẫn là lục địa Á Châu, với đủ mọi sắc dân thiểu số sống rải rác trên các núi cao và rừng xanh chạy suốt từ bờ biển phía đông tới giáp chân núi Hy Mã Lạp Sơn. Tại mỗi quốc gia họ đều tung vào hoặc công khai hoặc bí mật những toán xung kích thông thạo các phong tục thổ ngữ, thích ứng nhanh chóng với các sắc dân địa phương, giúp đỡ khai hóa họ để chinh phục cảm tình và sau đó nhiệm vụ chính là tổ chức cho bằng đuợc những toán quân chiến đấu tinh nhuệ và dễ bảo dưới quyền điều khiển của các sĩ quan Mỹ. Tham vọng lớn lao của họ là làm sao thiết lập đuợc một vòng đai an ninh kiên cố bao vây Hoa lục. Đó là một Vòng Đai Xanh mà họ tin rằng đủ sức đương đầu với mọi hình thức chiến tranh du kích và rừng rậm của Cộng Sản. Đó là một công trình thử thách bán công khai của cả CIA lẫn Lực Lượng Đặc Biệt Mỹ mà Hoa Thịnh Đốn và Ngũ Giác Đài đều chưa dám nhìn nhận. Họ (lính Mũ Xanh) là đám con cưng của tổng thống Mỹ với những ưu đãi và đặc quyền vô hạn, nhưng cũng là một lũ con hoang khi bị đổ bể (...)" (tr. 128-129)

Qua cái nhìn sâu sắc của NTV, thực chất của đám lính Mũ Xanh chỉ là "một giai cấp mới của triều đại Kennedy, ngoài khả năng ưu tú giết người thì đó là một bọn cứng đầu vô kỷ luật, nhiều tướng lãnh Mỹ vẫn không chịu nhìn nhận họ là một thành phần nghiêm chỉnh của quân đội như các binh chủng khác" (tr. 16)

Tóm lại, để chống lại và tiến hành những cuộc chiến tranh không qui ước, nhằm ngăn chặn sự bành trướng của CS tại các nước thuộc thế giới thứ ba, chính phủ Mỹ dưới thời Kennedy khai sinh ra một lực lượng đặc nhiệm (task force) mang tên Green Beret. Những toán quân cảm tử ưu tú này vừa đảm trách vai trò do thám địch tình, vừa lãnh nhiệm vụ quấy rối ngay trên đất địch. Khi bị bắt hay âm mưu khuynh loát bị đổ bể, số phận họ giống như những điệp viên hoạt động trong lòng địch. Vì thế họ đuợc hưởng nhiều biệt đãi, trở nên những kiêu binh, khiến cho phía quân nhân chính qui ganh tị.

Bản chất thật sự xung đột Kinh – Thượng

Về căn nguyên xung đột Kinh-Thượng, NTV giải thích: "Tuyệt nhiên không có mặc cảm kỳ thị về chủng tộc đúng nghĩa như Đức đối với Do Thái, như sự thù hằn đen trắng ở Mỹ. Bằng chứng là chẳng bao giờ có trong lịch sử ở đây một chiến dịch diệt chủng như Hitler diệt dân Do Thái, hay một phong trào kiểu như 3K ở Mỹ. Có một điều kỳ lạ là sự dễ dàng chung sống giữa các sắc dân, giữa các tôn giáo qua mấy ngàn năm ở trên lục địa Á châu này: hiện tượng Tam giáo ở Việt Nam là một bằng chứng. Theo tôi nguyên nhân tấm thảm kịch dai dẳng ở cao nguyên không bắt nguồn từ một mâu thuẫn chủng tộc, mà là sự bất bình đẳng về quyền lợi và cơ hội tiến bộ giữa Kinh Thượng. Có điều là sự cách biệt đó sắc nét hơn giữa sự nghèo ở thôn quê và trong thành phố, nhưng chúng cùng một đối tượng cho một phương thức giải quyết. Đó là một cuộc cách mạng về công bằng xã hội." (tr. 81)

NTV lý giải thêm về sự chung sống hoà bình giữ các sắc dân ở VN: "Họ như sống trên một giải đất định mệnh với nỗi ám ảnh lịch sử truyền kiếp là sự bành trướng thôn tính về phía nam của một nước Trung Hoa, bởi vậy họ đa sống khá hoà hợp và đoàn kết để có một lịch sử hơn bốn ngàn năm cho đến ngày nay." (tr. 81)

Thái độ của Mỹ đối với đồng minh Việt Nam

Trong VĐX tác giả nhiều lần dẫn chứng thái độ không nên không phải của người Mỹ đối với phía VN. Người Mỹ thường nói xấu đồng minh thân thiết nhất của mình. Họ chê bai, dè bỉu phía VN vừa lười vừa hay ăn hối lộ, ăn chặn tiền viện trợ... Cố vấn Mỹ lại thường tỏ thái độ trịch thượng, thích bắt chẹt khi phía VN nhờ vả trong bất cứ chuyện gì, kể cả khi cứu trợ nạn nhân chiến cuộc. Đã thế họ còn gieo tiếng xấu cho phía VN, qua lời than phiền của một viên sĩ quan cấp úy quân đội VNCH: "Gây oán là mình, gia ân là tụi nó. (...) Xua dân đốt làng thì mình lãnh, còn việc cứu trợ thì chúng nó giành lấy" (tr. 26-27). Chính họ lợi dụng tối đa sự thành thực đến ngây thơ của người Thượng cho mưu đồ đen tối của mình, nhưng họ lại gieo tiếng ác cho người Kinh. Họ dùng tiền của, đức tin tôn giáo để mua chuộc cảm tình và sự trung thành của người Thượng trong cuộc chiến tranh ác liệt nơi vùng rừng núi cao nguyên; đồng thời họ tuyên truyền rằng, họ mới đích thực là những người giải phóng, phá bỏ gông cùm cho người Thượng, khỏi sự đầy đoạ, khinh miệt của người Kinh.

NTV cực lực phản đối thái độ đó, anh quan niệm: "Tranh đấu cho quyền tiến bộ của người Thượng là điều chính đáng, nhưng biến nó thành một cuộc phiên lưu của thù hận là điều không chấp nhận đuợc." (tr. 60)

Người Pháp cũng cố tranh giành ảnh hưởng với người Mỹ trên Tây Nguyên, nơi mà một thiểu số chủ đồn điền cao su Pháp vẫn còn hiện diện sau khi cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất chấm dứt. NTV nhận định: " (...) Người Thượng rất thực tế mà chánh sách của Mỹ là thứ chánh trị con nhà giầu, nên họ đánh bạt ảnh hưởng hàng trăm năm của Pháp một cách dễ dàng. Mâu thuẫn và cay cú Mỹ, chính các chủ đồn điền người Pháp đã ve vãn thoả hiệp với du kích quân Cộng Sản và chính trong địa phận các đồn điền cao su bây giờ đuợc coi như là khu an ninh nhất. Kẻ tử thù của Cộng Sản cách đây ít năm bây giờ bỗng nhiên trở thành đồng minh thân tín của họ." (tr. 65). NTV tố cáo thêm là, chính phủ Pháp còn vận động quốc tế để ủng hộ mạnh mẽ những người Thượng ly khai, qua một tổ chức do họ đẻ ra là Đại hội các Sắc dân Đông Dương (tr. 94)

Qua ngòi bút NTV bức tranh vân cẩu cuộc chiến tranh Đông Dương lần hai đuợc minh hoạ không thiếu một chi tiết nhỏ. Không chỉ những thế lực phản động quốc tế, chính ngay những người dân Việt Nam thuộc đủ mọi thành phần, sắc tộc, tôn giáo... đã bị cuốn hút vào cái gọi là "chiến tranh ý thức hệ", thực chất chỉ là một cuộc chiến tranh nóng tại Việt Nam, trên nền một cuộc chiến tranh lạnh toàn cầu giữa hai siêu cường Mỹ và Liên Xô.

*

VĐX tuy viết cách nay hơn 30 năm, nhưng nan đề xung đột sắc tộc Kinh – Thượng vẫn còn nguyên tính thời sự của hôm nay. NTV vẫn còn ý thức sâu sắc về nguy cơ sống còn và cả những thiệt thòi của người Thượng trong cộng đồng người Việt. Anh lúc nào cũng để tâm theo dõi họ, từ thời chiến cho đến thời bình, từ khi đất nước còn bị qua phân cho đến khi thống nhất về địa dư. Sự ngược đãi của các chính quyền người Kinh đối với đồng bào Thượng thiểu số trên Tây Nguyên làm anh đau xót về mức tàn bạo, chỉ có tăng chứ không hề giảm sút theo thời gian. Ngày nay chỉ vì những lợi lộc về kinh tế và du lịch nhất thời, người ta sẵn sàng chiếm đoạt đất đai, cải đổi các di sản văn hoá, phong tục tập quán... của những người anh em trong cùng một nước.

"Đất đai và Tôn giáo" của người Thượng Tây Nguyên đã trở thành "vấn đề nhân quyền" (human rights issue) đối với cộng đồng thế giới. Cần phải liên tục lên tiếng cảnh báo nguy cơ làm tan vỡ đất nước và tình tự dân tộc.

Tuy nhiên NTV chọn phương cách hành động khác lần trước. Vòng Đai Xanh lột xác thành The Green Belt. Đối tượng chính của VĐX ấn bản tiếng Anh với những bổ sung, nhằm vào người ngoại quốc và giới trẻ Việt Nam hải ngoại. The Green Belt là một cuốn sách phong phú về nội dung, lại đẹp đẽ về hình thức, đạt đúng tiêu chuẩn quốc tế, vừa mới đuợc nhà xuất bản Ivy House phát hành vào tháng Ba năm 2004.

Tôi xin thân chúc cho Ngô Thế Vinh, người đàn anh tôi hằng mến mộ đạt đuợc ý nguyện.

LẠI MẠNH CƯỜNG

Amsterdam, 20/04/2004

_________________

Ghi chú:

1/ "Mặt trận Sài Gòn" chỉ là bút ký ngắn ghi lại cuộc hành trình ý thức của một người lính chấp nhận cuộc chiến tranh Việt Nam, nhưng đồng thời cũng có những ước mơ về một xã hội tốt đẹp hơn trong tương lai. Qua nhân vật trong truyện, NTV nói lên tâm tư của mình và những người lính trẻ: "Không lẽ những mộng tưởng binh nghiệp chỉ có thể biến chúng tôi thành những tên gác dan cho bọn nhà giầu, một thứ cảnh sát công lộ chỉ đuờng trên dòng luân lưu của lịch sử..." Những người lính ấy không muốn hy sinh chỉ nhằm bảo vệ "cho một thứ xã hội trên cao, thừa mứa", "của một đám người kêu gào chiến tranh nhưng lúc nào cũng ở trên và đứng ngoài cuộc chiến ấy ..."

Tác giả ra trước vành móng ngựa toà quân sự, vì là quân nhân và đã dám bộc lộ hết những sự thật cần che dấu (les véritées cachées).

2/ Để trả lời câu hỏi: Khi nào và tại sao anh bắt đầu đặc biệt chú ý tới con sông Cửu Long và Biển Đông? NTV đáp: - Tôi làm báo viết văn từ thời sinh viên, với quan tâm tới các vấn đề xã hội, vào thập niên 60 là tình cảnh sống của người Thượng trên Cao nguyên Trung phần Việt Nam tôi đã viết cuốn Vòng Đai Xanh. Ra hải ngoại, qua tiếp cận với Nhóm Bạn Cửu Long, vào những năm 90 tôi bắt đầu chú ý tới vấn đề môi sinh và phát triển con sông Mekong - con sông lớn hàng thứ 3 Châu Á, vẫn đuợc xem như còn nguyên vẹn so với các con sông lớn khác của thế giới. Phải nói rằng tôi đã hoàn toàn bị con sông ấy chinh phục sau khi đọc những cuốn sách liên quan tới Mekong Expedition của Đoàn Thám Hiểm Pháp vào thế kỷ 19 khi gian nan ngược dòng sông Mekong dũng mãnh thời hoang dã để tìm một thủy lộ giao thương với Trung Hoa, một cuộc hành trình thật hào hùng kéo dài hơn hai năm nhưng kết thúc thì bi thảm…

Sau đó tôi ráo riết tìm hiểu về con sông Mekong với nhận thức rằng nó như mạch sống của hàng trăm triệu cư dân của 7 quốc gia (kể cả Tây Tạng) trong lưu vực, nhưng lại đang bị Trung Quốc khống chế. Với cái nhìn toàn cảnh trong mối tương quan toàn vùng ấy, không thể không bao gồm cả Biển Đông đang bị “Tây Tạng Hóa" (Tibetization) với quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc cưỡng chiếm và Trường Sa đang là vùng tranh chấp.

Cho dù là một dòng sông, biển cả với các hải đảo hay đất liền thì chủ đề nhất quán của cuốn sách vẫn là “mối đe dọa do tham vọng bành trướng không ngưng nghỉ của Trung Quốc.”

NTV trèo đeo lội suối, chấp nhận hiểm nguy hiểm nguy để xâm nhập thực tế qua những hành trình khảo sát thực địa (fieldtrips) ngược dòng Mekong từ đồng bằng sông Cửu Long (Mekong delta), sang đến Biển Hồ (Tonle Sap) bên Miên, rồi bên Lào. Gần đây nhất anh thực hiện thành công chuyến đi du khảo Vân Nam (Yunan): thăm khu sẽ khởi công xây dựng con đập thủy điện Cảnh Hồng (Jinghong); tới thăm con đập thủy điện Mạn Loan (Man Wan) nằm trên dòng chính Mekong, là một trong chuỗi 14 con đập bậc thềm Vân Nam (Mekong Cascades); lên tận hồ Nhĩ Hải (Erhai) vùng Đại Lý, với đàn chim Cốc (cormorants) săn cá và là nơi tương truyền có những con cá Pla Beuk khổng lồ 300 kg, từ hạ nguồn bơi ngược dòng Mekong lên đó đẻ trứng (loại cá này nay sắp tuyệt chủng) ... Anh đã chụp rất nhiều hình ảnh, chú thích kỹ càng.

"Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng" là một "dữ kiện tiểu thuyết", dày ngót 700 trang, xuất bản lần đầu năm 2000; đuợc bạn đọc khắp nơi đón nhận, nên đã tái bản ngay sau đó. Tác phẩm đoạt giải văn chương tại đại hội thế giới của hội y giới Việt Nam hải ngoại, tổ chức năm 2002 ở Bắc Mỹ. NTV còn ấp ủ nguyện vọng viết lại thành một tập tài liệu nghiên cứu, thay cho tiểu thuyết loại "fact-fiction" như hiện nay.

Ưu điểm nổi bật là cuốn sách mở ra một chân trời mới, của "hợp tác và phát triển vùng", với mẫu số chung "Tinh thần sông Mekong” (Mekong spirit), rất xứng hợp với kỷ nguyên toàn vùng và toàn cầu thời hậu hiện đại. NTV là nhà văn có viễn kiến, đồng thời là nhà nghiên cứu sâu sắc. Anh sưu tập thêm nhiều dữ kiện quí giá, phấn đấu đi tìm đồng thuận dân tộc cho mọi phía: cùng khai thác và cùng bảo vệ nguồn tài nguyên của sông Mekong bằng những bước phát triển bền vững. Cuốn sách giúp cho mọi người mở mang kiến thức và hiểu rõ hơn về bối cảnh nước nhà.

3/ Pháp lập ra khu người Mường và khu người Thái tự trị ở miền (Tây) Bắc; khu tự trị của người "Montagnard" (người miền núi) ở Tây Nguyên, hay còn gọi là khu vực "hoàng triều cương thổ".

Nguồn: Tập San Cái Đình, 2004