Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 29 tháng 12, 2017

Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân – Phê bình và khảo cứu (kỳ 29)

Hoàng Tuấn Công


○ “trăng mờ tốt lúa nỏ, trăng tỏ tốt lúa sâu (Nỏ là bị khô) Kinh nghiệm của nông dân về quan hệ giữa ánh trăng và cây lúa”.

Lúa nỏ” ở đây là lúa ruộng cao, ruộng khô, ruộng cạn trồng lúa lốc, chân ruộng không có nước (phụ thuộc vào nước trời), chứ không phải “nỏ là bị khô”. Hơn nữa, quan hệ giữa ánh trăng và cây lúa thế nào, sao không giải thích? Nghĩa cụ thể của tục ngữ là: Năm nào trăng rằm (tháng tám) mờ mờ, là vụ tháng Năm sẽ có mưa nhiều, tốt cho lúa cấy chân ruộng cao; còn năm nào trăng rằm sáng tỏ, thường ít mưa, sẽ tốt cho “lúa sâu”, là lúa gieo cấy dưới chân các ruộng sâu trũng, không sợ bị lũ lụt. Dị bản: “Tỏ trăng rằm thì được lúa chiêm”.

○ “trắng như bông Có nghĩa: Rất trắng”.

Rất trắng”, không phải là cách phân biệt kiểu trắng này với kiểu trắng khác. “Trắng như bông” chính xác phải là trắng với vẻ xốp, tựa như bông.

○ “trắng như ngó cần Có nghĩa rất trắng và đẹp”.

Chính xác phải là trắng nõn nà, tinh khôi, (giống ngó rau cần).

○ “trắng như trứng gà bóc Nói nước da trắng hồng”.

Chính xác phải là nước da trắng hồng, mịn màng.

○ “trần như nhộng Nói người thua bạc hoặc mất tiền, không còn gì nữa”.

Bạn đọc có thể tham khảo cách giải thích của Thành ngữ Việt Nam và so sánh nhận xét: “trần như nhộng 1. Trần truồng, không mảnh áo quần che thân. “Sau bộ xa lông, hai mụ đàn bà người Âu trần như nhộng run bắn lên, nhìn hai chiến sĩ mặt đỏ phừng” (Tô Nhuận Vĩ, Dòng sông phẳng lặng)”; “Xung quanh anh, bốn chiến sĩ cũng đều người trần như nhộng, chụm đầu theo dõi.” (Chu Lai, Nắng đồng bằng). 2. Nghèo xơ xác, túng bấn, không có gì. “Trách chín Hiếc làm gì? Tao đây trần như nhộng mà vẫn phải cắn răng chịu nữa là.” (Nguyên Hồng, Bỉ vỏ).” Như vậy, từ điển của GS Nguyễn Lân đã không hề giải nghĩa đen của “Trần như nhộng”, nghĩa bóng cũng không thông dụng, chỉ tạm xếp vào nhóm nghĩa thứ hai mà Thành ngữ Việt Nam đã giảng.

○ “trần trùng trục Tả người cởi trần, không có mảnh áo trên người”.

Chính xác phải là tả nam giới cởi trần, cơ bắp lộ ra với vẻ thô kệch. Ví dụ: “Ông ấy cổi trần trùng trục vác cây gỗ”. Tuy nhiên, đây chưa phải là một thành ngữ, mà chỉ là quán ngữ.

○ “trâu tìm cọc, cọc chẳng tìm trâu Ý nói: Mình cần đến người ta, thì phải tìm đến người ta, chứ không nên mong người ta đến với mình”.

Không đúng. Câu tục ngữ có nghĩa bóng thông dụng, đặc biệt là các cụ rất hay dùng (không hiểu sao GS Nguyễn Lân lại không biết?). Giáo lý xưa cũng như nay, trong chuyện yêu đương, thì con trai luôn là phía chủ động đến (tìm hiểu, thổ lộ tình cảm) với con gái, chứ người con gái không (và không nên) chủ động tìm đến (tỏ tình) với người con trai. Chuyện ấy là hiển nhiên, bất di bất dịch giống như cái cọc buộc trâu và con trâu vậy. Tục ngữ Hán có câu đồng nghĩa: “Chỉ hữu đằng triền thụ, một hữu thụ triền đằng - 只有藤纏樹, 沒有樹纏藤 - Chỉ có dây leo quấn thân cây, không thấy cây quấn dây leo”.

○ “trẻ được manh áo, già được bát canh Trong khi đời sống còn khó khăn thì đó là những niềm hạnh phúc đơn giản nhất”.

Hình thức chính xác của câu tục ngữ có vần vè là: Già được bát canh, trẻ được manh áo. (Dị bản: Già mong được bát canh, trẻ mong manh áo mới). Mặt khác, tục ngữ nói tâm lý, niềm vui khác nhau giữa người già và trẻ nhỏ nói chung, chứ không có ý nói “đời sống còn khó khăn” hay không. Trẻ thích áo mới (tâm lý thích đồ mới, chóng chán đồ cũ), còn người già thích ăn canh (vì ăn khô, khó nuốt). Vả lại, người già không còn thích trưng diện, hay chơi bời như tuổi trẻ.

○ “treo đầu dê, bán thịt chó Chê những kẻ nói và làm không ăn khớp với nhau”.

Không đúng. Thành ngữ lên án, tố cáo, chứ không phải “chê”; là hành vi lừa đảo, chứ không phải “nói và làm không ăn khớp với nhau”. Vì nói và làm không ăn khớp với nhau có thể hiểu: chỉ nói, không làm; nói nhiều, làm ít; nói không đi đôi với làm...chứ chưa phải lừa đảo, gian dối.

Treo đầu dê, bán thịt chó vốn là thành ngữ gốc Hán Quải dương đầu, mại cẩu nhục - 掛羊頭,賣狗肉 - Treo đầu dê, bán thịt chó (Dị bản Huyền dương đầu, mại cẩu nhục - 懸羊頭,賣狗肉, “huyền” cũng có nghĩa là treo). Chủ quán treo cái đầu dê trước cửa hiệu để “làm hàng”, khiến khách lầm tưởng quán vừa mới giết con dê thật, thịt đang đem chế biến, còn đầu dê hãy còn treo ở đó. Tuy nhiên, thực tế, chỉ có mỗi cái đầu dê thật mà thôi, còn thịt dùng chế biến các món ăn thực chất là thịt chó. Như vậy chẳng phải lừa đảo, bịp bợm là gì? Từ điển thành ngữ gốc Hán giảng nghĩa là: “Bịp bợm giả danh, giả hiệu cái tốt đẹp làm điều xấu xa, ví như nhà hàng treo đầu dê để đánh lừa khách vào ăn, trong khi đó lại bán thịt chó.” Từ điển Vũ Dung: “[Rao mật gấu bán mật heo; Rao ngọc bán đá] Bịp bợm, giả dối, phô trương, quảng cáo cái tốt đẹp bên ngoài để đánh lộn, che giấu cái xấu xa bên trong; Làm ăn không trung thực”.

○ “trò nào trống nấy (Trò đây là một cuộc biểu diễn trước công chúng) Ý nói: Những hoạt động của một bọn người cùng cánh ăn khớp với nhau”.

Không đúng. Nghĩa bóng phải hiểu là: làm việc gì cũng phải phù hợp, ăn khớp với nhau, chứ không thể kệch cỡm, gán ghép tuỳ tiện. Ví như trống nhạc với trò diễn, “Trống khoan múa khoan, trống mau múa mau”, v.v.

○ “trong gang tấc Nói hai người ở gần nhau”.

Giải nghĩa què cụt. Vậy nói: “Thoát chết trong gang tấc” thì hiểu thế nào? Mặt khác, đây chỉ là quán ngữ, không phải thành ngữ.

○ “trông gà hoá cuốc Chê người nhìn lầm lẫn người nọ với người kia”.

Không chỉ “lầm lẫn người nọ với người kia”, mà nói chung về sự nhầm lẫn sự vật nọ ra sự vật kia một cách đáng trách, buồn cười. Vì gà và cuốc khác hẳn nhau, từ hình dáng, đến cách đi đứng, bộ dạng, không thể nhầm lẫn được, trừ người “trông gà hoá cuốc”!

○ “trồng khoai đất lạ, trồng mạ đất quen Kinh nghiệm của người nông dân về việc chọn đất trồng”.

Đã gọi là “mạ” thì chỉ có “gieo”, chứ không ai gọi là “trồng mạ”. Chính xác phải là: Trồng khoai đất lạ, GIEO mạ đất quen. Mạ được gieo từ hạt giống, sống trên ruộng tạm, sau đó mới nhổ đem đi cấy (trồng). (Trong Từ điển từ và ngữ Việt Nam, GS Nguyễn Lân cũng dùng từ “trồng mạ”, xin trích: “Dược mạ [danh từ] Thửa ruộng trồng mạ trước khi đem cấy”. Thật khó giải thích tại sao một Nhà biên soạn từ điển mà lại không biết dùng tiếng mẹ đẻ thế nào cho đúng!).

Mặt khác, ai cũng biết Trồng khoai đất lạ, gieo mạ đất quen” là “Kinh nghiệm của người nông dân về việc chọn đất trồng”, vấn đề là kinh nghiệm ấy như thế nào? Khoai lang ưa loại đất có nhiều ka-li, bởi vậy, nếu trồng khoai liên tục trên cùng một chân đất sẽ dẫn đến nguồn ka-li tự nhiên không kịp tái tạo, năng suất khoai sẽ thấp. Mặt khác, khoai hay bị một số loại sâu bệnh như dế, sùng, hà... gây hại củ. Bởi vậy, nếu trồng khoai liên tục, các loại sâu bệnh này sẽ có cơ hội di trú, sản sinh ngày càng nhiều. Tương tự, gieo mạ đất quen ít bị lẫn cỏ dại, nhiễm sâu bệnh, rễ mạ ăn nông, dễ nhổ, dễ xúc cấy. Dị bản: Khoai đất lạ, mạ đất quen; Khoai ruộng lạ, mạ ruộng quen.

○ “trời đánh còn tránh miếng ăn Câu nói đùa khi có người quấy rầy trong lúc đương ăn”.

Không hề đùa, đó là lời dạy nghiêm túc của dân gian. Người ta thường ngồi vào bữa cơm sau một buổi, một ngày làm việc, lao động vất vả. Bữa ăn chính là lúc bù đắp, tái tạo năng lượng, duy trì sự sống, cũng là lúc tận hưởng thành quả lao động. Thế nên ý tục ngữ: dù bất cứ lý do gì cũng không nên làm phiền người khác vào đúng bữa ăn, khiến người ta sinh ức chế, ăn mất ngon, hoặc bỏ dở bữa ăn... Tại sao lại đem “trời đánh” ra để ví dụ? Bởi “trời” đây chính là “ông Thiên Lôi”. Theo quan niệm dân gian, Thiên Lôi luôn làm theo lệnh trời một cách máy móc, cứng nhắc, “chỉ đâu đánh đấy”, vậy mà cũng biết “tuỳ cơ ứng biến”, tạm hoãn “thi hành án” khi thấy con người đang dùng bữa, mới biết bữa ăn quan trọng biết nhường nào! Tục ngữ Hán cũng có câu đồng nghĩa: Diêm vương thôi mệnh, bất thôi thực - 閻王催命不催食 - Diêm vương lấy mạng cũng không giục ăn nhanh, nghĩa là ngay cả Diêm Vương đến lấy mạng, mà gặp lúc người ta đang ăn thì cũng không bao giờ ngài giục phải ăn nhanh lên.

○ “trứng khôn hơn vịt Chê con cái hoặc người ít tuổi cứ tỏ ra khôn ngoan hơn cha mẹ hay người lớn (Nhưng trong thực tế thì người ta lại cho rằng con hơn cha là nhà có phúc)”.

GS Nguyễn Lân lầm lẫn giữa hai khái niệm “Trứng khôn hơn vịt” và “Con hơn cha là nhà có phúc” nên mới vặn lại dân gian như vậy. “Trứng khôn hơn vịt” là nói kẻ còn trẻ người, non dạ, thiếu kinh nghiệm, nhưng lại luôn muốn tỏ ra khôn ngoan hơn những người từng trải, hiểu biết sự đời; Còn “Con hơn cha là nhà có phúc” lại ý nói: Trong xu thế phát triển của xã hội, thế hệ cháu con biết cố gắng phấn đấu, làm được những điều mà trước đây thế hệ cha anh chưa làm được, không làm được; hoặc tiếp nối truyền thống gia đình, làm những điều to lớn hơn, ấy là phúc nhà, cũng chính là phúc cho đất nước (“tỏ ra không có nghĩa là “hơn”).

○ “tu hú sẵn tổ mà đẻ (Chim tu hú thường đẻ vào tổ sáo sậu hay ác là) Nói người nào đã được người khác chuẩn bị cho đủ điều kiện để làm việc”.

Không đúng. Chim tu hú (Eudynamys scolopacea) thuộc họ Cu cu. Đặc điểm của giống chim này là không tự làm tổ, ấp trứng, nuôi con. Tu hú thường tìm tổ của loài chim khác đã lót sẵn, đợi khi chủ nhân vắng nhà, đến đẻ trứng vào tổ. Thậm chí, nếu trong tổ đã có trứng, thì nó tìm cách ăn trứng và thế trứng mình vào. Trong khi đó, chim bố mẹ kia không hề hay biết, vẫn ấp trứng tu hú nở con, rồi thay nhau kiếm mồi, nuôi “đứa con” của kẻ “đẻ trộm” lớn gấp mấy lần cơ thể mình. Các nhà nghiên cứu về “Thế giới động vật” đã quay lại những thước phim cho thấy, nếu chim tu hú con nở ra trước, mà trong tổ vẫn còn trứng, theo bản năng, chúng dùng lưng đẩy, loại bỏ hết trứng của bố mẹ nuôi xuống đất. Từ thực tế nghĩa đen, câu “Tu hú sẵn tổ mà đẻ” luôn được dùng với nghĩa tiêu cực, hàm ý chê bai, lên án kẻ thiếu ý thức, không chịu tự mình tạo ra cơ hội, mà chỉ chăm chăm trông chờ, dựa dẫm vào người khác, muốn người khác làm sẵn mọi thứ cho mình.

○ “vui như tết Có nghĩa: vui vẻ nhộn nhịp”.

Vui vẻ nhộn nhịp” là kiểu vui thiên về khung cảnh bề ngoài, còn “Vui như Tết” là kiểu tinh thần vui vẻ, hồ hởi, hoàn toàn thoải mái, không vướng bận lo âu gì mới đúng. Cả năm chỉ có dịp Tết, trẻ già, trai gái, cả nhà, cả xóm, cả làng, cả nước đều vui vẻ, chan hoà, hoàn toàn khác cảnh vui vẻ nhộn nhịp, phố xá, hội hè... Ấy chính là “vui như Tết”!

○ “ù ù cạc cạc như vịt nghe sấm Nói người ngu đần, nghe mà không hiểu gì hết”.

Không chính xác. Nghĩa đen: Bầy vịt đang ăn trên đồng, bỗng nghe tiếng sấm ù ù, cả bầy kêu cạc cạc ngơ ngác. (Có câu Chạy như vịt là vậy). Thấy con này chạy trước, con khác vội ào ào chạy theo...Chúng ngơ ngác không biết mối nguy hiểm đến từ đâu, và nên chạy về hướng nào. Nghĩa bóng: ngơ ngác, không hiểu vấn đề ra sao, không hiểu có chuyện gì xảy ra.

Nói thêm: Vịt rất sợ tiếng mưa gió sấm sét. Ông nội tôi kể có lần ông đi buôn vịt bằng tàu hoả “trẩy Nghệ”. Vịt được nhốt vào từng lồng đưa lên tàu. Nghe tiếng máy nổ xình xịch đàn vịt đã sợ hãi, nhớn nhác. Từ ga Yên Thái đến ga Minh Khôi (thuộc địa phận huyện Nông Cống - Thanh Hoá) có những khoảng đồng rất trống trải. Bỗng trời nổi mưa gió sấm chớp đùng đùng, vịt hoảng sợ phá tung lồng nhảy ào xuống đồng, trốn hết vào các bụi dứa dại ven đường, trong khi tàu vẫn chạy... Chuyến buôn vịt của ông nội tôi vì thế mà mất trắng.

○ “ưa nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng Trong xã hội cũ quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu thường là quan hệ giữa người hành hạ và người bị hành hạ, nên không thể yêu thương nhau. Ngày nay, trái lại, nhiều mẹ chồng coi nàng dâu như con đẻ mình”.

Vấn đề nàng dâu, mẹ chồng xưa hay nay khá phức tạp, do nhiều yếu tố tư tưởng, tâm lý, tình cảm không dễ phân tích, chỉ rõ nguyên nhân. Điều đáng nói là GS Nguyễn Lân đã quên nhiệm vụ giải thích thành ngữ, tục ngữ Việt Nam để quay sang giảng đạo đức, coi “xã hội cũ” cái gì cũng xấu, “ngày nay” thì cái gì cũng đẹp. Nếu ngày nay “nhiều mẹ chồng coi nàng dâu như con đẻ mình”, thì lấy gì để khẳng định, ngày xưa (“trong xã hội cũ”), không có hề có mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu nào tốt đẹp?