Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 13 tháng 12, 2017

Phapxa Chan: Năm bài thơ văn xuôi

PXC


DƯỚI TRĂNG

Tôi nhận ra mình đang chạy trên những tường thành. Bằng một cách nào đấy tôi đã trốn thoát đám người dưới kia. Bỏ lại thành phố sau lưng, tôi trèo qua những tường vách để tìm đường thoát khỏi những mê lộ ngoằn nghèo. Cuối cùng tôi cũng tới được đây sau khi vượt xuống trạm gác cuối cùng.

Tôi thấy bóng mình trải dài trong đêm, nhỏ nhoi mập mờ dưới ánh trăng đùng đục, in hằn lên đồi núi niềm thao thức không thể gọi tên. Tĩnh lặng thanh thản nhưng đáng sợ vô cùng. Một mình nơi trung giới, chỉ còn tôi và núi đồi phía dưới. Bức tranh rặt một màu thủy mặc. Tôi vẫn chạy thục mạng. Chạy mà không hình dung được tốc độ và quãng đường. Chạy mà không biết mình có đang chạy không vì giờ đây mọi thứ dường như đã đóng băng trong bức tranh cổ vật. Một bức tranh thủy mặc không màu chỉ những sắc độ đen trắng. Tại sao tôi nghĩ tôi đang chạy khi chỉ có một vệt tường thành lẫn trong bóng đêm núi đồi? Quang cảnh quá lớn để những bước chân của tôi đo được dặm đường. Chỉ có trăng và bóng tôi nhập nhoè ẩn hiện.


Đến một quãng không còn tường thành hay pháo đài nữa, chỉ toàn những dải đồi thoai thoải. Thành trì thực đã khuất xa. Nơi đó không có cây cao chỉ những bụi rậm thâm thấp vừa đến mắt cá chân. Tôi lững thững đi, thôi không chạy nữa. Trăng phía bên vai phải tôi. Một đám mây vừa bay qua đột ngột làm trăng sáng hẳn. Vậy là nãy giờ tôi đi dưới bóng mây mà không hay. Góc quan sát giờ đây khiến tôi thấy mình từ đằng sau: một thằng người đang đi. Ô một thằng người đang đi! Tôi đang thấy mình đi!

Rừng phía trước. Hẳn là rừng cuối mùa đông vì tôi ngửi được mùi hương gì thân quen đến lạ. Tôi đoán là sắp sang xuân. Tôi men theo những khoảng thưa cây nhất để bò lên đồi. Kí ức gọi tôi về một đêm tôi cũng đã từng lạc trong rừng, cũng trăng, cũng mùa tuyết tan. Đêm đó loài người đã tìm thấy tôi… rách nát. Nhưng đêm nay có lẽ là không. Chân tôi giẫm lên một bụi gai khiến chút da bị xước. Tôi không đau mấy mà sung sướng vô cùng. Có gì đó thân mật mà chỉ có cây cỏ mới đem lại được. Một chồi thủy tiên nứt ra từ bọc tuyết. Tôi không nhìn thấy nhưng tôi biết vậy. Những thân sồi to lớn bị tẩm ướt bởi sương đêm và trăng giá đang khẽ run rẩy quanh đây.

Giày tôi đã ướt sũng. Tôi ngồi xuống tựa lưng vào một tảng đá lớn. Giờ đây điểm nhìn gần như là một với mắt tôi. Tôi không thấy mình rõ nữa. Tôi thấy triền đồi dốc kéo dài mãi về xa xăm. Có một hồ nước hãy còn đóng băng phía dưới thung lũng. Nhớ ra thế tôi đứng phắt dậy, chạy như điên xuống chân đồi. Đầu gối tôi không ưa chuyện này. Cổ chân tôi sợ bị trẹo vì đường nhiều sỏi đá và bụi rậm. Tôi đánh liều, hít một hơi thật sâu rồi nhảy phóc lên và thả mình rơi xuống. Tôi lăn xuống dốc. Hai tay ôm chặt lấy đầu, tôi lăn và lăn. Lăn và lăn lông lốc. Thường những lúc thế này tôi hay ngửi thấy mùi gì hăng hăng nơi mũi. Mùi cỏ! Không, gì nữa? Mùi đất! Và? Mùi máu! Đúng rồi tôi chảy máu rồi. Nhưng cóc sợ! Sắp tới rồi, sắp tới rồi! Chỉ còn vài chục mét nữa thôi. May thay không có tảng đá nào ngăn tôi lại. Cái nhìn của tôi bây giờ thu hẳn vào bên trong, không nhìn thấy mình và cũng không nhìn thấy cảnh nữa. Chỉ thấy xoáy tít mù những vòng tròn trăm màu sắc. Đầu tôi muốn nổ tung vì bị lăn lông lốc như quả bóng. Kia rồi kia rồi, một giây tôi đã nhìn thấy. Hồ! Bản năng nhất có thể, tôi làm những động tác cực kì dã thú: bấu chặt chân tay vào bất cứ nơi nào có thể để hãm phanh rồi dùng hết sức bình sinh của bốn vó bật thật lực. Tôi ném mình lên cao, cố sức bay ra giữa hồ. Khoảnh khắc đó tôi mở to mắt để ý thức rõ bên dưới mình không phải là nước mà là băng đá. Tôi cố sức kéo dài nhất có thể giây phút đó để kịp nhìn thấy bóng mình. Ôi một thằng bé tội nghiệp! Tôi là một thằng bé tội nghiệp! Tôi không bao giờ khóc. Hoặc không bao giờ khóc đủ. Tôi muốn khóc như thế này đây. Nhảy như một con ếch, bay như một con chim và soi bóng mình giữa hồ băng đá để khóc.

Tôi không quan tâm đến cái đầu của mình nữa. Tôi dang hai tay và hai chân để sẵn sàng. Tôi cần một cú thật đau, thèm một cơn đau thấu tủy. Tôi sẽ kịp nhìn thấy mặt tôi vỡ nát đầu tiên. Mắt nổ tung. Mũi dập nhừ. Môi bị nghiến nát bởi răng. Tôi không nghĩ mình chuẩn bị chết, chỉ biết chắc chắn rằng hộp sọ sẽ vỡ tan.

Và tôi rơi xuống thật nhanh. Một tiếng động chát chúa kì đặc mà không từ tượng thanh nào mô tả được, cái gì đó vỡ nát. Nghe tựa tiếng thủy tinh. Khoảnh khắc đến rất nhanh. Cơn đau không kịp ở một điểm mà tung toé khắp châu thân. Tôi đoán rằng não mình đã nát bét trước khi phân tích hết những tín hiệu đau.

Tôi nhầm. Mặt hồ vỡ toang. Cuối đông, không còn là hồ nước đá nữa mà chỉ còn một lớp băng kết trên mặt như thủy tinh. Hồ chếnh choáng sau cú va đập điên cuồng. Tôi sặc nước. Mắt mù vì nước quá lạnh. Tôi – cứ thế chìm sấp, rơi sâu xuống đáy hồ. Trên kia mặt trời đang lên. Nó lạnh lùng nhìn tôi qua vết thủng.

TRÊN CỎ

Tôi không hiểu sao ngày hôm đó tôi vẫn chưa chết. Khi lấy được lại ý thức, tôi tìm thấy xác mình nằm phơi trên cỏ. Điểm nhìn giờ đây treo trên một ngọn cây. Tôi thấy cỏ. Cỏ là cỏ mùa hạ vì rất xanh. Bồ công anh xen lẫn oải hương mọc thành một viền quanh thân thể tôi. Chúng định xây mộ cho tôi ư? Quả là đẹp đẽ, một cử chỉ ân cần của thiên nhiên. Nhưng công trình chưa thể hoàn thành vì xác tôi chưa mục nát. Một cái gì đó trong tôi vẫn còn sống. giữ cho mọi thứ không rơi ra rời rạc. đã gọi tôi tỉnh dậy.

Cái nhìn chui tọt vào mắt. Tôi thấy nắng trên cao, lấp lánh lọc qua một tán hồ đào. Tôi nhúc nhích thử chân tay xem còn dùng được không. Vài chỗ còn tê cứng nhưng rồi cũng ổn cả. Tôi ngồi dậy, một lần nữa nhìn lại viền hoa cỏ đã xây quanh người tôi. Dưới lưng tôi cỏ không mọc, có vài lỗ giun và cả tổ kiến; giống như khi lật một hòn đá đã để lâu trong vườn, ai cũng thấy điều đó. Vậy là tôi đã nằm lâu lắm rồi nhỉ! Lâu như một hòn đá. Đây là mùa hạ ngay sau mùa đông tôi nhảy xuống hồ hay mùa hạ của mấy năm sau? Ai biết được.

Sao tôi không hãi hùng gì mấy nhỉ? Chuyện tôi chưa chết, chuyện tại sao tôi nằm đây, tôi thậm chí còn chả buồn hỏi nhiều nữa. Tôi nhón chân bước qua viền mộ cỏ, ngoái lại lần cuối để thầm cảm ơn tuyệt tác. Tôi đã biết là mình không chết mà, chỉ đơn giản là tôi đã không muốn chết, tôi chỉ muốn nhìn thấy hộp sọ mình nát bét. Thực ra ngay cả việc đầu tôi vẫn chưa nát cũng không làm tôi thất vọng là bao.

Tôi đi trong nắng hè non mởn. Hè chưa đến độ già chín mà mới chỉ hết mùa xuân. Vài cây mận lác đác chín. Những khu vườn bỏ hoang. Những căn nhà không người. Tôi lại mê mải đi xuyên qua những làng mạc. Màu xanh lập lòe trước mắt. Nắng và lá nhảy nhót và mắt tôi chỉ còn bắt được hai màu xanh và vàng xoắn quyện. Thật biết ơn vì con người không có mặt nơi đây. Tôi chưa sẵn sàng gặp lại họ. Tôi đang đi xuyên qua những khu vườn và tôi cảm thấy rất… hạnh phúc! Hạnh phúc vì không có người nào quanh đây. Không ai biết tôi là người. Tôi cũng vậy. Tôi lại không nhìn thấy tôi nữa rồi vì cái nhìn đang treo lơ lửng cách nhãn cầu khoảng mười phân. Nó cũng nhảy nhót cùng nắng và lá. Ô cái nhìn luôn độc lập khỏi mắt tôi cũng như tôi luôn độc lập khỏi tôi. Ô kìa sao tôi lại giải thích nhỉ? Tôi phải giải thích với ai cơ chứ.

Chân tôi dường như không thật sự chạm đất. Dù vẫn nghe thấy cỏ sột soạt quanh cổ chân nhưng đó là thứ duy nhất làm tôi biết mình có chân. Tôi tìm thấy một cái giếng, ngay lập tức tôi tìm thấy cơn khát của mình. Tôi khát vì nhìn thy giếng? Có lẽ! Cái giếng đó vì tôi khát? Có thể! Tôi đi đến để sờ vào những tảng đá xếp thành miệng giếng. Ấm mát thân thương! Tôi nhìn thấy đầu tôi nằm giữa khung trời tròn vành vạnh. Quanh tóc là những đám mây trắng bồng bềnh. Trời tuyệt xanh! Tôi đang nhìn từ đáy giếng lên. Tôi lại từ miệng giếng nhìn xuống, tôi vẫn thấy cảnh tượng đó. Hai thế giới tồn tại song song một cách thật đáng yêu. Mặt nước là tường vách mỏng manh để… làm gì tôi chẳng hay nữa. Tôi chợt hỏi đâu mới là tôi tht khi cái nhìn cứ nhảy nhót mọi chiều. Tôi không bận lòng lắm. Tôi chả bao giờ nặng lòng quá nhiều về tôi và về… tôi. Tôi đứng đó tựa người vào thành giếng ngắm nghía từ mọi chiều. Đến lúc đầu gối mỏi, tôi quỳ xuống, hai cẳng tay đặt lên bờ đá và đầu nghiêng về bên phải. Tôi thôi không nhìn mặt nước nữa, chỉ tập trung cảm nhận hơi ấm từ đá và thiếp ngủ.

Một lúc khá lâu sau tôi tỉnh dậy, thấy mình không còn tựa trên miệng giếng nữa mà nằm cuộn tròn cạnh giếng. Trời đất vẫn thế. Không gian và thời gian dường như đang trôi chảy độc lập. Rất lâu mà mặt trời không nhúc nhích; nó tn ti ở đó mà không bị quản thúc bởi thời gian, nó cũng chẳng tạo ra thời gian. Tôi thích thú chuyện đó thật: đứng giữa vết nứt không-thời gian, tôi có thể kéo dài buổi sáng màu xanh bao lâu tùy thích. Tôi ngủ tiếp trong nền nhạc du dương của chim cu gáy. Lần thức dậy thứ hai là nửa đêm, tôi ngắm sao trên trời dày đặc lấp lánh.

Lần thức dậy thứ ba, tôi gặp lại con người…

GẶP NGƯỜI

Tôi đoán có khoảng bốn người. Nhưng cũng có thể là ba hoặc năm. Tôi đang nằm mà họ thì che mất mặt trời nên tôi chỉ thấy thấp thoáng. Chói quá đi mất! Họ xuất hiện quá đột ngột trong khoảnh khắc làm tôi bối rối. Thường ngay khi ngủ dậy tôi dành ít nhất nửa giờ để nhớ về những giấc mơ của mình. Bao giờ đó cũng là những khoảng bâng khuâng khi chứng kiến kí ức của mình nhạt dần. Tôi như vừa trồi lên từ một đáy hồ sâu, nắng làm nước rút khỏi người tôi mà không có cách gì giữ lại được. Ừ đúng, tôi vừa trồi lên từ một đáy hồ sâu và rất lạnh, rất mơ và rất… hồ.

Tôi mới mơ lại một giấc mơ về nước. Tràn ngập nước. Nhãn quan ở phía trước và nhìn thẳng vào tôi. Tôi nhớ mắt mình đã mù vì nước lạnh hoặc một mũi băng đã chọc thủng. Nhưng may thay cái nhìn vẫn tồn tại và cho tôi thấy mình đã ở trong nước thế nào. Tôi trần truồng, khua tay chân một cách chậm rãi. Mắt nhắm nghiền nhưng hai dòng máu đỏ từ đuôi mắt vẫn ứa ra rồi tan nhanh trong nước lạnh. Tôi thấy màu xanh thẳm, lốm đốm những tia sáng được lọc qua băng và nước quấn lấy thân thể mình. Tôi đã chẳng nghĩ gì phút đó. Tôi chỉ chìm dần xuống. Khua khỏa chân tay chỉ là phản xạ tự nhiên của cơ thể sống thôi chứ tôi hoàn toàn không biết bơi, mà cũng chẳng muốn bơi. Tôi chẳng muốn gì phút đó cả. Cơn đau trên mặt hồ đã làm thỏa mãn tôi tất cả. Kiểu như não bộ mới đi qua một cái cối xay và loại bỏ hết khả năng suy nghĩ. Đó là một cảm giác thanh thản tuyệt vời. Tôi không suy nghĩ nữa chỉ chìm rơi chậm rãi. Tôi cũng thôi không khua khoắng chân tay nữa. Có vài hòn đá dưới đáy hồ nơi tôi gửi gắm cái xác mình cạnh đó.

Kí ức nhạt dần trong nắng. Như mọi lần, tôi không nhớ hết được mình đã mơ những gì. Nhóm người vẫn đứng đó. Im lặng như thể họ biết và chờ tôi làm xong nghi lễ linh thiêng buổi sáng của mình: mơ lại một giấc mơ. Bây giờ tôi chính thức nhìn họ. Vẫn chưa đếm nổi rõ rệt là ba hay năm hay bốn người những chắc chắn có một người phụ nữ trong nhóm. Mấy người còn lại cũng có tóc dài nhưng riêng người phụ nữ thì chùm một tấm khăn trên tóc. Họ nhìn tôi không tỏ vẻ tò mò gì cả. Và thật ngạc nhiên là tôi cũng không ngạc nhiên gì khi nhìn thấy họ. À tôi có nói là một chút bối rối khi họ xuất hiện là vì khắc đó tôi chưa ôn xong giấc mơ của mình. Bây giờ đã bước ra khỏi hồ nước, tôi lại không thấy ngạc nhiên về sự xuất hiện của họ. Họ không đến để chào hỏi, tôi biết chắc vậy. Không ai có vẻ muốn đến phía trước để nâng tôi dậy hay ngồi xuống cạnh tôi. Họ cứ đứng đó thôi. Tôi vẫn nằm đó thôi. Cái nhìn bay lượn đến sát mặt họ để nhìn kĩ.

Ôi phải rồi, họ sẽ không nói chuyện vì họ không có ngôn ngữ hoặc có họ cũng không dùng nữa hay sao ấy. Tại có vẻ như họ hiểu tất cả nhưng không ai nói gì hay làm gì. Họ chỉ ở đó cạnh cái giếng mà tôi đang nằm. Ôi lại đúng nữa rồi, tôi không muốn nói chuyện, không muốn chào hỏi hay bị ai làm phiền cả. Và họ cũng vậy! Tôi thấy thoải mái với sự im lặng này của lời nói và hành động. Trong một khắc tôi muốn họ cứ đứng đó mãi thôi, đừng bỏ đi mà cũng đừng lại gần. Tôi thích tất cả im lặng. Tôi thích ngủ nữa. Còn họ thích đứng thì cứ mặc họ. Tôi lại ngủ tiếp đây.

Tôi lại gặp lại họ trong mơ. Bóng bốn người đó (tạm cho là bốn đi) in trên nền trời đầy sao. Nền trời màu đen thẫm pha chút sắc xanh điểm vô vàn chấm kim cương là các vì sao. Họ lặng lẽ đứng đó. Khuôn mặt trầm ngâm nhưng vẫn sinh động, giữa đêm và ngày chẳng có gì biến sắc. Nhìn vào tôi và nhìn xuyên qua tôi là cách nhìn của họ. A, họ cũng có “cái nhìn nhảy nhót”! Tôi chẳng muốn nhìn họ khi mở mắt thì họ sẽ giao tiếp với tôi khi nhắm mắt. Nắng làm tôi chói thì họ sẽ gặp tôi dưới những ánh sao. Đấy sự gặp gỡ là thế đấy. Sự gặp gỡ của những cái nhìn nhảy nhót… chăng?

Nhìn nhau như vậy liên tục không biết bao lâu, tôi đã biết được câu chuyện của họ… cũng gần như câu chuyện của tôi. Câu chuyện xảy ra sau Thế Chiến Thứ Mười, sau cuộc đào tẩu khỏi bức tường thành nơi giam giữ toàn bộ nhân loại. Những kẻ chạy trốn sẽ phải mang trên mình vô số lời nguyền rủa. Một trong số những lời nguyền đó là sẽ bị câm. À ra thế, tôi chẳng thể hiểu nổi tại sao đó lại là sự nguyền rủa; đối với tôi đó là điều ân khải: quên lời, được câm.

Tôi đoán là tôi dần hiểu thêm một điều: Trong đám đông, sự ân khải sẽ trở thành điều đáng nguyền rủa; ngoài đám đông, điều nguyền rủa lại trở nên ân khải. Điều hiểu đó cũng chẳng làm tôi hứng khởi lên bao nhiêu cả. Điều hân hoan của tôi là họ vẫn đứng đó - nhóm bốn người (chắc tôi phải tạm công nhận họ là nhóm bốn người dù tôi đếm mãi vẫn chưa xong) vĩnh hằng bên cái giếng, dưới ánh sao, trong mùa hạ. Câu chuyện buồn của thế giới thực không mấy quan trọng. Ngôn ngữ cũng chả quan trọng, tôi thích câm, thích mọi thứ yên lặng, thích ngủ, thích khóc. Có khi tôi thích khóc trong khi ngủ, có khi tôi thích ngủ trong khi khóc.

Tôi thích khóc trong khi ngủ, tôi thích ngủ trong khi khóc, tôi thích khóc trong khi ngủ, tôi thích ngủ trong khi khóc… Tôi lải nhải với mình thêm khoảng một nghìn lần như thế và lại ngủ thiếp đi dưới chân những người câm.

TRÒ CHUYỆN

Tôi đã từng dùng miệng để làm vài việc: ăn, cười, hôn, nói… Cơ bản là như vậy. Cơ bản là tôi đã từng nói, không phải là từng biết nói mà là từng nói. Vì bây giờ tôi vẫn biết nói, chỉ là không muốn mở miệng thôi. A, để tôi kiểm tra xem môi của mình có biến đổi gì không vì chúng lâu rồi không được mấp máy. Cũng có chút tê cứng nhưng rồi cũng ổn cả, có thể mở ra, tách làm đôi, hai màu hồng đặt cạnh nhau.

Ở một thời gian nào đó, tôi đã từng nói. Cũng không có gì đặc biệt lắm, tôi chỉ từng nói như mọi người xung quanh thôi. Một câu hỏi dẫn đến một câu trả lời, một câu trả lời khơi mào cho một câu hỏi. Cứ thế, mọi người gọi là: nói chuyện. Tôi đang rất mông lung về hai hành động nóinói chuyn. Tôi chỉ nhớ mình từng nói thôi, tôi không nhớ được mình từng nói chuyn. Phải có gì khác lắm giữa hai thứ đó nên tôi mới chỉ nhớ được một. Mọi người cũng hay nhớ được một vì mọi người không xem nó là hai thứ khác biệt. Tôi chỉ nhớ được một nhưng tôi biết chúng là hai. Tôi từng nói nhưng tôi không từng nói chuyện thì phải, bởi vì nếu có tại sao tôi không nhớ?

Tôi nhớ mình từng nói, mọi người cũng nói và đã từng có một thế giới ồn ào được tạo nên. Việc nói tạo nên sự ồn ào và ồn ào tạo nên chiến tranh. Rồi chiến tranh lại nuôi dưỡng thế giới và thế giới rất biết ơn chiến tranh, thậm chí là yêu thích nhau nữa. Những cuộc thế chiến cứ thế tiếp nối vì mọi người không muốn ngừng nói. Những người đọc câu chuyện này mới chỉ biết đến Chiến tranh thế giới thứ hai, còn tôi - một trong những người kể, hiện đang tồn tại sau Thế chiến thứ mười. Thế chiến sẽ tiếp diễn tới hàng ti tỉ cái nữa. Nhưng không sao đâu mà, cũng đáng yêu vì loài người khá lịch sự khép nó sau những bức tường thành.

“Những cuộc thế chiến cứ thế tiếp nối vì mọi người không muốn ngừng nói”. Tôi tự trích dẫn lại mình để phát triển thêm là: Nếu ngừng nói thì hòa bình mất thôi. Và cái giá của hòa bình là câm lặng. Câm lặng là ân khải nơi đây nhưng là điều đáng nguyền rủa ở phía sau những bức tường thành. Hòa bình chắc cũng vậy… nếu phép tính và dấu bằng ở trên phản ánh sự thật.

Nhóm bốn người (khỉ gió, sao mỗi lần nhắc đến số lượng này tôi lại muốn đính chính nhỉ) và tôi, bên miệng giếng, dưới trời sao, trong mùa hạ, chúng tôi không nói. Cũng không bận lòng chuyện thế giới nghĩ đã tước được quyền nói của chúng tôi vì thực ra chúng tôi không thấy đó là quyền nữa. Chúng tôi không nói nữa. Tôi nằm cuộn tròn bên giếng đá ấm áp. Tôi thích ngủ, thích khóc, thích khóc trong khi ngủ, thích ngủ trong lúc khóc. Họ thích đứng đó, khi thì dưới nắng, khi thì dưới sao; người đàn bà luôn trùm khăn trên tóc; những người còn lại để tóc dài. Chúng tôi không nói nữa.

Nhưng… Tôi nghĩ là chúng tôi đang nói chuyện. Thứ không có trong kí ức của tôi chính là sự nói chuyện. Tôi không thể nói chuyện được nếu xung quanh tôi mọi người cứ nói và nói; tôi cũng không thể nói chuyện được khi tôi cứ nói và nói. Tôi không biết nữa, chỉ thấy sự nói thật là quá phiền hà cho việc trò chuyện. Tôi thèm nói chuyện tới mức… muốn chết (theo cách mọi người nói về chuyện tôi đập đầu vào hồ đá, dù chẳng có mi người nào chứng kiến chuyện đó). Hiểu chứ, tôi quá là thèm nói chuyện. Hiểu rồi, tôi đã đi tìm sự nói chuyện. Tôi đã tìm thấy cảm giác dễ chịu khi thoát khỏi thành phố của những người nói. Và tới đây, chúng tôi không nói, chúng tôi chỉ nói chuyện.

Dưới bầu trời sao, bên cái giếng, trong mùa hạ, chúng tôi cùng nhau nói chuyện. Chúng tôi nói chuyện liên miên bất tuyệt. Những vì sao để yên cho chuyện đó diễn ra. Mùa hạ cũng không làm phiền gì. Chúng tôi cứ miên man trò chuyện. Chúng tôi đều thèm nói chuyện tới mức mỗi người đều đã chết theo một cách riêng và rồi đều nhận ra vài điều cùng nhau…

Cái chết, điều bị nguyền rủa và lảng tránh phía bên kia tường thành chính là ân khải cho chúng tôi - những kẻ đào tẩu. Chúng tôi đã thèm nói chuyện tới mức muốn chết. Và chúng tôi đã đi qua hành trình của cái chết, một hành trình nhẹ nhàng nhất để tìm thấy nhau và trò chuyện.

Thế giới mà tôi đã rời bỏ thật là kì lạ, đến mặt trời cũng bị cưỡng bức phải quay theo vòng để phục vụ cho sự sáng - tối và bốn mùa ngu ngốc. Mặt trời cũng phải tham gia vào một cuộc nói mệt mỏi, chắc Hn cũng thèm được nói chuyện vô cùng, cũng thèm được lặng im để sống mãi trong mùa hạ. Tại sao không? Tại sao mặt trời không được sống trong mùa hạ mãi mãi? Tôi chẳng biết nữa. Tôi nghĩ là hoàn toàn có thể. Những người đến bên tôi đã lặng lẽ ở đây, không bỏ đi và cũng không tiến tới. Tôi biết ơn họ vô ngần. Tôi cũng mang ơn mặt trời im lặng! Tôi cũng mang ơn mặt trời im lặng! Tôi cũng mang ơn mặt trời im lặng… đã trò chuyện cùng tôi!

BAY LÊN

Có một ngày hè nọ trời đổ mưa. Sau nhiều ngày im lìm, mùa hè lặng lẽ của tôi hôm nay cũng đổ mưa ư? Tại sao không nhỉ? Và tại sao lại có nhỉ? Mưa là một khởi động gì đó khác lạ lắm sao? Có hơi xôn xao cho một mùa hạ vĩnh hằng? Vĩnh hằng thì không thể đổ mưa? Mọi chất vấn là vô nghĩa mất thôi. Tôi chỉ biết là tôi đã từng mun có một cái giếng ngay khi cái giếng tìm thy cơn khát của tôi và mùa hè bất biến của tôi hôm nay đã đổ mưa.

Trời mưa sảng khoái lắm. Tôi rời khỏi bờ giếng hân hoan tìm trở về viền mộ cỏ. Tôi nằm im trong đó, ngửa mặt nhìn lên trời cao. Khi đó là buổi chiều muộn. Hoàng hôn là màu xám mát rượi. Những giọt rơi xuống toàn là màu xám trong veo trong vắt. Tôi nhắm nghiền mắt lại để cái nhìn hòa tan vào mọi nơi. Bỗng có một giọt xuyên qua gò má tôi đâm thẳng xuống đất. Tôi chẳng thấy đau gì cả. Một lát sau cả khuôn mặt của tôi đã lỗ rỗ những vết mưa xuyên. Nó mềm sụn xuống như một cái đầu tượng bằng đất nhũn ra. Ô, lại một lần nữa tôi được thấy hộp sọ mình tan nát. (Hay là lần đầu nhỉ? Lần trước tôi chỉ nh được mình đã mù thôi.) Chỉ khác lần trước tôi đã chạy như điên để cầu xin nước cho tôi được tan nát. Nước lạnh căm, cứng cỏi. Tôi làm vỡ nước. Lần này tôi nằm ngoan. Nước đến, ấm mềm. Nước làm vỡ tôi.

Tôi nát tan ra. Cả cái nhìn cũng rữa nát. Chỉ còn âm thanh bốn bề rào rạt. Những khóm oải hương, những bông cúc dại, những ngọn bồ công anh và trăm nghìn loài cỏ vô danh khác cũng rào rạt quanh mình. Chỉ còn rào rạt. Rào rạt. Tôi mềm nhũn. Tôi tan dần. Tôi nằm ngoan. Tôi thở khẽ. Chỉ còn hương ngai ngái của thảo dược bốn bề. Không còn mùi máu, chỉ có mùi mưa.

Tôi chợt thấy mình nhẹ bẫng đi và được khẽ nâng khỏi mặt đất. Trôi là là qua những miền kí ức của súng đạn và rượt đuổi điên cuồng, buồn vui đều vương mang nước mắt, cái chết, sự ra đời…, tôi không muốn dừng lại ở bất cứ đâu. Tất cả đều chỉ xảy ra ở dưới lưng tôi thôi. Kiếp người là tấm đệm em tôi vừa rời khỏi. Tôi không còn nằm sấp như ở dưới đáy hồ mà giờ đây tôi được nâng ngửa và bay lên. Bay lên cao nữa. Cao nữa. Trên kia là thứ ánh sáng dịu dàng, không phải là nắng mà là nắng được lọc qua mưa. Treo veo và nhẹ nhõm. Tôi mở to hai mắt mà hoàn toàn không bị chói.

Nhóm bốn người, tôi biết tôi đã sai mà. Họ không phải là bốn người vì họ đơn thuần là những phân ảnh lấp lánh từ thứ ánh sáng kia. Họ không có thân thể, không ai có tóc và đội khăn. Tất cả những gì tôi nhớ là nét trầm tư thanh thản, đôi khi có chút giống con người. Nhưng rồi tất cả cũng hóa khói khi những ước muốn của tôi cùng tan mất. Tôi bay lên cao nữa. Cao nữa. Đâu đó phía dưới là trường thành và con người vẫn tiếp tục tổ chức chiến tranh. Bên ngoài tường thành chắc vẫn có những bóng người nhỏ bé chìm lẫn trong đêm. Trăng dẫn họ đến Hồ. Hồ đưa họ lên Cỏ. Cỏ ôm họ trong Mưa. Mưa nâng họ lên Trời. Trên trời họ sẽ chuyện trò cùng Mặt Trời Im Lặng.