Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 20 tháng 12, 2017

Cham: 3 giai đoạn - 3 thông điệp

Inrasara

Từ năm 2005, tôi có loạt bài TIẾNG NÓI NHÀ VĂN đăng Chamyouth.com ở Mỹ do thanh niên Cham: Phú Văn Dũng, Mylan Che... đảm trách, sau đó là Inrasara.com. Đến năm 2015 thì ngưng. Nay xin đăng lại FB các bài có vẻ cần thiết ở thời điểm hiện tại. "CHAM: 3 GIAI ĐOẠN - 3 THÔNG ĐIỆP" là bài áp chót, xin được mở hàng.




[Ariya Glang Anak - “Làng Chăm Ơn Bác” - Tagalau]
"Hãy yêu, hãy yêu như ta chưa từng
những đứa con đi hoang bỏ xa làng mạc
mang bụi đất quê hương về miền xứ khác
và hãy yêu hơn con người chân chất
sống một đời ôm mang đất – phù du" (Inrasara, trường ca Quê Hương, 1984)

Chắc chắn đây là phân tích chính trị-xã hội đầu tiên của tôi, một phân tích vài điểm trọng yếu trong văn hóa lịch sử Cham. Thế nên rất mong bà con, anh chị em và các bạn đọc kĩ trước khi phản hồi, nếu có. Và nhất là, cần nhìn toàn cảnh xã hội Cham 2 thế kỉ qua, để quán xuyến vấn đề.
Riêng độc giả ngoài Cham, nên “đứng vào lòng xã hội Cham”, và coi mình như là một sinh linh Cham đúng nghĩa, để nhận định.

[1]. Thông điệp Glang Anak: BẢO TOÀN, 1834-1985
Cuối thế kỉ XVIII đầu XIX, Cham rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng, khủng hoảng cuối cùng của lịch sử dân tộc. Sang thời Minh Mạng, phần Cham theo chính quyền đương cai trị, phần theo khởi nghĩa Lê Văn Khôi [và...]: 2 lực lương cùng máu mủ ở 2 cực đối chọi nhau; rồi khi họ Lê bị đánh bại, Minh Mạng ra tay càn quét.
Nhớ, đó là năm 1833. Năm 1963, ông ngoại tôi – thầy cao đạo và là nhà thơ – rồi anh Tin anh họ tôi, kể: mỗi ngày lính MM phải lấy cho được 3 đầu lâu Cham làm ông táo nấu cơm. Chú ý con số: 130 NĂM. Kí ức kinh hoàng vẫn còn ám dai dẳng vô thức Cham thế đấy.

Ngay giai đoạn đó, 3 thông điệp được đưa ra:
- Tôn Pho: VÌ DANH DỰ, phải chiến đấu tới cùng:
“Mưyah jal nưgar halei, min drei nhu kađa
Dù mình cùng đường, nhưng họ nể trọng mình"
- Glang Anak: ưu tiên BẢO TOÀN MẠNG SỐNG con dân, giải sân hận, nhẫn nhục để vượt qua khủng hoảng.
- Poh Catôi: BẢO TỒN VĂN HÓA dân tộc [bhāp ilimô]:
“Tha boh cơk tajuh gilōng/ Thibar ka thrōng bhāp ilimô
Một ngọn núi bảy ngả đường/ Biết đường nào văn hóa dân tộc được thông”
[Một nghệ sĩ sáng tạo không chủ ý đưa ra thông điệp khi viết, có – là do người đọc tiếp nhận và diễn ngôn nó. Chi tiết này tôi đã bàn trong Văn học Cham khái luận in 1994, nay chỉ nhắc lại sơ lược].

Thông điệp đưa ra, nhưng khổ nỗi, quần chúng Cham KHÔNG ĐƯỢC QUYỀN CHỌN LỰA. Chủ trương bạo lực luôn thắng thế.
Tôi nói “không được quyền chọn lựa”, bởi đại bộ phận chiến binh đi theo Ja Thak Wa làm cuộc khởi nghĩa cuối cùng xuất phát từ sức ép 3 ngoại lực: Áp chế từ phía chính quyền, bắt buộc từ phía thủ lĩnh, và cả tin [Thak Wa hiểu, và lợi dụng sự cả tin vào Yang này của Cham]. Hậu quả Cham lãnh đủ.

Qua càn quét, Cham bỏ palei trốn lên vùng núi. Mãi khi Thiệu Trị lên ngôi, ra chiếu kêu gọi, những kẻ sống sót mới lục tục kéo nhau về. Điểm danh cả vùng Pangdurangga, Cham chỉ còn: 9.200 người! [Thống kê năm 1908: 15.000 người]. Một vương quốc hùng manh, nay chỉ còn chừng ấy mạng!
Thế nên, 130 năm sau, kí ức kinh hoàng vẫn còn ám Cham, không phải không nguyên do. Lưu Trọng Lư thay mặt Cham, viết (Tiếng Thu, 1939):
Hiềm một nỗi kẻ Chàm, người Việt
Khó cảm thông.
Mà mối hận nghìn thu ôm ấp lòng.
Hiu hiu thổi, không buồn nói
“Ôm ấp lòng” suốt hơn thế kỉ, mãi đến giữa thập niên 60 của thế kỉ XX, Cham mới rón rén hội nhập: vài cây bút viết bằng tiếng Việt rải rác xuất hiện. Tuy nhiên chưa tới đâu thì, 1975 “giải phóng” – Cham rơi trở lại với “hiu hiu thổi/ không buồn nói”.

[2]. Amư Nhân: THÔNG ĐIỆP HẪNG, 1985-2000
Tháng 3-75, hơn 300 [thanh niên] Cham, phần “sợ Cộng Sản” phần ôm mộng đi làm nước [nao ngap ia], nhắm mắt ào lên núi. Để ngay sau đó bị giập nát. Trong đó có anh ruột tôi, anh em họ tôi, và hầu hết bạn học và bạn chơi của tôi. Bản thân tôi không Đi Cá Rô [Nao ngak Ikān Krwak], cũng bị 3 ngày đêm nằm biệt giam xơi cơm tù.
Tại sao Cham chưa thể hội nhập với thời cuộc và cộng đồng xung quanh?
Miễn kể khổ, chỉ xin nêu 3 điển hình liên quan đến cá nhân tôi, để ta thấy cận cảnh thảm trạng, từ đó nhìn nhận rõ nguyên do của vấn đề.
Anh họ ngoại tôi bị bắn chết trên núi, xác kéo về đặt tại ngã 3 Phú Quý để nhân dân ngó đã mắt, mới cho mang đi. Anh họ nội tôi bị bắn chết, thi thể khiêng về đặt ngoài làng, cấm mẹ không được khóc con. Em họ và là bạn học tôi, khờ khạo lên núi muộn, khờ khạo khai bậy bị đánh bầm giập rồi nhốt 3 tháng, sau này chết trẻ [do ảnh hưởng từ vụ đó].
Thì bảo Cham hồ hởi HỘI NHẬP, là điều không tưởng.
[+ Bước chân bạo động của lịch sử không chừa ai. Hãy nhìn người Việt ở bên thua cuộc: Phần bị lùa đi Kinh tế mới chết sốt rét, phần chết trong Trại cải tạo, phần bỏ mạng ngoài biển khơi… thì ta thấy Cham vẫn còn may chán!].

Thế nên không lạ, khi suốt 10 năm sau đất nước thống nhất, không thấy bóng dáng một Cham nào ló mặt trên văn đàn VN. Cham trở lại “sống trong đêm mờ” (Chế Lan Viên).
Đùng cái, Amư Nhân xuất hiện rạng rỡ giữa ánh sáng. Theo tôi, dù muốn hay không - đây là sự kiện có tính bản lề trong đời sống xã hội Cham hiện đại.
“Làng Chăm ơn Bác” – chắc chắn tác giả của nó hoàn toàn không ý thức – tự nó [vô tình] gửi đi một thông điệp, đó là: Chúng tôi không phản kháng nữa, mà CHẤP NHẬN. Chấp nhận làm con dân Việt Nam, chấp nhận cả chế độ này.
Rồi khi ca khúc được hát khắp làng trên xóm dưới, nó như thể làm NHÒE đường ranh chia cắt Việt Cham, làm HẠ áp suất khí quyển căng thẳng đang bao trùm xã hội Cham khi ấy. Điều, chỉ có âm nhạc làm được. Vậy thôi, mà phải qua đi non 10 năm.
Lần nữa, xin chú ý con số: 10 NĂM này.
Dĩ nhiên không phải mọi mọi Cham đều đón nhận “thông điệp” đó. HẪNG là bởi nỗi ấy. Một số chống quyết liệt nhưng “không buồn nói”, một số xem pha: chỉ là thứ giải trí, không chấp. Dẫu sao qua đó, có tín hiệu tốt từ chính quyền: Về mặt xã hội, Cham được chính sách ưu ái hơn, và được quyền bảo tồn văn hóa dân tộc. Còn nếu có trục trặc đâu đó là do mình chưa khả năng làm, hay làm sai, hoặc “họ” làm sai mà ta im lặng.
[+ Thử liếc mắt qua Thái Lan, cùng thời điểm đó, Việt kiều Thái bị phân biệt đối xử: không cho nói tiếng Việt, truyền bá văn hóa dân tộc thì càng không…]

Nhìn suốt hành trình lịch sử Cham, sự xuất hiện của nhân vật Amư Nhân và “Làng Chăm ơn Bác” vào thời điểm 1985, là CẦN THIẾT, bởi không thể tránh. Để hội nhập với Việt Nam và chế độ, anh đã “quỵ lụy”, điều hiếm Cham hiểu biết nào ở thời buổi hôm nay chấp nhận. Tôi nói “cần thiết”, vì qua đó, Đảng có vẻ “tin” Cham hơn.
Thế nên, không lạ khi một bộ phận không nhỏ Cham không phán xét Amư Nhân. Còn việc đến hôm nay anh vẫn để cho chế độ tận dụng mình, là chuyện khác rồi: Nó thuộc bản lĩnh một nghệ sĩ sáng tạo.

[Chú ý thêm về 3 điểm nóng trong thời đoạn này:
- Dù Fulro tan rã ở năm 1978, dư hưởng nó vẫn còn;
- Năm 1982 Ngôn Vĩnh cho ra mắt Fulro, Tập Đoàn Tội Phạm như đổ thêm dầu vào lửa;
- Đầu năm 1985: “Làng Chăm ơn Bác” ra đời; cuối năm 1985: Ja Mrang thủ lĩnh Fulro Cham mất trong tù, không một âm vọng].

[3]. Thông điệp Tagalau: HỘI NHẬP, SÁNG TẠO & TÁI KHẲNG ĐỊNH, 2000-2015
Bước qua thế kỉ XXI thì Cham đã khác rồi.
Nếu giai đoạn [1], thông điệp được truyền qua thơ, giai đoạn [2] nhờ âm nhạc, thì giai đoạn [3], nó phải thông qua BÁO CHÍ.
TAGALAU có mặt là để chuyển đi bức thông điệp MỚI & KHÁC. Nó muốn thông tin đến với thế giới, rằng:
CHAM ĐANG CÓ MẶT &
CÓ QUYỀN CHỌN LỰA ĐỂ QUYẾT ĐỊNH SỐ PHẬN CỦA MÌNH.
Tôi đã viết đâu đó, cá nhân Inrasara với những Tháp Nắng, Lễ Tẩy trần tháng Tư, Chân Dung Cát, Văn học Cham… cùng bao nhiêu giải thưởng không là gì cả, mà chính việc cho ra mắt Tagalau ở đầu thế kỉ XXI, với tôi - mới là điều quan trọng nhất.

Việt Nam hội nhập, đã MỞ nhiều. Cham - qua internet, biết mình đang ở đâu trên đất nước này, và thế giới này. Cơ hội mở ra trước mắt, câu hỏi đặt ra là Cham thể hiện khả năng thế nào, để thế giới biết Cham nhiều hơn, thế giới trọng nể Cham hơn - không phải những gì từ quá khứ, mà ở hôm nay và ngày mai.
Từ nay, tất cả do ta và bởi ta…
Văn hóa Cham bị viết sai lệch là bởi ta không đủ KHẢ NĂNG đảm đương.
Cham bị ức hiếp, bị đối xử bất công là vì ta sợ không DÁM LÊN TIẾNG.
Ta chưa sáng tạo được gì ra hồn là do ta thiếu TÀI NĂNG.
Cham li hương đến định cư xứ người, Cham rời quê vào thành phố sống – từng cụm gia đình hay mỗi gia đình đơn lẻ, Cham theo Tin Lành hay tôn giáo mới các loại, Cham làm thơ bằng tiếng Việt, viết văn bằng tiếng Anh hay Pháp… ta vẫn cứ là Cham, nếu ta không chối mình là Cham.

[4]. Ngày mai, thông điệp nào khả dĩ, ta không biết được. HIỂU BIẾT ĐỂ SỐNG SÓT, LÀM VIỆC & SÁNG TẠO chăng?