Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 24 tháng 11, 2017

Mười năm mất nhà ngữ học Cao Xuân Hạo (7): Nhớ về anh Cao Xuân Hạo

Đinh Văn Đức

Anh Cao Xuân Hạo đã ra đi, để lại một khoảng trống không dễ bù đắp trong Ngôn ngữ học Việt Nam. Một cánh chim ưng đã ngừng vỗ trong khoảng trời Nhân văn học nước ta. Với tôi, tôi coi anh là một người anh chân tình và một người thầy về học thuật mà… học mãi vẫn chưa hết kiến thức về lí luận ngôn ngữ và phép tiếp cận Việt ngữ học.

Gần nửa thế kỉ trước, tôi gặp gỡ anh trong một cảnh huống hoàn toàn không vui của anh: Anh đã bị treo giáo án vì có dính dáng vào một nhóm cán bộ và sinh viên bị kỉ luật ở đại học sau vụ “Nhân văn – Giai phẩm”. Thầy Cao Xuân Huy, thân phụ của anh, đến lớp tôi giảng Cổ văn, phong cách rất lạ, ông giống như một đạo sĩ. Mọi người xì xào là thầy có người con trai cực giỏi ở trong khoa nhưng nay chỉ được làm phiên dịch viên. Chúng tôi tò mò muốn biết về người đó. Một hôm ở cư xá đại học tại làng Láng thượng, tôi theo một anh trong lớp đến câu lạc bộ của các thầy xem đánh bóng bàn. Gọi là câu lạc bộ cho oai nhưng còn rất đơn sơ, các thầy chờ nhau đánh bóng bàn khá đông. Tôi để ý một người tầm thước, điển trai, mặc bộ quần áo ka ki khá chỉnh chu, chân đi hơi cà nhắc, cầm vợt khá chắc tay và thiên về lối đánh phòng ngự. Vừa hết séc bóng, anh cầm ngay một cuốn sách ngoại văn với cây bút chì và tờ giấy lui ra một góc lúi húi đọc và ghi chép. Anh bạn ghé vào tai tôi nói nhỏ: “Ông Cao Xuân Hạo đấy, giỏi ngoại ngữ cực, đang dịch Chiến tranh và Hoà bình, chuyên dịch lúc chờ lượt bóng đấy!”. Tôi cảm thấy hâm mộ anh và muốn được “đến gần” nhưng chỉ là một sinh viên giữa chốn của các thầy nên chả biết làm cách nào.

Thế rồi tôi đã có một dịp. Cận hè năm 1962, lớp chúng tôi đi thực tế ở Hà Bắc, trong mấy tuần chúng tôi có nhiệm vụ “ba cùng” với nông dân các làng Quan họ để sưu tầm, ghi chép các ca từ của dân ca Quan họ, nhất là những làn điệu cổ. Chúng tôi rất hăng hái nhưng ú ớ về phương pháp nên ghi trùng lặp với nhau rất nhiều. Một hôm, trời nắng chang chang, chúng tôi bỗng thấy thầy Đinh Gia Khánh và anh Hạo đến chỗ nhóm tôi. Anh đi tay không, đầu không mũ nón, vác vai một cái đàn ghi-ta gỗ đã cũ. Sau khi ăn cơm chiều với chúng tôi, thầy Khánh kiểm tra công việc và dặn dò chúng tôi cách sưu tầm và ghi chép. Anh Hạo mang đàn ra góc sân ngồi đánh, anh căn đi căn lại một làn dân ca rất lạ và khó. Bỗng anh gọi mấy đứa tôi và chỉ vào tôi: “Cậu này hát giùm mình một đoạn nhé, cầm lấy tờ giấy mà nhớ lời”. Tôi hát được một đoạn còn anh thì gõ nhịp dò theo, được một đoạn nữa thì tôi… đứt hơi. Anh bảo: “Cậu hát tồi quá, sao lại biến dân ca thành lối hát phong trào hiện nay thế?”. Tôi ngượng ngập thưa: “Em có biết hát dân ca đâu, cả hát mới cũng chả ra làm sao, thầy bỏ qua cho”. Anh cười và giải thích: “Tôi có xem tập lời ca các cậu chép. Sai tuốt cả rồi! Có hiểu sao không? Các cậu đã nhầm lẫn giữa sưu tầm thơ ca dân gian với ghi lời ca theo làn điệu dân ca. Những gì các cậu ghi được là thơ ca dân gian chứ không phải bài hát Quan họ. Phải ghi lại trung thực những gì các cậu nghe được, cái người ta đã cải biến ca dao, thơ dân gian thành ca từ,… đấy mới là cái cơ bản. Quan họ đã chế biến cực giỏi cái nọ từ cái kia,… làm khoa học phải biết mình muốn cái gì chứ?”. Chúng tôi nhìn nhau trách móc, nhưng đã sáng ra. Thế là có thêm bài học đầu đời về phương pháp làm tư liệu và đi điền dã.

Tháng lại, ngày qua, bộ sách Chiến tranh và Hoà bình đã xuất bản và chúng tôi đã say mê đọc nó ở thư viện (lấy tiền đâu để mua khi đang là sinh viên nghèo). Chúng tôi thấy một văn phong cực kì sang trọng và trong sáng bằng tiếng Việt, dường như người dịch đã gắng chuyển đến mức tối đa ngôn ngữ nguyên gốc. Đầu năm 1964, nhà xuất bản Văn học cho in cuốn tuyển tập truyện ngắn nổi tiếng của Aitmatov “Truyện núi đồi và thảo nguyên” do anh Hạo dịch là chính. Truyện cực hay, đầy chất thi vị và mượt mà ngôn từ. Được ít lâu, cuốn truyện bị phê phán nặng nề và bị chụp mũ là có tư tưởng “xét lại” cũng giống như các bộ phim “Bài ca người lính”, “Số phận con người”, “Bầu trời trong sáng”,… đương thời. Anh Hạo sau đó đã thở dài nhẹ nhõm bảo với chúng tôi: “May cho mình đã thoát được bản án thứ hai vì tội dịch, đơn giản, sách thấy hay thì nhận dịch thôi”.

Tôi tốt nghiệp đại học, được giữ lại trường cùng bộ môn Ngôn ngữ học và gần anh suốt hai mươi năm, lúc đầu bộ môn do thầy Nguyễn Tài Cẩn làm chủ nhiệm. Thầy là người nhìn rất xa và khách quan, nể trọng tài năng nên đã có lần nói với chúng tôi: “Tôi nói điều này hơi bất tiện, nhưng các ông nên tham khảo: Nếu học làm tư liệu để nghiên cứu thì nên học tôi, còn muốn học lí luận ngôn ngữ thì nên tìm đến anh Hạo. Anh ấy giỏi lắm, chịu học và uyên bác. Anh Hạo tuy nay không được lên lớp, không dạy trò nhưng có thể dạy thầy, nên tìm đến anh mà học,… còn Hán học theo kiểu ngôn ngữ học thì có lẽ sang nhà mà tìm anh Phan Ngọc”. Theo lời thầy, những năm tháng sơ tán ở rừng, chúng tôi vẫn tới lui chỗ anh Hạo để anh chỉ bảo, khi thì nghe thuyết giảng một vấn đề khi thì chỉ nghe về một bài báo, và có khi chỉ vì có mấy bắp ngô nướng hay vài củ lạc gì đó. Anh vừa nuôi hai cháu vừa làm việc miệt mài. Có bao nhiêu kiến thức về lí thuyết cấu trúc luận đương thời thì hầu hết anh cung cấp cho chúng tôi, nhất là khi anh dịch xong cuốn sách đồ sộ: “Những khuynh hướng cơ bản của cấu trúc luận” của Gukhman và một số tài liệu trong Reading Linguistics và bảo tôi đọc, những chỗ khó hiểu anh nhẹ nhàng hướng dẫn cho chúng tôi. Nhưng anh không bằng lòng việc chúng tôi bám anh để đọc các tài liệu dịch mà khuyến khích và nhắc nhở chúng tôi cần học ngoại ngữ để tự đọc. Một lần tôi hỏi anh: “Anh Hạo ơi, bọn em muốn biết làm thế nào để học ngoại ngữ cho nhanh khá ạ”. Anh nhìn tôi bằng con mắt ngạc nhiên rồi thủng thẳng trả lời: “Cậu hỏi gì đấy? Học ngoại ngữ là… học ngoại ngữ chứ còn làm sao nữa!”. Tôi thấy ngượng và từ đó phải gắng sức học tiếng Nga cho kì đọc được các tài liệu chuyên môn đơn giản. Cũng về chuyện ngoại ngữ, tôi còn bị anh “sửa gáy” cho vài lần nữa. Đầu thập kỉ bảy mươi, đang chuẩn bị để đi học NCS ở Liên Xô, tôi có một bài cần dịch gấp ra tiếng Nga. Không đủ tự tin, tôi tìm đến anh Hạo ở Kim Liên và có lời nhờ anh. Anh hỏi tôi: “Cậu định trả công mình gì đấy?” Tôi nói: “Em mời anh đi uống cà phê cho vui nhé”. Anh đồng ý ngay. Chúng tôi ra Quán Gió ngoài hồ Bảy mẫu ngồi nhâm nhi cà phê với bánh ngọt. Gần chiều anh bảo tôi: “Tài liệu cậu nhờ đâu, đưa đây”. Tôi vội mở túi đưa anh tập giấy. Liếc qua cái bìa, không mở ra xem, anh cuộn lại ngay và đưa lại cho tôi, nói gọn: “Cầm lấy, về mà dịch lấy. Nếu cậu mà nhờ tôi việc này thì buộc tôi phải xem lại trình độ của cậu, lâu nay tôi vẫn nghĩ khác về cậu!”. Tôi ngượng đỏ mặt, chia tay anh. Tuần sau gặp anh, anh bảo: “Dịch xong chưa, đưa đây mình coi lại cho”. Anh đã xem lại và chữa đỏ loè cả bài, nhưng toàn chữa phần diễn đạt bằng tiếng… Việt trước khi chữa sang phần tiếng Nga. Anh bảo: “Tiếng Việt hay lắm, phải diễn đạt cho nó hay vào rồi hãy dịch gì thì dịch”. Rồi lần nữa,… cách đây mấy năm, tôi vào Sài Gòn và có dịp ăn tối với anh cùng mấy bạn ở một quán trên đường Pasteur. Rượu vào, hứng chí anh nói một tràng dài tiếng Pháp, rồi quay lại hỏi tôi. Tôi cũng nói một câu tiếng Pháp thưa lại anh rồi cầm lấy li rượu định uống. Anh gạt tay tôi và nói “Gượm đã! Ông phát âm lại cho đúng hộ tôi cái tên chai Remy Martin rồi hãy uống. Tôi vừa nghe ông nói nó quê thế nào ấy!”. Tôi lại ngượng và phát âm tới lần thứ... ba, bốn, anh mới ưng và để tôi uống. Anh Hạo là như thế, đã nói chuyện ngôn ngữ thì phải chính xác và sang trọng… trở lên. Trong hai mươi năm làm phiên dịch viên ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Cao Xuân Hạo và Phan Ngọc đã để lại hàng vạn trang dịch lí luận ngôn ngữ bằng tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Nga. Trong số đó có những bản dịch bất hủ mà khó ai địch nổi như: “Giáo trình Ngôn ngữ học đại cương” của Saussure, “Các phương pháp của Ngôn ngữ học cấu trúc luận” của Harris , “Những nguyên lí âm vị học” của Trubeskoj,… Còn trong làng văn chương thì khỏi nói, anh là người phiên dịch giỏi hàng đầu. Tôi có hai người thầy về diễn đạt văn ngôn. Thầy Nguyễn Tài Cẩn thì viết rất đơn giản, chặt chẽ, chính xác và hơi “dân dã”. Anh Cao Xuân Hạo thì viết có phần trau chuốt, cầu kì và sang trọng, thậm chí văn phong khoa học có lúc hơi… kênh kiệu. Anh bảo tôi: “Tôi thấy cậu viết có xu hướng tập theo lối anh Cẩn, tốt thôi, nhưng nhớ nhé, anh Cẩn viết nhìn bề ngoài thì đơn giản vậy thôi nhưng khó bắt chước lắm đấy, rất uyên bác và sang trọng đấy, nhất là rất khó bắt bẻ”. Tôi hiểu và học cả hai người trong cách diễn đạt mà mãi vẫn không xong. Hai bậc giỏi giang, tài hoa lại rất nể trọng nhau. Khi nói với chúng tôi anh Hạo luôn coi mình chỉ là “môn đệ” của thầy Cẩn, còn thầy Cẩn thì lại nói: “Môn đệ à? Về lí luận đại cương thì ông Hạo giỏi hơn tôi nhiều lắm! Nếu học thì phải học ông ấy!”. Quả thật những lúc như thế chúng tôi thấy hơi… xấu hổ vì mình còn dốt mà lại đôi khi tự “huếnh”.

Trong nghiên cứu, cái giỏi của anh Hạo là hay lật ngược vấn đề, không chịu theo lối mòn và khuôn sáo. Anh cứ như bẩm sinh ra để làm ngôn ngữ học vậy. Có nhiều ý tưởng học thuật của anh vị tất đã dễ chia sẻ, nhưng bình tĩnh lại, đặt nó vào hệ thống tư duy của anh thì thấy hiểu được. Trong lập luận, anh không phải là không có chỗ sơ hở, nhưng anh cũng cầu thị trong trao đổi và biết cách biện minh. Mới làm việc dễ có cảm tưởng anh “át” đối tác, nhưng trong câu chuyện và bàn thảo anh rất chú ý nghe để vừa suy ngẫm vừa trả lời hoặc tiếp nhận. Tôi có vài ba cuộc trao đổi thân tình với anh, ít nhất là trong vấn đề: “Nên để nguyên dạng hay phiên âm tên riêng nước ngoài”, “Cương vị chữ Nôm và chữ Quốc ngữ”, và khái niệm “dĩ Âu vi trung” trong Việt ngữ học, thì tôi thấy anh là người dân chủ và sẵn sàng lắng nghe, nhưng cũng rất thích tranh luận. Có lúc trao đổi anh bảo tôi: “Nghe cậu biện luận cũng có lí đấy, nhưng mình vẫn… cãi được!”. Anh phàn nàn với chúng tôi là trong ngôn ngữ học nước nhà lặng lẽ quá, không có tranh luận gì cả mà không có cọ xát thì làm sao tiến lên được. Tuy nhiên anh cũng rất nghiêm khắc, sẵn sàng cho “mất điện” với những người trống rỗng mà lộng ngôn trong giới ngữ học, biết chưa đến nơi đến chốn nhưng thích khoe khoang. Cuốn sách “Viết nhịu” (Lapsus Calami, 2005) mà anh tham gia nhiều là một lời nhắc nhở giúp anh em thận trọng hơn khi viết về ngữ học.

Cái cảm giác kiêu căng và khiêm nhường ở anh dễ làm người ta lẫn lộn. Những ai có máu hiếu thắng thì chắc chắn cho rằng anh kiêu ngạo, còn những ai đọc sách dịch, đọc các bài nghiên cứu và sách của anh thì thấy anh rất khiêm nhường, cầu thị và cực kì thận trọng. Câu cửa miệng của anh là: “Ông xem hộ coi có chỗ nào chưa chính xác, chưa đạt không?”. Cuốn “Tiếng Việt: Sơ thảo ngữ pháp chức năng” (1991) hay là thế mà anh chỉ ghi là “Sơ thảo” và giải thích: ”Mới đầu nghĩ được có thế thì ghi thế là phải rồi!”. Tôi cho rằng cái lớn nhất trong tư duy khoa học của anh là “Triệt để xuất phát từ bản ngữ” để giải quyết mọi vấn đề. Anh học Saussure cái định lí này và vận dụng nhất quán, nhờ đó có những khám phá quan trọng, từ “Âm vị học và tuyến tính” đến “Cương vị của Tiếng” rồi “Cấu trúc cú pháp cơ bản của tiếng Việt là cấu trúc 'Đề-Thuyết'”,...

Từ khi anh vào Sài Gòn (1976), tôi xa anh và anh em thỉnh thoảng mới có dịp gặp nhau, nhưng mỗi khi vào Nam là tôi tìm anh ngay. Tôi mừng cho anh là đã có chỗ làm việc ưng ý và anh đã trở lại bục giảng trên giảng đường. Anh dạy và truyền thụ rất nhiều, như để bù lại thời gian đã mất. Với tôi, anh chưa bao giờ khen tôi cả, và cũng không thân theo nghĩa chí cốt. Nhưng tôi trọng anh và hâm mộ anh, còn anh thì chân tình và quý tôi như một đàn em gần gũi. Tôi vui là khi viết xong cuốn sách nào anh cũng sớm gửi cho tôi với lời đề tặng ân cần như một mong muốn chia sẻ.

Khen anh Hạo giỏi ngoại ngữ thì chả khác gì khen “Phò mã tốt áo”, nhưng như anh nói, năng khiếu thì có đấy nhưng chỉ là một phần thôi, còn chủ yếu là say mê và khổ công tự học. Có lần GS Haudricourt và GS Comdominas đã nghi ngờ anh nói dối là chưa bao giờ đến Pháp khi hai ông khăng khăng rằng anh là người nói tiếng Pháp của vùng Thượng Provence và ở đó đã lâu, còn các bạn Nga thì cũng cho rằng anh đã ở đâu đó bên ấy một thời gian dài và đã có một vài cô bồ nào đó! Năm 1971, tôi có chân trong ban chiếu bóng của Khoa Ngữ văn, lần ấy mượn được hai tập phim: “Anh em nhà Kamazov” của Dostojevski, nhưng đến giờ chiếu lại chưa có bản thuyết minh tiếng Việt. Chị Bích Lộc (thuyết minh viên) rất lúng túng. May quá chúng tôi phát hiện ra anh Hạo cũng ngồi trong đám khán giả nên cảm phiền anh. Anh Hạo bảo mua ngay cho anh mấy điếu thuốc thơm, anh cầm thuốc hút rồi ngồi vào phòng máy, nhìn lên màn ảnh và dịch đuổi theo lời nhân vật nói trong phim. Chúng tôi phục lăn, còn anh thì nhăn mặt nhận xét: “Lời trong phim này kì quá, chả giống gì lời thật của nhân vật trong nguyên bản tiểu thuyết cả”. Chúng tôi thì ngớ ra. Kì thật anh Hạo chỉ xuất ngoại lần đầu khi đã… ngoài 50 tuổi. Tôi nhớ năm ấy, trước đổi mới, anh ra Hà Nội và đi ăn phở với tôi. Anh thì thầm: “Một bà thầy nói với mình là sắp đến mình sẽ xuất ngoại, mình hi vọng là thế”. Rồi ít lâu sau, anh sang Nga, sang Tiệp thật vì một công vụ cho ngành. Anh cũng là người tự trọng cao. Năm anh sang Pháp, có người nghĩ rằng anh sẽ “chạy” vì hợp môi trường và có thân nhân bảo lãnh. Nhưng anh đã trở về nhà rất đúng hạn. Nghe anh kể là vé máy bay của anh đặt bị trục trặc cần phải nán lại Paris ít ngày nữa để chờ. Thế là anh xách va li ra thẳng sân bay, rút túi mua vé bay ngay một chiều bằng tiền mặt, mà vé đi như thế đắt gấp ba lần, miễn là về đúng hạn như đã hứa.

Với anh Cao Xuân Hạo, ai chưa biết cũng nghĩ rằng anh là một trang công tử, xuất thân “tiểu tư sản” học sinh, đàn hay, hát giỏi và lãng tử. Nhưng anh lại là “bộ đội cụ Hồ” trong cả tuổi thanh xuân thời kháng Pháp. Mười chín tuổi, anh vào quân đội, vác cây đàn ghi ta trên vai đi khắp Bình trị Thiên khói lửa, đói rét, cơ hàn. Tôi biết anh xao lòng nhất là những lúc nghe các ca khúc “Về miền Trung”, “Bà mẹ Gio Linh” của Phạm Duy, và nhất là bài “Bình Trị Thiên khói lửa” bi hùng của Nguyễn Văn Thương: “Hướng về nam, ai đã qua Đèo Ngang, đã sang Ba rền, sông Gianh, biếc xanh Luỹ Thầy…”, nơi anh đã để lại tuổi xuân ở đó trước khi trở thành nhà khoa học. Người Mĩ có tập quán thường ca một bài khi tiễn đưa người quá cố, bài mà lúc sinh thời người ấy vẫn thường thích. Tôi ở xa không vào Nam được để tiễn đưa anh Hạo, đám tang không có ai hát, nhưng tôi tin rằng ở cõi xa xăm lúc ra đi, anh vẫn nhẹ nhàng nghe được âm điệu của bà ca: “Bình Trị Thiên khói lửa” mà tuổi thanh xuân anh đã in dấu ấn.

Hà Nội, vào Đông 2007

Nguồn: http://ngonngu.net/index.php?m=print&p=356