Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 22 tháng 11, 2017

Ba bài thơ của Jorge Luis Borges và một lá thư của Susan Sontag gởi đến Borges

Tháng 6, 1996

New York

Dear Borges

Bởi văn chương của Borges vốn đã luôn luôn được đặt dưới dấu hiệu của thiên thu, dường như chưa quá trễ để gởi đến anh một lá thư. (Borges, mười năm!) Nếu có một nhà văn đương thời dường thuộc về chốn bất tử trong văn học thì người đó phải là Borges. Anh quả là phần thiết yếu của thời đại này, văn hóa này, nhưng lại biết rất rõ bằng cách nào siêu việt thời đại của mình, văn hóa của mình, qua những phương thức hồ như mang tính huyền nhiệm. Điều này liên quan tới sự rộng lòng, sự hào phóng của anh khi được yêu cầu một sự chú tâm. Anh là người ít câu nệ, ít nghĩ về phần mình nhất; nhà văn khai mở, không che đậy bậc nhất, mà cũng là người cư xử lịch lãm nghệ thuật nhất. Nó liên quan tới một cá tính thuần phác tự nhiên của tinh thần. Dẫu sống lâu giữa chúng tôi thì sự thực hành tính chăm sóc kỹ lưỡng, tới toàn hảo, của anh, và cách bao giờ cũng giữ một thái độ khách quan của anh, khiến anh đã trở thành một nhà du hành điêu luyện của cõi tâm thức, khi tìm tới những thời đại khác. Borges, anh có một cảm thức về thời gian khác hẳn những ai khác. Sự phân biệt hiện tại, quá khứ và tương lai thông thường hay thấy, đối với anh là nhàm chán. Anh vốn hay nói, mỗi phút giây chứa đựng trong nó cả quá khứ lẫn tương lai; ấy là khi anh trích dẫn (như tôi nhớ) nhà thơ Browning, người đã viết đâu kia như rằng "hiện tại là khoảnh khắc tương lai hòa tan vào quá khứ." Sự mượn lời này, hẳn nhiên, cũng là một phần do tính khiêm cung của anh; cái cách riêng hay tìm kiếm ý của anh trong ý của những người viết khác.

Sự nhún nhường khiêm cung đích thị là một phần của độ vững bền không thể lay đổ trong hiện diện của anh. Borges đã là một người khám phá những niềm hân hoan mới. Khuynh hướng bi quan mạnh mẻ, thâm sâu, và trầm mặc của anh không cần thiết chứa một ta thán, bi phẫn nào. Nó chỉ cần chứa những phát kiến – và anh, quả thực vậy, hơn tất cả ai khác, là một nhà phát kiến. Sự trầm mặc và sự siêu việt bản ngã mà anh đã tìm ra, đối với tôi, đã trở thành mẫu mực. Anh đã chứng tỏ cho thấy không cần thiết để ta phải suy giảm niềm vui sống, cho dù ta thấy rõ và không hề bị huyễn gạt gì cả, về tình trạng quá tệ của mọi thứ. Anh từng nói đâu đấy, rằng một nhà văn – một cách tinh tế anh chỉnh lại ngay, tất cả mọi con người – phải nghĩ rằng bất cứ cái gì xảy ra cho mình thì cũng nên đón nhận như một nguồn lực. (Borges, anh đang nói tới tình trạng suy hoại nhãn lực, mù lòa, của anh khi nói câu này.)

Borges, chính anh, đã là một nguồn lực cho những nhà văn khác. Năm 1982, bốn năm trước khi chúng tôi mất Borges, trong một cuộc phỏng vấn tôi có phát biểu rằng, "Không có nhà văn còn tại thế nào ngay lúc này quan trọng đối với các nhà văn khác bằng Borges. Nhiều người sẽ nói ông ta là nhà văn đương tại thế lớn nhất ... Rất ít nhà văn nào hiện nay không học hỏi từ ông ta hay mô phỏng ông ta." Điều này còn đúng. Chúng tôi còn học hỏi từ Borges. Chúng tôi còn mô phỏng Borges. Anh cho con người những cách tưởng tượng mới, trong khi luôn nhắc lại nợ nần của chúng ta với quá khứ, và trên tất cả, với văn chương. Anh từng nói, chúng ta nợ văn chương hầu như mọi thứ, văn chương khiến cho chúng ta được như hiện đang là, và nợ ấy trải suốt trong hành trình đi từ quá khứ đến nay. Nếu sách biến mất, lịch sử sẽ biến mất, và con người cũng đồng thời sẽ biến mất. Tôi chắc rằng anh nói đúng. Sách vở không phải chỉ là một tổng kết làm nên từ những giấc mộng của con người, và, của ký ức con người ta. Chúng còn cho con người một mô thức về sự siêu việt vượt ngã. Một số người nghĩ rằng đọc sách là một cách trốn thoát, một trốn thoát khỏi thế giới "thực", thế giới mỗi ngày, để đi vào một thế giới tưởng tượng, thế giới của sách. Sách thực ra hơn vậy rất nhiều. Chúng là một cách để ta trở thành con người đầy đủ phẩm tính.

Tôi phải xin lỗi để nói với anh rằng sách hiện đang là một chủng loại bị đe dọa. Qua chữ "sách", tôi cũng muốn nói thêm nữa tới những điều kiện đọc khả dĩ dựng thành nền văn chương như ta đang có, và những diệu dụng của nó lên tâm hồn chúng ta. Chúng ta đang được thông báo, rằng không bao lâu nữa, chúng ta sẽ bấm gọi tùy thích "những màn hình sách" (bookscreens) và "văn bản" sẽ hiện lên, và ta có thể thay đổi diện mạo của văn bản, đặt những câu hỏi tra vấn chúng, "tương tác" với văn bản. Khi sách trở thành "văn bản" cho ta tương tác với, thể tùy theo tiêu chuẩn của tiện ích, thì chữ viết sẽ trở thành thuần túy một khía cạnh khác của thực tại truyền hình được điều động bởi thuật quảng cáo. Đây là tương lai vinh quang đang được tạo dựng và hứa hẹn như "dân chủ " hơn. Tất nhiên, nó mang một nghĩa đã rõ về cái chết của tính nội hướng (inwardness) – và cái chết của sách.
Không còn cần tới những đại họa chiến tranh gì nữa nay mai. Quân man di không phải đốt sách. Mãnh cọp đã phục trong thư viện. Dear Borges, xin vui lòng hiểu rằng tôi chẳng vui sướng gì khi làm chuyện than phiền. Nhưng mà còn ai xứng đáng hơn để những lời than về số phận của sách – của chính sự đọc sách – hơn là anh. (Borges, mười năm rồi đấy!) Tất cả rốt lại tôi muốn nói là: chúng tôi nhớ nhà văn Borges. Ta nhớ anh. Người sẽ tiếp tục tạo nên sự khác biệt. Giai kỳ chúng ta đang bước vào: thế kỷ hai-mươi-mốt này, sẽ thử thách linh hồn bằng những cách mới. Nhưng mà, anh có thể an tâm, một số chúng tôi sẽ không tháo chạy, bỏ rơi tòa Thư viện lớn, tòa Đại Tàng Thư Các kia. Và Borges sẽ còn tiếp tục là người đỡ đầu, là anh hùng của chúng tôi đấy.

SUSAN

(* Susan Sontag, 'A Letter to Borges', từ tập tiểu luận Where the Stress Falls (Nơi Dấu Nhấn Rơi Xuống), NXB Vintage, 2003. Thường Quán chuyển ngữ.)




Ranh giới
 
Có một câu thơ của Verlaine tôi rồi lại quên.
Có một đường phố gần bên chân tôi chẳng được lai vãng.
Có một gương soi thấy tôi lần cuối.
Có một chiếc cửa tôi đã đóng kín cho tới tận thế.
Giữa những cuốn sách trong thư viện của tôi (tôi
  đang nhìn chúng đây)
Có mấy cuốn tôi sẽ không bao giờ lật giở.
Mùa hè này tôi sẽ năm mươi.
Cái chết đang lấy dần tôi, lấy không ngơi nghỉ.

(Từ tập Kẻ tạo tác, 1960)
*


Đồ vật

Chiếc gậy của tôi, tiền xu lẻ trong túi, xâu chìa khóa này,
Ổ khóa tùng phục, những trang ghi chú muộn,
Một vài ngày còn lại sẽ không tìm được thời gian
Để đọc, bộ bài, mặt bàn.
Một cuốn sách và nhàu nát giữa những trang, nhàu nát
Hoa violet, tượng đài tưởng nhớ một buổi chiều
Rõ ràng không thể quên được, nay đã quên,
Mặt gương soi hướng tây nơi một bình minh đỏ
Cháy rực huyễn ảnh của nó. Bao nhiêu thứ
Hồ sơ, chậu hoa ngưỡng cửa, họa đồ sách atlas, những ly rượu,
những mẩu đinh
Phục vụ chiều chuộng chúng ta như những người hầu
không bao giờ nói một lời
Mù lòa và im lìm bí ẩn.
Họ sẽ còn đó sau khi chúng ta đã biến mất
Và sẽ không bao giờ biết rằng chúng ta đã ra đi.

(Từ tập Ngợi ca bóng tối, 1969)

*
Buổi chiều

Những buổi chiều sẽ đến và những buổi chiều đã trôi qua
tất cả là một, ngoài nhận thức.
Những buổi chiều là một lăng kính trong suốt, một mình và chịu đựng,
không vào được thời gian và sự lãng quên của thời gian.
Chúng là những mặt kiếng soi buổi chiều thiên thu ấy
buổi chiều được ôm ấp như một bảo vật trong một thiên đường bí mật.
Trong chốn ấy một thân cá, một sớm mai,
những chiếc cân tiểu ly, thanh kiếm, bình sứ đựng nước.
Mỗi vật là một nguyên mẫu. Như thế Plotinus
dạy cho chúng ta qua những cuốn sách, chín cuốn sách.
Ấy có lẽ rằng đời sống ngắn ngủi của chúng ta
là phản chiếu thoắt biến của thiên mệnh.
Buổi chiều nguyên sơ chạy vòng quanh ngôi nhà.
Của hôm qua, của hôm nay, một buổi chiều luôn có đó.

(Từ tập Los Conjurados, 1985)


Thường Quán chuyển ngữ