Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 16 tháng 10, 2017

Virginia Woolf

Thường Quán

clip_image002

Khi không thể thấy những chữ cuộn khum thân như những vòng khói tròn quanh tôi,
tôi chìm trong tối tăm – tôi không là gì cả.
[When I cannot see words curling like rings of smoke around me,
I am in darkness – I am nothing.]
Virginia Woolf, The Waves

VIRGINIA WOOLF mất trước khi điện ảnh thực sự trưởng thành. Ngày nay có lẽ giới mê điện ảnh cũng không hề nghĩ tới Virginia Woolf khi thưởng thức những Jean-Luc Godard, Robert Bresson, hay những người làm phim Ý, Pháp, Bỉ thuộc thế hệ "hậu Đợt Sóng Mới" những Jean Eustache, Jacques Rozier, hay Philippe Garrel, Chantal Akerman. Dòng ý thức, khoảnh khắc hữu thể, độ nhám của đời, thời gian nội tại, song trùng ý thức,… những món này bây giờ đã nằm gọn trong không khí, tinh thần và ngôn ngữ điện ảnh hiện đại quen thuộc như khi một nhà làm phim nói tới phép segues, tới tan mờ và cắt nhanh và rực hiện /dissolves & jumpcuts. Chuyện Virginia Woolf giờ đây được biết tới qua cuốn phim The Hours của Stephen Daldry lại là một chuyện cũng có tính irony, một nghĩa oái oăm. Giữa The River của Jean Renoir (1951) và The River của Tsai Ming-liang (1997), bao nhiêu chữ nghĩa đã trôi ra biển. Dòng sông Ouse, khúc Rodwell, có một người ngồi áo đỏ thả câu, rồi viên sỏi lòng tay lần vào túi áo, áo choàng và gậy đặt lại trên bờ, cảnh ấy thuần một thôn dã êm đềm, như chẳng có chi gay cấn hiện đại. Dù sao muộn còn hơn không, ít ra là với đại chúng, để cái tên Virgina Woolf lại được nghe, sau những bặt tăm và úy hãi ["Who’s afraid of Virginia Woolf?" – như một tựa kịch]. Nói cho đúng Stephen Daldry đã làm một cuốn phim ít ai chê, cộng cả nhạc nền minimalist tối giản của Philip Glass phù hợp với austere & ascetic khắc kỷ, đạm thanh một cách của Woolf [như người ta tưởng tượng], và như vậy là một homage đáng kể cho nhà văn, bước vào tân thế kỷ. Michael Cunningham đã viết một adaptation khéo léo hiếm thấy, lắp ghép ba khung thời gian, ba không gian, mà những nhân vật kết thêm vào: Clarrisa Vaughan, Richard, Laura Brown, cũng là những mặt và góc cạnh làm nên một kẻ đi mua hoa về mở tiệc. Một bó hoa, một bàn tay trong găng, một hàng rào sắt cast-iron, một bóng phi cơ rù vang âm vọng nền trời nhắc nhở thời chiến vừa đi qua, sắp trở lại, một váng nước xanh. Một ngày một người bước ra, cuộc đời trần thiết, hiện sinh mở tiệc.

Virginia Woolf là con người mở tiệc. Từ tác phẩm đầu tay Du Hành Ra Ngoài (Voyage Out, 1915), cho tới Giữa Những Hồi Kịch (Between The Acts, 1941), cuộc đời của Woolf, văn nghiệp của Woolf là một chuỗi kiếm tìm, tra vấn, thử nghiệm, nhận chân. Là hân hoan cùng sầu muộn một tiệc đời. Đằng sau khuôn mặt khuê các cột trụ của Bloomsbury, lẽ ra người ta phải sớm nhận ra Woolf là một sinh lực giàu có, nồng cháy, hoan lạc. Nhưng những luận bình rơi rớt đó đây trong đồn đãi [về văn chương sách vở, của Katherine Mansfield, của James Joyce,…][1], những mạnh mẽ lập luận không thiếu tính thách thức [Phòng Riêng của Một Người, Ba Quan Guinea], và phong thái cao nhã hãnh điệu ["Am I a snob?"] ít nhiều cho người đọc một chân dung lạnh lùng, xa vắng hơn là lửa nồng bếp tiệc. Ngay cả lối nhìn Woolf như một người nữ quyền tiền bối (protean feminist) cũng là một lối nhìn cần phải được chiếu rọi trở lại. Woolf đa dạng hơn những khuôn mặt thế giới đã hình dung, thậm chí có lúc đã quên. Sự nhìn ra đúng vị thế của mình trong xã hội và trong nghề văn đối với Woolf vốn là điều tất yếu phải làm. Nhìn đúng vị thế của mình – là ai, là gì – đã giúp Woolf bước đi vững chắc rất sớm trong văn nghiệp. Có người suy diễn văn nghiệp của Woolf tự khởi đi là một bức phá, bức khỏi nền nếp cũ, phá vỡ nền móng xã hội nam giới trụ chủ (patriachy), suy diễn ấy cũng là đúng, một mặt. Du hành Ra Ngoài được xuất bản sau cái chết của thân phụ, Sir Leslie Stephen, có thể được diễn dịch như một đoạn tuyệt với quá khứ khép phận trong một gia đình nền nếp gia giáo. Những quan tâm của Virginia ngày trẻ tuy nhiên đã gắn bó với cuộc đi tìm chỗ đứng của những con người khác nhau, trong một xã hội bắt đầu có những biến chuyển lớn, chứ không riêng cho một thanh nữ Virginia Stephen.

Ta hãy đọc lại ngay trang đầu ở A Writer’s Diary (Nhật Ký một Nhà Văn), do Leonard Woolf biên tập, để thấy quan tâm ấy[2]

Thứ hai, Ngày 5 tháng 8, 1918

"Trong khi chờ đợi mua cuốn sổ tay dể ghi xuống những ấn tượng của tôi trước hết về Christina Rossetti[3], kế đến là Byron[4], tôi nghĩ tốt hơn nên ghi chút ấn tượng ấy vào đây. Bởi một chuyện: tôi chẳng còn bao nhiêu tiền, sau khi đã mua một bộn sách của Leconte de Lisle[5]. Christina đứng tách riêng như một thi sĩ bẩm sinh, điều này nàng dường tự biết rất rõ. Thế nhưng nếu tôi phải kiện Trời một vụ thì bà là nhân chứng đầu tiên tôi xin được triệu tới. Ấy là một cái đọc buồn. Trước tiên nàng Christina tự bỏ đói mình trong tình trường. Mà như thế là bỏ đói mình trong cuộc sống; kế tới là bỏ đói mình trong thơ ca, thơ phải làm thiếp cho nhu cầu tôn giáo… Đời Christina có hai anh có thể thành đôi lứa. Người đầu có những tính khí riêng. Anh ta có lương tâm. Nàng chỉ có thể cưới một người đi nhà thờ đạo gì miễn là có sắc độ đổ bóng của Thiên Chúa. Anh ta có thể ở trong sắc độ ấy mỗi lần vài tháng. Sau cùng anh ta theo đạo Công Giáo và biến mất. Tệ hơn thế là trường hợp của Mr Collins – một học giả thực sự có nét – một người ẩn dật khinh khoát – một người hết mực ngưỡng ch iêm Christina, nhưng lại không bao giờ có thể vào vòng gia thất. Trong vụ này Christina chỉ có thể viếng thăm một cách ân cần ông ta ở ẩn am, điều mà Christina làm cho tới cuối đời. Thơ cũng bị thiến (Poetry was castrated too). Christina sẽ hiến thân cho việc chuyển kinh cầu của nhà thờ ra vần, và đem thơ của mình xuống phục vụ cho giáo điều kinh kệ. Hệ quả là, như tôi nghĩ, nàng giam đói mình tới gầy xanh khắc khổ một bóng, không còn đâu tài năng thiên bẩm ban sơ, thứ tài năng chỉ cần có một dấu mộc chứng là đi vào một trang thành tựu thể thái đẹp xinh hơn, chẳng hạn, Bà Browning [5a]. Christina viết dễ dàng một cách trẻ thơ tự nhiên như người ta tưởng hình dung thấy được, như chung chung trường hợp những kẻ có thực tài còn đang ấp úng xuân sắc. Nàng ta có được một thi lực, một sức hát tự nhiên. Nàng ta biết tư duy. Nàng ta có fancy phóng tưởng. Nếu được dung tục đồ hình, ta có thể nghĩ nàng có thể đã rững rỡn lắm kia. Nhưng, như là phần thưởng cho tất cả những hy sinh thiệt thân, nàng chết trong kinh hoàng, không chắc được ân cứu rỗi. Tôi tuy nhiên tự thú tôi đã chỉ lật thơ nàng qua nhanh vội, minh nhiên đi thẳng tới những bài tôi đã đọc đã biết." (Virginia Woolf, A Writer’s Diary).

Khép thân chịu để tài năng và văn chương làm thứ thiếp cho tôn giáo, cho những vai nam cao đạo, trong một trường hợp riêng của Christina Rossetti có là biểu trưng cho hoàn cảnh áp đặt từ xã hội lên người cầm bút phái nữ nói chung chăng ? Hai tiểu luận “A Room of One ‘s Own” (Một Phòng Riêng của Một Người) và “Three Guineas” (Ba Quan Guinea) – ngày hôm nay được biết tới rộng rãi trong và ngoài các khuôn viên đại học – đã đi xa hơn nữa trong lập luận của Woolf về vị thế của phụ nữ, của người cầm bút nữ phái, của người phụ nữ nói chung trong xã hội.

"Một ngưòi nữ phải có tiền và một căn phòng riêng nếu người ấy muốn viết tiểu thuyết…" (A woman must have money and a room of her own if she is to write fiction).

"Hoàn toàn bất khả để một phụ nữ, bất cứ một phụ nữ nào, có thể viết những vở kịch của Shakespeare, trong thời đại của Shakespeare." (It would have been impossible, completely and entirely, for any woman to have written the plays of Shakespeare in the age of Shakespeare).

Hai câu trên đã được nhắc nhở rất nhiều trong sách vở nữ quyền. Và Woolf là quan trọng như một mở đầu tiên phong trước Simone de Beauvoir, Germaine Greer là chuyện không còn để tranh cãi. Nhưng sự quan tâm vào mỗi Phòng-Riêng thôi sẽ có một nỗi nguy. Nói ví von thì A Room of One ‘s Own đã thành một cái mác gắn bó với nhà văn Virginia Woolf, như bản tuyên ngôn Cộng Sản gắn bó với triết gia kinh tế Karl Marx. Để biết tới Marx, mà chỉ học khôn một Tuyên Ngôn thay vì hiểu cho hết Marx-Trẻ và Marx-Già – Tư-Bản-Luận, thì nguy hiểm. Tương tự một cách, với Woolf, người ta cũng nên đọc những tiểu thuyết như Orlando hay The Waves để hiểu Virginia Woolf là ai, chứ không nên trích lược một hai câu Phòng Riêng mà tất nhiên là cũng cô đúc. Ở hai tiểu luận quan trọng này Virginia Woolf đã đành nói tới điều kiện cần thiết cho nghiệp văn của một nhà văn phái nữ. Nhưng không chỉ có thế. Điều mà Virginia Woolf muốn nêu lên rộng hơn nữa là tương quan của giới tính, sự được phép và không đưọc phép tới từ một xã hội trọng nam khinh nữ, những điều kiện xã hội đã làm nên những cách ứng xử riêng của từng mỗi thành viên trong xã hội. Ngay cả cách nhìn thế giới riêng của cá nhân cũng được ấn định bởi tổ chức xã hội. “A Room of One’s Own” là một lập luận, là một đòi hỏi, nhưng trước hết — như Virginia Woolf viết ở những trang mở đầu luận văn này – nó mô tả tâm thức con người, từng mỗi phái tính, tiếp cận, nhận thức và ứng xử với thế giới ra sao. Woolf nhấn mạnh một tâm thức lớn lao cần phải vượt ra khỏi giới hạn giới tính .

"Tôi tiếp tục, một cách tài tử, phác thảo một kế hoạch cho linh hồn ở đó trong mỗi chúng ta có hai sức mạnh ngự trị, một nam, một nữ; trong khối óc của người đàn ông, kẻ nam chế ngự người nữ, và trong khối óc của người đàn bà, người nữ chế ngự kẻ nam. Trạng thái hữu thể [state of being] bình thường và dễ chịu là trạng thái hai kẻ ấy sống hòa điệu, và ở mặt tâm linh, cùng nhau cộng tác… Coleridge có lẽ muốn nói tới điều này khi cho rằng một tâm thức lớn lao thì trong tâm thức ấy phi giới-tính [androgynous]. (A Room of One ‘s Own)

Thực ra đối với Woolf, như những tiểu thuyết cho thấy, thế giới tối hậu đi qua tiến trình nhận thức và tái nhận thức có tính mỹ học. Ý thức tùy thuộc vào chỗ đứng và góc cạnh tiếp cận riêng của cá nhân: có lẽ nó tuỳ thuộc vào phái tính, vào nền tảng giáo dục, vào giai cấp xuất sinh, của cá nhân ấy; nhưng trên tất cả , có ý nghĩa nhất, là ý thức được gạn lọc và chiếu rọi qua văn chương, mỹ thuật.

Người ta có thể lập luận, khởi đi quan tâm của Woolf là đánh đổ những patriach thời Edward và thời George của một nước Anh đang duỗi vòi đi khắp thế giới như một đế quốc, đúng nghĩa của nó. Nhưng sâu xa hơn, khi đi vào những tiểu luận và những tiểu thuyết của Woolf, Woolf cốt lõi đặt câu hỏi vào bản chất của cuộc sống, nó là gì, sau những lớp vỏ phái tính và giai tầng ? Nó là gì khi đặt ngang tầm với cảm thức, tư duy, cảm nghiệm của một con người? Trong cuộc truy tìm ý nghĩa đời sống ấy thì sự chặn bắt lại một khoảnh khắc thời gian, đi tìm thời gian bên trong, hai điều ấy cũng thuộc về phương-pháp tra vấn.

Virginia Woolf có thể nói đã chào đời trong một hoàn cảnh cho phép bà có một vị thế đặc biệt để khảo sát xã hội. Virginia sinh năm 1882 tại London, người con thứ ba trong một gia đình vọng tộc trí thức, vào một thời kỳ mà cấu trúc giai cấp xã hội và sứ mệnh đế quốc (class structure and imperial destiny) là một thực thể của nước Anh. Thân phụ, Sir Leslie Stephen, một nhà giáo và cũng là một người tự nhận là triết gia thất bại, sau chuyên viết sách lịch sử thân thế (tất nhiên là lịch sử thân thế của những statesman, ưu thời mẫn thế). Tộc họ Stephen này của London có liên quan tới các thế gia vọng tộc như Thackeray, Darwin và Strachey. Virginia Woolf cùng với ba anh chị em được dạy học tại gia, bởi chính bố mẹ của mình. Thư viện của gia đình là một đại học của Woolf. Và đó là chưa kể những tiếp xúc với John Ruskin, Thomas Hardy, George Meredith và Robert Louis Stevenson vốn là bạn thiết của gia đình hay có những tới lui giao hảo thân mật. Thơ ấu và thanh xuân của Virginia bị ám ảnh bởi cái chết của mẹ vào năm Virginia 13 tuổi, sau đó là một chuỗi những năm dài phiền muộn của một thân phụ cao niên và nghiêm khắc. [Gần đây người viết tiểu sử của Woolf là Hermione Lee cho biết cả ám ảnh khác của Woolf về những lạm hành tính dục của anh cùng cha khác mẹ sau khi Sir Stephen đi một bước nữa, có một đời vợ khác]. Cái chết của Sir Stephen là một khúc quanh quan trọng. Như một giải phóng vào đời, Virginia Woolf bắt đầu viết điểm sách, trước hết cho tờ The Guardian và sau đó không lâu là Phụ Trang Văn Học của The Times (The Times Literary Supplement – TLS). Woolf viết tiểu luận, điểm sách và biên tập cho TLS suốt giai đoạn từ 1905 cho đến về sau, song song với những tiểu thuyết của mình. Trong những năm Âu Châu sửa soạn bước vào Thế Chiến Thứ Nhất Virginia Woolf sống ở phố Gordon Square, Bloomsbury, và sau đó không lâu có mặt như một thành viên quan trọng của nhóm văn học được biết tới như là Nhóm Bloomsbury (the Bloomsbury Circle), gồm trong đó những bạn văn như Lytton Strachey, Roger Fry, Clive Bell, nhà lý thuyết kinh tế John Maynard Keynes, và Leonard Woolf. Leonard, người sau đó lập gia đình với Virginia và cùng Virginia Woolf thành lập nhà xuất bản Hogarth Press, là một nhà văn, biên tập và nhà xuất bản có tiếng, những ý tưởng cải cách xã hội của ông có ảnh hưởng trong phong trào Lao-động Anh. Không riêng ông, nói chung chủ hướng khai phóng trong phạm trù tư duy xã hội chính trị, và cách tân hiện đại trong văn chương và nghệ thuật, của Bloomsbury lúc bấy giờ đã có một ảnh hưởng lớn lao. Hogarth Press [1917 -1938] đã xuất bản những bài thơ đầu tiên của T. S. Eliot. Chính tự tay Virginia đã lên chữ bản vỗ trên chiếc bàn ăn gia đình. Leonard và Virginia cũng đã xuất bản Katherine Mansfield, Lytton Strachey, Sigmund Freud, và nếu như Ulysses không bị cấm theo luật pháp Anh vì những four-letter words (tức những từ cần để ba chấm) thì Hogarth Press cũng sẽ là nhà xuất bản của tác phẩm này.

Sau The Voyage Out ( Du Hành Ra Ngoài) vào năm 1915 và Night and Day ( Đêm và Ngày) – 1919, Virginia Woolf viết Jacob’s Room (Căn Phòng của Jacob). Tác phẩm về cuộc dằng co của một thanh niên tìm cách bức phá trong xã hội Edwardian này được xuất bản vào năm 1922, cũng là năm T. S. Eliot xuất bản The Waste Land (Đất Hoang), và James Joyce cho ra mắt Ulysses. Malcolm Bradburry đánh giá cao Căn Phòng của Jacob, xem đó là tác phẩm thử nghiệm quan trọng đã cùng Ulysses và Đất Hoang làm nên một tam vị tác phẩm của năm đánh dấu như khúc quanh quan trọng nhất của phong trào văn học hiện đại. Khi ra mắt Căn Phòng của Jacob, Woolf nhìn nhận một trưởng thành của chính mình, "Tôi khám phá ra [ở tuổi 40] bằng cách nào để khởi sự nói được điều gì bằng một giọng riêng của mình." ‘In my own voice ‘- giọng riêng, cách riêng và hướng riêng, đường riêng. Malcolm Bradbury cho biết Woolf thảo luận với T. S. Eliot về Ulysses, trong khi T. S. Eliot khen ngợi Ulysses không tiếc lời, cho rằng Ulysses đã phá huỷ toàn bộ tiểu thuyết thế kỷ thứ 19, thì Virginia Woolf bày tỏ nghi ngờ của mình về tác phẩm. Woolf công nhận phẩm cách đáng kể và tác động của Ulysses nhưng gọi đó là một cú bắn sớm, ‘a misfire’, là chưa đích một nòi, ‘underbred’. Thì miệng lưỡi vốn là một vũ khí của những nhà văn trong vòng Bloomsbury, nhưng đọc lại Nhật Ký của Woolf, chúng ta sẽ rõ hơn:

“Thứ tư, 16 tháng Tám (1922)

Ta nên đọc Ulysses, để thiết lập cơ sở luận bàn. Ta đã đọc được 200 trang – chưa tới một phần ba; và đã được vui vui, khích động, thấy nó lý thú, thu hút ở hai, ba chương đầu – cho tới cuối xen nghĩa trang; và sau đó băn khoăn, chán, bực và thất vọng như chứng kiến một sinh viên khó khăn gãi mãi vào mụn mặt. Thế mà Tom[6], Tom vĩ đại, nghĩ nó ngang hàng với Chiến Tranh và Hoà Bình! Với ta nó dường như là một cuốn sách chưa đủ lượng văn chương (illiterate), chưa đích ngựa nòi (underbred), một cuốn sách của một người tự học, và tất cả chúng ta hẳn biết họ đáng muộn phiền như thế nào, ngã mạn làm sao, khẳng định, xơ sống, đánh mạnh, và tuyệt đối buồn nôn. Khi mà ta có thể có thịt nấu chín, tại sao phải ăn thịt sống? Nhưng ta nghĩ nếu mà bạn mắc chứng thiếu hồng huyết cầu, như Tom, thì có vinh quang trong máu. Là một người có thể nói là bình thường ta sẵn sàng để trở lại với cổ điển một lần nữa. Ta có thể duyệt lại quan điểm sau này. Ta không đánh mất tính tinh thông trong phê bình. Ta dự tính cắm một que xuống đất để đánh dấu trang 200…”

“Thứ ba, 26 tháng Chín (1922)

Morgan tới hôm thứ sáu, Tom thứ bảy. Cuộc chuyện trò với Tom đáng để viết xuống, nhưng không thể làm vì ánh sáng ngày đang mờ tối; vã lại chúng ta khó viết xuống những cuộc chuyện, như đã đồng ý ở Charleston ngày hôm nọ. Đã có nhiều thảo luận về Ulysses. Tom nói, "Anh ta là một nhà văn văn chương thuần túy (purely literary writer). Anh ta được xây dựng từ nền tảng Walter Pater với một độ pha tới từ Newman.”[7] Ta nói anh ta dương cường (virile) – một con dê đực (a he-goat); nhưng không mong đợi Tom sẽ tán đồng. Tom tuy nhiên tán đồng; và bảo Joyce bỏ quên nhiều thứ quan trọng. Cuốn sách này sẽ là một đánh dấu quan trọng, bởi vì nó phá huỷ toàn bộ Thế Kỷ Thứ 19. Nó khiến cho Joyce không còn gì để viết cuốn tiếp theo. Nó cho thấy sự vô vọng của tất cả mẫu mã văn chương Anh quốc. Tom nghĩ một số những đoạn văn đẹp đẽ. Nhưng không có "ý tưởng, khái niệm lớn’ (great conception); ấy chẳng phải là dự tính của Joyce. Tom nghĩ rằng Joyce đã làm điều Joyce nhắm tới, hoàn toàn đúng như dự tính. Nhưng không nghĩ Joyce đưa tới một cái biết mới vào bản tính của con người – không nói lên cái gì mới như Tolstoy. Bloom không nói được với người đọc cái gì cả Thực vậy, anh ta nói, phương pháp mới đưa ra tâm lý học này chứng minh cho ta thấy nó không thành công …”

Quan điểm của Woolf ở lần đọc Ulysses tiên khởi khá rõ qua Nhật Ký. Malcolm Bradburry cho biết, Woolf đã đổi ý về sau, khi những cái viết của Joyce tiếp tục chào đời và được đặt sát cạnh tác phẩm của Woolf[8]. Nhưng cũng Bradbury nói, Woolf tin là trong khi Joyce vẫn cặm cụi đi về một hướng, thì mình đã dò tìm những hướng đi khác. Sau Căn Phòng của Jacob, Woolf hoàn tất Mrs Dalloway (Bà Dalloway), To The Lighthouse (Đi tới Tháp Hải Đăng), Orlando, The Waves (Những Đợt Triều), và Between The Acts (Giữa Những Hồi Kịch), những tác phẩm mà từ Cyril Connolly[9] cho tới Harold Bloom[10] đều cho là nhất thiết phải có mặt trong thư điển chủ yếu của dòng văn học hiện đại.

Thực ra, nói cho công bằng, cả Joyce và Woolf đều nhận thức sự cần thiết phải có một thứ tiểu thuyết mới. Cả hai thừa kế một giai đoạn văn học đã có những thành tựu: của Proust, Henry James, Dostoievski [qua những bản dịch của Constance Garnett] và Joseph Conrad[11]. Ảnh hưởng của Conrad là lớn đối với Woolf. Woolf đặc biệt đánh giá cao The Secret Agent (Viên Gián Điệp) của Conrad, và vẫn ao ước đưa được London vào tác phẩm như Conrad. Tất nhiên Conrad có lợi thế là người lưu vong, sống cùng lúc ở hai thế giới, hiểu London của East End, bình dân hỗn loạn, lại có dịp ra ngoài lang bạt kỳ hồ ở nghề thuỷ thủ trước khi cầm bút. Mrs Dalloway là tác phẩm ôm London ấy của Woolf, nhưng mà Woolf cũng biết nó khác với London của gã giang hồ kia. Năm 1924 Conrad mất, Woolf viết eulogy nhìn lại con người và văn nghiệp của Conrad, một nhà văn đàn anh. Với Joyce, có lẽ sự cùng thế hệ (cả hai người sinh cùng năm và mất cùng năm) không cho Woolf một kính trọng tức thời. Thêm, Woolf đã vạch cho mình một quan niệm về tiểu thuyết khá rõ một con đường. Ở tiểu luận "Tiểu Thuyết Hiện Đại" (Modern Fiction) ra mắt năm 1919, Woolf đã nói tới một loại tiểu thuyết thoát khỏi qui ước cũ, theo diễn trình thời gian, sử dụng con mắt nội tại, một thứ tác phẩm của mỹ học mới.

"Nếu một nhà văn là một con người tự do, không phải là người nô lệ , nếu hắn ta có thể viết điều hắn chọn, không phải điều hắn bị buộc phải làm, nếu hắn có thể xây dựng tác phẩm trên cảm giác riêng, chứ không phải qui ước, sẽ không có mưu cấu, cốt truyện, không hài kịch, không bi kịch, không mời gọi ái tình hay đại họa theo kiểu thức được chấp nhận, và có lẽ không một hạt nút rời nào theo kiểu thức các tay thợ may Phố Bond sẽ chấp nhận. Đời sống không phải là một dãy chuỗi những đèn màu xếp đặt chân phương; mà là một hào quang đượm sáng, một bầu khối tròn nửa trong nửa đục ôm lấy chúng ta từ khởi thuỷ ý thức cho tới chung cuộc. Công tác của người viết tiểu thuyết có phải chăng là chuyển đạt tinh thần bay nhảy thay đổi biến thiên kỳ ẩn này, bất kể nó phức tuế và có thể trật lệch ranh giới tới đâu ở chỗ nó hiện hình, với càng ít hỗn hợp cái xa lạ và cái bên ngoài càng tốt?"

Woolf rõ ràng là chủ xúy cho sự khai phá phần mật thiết bên trong, vốn có, lại luôn luôn đổi thay linh động. Không phải chỉ là thay đổi cách ý thức về xã hội hay những tương quan con người, mà là một ý nghĩa một cảm quan, một mỹ học mới về đời sống.

Ở một tiểu luận khác sau đó, ‘Women and Fiction’ (Phụ nữ và Tiểu thuyết) viết vào năm 1929, Woolf đưa ra nhận xét là nhà văn phái nữ có thể xem nhẹ thế giới dữ kiện hơn nhà văn phái nam: ‘Họ sẽ nhìn vượt quá những quan hệ cá nhân hay chính trị để hướng tới câu hỏi rộng rãi hơn mà nhà thơ vốn cố gắng giải quyết – câu hỏi về định mệnh của chúng ta và ý nghĩa của đời sống.’ (“They will look beyond the personal and political relationships to the wider question which the poet tries to solve – of our destiny and meaning of life.”)

Woolf hướng tác phẩm tới một thơ–ca-mới-của-tản-văn, một hướng mà Joyce, như Woolf quan niệm, cũng là đúng, đã bỏ qua. Tuy nhiên, ở Ulysses của Joyce và Mrs Dalloway của Woolf, Woolf và Joyce ngoài khác biệt về "new poetry of prose" ấy lại dường tình cờ gặp nhau ở một sách lược cấu trúc chung. Thứ nhất là sự sử dụng thủ pháp "dòng ý thức", thứ hai sự nhìn thấy những khoảnh khắc rực sáng, epiphany trong Ulysses, và "privileged moment" (khoảnh khắc ân sũng) trong Mrs Dalloway. Thứ ba là sự sử dụng biến-cố-nội nhật: ở Ulysses, tất cả biến cố xoay quanh hai nhân vật chính Leopold Bloom và Stephen Deladus đã diễn ra trong duy nhất một ngày đời, thì Mrs Dalloway cũng thế, nó là hành trình trong một ngày của nhân vật Clarissa Dalloway – trong khi chờ Septimus Warren Smith. Ấy là ngày Clarissa Dalloway mở tiệc cho Septimus W. Smith, trở về từ cuộc Thế chiến thứ Nhất. Septimus W. Smith chứa đựng những khủng hoảng hậu chiến, những khủng hoảng ấy được đưa tới bàn tiệc của Clarissa Dalloway, oái oăm thay, là qua tin báo về cái chết của ông: một người như thế đã không tới được bữa tiệc dành riêng cho mình. Tác phẩm kết thúc ở cái chết của Smith, nó đóng lại một London và một Âu Châu đang chờ đợi một bức phá, một hành trình khác, đi vào giai đoạn hỗn độn hơn của tiền-Thế Chiến, rồi Thế chiến thứ Hai của một thế hệ mới những Arthur Koestler, George Orwell, Albert Camus và W.H. Auden, của hai ba thập niên tới, khi văn học chạm trán với thực tại máu lửa chiến tranh toàn diện, của chủ thuyết và chính trị như những giải tỏa và phản ứng cực đoan nhất – không phải chỉ riêng cho Âu Châu.

Thường Quán

8 October 2003

Ghi chú
[1] Maria Alrarez, ‘Woolf at our door’, Guardian, reprinted The Age 01Feb 2003, cho hay F.R. Leavis, Q.D. Leavis đã góp một phần trong việc cố làm lung lay chỗ đứng của VW trong thư điển văn học hiện đại .
[2] Virginia Woolf, A Writer’s Diary, ed. Leonard Woolf, Triad Grafton Books, 1978
[3] Christina Rossetti, sinh năm 1930 tại London, nổi tiếng sớm với tập thơ đầu tay xuất bản ở tuổi 17, con gái của nhà thơ Ý tới London lập nghiệp Gabriele Rossetti; anh trai là họa sĩ Dante Gabriel Rossetti, người thành lập hoạ phái pre-Raphaelite. Thế giới hay nhắc tới Ba Rossetti là đây. Thơ Christina Rossetti ngã về khuynh hướng phóng tưởng. Bà cũng viết nhiều truyện tuổi thơ và cuối đời viết nhiều triêu ca nhà thờ. Mất tại London vào năm 1894.
[4] Byron: Lord Byron , 1888 – 1824.
[5] Leconte de Liste: Charles Marie Leconte de Liste, nhà thơ Pháp, 1818 – 1894.
[5a] Elizabeth Barrett Browning (1806 – 29 June 1861) nhà thơ quan trọng thời Victoria prominent, được hâm mộ tại Anh, Mỹ trong giai kỳ này.
[6] Tom trong Diary: T.S. Eliot.
[7] Walter Pater và Henry Newman. Walter Pater là nhà phê bình quan trọng tại Anh của hậu bán thế kỷ mười chín. Chủ trương “ art for art’s sake “ (nghệ thuật vị nghệ thuật) của Walter Pater là nền tảng của khuynh hướng Duy Mỹ (Aestheticism) trong nghệ thuật và văn học. John Henry Newman là nhà thơ và nhà thần học có ảnh hưởng lớn ở cả hai giáo hội Anh giáo và Công Giáo. Ông được La Mã tấn phong Hồng y và từng được đề cử làm viện trưởng đầu tiên của Đại học Công giáo tại Dublin, quê hương của James Joyce, nhưng không nhậm chức. Thơ ông nằm trong tuyển tập Lyra Apostolica và Giấc Mộng của Gerontius.
[8] Malcolm Bradbury, The Modern World – Ten Great Writers (Thế giới Hiện đại – Mười nhà văn lớn), nxb Penguin, 1989.
[9] Cyril Connolly, The Modern Movement – One Hundred Key Books from England, France and America, nxb Hamish Hamilton (Phong trào Hiện đại – Một trăm cuốn sách then chốt từ Anh, Pháp, Mỹ), 1965.
[10] Harold Bloom, The Western Canon (Thư điển ưu tuyển của Tây phương), nxb Macmillan, 1995.
[11] Joseph Conrad, 1857-1924, nhà văn Anh gốc Ba Lan, tiểu thuyết gia quan trọng có ảnh hưởng lớn lao tới những văn tài khác như Graham Greene, Edward Said.