Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 16 tháng 10, 2017

Văn học miền Nam 54-75 (443): Túy Hồng (13)

Tôi nhìn tôi trên vách (10)

Cả tuần nay Nghiễm chỉ ăn cháo, buổi trưa cháo đậu xanh, buổi chiều chân giò hầm với bo bo. Chàng bỏ buổi làm về nửa chừng, chiều thứ ba đang thu thanh thì chàng về nhà nằm. Nghiễm mách nhỏ:

– Anh khạc ra một tí máu em ạ!

Tôi vừa quấn tã cho con vừa cười:

– Không can gì đâu. Hồi xưa em bị hoài. Ông thầy dạy vạn vật của em bảo đó là do mao quản bị đứt gãy ra. Em bị hoài à. Tôi quay lại. Cả khuôn mặt của Nghiễm bệch bạc mệt lả như cá biển lên khỏi nước mặn, tôi vuốt vai chàng. Hồi xưa em bị hoài à, bây giờ vẫn còn bị. Mấy sợi mao quản nó đứt ấy mà, mao quản là những dây máu nhỏ như tóc. Để hôm nào em bị, em nhổ xuống đất rồi em gọi anh ra xem.

Nghiễm phát một nét cười lơ lửng. Tôi tiếp:

– Mao quản nhỏ như tóc nên dễ bị đứt lắm. Khi nào mình khan cổ thì bị, uống rượu mạnh hay khan cổ lắm. Anh đừng uống rượu manh nữa.

– Ừa… ừa…

– Chiều nay em lại nhà con Bích Khuê lấy cho anh cái thang thuốc gia truyền nhà nó, anh uống là khỏi liền, khoẻ liền.

Buổi chiều tôi sửa soạn lại nhà Bích Khuê. Nghiễm tỏ ra không mấy tin tưởng ở thang thuốc gia truyền của Bích Khuê. Bích Khuê đi vắng. Sanh nằm xem báo ở phòng khách miệng ngậm ống điếu. Sanh trao bảng đánh máy thang thuốc Bắc cho tôi rồi cầm ở lại nói chuyện. Sanh ngáp dài úp tờ báo lên mặt nói to:

– Tự nhiên đùng một cái Khanh nhảy đại vào Saigon lấy Nghiễm làm bao nhiêu thằng hỏng cẳng.

Tôi nghĩ thầm: lũ bạn trai của mình thằng thì khùng, thằng thì tham vọng, thằng thì tham ăn, thằng thì chăm học, thằng thì lãng mạn.

Sanh tiếp:

– Tại sao Khanh lại có thể kết hôn với Nghiễm nhỉ? Khanh có nhận thấy là Nghiễm không đáng xách dép cho Sanh không?

Tôi quắc mắt:

– Anh điên quá rồi anh Sanh ơi, nói nhảm nhí luôn mồm, nhốt anh vào nhà thương điên Biên Hòa bây giờ.

Mặt Sanh tỉnh như không, điềm đạm cúi xuống tờ báo, tôi đứng dậy:

– Có thể Nghiễm không đáng xách dép cho Khanh, nhưng chắc chắn là Khanh không đáng xách dép cho Nghiễm.

Cơn giận tím mặt tôi mặc dầu tôi đã lắc đầu mấy lượt, thôi chấp làm gì thằng con nít điên.

Nghiễm uống hết hai thang thuốc thì ăn cơm lại được, ăn có mòi ngon miệng hơn trước. Hai vợ chồng dẫn nhau vào Phú Thọ ăn món chả cá để diễn tả nỗi mừng rỡ của chàng. Chín tháng mang thai tôi ghê sợ mùi cá, Nghiễm nhai chắp chắp trông có mùi hồi hộp hấp dẫn. Hai vợ chồng xuống lầu, đi bộ một đoạn rồi đứng bên cột đèn chờ xe tắc-xi. Bỗng Nghiễm chới với hai tay, ngửa đầu lên trời, cái cổ gục gặc rồi Nghiễm té sấp xuống mặt va mạnh vào cột đèn. Tôi lật mặt chàng lên, Nghiễm mềm nhũn lạnh tanh, miệng chàng bê bết chất lỏng bầm đen. Tôi hét, anh Nghiễm, anh Nghiễm. Chàng thiếp đi trong giấc ngủ đau khổ. Tôi hét vang cả con đường, mấy bà già chạy tới, tôi lau mặt cho Nghiễm, họ giật tóc mai chàng, và lấy kim tây chích vào ngón tay chàng. Nghiễm mở choàng mắt hào hển hỏi, máu phải không em. Tôi khóc lắc đầu không phải máu, anh mửa ra cả thang thuốc Bắc của con Bích Khuê. Mấy bà thoa cho Nghiễm hết chai dầu song thập, vẫy ông xích-lô máy lại gần vực Nghiễm lên, đẩy tôi lên, giục chở đi nhà thương. Chiếc xích-lô máy chạy bay hứng hết cả gió. Nghiễm lại run răng đánh nhau, tôi ôm lấy chàng nói:

– Anh mửa ra cả thang thuốc Bắc, anh mửa ra cả thang thuốc Bắc của con Bích Khuê.

Nghiễm hỏi mãi:

– Có phải anh mửa ra máu không?

Tôi lắp bắp lặp lại:

– Anh mửa ra cả thang thuốc Bắc, con bình quân đầu độc anh, thằng Sanh đầu độc anh. Anh mửa ra cả thang thuốc Bắc gia truyền của con Bích Khuê.

Ông xích-lô máy hỏi:

– Chở đi đâu đây? Vô nhà thương Chợ Rẫy gần đây nhất.

– Dạ dạ, thôi, ông chở chồng tôi vô Chợ Rẫy đi.

Nằm một đêm ở nhà thương Chợ Rẫy, sáng hôm sau tôi chở anh Nghiễm vào bệnh viện Grall. Sau bao nhiêu mũi thuốc chích vào tay vào mông vào đùi, sắc mặt bệch bạc của Nghiễm đã lấy lại chút thần hồn, chàng ngủ được nửa giờ, chàng mở mắt ra, chàng ngủ thêm bốn mươi lăm phút nữa, tỉnh dậy dõi mắt nhìn vợ. Tôi lên tiếng:

– Bác sĩ cấm anh không được nói, để em lấy giấy bút cho anh viết.

Nghiễm bảo tôi về nhà báo tin và thăm con. Mẹ tôi đón tôi ở cửa ra vào mừng hớt hải kêu to:

– Cả nhà sáng ni chia nhau đi tìm hai vợ chồng mi, chưa ai về báo tin chi cả.

Tôi khóc bù loa cầm vạt áo lên lau nước mắt:

– Anh Nghiễm mửa ra một đống…

Mẹ vồ hỏi:

– Mửa ra cái chi?

– Mửa ra một đống cả thang thuốc Bắc gia truyền của con Bích Khuê, anh chết giấc có hai tiếng đồng hồ ở Phú Thọ phải đưa vào nhà thương Chợ Rẫy rồi vào Grall.

– Có nặng lắm không?

– Nặng. Cả đêm qua con mặc áo dài ngồi canh anh, nhà thương không có chỗ nằm.

– Thôi mi lo tắm rửa rồi vào nhà thương với hắn, con cái để đó.

Tôi vào phòng ôm con ngồi dựa lưng vào tường nhắm mắt. Cơn mưa đang về trên đầu nhà. Không có tiếng sấm nào nổ lớn báo hiệu nước mưa về đánh vỡ một vùng trời ứa nghẹn một lặng yên.

Trời mưa vô tình, trời mưa như một hình phạt nhỏ, trời mưa tát vào mặt phố Saigon, trời mưa hồi sinh một khung cảnh, tiếng mưa kêu rào rào sầm sập. Hình như cơn mưa thật gần, thật thấp, hình như cơn mưa chỉ cao hơn mái ngói một tí gây bao nhiêu tiếng ồn lạ tai. Bây giờ, sự sinh hoạt ngoài đường có phần nào ngừng trệ; bây giờ, những người tình hình (#) như đang chịu một khoảng xa cách nhỏ, bây giờ đường sá hình như dài ra và nhất là con đường từ nhà tới bệnh viện. Bây giờ cơn mưa đang lớn vội vã, mưa không gió, cơn dài dằng dai, mưa nước mắt, căm thù và giận hờn.

Mỗi cơn mưa là một u buồn. Hình như giờ này, cũng ở Saigon, cây cỏ đang lay mình hưởng thụ một tươi mát dạt dào, chắc chắn giờ này, cũng ở Saigon, nước trút xuống hầm hè ào ạt, các ống cống uống không kịp, những con đường đọng đầy nước đục. Sấm không nổ, sét cũng không nổ, đầu tôi đang tiếp xúc với vách tường, hình như trong cơn mưa này tóc tôi có rụng vài sợi, hình như trong cơn mưa này, tóc Nghiễm bạc thêm vài sợi. Cái thở dài nhập và cái ngáp, và trong tôi nổi lên một hợp chất buồn, một khối lớn thổn thức, một miền nhỏ ăn năn.

Những sợi tóc bạc sớm trên đầu chồng, một mảnh hình hài khắc khổ. Trọng lượng nào, mỗi hạt mưa là một trọng lượng mơ hồ đánh vỡ từng chiếc răng cười, bóp thành mụn cám những lời đùa giỡn, mỗi hạt mưa là một sắc cạnh bào buốt tất cả những lạc quan dồn được, tùng xẻo những cơn vui từ lâu nhen nhúm, từ thuở đám cưới của mình tự tay mình cử hành. Thôi bây giờ chồng bệnh, chồng nằm nhà thương rồi, chồng thua sự sung sướng, chồng hơn sự bất hạnh, đối với những người chồng của ai đang đi ngoài đường, đang làm việc trong công sở; thôi bây giờ chồng đau, chồng nghỉ việc, chồng nghỉ uống rượu, nghỉ ăn chơi, người vợ này cần phải mở rộng tình thương lớn, người vợ này phải biến thành hai người vợ để phải có được một tình thương lớn, cho kỳ được một tình thương lớn. Thôi bây giờ mình phải mạnh hơn chồng, phải che chở, phải an ủi, phải ngọt ngào, phải tận tụy để trả ơn tình yêu, trả ơn hạnh phúc. Tôi đặt con vào nôi chêm gối buông mùng đắp mền kêu gào, mẹ ơi, bà ngoại ơi, xuống trông bé Hiền, xuống đứa bé Hiền cho con đi.

Tôi giương chiếc dù hồng, xắn cao hai ống quần đen chậm chậm bước xuống con đường ngập nước. Mẹ kêu réo đằng sau lưng, Khanh ơi, Khanh ơi, đợi tí nữa tạnh mưa rồi đi, Khanh ơi, Khanh ơi, mưa to quá sá mà đi làm sao được, mi đang thai nghén kiêng cữ nhất là lội nước, đừng lội nước mà nguy… Mẹ bước theo, tôi quay lại, mắt khóc miệng cười:

– Để con vào nhà thương hỏi coi anh Nghiễm đau bệnh chi.

– Để tạnh ráo rồi hãy đi, bụng mang dạ chửa mà lội nước. Mẹ nhăn mặt.

– Can chi mà mẹ, mẹ vào không ướt hết.

Tôi vẫy được chiếc tắc-xi bước lên, đến bệnh viện trời hãy còn mưa dai dẳng, Nghiễm ngủ trong cơn thiếp nặng nồng. Những gốc râu mọc ở miệng chàng đen cứng và hình như dài ra nhiều, mặt chàng vì đó mà tiêu điều.

Tôi ngồi vào bàn nước viết vài cái thư cho những người bạn của chàng báo tin cơn bệnh. Người bồi bệnh viện mang cơm tây vào bảo:

– Ông ăn cơm chưa được, bây giờ bà hãy dùng phần của ông, bà nhớ đừng cho ông ăn, ông chỉ uống sữa được thôi.

Tôi cười buồn miễn cưỡng nhấc chiếc nĩa xúc vài cuống “nui” cho vào miệng. Qua ba lần nuốt, tôi bỗng cảm thấy đĩa “nui” ngon, tôi gắp miếng sườn sang xé ăn hết cả, ăn hết đĩa súp hết khúc bánh mì và sau cùng quả chuối dài. Tôi quay nhìn Nghiễm ngủ, tôi phát ngán tôi. Chồng đau nặng sao mình đớp đủ thứ một cách khoái khẩu như thế này.

Tôi đứng dậy tần ngần đứng bên Nghiễm nhìn chàng nằm dài bằng cả chiếc giường nhấp nhô hơi thở qua lần ra trắng. Một quệt tóc ngỗ nghịch chảy xuống vừng trán hẹp, tôi đắp lên ngực chàng chiếc áo ấm, sực nghĩ ra quên đem vào nhà thương vài đôi vớ trắng, tôi ngồi lên giường toan cầm ngón chân cái của chàng, toan cầm ngón chân út của chàng. Năm ngón chân chàng dựa sát vào nhau, năm ngón chân cử động nhẹ một cái, cả bàn chân nhúc nhích, đùi chân rung rinh.

A! Rung đùi, Nghiễm rung đùi, đau chí mạng thế này mà cũng còn rung đùi. Sự rung đùi kéo dài gần một phút. Gần một phút tôi quên hẳn Nghiễm bệnh mà chỉ nhìn cái đùi rung rung, dấu hiệu tha thiết nhất của sự sống của chàng dưới mắt tôi.

Căn phòng bệnh viện là một sự nghỉ ngơi: tường màu hồng, nền màu vàng, giường ghế bàn màu xanh, ra nệm màu trắng. Tôi lấy manh chiếu đan bằng sợi ni lông trải ra dưới đất nằm cong queo đợi giấc ngủ. Da thịt tiếp xúc thẳng với mặt đất cứng nên xương cảm thấy đau, đau ở khúc xương lưng dài. Ngủ rồi, tôi mở mắt ra chạm nhẹ cái nhìn của Nghiễm.

Tôi ngồi bật dậy đến giường đưa tay đặt lên trán Nghiễm rồi ngồi lại bên mé giường kể lại về nhà báo tin gặp mẹ ôm con ngồi nghe cơn mưa lớn, con cười hoài toe toét. Nghiễm gật nhẹ cười ra hiệu cho tôi lấy giấy bút viết láu hàng chữ: Nghĩ lại đêm qua thật hãi hùng, bây giờ anh mới thấy đã nắm được cái phần sống. Tôi cười dòm nghiêng nghiêng vào trang vở: Bé Hiền sao, nhớ bé Hiền quá.

– Bé Hiền ngủ suốt đêm không la một tiếng, giỏi lắm. Tôi trả lời. Con Thảo con Trâm con Út con Cúc, bốn đứa xuống nằm đầy một giường của mình để trông coi bé Hiền.

Nghiễm viết hỏi, em về nhà có nghỉ được tí nào không?

– Không, cơn mưa nghe ở nhà ồn quá. Đã ba giờ rồi anh.

Nghiễm tháo chiếc đồng hồ để tôi cất vào xắc xem giờ giấc đi về. Người bồi bệnh viện mang vào cho một ly nước chanh bảo tôi uống. Tôi đưa mấy cái thư viết hồi trưa cho Nghiễm đọc, chàng gật đầu. Nghiễm viết vào giấy: Anh đói bụng. Tôi lắc đầu, anh không thể ăn gì được hết. Anh đói bụng quá. Ăn vào nguy liền. Anh đói bụng không thể chịu thấu. Nhưng anh ăn bất cứ một cái gì vào thì lại ói ra ngay, sự nguy hiểm không thể lường được. Anh nằm yên, đừng đòi hỏi, đừng bất mãn. Nhưng bụng anh đói một cách xót xa, một cách cuồng nộ. Tôi bấm chuông.

Người ta mang nước bể tiếp cho chàng.

Tôi lảng ra ngoài bước dọc theo hành lang nhìn vào những căn phòng bệnh viện, xuống lầu, ra đường mua một tờ báo, Nghiễm và vẫy vừa gật đòi lấy tờ báo. Đi ra đi vào, ngồi lên ghế xem báo, nhìn những giọt nước bể chảy tiếp nối chầm chậm, tôi chợt nghĩ mình nên về qua nhà lấy sách vở vào đây học.

Nghiễm ngủ từng giấc rời. Thảo, Trâm, Cúc, Út vào thăm đứng chung quanh giường bệnh hết nhìn Nghiễm lại nhìn tôi chắc lưỡi thở dài.

Trâm hỏi:

– Anh ấy ngủ hay là thiếp đi vậy chị?

– Ngủ đó, ngủ ngon chứ không phải ngủ dở đâu.

Người bồi bệnh viện lại vào trải khăn đặt khay món ăn xuống mời tôi dùng gấp.

– Anh Nghiễm không được ăn gì sao?

– Ăn vào lại ói ngay. Trường hợp anh mà ói là nguy hiểm ngay đến tính mạng.

– Không ăn chi hết làm sao mà sống. Cúc nói.

Tiếp nước bể, trong nước bể có thức ăn đi thẳng vào máu.

– Thôi chị lại ăn đi. Út nói.

Có một cái ghế cho tôi để ngồi ăn, bốn đứa em hết đứng bên giường bệnh quay sang bu chung quanh tôi. Tôi kéo đĩa súp lại trước mặt cầm thìa lên múc ăn trước. Tôi kéo một đĩa lớn vừa mì ống vừa rau quả khoai tây, cà rốt luộc lại trước mặt, để mẩu bánh mì nướng giòn trước mặt, kéo đĩa thịt gà quay với hai lát jambon lại trước mặt, cầm dao và nĩa toan cắt rồi vụt ngưng lại nhìn quanh bốn đứa em.

– Bà Khanh cứ nuôi bệnh kiểu này trong một tháng chắc là mập ú ụ ra không lọt cửa. Trâm nói.

– Nuôi bệnh sướng quá, em thích đi nuôi bệnh ghê! Thảo cười.

– Món nào ăn cũng ngon, cũng sang hơn ở nhà mình một trời một vực. Chị Khanh sướng quá. Cúc gật gù.

Tôi lại nhìn Nghiễm vẫn ngủ thiêm thiếp. Tôi xé cho Út nửa cái đùi gà, đút vào miệng Cúc hai lát jambon ăn với bốn muỗng mì ống trộn bơ, cắt quả chuối ra làm 5 phần. Tôi xé miếng thịt gà ra trộn chung với đĩa đồ luộc, cầm thìa lên đút qua cho Trâm một thìa, đút về cho Thảo một thìa, đút qua đút về cho hai đứa hết một phần đĩa rồi hai đứa lắc đầu không ăn nữa.

Tôi ăn xong thì Nghiễm mở mắt ra, năm chị em cùng quay lại, tôi chỉ gói giấy đỏ để trên bàn nói với Nghiễm: Con Trâm có mua cho anh một ký nho.

Nghiễm gật đầu cười.

Thảo nhíu mày nói nhỏ:

– Anh Nghiễm coi bộ mệt quá chị hỉ!

Tôi nhìn chồng rồi nhìn các em:

– Bây giờ trông mặt anh còn có tí máu. Trời! Hôm qua mới sợ… anh ấy tái dách như thịt bò nguội.

Mấy đứa em cùng làm một cử chỉ rùng mình co cổ, nhô vai mở mắt to nhìn nhau, tôi tiếp:

– Anh Nghiễm đã có dấu hiệu lành bệnh rồi, hồi trưa anh ấy rung đùi được một phút.

Gần bảy giờ tối, bọn em ra về, tôi đưa chúng xuống cầu thang dặn dò phải săn sóc bé Hiền thật chu đáo, đái thì phải thay tã ngay, buông màn cho kỹ kẻo muỗi vào, đừng bế lên xuống thang gác nhiều.

Tám giờ tối, người nhà thương mang vào cho một ly nước chanh nữa, Nghiễm chăm chú nhìn tôi uống từng hớp. Tôi đi ngủ sớm sau khi Nghiễm được chích hai mũi thuốc và uống mấy món thuốc vừa nước vừa viên. Sáng hôm sau, tôi dậy sớm, nhìn Nghiễm đã mở mắt từ lâu yên lặng ngó tôi. Nhà thương cho ăn điểm tâm thật sớm: cho một khúc bánh mì nướng lại, một quệt mứt dâu, ly cà phê sữa. Ở đây thì giờ một ngày của tôi được dư ra thong dong thư thả: buổi sáng điểm tâm xong nhìn đồng hồ mãi vẫn chưa tới chín giờ, cũng như sau buổi cơm tối tôi có một khoảng thời gian thật dài trước khi đi ngủ.

Bác sĩ vào khám, tôi khai bịnh cho chàng. Anh ấy uống rượu, anh ấy đi chơi đêm, anh ấy thức khuya viết văn, anh ấy lao lực từ bao nhiêu năm qua trong quá khứ nên mới có cái hiện tại nông nổi như vậy.

Bác sĩ tròn miệng ồ một tiếng:

– Bây giờ có còn tiếp tục uống rượu, thức khuya?

– Không hẳn là còn, không hẳn là hết, nhưng việc uống rượu thì vẫn còn.

Sực nghĩ lại toàn thể giới y sĩ đều không ưa người nói tiếng Việt Nam nhiều, tôi im lặng lấy lại bình tĩnh. Viên bác sĩ giảng:

– Gan sưng lâu rồi, gan cứng rồi, không còn tươi, không còn mềm. Bệnh của ông đã phát ra như nhà cháy. Nhà cháy đã mấy phần, tôi đã chữa kịp, nhưng nhà vẫn cháy mấy phần, tôi chỉ chữa cho đừng cháy lan qua những phần khác.

– Dạ.

– Bây giờ ông phải tuyệt đối không uống rượu. Nếu bệnh tái phát, lần sau ông đến đây tôi không chữa vì ông uống rượu.

Nghiễm hỏi:

– Thế uống bia có được không ạ?

– Trong “33” có rất nhiều alcool, nguy hiểm lắm. Nếu cứ mỗi ngày một chai thì cứ từng giọt alcool vào trong gan nó dồn lại, mà cứ từng giọt từng giọt thì đá cũng phải mòn… Cái nguy hiểm nhất cho ông là sự đều đặn, sự lặp lại hằng ngày của việc uống la-ve. Những giọt alcool của la-ve dồn chứa lại trong buồng gan rồi ba bốn ngày ông uống một lần rượu mạnh. Tác dụng mạnh lại càng mạnh thêm.

Nghiễm hỏi nữa:

– Thế uống bia hộp có được không?

Bác sĩ lại tròn miệng ồ lên:

– Phải biết sợ cái chết mà kiêng đi chứ. Mỹ đang rút quân lần lần. Mà uống bia uống rượu vào làm gì … Bia với rượu càng ngày càng làm cho sự uống mất ngon lành, mất appétit… Nếu ông cứ tiếp tục, ông sẽ không thích ăn uống một cái gì nữa, mà cả ngày chỉ muốn đi cầu thôi.

Tôi lên tiếng:

– Ông ấy sợ biến thành một thứ người hèn nào đó.

Bác sĩ bước ra. Nghiễm đuổi tôi về thăm con, xem lại nhà cửa. Tôi xuống xe lam ở đường Phạm Ngũ Lão. Vừa bước vô nhà, Cúc chạy ra hù một cái hỏi:

– Đêm qua chị ngủ ở nhà thương một mình sợ ma không?

Tôi cười:

– Không, tau trải chiếu dưới đất gần chỗ anh Nghiễm, tau gác chân lên giường anh luôn.

– Láo, giường cao rứa làm răng gác chân được.

– Rứa mà tau gác được.

Mẹ đi chợ về đặt giỏ thức ăn xuống đất vừa cởi áo dài vừa hỏi:

– Hắn có bớt không?

– Bớt… khoẻ ra nhiều, đêm qua anh ấy rung đùi mấy lần.

Mẹ cười, Cúc cười, tôi tiếp:

– Anh ấy phải rung đùi mới mau lành bệnh.

– Bạn bè đã có ai vô thăm chưa? Mẹ hỏi.

– Chắc chưa ai biết tin. Tôi lắc đầu.

Tôi vào phòng ôm con lên hôn một hồi, thay tã, vuốt tóc, đặt vào nôi. Mẹ kêu, Khanh nè, cháo nấu rồi, ra lọc nước cho con bú… Mẹ duống nồi cháo xuống, bắt ấm nước lên cho tôi tắm con. Tôi kêu:

– Mai mẹ mua cho con một con gà mệ, một nải chuối mốc mốc để con cúng tạ cho bố bé Hiền.

– Thôi chữa thuốc tây cũng đủ rồi, để chữa thuộc tây đã, bữa mô đem về nhà rồi cúng.

– Không, con phải cúng để tỏ ra nhiều thiện chí thương chồng… Vừa cúng cho chồng mau lành bệnh, mình vừa được ăn ngon.

– Nói không sợ người ta cười. Mẹ quát. Sau trận đau ni rồi, vợ chồng phải lo khuyên nhau tu tỉnh, đừng rượu, đừng bia, đừng chơi khuya về trễ.

Tôi nghe trong lòng một tiếng dội nhỏ, tiếng dội êm đềm bồng bềnh nỗi lạc quan ngắn ngủi, tiếng dội ấm ran cả lồng ngực mỏng, mát hân hoan khắp miền gan ruột mướt mềm. Cơn đau lớn của chàng choàng dậy như một thức tỉnh sấm sét, như một chấn động khủng khiếp của vùng đất bị sụp, như một thôi thúc bão tố trong mùa đông sầu thảm. Nghiễm sẽ bỏ rượu. Những chỗ chai cứng và cương to của buồng gan sẽ bình thường trở lại, sẽ tươi thắm trở lại. Tôi nói lớn:

– Mẹ ạ… anh Nghiễm bỏ rượu, bỏ bia, ăn uống đầy đủ, tức khắc trong vài năm lá gan của anh sẽ tươi lại.

Nghiễm sẽ bỏ rượu để uống coca-cola, xá xị, nước cam vàng, tôi sẽ xay nước rau má cho chàng uống, nấu xu xoa cho chàng xơi, mua cho chàng ly chè nhãn nhục ngoài đường. Chàng sẽ khoẻ mạnh, sẽ to béo như Bát-man, chàng sẽ ăn tham. Buổi sáng phải mang hai tô ni đi mua phở cho chàng mới đủ, buổi trưa chàng sẽ ăn mười quả trứng ốp-la, buổi tối chàng sẽ xực một khoanh bít-tết cân nặng nửa ký. Chàng ăn thật nhiều, món Bắc không đủ cho chàng ăn, chàng sẽ ăn cả món Huế, chàng sẽ ăn cả món Nam, chàng sẽ ăn những món của người miền Thượng. Tâm thận tương giao, thủy hỏa tương tế, lúc ấy tính nết chàng sẽ vui vẻ đùa cợt, ca hát huýt sáo, suốt ngày mặc quần xà lỏn lau nhà chùi cửa sổ, ủi áo quần và tắm rửa cho con cái.

Thảo, Trâm đi học về khi tôi đang tắm rửa xoi mũi xoi tai và rơ miệng cho con. Trâm hỏi:

– Anh Nghiễm chắc khoẻ nhiều, bớt nhiều?

– Răng mi biết? Tôi nhướng mắt.

– Vì tui ngó cái mặt chị là tui biết.

– Lần lần gan anh ấy sẽ tươi lại.

– Bỏ được rượu thật là hay. Thảo nói:

– To gan lắ mới dám uống rượu, bạn bè anh Nghiễm toàn những tên to gan.

Trời chuyển mưa lâm râm. Cơn mưa thật bé bỏng so với hôm qua nhưng đong đầy những tính cách nhỏ đã đọc thấy những ý nghĩ thầm kín của hồn tôi. Cơn mưa gần gũi, trẻ và sống, chuyên chở mảnh dung nhan diễm tuyệt của tình yêu ngay cả trong lo sợ nỗi bệnh hoạn hiện tại. Rồi Nghiễm sẽ lành mạnh, chàng sẽ không uống rượu nữa, sẽ yêu thương mình hơn. Tôi nhớ lại một cơn mưa: Nghiễm đội sùm sụp cái mũ ni-lông dẫn dắt từng bước đi của tôi trên đôi guốc Đa-kao quai nhung ướt dầm suốt dọc con đường Cống Quỳnh đông đảo học sinh đi xe đạp đi xe gắn máy đến trường lớp tối. Nghiễm bước thầm lặng dưới ánh đèn vàng ố đọc nhỏ những câu thơ tình của Nguyên Sa: “Ôi! Trái đất có nơi kỳ diệu đó chăng. Nóng hơn vùng nhiệt đới. Nơi lần đầu nhìn thấy mắt em. Cầm được tay em. Thở được hơi em. Nơi anh tìm ra loài cây kỳ lạ. Vừa chạm tới lá. Đã rung động tới cành. Vừa trở gót ngó lui. Quên nhìn hoa. Đã mùa đông rã cánh”.

– Hù!

Tôi rùng mình, bé Hiền giật nẩy ré khóc lớn.

Trâm vừa nhảy xộ vào vừa cầm hai vai tôi lắc mạnh và hù một tiếng.

– Hú ba hồn chín vía con tui. Mụ dì độc ác làm cháu giựt mình.

– Lên gác đánh bài xệp, anh Nghiễm nằm nhà thương ròi, ai la mắng nữa mà sợ. Trâm nheo mắt.

– Thôi… ẩu tả, nói bậy.

– Bây giờ chị có đi phố đi xá, đi hội hè họp mặt cũng không ai kiểm soát. Trâm cười. Rồi Trâm chợt nhớ ra: À quên, thằng Ninh, bồ cũ của chị, bị bắt rồi… bị bắt hôm qua.

Tôi tưởng tượng như mình đưa một cánh tay ra để chới với, đang đưa một cái chân ra để bước hụt đà, tâm hồn lao xao một vài bấn loạn không hình thể.

– Bị bắt, vì sao bị bắt?

Trâm lạnh lùng:

– Tổ chức hai đêm văn nghệ hát nhạc phản chiến.

– Ui chà!

– Giữ lại vài hôm rồi thả. Có chi…

Ngày xưa tôi đã từng có mặt trong những nhóm đồng ca, tôi đã từng hăng hái hát nhập đoàn vào những hòa khúc tập thể, hòa khúc tâm ca sang sảng trầm hung trỗi ngọn suy tư phẫn nộ xước vào tính cách gào kêu khước từ cuộc chiến, khước từ nỗi đau khổ dành cho thân phận quê hương nhược tiểu. Rằng tôi hát “giọt mưa trên lá, nước mắt mẹ già, lã chã đầm đìa, trên xác con lạnh giá…”. Rằng tôi hát “kẻ thù ta đâu có phải là người, giết người đi thì ta ở với ai”. Rằng tôi hát “để lại cho em một nửa nhục nhằn…”.

Trâm ngồi xuống giường cái phịch:

– Chị ngồi lịm người ra. Chị nghĩ đến anh Nghiễm đang bệnh hay chị nghĩ đến Ninh đang bị giữ?

– Vô duyên. Tôi háy dài.

Trâm nằm ra giường:

– Anh Nghiễm chắc phải nằm nhà thương lâu?

– Ừ.

Giấc ngủ ngắn chợt thức trong buổi chiều đục, tôi ngáp vào tờ báo đang xem trước mặt, đọc bài tường thuật vụ những hip-pi Mỹ cuồng say giết người một cách thảm khốc. Tôi xếp tờ báo lên giường để lát nữa gói bộ áo quần đem vào nhà thương xem. Thảo đi vô giành lấy tờ báo nói:

– Chị Khanh đang có thai không được đọc cái tin này, bọn hip-pi ở Mỹ giết người một cách khủng khiếp lắm.

Tôi dựa lưng vào vách tường sau nhìn vách tường trước mặt. Nỗi khiếp đảm nổi gai, nỗi khiếp đảm bò rờn rợn suốt dọc khổ người khiến tôi lạnh ngắt những ngón tay đang run ngây ngấy chấn động mạnh mẽ từ cổ lên đến đầu như khi tôi tình cờ khám phá ra năm chục cuốn sách của Nghiễm cất ở nhà bị mối ăn rách đục khoét và bò lúc nhúc từng đống lớn giữa nhà. Khuôn mặt của Phi, bàn tay có lông, lỗ mũi có lông, miệng có lông và ngôn ngữ cũng đầy lông lá đeo riết ám hại tôi khiến tôi ghê tởm đến nỗi tôi tưởng như tôi đang dựa đầu vào một tổ tóc rối hừng hực chấy và trứng chấy. Những lời Thảo nói đụng tới những điều tôi đang ôm đồm nghĩ ngợi:

– Mùa người dại… chị Khanh cũng phải đề phòng cái thằng cha hip-pi của chị.

– Tau sợ chi, mấy thằng bạn của tau đang ùn ùn vào Saigon, báo động một cái là tụi hắn nối vòng tay lớn bảo vệ liền. Tôi nghếch mặt.

Thảo chợt quắc mắt nạt lớn:

– Thôi đi… nói dễ ghét, đừng xổ cái giọng ghê người đó ra nữa.

Tôi nhoài người tới:

– Cái giọng chi? Cái giọng hỗn.

– Chị có chồng ròi mà chị cứ nhắc nhở luôn cái thời hỗn mang hoang tàng của chị lúc còn con gái. Cái quá khứ không đáng một trự tiền mà động một tí là lôi ra hoài. Đến tui nghe mà còn khó chịu như thế này huống hồ anh Nghiễm. Rồi người ngoài người ta nghe được… xấu mặt chồng. Đàn bà có chồng có con mà còn sốn hư, sống hoảng du côn dao búa.

Thảo đi ra ngoài, tôi vật mình nằm xuống kẹp chiếc gối ôm vào giữa hai chân cắn ngón tay và chợt cảm thấy buồn cười.

Thôi bây giờ đừng cười với quá khứ nữa, đừng giỡn, đừng khôi hài, thôi bây giờ hãy làm mặt nghiêm, hãy lạnh lùng với tháng ngày qua và nên nồng nàn với hiện tại vui tươi hồng hào của mình, thôi bây giờ hãy quên, hãy lạnh lùng băng giá. Thời con gái vật vờ chỉ là một giai đoạn hồng hoang mịt mờ hơi khói. Hãy bế con lên hôn trăm nghìn cái, hãy ôm lấy chồng vuốt tai vuốt mũi, véo vào bắp vế để cùng cười lên hắc hắc. Mình đang có một hiện tại oai nghiêm, sừng sững, ngất ngưởng… thôi từ nay không làm một diễn viên của quá khứ để lảm nhảm những lời hồi ký tự thuật vô tích sự. Mình đầy đủ quá rồi, mình đầy đủ với chồng mình với con mình. Mình đầy đủ quá rồi.

Tôi lọc nước cháo pha sữa cho con, cất vô tủ lạnh rồi vô nhà thương với chồng.

– Em về nhà có đánh bài xệp với chúng nó không? Nghiễm hỏi.

Tôi lắc đầu:

– Bụng dạ đâu mà làm chuyện đó.

– Làm cũng được chớ sao!

Bệnh tình của Nghiễm không phải một sớm một chiều mà khỏi, bệnh tình đòi hỏi chàng một thời gian đằng đẵng thức tỉnh và giác ngộ. Chàng là người thầy thuốc chữa bệnh cho chàng, kiêng cữ cho chàng, tu tỉnh cho chàng.

Sáng hôm sau Nghiễm giục tôi về nhà sớm, đầu không kịp rẽ đường ngôi, phải lấy sợi thun buộc túm tóc ra đàng sau. Tôi xuống thang và vào phòng thuốc của bác sĩ hỏi thăm bệnh tình chồng. Nghiễm phải nằm nhà thương một khoảng hai tháng nghỉ ngơi thong thả vài năm mới bình phục hoàn toàn cường tráng khoẻ mạnh.

– Thưa bác sĩ có nghĩa là nhà tôi phải thất nghiệp trong vòng ba năm.

– Đại khái là nghỉ ngơi vậy thôi, nghĩa là làm việc in ít, vừa làm vừa chơi… nhưng cũng phải tám chín tháng sau mới hoạt động lại được.

– Dạ…

– Rồi sau đó mới làm việc có giới hạn thôi, một giới hạn hết sức nhỏ, nhưng phải đi khám bệnh mỗi tháng một lần, uống thuốc đều đều.

Tôi ra khỏi cửa bệnh viện đón được ngay xe Lam đến chợ Bến Thành thì xuống, đón xe Lam khác về nhà. Khi băng qua bùng binh Quách Thị Trang thì gặp Ninh. Cùng cực của bất mãn tôi mới đứng cho Ninh trò chuyện.

– Bị chúng tóm đầu mới được thả ra tuần trước.

Tôi cười gượng:

– Nghe con Trâm bảo anh bị bắt.

Ninh yên lặng một lát ngắn rồi chậm chạp bảo:

– Bích Khuê cần gặp Khanh có chuyện cấp bách lắm. Bích Khuê đang đợi ở nhà tụi này.

– Chồng tui bệnh ngặt nghèo lắm, làm sao đi được.

– Có chuyện gì cấp bách lắm, Bích Khuê phái thằng này đến gặp Khanh.

– Kẹt quá!

Ninh đưa tay đón một tắc-xi chạy trờ tới, kéo tôi lên.

– Có chuyện khẩn cấp lắm Bích Khuê mới hỏa tốc vậy, Khanh không đến hắn giận lắm, Bích Khuê thù dai lắm.

Tôi bước lên xe ngồi phịch đè lên vạt áo dài. Tôi nhìn xiên sang Ninh tình cờ thấy vạt tóc sau gáy của Ninh dài quá, tóc trên trán cũng dài nhưng chải ép sát vào đầu. Đôi mắt Ninh mệt mỏi chớp mãi, hai ba lần đưa tay che miệng ngáp. Ninh dựa lưng vào nệm xe lấy thuốc lá ra hút. Ninh cũng có hai ngón tay cáu vàng để cầm điếu thuốc lá như Nghiễm. Tôi quay mặt ra ngoài tránh cái nhìn đục lờ đờ của Ninh vừa ngoảnh đầu lại.

Nhà Ninh nằm trong con hẻm eo hẹp chỉ có xe Honda và xích-lô vào được. Một địa thế khó trốn chạy khi hỏa hoạn. Thình lình Ninh bảo tôi đi thẳng lên gác Bích Khuê đang đánh băng-cô ở trên. Tôi tháo sì-cát-panh cầm ở tay rón rén chân khủng bố bước lên như mắt nhìn gian lầu suốt thấy chỉ có một người đứng là Phi. Phi, trước mặt tôi là Phi, sau lưng tôi là Ninh đã bước lên hết nửa thang gác gỗ. Tôi quay lại:

– Sao lại lạ kỳ thế này. Con Bích Khuê đâu? Tại sao người kia lại đứng đó?

Ninh đã bước lên sát tôi, hai tay ấn đôi vai tôi làm áp lực tôi bước nốt bực thang cuối cùng.

– Lên trên có Bích Khuê ngồi ở trong.

Ninh cầm tay tôi kéo tới trước mặt Phi, gã hip-pi dong thẳng cánh tát vào má tôi một cái chách đau và nóng, tôi hốt hoảng quay lại Ninh:

– Anh Ninh, sao lại thế này?

Ninh ngửa mặt lên mái nhà cười nhe hàm răng trên mòn mấy cái ở giữa:

– Sao lại không thế này được?

Tôi nhìn cái mặt Ninh rồi nhìn cái mặt Phi. Có một sự hao hao đồng dạng, một sự hao hao hung dữ quái dị mọi rợ. Tôi nhìn xuống cầu thang giật tay vùng vằng. Phi bồi thêm cái tát tai thứ hai lên má tôi. Nỗi hốt hoảng nổi hoa trong đôi mắt, nỗi hốt hoảng run rẩy trên mười ngón tay, đánh đập hai đầu gối vào nhau, đánh đập hai hàm răng vào nhau. Những giọt mồ hôi mát nằm sâu ở chân lông nhểu ra, tôi giật tay giật chân vùng quẫy đạp chân xuống đất.

Ninh giữ tôi, trói tôi lại, khóa tôi lại bằng đôi tay cứng của Ninh cho Phi cười tru lên, cười rú lên, xông vào đánh tôi túi bụi. Phi trút ra những tiếng:

– Không bao giờ tao có thể chết trên bụng mày mà chỉ có mày chết dưới bụng tao mà thôi!

Hai gã cười nhơn nhơn, tiếng nói Phi nát nhão ra:

– Đấm vào cái miệng hay nói lý của nó, cho gãy răng ra, móc con mắt hay nguýt của nó ra, cạo trọc đầu tóc nó đi.

– Xẻo tai nó đi, cắt cụt tay nó đi, quật què giò nó đi. Ninh chêm.

– Nhưng phải có một hình phạt gì dành cho chồng nó.

Mặt hai gã chợt trở nên ngơ ngẩn như hai tên mọi thời Trung cổ, hai cái nhìn mệt mỏi gặp nhau rồi hai gã cùng gật gù. Tôi hoảng kinh đến cứng ngắc người, tôi rú lên không ra tiếng, tôi hét lên thì đã hết hơi.

Tôi chắp tay lạy Ninh:

– Anh Ninh, tôi lạy anh, xin anh nghĩ đến sự giao thân của chúng ta ở Huế mà tha cho tôi, mà tha cho Nghiễm, đừng làm nhục Nghiễm.

– Chúng ta còn bắt giữ nó lâu ngày mà, trước hết hãy đập cho nó nhừ tử cái đã… thể xác nó hãy để ngày mai. Phi nói.

Ninh nghiến răng khóa hai tay tôi lại cho Phi đấm đá túi bụi. Tôi mờ mắt, ù tai, long răng đừ đầu ê óc. Ban đầu tôi còn rống lên, còn la eng éc nhưng về sau tôi im bặt. Kinh nghiệm một lần đau đẻ với tai nạn hiện tại cho tôi ngẫm nghĩ rằng lúc mới bị đánh thì đau nhưng đánh lâu không thấy đau nữa, tôi nghe ê ê cùng mình, tôi lịm đi, tôi tưởng mình chết rồi, mê man, đến khi tôi nghe chúng nói: thôi tha cho nó đi, cảnh cáo lần đầu…, tôi mới biết mình còn sống. Tôi mở mắt ra nhìn thấy hai đứa đang uống một chai coca-cola. Tôi nhắm mắt, khát nước vô kể, bỗng tôi nghe có tiếng chân người lên thang gác. Mở mắt ra tôi thấy Sanh. Sanh phóng mình tới quật hai thằng hip-pi ngã quỵ, đấm vào quai hàm chúng tóe máu miệng và máu cam. Tôi kêu: Anh Sanh.

Sanh không quay lại, giáng tới một thế võ nữa đánh chúng, miếng đòn đó quét hai đứa vào vách tường. Tôi ngồi lên, sửa lại tóc, sửa lại áo quần, nghe tiếng Sanh đe dọa:

– Thằng Ninh khốn nạn, lần sau tao sẽ chà mày dưới chân như chà một con sâu độc. Khốn kiếp!

Sanh quay lại, tôi khóc:

– Có phải anh đến đây để giải thoát cho Khanh?

– Tình cờ… anh đến rủ thằng Ninh mai đi Vũng Tàu có tí việc… ngờ đâu lại thấy cái cảnh này… tai họa rồi. Sanh lắc đầu.

Tôi khóc gay gắt:

– Tại sao Ninh lại đánh tôi? Tại sao Ninh lại làm chuyện này đối với tôi? Tại sao? Tại sao?

Sanh cúi xuống vai tôi:

– Khanh phải về nhà gáp để Bích Khuê mang đi bệnh viện cấp cứu. Khanh đang mang thai nguy hiểm lắm.

Sanh bế tôi xuống thang gác, đưa tôi ra xe hỏi:

– Khanh đi với thằng Ninh lại đây?

– Thằng Ninh bảo Bích Khuê có chuyện khẩn cấp muốn gặp Khanh ngay, muốn gặp Khanh tức tốc.

– Lạ kỳ.

– Nhưng tại sao thằng Ninh có thể ám hại Khanh như thế được, tại sao nó lại dẫn Khanh đến đó cho thằng Phi giết Khanh? Tôi khóc hu lên, những chỗ bị đánh đau nhức nhối, đau cay xé người ra.

Sanh cười nhạt:

– Cái thằng đó nó ăn diện, nó thích thời trang, nó chẳng có lập trường, chẳng có chính nghĩa. Nó thấy người ta tranh đấu, nó thấy người ta cách mạng, nó cũng tranh đấu, cũng cách mạng cho đẹp… Rồi ngày nay thấy người ta hip-pi, nó cũng hip-pi, rồi thấy hip-pi bên Mỹ giết người nó cũng tính giết người… bắt chước làm đẹp, bắt chước làm dáng.

– Thế ra nó đánh tôi để cho đẹp, để nó tăng thêm sắc đẹp. Tôi cười nhăn nhó.

– Lúc còn ở Huế bao nhiêu người bảo cái thằng Ninh không ra gì. Nhưng tôi không nghe, lúc nào tôi cũng bênh vực nó. Sanh gật gù.

– Không ngờ nó đem mình ra đập, tàn ác giả mạo, hung dữ giả hiệu. Tôi lẩm bẩm.

– Một ngày kia rồi cái giả sẽ thành cái thật, nó sẽ tàn ác thật, hung dữ thật.

– Nó sẽ như người ngậm ngải tìm trầm, vào sâu trong rừng rậm, quên ngày quên tháng, nuốt cục ngải vào bụng rồi biến thành con cọp mọc lông, chân tay dài ra móng vuốt sắc vút.

Một cơn sốt nhẹ bốc hỏa mờ mắt nằng nặng vầng trán, tôi nghe nhức mỏi cả chiếc lưng dài mà không hề cảm thấy đau bụng. Cái thai lâu lâu lại máy. Không hề gì, cả hai sự sống vẫn còn. Một cuốn sách nói: nếu đau bụng mà không ra máu, hoặc nếu ra máu mà không đau bụng, thì cả hai sự sống cũng vẫn còn… Tôi mở mắt quay sang Sanh:

– Cũng may nhờ anh giỏi võ mới cứu được Khanh. Khanh thấy võ công anh thật cao cường. Khanh phục anh quá!

Sanh cười buồn:

– Anh có mấy miếng võ được Khanh khen mãi, ngoài ra anh chẳng có gì để Khanh khen cả!

Bích Khuê chở tôi lại một bệnh viện tự băng bó khâu may lại mấy vết thương, nằm dưỡng sức một tuần lễ. Ban đêm Thảo và Trâm ở lại săn sóc, mua ổi, mua me, mua xoài tượng chấm muối ớt nhai chóp bép suốt cả buổi.

Tôi ngồi lên cho Trâm cài tóc, hỏi:

– Khi nghe tao bị nạn mi thấy mặt mày anh Nghiễm ra răng?

– Trời ơi, anh Nghiễm thét lên một tiếng bất tỉnh nhân sự. Thảo múa hai bàn tay. Trâm tiếp:

– Mọi người xúm lại giật tóc mai cho anh ấy tỉnh dậy, tỉnh dậy anh ấy khóc hu hu, kêu lên, Khanh ơi, Khanh ơi, bây giờ em nằm bệnh viện nào?

– Mặt mày anh ấy tái mét biến đổi từ màu xanh sang màu vàng, từ màu vàng sang màu đỏ, từ màu đỏ sang màu tím hoa cà, rồi anh ấy đưa ngón tay mình lên cắn một miếng rồi lại khóc tiếp… cứ như thế cả ngày.

Thảo, Trâm cười ngắt nghẽo nhìn nhau. Trâm nhanh miệng:

– Tui giấu không cho anh Nghiễm biết chị bị cao bồi đánh, tui nói với anh là chị bị đụng xe, chị đi xe Lam, xe nhà binh đụng xe nước đá, xe nước đá đụng xe Lam bể tan tành hai người chết, chị ngồi trong cùng nên chỉ bị trầy da tróc vảy một tí thôi… Tội nghiệp, anh than khóc thảm thiết lắm, mấy lần anh định vượt nhà thương đến đây thăm chị nhưng đều bị y tá giữ lại.

Thảo thêm:

– Y tá phải trói thêm tay chân anh lại vào thành giường.

Thảo trải chiếu ra đất kéo Trâm nằm xuống đắp chung mền. Trâm nhìn lên tôi:

– Cái chuyện bà Khanh bị thằng Ninh ám hại tuy rủi hết sức nhưng cũng là may hết sức. Để cho mà mở mắt ra, để cảnh tỉnh bà từ nay thôi đừng giao thiệp với những quân bạn bè cẩu trệ nữa.

Thảo cũng nói:

– Từ nay hãy dẹp bỏ cuộc đời cũ, chấm dứt cái quá khứ… Một cơ hội để chị thức tỉnh, để hoàn toàn nghĩ đến bổn phận hạnh phúc. Cuối tháng này, anh Sanh cũng đi Mỹ, chị hoàn toàn dứt khoát, chị hết kêu rêu lúc nào cũng như cá mắc lưới.