Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 31 tháng 10, 2017

Văn học miền Nam 54-75 (447): Túy Hồng (17)

Tôi nhìn tôi trên vách (kỳ 14)

Ly champange băng giá đứng trước mặt tôi vẫn im lìm bình thản, còn chiếc cốc màu hổ phách trong tay Bích Khuê thì có đầy có vơi. Đối diện tôi là bà Tiên môi dày, mũi lớn, mắt nhỏ, da thô, ngực to, người ngắn ngồi ngâm mãi câu chuyện trong vấn đề nhà cửa.

– Chúng tôi phải bán căn phố ở Đa-kao cho cháu đi Pháp đấy ạ!

Người đàn ông mặc áo Montagut màu rượu chát nói:

– Lúc này phải có bạc triệu trong tay mới nói chuyện mua nhà, sang nhà được. Căn phố của bà chị ở Đa-kao hồi xưa mua có chín chục nghìn.

Bà Tiên đặt đôi đũa xuống bàn:

– Mua chín chục nghìn hồi đó… với lại còn sửa sang năm chục nghìn nữa!

Bích Khuê chắc lưỡi:

– Vậy mà bây giờ bán đến triệu rưỡi.

Tôi cúi xuống gắp miếng bào ngư nặng nề đưa về bát mình, bà Tiên nhìn sang ân cần:

– Cái món bào ngư ai bảo lâu tiêu chứ tôi thì thấy bổ đáo để. Năm kia tôi vừa sanh xong thằng cháu Phúc được ba tháng, tôi nuôi cháu lấy bằng sữa mình chứ không phải bằng sữa bò đâu, người ta mời đi ăn cưới, tôi ăn hết nửa đĩa bào ngư đấy, chị ạ. Ăn xong, về chưa tới nhà, sữa nó cương lên to cả hai bầu ngực, cháu nó vừa bú vừa sặc… Gớm, cái món ăn gì mà bổ, ăn xong ra sữa ngay.

Bích Khuê bỏ đũa ngồi khoanh tay:

– Mỹ rút quân về mà nhà cửa lại đắt đỏ hơn.

Bà Tiên mím môi:

– Mấy người nhà giàu, người ta lấy lại nhà rồi để không, chẳng cho sang cũng chẳng cho thuê, người ta bán hàng triệu, hàng triệu để đi ngoại quốc.

– Người ta ít bán lắm, người ta đem cầm cho nhà băng lấy tiền đi ngoại quốc. Bích Khuê lắc đầu.

Ly rượu rót từ đầu bữa ăn vẫn đứng lì, tôi từ đầu bữa ăn vẫn ngồi lì nhìn bát bào ngư nguội lạnh. Ly rượu không ham cưỡng bức tôi uống, những đĩa bào ngư, vi cá không ham cưỡng bức tôi ăn. Cả tuần nay Nghiễm không cưỡng bức tôi vào với chàng, Nghiễm buông lơi cho Bích Khuê kéo tay tôi đi ăn nhậu. Bích Khuê níu vạt áo dài tôi bước vào phòng trà, phấn son, giày dép, kiểu tóc thời trang, bảo tôi nô giỡn với quân bài lá bạc.

– Mi bỏ bê chồng con đau ốm, mi đi chơi bời, tau đuổi mi ra khỏi nhà lập tức. Cha tôi hét lên.

– Không ngờ lòng con Khanh nó ăn ở bạc. Cả tuần nay con Thảo con Trâm mang cơm vào cho thằng Nghiễm… Trông cái cảnh chướng quá! Ở Huế mà rứa là người ta cười chết. Mẹ ngậm ngùi.

– Lần nào mang cơm cho anh Nghiễm con cũng khai láo là chị Khanh đau nặng không đi đứng được. Thiệt chướng ghê… chướng quá! Thảo nói.

Mẹ lẩm bẩm:

– Càng lớn, cục chướng càng to… con cái!

Tôi mách với Bích Khuê cả nhà xúm lại mắng tôi chướng, tôi mách với Bích Khuê không bao giờ tôi kể lể chuyện xấu của chồng cho gia đình biết. Tôi chỉ muốn cực khổ một bề với chồng mà thôi, không muốn cực khổ thêm một bề nữa với gia đình. Tôi lấy chồng cho tôi, lấy chồng cho gia đình nữa, gia đình quan niệm như vậy. Nếu biết rằng chồng tôi ngoại tình, chồng tôi độc tài, chồng tôi hà khắc, chồng tôi vũ phu, gia đình sẽ mắng tôi thêm nữa, sẽ tức tối tôi thêm nữa. Thà rằng cực khổ một bề với chồng.

Xong bữa ăn, ra về trên xe Bích Khuê, tôi than thở:

– Đi chơi với mi có một tuần mà mắt trõm, mặt mày trơ tráo… Hồi sáng tau vào nhà thuốc tây cân trụt hai kí-lô đấy.

Một buổi chiều, tôi mang gói nho tươi vào cho Nghiễm, chàng cười buồn:

– Bích Khuê chắc làm em vui nhiều… Em đi chơi nhiều quá, thiếu điều độ, con người em trông héo, gầy mòn…

– Anh đã hết quyền hạn nói với em những lời đó rồi. Tôi nhìn xuống đất nói.

– Anh biết.

Nghiễm nằm nghiêng xem báo, nửa khuôn mặt của chàng hớn hở hồng lên trong một vẻ thư thái trẻ con, mái tóc vẫn cắt ngắn theo một kiểu chưng diện kín đáo, vài gốc râu lất phất trên mép khiến chiếc miệng càng thêm đa tình. “Nghiễm có đủ hạnh phúc với Bích Vân rồi, mình chỉ là một người vợ bị phế thải”, tôi lẩm bẩm như vậy và tôi đứng phắt dậy.

Tôi lấy tắc-xi ra ngay Thương xá Tax mua một tấm áo tắm hai mảnh ca-rô đen trắng để ngày mai đi Cấp.

Trời Saigon lúc này nóng phát khùng lên. Ra tới Cấp nhìn không thấy nước, chỉ thấy người, vạch người ra mới thấy nước. Tôi đứng dưới nước nói chuyện với một người đàn ông, hắn tên Thể. Tôi nói:

– Bích Khuê giới thiệu tôi với anh như vậy hơi lố…, tôi đã hai con rồi.

– Khanh quen Bích Khuê bao nhiêu lâu rồi.

– Bạn từ thuở còn học trường Đồng Khánh, từ thuở đệ nhất, đệ lục, chia đôi từng củ khoai, củ sắn. Thi đỗ xong tú tài phần một thì Bích Khuê lấy chồng…

Thể cúi người xuống cho nước lên ngay ngực, hỏi tiếp:

– Ở Huế chắc Khanh đi tắm biển Thuận An luôn?

Tôi nghĩ đến lời nói tôi thường bô bô với Nghiễm: “Hồi còn con gái ngực lép lắm, em không dám đi tắm biển!”. Tôi cười:

– Đàn bà con gái ở Huế mà đi tắm biển nhiều quá cũng bị người ta dị nghị.

– Chắc là cô biết bơi?

Câu hỏi kéo tui lôi về một vị trí sông nước có chiếc đò mui hai vừa vặn cho một gia đình đông con ngủ, có chiếc périssoire bốn chèo bầy con gái sáng chiều trườn mình trên mặt dòng Hương, có chiếc thuyền lan lá tre, có chiếc ghe sơn trét dầu hắc cho cha qua về đôi bờ sông An Cựu. Đó là bến sông thân yêu trước mặt nhà tôi. Tôi trả lời trong nụ cười:

– Tất cả người Huế đều bị con sông Hương quyến rũ phải tắm nó. Bởi đó, đa số người Huế đều biết bơi.

Thể rùng vai, đôi vai không được thẳng. Thể nhẹ cười, vành môi không được tròn. Bích Khuê bảo Thể có một hấp lực cuốn hút đời, vua của những góa phụ tươi trẻ.

– Chắc Khanh phải có biệt tài bơi lội?

– Ở Huế, nhà tôi nằm trên dòng sông An Cựu. Tôi chỉ bơi qua bơi về được hai vòng là mệt… Tính ra, sức tôi bơi ngang qua sông Hương được nửa vòng.

– Bây giờ, nếu tôi chết đuối chắc Khanh cứu?

– Không, tôi chỉ học bơi để cứu một mình tôi thôi!

Thể lướt tới:

– Nhưng ngộ nhỡ tôi chết đuối mà tôi cứ ôm Khanh như thế này… như thế này!

Thể chúc người xuống vòng tay qua vai tôi, bàn tay áp vào lưng dán mặt tiền thân thể tôi vào bụng và ngực hắn rồi buông tôi ra lướt lui. Tôi sực nhớ tới một câu văn gặp hoài khi đọc báo kiếm hiệp Kim Dung: “Động tác này diễn tả bằng lời nói thì thật lâu, thi hành thì cực nhanh”. Ôi! Đã xảy ra rồi một động tác, những động tác khác, những động tác đặc biệt sẽ còn nữa, còn nữa và cũng sẽ xảy ra cực nhanh, cực nhanh.

Gò má tôi nóng ran khi tôi cười:

– Anh chưa bị tôi đấm vào mũi, chưa bị tôi đấm vào mạng mỡ.

Bích Khuê từ đàng xa đi tới trong hai mảnh bikini màu đỏ, tay cầm cây kẹo eskimo.

– Khanh ơi, Khanh à, chiều nay tau phải về, có chuyện quan trọng ở Saigon.

Tôi sấn tới nhìn sát Bích Khuê:

– Về há, về há? Chiều về…, tau không muốn ở đây thêm một phút nào nữa.

Tôi bảo Bích Khuê dẫn đi mua hai ký mắm ruốc, đi mua một mớ măng le và hăm hở sửa soạn ra về. Bích Khuê nhìn tôi bĩu môi nói: Con này không biết ham chơi, không biết ham vui, ra về còn hăng hái hơn cả ra đi… tau mà đã ra tới Cấp là tau quên mẹ hết cả, quên mẹ Saigon…

Về tới Saigon, hai ngày sau, Bích Khuê lại nhà bảo:

– Vốn liếng của mi lâu nay dồn được bao nhiêu? Đưa tau ba trăm nghìn, mỗi tháng tau làm lời ra cho mà tiêu.

Tôi phì cười:

– Có xu nhỏ nào đâu… tụi tau làm ít ăn nhiều.

Bích Khuê mở xắc tô lại môi son rồi nói nhanh:

– Tối mai đãi khách ăn món Huế, ba giờ trưa mai mi lại sớm nấu nướng.

Bữa ăn cũng có mặt Thể. Hắn ăn đến hai tô bún bò hầm giò heo và tỏ ra thờ ơ với món bánh ướt cuốn rau diếp ăn với tôm chua. Bà Yến tỉ mỉ hỏi tôi cách làm món tôm chua ra sao? Có phải cho rượu vào không? Có phải cho phẩm điều vào không? Có phải cho thêm men không? Thể yêu cầu tôi thiết hẳn một chầu nem nướng nữa!

Mọi người kéo lui ra căn phòng phía sau nằm lên nệm hoa hút thuốc phiện, Bích Khuê rỉ tai tôi:

– Mi chịu khó ngồi tiêm cho thằng Thể rồi mi sẽ có món lợi lớn.

– Ngày bữa tê, ở bãi biển Vũng Tàu, thằng cha ôm đại tau, mi có thấy không? Chắc hắn định chiếm cứ tau một thời gian… Tôi nghênh mặt.

– Chiếm sao nổi… Bích Khuê bĩu môi.

Tôi liếc nhìn đồng hồ, chín giờ trên tay, chào Bích Khuê ra về, lấy tắc-xi lại chỗ Nghiễm. Chàng đang ngồi cúi đầu viết, miệng lỏng lẻo ngậm điếu thuốc lá, đôi mắt chàng trĩu nặng khó khăn nhìn lên soi bói khắp người tôi.

– Em bí mật đi đâu mà con người vừa đẹp vừa thơ.

– Con Bích Khuê đãi khách ăn, hắn biểu em lại nhà hắn làm giúp…, xong xả em mới lại đây.

Nghiễm nhíu mày:

– Sao không về nhà, lại vào đây làm gì?

– Em bây giờ như con chuồn chuồn… con chuồn chuồn cánh mỏng bay không được xa, bay qua bay lại gặp đâu đậu đó.

– Cái lối nói năng buông thả, ẩu tả đó, đừng xài với tôi. Nghiễm quắc mắt.

– Tôi mất chồng, tôi vừa đi vừa khóc, tôi đi lang thang kêu với thiên hạ là tôi mất chồng. Tôi bình thản.

Nghiễm vỗ hai tay vào nhau:

– Cô không chịu tìm hiểu, cô ghen tuông bướng bỉnh rồi đi hoang chạy bậy. Bích Vân là một mẫu đàn bà không đáng được cô ghen. Đó chỉ là một món hàng đi lạc vào tay ai thì người đó cầm…

Tôi cởi áo dài, tôi nằm lăn ra giường bịt tai lại. Nghiễm xông tới, nói rổn rảng, nói không mạch lạc:

– Món hàng đó lọt vào tay ai thì người ấy cầm, bằng chứng là từ ngày cô bỏ tôi để đi lêu lổng, tôi vẫn cô đơn, tôi ngồi dậy viết lách cầm chừng. Cô đi theo con Bích Khuê, cô đánh bạc với những con trâu lăn giàu có, cô tắm biển với những thằng đàn ông ở trần trùi trụi, cô hút thuốc phiện với con Bích Khuê. Cô phải biết, con Bích Khuê chẳng thơm tho tử tế gì đâu… nó tanh lắm, nó tanh tưởi lắm, nó vắt máu người để uống.

– Thôi, thôi… xin anh đừng nói xấu bạn tôi. Con Bích Khuê có thể chơi xấu với tất cả mọi người, bần tiện với tất cả mọi người, nhưng nó chừa tôi ra, nó rất tốt với tôi… Tôi đưa bàn tay ra.

– Cô không nghĩ là cô vác mặt rong chơi với bọn giàu bự trong thế giới của Bích Khuê rồi sẽ bị chúng khinh khi ra sao?

Tôi ngồi dậy mặc áo cánh, thay quần nằm xuống, quay mặt vào tường, mở mắt trao tráo. Quả thực tôi đã đuối sức, quả thực tôi đã vô cùng mệt mỏi, vô cùng chán chường trong cuộc chơi. Quả thực tôi bây giờ còn lại một bản mặt mất hồn, một cơ thể rời rã, tôi nằm đây và thấy rõ ràng cái ngán đang chồng cao trước mắt, cái ngán có hình cụ thể, cái ngán mang kích thước đồ sộ, cái ngán được ghép với hình-ảnh-cười-cợt của Bích Khuê. Bích Khuê bốc cháy theo cuộc vui, Bích Khuê yêu đời ngùn ngụt, Bích Khuê chỉ vào mặt tôi mà nói: Mi là một con ngu, mi đã buồn mà còn ngu thì chán quá, mi lúc nào cũng kêu than như côn trùng.

Tiếng ho hắc hắc của Nghiễm kéo đầu tôi quay nhìn chàng. Nhưng đang để ý đến cái lưng của tôi, chàng cười:

– Em hút cả thuốc phiện, thuốc phiện ngon không em?

Tôi chợt đằm thắm ngó chàng:

– Ngon ngất đi được!

Nghiễm méo miệng trong một vẻ hài hước, chàng lặng thinh vài giây đồng hồ rồi nói với tôi bằng một giọng kể chuyện: Không có bà Tiên nào đẹp bằng thuốc phiện, không có thân thể nào làm mình đê mê bằng thuốc phiện. Chín giờ tối anh nằm xuống với thuốc phiện, tám giờ năm chục phút anh vẫn còn đau khổ với cuộc đời, anh cảm thấy anh như thằng bé nghịch với cánh cửa bị kẹp tay, anh như thằng bé chạy vấp té; rồi anh nằm xuống, đau khổ tan ngay khi thuốc phiện cầm tay anh lên thổi một cái và đưa vào miệng mút một cái… Sức hôn mê của thuốc phiện mạnh lắm, đã hút vào rồi thì thật khó bỏ, mình sẽ mang bệnh dại thuốc phiện. Và, không phải chỉ có con người ta mới ghiền thuốc phiện mà thôi đâu, loài vật cũng ghiền thuốc phiện nữa. Có một con thằn lằn, không biết là thằn lằn đực hay thằn lằn cái, con thằn lằn bò trong phòng của một ông ghiền thuốc phiện, bò trên vách tường. Ông ghiền đêm nào cũng hút, con thằn lằn đêm nào cũng ngửi khói thuốc. Con thằn lằn đêm nào cũng bò ra với ông ghiền. Một ngày kia, ông ghiền hết tiền, ông mua xái thuốc về để nuốt, con thằn lằn vẫn bò ra trong phòng. Rồi đến lúc ông ghiền không có xái thuốc để mà nuốt nữa, ông toát mồ hôi, vật mình vật mẩy như chịu khổ hình, thì con thằn lằn đang bò trên tường cũng rớt xuống cái bịch. Người và thằn lằn cũng bị hành…

Nghiễm kể xong nằm co rút người, tôi đưa mắt nhìn lên bốn góc tường, nhìn ngọn đèn ống gật đầu nói:

– Chuyện anh kể dễ tin hơn chuyện người khác viết ra… Con cọp đến nhà rình mồi núp ở ngoài ngửi khói thuốc, con rắn nằm khoanh lại trên mái nhà ngửi khói thuốc, đâu có dễ tin bằng con thằn lằn… Con thằn lằn lúc nào cũng ở trong phòng với người, con thằn lằn bị thuốc phiện hành rơi xuống cái bịch. Chuyện của anh kể hợp lý lắm.

– Chuyện thật đấy chứ không phải chuyện bịa đâu.

– Để em phải kể lại cho con Bích Khuê nghe mới được.

Nghiễm im lặng một lúc rồi nói nhỏ:

– Em chơi sát với Bích Khuê, em giao thiệp bừa bãi với những hạng người trong giới ăn chơi với Bích Khuê. Chúng nó giàu có, là tỷ phú, em chơi với chúng không sợ chúng khinh khi sao?

Tôi nhủ thầm: thằng cha nằm ở đây bói việc mình làm, thằng cha thuộc lòng tính nết thói quen của mình nên coi bói không sai.

Tôi vênh mặt:

– Sao anh không chịu khó nghĩ là em bây giờ ra ngoài đường vẫn còn có thể có người mê được?

– Trái cây nào cũng có kẻ muốn ăn… xin em đừng đưa danh dự của anh ra để đổi chác với anh một cái gì – Nghiễm cười khan.

– Anh phản bội em ngay trước mắt em còn chưa đủ sao mà còn nói mặn nói nhạt?

Nghiễm phát một tiếng cười cụt đưa tay gãi cằm, rung đùi chầm chậm vài cái. Tôi nhìn lên cây đèn nê-ông sáng sống sượng, nhìn con thằn lằn trắng hếu bò sát trần nhà xanh; tôi nghĩ đến cơn hoang mang trống vắng, đồng thời tôi nhận thấy chồng tôi đang đưa tôi vào cõi cô đơn quá lớn. Nghiễm quay qua hỏi tôi nhiều câu nhưng tôi không trả lời vì tôi đang bận xức tí dầu Nhị Thiên Đường vào chót mũi.

Nghiễm hỏi bé Hiền nghịch quá thể là nghịch phải không em? Bé Hiền phá quá thể là phá phải không em? Chàng nhắc lại câu hỏi lần thứ hai tôi mới nói bé Hiền dạo này nhè vang vang, khóc rống lên mà không có nước mắt, đêm nào cũng bị nhốt cầu tiêu.

Buổi mai về nhà, thình lình nghe cha nói:

– Bộ vợ chồng con Khanh có lục đục ngầm chuyện chi mà coi cách cư xử của hắn càng ngày càng chướng.

“Càng ngày càng chướng”, từ ngữ đó thật đủ nghĩa, từ ngữ đó mang từ Huế vào để mắng tôi, từ ngữ đó tôi đã nghe từ ngày tháng thơ để tôi vẫn cảm thấy sự rầy rà là một lối tỏ tình thân mật. Vâng, vợ chồng con không khắng khít như tim với cật, như tóc với da đầu, như trầu với cau, như đèn với dầu, vợ chồng con tách rời hai khối, hai đơn vị, hai màu sắc, hai hình thể, hai chủ nghĩa, hai vấn đề… Vâng, vâng, đám cưới của con do tay con làm ra, tấm chồng của con do con tìm con kén, hạnh phúc của con do con vun con xới… giờ đây tất cả, tất cả sẽ do bàn chân con đạp vỡ, phá phách, hủy hoại.

– Chẳng thà bây giờ ở chỗ khác, bay làm gì thì làm khuất mắt, bay đừng ở chung… Tiếng cha trầm trầm.

Tôi đứng dậy mở rộng cánh cửa sổ rước một vùng nắng lớn vào nhà rồi đi lên lầu nằm dài ra giường. Trâm lấy tờ báo “Chính luận” mở coi lục quảng cáo nhà cửa. Trâm ở bàn biết chạy tới, dí móng tay nhọn vào hàng chữ nhỏ: “Nhà bán, đầy đủ tiện nghi ở hẻm sạch, rộng lớn, ngang bốn thước ba, lọt lòng ba thước ba, nở hậu một thước, dài mười bốn thước, giá nhất định chín trăm nghìn. Hỏi tại số 1001/37 đường Trần Quốc Toản”. Trâm bảo:

– Mua cái nhà này đi.

– Thà tau về Xóm Gà Gia Định tau ở còn hơn mua nhà đường Trần Quốc Toản. Mi biết không? Đường Trần Quốc Toản ngày xưa là chỗ đổ rác, dần dần, người ta đổ tràn ngập Sài-gòn, chật ních hết cả đường sá, nên người ta mới lấp những con đường đổ rác lại để xây cất nhà cửa… thành thử bây giờ, nhà cửa đường Trần Quốc Toản không biết sụp ngày nào. Mi thấy không, đi ngang đường Trần Quốc Toản, từ mặt tiền cho đến mấy con hẻm, biển bán nhà treo đầy mà có ai mua đâu? – Tôi trùn cổ.

– Đắt quá người ta không mua.

Tôi gật đầu chỉ vào hai chỗ quảng cáo:

– Mi coi hai cái nhà ni quảng cáo, mấy tháng trời vẫn còn quảng cáo, có ai mua đâu.

– Ừ… đối với tui nhà cửa không quý… sự thiếu thốn một chỗ ở tiện nghi tôi có thể chịu được.

– Tau đi mòn đường sá Saigon để tìm nhà. Tau nhận thấy mấy vị chủ nhà đường Trần Quốc Toản cắt cổ người quá ngon quá ngọt. Nhà bé bằng lon sửa bò, điện không có nước cũng không có, cũng hô lên là đầy đủ tiện nghi, chém của trời tám chín trăm nghìn… Mi biết không, ở con đường Trần Quốc Toản đó, mấy tên bợm chủ nhà hè nhau tăng giá lên vùn vụt làm mấy chỗ khác bắt chước? Họ làm hư sự cả nền sinh hoạt…

– Trời ơi! Đi thuê nhà, đi tìm nhà mà cũng mang oán hận đầy mình như rứa hả? Trâm kêu lên rồi trầm ngâm.

– Oán hận thật sự chứ không phải chơi đâu. Từ bụng mình suy ra bụng người… tau thấy dân nghèo thù oán địa chủ là hết sức phải.

– Bà này bây giờ thù khắp thiên hạ, oán cả bầu trời, giận cả mọi người… chán ghê! Trâm chép miệng.

– Bao nhiêu người điên đang sống giữa Saigon, trong đó có tau. Tôi vỗ nhẹ vào ngực.

Nỗi buồn của buổi sáng thật nhẹ nhàng, một thứ buồn táy máy, gần gũi, lâng lâng trong tim và đầu. Tôi chợt dừng mắt trên hộp diêm quẹt có nhãn in hình con ngựa đựng hai chục que diêm nằm im. Tôi mở hộp diêm quẹt vo vo mấy đầu diêm tròn nghĩ đến hình thù những tia lửa sẽ le lói. Từ ngày lấy chồng, tôi có những cơn vui nhỏ như que diêm đỏ, ngắn như que diêm đỏ, nhanh như que diêm đỏ, và, trong tâm tưởng hình như bao giờ cũng thường trực một nỗi buồn ở lại. Nỗi buồn có những cơn giận tầm thường lởn vởn trong công việc hằng ngày, không cho tôi nhập vào giấc ngủ một cách dễ chịu thanh thản, bức bách tôi cười gượng gạo và sống sượng.

– Chuyện Khanh!

Trâm nhìn kỹ vào cổ tôi:

– Cái thóp ở cổ chị nhảy nhảy mau quá.

– Lúc này tau mệt đứ đừ, chắc là tim đập nhanh.

– Không phải, người ta bảo đàn bà có thai thì cái thóp ở cổ đập nhanh. Chị có thai nữa rồi.

– Ẩu, mi! Nói nghe ghê cả người. Đừng nói dại chuyện đó mi, tau sợ lắm.

Trâm cười ngờ vực, tôi tiếp:

– Có thai là tự sát.

Tôi nằm vật xuống, ôm chiếc gối vào bụng, mặt quay nhìn tường. Tiếng nhạc buồn bên nhà hàng xóm với hai giọt nước mắt rơi vào trên môi, lưỡi và mũi. Nhiều ngày rồi, tôi nằm tôi ngồi im sững, nhiều đêm ròi tôi không vào thăm chồng.

Chị Khanh ơi, anh Nghiễm sai em đem hai cái áo này về cho chị vá, với lại chị mạng lại cái quần cho anh đi. Chị Khanh ơi, anh Nghiễm bảo chị làm món thịt bò xào cho thêm tỏi nhiều nhiều vô cho thơm. Chị Khanh ơi, sao chị không vào với anh Nghiễm? Sao chị ở nhà hoài vậy? Trâm kêu lên bằng những tiếng om sòm nhỏ, Trâm khua động vài nỗi huyên náo mơ hồ. Trâm bảo tôi vô nghĩa và khó chịu. Mẹ nói:

– Chướng quá, con ơi! Hay là vợ chồng bây có chuyện chi?

– Lúc còn con gái mà buồn thì cha mẹ em út có thể khuyên giải được. Lấy chồng rồi mà buồn thì chỉ có trời khuyên. – Cha nói.

Buổi tối vào với Nghiễm, chàng cũng kêu:

– Trông em hốc hác quá, mặt mày như vêu ra.

Nghiễm ngừng nói nhìn ra cửa đón người bạn tới thăm, ông bạn vắt chân ngồi chữ ngũ lấy ra năm lạng cao hổ cốt nói rằng đây chính là thứ thiệt, thứ tín nhiệm, khuyên Nghiễm nên lấy cho chàng ăn, con ăn và tôi ăn. Chưng lên với mấy thìa mật ông thì ngon như mạch nha và bổ khoẻ vô cùng tận. Nghiễm áy náy:

– Trẻ con cũng ăn được sao? Các cụ bảo phải trên bốn mươi tuổi mới dùng được thứ này.

– Người Huế tôi cho rằng trẻ con ăn cao hổ cốt thì có dòi trong tủy. Tôi cũng cười.

Ông bạc lắc đầu:

– Ăn thứ giả cơ, đây là chính cống cao xương cọp.

– Tau đau gan không biết uống thứ này có được không? Nghiễm hỏi:

– Tốt lắm.

Đem năm lạng cao về nhà, mẹ đeo kiếng đưa lên tận mắt săm soi, ngắm nghía, rồi để lên bếp chưng cách thủy với mấy muỗng canh mật ong, cho vào cái lọ thủy rộng miệng. Mẹ dặn mỗi ngày Nghiễm phải ăn hai cùi dìa nhỏ và tuyệt đối bé Hiền, bé Mimi không được dùng sợ có dòi trong tủy.

Nghiễm bây giờ đã ngồi dậy viết cầm chừng cho một tờ báo hằng ngày. Cha mẹ cau mày hối thúc tôi phải luẩn quẩn bên chàng, ép buộc chàng uống cao hổ cốt.

Nghiễm bưng miệng, Nghiễm úp mặt trên gối, chàng xua tay, chàng khua chân khi tôi múc một thìa mật cao năn nỉ chàng uống. Chàng sợ thuốc Bắc, chàng ngấy vị ngọt, chàng ghê màu đen, tán tụng chàng đến gãy lưỡi mới nhét được chiếc muỗng cà phê vào miệng chàng.

– Dỗ dành bé Hiền ngồi cắt tóc còn dễ hơn cho anh uống thuốc bổ. Anh là một đứa trẻ con quá lớn, đầu anh cứng. Anh đã làm việc trở lại, anh phải tẩm bổ chứ! – Tôi quát lên.

Nghiễm đã làm việc trở lại, chàng phải dồi dào sức khoẻ. Tôi phải làm cho chàng dồi dào sức khoẻ. Cao hổ cốt là bổ nhất, bổ dồi dào, bổ thượng hạng.

Bỗng dưng tôi cảm thấy sự thiêng liêng của sức khoẻ, sự thiêng liêng của bình mực và ngòi bút, sự thiêng liêng của ba ngón tay chụm lại trên cán bút, sự thiêng liêng của hơi thở và khói thuốc, sự thiêng liêng của những dòng chữ sai văn phạm, sự thiêng liêng của những cử chỉ quá tầm thường trong đời sống và, sự thiêng liêng của những săn sóc âu yếm tôi dành cho chồng.

Bây giờ, buổi tối ăn cơm song, tôi đấm lưng cho chàng, chiếc lưng lúc nào cũng kêu mỏi; tôi lấy dầu nóng bóp chân cho chàng, bàn chân luôn luôn sung sướng rung lên. Tôi phải đấm lưng, tôi phải bóp chân, chàng mới chịu uống cao hổ cốt.

Cha mẹ đến thăm Nghiễm, thấy chàng vui tươi hồng hào, liền gật đầu khen:

– Ngó bộ khoẻ nhiều quá rồi.

Bích Khuê luôn luôn hỏi thăm:

– Chồng mi dạo ni lành chưa?

– Chưa lành hẳn nhưng khá lắm rồi mi ơi.

– Đi Đà Lạt chơi! Bích Khuê ân cần.

– Thôi đi mi, bỏ con cho ai?

– Bà ngoại đó, mấy dì đó, lo chi… cho con về ngoại là hợp lý nhất, không còn gì hợp lý hơn nữa.

Tôi chỉ cho Bích Khuê xem chiếc áo dài vừa mới may màu thật lẳng, thật nhức mắt. Buổi chiều tôi mặc chiếc áo đó dự khán một chương trình nữ công của con gái bà Hạnh ở một biệt thự sang trọng đường Phan Thanh Giản. Sau khi xem qua loa mấy món bánh Tây, Bích Khuê kéo tôi về nhà hắn chơi. Ở đây, khi Bích Khuê và tôi về tới đã có sẵn ba vốn vị nữ khách đang ngồi gọt táo ăn. Một bà hỏi:

– Chị Bích Khuê sao về sớm vậy?

Bích Khuê ngáp:

– Thì giờ là vàng là ngọc, xem xong mấy kiểu bánh phát ngán lên rồi, không còn can đảm để mà ngồi ăn mấy kiểu bánh đó, rồi phải ngồi im nghe đánh đàn, rồi phải lựa lời khen mấy mẫu thêu đẹp…

Bà hoa cười:

– Thì người ta trưng bày con gái…

Bích Khuê đứng lên:

– Các bà chắc quần nhau chán rồi.

Bà Yến mở ví đầm nhìn vào gương vén lại mấy cọng tóc con, tô thêm vành môi, đong đưa đôi mắt long lanh:

– Moa phải về bây giờ, hai ngày lu bù li bì rồi, nhớ nhà…

Một bà khác hưởng ứng:

– Moa cũng về bây giờ, moa vào trong tắm cái đã.

Thể lệt sệt bước vào, thờ ơ ngồi, miệng ngậm cứng ống píp, với tay lấy tờ báo như để ý đến ai, rồi một lát ngẩng lên, hất hàm hỏi Bích Khuê:

– Ma-đam Phụng không có đến đây sao?

Bích Khuê trỏ vào nhà trong:

– Chị ấy đang tắm, chị ấy cũng sắp về.

Ánh mắt Thể lừ đừ quay sang tôi:

– Từ Vũng Tàu về đây hóa ra là một con đường tròn.

Bích Khuê nhướng mắt nheo mày:

– Con nhỏ Khanh ngờ nghệch lắm, có khi nó không hiểu anh muốn nói gì.

Thể nhấc ống píp đặt lên bàn:

– Tôi muốn nói tôi không ngờ có cái sung sướng gặp lại Khanh ở đây.

Phụng tắm xong ra ngồi ở phòng khách, mở bóp đầm làm lại nhan sắc trong một cung cách lanh lẹn nhẹ nhàng. Nàng mở choàng mắt trong gương, mím môi nhe răng trong gương, nàng tìm kiếm những đồ vật trên bàn. Vẻ mặt Phụng chợt đổi ra ngơ ngác, hoảng hốt rồi ngây dại, nàng đứng lên cái phắt, ngó dáo dác chung quanh, ngồi vật xuống rồi vụt chạy ra sau. Phụng trở vào líu giọng hỏi:

– Chiếc nhẫn hột xoàn của tôi mất đâu rồi? Có ai thấy không?

Mọi cặp mắt đổ nhìn trên Phụng rồi dáo dác truyền tin nhau:

– Rõ ràng tôi vừa mới cởi ra để đi tắm.

Nhiều người cùng nói:

– Vào xem trong buồng tắm thử… chắc là để trong buồng tắm. Cái mặt hột xoàn to bằng hạt ngô, chứ đâu có ít… chắc còn nằm trong buồng tắm.

– Tìm suốt cả buổi, không có cái góc cái kẹt nào trong nhà này mà tôi khỏi tìm. Phụng nhăn nhó.

Thể đề nghị:

– Bây giờ hãy tìm trong xắc tay mọi người.

Mọi người đàn bà cùng mở xắc tay mình ra kêu cắc cắc và đưa cho nhau khám xét, bà Thu để mắt dòm kỹ vào cái nội dung thanh bần cái ví đầm của tôi gồm chiếc khăn mùi xoa, vài chục bạc đi xe, tấm hình của chồng con và thẻ kiểm tra mới đổi. Đôi mắt sắc như dao bào của Phụng liếc tôi rồi nói lớn:

– Ai lấy của tôi thì trả ngay không tôi đi cớ bót.

– Bày bàn cầu có xin cơ huyền diệu vạch mặt chỉ tên quân ăn cắp ra… Bàn cầu cơ của chị Bích Khuê linh thiêng lắm. – Thể thủng thẳng.

– Phải rồi phải rồi… cầu cơ cầu cơ, cái mặt ai đó ăn cắp sẽ xì ra ngay… Thôi đi, ai có lỡ tham mà lấy của người ta thì hãy bỏ ra trước đi, đừng để cơ chỉ mặt, xấu hổ lắm. – Nhiều câu hưởng ứng.

Tôi cúi xuống mười ngón tay không đeo nhẫn. Tôi đang sắp hàng với những người đàn bà có những ngón tay đeo nhẫn ngọc cùng hột xoàn lấp láy để đứng trong xã hội. Cái thân phận của tôi quá lạnh, cái thân phận không đồ trang sức. Tôi đã từng dằn vặt Nghiễm cái thân phận của tôi thì lạnh nhưng giọt nước mắt của tôi thì nóng. Thân phận tôi đang đặt cạnh những thân phận nóng hổi thèm khát đồ trang sức, thèm khát nhu cầu vật chất.

– Nội trong này, tôi biết có một người đã lấy cắp chiếc cà rá hột xoàn của tôi… xin người đó trả lại, tôi không làm khó làm dễ gì đâu. – Phụng rắn giọng.

Bà Thu chắc lưỡi:

– Chiếc cà rá trị giá tới hai trăm nghìn!

Phụng nhấn giọng thêm:

– Tôi biết người đó vì nghèo mà lấy cắp của tôi. Khi người ta vì nghèo mà ăn cắp thì người ta có thể hưởng được sự tha thứ.

– Ở đây tôi biết có một kẻ nghèo, một kẻ nghèo có tác phong sang trọng, một kẻ không có tiền mà có tính. – Bà Thu gật đầu.

– Ở đây không có ai nghèo hết… Các bà đừng có khinh tôi nghèo. Thể xua tay. Rồi Thể xoay qua Bích Khuê: Chị mời người ta lại dây chơi. Chị mời toàn người giàu hay có xen lẫn người nghèo nữa? Xin chị giấu tên kẻ nghèo đó cho.

Cơn tức vọt cao, mười ngón tay lạnh, hai vai tôi lạnh, tai lạnh, tôi lướt lên cầm lấy bả vai Phụng dồn hết hơi mà hét bằng một giọng vô cùng oán độc:

– Trong những người đứng ở đây chỉ một mình tau nghèo, chỉ một mình tau nghèo… mày muốn nói vậy phải không?

Phụng lùi lại, đột ngột hốt hoảng nhìn mọi người rồi hỏi:

– Chị muốn gì?

Tôi tiến thêm một bước, đưa một bàn tay bấu cứng vai Phụng:

– Có phải mầy muốn hô lên tau ăn cắp chiếc nhẫn hột xoàn của mày? Màu muốn đổ vấy cho tau?

Phụng nhìn Bích Khuê, nhìn bà Thu, nhìn Thể ríu giọng nói nhanh:

– Chị muốn gì? Tôi hỏi ai lấy chiếc cà rá của tôi thì phải trả lại.

Tôi nghiến hai hàm răng tôi tưởng vụn ra như đường cát, dong thẳng cánh tay tát Phụng một cái mạnh như có tra vũ khí. Bọn đàn bà trong phòng nhốn nháo cả lên. Thể đến ôm tôi lại. Bích Khuê đứng ra trước mặt Phụng ngăn cản. Bích Khuê hốt hoảng:

– Khanh ơi, mi nóng quá… mi nóng quá. Cho tau can, mi nóng quá không được.

Tôi nói cùng với những giọt nước mắt đổ ra nóng hổi trong cơn khóc chợt đến tươi rói và thình lình:

– Bích Khuê ơi! Mi tốt lắm, nhưng, đến bây giờ tau mới biết là không nên chơi với mi. Khi tau nhận ra chồng tau nói có lý thì đã chậm rồi, danh dự của chồng tau, danh dự của con tau…

Tôi quay lại Thể:

– Ông buông tôi ra.

Tôi ngang ngửa nhìn Thể, đôi mắt tôi xấc láo, đôi môi tôi sắc lẻm, tôi nhìn Thể như nhìn một khỉ đột. Tôi vung hai bàn tay đập Thể, gạt Bích Khuê xông tới vồ lấy Phụng vây lấy đầu tóc kéo rị. Phụng nhảy tong tong, kêu réo Thể, Phụng cúi xuống cầm một chiếc hài cườm lên. Tôi rít răng:

– Tau liều chết để giết mi.

Tôi hung hãn húc đầu vào ngực Phụng, tôi cào xé mặt Phụng, tôi loi, tôi đấm đá, la réo. Tôi quên tôi đang tét đầu, đang chảy máu, đang xước cổ, đang bị xé rách áo, đang xổ tung đầu tóc. Tôi không đau vì những ngón đòn bị đánh trả, tôi hả hê sung sướng vì những ngón đòn đánh đi. Tôi kêu la: Tau liều chết để giết mày. Tau liều chết để giết mày. Mày giàu có thì mày xây lăng cho ông nội mày, mày giàu có thì mày mua áo quan đẹp cho con mẹ đẻ mày. Mày tưởng mày giàu có rồi mày ăn nói trên đầu trên trốt người ta sao? Mày tưởng mày giàu rồi mày la hét rằng mày mất của rồi mày phao vu cho người ta ăn cắp. Mày tưởng mày giàu có… Mày là con giun lãi trong bụng, một đầu là đực, một đầu là cái. Mày là một con vặt nhơ nhớp, ghê rợn nhơ nhớp… mà tau không muốn chà chân lên, đạp chân lên.

Tôi lồng lên, mạnh mẽ, hung hãn, Phụng vùng chạy quanh rồi cầm lấy chai rượu đưa cao:

– Tau phang vào đầu mày.

Tôi vẫn lao vào Phụng. Thể nhảy bổ tới cầm tay Phụng vặn ra sau giữ chai rượu lại.

Thể lắc đầu:

– Vu cáo người, hành hung người.

Bích Khuê và hai người đàn bà kéo tôi lui, gài lại cúc áo cho tôi, vuốt tóc, lau máu và sát trùng những vết thương.