Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 1 tháng 10, 2017

Văn học miền Nam 54-75 (439): Túy Hồng (9)

Tôi nhìn tôi trên vách (kỳ 6)

Cái máy rang bắp mua về đặt trước cửa. Những ngày đầu tiên trẻ con trong xóm kéo ùa tới họp đảng, nô giỡn phá phách, chửi thề nói tục dội vào trong nhà những tiếng động, những tràng huyên náo ê óc, đừ đầu. Con bé Hiền giật mình liên hồi, tay chân đưa lên quơ quơ và khóc thét luôn. Ban ngày tôi phải bế con lên lầu. Nghiễm bịt hai tai lại: “Nghe nát cả não ra!”.

Cha về hưu ở nhà trông coi việc bán bắp mỗi ngày kiếm được vài trăm bạc tiền chợ. Tối đến cha ngồi xem ti-vi từ đầu tấu đến mãn táng, quen thuộc thân thiết hết cả tên tuổi mặt mày tài tử, ca sĩ, xướng ngôn. Bên cạnh cha là mẹ, cũng thuộc tên, thuộc mặt cả cái xã hội ti-vi. Mỗi lần một ca sĩ xuất hiện, cha hỏi:

– Ai rứa?

Mẹ biết nhưng không trả lời, cha cũng biết nhưng cứ hỏi:

– Bợm này là ai?

Tôi giao con bé Hiền cho mẹ săn sóc. Nghiễm dạo này ít thức khuya nên người mập ra đôi chút, chàng vẫn uống bia ở nhà, uống rượu ở ngoài đường. Chàng đọc tin coca-cola có dòi nên chàng không uống bia chai nữa mà chàng uống bia hộp trong vòng hạn chế. Tôi nói:

– Anh bắt đầu có dấu hiệu ngoan rồi đấy. Em bắt đầu có hạnh phúc. Bỏ uống bia đi anh, uống nước lã nhìn nhau, đừng uống bia nhìn nhau.

– Anh bây giờ chỉ còn có một thú vui duy nhất là uống bia. Ban đêm không uống bia thì không ngủ được.

– Thế sao em không uống bia và vẫn ngủ được?

– Em thì nhất ăn nhì ngủ, lúc nào cũng nhất ăn nhì ngủ.

Tôi không cười, Nghiễm tiếp:

– Bây giờ kinh tế đắt đỏ, em bớt ăn, ngủ nhiều đi, nhất ngủ nhì ăn.

– Em ăn gạo Mỹ rẻ tiền, mỗi buổi ăn ba bát cơm với vài cọng rau, vài múi đũa đồ xào tốn kém không bằng một phần mười lăm của anh.

– Xe đạp bây giờ mười ngàn đồng một chiếc.

– Đắt quá, thà chạy còn hơn!

Nghiễm chợt hỏi:

– Hai ngày này anh không thấy mặt Thảo.

Tôi chắc lưỡi:

– Đau, hắn đau.

– Sốt ba mươi bảy độ, con Thảo sốt cho mấy cũng ba mươi bảy độ là cùng.

Nghiễm nhìn tôi cười vui: Để ý nết đau là biết tâm tính mỗi người. Khi con Thảo đau, hắn làm náo loạn cả nhà lên, hắn rên hừ hừ như sốt rét rừng, miệng luôn luôn ọc ọc ọe ọe làm như lúc nào cũng sẵn sàng nôn ra từng thau… Hễ đắng miệng là con Út đi mua ô mai, hắn lạt miệng là con Cúc đi mua kẹo, cháo không ăn, sữa không uống, cứ cả ngày sai con Út cầm tô đi mua phở, mua hủ tiếu.

– Anh luôn nói xấu người khác để anh nổi bật lên.

– Thế em không thấy mỗi lần con Thảo đau nặng, mệt nặng đưa tay lên ngực, gập cái lưng xuống là cô vội vàng lấy ống thủy ra cặp, cặp mấy lần cũng chỉ ba mươi bảy độ.

– Nó đau bụng làm sao tăng nhiệt độ được!

– Chị em cô thì cứ đau ít kêu nhiều, ít khi chịu đựng.

Tôi hát một câu ngắn, vào mở tủ lạnh lấy ra hộp nước chanh khui uống. Nghiễm nói:

– Con Trâm con Thảo cứ ham ăn ham uống không nghĩ đến đi chơi, không nghĩ đến tình yêu… Gái Huế chậm lo quá nhỉ?

Tôi gục gặc:

– Xứ Huế nhiều chùa chiền nên gái Huế đứng đắn lắm. Không có chuyện tình vu vơ. Ai hỏi thì lấy, ai không hỏi thì thôi.

Chuyện tình yêu của Thảo của Trâm? Tôi thấy chúng tảng lờ như không. Cả ngày núp kín trong nhà như gián ống, như thằn lằn. Chúng sống nửa chơi nửa thiệt buông dông thả dài nói cười ồn ào chẳng đi đến đâu. Chúng lớn sầm sầm cái đầu mà cứ ngỡ rằng hôm qua mình còn bé, còn bắt kiến nhét vào dầu Nhị Thiên Đường, còn dồn đom đóm lùa vào chai cho hào quang loang lên rực rỡ. Tôi bảo Nghiễm:

– Chị em chúng tôi đứa nào cũng số cao, số khó, thành ra lấy chồng không phải là chuyện dễ, chị em tôi đứa nào cũng khó lấy chồng… vừa vô sản,vừa cổ hủ.

Tôi nằm lăn xuống đi văng gác chân lên thành giường nói có phần chậm rãi: Mấy đứa em tôi nó lười đi lắm cơ, đến nỗi cha mẹ phải đuổi chúng ra đường.

– Tại sao chúng không đi chơi nhỉ? Làm con gái thì tội gì mà phải thủ tiết với ai!

– Ui! Ai hỏi thì lấy, ai không hỏi thì thôi, cóc cần!

Tôi lăn mình ra nằm ra xa một tí rồi nói tiếp:

– Chúng nó muốn quay về đời xưa tự giam lỏng giữa bốn bức tường sâu kín. Đúng vậy, chúng đã trở về đường xưa lối cũ… Như cái cổ áo dài phụ nữ sau bao nhiêu thăng trầm biến chuyển leo cao sáu bảy phân, trụt xuống ba phân… giờ đây cũng đã trở lại thấp ngắn như xưa.

Tôi nghĩ thấp thoáng đến hai cái lỗ nhỏ xíu xuyên qua đôi tai bé gái còn ẵm ngửa, đến mái tóc trời sinh ra vốn thẳng của bé gái từ thuở chào đời. Sự làm đẹp đầu đời cũng là tóc thẳng, tai bấm và ngày hôm nay có người đang quay về sự làm đẹp đầu đời. Tôi ngồi lên cặp ngược đầu tóc cho gọn:

– Anh Nghiễm này, em có một yêu sách, một nguyện vọng cần phải đòi, phải đạt cho được. Nếu anh không chịu, không cho em thì…

– Thì sao?

– Em sẽ ngồi suốt cả đêm cho đến sáng, suốt cả ngày tới tối, như các sư sãi người Miên hiện đương ngồi trước dinh Độc Lập.

– Cô muốn gì?

– Đi học lại, em đã ghi tên vào Văn khoa rồi.

Mép cười của Nghiễm hơi méo, chàng nhìn tôi:

– Đi thì đi… nhưng chỉ sợ mẹ đang ngồi học ở trường thì con ở nhà đã ăn cứt.

Con bé Hiền được nuôi theo sách Tây, suốt ngày nằm dài trong nôi, cách ba giờ bế dậy cho ăn sữa một lần. Bé Hiền không được trông coi sờ mó thường xuyên nên một hôm bé Hiền bốc lấy cứt mình mà ăn khiến Nghiễm la lên hốt hoảng. Tôi gạt chàng ra nói: Cứt con nít còn nằm nôi là cứt sạch, cứt sữa, không hôi, không bẩn, làm cha làm bố gì mà cuống cuồng lên vậy.

Nghiễm bưng mặt:

– Ghê quá!

Nghiễm vẫn thường trách tôi không biết giữ gìn đồ đạc tư hữu: áo dài sắm thật nhiều nhưng khi muốn mặc lại không sẵn sàng, giày dép đóng mấy đôi khi muốn mang một đôi thích hợp lại không có, son tôi cũng cho mượn, phấn tôi cũng cho mượn, cặp tóc tôi cũng cho mượn. Nghiễm thường bảo các em tôi không sợ tôi, chị em gì mà cứ gọi tên nhau ngang tàng không phân biệt ngôi thứ, chị em gì mà nhốn nháo như bầy chim bồ chào, như trong một chế độ bộ lạc man rợ mà ai cũng là tù trưởng chẳng ai nể nang mến phục ai. Nghiễm bảo:

– Con Trâm hiền hơn con Thảo, con Thảo bắt nạt cả nhà, anh thấy đứa nào cũng sợ con Thảo.

Tôi ngắt:

– Ui… cái con Thảo hay dọa hơi, ai hiền thì hắn làm tới, hắn như con ngỗng chỉ có tài mổ đít trẻ con.

Hồi trưa tôi với Thảo gây lộn nhau một trận lập lòe đóm mắt. Thảo quát ầm ĩ la lối át cả tiếng tôi rồi vừa cười gằn vừa khóc như trời nửa mưa nửa nắng trong một tài hoa kỳ dị về khoa ngôn ngữ xảo quyệt. Cha đang ngủ trên lầu bị gọi giật dậy bước xuống vừa lúc tôi im lặng, vừa lúc Thảo trề miệng:

– Tưởng sang, tưởng có chồng là sang lắm!

Tôi quay sang cha:

– Cha dạy nó đi… Nó nói xóc óc con, cha không dạy nó thì ra đường người ta cũng dạy nó. Ngày mai con sẽ dọn nhà đi chỗ khác.

Cha nhăn mặt:

– Ở trong nhà có anh rể sao tụi bay không giữ gìn gì cả. Con Khanh, con Thảo, con Trâm, con Cúc, con Út… tụi bay cần phải tích cực duy trì an ninh, phải giữ mình từng miếng nhỏ. Mấy đứa bay là con gái sao lại hay nổi nóng. Kiểm điểm lại những hao hại trên đời sống phần nhiều do sự nóng giận và tự ái mà ra.

Cha nói bấy nhiêu rồi cha bỏ lên lầu. Tôi đi vào phòng, sau lưng cái nguýt dài của Thảo. Tôi nghĩ rằng em cũng như chồng, con Thảo cũng như anh Nghiễm, không bao giờ tôi để bụng giận, không bao giờ tôi tức tối quá độ. Người đàn bà này biết rằng khi nàng giận lên thì con người nàng teo tóp lại còn một tí tẹo, con người nàng rút nhỏ thu bé lại, hẹp hòi lại và ti tiện lắm lắm. Rồi khi cơn giận nguôi, người đàn bà này cảm thấy thương mình muôn vàn, tội nghiệp mình muôn vàn vì nhận thấy mình nghèo. Bởi đó, nàng không muốn tự thu nhỏ lại, nàng nên cư xử lớn, phóng đại mình ra cho nở nang tâm hồn óc não. Khôn ngoan nhất là người không bao giờ giận ai. Giận là mất mát, là phá tan mối liên hệ giữa nhân và ngã.

Tôi đánh thức Nghiễm dậy:

– Em không còn giận anh nữa!

Hai con mắt Nghiễm mới mở được một con:

– Cái gì, cái gì?

– Em không còn giận anh nữa!

– Cái gì? Chẳng hiểu gì hết!

– Chúa và Phật đều bảo đừng nên giận kẻ đáng giận, đừng nên trách kẻ đáng trách, đừng nên phản bội kẻ đáng phản bội, đừng nên độc ác với kẻ độc ác!

Nghiễm ngóc đầu lên:

– Nói lăng nhăng gì vậy?

– Em không còn giận anh nữa.

– Đa sự!

Nghiễm lấy thuốc lá ra hút vài hơi rồi gắp lên tay:

– Em mà giận anh thì em đi giận hết cả và thiên hạ cho rồi!

Tôi chỉ vào mũi chàng:

– Tấm chồng này là tấm chồng tuyệt hảo, nuôi vợ ăn học để vợ nên người.

Tôi trề môi ngắt tiếng cười thành từng cái hức hức. Nghiễm nhếch mép:

– Em thành tài rồi em đừng phụ anh nhé.

Tiếng cười của tôi thì dài, tiếng cười của chàng thì ngắn. Khuôn mặt trẻ của chàng cho tôi cảm giác tươi mát ngọt ngào như mùi kem đánh răng còn trong miệng mỗi buổi sáng, mùi thuốc gội đầu còn thoang thoảng ở từng chân tóc mỗi chiều cuối tuần.

Tôi cười trong khi nói:

– Anh Nghiễm! Tại sao anh cấm em đi làm mà cho phép em đi học?

Tôi đứng dậy mở tủ lạnh lấy bình sữa châm nước sôi lại cho nóng để Khanh Hiền bú xuất sáu giờ.

– Tại sao vậy anh? Em đi làm thì anh cấm mà đi học thì anh cho?

– Hứ… Có lần anh vào nhà thương Chợ Rẫy xin cái giấy chứng thương. Ngồi đợi thôi suốt cả buổi, mặt nhìn hết cái này đến cái nọ, ngồi đợi ông giám đốc ký giấy, anh mới quan sát anh y công phụ trách việc đưa giấy tờ vào cho ông giám đốc ký. Thằng cha y công thuật xuất sắc, mấy bà y công đem giấy tờ ở mấy phòng khác về lấy chữ ký đều bị thằng cha đưa tay bốc chụp lung tung trên thân thể rồi vuốt trộm đùi, vuốt trộm ngực. Mấy người đàn bà đó đều có chồng, chồng họ đâu có biết vợ mình đi làm bị bốc bị chụp… Mấy bà đâu có phản kháng, cười xòa xòa tự nhiên như quen quá đi rồi. Ban ngày đi làm giao thiệp với những kẻ chụp đùi chụp ngực, ban đêm về nhà sinh hoạt với chồng với con. Mấy ông chồng đâu có biết sự giao du của vợ mình ở sở… Bởi đó anh nghĩ đến những sự giỡn hớt giữa các thầy ký với các cô ký, thầy y tá với cô y tá. Anh mới kết luận, vợ ai đi làm được chớ vợ anh thì không thể đi làm được. Ai để vợ đi làm được chứ anh thì không thể để vợ đi làm được.

Tôi chun mũi:

– Ui cha ơi, chấp nê hẹp hòi, suy bậy nghĩ bạ chọc giận cả nước ta.

Nghiễm lấy thuốc ra hút, tôi tiếp:

– Nhưng nếu vợ anh đi làm thật nhiều tiền anh có cho không?

– Gạt em đi! Vợ càng kiếm được nhiều tiền càng nên không cho đi làm. À… Khanh này, mai đi chợ mua rau cần về xào thịt bò cho anh ăn nghe!

Những cọng rau cần thật xanh thật mát, thật giòn, những lát thịt bò mỏng tanh, đỏ sẫm mềm múp, đó là sở thích của Nghiễm. Tôi đến bên nôi con cúi xuống thay tã thì tiếng mẹ kêu to bên ngoài:

– Khanh ơi! Có khách!

Tôi thay chiếc áo cánh đến trước gương đi vài nhát lược lên mái tóc rồi bước ra.

– A! Anh Vui.

Người đàn ông đang ngồi xem báo lật đật đứng lên:

– Chị Khanh, tôi mang xấp bài lại cho chị.

Tôi xuýt xoa:

– Anh tốt quá, cám ơn anh.

– Có chi chị.

– Anh uống nước chanh muối nhé!

Tôi chạy lên lầu vỗ vai Trâm:

– Mi pha giùm tau một ly chanh muối đem ra cho thằng nhỏ uống nghe.

Trâm long lanh mắt cười đứng dậy:

- Anh Nghiễm đi làm hả? Chị rước trai nhỏ về nhà nghe!

– Trai nhỏ! Hừ! Bốn con rồi đấy.

Anh chàng Vui cầm thìa khuấy mãi ly chanh muối không uống, tôi càng lúc càng giục gấp:

– Anh uống đi chớ! Uống mau anh. Lứa chanh này tôi muối hơi mặn.

– Không… nước chanh này ngọt lắm!

Tôi cười hắc hắc lấy tay che miệng:

– Con em tôi cho vào năm muỗng đường đấy anh ạ!

Tôi cầm xấp bài đặt ở bàn lên:

– Anh chạy bài cho tôi đầy đủ quá… cám ơn quá…

– Có chi mà chị. Còn xấp triết Đông phương để chiều mai tôi đem lại chị.

Vui về rồi, tôi vừa mở xấp bài xem vừa ư ử hát: “Tình yêu như bãi cát hoang dài vô tận. Đường xa in những dấu chân người âm thầm… Tìm em như trót bước chân vào sa mạc…”.

– Bà này có chồng có con rồi mà nết cũ không chừa. Chơi với đàn ông cứ hay lợi dụng sai sửa nhờ vả chi mô.

Trâm vừa cười vừa nói, ngồi xuống ghế. Tôi nhìn lên tấm ảnh tôi mười sáu tuổi cười nghiêng mái tóc dài, cười sắc vút đuôi mắt, cười sáng loáng hai hàng răng. Đấy, mười sáu tuổi, lớp đệ tứ, lãng mạn lắm lắm và lười đi học. Bài tập, bài giáo khoa không chép không biên vào vở, đợi đến khi giáo sư kiểm điểm cuối tháng mới lật đật đạp xe đi mượn một chồng sách của bạn về, sai thằng con trai hàng xóm hì hục chép cho, hì hục làm hộ cho.

Trâm cười:

– Tui phục cái bà ni. Ai răng mặc kệ chỉ cốt mình xong việc thì thôi. Chán quá.

Tôi bước vào phòng, Nghiễm đã ngủ khoèo, ngủ quá ngon, tờ báo rớt xuống đất. Tôi nhặt tấm béo lên xếp làm hai, xếp làm tư quạt cho chàng. Chàng ngủ thật giống con tôi ngủ, chàng cười thật giống con tôi cười, chàng nhăn mặt thật giống con tôi nhăn mặt. Con gái tôi giống cha nó, như hạt nước mưa nhỏ giống hạt nước mưa lớn. Chàng gởi vào tôi bàn tay tháp bút, chàng gởi vào tôi đôi mắt lồ lộ, chàng gởi vào tôi chiếc miệng rộng tươi cười, chàng gởi vào tôi cái dáng dài của thân thể, làn da hồng quân mịn màng, chàng gởi vào tôi những thứ đó để tôi đẻ con ra giống chàng, con gái học cha giàu ba họ, học cha bao nhiêu thương cha bấy nhiêu. Cha thương nhiều, cha thương nhiều, cha thương con nhiều hơn cha thương mẹ.

Tôi luôn luôn bảo Nghiễm:

– Em thương con hơn thương anh.

– Anh thương con hơn thương em.

– Ừa, được nhé… ghét nhau rồi ly dị nhé!

– Không có tờ giấy hôn thú nào hữu hiệu bằng đứa con.

Một nỗi rùng mình lạnh, một thức tỉnh bàng hoàng, một va chạm vô tình chếnh choáng nhắc lớn tôi rằng hai đứa chưa làm hôn thú. Bà cô tôi bảo: răng mi không đòi cho được tờ hôn thú, hắn sẽ bỏ mi như người ta phóng sinh phóng đăng… con ni ngu quá. Trâm bĩu môi: tình duyên chỉ là một cuộc đùa dai. Tôi vặn lỗ tai Nghiễm:

– Anh ơi, không làm hôn thú làm sao khai sinh cho con, để cho con thất học sao?

– Thủng thẳng.

– Không làm hôn thú bộ anh muốn nhốt em khi nào thì nhốt, muốn thả em khi nào thì thả sao?

– Nhốt chung nhau một nhà cho đến đầu bạc răng long, dại gì thả cá về sông, thả cọp về rừng.

Tôi pha ba bình sữa ngâm nguội cất vào tủ lạnh để mẹ tôi chưng nóng lại bằng nước sôi cho Khanh Hiền bú rồi sửa soạn đi học qua hai chuyến xe lam. Tôi xuống xe thấy Vui và một bọn đang đứng ở cổng lớn. Một người vẫy tay kêu:

– Chị Khanh à… Ông Hoàn nghỉ.

Tôi cười, nhìn đôi giày mới của Yến thán phục kiểu đóng tân kỳ, đứng với họ một lát rồi đi vô. Gian phòng nhiều cửa sổ gió luồn vào từng lớp mát và màu nắng trắng không phải là màu của bức tường. Một gã hip-pi tóc râu tiền sử xồm xoàm như ông cố đạo người Pháp trong tự điển Larousse phì phèo thuốc lá đến bên tôi.

– Tôi rất ít gặp chị, chị ít đi “cua” nhỉ?

Vừng trán anh tóc che ngang, gò má chênh vênh và râu hoang lởm chởm, người tự nhiên nhất trong những con người hỏi tiếp:

– Sao tôi thấy chị ít đi “cua” nhỉ?

– Tôi bận trông con anh ạ! Trốn chồng đi học được giờ nào hay giờ đó.

– Chị thật là một bậc nữ lưu hiếu học đáng khen.

Tôi hỏi bằng một ngôn ngữ hip-pi:

– Chắc anh đang tích cực tán thành phong trào phản chiến khắp nơi?

Gã cười:

– Tại sao những thằng người Việt Nam lại không phải là những thằng phản chiến nhỉ?

– Người trong cuộc khác người ngoài cuộc.

– Chị là dân Huế chắc khí tiết chị nhiều?

– Nhiều nhỏi gì anh, độ một tô là cùng.

Gã cười, mấy ngón tay nhịp nhạc miệng ư ử hát. Gian phòng ồn lên những tiếng kéo ghế và tiếng người đi vào một đoàn.

Gã hip-pi tiếp:

– Gái Huế chí cao như cây dừa. Đại khái người nào cũng đáng hoan hô một tiếng nhỏ.

– Chuyện hoan hô, đả đảo ở Huế tôi đã chán ngắt… Dấn thân vào đây ngờ đâu lại tránh được cái đại họa Tết Mậu Thân.

– Chị giỡn chơi nhiều hơn là nói thiệt!

Gã kéo ghế ngồi me mé bên tôi, hai chân vách mấy lên nhau, mặt đưa gần vào mặt tôi:

– Chị à… món ăn Huế món nào ngon nhất hả chị?

– Tùy theo mồm miệng mỗi người, tui thì thích ăn món mít trộn tôm thịt kẹp với bánh tráng nướng.

– Hôm nào chị đãi tôi một bụng… Chị thích ăn món Nam không?

– Anh Phi à… Cái món mít trộn đó ăn ở Saigon không ngon cũng như gái Huế đi dưới trời Saigon không đẹp.

– Sao vậy? Chị nói gì kỳ?

– Cái món thịt trộn người ta luộc chín cả trái mít sống, thái mỏng ra rồi trộn với tôm thịt, vừng rang giã nát hoặc đậu phộng rang. Món ăn đó chỉ ăn ở Huế mới ngon vì mít ở Huế ngọt hơn mít Saigon, mít Saigon chát chát thế nào, tôm Huế tươi hơn tôm Saigon, tôm Huế trong veo nhảy long chong, long chong, thịt heo Huế cũng đậm đà hơn thịt heo Saigon.

– Óc địa phương của chị sao bự quá vậy? Thế thì món ăn Nam chị thích món nào?

- Tui mê món cá lóc nướng trui với món thịt bò bảy món.

– Hôm nào chị cho phép tôi mời chị đi ăn nhé!

Gã nhìn xéo tôi:

– Mà phải ăn một lúc hai món.

Tôi nghĩ thầm: ăn một lúc hai món nó phè phè bụng ra, chắc hôm đi ăn mình phải mặc áo dài kiểu mới nội hóa.

Tôi phát tiếng cười nhỏ khi nghĩ đến mối ác cảm lộ hết ra mặt của Nghiễm đối với chiếc áo dài ngắn kiểu tân cổ rộng bụng bằng hàng nội hóa. Tại sao em có thể mặc chiếc áo dài ngu xuẩn đó. Ơ, em mặc để đi ăn với anh mà mặc áo dài này mới ăn được nhiều chứ, mặc áo eo thắt lưng buộc bụng ăn không được no. Thay áo khác ngay, mặc thứ gì mà ngắn ngủn ngang phè, rộng rinh trông như cái sắc. Ui cha cha… em đã nói em may hai cái áo thời trang này để đi ăn cho vừa bụng em.

Tôi chong mắt:

– Anh Phi, bò bảy món mọi lần gọi là bò bụng ăn vào đầy một bụng rồi đưa tay vỗ.

– Tôi chỉ ăn được món đầu tiên.

– Món nhúng giấm, ngon tuyệt. Miếng thịt bò đỏ au thái mỏng như giấy pelure nhúng vào chảo dấm đang sôi trước mặt ăn với rau sống cuốn bánh tráng chấm mắm nêm… ngon nhức nhối … thèm quá.

– Chị thèm vậy hả? Cho tôi mời chị đi ăn ngay bây giờ.

– Con khước từ, Chúa ơi! Con vừa mới ăn hai chén cháo ở nhà.

Ồn ào nổi lên, mấy tiếng kéo ghế, mấy người xáp lại bên Phi, ngồi xuống, một người nói:

– Đêm qua, ở ti-vi chiếu cái cảnh đào xác ở Huế kinh sợ quá.

Cô bạn gái tên Yến nhăn mặt nói hớt:

– Mới moi được bảy mươi xác.

– Trời ơi, một tấm áo linh mục, hai đầu tóc đàn bà, những chiếc đầu lâu toàn răng với răng… trời ơi, chôn trong cái hầm đầy ắp nước.

– Mình tự đưa bàn tay ra moi đất đào cho mình cái mả. Biết mình sẽ chết, còn năm phút nữa chết, còn ba phút nữa, còn một phút… Tưởng tượng …

– Tại sao giết nhiều dữ vậy nhỉ?

– Cái thành phố Huế nó nhỏ quá, biết nhau dễ quá, khó chịu nhau lâu năm quá, thù hận lâu đời chồng chất… thành ra mới dễ tìm ra người để giết. Người Huế giết chết người Huế chớ còn ai vào đó nữa?... Quân đội Bắc Việt có tàn ác thì sự giết chóc nó cũng đại khái thôi, sự giết chóc nó không thấu đáo, công phu, kỹ lưỡng như vậy đâu.

Tôi nhìn Phi:

– Cái đầu óc anh ấy kỳ thị địa phương quá trời. Cộng sản mà cũng phân biệt Cộng sản Huế với Cộng sản Bắc kỳ. Cộng sản Huế tàn ác hơn Cộng sản Bắc kỳ. Anh kỳ thị quá…

– Té ra chị Khanh có óc địa phương nặng nề như vậy mà mình không biết.

Tôi nóng má cúi xuống cười, ngẩng lên thấy chung quanh chỉ có hai con mắt của Phi đang nhìn tôi.

Buổi trưa về nhà, Nghiễm hỏi:

– Em đi học có vui không?

– Làm bạn với những người trẻ hơn mình em cười luôn miệng.

– Đấu láo sướng nhé!

– Đấu láo hao hơi. Đã thế đêm nằm ngủ cứ hối hận mình lỡ nói nhiều quá, lỡ nói những câu vô dụng.

– Lòng cô còn xôn xao quá nhỉ? Một ông chồng một đứa con chưa đủ để lắng xuống.

– Em muốn nói là giữa đi ra ngoài với ở nhà thì đi ra ngoài khoẻ hơn, ở nhà nhiều việc cực lắm. Bằng chứng là ngày chủ nhật được ở nhà mình càng bận rộn bực bội.

– Thế thì đem con đi gửi đi, mỗi tháng sáu nghìn gì đó…

Tiếng khóc con bé khàn đục thấp lè tè. Bốn cái bình sữa đứng trên tủ lạnh chênh vênh. Chiếc áo cánh của tôi vứt lăn lóc ra giường. Tàn thuốc lá của Nghiễm nằm bừa bãi trên nền nhà. Tôi nhìn khắp gian phòng. Hôm qua cũng cảnh đó, hôm nay cũng cảnh đó, cảnh gần, cảnh quen cũ không đổi không thay. Mặt tôi chợt ngưa ngứa dưới lớp phấn ướt mồ hôi, tôi kéo hộc máy may tìm mảnh vải cột tóc lại. Căn nhà nằm khuất trong hẻm đầy ắp khí nóng, và ánh sáng không vào tới khiến da mặt con tôi xanh mét.

Tôi nhặt những vỏ bia của Nghiễm xếp vào một góc càu nhàu:

– Anh thì chỗ nào cũng vứt đầy tàn thuốc lá và vứt đầy vỏ bia. Trong cầu tiêu toàn cả tàn thuốc lá… thuốc lá… Mỗi một ngày vào ngồi suy tư bảy tám lần.

– Láo lếu!

– Không sao, anh uống rượu nhiều thì mật tiết ra nhiều nước đắng, cơm mới chạy vào bao tử là chui ngay qua ruột già, hậu môn.

Có tiếng Thảo kêu anh Nghiễm chị Khanh ra ăn cơm. Buổi trưa ngủ dậy mẹ bưng vào cho hai đứa hai chén chè kê trộn đậu. Tôi reo to sướng quá ngon quá. Mẹ nói hạt kê cậu Sum ở Huế đem vô cho đó, ngon lắm, Nghiễm ăn đi, quệt bánh tráng mà ăn.

Tôi mở tủ đếm chỗ tiền tiêu vặt định chiều nay đi phố may một áo dài gấm Hồng Kông ăn cưới một người bạn của Nghiễm. Nghiễm bảo áo dài kiểu cố hữu có eo là áo đẹp, em phải may kiểu đó anh mới cho đi chung với anh. Đàn bà phải có eo, phải thon bụng. Tôi đếm qua xấp bạc hốt hoảng kêu:

– Chỗ tiền mới hôm qua anh có lấy không?

– Anh lấy mười nghìn cho người bạn mất xe Honda.

– Mất xe Honda mà cho đến mười nghìn? Anh tiêu tiền thật khéo, thật lả lướt, thật bay bướm. Anh đúng là một kẻ giỡn tiền, đùa giỡn với tiền. Em muốn may cái áo gấm Hồng Kông đây này…

– May gấm Hồng Kông mà làm gì, may hàng nội hóa đi.

– Hàng nội hóa mà mặc đi đám cưới được sao?

– Người đẹp thì mặc chi cũng đẹp, người đẹp thì không mặc chi cũng đẹp.

– Em sẽ không mặc chi cho anh xem.

Tôi sực nghỉ đến món tiền hai nghìn lén Nghiễm cho Vui mượn, anh chàng sinh viên văn khoa vừa đi học, vừa có vợ có con một cách âm thầm bí mật. Mỗi năm anh chàng đỗ một chứng chỉ thì vợ anh chàng lại rặn đẻ một đứa con. Một hôm anh chàng đến lớp than thở: Chị Khanh ơi, dễ sợ quá! Thế là tôi có bốn đứa con rồi, bốn tờ giấy khai sinh rồi… khiếp quá, mà lại bốn thằng con trai… khiếp, mình già nua cổ lão quá! Tôi nói trong một cái vung tay: Sao anh không vào nhà thương Cơ Đốc? Anh chàng hỏi lại: Tôi hay vợ tôi. Anh. Ồ, phải sáu con cơ người ta mới thực hiện cái chính sách hạn chế sinh đẻ. Chị Khanh, nhưng dù sao tôi cũng không vào nhà thương Cơ Đốc vì tôi không tin vợ, hoài nghi… hoài nghi…

Buổi chiều sau phiên học tôi vừa ra tới cổng thì có tiếng kêu chị Khanh, chị Khanh. Phi lướt tới.

– Hôm nay anh đi bộ hả?

– Xin đưa chị một đoạn đường.

– Không, tôi đi xe Lam.

– Tôi cũng đi xe Lam.

– Xe Lam dạo này lên giá!

– Chấp!... Đây còn dám đi cả xích-lô máy.

Cơn khôi hài thường xuyên lao thẳng, thốt thắng lại, mớ ngôn ngữ luôn luôn bẻ cong giờ phải được vuốt ra, khóe mắt cũng phải ngay ngắn như chiếc mũi, đôi môi cũng phải lặng yên như chiếc trán, tôi gay gắt từ chối.

– Tôi chỉ đi dưới cánh tay một người đàn ông là chồng tôi thôi.

Gã hip-pi ngâm tay trong túi quần, vai đưa cao tới vành tai:

– Sự từ chối của chị vượt quá xa lời đề nghị của tôi.

– Nếu vậy, cho tôi miễn xin lỗi.

Phi phát một nụ cười:

– Hình như có chồng chị ẩn núp đâu đây thêm sức cho chị bẻ gãy tôi.

Nét mặt Nghiễm nhăn nhó như bị phơi khô khi chàng nói: Ông y công ở nhà thương Chợ Rẫy đưa tay chụp bốc khắp nơi thân thể mấy bà y công Chợ Rẫy. Thả vợ ra đường, thả vợ vào xã hội là mối bất an dềnh dàng to lớn đối với những thằng chồng. Tôi nhớ đúng vẻ nhăn nhó của chàng không sai một xếp nếp. Tôi vẫy một taxi bước lên đóng rầm cánh cửa ghé chợ Cũ.

Khuôn mặt Nghiễm hằn lên một vẻ thương yêu cần thiết, hoang mang chút nhớ mong ngắn ngủi thúc giục tôi về gấp nhà. Tôi ghé chợ Cũ mua hai lạng thịt quay, mấy chiếc bánh bò và cảm thấy ngấu nghiến đói bụng. Vào nhà không có Nghiễm, tôi lại bàn viết của chàng đọc mảnh giấy nhỏ: Tối nay anh không ăn cơm nhà.

Sau buổi cơm tối, Thảo, Trâm rủ ra đường uống nước sinh tố, vừa về tới nhà thấy Út bảo chị Khanh có khách. Tôi đứng ở cửa ló mặt vào xem ai. Phi, Phi, gã hip-pi tóc dài, tôi kéo tay Thảo, Trâm:

– Khoan vô đã bay, thằng cha lông lá hip-pi tới tìm tao.

Trâm xô tôi tới đằng trước:

– Bỏ chạy à? Quyến rũ cho nó tới nhà rồi bỏ chạy à?

Qua một giây lát, tôi kéo thẳng áo cụt rồi bước vào:

– Không ngờ anh Phi đứng chơi.

– Anh Nghiễm đi vắng hả chị?

– Anh đi ăn ở nhà người bạn.

Phi chống hai cùi chỏ lên đùi, bàn tay đỡ lấy cằm, tôi cười:

– Con cọp con còn thức, anh vào thăm cháu nhé! Cháu ngoan lắm!

– Đấy, chị lại đi trước quá xa ý định của tôi rồi. Cảnh nhà hiền hòa êm ấm như thế này mà lại là hang cọp được sao? Anh Nghiễm sẽ ăn thịt tôi như cọp ăn thịt người sao?

– Anh bẻ cong lời nói của người ta thì có.

Thảo và Trâm cúi mặt bước vào nửa đi nửa chạy, nín cười. Tôi nhìn thẳng Phi. Người đối điện trình bày một hình thức phá phách giữa giống đực và giống cái. Những đường nét trên mặt đều nam nhi khí khái, bộ râu tốt và xanh, nhưng đầu tóc thật gãy làm trở ngại khó khăn cho cái nhìn. Mái tóc ru lô uốn úp vô dài quá mang tai, một mái tóc thịnh hành của một chín sáu mươi ủy mị khuôn mặt trong một cung cách khôi hài, diêm dúa đáng phàn nàn. Tóc khô sợi cứng dài hơn gang tay được cẩn thận gò ép cho bồng bềnh, một mái tóc thật vén qua vừng trán không tóc mai.

Tôi nghĩ thầm đến những công phu sấy gội ép khô và mỗi đêm phải cuộn lại. Bàn tay Phi ôm đầu gối cho tôi khám phá những ngón nhọn và dài.

Tôi hỏi:

– Anh uống gì anh Phi? Bia nhé!

– A, anh Nghiễm là dân nhậu. Chị cho tôi nước lọc thôi. Phi hất tờ báo qua một bên thủng thẳng nói: Đến chị giải thích cho khỏi bị hiểu lầm, lại càng bị hiểu lầm thêm.

– Xin lỗi anh, tôi bị cái tật vui tính một cách ích kỷ, nói năng đùa giỡn chỉ cốt cho mình vui thôi, nhiều khi chạm mạnh đến kẻ khác.

– Cháu bé mấy tháng rồi chị?

– Cháu được năm tháng anh ạ!

– Chị ở chung với ông cụ bà ngoài Huế vô?

– Dạ.

– Chị có nhiều em gái không?

– Bảy chị em toàn gái!

– Tôi con một.

Cuộc đối thoại cầm chừng trong một không khí tẻ nhạt, không có sự gạn hỏi, không có sự thiết tha trả lời. Phi về rồi, Thảo, Trâm ở trên lầu chạy xuống xông ra gục cổ cười. Tôi nói:

– Tau không hiểu mấy thằng hip-pi Việt Nam có bất mãn không. Chúng mà rút vào rừng là sẽ bị Mỹ dội bom, sẽ bị Cộng sản bắt đi dân công.

Trâm trầm ngâm:

– Thái độ hip-pi cũng là một thái độ bất mãn. Rút vào rừng tức là thân Cộng rồi…

Thảo hỏi sau cái ngáp:

– Hắn tới có chuyện chi không?

– Biết mô.

– Mê rồi.

– Biết chi hắn.

Trâm cười:

– Mai đến lớp mua cho hắn cái kẹo!

Có tiếng Khanh Hiền khóc ré lên. Tôi lật đật chạy vào mở mùng vạch chăn bế con lên nói nựng. Tôi nuôi con theo một kỷ luật không bồng ẵm, cả ngày đặt nằm trong nôi và cấm ngặt tất cả mọi người để yên cho cháu nghỉ. Mặt Nghiễm nhăn như quả táo Tàu:

– Mẹ gì mà cách xa lãnh đạm với con quá!

– Để cho nó quen hơi, nó bám riết thì ai làm công việc cho?

– Thỉnh thoảng phải bế nó không nó mỏi.

– Bỏ cái lối nuôi con nhà quê ấy đi.

– Con nó thèm bế một cách tội nghiệp, anh thấy nó nằm một mình luôn.

– Chính em thèm bế nó hơn nó thèm em bế!

Nghiễm xô chiếc vỏ bia về một bên chậm rãi:

– Đáng lẽ em nên ở nhà trông con mới phải, giao hết cho bà ngoại… anh thấy… anh thấy…

Tôi lườm:

– Giao con cho bà ngoại là cả một sự hợp lý. Cái tâm em nó yên tâm lắm lắm.

– Em đi học thêm chỉ để cho giỏi chứ chẳng để làm gì hết. Bộ sau này em tính đi dạy học sao? Dạy học, công chức tiền lương chỉ đủ vài hạt gạo. Nghề chào thuốc lương lớn bao nhiêu mà anh còn bắt em thôi.

– Anh thường hay nghĩ đến tiền.

– Hừ…

– Em có chồng có con mà còn đi học thêm không phải là làm đúng; cũng như anh, anh…

– Anh sao?

– Thôi chỗ này em chừa lại em không nói đến nữa…

– Cả thiên hạ chỉ có thằng này là điệu với vợ nhất. Cái thằng Sơn mỗi lần vợ nó đi học là nó đánh cho đừ đầu.

Một loạt đàn bà vợ hiền mềm mỏng như thịt mông, biết cúi, biết dạ, biết vâng lời thưa gởi được kể ra. Một loạt đàn ông đang tay đánh vợ bóp cổ vợ được kể ra. Vợ thằng Sơn không bao giờ lục ví chồng. Vợ thằng Hùng lau nhà sạch như lau mặt. Vợ thằng Tuyến giữ gìn cái bếp ga, cái máy giặt ba năm còn mới tinh. Thằng Văn đấm vợ như đấm vào bao gạo. Thuốc thoa móng tay là thuốc độc uống vào chết liền, vợ thằng Sơn cứ đòi tự tử, thằng Sơn mới cầm hai chai thuốc đánh móng tay đè cổ vợ xuống cạy miệng đổ vào. Này nhé đòi tự tử nhé! Tự tử đi! Hết đòi tự tử chưa? Muốn chết ông cho chết. Nghiễm kể chuyện vợ thằng Sơn với tất cả vẻ hớn hở và hí hửng. Tôi lắc đầu cười:

– Vợ ông Sơn tưởng rằng còn một chuyện ông Sơn không làm tới. Đâu có dè… Mọi người chồng nên chừa ra cho vợ cái chuyện đó. Cái ông Sơn… tay chân nào mà làm được chuyện đó.

– Từ đó vợ thằng Sơn không đòi tự tử nữa.

– Miệng mồm mô mà đòi nữa!

– Anh phải tìm tòi mọi phương pháp để trị dạy em mới được.

– Tình yêu là một bài chính tả, bài chính tả tình yêu em viết không lỗi.

– Dóc!

– Người mọi thương vợ lắm anh ạ, người mọi trung thành với vợ lắm anh ạ, anh hãy bắt chước người mọi đi anh Nghiễm.

Nghiễm cười sặc cả rượu ra. Tôi tiếp:

– Khi người đàn ông mọi chưa vợ, họ phải lạy con bò để xin một người vợ. Buổi tối họ không ngủ ở nhà mình, họ tới ngủ chung ở ngôi nhà đền với những người chưa vợ khác và chỉ được về nhà mình khi mặt trời đã mọc.

Vẻ mặt Nghiễm phác họa một cơn vui nhỏ tôi tiếp:

– Phải về lúc mặt trời mọc để chứng tỏ tất cả lòng quang minh, chính đại. Khi có vợ rồi, họ ngủ ở nhà với vợ. Khi vợ họ chết, họ lấy lửa đập vào ngực mình, lấy dao rạch vào bắp vế mình, vợ cả chết thì rạch bốn nhát dao, vợ lẽ chết thì rạch bảy nhát dao, rạch tận tình qua thịt thấu xương, trình bày một nỗi đau cụ thể.

Nghiễm lắc đầu cười:

– Em thật loạn chuyện. Ba hồi em bảo con ngỗng đực chung tình, em bắt anh hãy bắt chước ngỗng đực, ba hồi em kêu cá voi đực chung thủy, bắt anh noi gương cá voi đực, bây giờ em lại xúi anh bắt chước mọi.

– Em đưa ra những tấm gương tốt để anh soi thử.

– Lẽ đương nhiên là anh không bằng con ngỗng đực, con cá voi đực, và thằng mọi của em.