Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 22 tháng 10, 2017

Điểm sách Tuyển tập chân dung văn học nghệ thuật & văn hoá của Ngô Thế Vinh

Nguyễn Văn Tuấn


Đây là một công trình mang tính anthology hay “hợp tuyển tác giả” vừa công phu vừa mang tính sử của Nhà văn Ngô Thế Vinh. Mười sáu văn nghệ sĩ và hai nhà văn hoá được giới thiệu trong sách là những tác giả lừng danh trong nền văn học miền Nam trước 1975 và ở hải ngoại sau năm 1975. Qua công trình này, bạn đọc sẽ "gặp" những tác giả nổi tiếng, những người đã có những đóng góp mang tính định hình cho nền văn học miền Nam trước 1975. Công trình này, tự nó, là một đóng góp quan trọng và có ý nghĩa vào công việc lâu dài nhằm gìn giữ những tinh hoa của văn học nghệ thuật miền Nam cho các thế hệ mai sau.

Mặc dù Nhà văn Ngô Thế Vinh sắp xếp tác giả theo năm sinh, nhưng tôi nghĩ cuộc đời, những tác phẩm, và hành trình sáng tác của các tác giả trong hợp tuyển này phác họa một trình tự khác. Đó là trình tự theo dòng lịch sử gồm bốn giai đoạn: bối cảnh văn học miền Nam trước 1975, tù đày, vượt biển, sống sót.

Về bối cảnh văn nghệ trước 1975, tôi chắc rằng cuốn sách của tác giả sẽ làm cho bạn đọc cảm thấy tiếc nuối cho một thời văn học được hình thành trong một chế độ chính trị chỉ tồn tại vỏn vẹn 20 năm. Đó là một môi trường văn học tự do, phóng khoáng và giàu tính nhân văn. Rất nhiều tác phẩm có giá trị cùng những quan điểm nhân sinh được giới thiệu, trình bày và quảng bá ngay trong những năm chiến tranh. Nhiều phong trào văn học nở rộ, như nhóm Sáng Tạo của Nhà văn Mai Thảo, nhóm Tiểu Thuyết Mới, nhóm Văn Hóa Ngày Nay được xem như là một nối bước của Tự Lực Văn Đoàn trước đó. Những phong trào văn học không chỉ cho ra đời những sáng tác để đời nhưng còn là những tác phẩm dịch thuật mà ngày nay chúng ta vẫn còn đọc. Nhà văn Võ Phiến nhận xét rằng "Trước và sau thời 1954 - 1975, không thấy ở nơi nào khác trên đất nước ta, văn học được phát triển trong tinh thần tự do và cởi mở như vậy." Nhiều người, kể cả người viết bài này, sống trong môi trường như thế không thấy trân quí nó cho đến khi đánh mất nó sau một cơn biến động lịch sử.

Có lẽ môi trường tự do học thuật và phóng khoáng đó đã phát hiện và phát huy những văn tài sáng giá. Chính phủ Trần Trọng Kim tồn tại chưa tròn nửa năm, nhưng đã để lại một di sản giáo dục mà chúng ta còn sử dụng mãi đến ngày hôm nay. Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) tồn tại được 20 năm, nhưng các thiết chế văn hóa thời đó đã tạo dựng được một cộng đồng văn học nghệ thuật với một gia tài đồ sộ mà ngày nay những bậc thức giả nhìn lại cảm thấy luyến tiếc. Thời tiền chiến, ở miền Nam và miền Trung số người viết văn chỉ đếm đầu ngón tay (như Hồ Biểu Chánh, Thanh Tịnh, Nguyễn Vỹ); nhưng chỉ hai mươi năm sau miền Nam đã có được một cộng đồng tác giả thuộc nhiều lĩnh vực như văn, thơ, kịch, kí, hoạ. Tuy nhiên, sau cơn tai biến lịch sử năm 1975, họ trở thành những nạn nhân của một cuộc đổi đời. Họ biến mất khỏi văn đàn Việt Nam. Nhưng cùng thời gian đó một cộng đồng văn học được hình thành ở hải ngoại với những văn nghệ sĩ mới.

Qua cuốn sách, bạn đọc sẽ "gặp" một số văn nghệ sĩ trong cộng đồng văn học trước 1975 ở miền Nam và sau 1975 ở hải ngoại. Bạn đọc sẽ gặp những văn nghệ sĩ (tôi sẽ gọi chung là 'tác giả) lừng danh như Võ Phiến, Mai Thảo, Dương Nghiễm Mậu, Nhật Tiến, Nguyễn Đình Toàn, Thanh Tâm Tuyền, Mặc Đỗ, Linh Bảo, và cả hai nhà khoa học mà tác giả xếp vào nhóm nhà văn hoá là Giáo sư Phạm Biểu Tâm và Giáo sư Phạm Hoàng Hộ. Bạn đọc sẽ biết đến những đóng góp của những người trẻ tuổi hơn sau 1975 ở hải ngoại như Cao Xuân Huy và Phùng Nguyễn. Nhưng qua những văn nghệ sĩ này, bạn đọc còn "gặp" nhưng Phạm Duy, Vũ Hoàng Chương, Trần Ngọc Ninh, Cung Trầm Tưởng, Tô Thùy Yên, Nguyên Sa, Cung Tiến, Trần Phong Giao, Lê Ngộ Châu, Nguyễn Ngu Í, Nguyễn Mộng Giác, Du Tử Lê, Tạ Chí Đại Trường, v.v. Có thể nói đó là những tinh hoa trong các thiết chế văn hóa - xã hội - giáo dục miền Nam.

Hai nhà giáo và cũng là nhà văn hóa được nhắc đến trong sách là Giáo sư Phạm Biểu Tâm và Giáo sư Phạm Hoàng Hộ. Có lẽ đối với tuyệt đại đa số sinh viên ngày nay, lịch sử trường y Sài Gòn bắt đầu từ năm 1975, nhưng qua chương viết về Giáo sư Phạm Biểu Tâm, một danh y của Việt Nam, các các bạn ấy sẽ biết rằng trường y Sài Gòn có một bề dày lịch sử từ năm 1955 (tức hơn nửa thế kỉ trước). Hiệp Hội Y Khoa Hoa Kì (American Medical Association) đã tài trợ một ngân khoản và giúp thiết lập một Trung Tâm Giáo Dục Y Khoa với tiêu chuẩn hiện đại tại đường Hồng Bàng, và sau này chính là trường Đại học Y Sài Gòn. Câu chuyện về sự nghiệp và cuộc đời của Giáo sư Phạm Biểu Tâm cũng là một lịch sử của các trung tâm y tế nổi tiếng ở miền Nam như Bệnh viện Bình Dân, trường Đại học Y Nha Dược Sài Gòn, và những hợp tác với các đồng nghiệp Hoa Kì. Nhờ vào chương trình đào tạo tiên tiến, trường đó đã đào tạo rất nhiều bác sĩ tài ba, những người sau này trở thành bác sĩ ở Mĩ, có người thậm chí trở thành giáo sư y khoa ở Mĩ. Qua chương viết về Giáo sư Phạm Hoàng Hộ, bạn đọc cũng sẽ biết thêm về bối cảnh và hành trình gian nan để thành lập Đại học Cần Thơ, nơi áp dụng hệ thống tín chỉ đầu tiên ở Việt Nam. Ngày nay, các giới chức giáo dục Việt Nam hay bàn đến vấn đề làm thế nào để nền giáo dục Việt Nam hội nhập quốc tế, nhưng họ có lẽ quên rằng nửa thế kỉ trước, hệ thống giáo dục miền Nam đã hoà nhập vào cộng đồng giáo dục thế giới, với hệ thống tín chỉ và chương trình giảng dạy được du nhập và chuyển tiếp từ các nước tiên tiến nhất như Mĩ.

Nhưng biến cố lịch sử 1975 đã làm thay đổi tất cả. Các văn nghệ sĩ là nạn nhân trực tiếp và đầu tiên của biến cố đó. Trong khi các văn nghệ sĩ bị đi tù "cải tạo", thì các tác phẩm của họ bị săn lùng, thu hồi, hủy diệt, kể cả đốt sách. Trong quyển hợp tuyển này, bạn đọc sẽ đọc được những trải nghiệm đau khổ của thi sĩ Thanh Tâm Tuyền (một tác giả quan trọng trong nền văn học miền Nam) trong trại cải tạo và suy tư của ông:

"Họ đưa chúng tôi ra Bắc, tới những cánh rừng già cô lập với thế giới bên ngoài, bỏ mặc tôi với thiên nhiên, tự do với “mục tiêu đi đốn gỗ mỗi ngày”, tôi đã tập leo và trượt núi chờ cơ hội đào thoát. Nhưng rồi mỗi ngày tôi chỉ tìm thấy con đường trở về trại.

[...]

Làm thơ trong trại tù cải tạo, cũng là trở về với thi ca truyền thống dân gian. Chế độ làm việc trong trại là một ngày căng thẳng tám tiếng, không có cuối tuần; mỗi tù nhân có một vũ trụ riêng: một manh chiếu, năm sáu chục tù nhân trên dưới hai tầng giường, khoảng hơn trăm người trong một lán dưới một mái che. Viết là một xa xỉ: một chỗ ngồi, thời gian viết. Với nhịp độ áp đặt trên đám tù nhân trong rét lạnh, đói... ai còn dám nghĩ tới sáng tạo? Ngay cả một thiên tài, một năng lực siêu nhiên cũng không thể vượt qua được những 'ức chế' như vậy."

Những trải nghiệm như thế không phải là đặc thù, mà là một nét chung của tù cải tạo đã được các văn nghệ sĩ khác thuật lại. Một trong những nhà văn cũng từng ở tù cải tạo là Nhà văn Cao Xuân Huy, tác giả của cuốn hồi kí nổi tiếng "Tháng Ba Gãy Súng". Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng nhận xét rằng qua Tháng Ba Gãy Súng Cao Xuân Huy đã "vẽ lại cơn hồng thủy của một cuộc chiến không thương tiếc, phủ chụp lên số phận của cả một dân tộc."

Trong cơn hồng thủy đó, có người may mắn sống sót, nhưng cũng có người bỏ mạng trong tù đày. Thi sĩ Thanh Tâm Tuyền và Nhà báo kì cựu Như Phong Lê Văn Tiến còn may mắn sống sót và định cư ở Mĩ, nhưng có nhiều người đã vùi xác trong các trại cải tạo ở rừng sâu nước độc. Một trong những người đó là Giáo sư Nguyễn Duy Xuân, hiệu trưởng thứ hai của Đại học Cần Thơ. Trong chương viết về Giáo sư Phạm Hoàng Hộ (một nhà thực vật học nổi tiếng và tác giả của bộ sách để đời "Cây Cỏ Miền Nam"), chúng ta biết rằng Giáo sư Nguyễn Duy Xuân đã bị giam cầm trong trại cải tạo Hà Nam Ninh suốt 11 năm trời, và ông đã chết trong trại sau những ngày tháng đói khát, bệnh tật, và khổ sai. Nhiều nhân tài như thế đã bỏ mạng trong các trại tị nạn.

Ở Sài Gòn thời giữa thập niên 1970 và thập niên 1980 người ta có câu "Cái cột đèn nếu biết đi cũng bỏ nước ra đi." Đi tìm tự do. Do đó, không ngạc nhiên khi ra tù, tuyệt đại đa số văn nghệ sĩ không thể nào sáng tác dưới chế độ mới, và cũng như hàng triệu người dân miền Nam vượt biển tìm tự do, họ cũng trở thành "Thuyền Nhân".

Hiện tượng "Thuyền Nhân" sau 1975 là một thực tế lịch sử, nhưng chưa bao giờ được "chính sử" Việt Nam ở trong nước ghi nhận đúng đắn. Trong hợp tuyển này, bạn đọc sẽ chia sẻ cùng các tác giả "Thuyền Nhân" trong hành trình vượt biển. Nhà văn Mai Thảo, người chủ trương tạp chí Sáng Tạo nổi tiếng, phải trải qua hai lần vượt biên mới thoát khỏi Việt Nam. Thời gian ông tìm đường vượt biển cũng là lúc thân phụ ông qua đời, và ông chỉ có thể đến thăm mộ vào lúc ban đêm. Mai Thảo kể:

"Trên biển cả, tôi có cảm giác được phóng thả. Tôi đã là một con người tự do. Đó là một đêm tối đen không trăng. Chúng tôi ra được biển khơi nhưng lại có một cơn bão thổi tới từ Phi Luật Tân, vật vã con tàu nhỏ, bắt buộc chúng tôi phải quay lại bờ. Vài ngày sau tôi được tin cha tôi chết ở tuổi 82. [...] May mắn là tôi đã bí mật tới thăm mộ cha tôi, đọc lời nguyện tỏ lòng tưởng nhớ và điều ấy đã làm dịu nỗi đau.

[...]

Trên tàu gồm những người tỵ nạn chính trị, sinh viên học sinh, người già, các gia đình với trẻ thơ. Chúng tôi trải qua 6 ngày đêm. Mọi người đều đói và khát, một số ngã bệnh. Khi chúng tôi tới gần Mã Lai, biển lặng, trời trong, và mọi người bắt đầu cất tiếng hát. Họ yêu cầu tôi ngâm một bài thơ. Tôi đọc bài thơ của một người bạn nói về một người đàn ông rời nhà ra đi mà không có một ai tới nói lời giã từ."

Một nhà văn lớn khác của miền Nam là Nhật Tiến cũng từng trải qua những ngày tháng kinh hoàng trên đảo Ko Kra, nơi có hàng trăm người Việt tị nạn đã bị bạo hành và chết dưới tay những tên hải tặc Thái Lan. Sau khi đến trại tị nạn Songkhla, Nhà văn Nhật Tiến cùng hai nhà báo Dương Phục và Vũ Thanh Thủy soạn một bản cáo trạng về thảm cảnh trên Biển Đông, và bản cáo trạng đã làm cho cả thế giới bàng hoàng về thảm nạn của người tị nạn Việt Nam. Đóng góp của Nhật Tiến đã làm tiền đề cho sự hình thành Ủy Ban Báo Nguy Giúp Người Vượt Biển ở San Diego, Califorrnia.

Đối với giới quan sát thế giới, người Việt Nam là một "dân tộc sống sót" (survival people), với hàm ý rằng người Việt có thể vươn lên từ nghịch cảnh. Có thể nói rằng người tị nạn Việt Nam hay những "thuyền nhân" đã sống sót và vượt qua những khó khăn ở xứ người để tiếp tục duy trì và phát huy nền văn hóa miền Nam đã bị "đột tử".

Một trong những người sống sót tiêu biểu đó là Nhà văn Phùng Nguyễn. Anh là một tác giả đặc biệt và đáng nể. Phùng Nguyễn đến Mĩ năm 1984, và lúc đó anh đã 34 tuổi. Người trung niên gốc Quảng Nam này, 18 tuổi đã nhập ngũ và bị thương, chưa từng tốt nghiệp trung học ở Việt Nam, nhưng chỉ một thời gian ngắn ở Mĩ, anh đã trở thành một sinh viên xuất sắc, tốt nghiệp cử nhân ngành khoa học máy tính với hạng tối ưu. Sau đó, anh lại tốt nghiệp Cao học Quản trị Kinh Doanh (MBA) và trở thành giám đốc IT cho một công ti dầu khí ở California. Nhưng nghề IT chỉ là cái "xác", chứ từ tâm tưởng thì Phùng Nguyễn chọn nghiệp văn chương. Anh trở thành nhà văn và trước khi đột ngột qua đời năm 2015, Phùng Nguyễn đã để lại vài tác phẩm đặc sắc được các nhà văn khen hết lời. Nhà văn Nguyễn Mộng Giác nhận xét về tác phẩm "Tháp Ký Ức" như sau: "Truyện ngắn đầu tay của Phùng Nguyễn vượt lên trên những sáng tác của những người ra đi tị nạn cộng sản từ Miền Nam thuộc thế hệ trước anh hay cùng thế hệ của anh, những sáng tác làm nòng cốt cho văn chương hải ngoại. Phùng Nguyễn ôn chuyện cũ như một kỷ niệm đẹp, nhưng anh không dừng ở đó. Anh nâng tấm ảnh cũ lên thành một suy niệm về nhân sinh." Phùng Nguyễn là một trường hợp tiêu biểu những tác giả trẻ ở hải ngoại. Họ là những chuyên gia khoa học và công nghệ trong xã hội Mĩ, nhưng cũng là những nhà văn trên văn đàn Việt.

Không chỉ sống sót trên quê người, họ còn có công gìn giữ và phát huy nền văn học miền Nam ở hải ngọai trong điều kiện thiếu thốn và nghèo nàn. Ít ai biết rằng một nhà văn lừng danh như Võ Phiến khi sang Mĩ ông làm công chức văn phòng cho quận hạt Los Angeles, và ông soạn bộ sách Văn học Miền Nam trong thời gian này tại một căn nhà chật hẹp. Bạn đọc sẽ kinh ngạc và cảm phục sự dấn thân của Nhà văn Mai Thảo, người chủ trương và biên tập Tạp chí Văn trong nhiều năm liền trong một căn gác nhỏ phía sau một nhà hàng Song Long ở khu Little Saigon, California.

Đã chọn nghiệp văn chương thì ở đâu cũng "vương vấn" văn nghiệp. Đó là trường hợp của Nhà văn Linh Bảo, một trong những nữ nhà văn hiếm hoi trong cộng đồng văn học miền Nam. Bà là một nữ văn sĩ đã thành danh từ thập niên 1950 sống và làm việc ở Hồng Kông và sau này ở Mĩ. Tác phẩm Gió Bấc của bà đã nhận được nhiều lời khen tặng từ các nhà văn kì cựu như Võ Phiến, Bình Nguyên Lộc và Nhất Linh. Võ Phiến nhận xét rằng nhà văn gốc Huế này là một cây bút "có tài quan sát, lại có tài diễn tả một cách thông minh những điều mình quan sát."

Nhưng cuộc đời lưu vong thường buồn. Đọc những dòng tâm sự của Mai Thảo về cuộc sống ở Mĩ dù được tự do nhưng mất phần hồn, và những hi vọng mà ông không bao giờ thực hiện được làm cho chúng ta ngậm ngùi: "Có lẽ một ngày nào đó Việt Nam sẽ tự do và tôi có thể trở về. Tôi đang hạnh phúc ở đây nhưng nội tâm thì rất buồn bã. Buồn cho dân tộc tôi. Tôi không biết liệu chúng tôi có còn một tương lai. Xa rời quê hương, thật khó mà duy trì truyền thống của chúng tôi. Chúng tôi cảm thấy như bị đánh mất phần hồn."

Một điều mà tôi nghĩ bạn đọc có thể an tâm khi đọc cuốn hợp tuyển này là không có những giai thoại cá nhân mang tính "khề khà". Nhiều sách viết về chân dung văn nghệ sĩ Việt Nam thường có đầy rẫy những câu chuyện tủn mủn và giật gân (như xì căng đan tình ái, rượu chè). Nhưng trong hợp tuyển này, bạn đọc sẽ không phải bị 'tra tấn' với những giai thoại kiểu như thế; thay vào đó là những ưu tư, những trăn trở của các nhân vật được phác hoạ qua một văn phong nghiêm chỉnh và cẩn trọng.

Nếu có giai thoại thì tôi nghĩ các bạn sẽ cảm thấy ngạc nhiên khi biết rằng Nhà văn Mai Thảo cho đến những năm trong thế kỉ 21 vẫn không dùng máy điện toán. Ông vẫn cần mẫn viết tay tất cả thư từ và bài vở đến các tác giả. Ngay cả địa chỉ trên bao thư gửi tạp chí Văn cho bạn đọc ông cũng viết bằng tay! Một nhân vật độc đáo khác là Nhà văn Mặc Đỗ (dịch giả của nhiều tác phẩm hay, kể cả cuốn Lão Ngư Ông và Biển Cả của Earnest Hemingway). Nhà văn Mặc Đỗ chỉ dùng máy đánh chữ cổ điển để viết văn, chứ không dùng máy tính. Chúng ta còn biết rằng Mai Thảo còn là người quí trọng chữ nghĩa. Ông nói "Đời tôi có một nguyên tắc: không bao giờ dùng văn chương để làm bất cứ điều gì xấu xa. […] Người nào xấu, lánh ra thật xa, đừng thèm đụng tới. Nhưng đừng bao giờ mang những điều đó lên trang giấy để bôi bẩn nhau. Văn chương là cái đẹp, là thế giới của cái đẹp, ở thế giới ấy có thứ tiền tệ riêng của nó: anh phải dùng thứ tiền ấy, anh phải đàng hoàng, phải lương thiện. Thứ tiền tệ ấy chính là cái đẹp."

Để biên soạn cuốn hợp tuyển tác giả này, Nhà văn Ngô Thế Vinh đã bỏ ra nhiều năm và công sức. Tác giả là một người rất thận trọng với dữ liệu và chữ nghĩa. Người viết bài này có cơ duyên quen biết với tác giả hơn 15 năm qua, và đã công làm cầu nối cho những bài viết của tác giả trên không gian mạng. Có những bài viết anh liên tục chỉnh sửa chăm chút đến từng chi tiết, từ nguồn gốc hình ảnh, chú thích hình ảnh, câu văn, chính tả, thậm chí đến dấu chấm câu đều được tác giả cẩn thận chọn lựa và biên tập. Thái độ và cách làm đó thể hiện một sự tôn trọng độc giả rất cao.

Do đó, bạn đọc không chỉ gặp những nhân vật tài hoa với những nhân cách đặc biệt, mà còn có dịp điểm qua những chứng từ quí hiếm mà tác giả đã dày công sưu tập. Mỗi chương sách, tính trung bình, có khoảng 12 hình ảnh, và 18 chương sách có hơn 200 hình ảnh và hiện vật. Bạn đọc sẽ chiêm ngưỡng những thủ bút, hiện vật, những bìa sách cách đây gần nửa thế kỉ. Mỗi nhân vật được tác giả phác hoạ bằng một tiểu sử "trích ngang", những tác phẩm hoặc thành tựu của họ, và những tâm tình đằng sau những tác phẩm. Bạn đọc sẽ biết những nhân vật chính trong những sáng tác của Nguyễn Đình Toàn "không phải là những nhân vật được nhắc tới trong trang sách mà chính là Thành phố Hà Nội." Bạn đọc sẽ cảm thấy xúc động khi biết hoạ sĩ Nghiêu Đề, người mà tác giả gọi là "người bạn tấm cám", vẽ bức tranh sơn dầu về con gái út Bé Sài Gòn khi ông đang nằm trên giường bệnh và qua đời khi tác phẩm còn dang dở.

Quyển hợp tuyển này là một đóng góp có ý nghĩa cho sự gìn giữ một nền văn học tự do, phóng khoáng và giàu tính nhân văn. Ngày nay, nếu hỏi ngẫu nhiên một sinh viên đại học (chưa nói đến học sinh trung học), hay thậm chí hỏi một giáo sư đại học, về những tác giả nổi danh trong nền văn học miền Nam trước 1975, xác xuất rất cao là họ không biết hay chưa nghe đến. Điều này cũng dễ hiểu, bởi vì nền văn học đó chưa được ghi nhận một cách đứng đắn, và những tác giả thời đó cũng chưa được giới thiệu một cách có hệ thống trong các đại học và văn đàn sau 1975. Tình trạng này đã được Nhà văn Võ Phiến nhận xét từ những hai thập niên trước: "Nền văn học 1954-75 ở Miền Nam Việt Nam trong thời gian qua bị ém giấu, xuyên tạc. Nó gặp một chủ trương huỷ hoại, gặp những bỉ báng hồ đồ. Nó chưa được mấy ai lưu tâm tìm hiểu, phán đoán cách đứng đắn, tử tế." Cuốn hợp tuyển này sẽ giúp bạn đọc tìm lại một mảng văn học bị lãng quên, và có tư liệu để đánh giá nền văn học đó tử tế hơn. Nếu các bạn muốn có những dữ liệu mới và đáng tin cậy cho việc khảo cứu nền văn học miền Nam trước 1975 thì quyển hợp tuyển này là một nguồn tham khảo cần thiết.