Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 24 tháng 10, 2017

Con Vẹm

Truyện Lê Kim Duy


Có ông anh ở Sài Gòn ra, một hôm cùng tôi đến nhà người quen chơi thấy hai mẹ con nhà chó xơ xác. Động lòng trắc ẩn, ông mở miệng:

- Cho tau xin con chó con.

- Anh ưa thì bắt đi! Chủ nhà cho một cách dễ dàng.

- Mai mốt vô rồi tau bắt. Ông anh bảo.

Ít hôm sau, đùng đùng thấy ông bê một thùng xốp vai mang ba lô ghé vô nhà, bảo:

- Bây cho tau gởi con ni đây, mai mốt tau ra tau lấy.

Không đợi gia chủ trả lời, ông quay lưng dông thẳng.

Hai vợ chồng tôi bế con chó ra khỏi thùng xốp, nhìn nhau ngao ngán. Con chó bé tí tẹo, bỏ lên cân được hơn ký, thân hình toàn rận.

- Khuấy sữa cho nó uống. Vợ tôi bảo.

Hai con chó ở nhà đến ngửi ngửi như muốn hỏi: “Mi là chó hay là chuột?”.

Liếm xong thìa sữa nó lờ đờ đi đến tô cơm mà con Lú và con Lẫn ăn dở đần một hơi sạch trơn. Tôi gọi vợ chỉ cho xem và bảo:

- Rứa là hắn tra tháng mà còi.

- Đỡ tốn sữa. Vợ tôi nói.

Chiều đó tôi phải cắt lông cho nó rồi xịt thuốc trị rận suốt cả tuần. Cả nhà mất hai ngày để bàn về cái tên cho nó. Cuối cùng thống nhất đặt tên cho nó là Vẹm, bởi vì nó đen thùi lùi, cái đầu lép kẹp như con vẹm dưới ao chui lên.

Thấm thoát hơn tháng, nó ăn nhiều và lớn như thổi. Một tháng tăng hơn một ký. Tháng sau cân được hai ký rưỡi, lông lá mọc lại đầy đặn, mập ú. Mấy đứa con tôi bàn phải đổi tên cho nó vì bây chừ nó không giống vẹm nữa. Thằng Cu đặt tên nó là Hạm vì nó dễ ăn lại tham không chừa thứ gì là không ăn. Ngặt một nỗi nó mau quen tên, cứ kiên trì cái tên Vẹm. Ai gọi Hạm nó cứ tỉnh bơ, coi như không nghe.

Hết ba tháng nó được gần năm ký. Lúc này nó lại khảnh ăn, cơm ngon mới ăn, dở là nó chỉ lựa liếm mấy miếng thịt rồi thôi. Tựu trung lại nó khảnh ăn nhất trong ba đứa. Đến bốn tháng nó không lớn nữa chỉ mập thêm, lông đen mượt. Nhưng tính tình nó mới là điều đáng nói.

Từ ngày có con Vẹm, nhà cứ ồn ào suốt, khi thì tiếng nó sủa, khi thì tiếng người la mắng nó, thỉnh thoảng còn có tiếng gầm thét của con Lú, con Lẫn đập nó vì bị nó quấy rầy, rồi tiếng nó la ăng ẳng kêu oan….

Mất hơn tháng tôi mới thống kê sơ bộ xếp loại các kiểu sủa của nó. Trước khi có nó, nhà tuy đã nuôi hai con chó nhưng rất ít khi ồn ào. Con Lú thì câm như hến, chả bao giờ sủa, gặp người lạ người quen gì cũng vẫy đuôi, có gì cho thì xoắn xuýt xin ăn, không có thì lảng ra một góc nằm nhìn. Con Lẫn thì sủa lung tung, đôi khi người quen thì sủa, người lạ thì vẫy đuôi, có điều dọa ít tiếng là nó đổi thái độ thân thiện ngay. Người trong nhà thì nó không lẫn, khi có người về bao giờ nó cũng vẫy đuôi mừng xoắn xít, tè một bãi giữa đất hoặc trên xe nếu nó leo lên được. Chính vì thế mà hai đứa con tôi đặt tên cho chúng là Lú và Lẫn.

Trở lại chuyện con Vẹm.

Khi vợ chồng tôi đi làm về hoặc con tôi đi học về hoặc những người thường xuyên lui tới đến mà nó ưng ý, trước hết nó sủa mấy tiếng rồi chạy vào lại gần tôi hoặc vợ con tôi rít lên mấy tiếng như để báo cáo, xong chạy xộc ra ríu rít, chồm lên người mới vào ra vẻ vui mừng lắm. Nó lại rên lên mấy tiếng khe khẽ như để báo cáo là đã “Nhiệt liệt chào mừng rồi”. Lần nào cũng như lần nấy, không sai chạy một li, ấy là sủa đúng quy trình.

Khi mấy đứa sinh viên ở trọ nhà bên đi hoặc về nó đều chạy ra sủa cho đến khi người ta đi khuất hoặc vào nhà xong. Ngoài sủa ra nó không có một động thái nào khác. Lắm lúc đang ăn nó vẫn bỏ dở để ra sủa, xong mới vào ăn tiếp. Ấy là sủa có kế hoạch.

Lúc nghe tiếng động ngoài đường, nó sủa từ trong nhà sủa ra, vừa chạy vừa sủa. Ra ngõ chả thấy ai, nó quay vào gặp bất cứ ai trong nhà nó đều quay mặt vào người đó để sủa, vừa sủa vừa gừ như muốn hăm dọa. Cho đến lúc người đó bực mình dọa đánh, nó mới thôi rồi lảng đi chổ khác. Ấy là sủa hớ hênh và sủa lấp liếm.

Có lúc buồn, ngủ dậy hoặc không buồn ngủ mà chẳng biết chơi trò gì, nó sủa con Lú hoặc con Lẫn đang nằm ngủ, đôi khi nó sủa cả người trong nhà để mong có sự chú ý đến nó. Vừa sủa nó vừa nhảy tưng tưng để khiêu khích và sẵn sàng bỏ chạy. Cho đến lúc bị đánh mới thôi. Ấy là sủa quấy nhiễu.

Những ai thường hay lui tới mà có thái độ la nạt hăm dọa nó là nó không tha. Lúc nào đến nhà, nó sủa từ đầu cho đến lúc về. Người nhà có la nạt, thậm chí nhốt nó vào phòng riêng nó vẫn sủa. Ấy là sủa trả thù vặt.

Hôm rồi, ông anh lại ra. Tôi bảo:

- Chó của anh đấy!

- Để xem! Ông bảo.

Ở lại mươi ngày, trước khi vào, ông bảo:

- Cái loại chó này tao nghỉ chơi lâu rồi, chú mi cứ để mà nuôi!

Tôi nghẹn đắng. Phải sống chung với lũ vậy! Cái ngữ ấy chẳng thể huấn luyện được!

Viết ra mấy dòng cho đỡ tức!

Tháng 11 năm 2017