Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 24 tháng 10, 2017

Đọc Tiếng nói của Linda Lê


Vũ Thành Sơn

received_10214707495220005_thumb[1]

Linda Lê sinh ở Đà Lạt và lớn lên ở Sài Gòn. Khi cuộc chiến tranh khốc liệt gây chia rẽ và để lại nhiều bất hạnh cho người ở lại cũng như kẻ ra đi vừa dứt tiếng súng ở Việt Nam, Linda Lê rời bỏ quê hương đi Pháp năm cô 14 tuổi, đến Havre cùng với mẹ và các chị em. Năm 1981, cô chuyến hẳn đến Paris để bắt đầu sự nghiệp của một nhà văn lưu vong.

Việt Nam có lẽ là một trong số ít quốc gia có nhiều nhà văn lưu vong trên thế giới. Nhưng nên hiểu thế nào là một nhà văn lưu vong? Họ tự nguyện hay bị cưỡng bức sống một thân phận bị bứng khỏi gốc rễ để theo đuổi con đường văn chương? Văn chương, vì thế, là nơi chuyên chở tiếng nói u uất, phản kháng của thân phận lưu vong? Hay chính hành động viết tự thân nó đã bao hàm một tình trạng lưu vong rồi?

Trong một tiểu luận ngắn Văn chương lc loài (Littérature déplacée), Linda Lê thuật lại một câu chuyện xảy ra ở Việt Nam: Một thanh niên nông dân hai mươi tuổi được đưa vào bệnh viện cấp cứu vì bị những cơn đau bụng dữ dội hành hạ. Các bác sĩ phẫu thuật ở đó phát hiện trong ổ bụng của anh ta một cái bào thai hai tuổi đã chết, đầu đã có tóc, đủ cả hai chân và hai tay. Nguyên nhân là từ lúc người mẹ mang thai sinh đôi, một cái bào thai bị dị tật đã phát triển vào bên trong một bào thai khác. Trong hai mươi năm cái bào thai ấy vẫn tiếp tục lớn lên dần dần trong bụng của chàng thanh niên.

Linda Lê nhìn thấy qua câu chuyện đó một ý nghĩa ẩn dụ. Cô nói: “Tổ quốc tôi, tôi cưu mang nó như anh nông dân kia mang cái bào thai của người anh em song sinh. Đó là một mối liên hệ khủng khiếp. Mối liên hệ mà nơi đó, quê hương, đồng thời là người anh em song sinh, được ấp ủ và bị bóp nghẹt, được nhìn nhận và bị chối bỏ. Và cuối cùng, nó được cưu mang như người ta cưu mang một đứa bé đã chết. Mối liên hệ khủng khiếp đó chi phối cả một quê hương khác là văn chương, sản sinh ra từ sự ám ảnh của một tì vết, một dị tật.”

Thông điệp đó là chiếc chìa khóa giải mã để chúng ta bước vào thế giới u ám, đầy khắc khoải của Tiếng nói.

Tiếng nói là cuốn tự truyện của tác giả, cũng có thể đọc như một tiểu thuyết, nói về sự ám ảnh của cái chết, sự phản bội, mặc cảm tội lỗi và giải thoát của một thân phận lưu vong bị đánh mất quê hương cùng lúc với quá khứ, di sản. Đó cũng là ẩn dụ về một hành trình tìm kiếm trong tuyệt vọng, tìm kiếm căn cước, tìm kiếm tiếng nói của chính mình và một chốn dung thân an toàn giữa sự bủa vây, đe dọa, khước từ, xua đuổi khốc liệt và khủng khiếp của một thế giới ghẻ lạnh, xa lạ.

Một người lưu vong là người đi theo quỹ đạo của những ngôi sao cháy sáng trên bầu trời tự do, cũng có nghĩa là đã bỏ lại tất cả phía sau, đã chặt đứt hết những ràng buộc với nơi chôn nhau cắt rốn, “hơi thở phì phò của quê hương” (Kafka). Đó là một người không tổ quốc, không đến từ đâu. Người lưu vong là một người mồ côi. “tôi đã bỏ nhà ra đi, gần như chẳng mang theo gì cả”.

“Tôi không biết mình đang ở đâu”. Tiếng nói đã được bắt đầu bằng một sự hoang mang như thế, bằng một cảm giác mất phương hướng trong một thế giới được nhìn ngược lên từ bên dưới đáy.

“…một căn buồng đặt phía dưới có ánh sáng mờ mờ lọt qua hàng chấn song của khung cửa trổ xuống hầm: xuyên qua chúng, tôi chỉ được thấy phần nửa dưới của nhân loại, những lưỡi kéo lớn, những cặp giò ngắn, những đôi giày cổ cao lộp cộp, những đôi giày đế gót cao, những bước chân kéo lê, vội vàng dứt khoát. Từ trên chiếc giường trông ra khung cửa trổ xuống hầm, tôi nghe tiếng ồn ào của đoàn người qua lại, tôi thấy một thế giới không đầu, dòng chảy rộn rịp của khách bộ hành tiến bước, trong lúc tôi chỉ nằm yên trên giường, phiêu du tại chỗ, như dưới đáy một khoang thuyền đang chìm dần”.

Đó là “một cái lỗ tối đen và toang hoác” (Conrad), hình ảnh tuyệt vọng, bế tắc của hiện thực tù túng của kẻ lưu vong bị xô đẩy đến tận ngưỡng cửa của điên loạn, thậm chí bên bờ vực tự vẫn. Ngoài kia, ở trên kia, là ánh sáng văn minh, là tự do. Trong thế giới không đầu đó, nơi mà nhà văn thấy mình chỉ là “cái đầu của một kẻ chết chìm, một cái đầu bị hành quyết rồi vứt xuống sông Seine”, mỗi người lần mò sờ soạng tìm kiếm trong mê lộ một khuôn mặt. Đi đến tận cùng của bóng tối là đi đến tận cùng của bản thân mình. Nhưng một nhà văn lưu vong thì tìm kiếm gì và thấy gì giữa những mảnh đời mất mát, xiêu vẹo đó? Có thể tìm lại được lời và tiếng nói bị tước đoạt của mình qua việc chứng kiến sự điên loạn của người khác?

Nhìn ở một góc độ sâu xa hơn, “Sự tìm kiếm bản thân như vậy thông qua sự chinh phục một ngôn ngữ mới” (Littérature déplacée).

Sự tìm kiếm đó đồng thời cũng có nghĩa là từ bỏ tất cả những ràng buộc, quy phục đối với quyền uy của quê hương, của di sản và ngôn ngữ mẹ. “Mày phải tự hủy! Tôi cầm lăm lăm lưỡi dao đã mài bén. Tôi phải tự gây thương tích, phải thấy máu chảy, đau đớn sẽ giúp tôi tìm thấy lại chính mình”.

Luôn mang tâm trạng của một kẻ bị chối từ, “Đuổi nó về quê nhà nó đi, ở đây không có chỗ cho bọn không biết chơi”. Nếu không muốn đứng bên ngoài cuộc chơi đó, nhà văn phải chấp nhận một sự đánh đổi để chỉ còn giữ lại căn cước của một kẻ phản bội: phản bội quê hương, phản bội ngôn ngữ mẹ. Đó chính là một cuộc tự hủy để hồi sinh, một sự bán mình cho một ngôn ngữ khác, một đời sống khác. “Tôi là một lối đi vấy máu”. Những di sản, bản thảo phải bị đốt sạch để từ đống tro than đó sẽ cất lên một tiếng nói.

Người cha là hình ảnh xuất hiện nhiều lần trong Tiếng nói, cũng như hình ảnh ngôi nhà có những tấm cửa xanh; đó là biểu tượng cho một thứ quyền uy mà nhà văn tìm cách chối bỏ. Chỉ có cái chết của người cha mới đem lại giải thoát và tự do.

Nhà văn lưu vong từ nay đã tìm thấy cho mình một phương cách để giải thoát khỏi sự giam cầm, tình cảnh cô độc, khủng hoảng của mình: Văn Chương và qua đó, trở thành công dân của vương quốc ngôn ngữ.

Trả lời phỏng vấn của Catherine Argand năm 1999, Linda Lê nói “viết tức là tự lưu đày. Khi viết ta không còn mái nhà, chỉ có bầu trời là nơi ẩn trú và ta yêu cái trơ trọi trước sự vật ấy. Một nhà văn chỉ có thể viết khi cảm thấy mình là một đứa trẻ được lượm nhặt về, một đứa con hoang. Đối với tôi, không là con của ai, của một tổ quốc nào là thái độ duy nhất khả thể”.[1]

Trong Tiếng nói, Linda Lê tự nhận mình cùng chung số phận với nhà văn Đức Ernst Weiss, sinh tại Brno, Tiệp Khắc. Ông là một nhà văn lưu vong, sống ở Paris, trong một khách sạn trên đường Vaugirard. Năm 1941 khi quân Đức tiến vào Paris, ông uống thuốc ngủ và cắt mạch máu ở cườm tay tự vẫn.

Ernst Weiss nói tác phẩm của ông là lịch sử tội phạm của tâm hồn: “Một cái tôi thực hiện công lý, lập biên bản và tuyên án, một cái tôi khác kê đầu mình bên dưới cái rìu”[2].

Có phải chính là trong ý nghĩa đó, Linda Lê hay nói chung nhà văn mới đích thực là mang một thân phận lưu vong?


[1] Tạp chí Lire, tháng 4 năm 1999. Bản dịch Mai Ninh.

[2] Linda lê, Tu écriras sur le bonheur, PUF, 1999, tr 320.