Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 24 tháng 10, 2017

Luận đề tự do trong sáng tạo thơ Thanh Tâm Tuyền

Lê Hồ Quang


Khi cho rằng nghệ thuật “là sự tiêu hủy để sáng tạo, là sự tiêu hủy quy định bởi sự sáng tạo” [1], Thanh Tâm Tuyền đã thực sự biến tự do, từ một motip chủ đề quen thuộc của chủ nghĩa lãng mạn, trở thành một phạm trù mĩ học mới, khác biệt. Cảm hứng triết luận về tự do thực sự là “chủ âm” trong thế giới nghệ thuật thơ ông, chính nó đã tạo nên mối liên kết bề sâu của các yếu tố cấu thành gương mặt thơ cách tân độc đáo này [2]. Từ một điểm nhìn cụ thể - luận đề tự do trong sáng tạo thơ Thanh Tâm Tuyền, tôi muốn góp thêm tiếng nói khẳng định vị trí, giá trị của ông trong nền thơ Việt Nam hiện đại. Trong phạm vi bài viết, chỉ xin giới hạn ở những nội dung trình bày sơ giản nhất.

***

Đề cao hết mực tự do tính, xem đó là bản chất của nhân vị và cũng là của nghệ thuật, đó là nội dung cốt lõi trong quan điểm sáng tạo của Thanh Tâm Tuyền. Chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh, quan niệm tự do của ông, về căn bản, không giống các tác giả thơ tiền chiến. Khi Xuân Diệu viết: Lòng rộng quá, chẳng khung nào chịu hết/ Chân tự do đạp phăng cả hàng rào (Mênh mông), thì với tác giả này, tự do nghĩa là được suy nghĩ và hành động theo tiếng nói của nội tâm, cảm xúc, vượt ra khỏi sự kiểm soát của khuôn khổ luân lý xã hội vốn hẹp hòi, khắc nghiệt. Xuất phát từ xung đột mang tính lãng mạn chủ nghĩa giữa cá nhân với xã hội, khát vọng tự do này đồng nghĩa với khát vọng khẳng định cái tôi cá nhân, cá thể. Còn với Thanh Tâm Tuyền, tự do là hành động tư tưởng nhằm khẳng định giá trị hiện hữu của con người. Nó xuất phát từ sự tự ý thức, phản tỉnh, suy tư thường xuyên của cá nhân. Cá nhân tìm kiếm tự do, trước hết, bằng cách đấu tranh với chính mình nhằm loại trừ sự tồn tại vô ý thức, vô nghĩa, phi lý, để hướng tới một đời sống có ý thức, có ý nghĩa, có lý tưởng. Bằng hành động ấy, con người tự do lựa chọn là mình và đó mới là tự do đích thực. Tự do, do đó, là giá trị tinh thần cốt tủy của cá nhân, nhân loại: “Mỗi người đã chính một tự do(Tôi không còn cô độc).

Như vậy, tự do ở đây là tự do hiện sinh. Ý thức, hành động của con người thể hiện ý nghĩa hiện hữu của anh ta. Hoặc, nói theo J. P. Sartre: Con người là những gì anh ta làm. Dẫu vậy, cũng cần phải nói thêm rằng, bối cảnh chính trị, xã hội của đất nước và thế giới, tình hình phát triển của văn hóa, văn học ở miền Nam vào thời điểm 1954 - 1975, cùng với tố chất “cách mạng” mãnh liệt trong tâm hồn đã sẵn hun đúc trong Thanh Tâm Tuyền một khát vọng tự do tự thân. Sự gặp gỡ với chủ nghĩa hiện sinh thực chất là cơ hội để tư tưởng ấy có thêm điểm tựa chắc chắn về mặt triết học, mĩ học, và thêm điều kiện phát triển.

Thanh Tâm Tuyền đã lựa chọn trở thành một con người đầy ưu tư về bản thể và tồn tại. Thơ ông là sự nổi giận trước thực tại đời sống tầm thường, phi lý và thể hiện khát vọng cháy bỏng hướng tới tự do. Tác phẩm nổi tiếng của ông - Phục sinh - cho thấy rõ điều đó:

Tôi buồn khóc như buồn nôn
ngoài phố
nắng thuỷ tinh
tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ
thanh tâm tuyền
buổi chiều sao vỡ vào chuông giáo đường
tôi xin một chỗ quỳ thầm kín
cho đứa nhỏ linh hồn
sợ chó dữ
con chó đói không màu
tôi buồn chết như buồn ngủ
dù tôi đang đứng trên bờ sông
nước đen sâu thao thức
tôi hét tên tôi cho nguôi giận
thanh tâm tuyền
đêm ngã xuống khoảng thì thầm tội lỗi
em bé quàng khăn đỏ ơi
này một con chó sói
thứ chó sói lang thang
tôi thèm giết tôi
loài sát nhân muôn đời
tôi gào tên tôi thảm thiết
thanh tâm tuyền
bóp cổ tôi chết gục
để tôi được phục sinh
từng chuỗi cuộc đời tiếp nối
nhân loại không tha thứ tội giết người
bọn đao phủ quỳ gối
giờ phục sinh
tiếng kêu là kinh cầu
những thế kỉ chờ đợi
tôi thèm sống như thèm chết
giữa hơi thở giao thoa
ngực cháy lửa
tôi gọi khẽ
em
hãy mở cửa trái tim
tâm hồn anh vừa sống lại thành trẻ thơ
trong sạch như một lần sự thật

Phục sinh thực sự gây ấn tượng bởi hệ thống biểu tượng trùng phức diễn tả hành trình vật lộn của con người với chính mình trên con đường tìm kiếm bản thể đích thực, cũng là tìm kiếm tự do hiện sinh. “Tôi” hiện diện trong tư cách một ý thức/ một thái độ/ một hành động sống. Cái tên là một biểu thị đơn giản và rõ ràng hiện hữu của “tôi”, do đó, trên hành trình lựa chọn để trở thành con người tôi muốn là, “tôi” không ngừng “gọi tên tôi”, “hét tên tôi”, “gào tên tôi”. Đó là một cách xác lập và khẳng định chủ thể tính. Hành trình sống chính là hành trình lựa chọn và sáng tạo bản thể, bắt đầu từ cái tên.

Bài thơ xuất hiện hàng loạt trạng thái đầy trái ngược, mâu thuẫn, kỳ dị, không thể giải thích theo logic đời sống thông thường: tôi buồn khóc như buồn nôn/ tôi buồn chết như buồn ngủ/ tôi thèm sống như thèm chết. Đó không chỉ là những mệnh đề so sánh gây sốc. Những trạng thái đối nghịch sóng đôi ấy diễn tả ý thức sâu sắc của cái tôi về sự phi lý của đời sống và định mệnh bi đát của kiếp người.

Nhưng đành thờ ơ sống như gỗ đá vô tri hay biết “buồn nôn” trước thực tại? “Sống” như một tồn tại trơ lì hay “chết” như một lựa chọn hiện sinh trung thực? Con người tự do lựa chọn và hành động để định nghĩa mình. Hành động “tôi” “bóp cổ tôi chết gục/ để tôi được phục sinh” là hành động lựa chọn cách thế tồn tại của Thanh Tâm Tuyền. Nó thể hiện khát khao tự hủy diệt để tái sinh một đời sống tinh thần tươi mới, cao khiết của bản thể. Nhà thơ hoàn toàn tin vào sự cần thiết cũng như giá trị của hành động ấy đối với đời sống con người: nó đưa con người đạt tới Tự do tính. Đó là lý do vì sao cuối bài thơ, ông khẳng định: tâm hồn anh vừa sống lại thành trẻ thơ/ trong sạch như một lần sự thật.

Thanh Tâm Tuyền cũng lựa chọn trở thành Người tự do sáng tạo. Sáng tạo là một cõi riêng, ở đó, nghệ sỹ có quyền uy tối thượng. Tự do đã đem lại cho anh ta quyền uy đó. Đó không chỉ là thứ tự do vượt ra khỏi khuôn khổ, luật định của thể chế chính trị - xã hội, mà là sự tự do trong nhận thức, tư tưởng cá nhân nhằm tìm kiếm, sáng tạo thứ nghệ thuật mình muốn là (trên thực tế, những ý nghĩa này không hoàn toàn tách rời nhau). Dĩ nhiên, hành động sáng tạo đồng thời cũng là cách để con người xác lập tự do cá nhân. Bằng sáng tạo và qua sáng tạo, anh ta lựa chọn trở thành con người mà mình muốn là.

Ngay trong bài đầu tiên của tập thơ Tôi không còn cô độc, nhà thơ đã xác lập một quy ước rạch ròi với độc giả và với chính mình:

Ở đây tôi là vị hoàng đế đầy đủ quyền uy. Bởi vì người vào trong đất đai của tôi.

người hoàn toàn tự do.

để cai trị tôi có những luật lệ tinh thần mà người phải thần phục nếu người muốn nhập lãnh thổ.

người hoàn toàn tự do.

và có thể ném cuốn sách ra khỏi cửa sổ.

Hình dung về sự “hoàn toàn tự do” trong hành động viết (của nhà thơ) và hành động đọc (của độc giả) trước hết là thách thức với chính tác giả. Nó thách thức thói quen tư duy, cách viết đã hình thành từ một truyền thống lâu bền, tạo nên áp lực không dễ phá bỏ, ngay cả với một đầu óc cởi mở nhất. Nó cũng thách thức mối quan hệ của người viết với người đọc. Khi người viết dám đi chệch khỏi khung khổ tiếp nhận truyền thống, hiển nhiên vô cùng khó để nhận được sự đồng thuận tán dương của độc giả, thậm chí, hậu quả của nó có thể nhìn thấy trước: “người hoàn toàn tự do/ và có thể ném cuốn sách ra cửa sổ”. Bài thơ cho thấy nhận thức tỉnh táo của nhà thơ về những gì mà người tiên phong thường phải lãnh nhận: sự xa lạ, chối bỏ, thậm chí thù địch. Như vậy, ý thức về sáng tạo như một hành động lựa chọn của cá nhân cũng đi cùng ý thức về gánh nặng mà sự lựa chọn ấy đã chất lên hành động của anh ta. Anh ta phải chịu trách nhiệm về hành động lựa chọn ấy. Như vậy, tự do sáng tạo hoàn toàn không đồng nghĩa với sự nổi loạn tùy hứng, điên rồ, vô phương hướng. Ngược lại, chỉ khi ý thức đầy đủ về trách nhiệm sáng tạo mới có thể có tự do sáng tạo.

Nhìn từ đây, có thể thấy tình yêu, một chủ đề nổi bật trong thơ Thanh Tâm Tuyền, cũng luôn được soi chiếu trong mối suy tư thường trực về tự do. Đó là lý do ông viết: Người ta chỉ yêu khi tự do (Người yêu).

Trong tiểu luận Nỗi buồn trong thơ hôm nay, Thanh Tâm Tuyền từng đưa ra một quan niệm gây sốc: “Tôi không ca ngợi tình yêu, tôi nguyền rủa tình yêu. Mỗi tiếng, mỗi lời viết ra tôi đều thấy nó chứa đựng những hận thù, khinh bỉ, dày vò, đớn đau, tuyệt vọng, nhơ nhuốc, dối trá, hằn học, trơ trẽn, bệnh hoạn, xấc láo, thô bạo, cục cằn, tủi hổ, yếu đuối, bất lực, chết chóc, nghĩa là tất cả những gì tình yêu loại trừ” [3]. Sự thực đấy là một cách nói nhằm nhấn mạnh sự khác biệt trong quan niệm của ông về chủ đề trung tâm của Thơ mới trước đó. Không hẳn ông “không ca ngợi tình yêu” mà vấn đề là ông nhận thức về nó theo cách khác. Thay vì xem tình yêu như đối tượng để chiêm bái, ngưỡng vọng, qua đó nhằm giãi bày những xúc cảm riêng tư, nhà thơ xem tình yêu như một phương tiện, cách thế để thực hành tư tưởng, nhằm đạt tới tự do tinh thần. Nếu Thơ mới, qua tình yêu, chú trọng tìm kiếm cái bản thể cảm xúc của cái tôi thì thơ Thanh Tâm Tuyền, qua tình yêu, chú trọng tìm kiếm bản thể tư tưởng của nó:

Anh xé tóc em cùng những cành lá chết
Mùa thu
Ghi thương tích nơi cườm tay
Khoá chặt
Anh xô ngã em từ chóp đỉnh hạnh phúc
Khuôn mặt vỡ tan
Như cẩm thạch
Như nước mắt
Như muôn đời
Không hối hận
Con đường anh phải đi một mình
Trần truồng dã thú
Ðón anh ở cuối đường
Hố sâu vĩnh viễn
(Đêm)

Thơ tình Thanh Tâm Tuyền, bởi thế, thay vì chỉ dừng lại ở những tâm sự cá nhân, đã phản chiếu trung thực tiếng nói đau đớn, phẫn nộ, buồn thương của thân phận “nhược tiểu da vàng” trong một thế cuộc đầy biến động, điều ta đã thấy trong tác phẩm nghệ thuật của của nhiều tác giả cùng thời kỳ như Trịnh Công Sơn, Tô Thùy Yên, Phạm Công Thiện… Đó không chỉ là tình yêu lứa đôi mà còn là tình yêu quê hương, giống nòi, nhân loại:

Anh là thằng điên khùng
Ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới
Chiếc kèn hát mãi than van
Ðiệu nhạc gầy níu nhau tuyệt vọng
Sao tuổi trẻ quá buồn
như con mắt giận dữ
Sao tuổi trẻ quá buồn
như bàn ghế không bầy
Thôi em hãy đứng dậy
người bán hàng đã ngủ sau quầy
anh đưa em đi trốn
những giày vò ngày mai

(Dạ khúc)

Tình yêu, như vậy, cũng là một phương cách để nhà thơ “định nghĩa” về bản thân mình. Đó là một cái tôi đầy suy tư, đau đớn, luôn khao khát nhìn thấy ở tình yêu của thời đại ông sống điều gì đó còn cao hơn chính bản thân nó, ấy là tinh thần tự do, sự hy sinh, lòng tận hiến.

Nhìn từ phương diện xã hội, con người tự do cũng đồng nghĩa với con người tự quyết. Tuy nhiên, tự do với Thanh Tâm Tuyền không có nghĩa là sự phá phách, chối bỏ mọi mối ràng buộc xã hội. Ngược lại, càng nhận thức sâu về tự do cá nhân, càng ý thức cao về trách nhiệm nhân quần. Nói cách khác, con người chỉ có thể thực sự tự do khi ý thức đầy đủ về trách nhiệm của cá nhân đối với lựa chọn của mình. Với Thanh Tâm Tuyền, tự do ở đây là tự do lựa chọn trách nhiệm để gánh vác. Tiếng nói tinh thần mạnh mẽ, trực diện, nồng nhiệt trong thơ ông có thể hiểu như biểu hiện của nhận thức tự do đó. Đó là lựa chọn dấn thân vào đời sống thực tại, trước hết là về mặt tư tưởng, sau nữa, bằng hành động. Tinh thần, tình cảm nhân loại thấm đẫm trong nhiều trang viết của Thanh Tâm Tuyền. Đó là lý do giải thích vì sao thơ ông xuất hiện nhiều địa danh quốc tế (Đông Âu, Bắc Phi, Tây Ban Nha, Bình Nhưỡng, Bắc Kinh, Paris, Sibérie, Chili…); với tên tuổi những người nghệ sỹ - chiến sỹ quả cảm và những cuộc cách mạng rung trời vì tự do của nhân loại. Chúng truyền nhiệt hứng trào dâng trong những vần thơ hào sảng: Các anh Cộng hòa đã chiến đấu cho Tây Ban Nha/ xứ sở Lope de Vega Garcia Lorca/ một Breton tình điên còn nức nở/ mà Hy vọng Malraux còn thổn thức/ và mãi Ernest còn tiếc thương/… Anh sẽ đọc thấy trong một đêm không ngủ ở Madrid/ Bruxelles Genève Paris hay Venezuela/ hay từ Chi li hoang dã Bắc phi tối tăm/ bởi vì tôi tin các anh không bỏ rơi cách mạng/ bởi vì tôi tin các anh còn đau tim (Ôi anh em Cộng hòa)… Cùng với cảm hứng ấy, không gian thơ Thanh Tâm Tuyền trở nên phóng khoáng, rộng mở. Nó gắn liền với khát vọng và niềm tin sôi nổi của nhà thơ hướng về nhân loại yêu tự do, hòa bình: ôi hai mươi/ nhân loại trẻ như hoa búp/ con về dựng lại cửa nhà/ trẻ con đi học trên đường rộng/ chữ đầu tiên em học là gì/ thưa yêu… (Phiên khúc 20). Trong những vần thơ mang đậm tinh thần lãng mạn, nhà thơ truyền cảm hứng về một thế giới trong tương lai được nối kết bằng tự do và tình yêu, “không ai còn cô độc”.

Khát vọng phá bỏ trật tự thế giới cũ để thiết lập một trật tự thế giới mới, ý thức và thái độ dấn thân vào đời sống xã hội, tư tưởng sáng tạo nhằm tìm kiếm một ngôn ngữ và “văn phạm” thơ hiện đại, tự do… là những điểm tương đồng dễ nhận thấy trong sáng tác của Thanh Tâm Tuyền và nhiều nhà thơ cách tân quyết liệt đầu thế kỉ XX trên thế giới: V. Maiacốpxki, A. Breton, P. Euard, L. Aragon, P. Neruda,… Đó là một tinh thần, một thái độ sáng tạo đúng nghĩa, vượt lên ranh giới phân chia sắc tộc, quốc gia, thể chế, hướng đến những giá trị phổ quát, nhân bản.

Như vậy, trên thực tế sáng tác của Thanh Tâm Tuyền, suy tư về Tự do cũng là suy tư về Bản thể, về Đời sống, Tình yêu, Nghệ thuật, và ngược lại - chúng luôn là một trong mối quan tâm thường trực của người nghệ sỹ. Không đơn thuần chỉ là một phạm trù triết học, đấy cũng là biểu hiện của một tư tưởng mỹ học khác hẳn so với thời kỳ thơ tiền chiến, như nhiều nhà nghiên cứu đi trước đã chỉ ra. Nó quyết liệt phá bỏ sự hài hòa, cân xứng, du dương của mỹ học truyền thống để hướng đến cái đẹp kiểu khác, cái đẹp của sự bất cân xứng, gẫy gập, phi hài hòa… Từ đó, nó đem đến cho người đọc một nhận thức khác, một quan niệm khác về cái Đẹp. Đó là mỹ học của Tự do. Hoặc, nói theo cách của Thanh Tâm Tuyền, đó là “mĩ học Dionysos”, mĩ học của “cơn cuồng nộ bi thảm”, của “những tầm thường khổ đau”, những “tang thương đòi giải phóng” [4]

Đây là đóng góp hết sức quan trọng của Thanh Tâm Tuyền đối với thơ Việt Nam kể từ sau Thơ mới. Nó làm thay đổi không chỉ về nhãn quan thơ mà còn về cách viết thơ và đương nhiên, qua đó, thay đổi cách đọc thơ hiện đại. Đó là lý do vì sao Tôi không còn cô độc và Liên Đêm Mặt trời tìm thấy đã tạo nên “cơn dư chấn dữ dội” cho thơ miền Nam thời kỳ ấy, xét cả trên phương diện sáng tác lẫn tiếp nhận. Ảnh hưởng, tác động của tư tưởng và cách viết ấy, ở những mức độ nhất định, vẫn có thể tìm thấy trong thơ hôm nay. Có điều sau hai tập thơ trên, Thanh Tâm Tuyền cũng dừng lối viết ấy. Có thể nói, với Tôi không còn cô độc và Liên Đêm Mặt trời tìm thấy, ông đã hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của mình: Người khai phá, mở đường cho một thời kỳ sáng tạo mới của thơ Việt hiện đại.

Tôi muốn nói thêm đôi nét về kỹ thuật viết của Thanh Tâm Tuyền, cụ thể ở hình ảnh và kết cấu, những phương diện bị/ được chi phối mạnh mẽ bởi tinh thần tự do, theo chủ điểm mà bài viết hướng tới. Thơ ông cho thấy rất rõ thứ “nhịp điệu của hình ảnh” mà ông từng dùng để nói về thơ Quách Thoại: “Trong một bài thơ giữa những tiếp nối của ý tưởng bỗng nhiên xuất hiện hình ảnh, có khi một có khi là một mớ xô đẩy nhau, tưởng chừng không ăn nhập gì vào bài nhưng chính thực ở đấy tỏa ra một thứ ánh sáng một thứ âm nhạc bao trùm làm rung động toàn bài” [5]. Tổ chức hình ảnh trong thơ của Thanh Tâm Tuyền, do vậy, trở nên đa tầng, phức tạp. Chúng tự do kết hợp, “tự do đổ vỡ”:

Đêm giao thừa thế kỉ mưa rơi sao

mái sáng đường nằm chiêm bao biển giận dỗi

bàn tay trăng mắt mây môi nhiệt đới

chiến tranh còn những khoảng đất hoang

cửa sổ đập lên cao cánh chim én mùa xuân

ôm vào lòng bãi cỏ vườn hoa bầy sao rụng

Ai hỏi anh ngoài bờ giậu

Lãng mạn lập thể siêu thực dã thú đa đa

(Chim)

Những câu thơ vừa dẫn này gợi nhớ đến những câu thơ nổi tiếng vì sự bí hiểm của Nguyễn Xuân Sanh thời tiền chiến: Lẵng xuân bờ giũ trái xuân sa/ Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà (Buồn xưa)… Quả thực, sự thiếu vắng triệt để các liên từ, tính phân ly cao độ giữa các hình ảnh, sự giấu mặt cố ý của cái tôi… là những điểm gần gũi dễ thấy giữa hai thi phẩm. Có điều, dù cùng một kiểu kết nối hình ảnh, thơ Nguyễn Xuân Sanh vẫn dừng lại ở sự cân đối, đều đặn của câu chữ và sự du dương âm thanh, nhịp điệu trong khi thơ Thanh Tâm Tuyền đã phá hủy hoàn toàn sự cân đối và du dương đó. Dù cựa quậy, bứt phá, thơ Nguyễn Xuân Sanh vẫn nằm lại trong vòng vây của chủ nghĩa lãng mạn. Thơ Thanh Tâm Tuyền, ngược lại, với sự gân guốc và vạm vỡ của mình, đã bước hẳn sang miền đất của chủ nghĩa hiện đại.

Kết cấu thơ Thanh Tâm Tuyền là kiểu kết cấu phi duy lý, hết sức tự do cả về mặt ý tưởng, hình ảnh lẫn bố cục. Sự liên tưởng, tưởng tượng chuyển tiếp quá nhanh, quá đột ngột gây nên sự đứt mạch thường xuyên giữa các ý tưởng, hình ảnh. Nhận thức và xúc cảm mà chúng gợi lên, do đó, thường khá trái ngược và bất thường, rất khó để lý giải cho thật rành rõ. Điều này khác xa kiểu kết cấu duy lý, coi trọng sự mạch lạc và tường minh của mạch ý tưởng và cảm xúc trong Thơ mới. Xin dẫn ra đây một bài thơ ngắn của ông:

Tĩnh vật

Mẩu bánh mì ở góc bàn
và cốc nước trong như mắt đẹp
thôi để giấc mơ lên cỏ hoa
hiện hình nỗi chết
từ ngón tay
hết cả niềm hồn hậu
người đau bằng mầu bằng âm thanh
người nhổ muôn ngàn vết máu ra khỏi lồng ngực
là tĩnh vật
kẻ đi ngoài kia la vào mồm
sống

Là tranh, lại là tranh tĩnh vật, nên trước hết tác giả phải tập trung vào các hình ảnh, sự vật cụ thể. Cái tĩnh của tranh hiện diện trong hình ảnh “mẩu bánh mì ở góc bàn”, “cốc nước trong” hay “giấc mơ cỏ hoa” và cả trong “nỗi chết” của đường nét, màu sắc… Trong thế giới đó, con người dường như cũng trở thành một thứ tĩnh vật, bị phân rã trong im lìm thành mắt, bàn tay, cổ, tóc mai… Có điều, trong lặng thinh, tĩnh vật vẫn sống đời sống nhận thức và cảm giác của riêng nó. Ở đó, “người đau bằng màu bằng âm thanh”. Ở đó, hiện tại và quá khứ chồng lấn vào nhau: “những ngày nghèo đói/ ăn mày/ cố rúc tiếng cười lên cổ nõn/ tóc mai/ phố ngõ lên chiều mãi nhớ thương”… Và do vậy, cũng trong lặng lẽ, đã diễn ra sự hoán đổi, hóa thân triệt để giữa tĩnh vật - cảnhtĩnh vật - người. Bức tranh tưởng chừng chỉ im lìm nằm trên mặt giấy vẽ đã cất lên tiếng nói bi thương về cuộc đời, thân phận: người nhổ muôn ngàn vết máu ra khỏi lồng ngực. Tĩnh vật của Thanh Tâm Tuyền đầy náo động, đau đớn trong chính dáng vẻ bất động của nó. Nó sống đến đến siêu thực, dị kỳ!

Trên thực tế, những dấu hiệu đổi mới về mặt kỹ thuật viết nói trên đã manh nha xuất hiện trong các sáng tác của một số tác giả thời tiền chiến như Nguyễn Xuân Sanh, Hàn Mặc Tử… Ngay cả cùng thời điểm, những tìm tòi về mặt hình thức thơ cũng xuất hiện trong sáng tác của một số tác giả ở miền Bắc như Trần Mai Ninh, Hữu Loan, Nguyễn Đình Thi, Trần Dần (riêng với Trần Dần và một số tác giả khác như Lê Đạt, Dương Tường, Đặng Đình Hưng, Hoàng Cầm…, những tìm tòi kỹ thuật này còn tiếp tục mãi về sau, trong một hoàn cảnh sáng tạo có tính biệt lệ). Đặc biệt, không hẹn mà gặp, tinh thần phá bỏ cái cũ để hướng đến cái mới, ý thức công dân, “nhịp điệu hình ảnh” và giọng điệu tráng ca hào sảng trong thơ Thanh Tâm Tuyền có những điểm rất gần gũi với thơ Trần Dần thời kỳ đầu, trong trường ca Đi! Đây Việt Bắc. Có điều, càng về sau, thơ Trần Dần càng đi sâu hơn vào hình thức, với những tìm tòi, cách tân ngôn ngữ khép kín, dị biệt, đứng hẳn sang bên lề thời cuộc. Bị chi phối bởi hoàn cảnh xã hội - chính trị có tính đặc thù, rốt cục sáng tác của tác giả này đã rẽ sang một hướng rất khác so với xuất phát điểm. Từ những hiện tượng này, ta càng thấy rõ thơ ca, cũng như nghệ thuật nói chung, không thuần túy là chuyện chữ nghĩa, nó còn là câu chuyện của xã hội, của lịch sử và của số phận con người.

***

Nhìn một cách bao quát, sức mạnh và vẻ đẹp nội tại của thơ Thanh Tâm Tuyền nằm trong tư tưởng mĩ học của ông. Đó là mĩ học của Tự do. Dĩ nhiên, tư tưởng ấy đòi hỏi phải được nói theo cách của Thơ, của nghệ thuật, thông qua một thứ “ngôn ngữ mầu nhiệm” “sự chứa đựng của tiếng nói, của hình ảnh, của ý tưởng, diễn biến qua một ý thức sáng suốt, tự do vươn tới sự thống nhất trong khi phải trải qua sự chia sẻ mãnh liệt” [6]. Chỉ khi đó, Thơ mới thực sự là “tự do và sáng tạo” (Đặng Tiến). Suy tư về tự do là một hành động cần thiết để con người trở nên một nhân vị đầy đủ. Nhưng suy tư về tự do, trong trường hợp Thanh Tâm Tuyền, cũng là hành động sáng tạo. Khởi đầu từ một ý niệm triết học, tự do đã trở thành hạt nhân tư tưởng nghệ thuật của riêng ông, khơi nguồn sức mạnh sáng tạo mãnh liệt ở ông. Dĩ nhiên, Thanh Tâm Tuyền cũng không hẳn đã xây nên tư tưởng mĩ học cá nhân giữa khoảng trống. Chỉ có điều, ông đã ý thức về tư tưởng ấy một cách triệt để và điều đó không chỉ thể hiện qua những “tuyên ngôn” lý thuyết. Quan trọng hơn, ông đã hiện thực hóa tư tưởng ấy bằng các thi phẩm xuất sắc, với những tìm tòi hình thức kỹ thuật táo bạo, tân kỳ. Đây chính là điều đã tạo nên vị thế đặc biệt nổi bật và không thể thay thế của Thanh Tâm Tuyền trong thơ miền Nam giai đoạn 1954 -1975 và trong nền thơ Việt Nam hiện đại hôm nay.

Vinh, 14/3/2017


[1] Thảo luận giữa Cung Trầm Tưởng, Doãn quốc Sỹ, Duy Thanh, Huỳnh Văn Phẩm, Lê Huy Oanh, Mai Thảo, Ngọc Dũng, Nguyễn Sỹ Tế, Thanh Tâm Tuyền, Thái Tuấn, Tô Thùy Yên, Trần Thanh Hiệp (1965), Nxb Sáng - tạo, Tủ sách Ý thức, tr. 21.

[2] Trong bài viết này, tôi chỉ tập trung khảo sát hai tập thơ đầu của Thanh Tâm Tuyền, đó là Tôi không còn cô độc (1956) và Liên Đêm Mặt trời tìm thấy (1964).

[3] Thanh Tâm Tuyền (1973), “Nỗi buồn trong thơ hôm nay, Văn, số đặc biệt về Thanh Tâm Tuyền, Sài Gòn, tr.68.

[4] Thanh Tâm Tuyền (1973), “Nỗi buồn trong thơ hôm nay, Văn, số đặc biệt về Thanh Tâm Tuyền, Sài Gòn, tr.69 -70.

[5] Thanh Tâm Tuyền (1973), “Nỗi buồn trong thơ hôm nay, Văn, số đặc biệt về Thanh Tâm Tuyền, Sài Gòn, tr.66.

[6] Thanh Tâm Tuyền (1973), “Nỗi buồn trong thơ hôm nay, Văn, số đặc biệt về Thanh Tâm Tuyền, Sài Gòn, tr.66.