Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 24 tháng 8, 2017

Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân – Phê bình và khảo cứu (kỳ 1)

Hoàng Tuấn Công


LỜI ĐẦU SÁCH

Từ điển là sách công cụ, kho cứ liệu chuẩn mực, tin cậy để tra cứu, vận dụng chính xác từ ngữ, khái niệm cần tìm. Bởi thế, yêu cầu quan trọng của từ điển là phải chính xác. GS Nguyễn Lân là tác giả và đồng tác giả của gần 10 cuốn từ điển. Sách do tác giả biên soạn riêng gồm có: Muốn đúng chính tả (1949, được chính tác giả xếp vào loại “từ điển”), Từ điển từ và ngữ Hán-Việt (1989), Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (1989), Từ điển từ và ngữ Việt Nam (2000). Sách đồng tác giả có: Từ điển chính tả phổ thông (1963), Từ điển tiếng Việt (1967), Từ điển Việt-Pháp (1989), Từ điển Pháp-Việt (1981), Từ điển thành ngữ, tục ngữ Pháp-Việt (1993), Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt-Pháp (1994). Năm 2001, GS Nguyễn Lân được Nhà nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ cho “Cụm công trình về giáo dục học và từ điển tiếng Việt”.

Khi tra cứu Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam cũng như các cuốn Từ điển từ và ngữ Hán Việt, Từ điển từ và ngữ Việt Nam của GS Nguyễn Lân, chúng tôi phát hiện những sách này có quá nhiều lầm lẫn, sai sót. Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết đầu những năm 2000, hai nhà nghiên cứu Huệ Thiên và Lê Mạnh Chiến cũng đã từng chỉ ra nhiều sai sót trong từ điển của GS Nguyễn Lân.

Qua so sánh, chúng tôi thấy những “sơ sót” (chữ của Huệ Thiên) mà các nhà nghiên cứu chỉ ra một cách xác đáng, cũng chỉ là một phần rất nhỏ so với những sai sót chứa đựng trong từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân. Sai sót là thế, nhưng cả ba cuốn Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, Từ điển từ và ngữ Hán Việt, Từ điển từ và ngữ Việt Nam, đều được tái bản nhiều lần. Từ cuối năm 2013, trên trang Blog Tuấn Công Thư Phòng (tuancongthuphong.blogspot.com) chúng tôi (bút danh Hoàng Tuấn Công) tiếp tục chỉ ra những sai sót nghiêm trọng trong từ điển của GS Nguyễn Lân, qua một loạt bài viết, được độc giả quan tâm đón nhận, nhiều trang mạng khác đã đăng lại. Tuy nhiên, từ điển của GS Nguyễn Lân vẫn tiếp tục được tái bản. Nhiều cuốn từ điển của ông vẫn tiếp tục in lại, đem trưng bày, giới thiệu, nhiều bài viết vẫn đánh giá cao đóng góp của GS Nguyễn Lân trong việc “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” nói chung và biên soạn từ điển nói riêng (chúng tôi có trích dẫn cụ thể trong sách này). Những cuốn từ điển của GS Nguyễn Lân còn được bán ở hiệu sách nhiều nước có cộng đồng người Việt sinh sống. Ông Nguyễn Thuỵ Đan hiện định cư ở Mỹ, đã gửi cho chúng tôi bức ảnh chụp Từ điển từ và ngữ Việt Nam bày bán ở hiệu sách bên ấy, và cho biết: “Ở Houston có hai nhà sách, Phương My và Thiên Nga, cả hai đều bán từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân.” Như vậy, có thể thấy rằng, những sai sót trong từ điển của GS Nguyễn Lân không chỉ ảnh hưởng tới việc học tập, nghiên cứu trong nước, mà còn với cả cộng đồng người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài.

Trong một bài viết có tên “Về thái độ của ông Vũ Đức Phúc trong tranh luận học thuật”, Nhà nghiên cứu An Chi viết: “Học giả hoặc nhà văn, dù đã quá cố, vẫn phải vĩnh viễn chịu trách nhiệm về những gì họ đã viết.” (Kiến thức ngày nay, số 318, 10/6/1999). Đây là quan điểm hoàn toàn đúng đắn, khoa học. Sự nghiệp giáo dục và công lao đóng góp của GS. NGND Nguyễn Lân như thế nào đã có sự đánh giá, ghi nhận, vinh danh của Nhà nước và xã hội. Trong cuốn sách này, chúng tôi chỉ nhắc đến GS Nguyễn Lân với tư cách là tác giả của những cuốn từ điển còn nhiều sai sót, cần phải đính chính, cũng là đáp lại ý nguyện của chính tác giả khi còn sống: “vì tuổi cao có thể có những sai sót, dám mong các độc giả dùng sách này vui lòng chỉ bảo cho” (trích “Đôi lời tâm sự thay lời tựa” của GS Nguyễn Lân trong sách Từ điển từ và ngữ Việt Nam - 2006); và “vì phạm vi sưu tầm và hiểu biết của chúng tôi có hạn, nên công trình này của chúng tôi không tránh khỏi thiếu sót và sai lầm. Mong rằng khi sách được xuất bản, chúng tôi sẽ nhận được những lời chỉ bảo và bổ sung của các bậc cao minh.” (trích “Lời nói đầu” của GS Nguyễn Lân trong sách “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” - 1989).

Sách “Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân - Phê bình và khảo cứu” thực chất là những Phê bình và khảo cứu về việc giải nghĩa tiếng Việt, gồm có 5 phần:

Phần I: Phê bình, khảo cứu “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam”:

Những sai sót khi soạn giả giải thích các sự vật, hiện tượng, kinh nghiệm dân gian tiền hậu bất nhất, hoặc giải thích sai, nông cạn, làm hẹp ý nghĩa, cách dùng thành ngữ, tục ngữ; ghi sai về mặt văn bản, giảng sai từ ngữ Hán-Việt, thành ngữ, tục ngữ gốc Hán.

Phần II: Phê bình, khảo cứu “Từ điển từ và ngữ Hán Việt”

- Những sai sót khi giải nghĩa từ ngữ Hán Việt, yếu tố Hán Việt (chưa từng được công bố trên Blog Tuấn Công Thư phòng).

Phần III: Phê bình, khảo cứu “Từ điển từ và ngữ Việt Nam”:

- Những sai sót trong giải nghĩa từ và ngữ Việt Nam (bao gồm thành ngữ, tục ngữ, từ và ngữ Việt Nam... liên quan đến nhiều lĩnh vực khoa học và đời sống, thuộc tất cả các phần chữ cái từ A đến Y.

- Trong khi phê bình, khảo cứu, chúng tôi có chỉ ra những sai sót mà GS Nguyễn Lân chép lại từ các cuốn Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, Từ điển từ và ngữ Hán Việt đã xuất bản trước Từ điển từ và ngữ Việt Nam. Đặc biệt, chúng tôi khảo cứu, so sánh những sai sót trong từ điển của GS Nguyễn Lân giống với “Từ điển tiếng Việt” uy tín, do Văn Tân chủ biên, mà GS Nguyễn Lân là thành viên biên soạn, xuất bản lần đầu năm 1967 (điều này lần đầu tiên được phát hiện và công bố).

Phần IV: Chính tả trong từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân

Chỉ ra nhiều lỗi chính tả do phát âm sai, lẫn lộn S với X, TR với CH...; hiện tượng lẫn lộn do nói ngọng rồi viết sai L thành N, và ngược lại L thành N, trong cả 4 cuốn sách: Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam; Từ điển từ và ngữ Hán Việt; Từ điển từ và ngữ Việt Nam và Muốn đúng chính tả, mà trước đây những bài chúng tôi công bố trên Blog (cũng như bài của các tác giả khác) chưa từng chỉ ra.

Phần V: Thử lý giải những sai lầm khó hiểu của Nhà biên soạn từ điển - GS Nguyễn Lân

- Căn cứ vào những sai sót cụ thể trong từ điển, nhìn nhận về kiến thức cơ sở ngôn ngữ học, kiến thức Hán Nôm, kiến văn, tiếng mẹ đẻ, phương pháp luận...của soạn giả.

Để đảm bảo khách quan, trung thực, cách làm của chúng tôi là khi trao đổi về một mục từ nào đó đều có khảo cứu, phân tích, dẫn chứng rất kỹ và cụ thể. Nghĩa là chúng tôi luôn cố gắng kết hợp kiến văn của bản thân với nhiều nguồn tài liệu và từ điển tin cậy khác, trích dẫn cụ thể để bạn đọc tiện so sánh, tự kiểm chứng đúng sai; bạn đọc còn được tham khảo thêm nhiều nguồn tài liệu, được sáng tỏ với cả những vấn đề lâu nay còn gây tranh cãi.

Sách “Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân – Phê bình và khảo cứu” sử dụng nhiều tài liệu tham khảo. Đối với những tài liệu chúng tôi sử dụng để trích dẫn nhiều lần sẽ được viết tắt cho ngắn gọn và diễn đạt trôi chảy hơn. Ví dụ, Hán Việt tự điển của Thiều Chửu sẽ được viết tắt Tự điển Thiều Chửu hoặc Thiều Chửu, Từ điển tục ngữ Hán Việt sẽ được gọi là Tục ngữ Hán, tuỳ theo yêu cầu diễn đạt. Bạn đọc có thể xem mục Đối chiếu tên tài liệu viết tắt và thư mục sách trích dẫn, tham khảo ở cuối sách để biết rõ chúng tôi sử dụng những nguồn tài liệu nào. Một số tài liệu đã được dẫn nguồn cụ thể ngay sau khi trích dẫn, có thể bạn đọc sẽ không tìm thấy trong danh mục tài liệu tham khảo.

Nhiều lỗi trong Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, Từ điển từ và ngữ Hán Việt, Từ điển từ và ngữ Việt Nam của GS Nguyễn Lân từng được Huệ Thiên và Lê Mạnh Chiến chỉ ra, nhưng bạn đọc lại không tìm thấy trong sách này của chúng tôi. Điều đó không có nghĩa những lỗi ấy không xác đáng, mà chúng tôi tự xét thấy, nếu không tham khảo bài viết của các bậc tiền bối, thì chính chúng tôi cũng sẽ lướt qua, hoặc không tự mình phát hiện ra được (đặc biệt là những lỗi thuộc lĩnh vực toán học, hoá học, điện tử,...), nên không đưa vào sách này. Có những lỗi chúng tôi nêu ra trùng với hai nhà nghiên cứu An Chi và Lê Mạnh Chiến đã từng nêu trước đây, có nghĩa đó là kết quả tư duy độc lập và sự trùng hợp ngẫu nhiên. Trong trường hợp này, bài viết của những người đi trước vẫn có giá trị tham khảo quan trọng, giúp chúng tôi có thêm cứ liệu khẳng định quan điểm của mình.

Nhân dịp sách xuất bản, chúng tôi xin chân thành cảm ơn các bậc tiền bối, anh em, bạn bè và độc giả Blog Tuấn Công Thư Phòng đã luôn nhiệt tình ủng hộ trong việc chỉ ra những sai sót trong biên soạn từ điển tiếng Việt nói chung và từ điển của GS Nguyễn Lân nói riêng. Cảm ơn Nhà văn Nguyễn Quang Lập ngay từ buổi đầu đã khích lệ, tạo cảm hứng cho chúng tôi trong từng trang viết; đã cùng với Blog Tuấn Công Thư Phòng sớm đưa một phần thông tin về những phê bình và khảo cứu này đến đông đảo bạn đọc.

Dù đã hết sức thận trọng, nhưng do từ điển liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau, trong khi khả năng lại có hạn, nên sách Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân – Phê bình và khảo cứu khó tránh khỏi sai sót, nhầm lẫn. Chúng tôi luôn trân trọng, biết ơn, mong được các bậc cao minh và độc giả phát hiện, góp ý để kịp thời sửa chữa khi có dịp tái bản.

Thanh Hoá, tháng 10 năm 2016

Tác giả