Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 22 tháng 8, 2017

Lạc cõi giang hồ


Truyện ngắn Nguyễn Văn Thọ

Tôi đã nghe câu chuyện đại khái như thế này từ một con người có thực: nhà thơ - nhà báo Tuân Nguyễn, một tù nhân chính trị (tù nhân lương tâm thì đúng hơn) rất sớm của miền Bắc Việt Nam sau 1954. Chuyện những ngày đầu anh ra tù. Tình cờ, đêm đầu tiên ra tù của tôi có một chi tiết hơi giống như thế.

Đêm ra tù, chờ tàu ở ga Thanh Hóa để về lại nhà, tôi đã chen vào giữa đám trẻ bụi đời mà tìm chỗ ngủ. Và ngủ rất ngon. (Cũng tình cờ, tôi đã ở đúng cái trại mà 10 năm trước đó anh Tuân Nguyễn từng ở). Có lẽ, từ vô thức, “người tù được tha” biết mình ở tầng đáy xã hội, cùng với đĩ điếm, anh chị giang hồ và trẻ bụi đời.

Tác giả có lấy nguyên mẫu nhân vật từ anh không? Tôi không dám chắc. Nhưng tôi tin cái truyện ngắn đầy Victor Hugo này cũng “hiện thực” ngang với phong vị “lãng mạn” của nó. Sự Đời luôn hai mặt (đúng ra là nhiều mặt). Và văn chương, theo “chủ nghĩa” nào không biết, nếu nó còn làm ta trăn trở về Sự Đời, thì đáng viết và đáng đọc.

Cảm ơn tác giả đã qua tôi, gửi gắm truyện này cho bạn đọc Văn Việt.

Hoàng Hưng


Hoàng vừa ra tù. Anh tìm ngay về 36 phố phường, mong gặp bè bạn cũ.
Trong tù tăm tối, mọi sự xảy ra của cả xã hội con người ngoài nhà tù với anh đều kín như bưng; đâu có biết Hà Nội suốt cả tuần mưa.

Mưa hạ ướt nhượt thành phố, cả sớm và chiều làm tất cả như chui vào một tấm chăn màu xám ướt nhoét. Ở tù, anh nghe loáng thoáng xa lắm ngoài kia tiếng bom đạn ùng oàng; ra tù mới rõ, chiến tranh cũng đã triền miên cả chục năm. Hoàng rất ngạc nhiên ngay từ lúc ba giờ sớm, khi con tàu trôi chầm chậm qua cầu Long Biên. Anh có cảm giác cả con tàu như hút vào một cái miệng đen khổng lồ, một cái miệng đầy răng gãy nham nhở, lở loét trong nhập nhoạng vùng tối. Thành phố há cái miệng nuốt chửng nó, nuốt cả anh và cả con tầu.

Chiến tranh! Chả thấy một bóng người dập dìu. Bao phố cũ xưa đông đúc, vụt thoắt vắng vẻ, đìu hiu, nhà cửa cũng vắng hoe, còn bây giờ cây cối ủ rũ ướt nhoẹt. Đường rỗng, ngõ rỗng, trong lòng cũng thì trống rỗng.
Thời tao loạn, làm cuộc tìm kiếm của Hoàng chẳng ra kết quả nào. Kẻ gặp, vì già nua hay túng bấn quá, bản thân người ta cũng không tìm ra nơi ẩn náu, sao mình còn kiếm được lưng cơm; còn đa số địa chỉ anh tìm đến là cái nhà cửa đã khoá ngoài, có biển treo trước cửa đề rõ ràng: X, Y, Z đã sơ tán ở...

Trời ạ, đói rã họng ra, đi đâu xa được nữa?

Chẳng thể kiếm được bữa ăn hay một nơi cho nghỉ cho qua một đêm nay thôi. Cơ thể lại phản bội anh, lên cơn ngây ngây sốt.
Thành phố thì rộng, phố xá thì trống mà thiếu một nơi nằm.
Đến sâm sẫm Hoàng cũng nản lắm, cơn sốt cứ từ từ làm cảm giác rét tăng dần lên. Đi đâu? Lang thang, lầm lũi đi mà chả biết đi đâu. Mặt trời khuất, đèn đường bật khắp mà anh vẫn đi. Mưa cứ ngun ngún đổ xuống, rõ từng đợt trắng trong ánh điện càng làm Hoàng có cảm giác ớn lạnh thêm nhiều lần. Anh kéo cổ áo, che đầu tùm hụp bằng mảnh ni lông lén nhặt được bên hè. Phải giữ thóp ấm. Kinh nghiệm những năm ở tù dạy anh như thế.

Trời lại bất ngờ đổ về thêm trận mưa nữa, lớn hơn, mau hạt hơn. Gió cứ sàn sạt thổi trên những tàng cây. Phố xá cho anh sự cảm giác thê lương. Ngửng mặt lên vừa đúng đến cửa ga Hàng Cỏ. Tặc lưỡi, Hoàng ngoặt vào thềm ga. Thôi đành trú đêm nay, quay lại điểm đầu tiên bước chân về thành phố.
Mưa. Đói và ướt. Hoàng bắt đầu rên nhè nhẹ. Người anh bé nhỏ, đêm tối, lọt thõm giữa nhà chờ ga cũ mênh mông, vắng ngắt. Anh nhớ những con chuột đen và gầy, lông xơ xác trong tù. Nhớ cả con chuột hôi thối, bị xe cộ nào cán, bẹp dí trên mặt đường, chỉ nhìn thấy đôi mắt đen như hạt đỗ. Mình đang là cái bao rách, người ta bỏ quên bên vỉa ba toa khi anh xuống ga buổi sớm nay.

Gió từng đợt thốc vào từ những ô thềm rộng. Vốn gầy gò, lại vừa ở tù ra, đói rét và cơn sốt ập tới như điện, làm anh như cái xác chết run rẩy, tựa ệch vào một cái cột, lơ mơ, nửa thức nửa ngủ.
Từ đâu lao vào, theo con gió ướt lạnh, một bóng nhỏ. Nhìn rõ vạt nước chảy lũng thũng, tạo nên một vũng đen dưới chân kẻ lạ vừa đến, nhận ra trong ánh đèn nhà ga đỏ quạch. Người mới tới, tháo cái ni lông rộng đen tùm hụp, gỡ nón, vứt cái túi nan kêu phạch xuống cạnh tường.

Hoá ra đó một người con gái. Đúng tạng gái quê ra. Cô ta thở thượt một cái rõ dài, nghe như thở bên tai Hoàng, rồi ngồi thụp xuống cách anh hai sải tay. Hoàng giương mắt ra to hơn, qua chiếc kính cận dày cộp, cố nhìn tỏ mặt người mới tới đã ngồi toẹt xuống cái góc tối. Chừng một lát đủ quen mắt trong đêm, cô gái cũng nhận ra, bên cạnh mình có một kẻ đến trước:
- Đói hả? - Cô gái kia buột miệng nói. Lại tiếp như bâng quơ - Đây cũng đói rã họng ra đây! Từ trưa tới giờ chưa có cái gì vào bụng! Mà khỉ gió nhà anh chiếm cái chỗ của tớ.

Hoàng hơi nhổm dậy:
- Nào đâu biết chỗ của chị. Tôi trả chỗ chị nhé!- Anh nói.
- Ái chà. Đằng ấy có vẻ tử tế nhỉ - Lại nói như chính với cô ta - Mưa gió thế này, giờ có bát bún bung nhỉ!
Hoàng nhổm dậy hẳn: "Đói hả?" Anh lộn túi ra, vẻn vẹn hai hào bạc. Không ngần ngừ, đưa ngay cho cô gái: "Cô này. Nhờ cô đi đâu mua cái gì, cô với tôi ăn cho đỡ đói. Tôi mệt. Đuối sức quá... lại mưa!".
Cô gái nhổm dậy, tới bên, tay sờ vào trán kẻ vãng lai xa lạ:
- Ờ. Ốm hả. Sốt rồi! - Mồm nói, tay cầm phắt lấy hai hào bạc của Hoàng- Hai hào à. Đủ cho tớ với đằng ấy bữa tối đấy. Ngồi chờ đấy. Tớ không lặn mất đâu! - Nói xong cô biến vào màn mưa đen trên đường phố. Không lâu quá sau đấy, từ trong mưa cô gái lại hiện ra, tay cầm một gói nhỏ. Một tờ báo trải ra, bầy trên là bánh cuốn. Anh cảm thấy hơi nóng của bánh cuốn phả lên từ mùi bánh, mùi hành. Lại hai miếng chả. Cái bát mẻ lấy ra từ túi nan chùi vội bằng miếng báo. Trút vào đó nước chấm từ gói ni lông nhỏ, xong, cô nói:
- Ăn đi nào. Bánh cuốn nóng nổi tiếng ngõ X đấy.
Hoàng nhỏm dậy, lê đến bên tờ báo: "Mời cô" - Bàn tay nhỏ chìa ra.
- Xem ra, ấy không phải đám lạc bãi.
- Trí thức hả? Kính cận lòi mắt kia mà!
- Dạt vòm mấy ngày mà thân tàn ma dại vậy?
Một kẻ cứ nhẩn nha nói, nhẩn nha nhai, một kẻ im lặng.
Họ ăn, không tiếp thêm một lời nữa.

Bánh cuốn ngõ X thì Hoàng biết rồi, còn dạt vòm (1)?! Hoàng vốn là một cây bút có số má trong đám giang hồ văn nhân mà cũng muốn bật cười cái từ ngữ chợ búa rất "nhân dân". Rất nhân dân khi từ đời sống vào văn chương, rồi lại từ văn chương ùa ra đời sống, lâu hơn, bền bỉ dẻo dai hơn biết mấy thứ văn vẻ nhưng lụa và mượt mà!

Nhưng nụ cười khi ấy của anh trở nên méo mó. Đúng hơn là nửa cười, nửa như khóc. Có gương mà soi thì tự thấy thật đáng thương.

Cô gái thấy Hoàng không có ý tiếp chuyện mình, nên thôi không nói nữa.
Hai kẻ xa lạ im lặng bốc bánh ăn, chấm vào cái bát mẻ đựng thứ nước chấm dịu, chua chua, cay cay, ngòn ngọt. Hoàng miệng đắng ngắt vì sốt, nhưng anh đói quá, bánh lại ấm nóng, nên miệng có đắng vẫn cho anh cảm giác miếng ngon như chưa khi nào được ăn; suốt cả ngày lang thang khắp nhà bạn bè, bạn viết, đồng nghiệp cũ, cũng chưa được ai mời lấy một hạt cơm, nên sau hai ba miếng nhỏ, anh vụt như con thú đói, ăn lấy ăn để. Ăn như thế, cũng là rất ý thức phải ăn để sống thôi. Điều này thì anh đã nằm lòng trong những năm tù.
Cô gái thấy kiểu ăn như nuốt chửng của anh, dừng ăn, nhìn anh đăm đăm rồi tự nhiên tủm mỉm cười.
Hoàng ăn một miếng chả rồi đẩy mảnh báo trên đó còn lại một miếng, bảo: "Phần của cô, cô ăn đi!"
- Không. Sớm nay tớ ăn chả rồi. Ấy ăn đi cho có sức.

Đêm. Ánh đèn tít tận cửa ra vào sân ga thời tao loạn cũng nhợt nhạt. Trời lại vẫn mưa suốt nên khuôn mặt người đàn bà không rõ lắm. Hoàng có chút ngũ cốc vào người nên có vẻ tỉnh ra, căng mắt nhìn cũng chỉ thấy lờ mờ cô gái có hàm răng trắng đều, anh ánh phát sáng mỗi khi có chớp nhì nhằng.
Có tiếng phanh xe kin kít. Một xe xích lô đỗ sập ngay kề hiên. Trong mưa hiện ra một bóng đàn ông vạm vỡ, đội cái mũ cối sùm sụp:
- Ê, Lan!
- Ê cái con mẹ mày! Đừng chó ám! Từ sớm giờ chưa miếng mỏ gì đây! - Người đàn bà nói vóng ra về phía cái mũ đen sậm trong mưa.
- Sao hôm nay em khó tính thế?
- ?
- Lan ơi, "Điệp" đây mà!
- Điệp cái khỉ gió. Lặn ngay!
- Này nói thật, mưa gió thế này, cho anh một "nháy" đi.
- Biến! Bảo biến mà, không bà cho một cái dép vào mõm thối bây giờ!
Vẫn giọng trong đêm tối mềm như bún, thì thào như tiếng ma:
- Anh nói thật nhé. Vừa trúng một quả. Trả tiền Lan đàng hoàng chứ không xin không như mọi khi. - Gã xích lô tiến gần lại.

Bấy giờ Hoàng mới nhìn rõ một khuôn mặt khắc khổ, xương xương trong cái mũ tùm hụp! Bàn tay to lớn xoè ra một nắm bạc. "Thôi, vui một lúc, nhưng lùi cho nhau một tí!". Nói rồi gã xích lô khành khạch cười, níu ngay eo cô gái tên Lan, người vừa ăn với Hoàng.

Cô gái nhìn lại Hoàng rất nhanh rồi theo gã kia bước xuống mấy bậc thềm. Chớp mắt, họ chui ngay lên xe xích lô đã gác cái bậc chân cho khách trèo lên vào cái bậc hè của nhà ga. Và, lập tức cái bạt được buông xuống.

Trong mưa, mỗi khi sấm sét nhì nhằng, Hoàng nhìn rất rõ chiếc xe xích lô cứ dập dềnh, nhún nhảy, như múa trong vạn ngàn sợi thuỷ tinh nối đuôi nhau rơi xuống quanh chiếc xe. Và, mưa thành phố vẫn rào rào quất xuống mặt đất, để Hoàng nghe rõ cả tiếng mưa quất bồm bộp khi mau lúc thưa trên mái bạt cái xe xích lô. Lẫn vào mưa, vào gió, thoảng sang nơi anh nằm còng queo có tiếng ả tên Lan trong xe cười ré lên: "Thằng quỷ sứ!".

Vài chục phút sau, cái xe xích lô đứng yên phăng phắc như chưa từng có đôi "tình nhân" đã ôm nhau làm tình trên đó.
Trước mắt, tất cả dường như bỗng yên lặng, bất động. Sự hóa đá cho anh cảm giác, tất cả sân ga, chiếc xe và cơn mưa dừng lại, dừng lại như một dấu lặng nhiều ngoặc kép trên một bức tranh ông trời đột nhiên vẽ ra: Vẽ ra cho cuộc sống vô vàn sinh động phải dừng lại, đứng yên, hóa thạch trong khoảnh khắc bất ngờ của đêm nay.

Lát sau rồi cái bạt cũng mở ra, vén lên cho ả tên Lan bước ra để người đàn ông với cái mũ sùm sụp lại đạp xe vút đi, mất hút trong mưa.

Cô gái tên Lan bước lên thềm. Cô cào cào lại mái tóc, lấy ra ở túi xách nan một cái lược chải lại tóc:
- Đây, nó cho một đồng. Mai là ấy và tớ no rồi. Thằng quỷ này què một chân mà khoẻ ra phết. - Hình như cô gái cười!
- Cô làm việc ở đây lâu chưa? - Hoàng ân cần hỏi.
- Hê hê. Làm việc gì? Ấy cứ nói như tớ là cán bộ không bằng. Nói ngay cho nhanh, cô làm điếm ở đây lâu chưa? Em phò; làm phò ở đây lâu chưa? - quay lại nhìn. Bấy giờ mặt ả hướng đúng về phía ánh đèn trên góc trái của thềm ga và Hoàng nhìn rõ khuôn mặt Lan, một người đàn bà nạ dòng.
- Này hỏi ấy thật lòng! Ấy đeo kính thế kia, bộ dạng mặt mũi như học trò, hẳn không phải là cánh tớ rồi. Vợ nó đuổi ra khỏi nhà hay sao mà nom dạt vòm thê thảm thế?
- Không! Tôi vừa ở tù ra?
- Ở tù ra à? Sao mà tù? Phản động à? Tham ô, hay hủ hoá? Hay đằng ấy theo mấy thằng nhảy nghẽo (2) ... - Ả, mắt tròn xoe, đôi lông mày cong vút như cánh cung. Mắt khi rướn lên lại càng cong như cái cung đã lắp mũi tên. Nhìn thẳng vào mắt Hoàng.
- Cũng gần như thế!
- Này, tớ bảo cho ấy nhé. Dạng như ấy, chỉ ngủ tới năm giờ sáng thôi; rồi lặn đi, vừa tù ra, lang thang ở đây, họ tóm nữa lại thì khổ!
Hoàng vẫn ngồi tựa lưng vào cột. Anh muốn ngủ. Có tiếng ồn ào vẳng lại từ phía cửa ra vào sân ga. Tiếng người í ới gọi nhau. Ả ngồi bên phắt nhỏm dậy:
- Ấy ngủ đi, tàu Phòng về rồi. - Nói xong ả ngáp một cái rõ dài. Ấy ngủ đi nhé, tớ ra đây cái!

***

Hoàng chìm vào giấc ngủ khi nào chả hay. Anh cũng không muốn nghĩ tới ngày mai nữa. Ngày mai là cái gì ở hoàn cảnh của anh.
Khi anh bừng tỉnh trời đã rạng rạng. Những kẻ bán báo, bán nước, bán xôi í ới gọi nhau như trăm vạn sớm tinh mơ ở ga.
Dụi mắt, Hoàng thấy ngay cô gái đêm qua đang nhìn xuống anh tươi cười. Hoá ra vẫn cô là kẻ lay anh dậy, chứ không phải là một ông trật tự hay công an nào đó. Ả ngồi xuống bên anh và nói:
- Dậy ăn xôi đi rồi biến. Sắp tới giờ bọn nó vào rồi!
Gói xôi lạc thật nóng. Những hạt xôi trắng ngần, nom như những hạt ngọc trắng bên nhau. Mùi vừng lạc thật ngậy. Lạc mới béo làm sao. Hoàng chim chim nắm xôi, ăn chầm chậm.
- Đằng ấy về đâu bây giờ? - Ả hỏi.
- Có nhà cửa gì đâu mà về? Đã bảo tôi vừa ở tù ra mà.
Ả gái điếm ái ngại nhìn Hoàng, lại đặt tay lên trán anh:
- Sốt hầm hập thế này. Rõ khốn nạn. Thôi về nhà em đi.
- Thật không?
- Không thật thì đùa à?
Ừ thì về. - Hoàng nghĩ.

Nửa tiếng sau, Hoàng theo chân cô gái đi về mạn phố Khâm Thiên. Họ len lén đi qua những ngôi nhà trong ngõ nhỏ, tới cái bãi hoang đầy gạch vỡ và rác rưởi.
Khâm Thiên thời Pháp thuộc cũng từng là phố nhiều nhà thổ, cô đầu đây. - Hoàng chợt nhớ ai đó từng nói như vậy.
Họ dừng lại một nhà nhỏ.

Gọi là nhà cũng được, nhưng đúng hơn là cái chái nhà còn lại của một ngôi nhà lớn đã bị bom Mỹ phạt sập. Những trận bom kinh hoàng làm mặt đất chao đảo như động đất cho tất cả phố này tan hoang. Tất cả méo mó, tất cả có chỗ đổ sụp. Và cái nhà này xưa chắc cũng đẹp. Cái cửa gỗ lim đã nát nhiều lỗ thủng toang hoác kia có lẽ phường thợ từ Sơn Tây kiếm lim Thanh Hóa làm. Nay, người ta lấy cót ép che chắn lại cái chái đã từng có rồi tan hoang và buộc thêm cái cửa. Cửa cũng làm bằng ván ép đóng trên một cái khung gỗ.

Thực ra Hoàng khi ấy là bước đường cùng. Trùng sốt rét trong những ngày tù ở rừng hành hạ anh như có ngàn mũi kim châm trên da thịt. Cũng không cần mời, Hoàng đổ vật xuống cái giường kê bằng những viên gạch còn đầy vữa.
Một ngày, hai ngày, ba ngày trôi qua... Hoàng ở trong chái nhà ấy sốt miên man, chìm trong mê sảng. Cô gái đêm đêm đi làm và ban ngày trở về. Cái góc nhà có chỗ đun nấu, cô nấu cháo cho anh ăn và lau người anh bằng một cái khăn cũ nhưng được giặt sạch sẽ thơm tho, cho anh cảm thấy mùi hương của xà phòng Hoa Nhài khi chiếc khăn chà trên khuôn mặt toàn xương là xương, chỉ có đôi mắt còn ra cái hồn người.

Ngày thứ năm trôi qua, không thuốc men gì mà cơn sốt lui đi. Cũng ngày ấy, mưa tháng Bảy dữ dội. Cô gái ở nhà, mưa từ chiều sẩm rất to như trút nước, tựa như có ai vỗ mạnh những tấm cót ép.
- Đêm nay ở nhà với anh! - Cô gái nói.
Mười giờ đêm, họ nằm bên nhau.
Hoàng kể cho cô gái điếm nghe anh là ai. Những ngày ở đại học. Những năm tháng làm báo và viết văn.

Anh nói, tôi sẽ không sống như trước nữa. Tôi phải viết vì không viết không được... Câu chuyện anh rất thật, không giấu cô gái điều gì, kể cả cái lí do khủng khiếp mà anh phải nằm tréo khoeo trong tù. Mà thật ra, cô gái cũng không chú ý tới điều đó, bởi cô thừa biết rằng, mọi thứ vào tù đều như nhau cả. Thời tao loạn xấu đẹp như nhau cả nữa là trong tù.

Đó, bị tù là sự mất tự do, là đói, là rét, là không được ục nhau, kể như cô cho một "thằng mả mẹ", một kẻ ất ơ nào đó hòng kiếm manh áo miếng cơm, cũng không được.
Trong đêm tối, ả gái điếm bình thản nghe chuyện của anh. Chuyện của anh chàng nom thư sinh thế mà cái giọng lại đùng đục. Giọng hòa vào tiếng vo ve nhặng xị của bầy muỗi nhiều như trấu thi thoảng đốt xuyên qua cả cái màn đen nhuôm nhuôm màu cháo lòng.

Hoàng bấy nay cũng có dịp chiêm ngưỡng người đàn bà đã cưu mang anh.
Con người ta thật lạ. Bởi thực ra, khuôn mặt của người đàn bà đã nạ dòng và quá phôi pha vì những tháng ngày thức trắng nơi sân ga, cũng vẫn giữ lại những nét đẹp xưa phảng phất vốn dĩ cha mẹ đã ban cho. Điều ấy, hơn ai hết một kẻ trải đời như Hoàng sẽ nhận ra và trong tâm thức anh cô càng đẹp hơn, lạ lùng hơn, ở hoàn cảnh của anh và quan trọng hơn là anh thấy an lòng ở Lan.
Như có một sức mạnh nào đó giúp anh thắng được những khoảng cách giữa anh và cô. Khoảng cách thăm thẳm ngăn cách vốn dĩ luôn vô lí ở xã hội con người mà đôi khi chính người ta tạo ra. Sự tạo nên khoảng cách ấy lớn, dài mãi lên, là kẽ nứt bất chợt gây ra sự đau đớn, trào lên nham thạch cừu hận mà dìm chết cái thương yêu chăng?

Hoàng nhỏm dậy ôm lấy hai vai người đàn bà:
- Lan này, em còn rất đẹp!
Người đàn bà làm điếm – con đĩ – bỗng mỉm cười trong đêm. Cô trở mình, rồi cứ nằm ngay ngắn như cũ, thủng thẳng nói:
- Chưa một người đàn ông nào khen em đẹp! Chúng nó, sau khi ngủ với em, tất cả đều lăn ra ngủ như chó... Cũng có khi thỏa mãn xong, vẩy cái ấy, kéo quần rồi đi luôn. Lại có thằng ngủ mà như đái cho hết cơn buồn xả vào em.
Hình như có tiếng nấc nhỏ rồi phụt tắt lịm.
Anh xoay sang, như chợt bắt gặp một tia sáng hệt như mũi tên bay ra. Nhưng ánh sáng ma quái ấy lóe vụt ra rồi vụt tắt, để lại đôi mắt kia là một vùng huyền mênh mông. Mát và dịu. Anh cảm giác. ]

- Bây giờ anh muốn ngủ với em không? - Lan – nàng quay mặt về phía Hoàng. Trong đêm tối mắt em rất huyền. Thăm thẳm yêu thương, thăm thẳm đợi chờ...
- Không, không! Em đừng hiểu nhầm tôi!

***

Hơn một tuần trôi qua, họ vẫn ít khi trò chuyện đến ngọn ngành cùng nhau, bởi vì Lan vẫn đi làm đêm triền miên, ngày chăm sóc anh, còn lại là lăn ra ngủ. Hoàng đã khoẻ. Cô gái mua về một chút rượu và bầy ra trên cái mâm nhôm cũ đầy những vết ôxy hoá một đĩa lòng lợn.

Thắp hương trên mô gạch vỡ trước nhà rất nhanh cô lẩm nhẩm khấn vái.
Có chút rượu vào, tự nhiên Hoàng mạnh dạn hẳn. Với anh, yêu nhau, người ta chả cần quá khứ. Sự bất luận của quá khứ, tỉ như cụ thể ở cô, anh không thể xác định rằng cô là người ở vùng quê nào, hay cô chính là người gốc trong cái phố Khâm Thiên này. Hay là, hay là cô cũng chung cấp thức gia thế như anh, để thời gian và sự đổi thay mà cô cũng như anh, tất cả đã méo mó trong cuộc chiến tranh trong sự xô đẩy, trôi dạt này rồi…

Đấy là điều anh nhận ra sau hai tuần ra tù. Nghĩ như thế, anh chợt nắm lấy tay cô gái và nói rất chậm rãi nhưng chân thật và tha thiết:
- Đời tôi cũng thương nhớ vài người nhưng chưa thành. Duyên trời tôi gặp em, lại được em cưu mang thế này. Tôi muốn lấy em làm vợ. - Ngần ngừ một lát rồi nhìn thẳng vào mắt cô gái, Hoàng nói tiếp. - Anh đã lụi tàn. Gặp em thực là duyên kiếp. Anh sẽ làm bất cứ công việc gì để kiếm tiền cho gia đình chúng ta. Bơm xe, phụ hồ, ba gác hay gì gì anh cũng làm Lan ơi. Chỉ cần chúng ta có một gia đình. Lương thiện! Em sẽ ở nhà mà chăm sóc anh và biết đâu sẽ có những đứa con. Anh muốn có một gia đình cho hai chúng mình!

Cô gái cũng nhìn thẳng vào mắt Hoàng và chợt ôm anh vào lòng. Bàn tay cô vuốt nhẹ trên mặt anh và thoa những ngón tay rất mềm quanh cả đôi mắt rực sáng.
- Em rất cám ơn anh. Anh là một người có danh giá, gia đình danh giá, nhiều bè bạn danh giá nổi tiếng. Anh còn trẻ. Không thể rơi vào chốn bùn lầy bẩn thỉu như kiếp làm bướm đêm của tụi em. Lũ cặn bã và ăn cắp, đĩ điếm. Em chỉ là một con điếm. Một con điếm không nên làm tổn hại tới một người danh giá. Em chỉ là con điếm lụi tàn anh ơi. Còn anh sẽ không bao giờ tàn lụi. Sẽ cháy lên, nếu anh yêu cái gì thật, say cái gì thật! Anh muốn ở lại đây bao nhiêu lâu cũng được, nhất là khi anh ốm yếu thế này. Còn cho phép em chỉ như người em của anh thôi.

Nói xong cô gái ngoảnh mặt đi. Xoay lưng lại phía anh.
Hoàng nằm yên không nhúc nhích. Anh cảm giác tất cả hoá đá. Cả anh và cô. Cả thành phố này và gian nhà đổ nát.

Anh nghe rõ tiếng trái tim của chính anh. Cảm giác thấy cả tiếng thình thịch dữ dội nơi cô gái nằm kề anh gang tấc. Anh cũng muốn thốt lên rằng:
- Không, tôi chỉ là một kẻ đã, đang tàn lụi. Em, tâm hồn em, mới là một người của tương lai và sang trọng. Nhưng anh không thể cất nên lời.

***

Một tuần sau nữa người ta thấy một người gầy gò bước chân ra khỏi chái nhà rách nát ấy.
Sáu năm sau, với một nghị lực phi thường, Hoàng trở thành một nhà văn nổi tiếng. Anh viết rất nhiều và có những sáng tác làm bè bạn khâm phục. Anh cũng cưới một người đàn bà vô cùng thương yêu anh, song anh chưa khi nào quên người đàn bà đã cưu mang anh.
Bảy năm sau Hoàng trở lại Hà Nội, địa điểm đầu tiên anh đi tìm khi rời sân bay là khu phố cũ, nơi có chái nhà năm ấy.
Bãi dâu đã khác xưa rồi.
Khâm Thiên hoàn toàn thay đổi. Những cửa hiệu sáng choang và các ngôi nhà mới, làm dãy phố từng tan nát trong chiến tranh, trở thành hoàn toàn lạ lẫm. Một ngôi nhà kính cao lừng lững xoá đi ngõ cũ, phố cũ, đường mưa cũ kĩ. Không ai biết ở đây từng có người đàn bà tên là Lan.
Hoàng đứng lặng trước vị trí mà anh mường tượng lối ngõ ở đấy. Anh thoáng thấy lại cái xích lô hóa đá, những cơn mưa lê thê dừng lại, chợt nhiên hóa đá.
Tự lòng anh, trong thăm thẳm, anh hiểu, trên đời, có những món nợ không bao giờ tự mỗi người trả được.
Nó như gió, như mây và như mưa bay, bất ngờ rơi xuống mặt đất này, thổi quét từng mét đất, từng ngọn cỏ, từng viên gạch vỡ, lành. Và, quan trọng nhất nó làm sạch trong từng con người bụi bậm ở thành phố quen thuộc này.,.

----------------------------------------------

Chú thích:

1, 2: Tiếng lóng. Dạt vòm: Người trốn khỏi nhà. Tự rời nhà ở của gia đình hay nhà của chính mình.

Nhảy nghẽo: Ám chỉ hành vi ăn cắp xe đạp. Nghẽo là từ biến thiên của từ ngựa.

Hào Thiện Chân

Có Một Dòng Sông Chảy Qua Tôi*