Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 2 tháng 8, 2017

Cuộc đối luận giữa sử gia Nguyễn Phương (Miền Nam) và sử gia Văn Tân (Miền Bắc) (1963-1965)

Nguyên tác: Wynn Gadkar Wilcox

Chuyển ngữ: Lê Đình Cai

clip_image002

Lời thưa trước:

· Giáo Sư Wynn Gadkar Wilcox, Đồng Trưởng Khoa Lịch sử và Văn hóa phương Đông, Trường Đại Học Western Connecticut State University (Bài viết sau đây trích trong cuốn Allegories of the Vietnamese Past, Unification and the Production of a Modern Historical Identity, 2011.)

-Cuộc trao đổi ý kiến giữa sử gia Nguyễn Phương (Miền Nam) và sử gia Văn Tân (Miền Bắc) 1963-1965, thực chất là một cuộc bút chiến (polémique) khá gay go để giành sự thật. Sử gia Alexander Barton Woodside trong cuốn Vietnam and the Chinese Model (1971) đã viết rằng “Phương’s article is one of the later salvos fired in a hot controversy between northernand southern Vietnamese historians” (trang 298). Dưới cái nhìn của GS Wynn Wilcox, đây là một “debate” mà qua ngòi bút của người dịch thì đó là một “cuộc đối luận” phù hợp với trào lưu tư tưởng hiện đại.

-Chúng tôi cám ơn Giáo Sư Wynn Gadkar Wilcox đã cho phép GS Lê Đình Cai dịch bài viết trong tập sách quý mà GS đã tặng cho GS Nguyễn Đức Cung. Bài viết này đã soi dọi rất nhiều ánh sáng vào cuộc bút chiến hi hữu cách đây trên nửa thế kỷ.

Lê Đình Cai & Nguyễn Đức Cung

clip_image004

Bài viết vào tháng 3-1963 của sử gia Nguyễn Phương là loạt bài đầu tiên trong 4 bài đối luận khá dài và chi tiết do GS Nguyễn Phương và nhà sử học miền bắc Văn Tân chấp bút.

Sử gia Nguyễn Phương

Văn Tân trước hết phản luận lại quan điểm của sử gia Nguyễn Phương vào tháng 6, 1963. Tiếp đó GS Nguyễn Phương đáp trả bằng một bài mới khá dài vào tháng 10-1963 mà bài này đã được Văn Tân đáp trả vào tháng 1, 1965, cả hai cuộc đối luận vẫn chưa ngả ngũ.

clip_image006

Sử gia Văn Tân

Phần này sẽ xét đến các bài đối luận theo trình tự thời gian. Bài viết của sử gia Nguyễn Phương vào tháng 3/1963 là một công trình điều tra mang tính sử học của các nhà nghiên cứu hàng đầu (historiographic) về những luận điểm được trích dẫn từ các tác phẩm sử học bằng tiếng Anh, Pháp và Việt liên quan đến vấn đề “thống nhất” mà ngài coi như là một trong những vấn đề cơ bản nhất của công cuộc nghiên cứu Việt sử. 37 Giáo sư Nguyễn Phương đã đưa ra quan điểm của mình về vấn đề thống nhất trong bài nghiên cứu dựa trên cuộc thăm dò và nhận xét về quan điểm do 4 vị sử gia sau đây đưa ra: Joseph Buttinger và Văn Tân cho rằng Nguyễn Huệ là người đầu tiên thống nhất Việt Nam; còn Trần Trọng Kim và Lê Thành Khôi thì cho rằng chính Nguyễn Ánh mới là người thống nhất đất nước.

Sự trình bày này đã tạo cảm giác rộng khắp rằng sử gia Nguyễn Phương là một nhà đối thoại đầy khách quan vì hai lý do. Trước hết, việc chọn lựa các sử gia của ngài đã gây ra cảm giác việc chọn ai “là người thống nhất Việt-nam” không phải căn cứ vào nền chính trị hay ý thức hệ tân tiến nào. Văn Tân, một sử gia chuyên về chủ nghĩa mác-xít và Joseph Buttinger, một người chống Cộng mà lại là Chủ tịch ủy ban chấp hành của Hội “Những người bạn Mỹ của Việt-nam”, một tổ chức ra đời thập niên 1950 nhằm ngăn chận chủ nghĩa Cộng sản bằng cách gia tăng viện trợ cho Nam Việt Nam. Cả hai không thể xuất thân từ những nền tảng khác biệt nào nữa 38. Cũng như Lê Thành Khôi và Trần Trọng Kim không thể là đồng chiến hữu, mặc dù sự khác biệt giữa họ không có gì đáng chú ý cả. Thứ đến, bằng cách công bố sự khám phá của ngài sau khi đã nghiên cứu tường tận quan điểm của các sử gia khác, GS Nguyễn Phương gây được ấn tượng rằng mình thì chính xác hơn các nhà nghiên cứu khác.

Những nhận xét của ngài về quan điểm của Buttinger và của Văn Tân hoàn toàn dựa trên nền tảng thực nghiệm. Những nhận xét đó rọi chiếu lại phản biện mà Lê Thành Khôi đã dành cho quan điểm tiên khởi của Văn Tân. Đối với gợi ý của Buttinger rằng Nguyễn Huệ đã thống nhất đất nước vào năm 1786 khi ông ta đã đánh đuổi được Chúa Trịnh ra khỏi đất Thăng Long, sử gia Nguyễn Phương đã viết:

Vào năm 1786, Việt Nam có hai vương triều cai trị hai miền, Lê Chiêu Thống ở Bắc và Thái Đức (Nguyễn Nhạc) ở Miền Nam. Ngay dù cho Buttinger nghĩ rằng việc thống nhất Việt Nam bao gồm việc người Việt cai trị trên toàn lãnh thổ đất nước thì việc thống nhất vẫn chưa được giải quyết bởi vì trong thời Trịnh Nguyễn phân tranh, người Việt cũng đã cai trị nước Việt rồi. Chính vì điểm này mà chúng ta thấy được lập luận của tác giả không những mù mờ mà còn sai lạc nữa là đàng khác 39. (Xem thêm nguyên văn số 1).

Những chỉ trích của sử gia Nguyễn Phương về Buttinger phản ảnh những chỉ trích mà Lê Thành Khôi đã nêu lên khi đề cập đến quan điểm của Văn Tân. Do đó chúng ta hy vọng rằng sự chỉ trích của ngài về Văn Tân cũng đã xảy ra tương tự.

Sự phân tích của sử gia Nguyễn Phương về quan điểm thống nhất của Văn Tân đã đánh đổ khá dễ dàng cả hai sử gia Buttinger và Văn Tân. Người Việt chúng ta có thể tha thứ lầm lỗi của Buttinger, GS Nguyễn Phương lập luận, vì rằng ông ấy là một người ngoại quốc và là người đầu tiên nghiên cứu về lịch sử Việt, vì thế dễ dàng phô bầy những khiếm khuyết trong phán xét của mình. Đối với sử gia Nguyễn Phương, quan điểm nầy mâu thuẫn sâu sắc với trường hợp của Văn Tân, một nhà viết sử “ rất quen thuộc với lịch sử nước nhà” (“very well acquainted with the history of our country”). Giáo sư hàm ý mạnh mẽ rằng sử gia Văn Tân nên hiểu hơn lập luận khiếm khuyết của mình khi cho rằng Nguyễn Huệ mới là người thống nhất Việt Nam 40.

Tuy nhiên, khác với Lê Thành Khôi, sử gia Nguyễn Phương cho rằng cốt lõi lập luận của Văn Tân là Nguyễn Ánh chính là người hợp tác đưa chủ nghĩa thực dân vào đất nước: Do đó, sử gia Nguyễn Phương đã dành trọn phần lớn thì giờ để chống lại quan điểm này. Ngài lập luận rằng sự viện trợ của ngoại bang không cách gì mà không ngược với yếu tính của sự thống nhất, tuy vậy sự thống nhất lại không thể thành tựu được trong thời kỳ nội chiến nếu không có sự trợ giúp của nước ngoài. Đối với sự cáo buộc của sử gia Văn Tân cho rằng Nguyễn Ánh đã gây ra và đã đẩy cấp độ cuộc nội chiến ngày càng lên cao, GS Nguyễn Phương chỉ trích quan điểm của Văn Tân là thiếu viễn kiến (“lack of farsightedness”) bằng cách đặt vấn đề nếu cho rằng Nguyễn Ánh không thể đáp ứng được những tiêu chuẩn của một nhà thống nhất (unifier) bởi vì ông ta đã khởi sự và đã tham dự vào cuộc nội chiến này, thì chính Văn Tân cũng không áp dụng tiêu chuẩn này cho Nguyễn Huệ, người đã tham dự vào cuộc nội chiến rất lâu trước cả Nguyễn Ánh 41.

Sử gia Nguyễn Phương sử dụng chiến lược khác, một là phân biệt chỉ trích của ngài về quan điểm của Lê Thành Khôi: Ngài dẫn chứng những thí dụ trong lịch sử thế giới. Sử gia Nguyễn Phương cho thấy chẳng hạn trường hợp của Camillo Benso di Cavour, một nhân vật thường được cho rằng đã thống nhất nước Ý, thì chính ông cũng đã kêu gọi đến sự giúp đỡ quân sự của Pháp (quân đội của vua Napoléon III) mới giải phóng được đất nước. Sau cùng, và bổ ích nhất, ngài cho rằng vì Văn Tân đã ứng dụng phạm trù chính trị và xã hội của thế kỷ 20 cho thế kỷ 18. Sử gia Nguyễn Phương vẫn duy trì ý kiến cho rằng việc Văn Tân nhấn mạnh đến Nguyễn Huệ đã thực hiện được cuộc cách mạng nông dân là thiếu cơ sở và đưa đến hiểu lầm về cả hai động cơ khiến người nông dân ủng hộ Nguyễn Huệ (người nông dân bị đánh lừa để tin rằng họ sẽ được đền bù và đối xử tốt hơn) và lý do mà anh em nhà Tây Sơn nổi loạn (là để làm vua, chứ không phải để thăng tiến số phận của người nông dân). Trong khi khôn ngoan biện luận để hạ uy tín của Văn Tân là người sẽ được các sử gia không Cộng Sản ở Miền Nam chê bai là hay dùng lời lẽ của Mác-xít như là phong kiến (feudal) và đồng chí (comrade), sử gia Nguyễn Phương đã khẳng quyết rằng Văn Tân muốn thấy “sự phát triển của phong trào Cộng Sản” trong thời đại Tây Sơn; khi làm như thế Văn Tân chỉ có thể nói theo cách này nếu ông phóng được luồng tư tưởng và vấn nạn của thế kỷ 20 trở về với thế kỷ 18 42.

Về cơ bản, GS Nguyễn Phương đang muốn chỉ rõ rằng sử gia Văn Tân đang sử dụng lịch sử như là phép ẩn dụ cho các biến cố hiện thời. Ngài hiểu được rằng lịch sử theo quan niệm của Văn Tân là nhắm mục đích rõ ràng cốt để hỗ trợ và bảo vệ hệ thống công quyền nguyên trạng mà Tân đã tin tưởng. Tuy nhiên, sử gia Nguyễn Phương không nhận ra được phương cách mà ngài dùng để phản biện lại quan điểm của Văn Tân đã có ý nghĩa rất sâu xa.

Chẳng hạn, khi sử gia Nguyễn Phương cho rằng bất cứ nhà thống nhất nào muốn thành công thì phải lợi dụng quân đội ngoại nhập, ngài có vẻ kể ra, không những là tình huống thống nhất của Nguyễn Ánh mà còn là tính khả thi của việc thống nhất Nam Bắc Việt-Nam trong tương lai. Tuyên bố này cũng là sự xác quyết về thế thượng phong của Miền Nam liên hệ đến sự thống nhất sau cùng của đất nước. Trong khi Bắc Việt lệ thuộc nặng nề trước hết vào viện trợ của Trung Quốc và rồi, sau cuộc gãy đổ giữa Trung-Xô vào giữa thập niên 1960, thì lại lệ thuộc viện trợ từ Liên Bang Xô-Viết, rõ ràng là Bắc Việt đã không sử dụng lực lượng bộ binh ngoại nhập trong nỗ lực lật đổ chính quyền Miền Nam. Vào thời điểm mà sử gia Nguyễn Phương thực hiện bài viết, trong năm 1963, thì các cố vấn quân sự đến từ Hoa Kỳ đã lên tới 12 ngàn người, nhiều hơn là Nguyễn Ánh đã mộ quân từ Xiêm La hay từ Âu châu 43.

Về phần mình, lập luận thống nhất của sử gia Văn Tân mang tính chỉ trích không những là vì hàm ý của nó về tương lai – ý muốn nói làm sao mà tiền lệ của cách mạng Tây Sơn lại nhằm đề cập tới định mệnh đưa đẩy Bắc Việt đến kiểm soát toàn bộ đất nước trong tương lai – mà còn vì tiềm năng của nó nhằm hỗ trợ những hành động của Việt Minh và của phe Cộng Sản Việt Nam nữa trong thời kỳ quá khứ vừa mới đây thôi. Những gì sử gia Nguyễn Phương phát hiện khi chính ngài tham dự cùng Văn Tân trong cuộc đối luận không những dựa trên cấp độ thực nghiệm mà Lê Thành Khôi cũng đã dựa vào mà còn dựa trên cấp độ tâm lý học và triết học nữa, có nghĩa rằng quan điểm của Văn Tân - nhằm gieo những mầm mống cho công cuộc thống nhất với người dân và nhằm tạo ra cảm giác của sự đoàn kết là một sự thống nhất trong bản chất - ấy là một nỗ lực trong sự điều chỉnh chính sách của Bắc Việt mang tính ẩn dụ và tính biểu tượng. Bắc Việt, theo lập luận của Văn Tân, là đã thống nhất Việt Nam rồi bởi vì Văn Tân cho rằng nhân dân Việt Nam đã không thể thực hiện được điều đó vì “bọn Mỹ Diệm đã thi hành âm mưu chống lại [nhân dân] do bởi người dân Miền Nam ngày nay không phải là người dân Gia Định thuộc thế kỷ 18”.

Dân Việt Nam ngày nay ở Miền Bắc cũng như ở Miền Nam không những có một vị anh hùng dân tộc hết mình vì nước, Hồ Chí Minh, người cả một đời tận tụy vì mục tiêu giải phóng tổ quốc (nation) nhưng còn có những lãnh tụ mang tính tập thể của đảng tiên phong, người đã hy sinh can trường, khôn ngoan lèo lái công cuộc chiến đấu cho quyền lợi của tổ quốc (fatherland).” 44. (Xem thêm nguyên văn số 2).

Giống như Nguyễn Huệ, họ đã tiến về Hà Nội và đã đánh bại giới cầm quyền áp bức (thời gian này là người Pháp chứ không phải là phe chúa Trịnh), và giống như Nguyễn Huệ, họ có vẻ thực thi những chính sách linh động nhằm gieo hạt mầm cho cuộc cách mạng nông dân. Tuy nhiên, thời điểm này, người Miền Bắc đã có một lợi thế căn bản, theo Văn Tân: Sự lãnh đạo của Đảng. Sự vận dụng nhằm bác bỏ ý kiến như vậy đối với sử gia Nguyễn Phương đã là lợi thế rất cao.

Người ta không thể nói như vậy về những phân tích của ngài liên quan đến hai sử gia tiêu biểu đã từng đưa ra quan điểm mà ngài đã đồng ý về cơ bản: rằng Nguyễn Ánh đã thống nhất Việt Nam. Như sử gia Patricia Pelley đã chỉ rõ, quan điểm của Trần Trọng Kim về Tây Sơn là quan điểm khá đặc biệt trong mối tương quan phức tạp với quan điểm của Văn Tân và các sử gia mới mẻ khác. Trong tác phẩm của mình, tác phẩm đã ra đời trước bài viết của sử gia Nguyễn Phương cả vài thập niên, Trần Trọng Kim muốn coi Tây Sơn như là một triều đại chính thống và cụ đã nhấn mạnh rằng vào 1788, “nước nam (the southern land) “đã” nằm dưới quyền kiểm soát của nhà Tây Sơn”, một tuyên bố mà sử gia Nguyễn Phương hoàn toàn bác bỏ 45. Sử gia Nguyễn Phương có thể không thích tính chính thống mà cụ Trần Trọng Kim đã dành cho các lãnh tụ nhà Tây Sơn. Ngài cũng đã không tin rằng Lê Thành Khôi đi xa đủ trong việc vinh danh chúa Nguyễn Ánh; tuy thế đây là chuyện nhỏ vì, trong khi thực sự ủng hộ Nguyễn Ánh, Lê Thành Khôi cũng “chỉ nói ra sự thật mà thôi”. Như ngài đã tuyên bố rõ ràng trong cuốn “Phương pháp sử học”, công cuộc nghiên cứu lịch sử là phải nói đến yếu tính khách quan qua thực nghiệm và nó không phải là cuộc vận dụng trong bản tường thuật về chính trị 46. Dù sao thì sau cùng, sử gia Nguyễn Phương ít chỉ trích các sử gia mà ngài đồng ý và nghi ngờ nhiều hơn về tất cả những khẳng định của các sử gia mà ngài chống lại.

Trong bài trả lời tháng 6-1963 cho bài viết của sử gia Nguyễn Phương, Văn Tân đã nói rõ từ đầu rằng ông ta khác hẳn triết lý sử học của sử gia Nguyễn Phương về cơ bản. “Sử học”, ông ta viết “là một khoa học luôn luôn liên quan đến chính trị. Dạy sử học là dạy chính trị. Vấn đề ai thống nhất Việt Nam vào thế kỷ 18, hay bắt đầu thế kỷ 19 do đó không chỉ là vấn đề lịch sử mà còn là vấn đề chính trị nữa, một vấn đề thuộc biến cố đương thời.”47 (Xem thêm nguyên văn số 3). Những tràng súng mở đầu này phản ảnh luận đề bất di bất dịch mà Văn Tân trả lời cho Nguyễn Phương: rằng lý luận của sử gia Nguyễn Phương chỉ là một bản tường trình có dụng ý hỗ trợ cho chính sách can thiệp của Hoa Kỳ ủng hộ cho Ngô Đình Diệm. Trong sự đáp trả này, Văn Tân tuyên bố rõ rằng ông ta đã nhận ra bản chất tương đồng - giữa việc ông Diệm sử dụng quân đội Mỹ và việc Nguyễn Ánh sử dụng quân và cố vấn của Xiêm La và của Pháp, và Văn Tân đã chỉ ra những điểm giống nhau như sau:

“Theo lời của sử gia Nguyễn Phương, người mà nên vui sướng nhất, người mà nên hả hê nhất là Ngô Đình Diệm. Phái ủng hộ nhà Ngô nên cám ơn Nguyễn Phương bởi vì ông ta đã rêu rao luận điểm của họ và đã đẩy mạnh học thuyết của họ. Tất cả thế giới đều biết rằng Diệm đã đưa vào hơn 10 ngàn lính Mỹ với tất cả vũ khí hiện đại Mỹ để giết nhân dân Nam Việt Nam. Nếu lịch sử cho thấy Nguyễn Ánh đã đưa quân xâm lược nước ngoài vào dày xéo đất nước thì lịch sử cũng sẽ thấy rằng Ngô Đình Diệm đã đưa quân Mỹ vào bắn giết đồng bào. Nhưng chắc chắn lịch sử là lịch sử và lịch sử không bao giờ phát triển theo chiều hướng mà ông Nguyễn Phương mong đợi.” 48 (Xem thêm nguyên văn số 4).

Cái thiếu nhất quán trong cách đối xử của Văn Tân là chính ông thấy được lời bóng gió, ngụ ý trong luận điểm của sử gia Nguyễn Phương như là lý do tiên khởi để phản biện lại lập luận toàn bộ của ngài. Theo đó, Văn Tân gợi nhớ lại lời tuyên bố đầu tiên của Lê Thành Khôi rằng “sự thật của lịch sử là sự thật của lịch sử”. Ông hình như muốn nói rằng ông được miễn trừ khỏi bất cứ động lực ẩn dụ nào đi ngược lại phát biểu đầu tiên của ông là tất cả lịch sử đều là chính trị. Đối với Tân, sự thật của lịch sử là sự thật mang tính chính trị, nhưng cần phải có sự thật chính trị đơn thuần (singular political truth): “Sự thật thì lịch sử luôn ở tình huống phát triển liên tục.”49 Như vậy, Tân hình như không cần giải thích tại sao việc lập luận của sử gia Phương lại phù hợp với chủ trương chính trị của Ngô Đình Diệm. Nhưng đây chính là một mâu thuẫn. Nếu lịch sử quả thật luôn luôn là một vấn đề chính trị thì Tân nên tham gia vào luận điểm của sử gia Phương theo một cấp độ chính trị nào đó và không phải duy nhất từ chối thảo luận chỉ vì có tính chính trị. Nhưng thay vì yêu cầu một “sự thật” của lịch sử thì nên trong sáng đối với mọi người đang tìm hiểu sự thật ấy, Văn Tân trong thực tế lại từ chối vai trò chính trị của lịch sử.

Ông ta cũng từ chối luôn các tham khảo có dụng ý tìm hiểu về quan điểm riêng của ông ta ngay cả khi bài viết của ông đã chứa đầy những phân tích mà người đọc đều thấy rõ dụng ý. Chẳng hạn, Văn Tân lập luận rằng bất cứ cuộc nội chiến cách mạng nào cũng chiến đấu vì nhân dân như cuộc chiến đấu do Nguyễn Huệ lãnh đạo như ông thấy sẽ được đặt thành điều kiện cho việc thống nhất đất nước bất kể sự thành bại cuối cùng của hành động cách mạng đó 50. Lập luận này phục hồi được cương vị của Nguyễn Huệ theo nghĩa bất cứ lập luận nào dựa theo thực tại về mức độ kiểm soát quân sự của Nguyễn Huệ cũng có thể bị chống lại bởi sự khẳng quyết về tình đoàn kết trên phương diện tâm lý cùng nhân dân Việt Nam và ý muốn của Nguyễn Huệ nhằm mang lại nền thống nhất.

Cách lập luận này cũng ngầm đảm bảo rằng vị thế của Hồ Chí Minh như là nhà thống nhất quốc gia Việt Nam. Sau rốt, trong tư cách là lãnh tụ của một phong trào nhân danh “nhân dân”, Hồ Chí Minh, theo lập thuyết của Văn Tân, đã dẫn đưa nhân dân tới một tình trạng tâm lý là chính họ có thể đã được thống nhất rồi. Thực sự thì lập luận của Văn Tân đã đảm bảo cho sự thành công của Bắc Việt trong sứ mệnh thống nhất Việt Nam. Theo lập luận của ông ta việc thống nhất đó đã được thực hiện như vậy rồi. Như thế thì ngay cả khi Hồ Chí Minh phải qua đời khá lâu trước khi việc thống nhất được hoàn tất, thì ông ta vẫn được coi là lãnh tụ thống nhất quốc gia 51.

Khác với Lê Thành Khôi, sử gia Nguyễn Phương chưa muốn chấm dứt tranh cãi với Văn Tân trong cuộc đối luận đầu tiên vào tháng 10, 1963. Không muốn ở vào thế bất lợi, Văn Tân cũng đã viết bài đáp trả luận điểm của sử gia Nguyễn Phương vào tháng giêng, 1965. Lần này, tình trạng chính trị đặc biệt là tại Miền Nam, đã tạo nên nhiều luận điểm mang tính ẩn dụ đang cần phải bàn cãi đến. Chẳng hạn, luận điểm của Văn Tân cho rằng quan điểm của sử gia Nguyễn Phương về Nguyễn Ánh là nhằm ý trình bày quan điểm của Hoa Kỳ, luận điểm này vẫn còn bàn cãi khi Diệm bị ám sát trong cú đảo chính do Mỹ giựt dây vào tháng 11, 1963.

Chủ đề chính của hai bài đối luận sau cùng vào tháng 10, 1963 và tháng 1, 1965 đã phải đòi hỏi đáp ứng cho sự thật giữa sử gia Nguyễn Phương và sử gia Văn Tân. Người này cáo buộc người kia là đang liên hệ với những biến cố đương thời, chứ không với “lịch sử thực sự, căn cứ trên sự việc” (real, factual history), và người nào cũng cho rằng dẫn giải của mình chỉ nhằm “nói lên sự thật lịch sử”. Trong những đoạn sau cùng của bản tuyên bố, sử gia Nguyễn Phương đã đặt bút viết:

Xuyên suốt bài nghị luận này, độc giả có lẽ đã có cảm tưởng rằng tôi thiên về Nguyễn Ánh và chống lại nhà Tây Sơn. Thực ra, đây không phải là ý kiến của tôi, và ngay cả nếu tôi có ý kiến đó thì cũng không có sự khác biệt nào cả, bởi vì lịch sử là lịch sử, dù khen hay chê gì cũng vậy.” 52 (Xem thêm nguyên văn số 5).

Với những lời phát biểu này, sử gia Nguyễn Phương đã tự bào chữa cho mình khỏi rơi vào khả năng bị cho là đọc lịch sử mà không hiểu hết ẩn dụ ở trong đó: nếu có một ẩn dụ nào hay một tương đồng lịch sử nào trong cách viết của mình, sử gia Nguyễn Phương nhấn mạnh, điều đó không đúng vì một sự tương đồng như vậy phải là một phần của sự thật lịch sử và không thể là sự bóp méo theo quan điểm chính trị đương thời được. Tuy vậy, sử gia Nguyễn Phương đã trực tiếp cáo buộc Văn Tân trong việc truyền tải ẩn dụ không được chính xác:

“Khi đọc đoạn văn trích dẫn này của Văn Tân, người thích thú nhất, người hả hê nhất thực sự là tôi, Nguyễn Phương, bởi tôi có thể thấy rõ toàn bộ sự thật về Văn Tân khi ông ấy đưa ra những luận điểm yếu ớt như vậy nhằm để bảo vệ cho lập luận của mình… Tôi đã bóp trán suy tư cố hiểu được sự suy nghĩ bề ngoài có vẻ đúng của sử gia Văn Tân. Không phải do tôi đã dễ dàng lẫn lộn giữa chính trị và lịch sử như ông Văn Tân đã làm, nhưng sau khi suy nghĩ cẩn trọng về điều này trong một thời gian lâu, tôi cũng đã tìm thấy lý do trong vấn đề này… Có lẽ ông Văn Tân sợ rằng lịch sử chính nó sẽ lập lại (như người ta thường nói, “Lịch sử là một sự khởi đầu bất tận” và ông sẽ phải nghẹn họng vì diễn biến tình cờ này đến độ ông sợ cho nền độc lập của ông. Phần tôi, tôi đã nói lên sự thật về ông Văn Tân khi tôi viết bài “Ai đã thống nhất Việt Nam: Nguyễn Huệ hay Nguyễn Ánh?” và tôi không chú trọng gì đến loại ý kiến mang tính chính trị sau khi sự việc đã xảy ra”.53 (Xem thêm nguyên văn số 6).

Hàm ý của sử gia Nguyễn Phương là Văn Tân đang gắn kết vào “lịch sử chính trị” để hạ thấp tiền lệ của lịch sử rằng chính sách của Miền Nam, với sự hỗ trợ của quân đội ngoại quốc, rồi sẽ đưa tới cuộc xâm chiếm miền Bắc.

Trong bài phản biện sau cùng trả lời cho sử gia Nguyễn Phương vào năm 1965, Văn Tân bác bỏ gợi ý của Nguyễn Phương rằng ông ta e sợ lịch sử tự nó đang lập lại tại Việt Nam.

Vì vậy điều này có nghĩa rằng sử gia Nguyễn Phương đang cho rằng lý do tôi đang công kích Nguyễn Ánh là do bởi Nguyễn Ánh đã chiếm đóng miền Bắc và vì thế tôi sợ rằng đế quốc Mỹ và tay chân của chúng cũng sẽ chiếm đóng miền Bắc! Điều ấy thật là thiếu lương thiện 54. (Xem thêm nguyên văn số 7).

Nhưng dù gợi ý của Nguyễn Phương được cho rằng thiếu lương thiện đi nữa thì Văn Tân phải chống lại gợi ý là có sự tương đồng cả trên hai lãnh vực vừa về mặt thực tiễn vừa về mặt tư tưởng nữa. Văn Tân cãi rằng những tình huống không giống nhau vì sự hiện diện của người Mỹ tại VN là do bởi niềm tin sai lầm của Tổng Thống J.F. Kennedy vào lý thuyết domino và ông ta khẳng định rằng giới chủ trương duy vật phản đối ý niệm cho rằng lịch sử tự nó lập đi lập lại bằng cách đề xuất rằng lịch sử là một tiến trình phát triển liên tục và vì vậy không thể lập lại được 55.

Trong khi từ chối lập luận của sử gia Nguyễn Phương rằng Văn Tân đã nhắc đến quá khứ với dụng ý bởi vì ông ta sợ sự lập lại của lịch sử, Văn Tân buộc lòng phải khẳng định việc nghiên cứu của ông ta đã nói lên sự thật, còn của Phương thì gồm toàn nói láo mà thôi.

Xuyên suốt những bài viết… bộ mặt thật của Phương lộ rõ. Công trình nghiên cứu sử học của Phương về VN nhằm bóp méo lịch sử nước nhà, bôi nhọ các anh hùng của dân tộc, bôi nhọ cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn vĩ đại… Trong các tác phẩm của Phương, cái mà ông phục vụ, không phải là khoa học mà là chính trị. Phương phục vụ chính trị, nhưng Phương dấu được ý định này, bởi vì chính trị mà Phương phục vụ là một nền chính trị bẩn thỉu và đáng xấu hổ. Đây là chính trị cho phép đế quốc Mỹ cướp nước và chính trị bán nước cho những tên phản bội Việt gian lừa gạt hiện đang xâu xé nhau ở Sàigòn 56. (Xem thêm nguyên văn số 8).

Với bài viết sau cùng này, quan niệm của Văn Tân về sử học và chính trị đã hơi có phần đổi khác. Ông ta không những chỉ thay đổi nhận định của mình về bản chất kết gắn với nhau của lịch sử và chính trị, mà còn công bố rằng lịch sử phải phục vụ một lãnh vực nào đó của chính trị và lối giải thích về lịch sử mang tính chính trị đó của Nguyễn Phương đơn giản không phải là điều mà ông ta có thể hỗ trợ được. Vấn đề liên quan với bản phân tích của Nguyễn Phương, theo Văn Tân, chính là lối giải thích các biến cố mang yếu tính tư bản và thiên về Công Giáo, không nhất quán với “tinh thần nghiên cứu khoa học thực sự” 57. Như thế, dù cứ khăng khăng về tầm quan trọng của chính trị trong việc xác định nội dung của lịch sử, Văn Tân quả thực bị thu hút vào ý niệm “một nền chính trị thực” và “một nền lịch sử thực” giống như những kẻ đối luận với mình. Dù họ khác nhau về ý thức hệ, cuối cùng rồi, đối với cả Văn Tân và Nguyễn Phương, sự trình bày về lịch sử chỉ là sắp xếp các biến cố và kiến thức về quá khứ lại thành một trật tự vừa có ý nghĩa vừa đúng sự thật, trong khi lịch sử của người khác thì chỉ gồm toàn những đòi hỏi và những giả định về một quá khứ không có cơ sở trong thực tế.

Những ẩn dụ, sự thống nhất và quyền lực.

Theo những cuộc tranh luận bằng tiếng Việt về sự thống nhất, thì những cuộc chiến tranh dưới thời Tây Sơn vào cuối thế kỷ 18 là khởi điểm rất quan trọng cho việc phân tích của cuộc chiến tranh Việt-Mỹ. Chính vì tình hình của cuối thế kỷ 18 và của thập niên 1960 được cho rằng giống nhau: Việt Nam được thấy là bị “chia cắt”: một triều đại cách mạng và nổi loạn đã tồn tại ở miền Bắc, còn miền Nam lại đang tìm kiếm sự bảo vệ từ “phương Tây”. Như vậy, tất cả mọi bên đã tìm cách coi thế kỷ 18 như là một ẩn dụ tiêu biểu cho tình trạng này trong suốt cuộc chiến tranh Mỹ-Việt. Mỗi phe tìm cách làm thế nào để gây ấn tượng rằng quan điểm chính trị của phe mình hỗ trợ là đúng và chiến thắng của quan điểm đó là tất yếu. Giữa sự chia rẽ Nam Bắc, hậu quả của việc thần thoại hóa về một nước Việt Nam thế kỷ 18 chính là tác phẩm của ý niệm lịch sử về thế nào là một nước VN thống nhất. Ý niệm này không hoàn toàn rõ ràng chi cả, nhưng khái niệm Việt Nam sẽ giống như những gì đã xảy ra sau năm 1975, và rằng Việt Nam cách nào đó đã tránh được sự cố của lịch sử và tình huống không may, và đã kết thúc bằng một điểm đồng ý giữa những nhà đối luận trong cuộc tranh cãi về thống nhất đất nước.

Việc yêu cầu lịch sử như một loại ẩn dụ, dù được diễn tả qua danh từ “sự thật lịch sử” (historical truth) đã cho những nhà tranh đấu về tương lai của Việt Nam một ý nghĩa rằng lời giải thích của họ về tương lai của Việt Nam đã được đảm bảo bằng ghi nhận khách quan của lịch sử. Rằng những cuộc đối luận này thì dai dẳng lắm, cay độc lắm, tuy nhiên, cũng đã biểu tỏ một sự kiện rằng tất cả các tác giả trong cuộc đối luận đều cảm thấy sự đồng nhất quốc gia và viễn kiến của họ về tương lai của “đất nước” phải chịu sự đe doạ dập tắt hoàn toàn.

Sự tồn tại của các ẩn dụ trong thập niên 1960 về các tác phẩm sử học VN thời đó không phải là điều đáng phàn nàn. Tất cả cách viết sử, muốn chính xác, phải liên hệ tương lai với quá khứ và theo nghĩa này, thì nó phải mang tính ẩn dụ thôi. Trong suốt cuộc chiến Mỹ-Việt, sự đối luận về vai trò của quá khứ thì rất cay nghiệt vì ai cũng cảm nhận được rằng bên nào đã kiểm soát được cách lý giải về quá khứ đều nắm được thế thượng phong trong hiện tại theo một nghĩa nào đó. Như vậy, khi sử gia Shawn McHale vừa mới đây cho rằng căn cứ vào những hồi ức chính trị của thập niên 1950 ở Bắc Việt “ những mảnh rời rạc của hồi ức phần lớn chắc chắn xuất hiện trong ý thức của từng người dân Việt, được thúc đẩy do bởi một kết hợp tình cờ nào đó, nhưng sự rập khuôn của các biến cố đã qua được diễn tả lại một cách chi tiết và theo cách ghi ngày tháng của hồi ức thực tại lùi về sau này” 58.

Cấu trúc này trong thực tế không phải chỉ là cấu trúc liên quan đến cuộc đối luận của sử gia Nguyễn Phương và Văn Tân mà còn là cấu trúc của lập luận về lịch sử, nói chung nữa. Những cuộc đối luận của các sử gia hàng đầu * đã tập trung vào hai điều kiện cho sự tồn tại và tính liên tục của các lý luận về lịch sử. Thứ nhất, các lập luận đó phải xác đáng và thứ hai là phải đúng sự thật. Nhưng bất cứ đòi hỏi nào cho được sự thật tuyệt đối và rõ ràng mà các sử gia đã nêu lên thì luôn luôn sẽ bị hủy bỏ do bởi nhu cầu tìm kiếm tài liệu xác thực của các sử gia. Chính vì để làm cho lịch sử được xác thực mà sử gia phải sắp xếp cái gọi là các dữ kiện theo cách mà độc giả không những hiểu được mà còn phân tách được. Vì nếu không có sự tương đồng, không có điểm quy chiếu nhằm có thể nối kết được quá khứ với hiện tại thì không còn lý do gì để cần đến lịch sử nữa, và quá khứ trở nên là đồ bỏ mà thôi. Nhưng để dựng nên được một tương đồng như thế, sử gia phải sử dụng óc tưởng tượng trong việc sắp xếp tư liệu để tạo thành một câu chuyện liên quan quen thuộc với người đương thời và lịch sử phải trở thành cái gì đó hơn nữa, hơn cả chính sự thật nữa.

Tuy nhiên, chúng ta cũng đừng cho rằng sự thịnh hành của lối viết sử mang tính ẩn dụ xưa nay vốn đã từng tỏ ra có hiệu lực, có nghĩa rằng các câu chuyện sử được ẩn dụ hóa là lối viết sử duy nhất đối với mọi tình huống trong khi “lịch sử” và “hồi ức” là những phạm trù còn đang được tranh cãi gay go. Thực tế việc tranh đua tường thuật trong suốt thời kỳ chiến tranh Việt-Mỹ chỉ khiến các sử gia mong mỏi viết ra những sử phẩm phản ảnh được thực tại đương thời, rõ ràng hơn, mà thôi. Các sử gia muốn nhấn mạnh đến phương pháp viết sử mà theo đó cấu trúc của một tác phẩm sử không bao giờ có thể tách rời được những đam mê tìm hiểu về nền chính trị đương đại, thay vì đứng ngoài với những nguyên tắc phi chính trị của cách viết sử.

San Jose, ngày vào Xuân 2017

LÊ ĐÌNH CAI chuyển ngữ

CHÚ THÍCH CỦA GS. WYNN WILCOX :

37.- Nguyễn Phương, “Ai đã thống nhất Việt nam: Nguyễn Huệ hay Nguyễn Ánh?” [Who unified Vietnam: Nguyễn Huệ or Nguyễn Ánh?], Bách khoa 148 (March 1, 1963), 19.

38.- See American Friends of Vietnam, Aid to Vietnam: An American Success Story (New York: American Friends of Vietnam, 1959).

39.- Nguyễn Phương, “Ai đã thống nhất Việt Nam,” 21. The final phrase, không phải là chỉ không chặt chẽ mà thôi, mà còn sai lạc là đàng khác, literally means “is not only not close fitting but also runs off the track.”

40.- Ibid., 21.

42.- Ibid., 22.

43.- Stanley Karnow, Vietnam: A History (New York: Penguin Books, 1983), 694.

44.- Văn Tân, Cách mạng Tây Sơn, 232-33.

45.- Trần Trọng Kim, Việt nam sử lược, 127-44; Nguyễn Phương, “Ai đã thống nhất,” 27.

46.- Trương Hữu Quýnh, “Đọc sách ‘Phương pháp sử học’ của Nguyễn Phương” [Review of the book Historical Methodology by Nguyen Phuong], Nghiên Cứu Lịch Sử 180 (May-june 1978): 83-90; Nguyễn Phương, Phương Pháp Sử Học.

47.- Văn Tân, “Ai đã thống nhất Việt Nam: Nguyễn Huệ hay Nguyễn Ánh? Trả lời ông Nguyễn Phương, báo Bách Khoa ở Saigon [Who unified Vietnam: Nguyễn Huệ or Nguyễn Ánh? Responding to Nguyễn Phương of the journal Encyclopedia, Saigon], Nghiên cứu lịch sử 51 (June 1963), 3.

48.- Ibid., 4.

49.- Văn Tân, “Về bài’Chung quanh vấn đề: Ai đã thống nhất Việt Nam: Nguyễn Ánh hay Nguyễn Huệ’ của nguyễn Phương (Saigon)” [About the essay’Exchanging Opinions: Who Unified Vietnam: Nguyễn Ánh or Nguyễn Huệ’ by Nguyễn Phương], Nghiên cứu lịch sử 70 (January 1965): 5-6.

50.- Văn Tân, “Ai đã thống nhất Việt nam,” 4.

51.- This is precisely the position taken in histories of Vietnam written by northen historians after 1975. See Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, and Lương Ninh, Lịch sử Việt nam [A history of Vietnam], vol. 1 (Hanoi: Đại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp, 1986).

52.- Nguyễn Phương, “Chung quanh vấn đề: Ai đã thống nhất Việt nam, Nguyễn Huệ hay Nguyễn Ánh? Trả lời ông Văn Tân, một nhà viết sử miền bắc, tập san Nghiên cứu lịch sử, HàNội” [Exchanging opinions: Who unified Vietnam: Nguyễn Ánh or Nguyễn Huệ? Responding to Văn Tân, a northen historian, and the Hanoi journal Historical Research], Đại Học [Higher learning] 6:25 (1963): 694.

53.- Ibid, 674.

54.- Văn Tân, “Về bài ‘Chung quanh vấn đề: Ai đã thống nhất Việt Nam: Nguyễn Ánh hay Nguyễn Huệ’ của Nguyễn Phương (Saigon) by Nguyễn Phương (Saigon).

55.- Ibid., 5-6.

56 .- Ibid., 18.

57.- Ibid., 6.

58 Shawn McHale, “Vietnamese Marxism, Dissident, and the Politics of Poscolonial Memory: Tran Duc Thao, 1946-1993,” JAS 61:1 (January 2002): 27.

PHẦN PHỤ CHÚ do NGUYỄN ĐỨC CUNG sao lục:

1.- Nguyên văn số 1 (chú thích số 39) : chúng tôi không có nguyên văn vì không có bản in trên Tạp chí Bách Khoa số 148 và 149. Trong chú thích số 39, những chữ viết xiên là của sử gia Nguyễn Phương.

2.- Nguyên văn số 2 (chú thích 44): Chúng tôi không có điều kiện tiếp cận cuốn sách của Văn Tân, Cách mạng Tây sơn trong đó có phần trích dẫn của chú thích 44.

3.- Nguyên văn số 3 (chú thích số 47): “Sử học là một khoa học mật thiết liên quan đến chính trị. Giáo dục lịch sử là giáo dục chính trị. Vấn đề ai đã thống nhất Việt-nam hồi cuối thế kỷ XVIII hay đầu thế kỷ XIX vì vậy không chỉ là một vấn đề khoa học, mà còn là một vấn đề thời sự.” (Văn Tân, Nghiên cứu lịch sử số 51, Tháng sáu 1963 bài “Ai đã thống nhất Việt-Nam ? Nguyễn Huệ hay Nguyễn Ánh? - Trả lời ông Nguyễn-Phương báo Bách-Khoa ở Sài-gòn).

4.- Nguyên văn số 4 (chú thích số 48): “Đọc những câu trên của Nguyễn-Phương, người sung sướng, hả hê nhất là Ngô-đình-Diệm. Hẳn Tổng Ngô phải cảm ơn Nguyễn-Phương vì ông đã cãi hộ y, đã phục vụ y về tư tưởng. Cả thế giới đều biết rằng Diệm đã rước hơn một vạn quân đội Mỹ với đủ các hạng vũ khí hiện đại của Mỹ vào giết hại nhân dân Việt Nam. Nếu lịch sử cho phép Nguyễn Ánh mượn quân xâm lược ngoại quốc về giày xéo đất nước, thì lịch sử cũng sẽ có thể cho phép Ngô-đình-Diệm mượn quân đội Mỹ về giết hại đồng bào. Nhưng khốn nỗi lịch sử là lịch sử, lịch sử không bao giờ phát triển theo cái hướng mà ông Nguyễn-Phương mong muốn.” (Vân Tân, Nghiên cứu lịch sử, số 51).

5.- Nguyên văn số 5 (chú thích số 52): “Qua bài này, người đọc có thể có cảm tưởng rằng tôi đã cố tình bênh vực Nguyễn Ánh và hạ giá nhà Tây sơn xuống. Thật ra, đó không phải là ý của tôi, và dầu tôi có ý đó, cũng không sao thực hiện được, vì lịch sử là lịch sử, và khen hay chê là sự kiện do lịch sử để lại nó khen hay chê, chứ một cá nhân nào tự ý, vì một lý do u ẩn nào đó, muốn khen hay muốn chê mà được.” (Nguyễn Phương, Đại Học số năm 1964, trang 667-695, Chung quanh vấn đề: Ai đã thống nhất Việt Nam: Nguyễn Huệ hay Nguyễn Ánh? Trả lời ông Văn-Tân, nhà viết sử miền Bắc, Tập-san Nghiên-Cứu Lịch-Sử, Hà-nội).

6.- Nguyên văn số 6 (chú thích số 53): “Đọc những câu vừa trích đó của ông Văn Tân, người sung sướng hả hê nhất chính là Nguyễn Phương này, thì tôi thấy rõ được tất cả sự thất thế của ông Văn Tân khi ông đưa ra những khí giới yếu ớt như vậy để bênh vực lý luận của ông. Để ý đến những câu đó, tôi nhận được hai phần trước bộc bạch tình trạng chột dạ của ông, ăn từ đoạn trích cho đến hết câu: “ông Nguyễn-Phương mong muốn”, và phần kia chứng minh ông xuyên tạc lịch sử, ăn từ đầu câu sau cho đến hết đoạn. Tôi đã bóp trán tìm lý do của sự chột dạ ê chề nơi ông Văn Tân. Không phải lẫn lộn chính trị hiện thời với lịch sử một cách dễ dàng như ông Văn Tân, sau một hồi suy nghĩ lâu tôi cũng thấy được lý do tôi tìm. Thì ra, ông Văn Tân hốt hoảng lên như vậy là vì trong bài của tôi ở Bách Khoa số 149, tôi đã nhấn mạnh vào ý nghĩa cuộc Bắc tiến thống nhất của Nguyễn Ánh. Tôi đã viết:

“Quả thế, với Nguyễn Ánh, nước Việt Nam không còn đâu là xa, không còn đâu là cuối, hay nói cách khác, không còn đâu là kém giá, là không đáng kể, vì Nguyễn-Ánh đã bắt đầu từ chỗ cuối cùng từ chỗ xa nhất, lấy đó làm căn bản để tiến. Trong những cuộc tranh đấu chống Tây Sơn, toàn đất Gia-Định đã nhuốm máu các anh hùng dân tộc, máu ông. Qua 14 năm trời, sau những ngày lao nhọc, vào sinh ra tử, của những trận giặc gió mùa, Gia-định đã là nhà, là chỗ an toàn cho cả đoàn quân ông, cho ông. Thay vì theo đà Nam tiến từ trước đến giờ, nay Nguyễn Ánh đã Bắc tiến không phải từ Qui nhơn hay Thuận-hóa, mà từ Gia-định, một địa điểm xa vòi vọi đối với Thăng long.

Có lẽ ông Văn Tân sợ lịch sử lặp lại (như người ta thường nói: L’histoire est un perpétuel recommencement) và ông phải van lớn lên để may ra trấn áp được nỗi sợ sệt riêng tư của ông chăng. Phần tôi, tôi nói thật với ông Văn Tân rằng khi viết bài: “Ai đã thống nhất Việt Nam, Nguyễn Huệ hay Nguyễn Ánh”, tôi không có một hậu ý chính trị nào.”(Nguyễn Phương, Đại Học số năm 1964, trang 667-695, Chung quanh vấn đề: Ai đã thống nhất Việt Nam: Nguyễn Huệ hay Nguyễn Ánh? (Trả lời ông Văn-Tân, nhà viết sử miền Bắc, Tập-san Nghiên-Cứu Lịch-Sử, Hà-nội).

7.- Nguyên văn số 7 (chú thích số 54): “Thế nghĩa là Nguyễn Phương cho rằng sở dĩ tôi bài bác Nguyễn Ánh là vì Nguyễn Ánh đã Bắc tiến thắng lợi, là vì tôi sợ rằng rồi ra đế quốc Mỹ và tay sai cũng sẽ Bắc tiến thắng lợi! Thật là bịp bợm! Nhưng lại bịp bợm một cách trái mùa.” (Văn Tân, “Về bài’Chung quanh vấn đề: Ai đã thống nhất Việt-Nam: Nguyễn Huệ hay Nguyễn-Ánh’ của Nguyễn Phương [Sài-Gòn].).

8.- Nguyên văn số 8 (chú thích số 56): “Qua bài “Ai đã thống nhất Việt-Nam: Nguyễn Huệ hay Nguyễn-Ánh?” đăng Bách Khoa số 148 Tháng Ba 1963, và nhất là bài “Chung quanh vấn đề: ai đã thống nhất Việt nam: Nguyễn Huệ hay Nguyễn-Ánh” đăng Đại Học số 35-36 Tháng 10 và Tháng 12-1963, Nguyễn Phương đã hiện nguyên hình. Nguyễn Phương nghiên cứu lịch sử Việt Nam là nhằm xuyên tạc lịch sử Việt nam, bôi nhọ các anh hùng dân tộc, bôi nhọ cuộc khởi nghĩa Tây sơn vĩ đại, và đã công nhiên ca tụng những tên phản động hại nước hại dân cõng rắn cắn gà nhà như Nguyễn Ánh chẳng hạn. Với những lập luận của Nguyễn Phương, cái mà Phương phục vụ không phải là khoa học, mà là chính trị. Phương phục vụ chính trị, nhưng Phương giấu kín ý đồ đó, vì cái chính trị mà Phương phục vụ là cái chính trị đen tối, bẩn thỉu. Đó là cái chính trị cướp nước của bọn đế quốc Mỹ xâm lược, và cái chính trị bán nước của bọn Việt gian đang cắn xé nhau ở Sài-gòn.” (Văn Tân, bài đã dẫn trên).

9.- Sử gia hàng đầu * (Sự đánh giá của GS Wynn Wicox về sử gia Nguyễn Phương và Văn Tân cho rằng đó là những sử gia hàng đầu.)

Nhưng trước khi bàn đến dài hơn về sự lạc đề của ông Văn Tân, thiết tưởng điều phải chú ý trong đoạn vừa trích, và là một điều quan trọng vào bậc nhất, đó là cách ông Văn Tân chép về tình trạng hiện tại của miền Nam Việt Nam. Về miền Nam Việt Nam, hỏi ai biết tình trạng rõ hơn: ông Văn Tân ở Hà nội hay là tôi và toàn thể đồng bào cùng tôi hiện đang ở miền Nam Việt Nam? Cố nhiên là chúng tôi. Vậy mà trong chúng tôi, những ai có tai để nghe, có mắt để thấy, đã mục kích được thảm kịch người Mỹ “thả thuốc xuống các làng mạc VN, giết hại trẻ con, người lớn, gia súc, và tàn phá mùa màng của đồng bào VN chưa?” Lời của ông Văn Tân nói là một lời nói láo không hơn, không kém. Giả sử lời đó được thốt ra bởi một người thuộc hạng kém kiến thức, thì không đến nỗi đáng tiếc lắm. Đàng này nó được thốt ra bởi ông Văn Tân, mà ông Văn Tân là một nhà chép sử của miền Bắc… Hỏi cách ăn nói như vậy là tiêu biểu cho trình độ sử học riêng của cá nhân Văn Tân hay tiêu biểu cho trình độ chung của cả một miền? Tôi mong rằng đó chỉ tiêu biểu cho trình độ riêng một cá nhân…

Hơn nữa, cách ông Văn Tân chép về tình trạng miền Nam Việt Nam nói đó bắt tôi phải lý luận thêm. Nói về tình trạng hiện thời và ở một địa điểm không xa xuôi gì mà ông văn Tân còn hồ đồ đến thế, thì khi chép về quá khứ những mấy ngàn năm, hỏi ông càng dễ dàng thao túng biết bao? Ông càng nhìn vào một cách sai lạc biết bao? Nguyên nhân sự sai lạc của ông, là, như tôi đã nói, vì ông “thường đọc sử với cặp mắt đỏ, nghĩa là cặp mắt đau”. Hỏi bệnh tình ông nặng chừng nào? Thì cứ đọc đoạn kết của ông Văn Tân tôi đã trích kia là đủ biết: nặng lắm! Khốn một nỗi đau nặng như vậy mà cứ cố tình không biết, thế mới thật là liều lĩnh, và chính vì liều lĩnh ông mới có thể viết được những câu sau đây: “Bọn phản động vẫn nhai lại cái điệp khúc cũ rích rằng người cộng sản có thói quen nhìn sự vật bằng cặp mắt đỏ, nên không thấy rõ sự thật. Nếu cờ của người cộng sản là màu đỏ, còn quan điểm của người cộng sản là quan điểm chủ nghĩa Mác. Trên quan điểm chủ nghĩa Mác, người cộng sản nhìn thấu được quá khứ, nắm vững được hiện tại, và thấy rõ cả tương lai.”

…Về sự nắm vững hiện tại của ông, người ta đã có một chứng cứ minh bạch qua lời ông nói về tình hình miền Nam Việt Nam, như đã trích trên, nghĩa là ông không nắm được gì hết. Như vậy, còn nghĩ làm sao nữa về cái cảnh não lòng khi thấy ông sờ soạng trong đêm tối quá khứ. Ông Văn Tân cho rằng câu nói “cặp mắt đỏ là cặp mắt đau” là một “điệp khúc cũ rích”. Phải, cũ rich cũng được, nhưng dầu cho cũ đến đâu, mà bao lâu mắt còn đỏ là mắt vẫn còn đau… Chỉ vì quan điểm chủ nghĩa Mác thiếu bình tĩnh và bệnh hoạn, nên ông Văn Tân nhìn vào lịch sử, nhìn vào việc xảy ra một cách không ngay thẳng. Tính không ngay thẳng đó thấy được rõ ngay trong cách ông trả lời cho bài của tôi. Ông Văn Tân đã trả lời một cách lạc đề, và ông lạc đề một cách hữu ý. Như ai đọc Bách Khoa cũng biết, bài của tôi xướng lên rất rõ rệt: “Ai đã thống nhất Việt-Nam: Nguyễn Huệ hay Nguyễn Ánh?” Đối tượng chính của bài là khảo cứu về vấn đề thống nhất Việt Nam, và tìm xem ai là chủ động. Nào tôi có đặt câu ai là anh hùng ở Việt Nam vào cuối thế kỷ 18, hoặc ai có lòng thương dân, hoặc ai đã lãnh đạo phong trào cách mạng nông dân, nếu thực sự có một cuộc cách mạng nông dân? Để trình bày vấn đề của tôi, tôi đã nêu lên những tư tưởng chính rất dễ theo dõi. Sau khi nói đến lập trường của những người viết trước tôi, tôi đã định nghĩa tiếng thống nhất và phân tích tại sao Nguyễn Huệ hay cả nhà Tây sơn không thống nhất Việt Nam, và tại sao, cùng đến trình độ nào, Nguyễn Ánh đã làm xong việc đó. Nay, khi hô to là trả lời cho tôi về vấn đề thống nhất Việt Nam, ông Văn Tân lại tỏ ra tìm mọi cách để khỏi chạm trán với chính vấn đề, và chỉ vùng vằng chạy đi chạy lại chung quanh” (Nguyễn Phương, Đại Học số năm 1964, trang 667-695, Chung quanh vấn đề: Ai đã thống nhất Việt Nam: Nguyễn Huệ hay Nguyễn Ánh? (Trả lời ông Văn-Tân, nhà viết sử miền Bắc, Tập-san Nghiên-Cứu Lịch-Sử, Hà-nội).

Nguồn: Đặc san ĐẠI HỌC HUẾ Kỷ niệm 60 Năm Đại học Huế (1957-2017), San Jose, California.