Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 7 tháng 6, 2017

Còn ai, ai sẽ nghĩ cho ta…?

Nguyễn Hoàng Diệu Thúy

Đấy là câu hỏi bi phẫn và ám ảnh nhất trong tập truyện ngắn Con chim phụng cuối cùng của Nguyễn Thị Kim Hòa, vừa mới được xuất bản, do tôi biên tập.

Cách đây mấy năm, khi tôi nói chuyện với nhà văn Nguyễn Bình Phương, anh nhắc tôi hãy để ý Nguyễn Thị Kim Hòa, nữ nhà văn quê Ninh Thuận, vừa được giải nhất cuộc thi truyện ngắn do tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức.

Tôi đã "để ý" cô từ dạo ấy, và mãi bây giờ tôi mới có Con chim phụng cuối cùng, tập truyện vẽ nên bức chân dung chân thực và dữ dội về thân phận người đàn bà trong sóng cả lịch sử.

Ý tưởng về thân phận người đàn bà trong lịch sử, tôi đã thấy trong vở kịch Rừng trúc của Nguyễn Đình Thi, khi ông xây dựng nhân vật Lý Chiêu Hoàng với câu nói ám ảnh: "… việc nước là lớn nhất, nhưng việc người với người cũng không phải là nhỏ hơn”, tôi đã thấy nó trong tiểu thuyết Hội thề của Nguyễn Quang Thân, khi ông kể chuyện hoàng hậu Ngọc Trần bị ném xuống sông bởi chính chồng mình - vua Lê Lợi, tôi đã thấy nó rải rác trong các tiểu thuyết, truyện ngắn lịch sử... Nhưng có lẽ Con chim phụng cuối cùng là tập truyện đầu tiên khai thác ráo riết nhất chủ đề này.

Dùng nhiều truyện ngắn để tập trung thể hiện một ý tưởng, điều này rất thách thức bởi các câu chuyện với kết cục biết trước có thể gây nhàm chán. Kim Hòa hóa giải điều này bằng cách đa dạng hóa nhân vật, đa dạng hóa góc nhìn đầy độc đáo: Bùi Thị Xuân từ góc nhìn Nguyễn Ánh. Thế tử phi dưới góc nhìn của gã nô bộc si tình người Nhật. Đặng Thị Huệ với dòng tự sự nội tâm. Cô công chúa Chăm qua góc nhìn của cô công chúa Việt. Công nữ Ngọc Khoa, với thân phận bị chẻ đôi, và hai nửa thân phận lần lượt kể câu chuyện của nửa kia... Trong xã hội phong kiến gia trưởng phương Đông điển hình, người đàn bà bao giờ cũng là đối tượng bị bỏ quên, và lịch sử của những nhà chép sử chỉ toàn những gương mặt đàn ông hào hùng, khát khao quyền lực. Chiến tranh không có khuôn mặt đàn bà? Có, vô kể, chỉ có điều là nó không hoặc ít được kể ra. Và một khi được kể, như trong Con chim phụng cuối cùng, ấy sẽ là khuôn mặt tột cùng đau đớn.

Hai truyện tôi thích nhất là Vết hoa và Con chim phụng cuối cùng. Vết hoa trần thuật từ góc nhìn của một nô bộc người Nhật, anh ta yêu chủ nhân của mình đến mức bỏ cả cố quốc để được ở bên nàng, dù chỉ ở phận người hầu. Với đầy xót thương và căm giận, anh ta chứng kiến nàng đi từ bi kịch này sang bi kịch khác, nàng tìm cách sống ngạo nghễ, đem cả mưu trí lẫn thân xác ra để tồn tại kiêu hãnh giữa chốn cung đình, nhưng hết lần này đến lần khác bị dày xuống đất và cuối cùng là cái chết khốc liệt. Gã nô bộc si tình cũng tự đi tìm cho mình một sợi dây, một cành cây.

"Ngày hoa bưởi rụng, với đôi hài thêu trong túi, tôi đi tìm một nhánh cây. Chỗ có thể thấy được một mái tóc đen dài phơ phất. Thấy gương mặt phơi với nắng, với gió trời. Bao nhiêu năm tháng, gương mặt vẫn thế, cô gái nhỏ tôi đã gặp trong ô cửa kiệu năm mười lăm tuổi. Vẫn những đường nét trẻ thơ, vẫn hàng mi vờ vĩnh khép.

Cởi dây lưng áo cột trên nhánh cây, tôi thấy lại đang lất phất rơi một trận mưa. Không phải cơn mưa xô tôi ngã dúi. Là mưa hoa. Những bông hoa thanh sạch, trắng ngần níu nhau. Tíu tít. Xoay. Rớt. Những bông hoa tinh nghịch mà đắm say hơn cả chuỗi cánh anh đào từng bay trong kí ức tôi.

Hòn đá đã cùng nàng và tôi rời Hải Phố, hòn đá quen duy nhất trên đất Kim Long, tôi kê trên cùng. Đạp mạnh chân, tôi nghe lưng mình bỏng rát ánh mặt trời mới mọc.

Nhật Bản ở phía đó. Và trước tôi, là nàng. Người đàn bà tôi yêu."

Truyện Con chim phụng cuối cùng lại có lối trần thuật độc đáo và gây bất ngờ. Nhân vật bị xẻ đôi để trần thuật từ hai điểm nhìn, một bên là cô công chúa Việt bị gả cho vua Chăm với bổn phận giữ hòa hiếu, và sâu xa hơn là để mở đất, một bên là nàng con gái thường tình yêu chồng và chỉ mong ước bình yên. Hai nhân cách ấy dằn vặt con người nàng:

"Bất chấp tôi, tim Khoa luôn muốn được trần truồng cùng tim Chàng Gió. Cởi bỏ tất cả, huyền thoại, địa vị, gánh nặng. Để cô đơn của hai kẻ lạc giữa dân tộc mình đi vào trong nhau, thăng hoa thành giấc mơ về màu hoa Hòa Bình.

Tôi nhắc Khoa bằng cách đeo lại lên tay chiếc vòng. Vòng đá trắng, vân vàng, chỉ còn lại một con chim phụng. Ngày rời Phước Yên, tôi đã lén giấu chiếc vòng dưới đáy túi đựng hạt Hòa Bình.

Vừa chui qua mu bàn tay, chiếc vòng đã chộp lấy, ôm cổ tay tôi chặt cứng. Con chim phụng vân vàng mình còn lấm tấm vết tàn lửa ngóc cổ nhìn tôi, ai oán."

Nhưng nghiệt ngã hơn, nàng còn bị tình yêu phản bội, khi chính vị vua Chăm khởi sự một cuộc chiến tranh tấn công nước Việt. Nàng tay thảo bứcthư cho cha báo mưu đồ của quân Chiêm, nhưng trái tim tan nát vì biết mình đang dẫn chàng Gió tới cái chết. Khi chàng Gió bị quân Việt bắt, nàng tự kết thúc đời mình trong lòng giếng.

Kim Hòa thường có lối dẫn dắt, thắt mở khéo léo, cấu trúc truyện tưởng như lỏng, mà lại rất chặt. Câu chữ nhuần nhuyễn, chau truốt, nữ tính và chất chứa nhiều cảm xúc. Khi đọc bản thảo, nhiều lúc tôi không tránh khỏi cảm nghẹn ngào. Tôi luôn hình dung Hòa dằn vặt con chữ thế nào để đẩy căng biên độ cảm xúc của nhân vật. Đây là chỗ mạnh của cô, nhưng đôi lúc cũng là điểm yếu, bởi sự thiếu tiết chế có thể làm giảm tính chân thực của câu chuyện.

Xin trân trọng giới thiệu tập sách cùng bạn đọc. Nếu tập sách tới tay những người làm điện ảnh, tôi tin họ sẽ có được những kịch bản phim hay.

clip_image001

FB Nguyen Hoang Dieu Thuy