Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 12 tháng 6, 2017

1984 (kỳ 12)

George Orwell

 

II.

Anh nằm trên một cái giường giống như giường xếp, nhưng cao hơn và bị trói chặt không thể nào cựa quậy được. Ánh sáng có vẻ chói hơn bình thường chiếu thẳng vào mặt. O’Brien đứng một bên, đang cúi xuống chăm chú quan sát. Bên kia là một người đàn ông mặc áo choàng trắng, tay cầm một cái ống tiêm.

Mặc dù mắt đã mở, anh chỉ nhận ra khung cảnh xung quanh một cách từ từ. Anh có cảm giác như mình vừa bơi đến đây từ một thế giới khác, từ một thế giới rất sâu bên dưới mặt nước. Anh không biết mình đã ở dưới đó bao lâu. Từ khi bị bắt, anh chưa thấy ánh sáng ban ngày, cũng như chưa biết bóng tối là gì. Ngoài ra, trí nhớ của anh cũng không còn liên tục nữa. Có những lúc, ý thức, ngay cả loại ý thức người ta vẫn có trong khi ngủ, bị tê liệt hoàn toàn, rồi sau đó nó xuất hiện trở lại như từ hư vô. Nhưng khoảng hư vô ấy kéo dài mấy ngày, mấy tuần hay chỉ mấy giây thì không thể nào biết được.

Cơn ác mộng bắt đầu xuất hiện ngay từ cú nện đầu tiên vào khuỷu tay. Sau này, anh mới biết rằng đấy chỉ là khúc dạo đầu, là vụ hỏi cung bình thường mà bất cứ phạm nhân nào cũng phải trải qua. Mỗi người đều phải thú nhận đủ thứ tội lỗi như làm gián điệp, phá hoại và những tội tương tự như thế. Thú nhận chỉ là hình thức, nhưng tra tấn thì thật một trăm phần trăm. Anh không nhớ mình đã bị đánh bao nhiêu lần, mỗi lần kéo dài bao lâu. Lần nào cũng có năm hoặc sáu người mặc đồng phục đen. Chúng đánh bằng tay, đánh bằng dùi cui, đánh bằng gậy sắt, đá bằng giầy đinh. Có những lúc anh lăn lộn dưới sàn nhà, chẳng còn biết ngượng, như một con vật, cuộn mình lại để tránh một cách vô vọng những cú đá, nhưng như thế càng làm chúng đá hăng thêm, vào sườn, vào bụng, vào khuỷu tay, vào gióng chân, vào háng, vào dái, vào xương cùng. Đôi khi việc tra tấn diễn ra liên miên đến nỗi anh thấy điều khủng khiếp nhất, dã man nhất, không thể nào tha thứ được không phải là việc bị cai ngục đánh đập, mà chính là việc anh cứ tỉnh táo, không ngất đi được. Có những lúc anh bị thần hồn nát thần tính đến nỗi bắt đầu van xin ngay khi chưa bị đánh, ngay khi thấy cánh tay mới giơ lên anh đã tuôn ra một tràng những lời thú nhận, cả tội thật lẫn tội tưởng tượng. Cũng có lúc, anh kiên quyết không thú nhận gì hết, phải cố gắng lắm mới nói được một lời, mà bao giờ cũng lẫn trong tiếng rên la; cũng có lúc anh ngây thơ thoả thuận với mình như sau: "Mình sẽ thú nhận, nhưng không phải ngay bây giờ. Mình phải giữ cho đến khi đau không thể chịu được. Ba cú đá nữa thôi, hai cú đá nữa thôi, mình sẽ nói tất cả những gì họ muốn". Đôi khi anh bị đánh đến không đứng vững được, chúng quăng anh xuống sàn như quăng một bao khoai tây, để cho nằm nghỉ mấy tiếng rồi lại lôi ra đánh tiếp. Đôi khi được nghỉ khá lâu. Những lúc nghỉ anh nhớ rất mù mờ vì đấy thường là những lúc mê man hoặc thiếp đi. Anh nhớ buồng giam có chiếc giường chỉ có giát, giống như cái kệ gắn chặt vào tường và cái chậu rửa mặt bằng sắt tây mỏng; anh nhớ được ăn súp nóng, bánh mì và đôi khi có cả cà phê nữa. Anh nhớ một người thợ cạo nhăn nhó đã cắt tóc, cạo râu cho anh; anh nhớ cả những người đàn ông khinh khỉnh, tất bật nghe nhịp tim, kiểm tra phản xạ, lật mí mắt rồi kiểm tra xem anh có bị gẫy xương không và tiêm thuốc ngủ vào ven.

Tra tấn đã bớt dần, bây giờ họ chỉ doạ là chính: trả lời không đúng ý thì liệu đấy. Lấy khẩu cung không phải là bọn vô lại mặc đồng phục đen nữa mà là những điều tra viên của Đảng, những người thấp, béo, nhanh nhẹn, đeo kính sáng loá, thay nhau quần anh mười đến mười hai tiếng liên tục, đấy là anh nghĩ thế chứ làm sao biết chính xác được. Bọn này luôn cố làm sao để anh bị hơi đau, nhưng đau không phải là vũ khí chính của họ. Họ tát vào mặt, véo tai, giật tóc, bắt đứng bằng một chân, không cho đi tiểu, chiếu ánh sáng vào mặt cho đến chẩy nước mắt; nhưng đấy chỉ có tác dụng làm nhục, làm cho anh không thể suy nghĩ và tranh cãi được. Vũ khí thực sự của họ là những đợt lấy cung tàn nhẫn kéo dài, hết giờ này sang giờ khác, làm cho anh rối trí, đưa anh vào bẫy, vặn vẹo những câu anh nói, khẳng định rằng anh nói dối, bảo rằng anh tự mâu thuẫn với chính mình, cho đến khi anh phát khóc vì xấu hổ và suy kiệt về mặt tinh thần. Có lần hỏi cung anh phải khóc đến năm sáu lượt. Họ thường quát tháo, đe doạ sẽ trả anh cho bọn cai ngục, nhưng cũng có khi họ bất ngờ đổi giọng, gọi anh là đồng chí, nhân danh Chuanh và Anh Cả, kêu gọi anh, hỏi anh rằng chả lẽ đến lúc này mà lòng trung thành với Đảng trong anh chưa lên tiếng, chả lẽ anh không muốn khắc phục hậu quả đã gây ra hay sao? Thần kinh bị rối loạn sau nhiều giờ khẩu cung, nên ngay cả những lời kêu gọi kiểu đó cũng làm anh trào nước mắt. Cuối cùng thì không phải nắm đấm hay mũi giầy của bọn cai ngục, mà chính những câu nói lải nhải kiểu đó đã quật anh ngã hoàn toàn. Anh chỉ còn là một cái miệng để nói, một bàn tay để kí tất cả những gì người ta yêu cầu. Anh chỉ còn quan tâm đến mỗi một việc: xem họ muốn anh thú nhận điều gì và thú nhận ngay, trước khi bị hành hạ thêm. Anh thú nhận đã ám sát các nhà lãnh đạo nổi tiếng của Đảng, đã phân phát những cuốn sách có hại, đã biển thủ công quĩ, đã bán bí mật quân sự và tham gia hoạt động phá hoại. Anh thú nhận đã làm gián điệp ăn lương của Eastasia từ năm 1968. Anh thú nhận là người mê tín, là người sùng bái chủ nghĩa tư bản, là đồng tính luyến ái. Anh thú nhận đã giết vợ, mặc dù anh biết và những người đang thẩm vấn anh chắc chắn cũng biết rằng cô vẫn còn sống. Anh thú nhận đã tiếp xúc trực tiếp với Goldstein trong nhiều năm và là thành viên của một tổ chức bí mật, gần như tất cả những người anh quen đều là thành viên của tổ chức này. Thú nhận tất, đưa tất cả mọi người vào tròng cho nhẹ. Ngoài ra, ở một khía cạnh nào đó, tất cả những lời khai của anh đều đúng. Đúng, anh là kẻ thù của Đảng và theo quan niệm của Đảng thì ý nghĩ và việc làm chỉ là một.

Anh còn nhớ cả những chuyện khác nữa. Mỗi chuyện là một bức tranh riêng, xung quanh là những khoảng trống tối mò.

Anh đang ở trong buồng giam, không hiểu là sáng hay tối vì anh chỉ nhìn thấy có một đôi mắt, ngoài ra không thấy gì khác. Ngay bên cạnh có một cái gì đó phát ra tiếng tích tắc đều đều. Đôi mắt cứ phình to ra và ngày một sáng hơn. Bất ngờ anh bay lên, chìm vào trong đôi mắt và bị nuốt chủng.

Anh bị trói vào một cái ghế, ánh sáng chói chang, xung quanh đủ các loại đồng hồ đo. Một người đàn ông mặc áo choàng trắng đang đọc số liệu trên các đồng hồ đo đó. Có tiếng giầy đinh bước vội vã bên ngoài. Cánh cửa kẹt mở. Người sĩ quan có bộ mặt bằng sáp bước vào, theo sau là hai cai ngục.

"Buồng một linh một", viên sĩ quan nói.

Người mặc áo trắng không quay lại, hắn cũng không nhìn Winston, hắn chỉ nhìn các đồng hồ đo mà thôi.

Anh đang lăn trong một hành lang cực to, rộng đến cả cây số, khắp nơi là một màu vàng rực rỡ; anh vừa lăn vừa cười vang và hét lên những lời thú tội. Anh khai tất, khai cả những việc không chịu khai khi bị tra tấn. Anh kể lại toàn bộ cuộc đời mình dù thính giả đã biết rồi. Cả những cai ngục, cả những điều tra viên, cả những người mặc áo choàng trắng, cả O'Brien, Julia và ông Charrington cùng lăn với anh, vừa lăn vừa cười hô hố. Một số việc khủng khiếp đang chờ anh ở phía trước, nhưng anh vượt qua được và chúng đã không xảy ra. Mọi việc thế là xong, không còn đau nữa, mọi tình tiết của cuộc đời anh đều được trình bày, được mọi người thông cảm và tha thứ.

Anh giật mình vùng dậy khỏi cái giường chỉ có giát, vì hình như nghe thấy tiếng O'Brien. O'Brien không hề xuất hiện trong những lần hỏi cung, nhưng anh cảm thấy rằng O'Brien ở gần đâu đây, chỉ không trông thấy thôi. Chính anh ta là người chỉ đạo mọi thứ. Anh ta là người đưa cai ngục tới và cũng chính anh ta ngăn không cho chúng giết anh. Anh ta là người quyết định khi nào thì Winston phải gào lên vì đau, khi nào thì được nghỉ, khi nào được ăn, khi nào được ngủ, khi nào phải tiêm. Anh ta là người ra câu hỏi và mớm câu trả lời. Anh ta là người tra tấn, là người bảo vệ, là quan toà, là bạn. Có lần, Winston không nhớ đấy là lúc ngủ do thuốc hay lúc ngủ bình thường, hay khi đã tỉnh, anh nghe thấy có tiếng thì thầm bên tai: "Winston, đừng lo, tôi sẽ bảo vệ anh. Tôi đã theo dõi anh suốt bảy năm ròng. Đây là thời điểm quyết định. Tôi sẽ cứu anh, sẽ biến anh thành một người hoàn hảo." Anh không chắc đấy có phải là giọng của O'Brien không, nhưng đấy chính là giọng đã nói với anh trong một giấc mơ khác, bảy năm về trước: "Chúng ta sẽ gặp nhau ở nơi không còn bóng tối nữa".

Anh không nhớ đoạn cuối những cuộc thẩm vấn. Đấy là những khoảng trống tối mò, sau đó mới hiện ra dần dần buồng giam hay căn phòng, nơi anh đang nằm. Anh nằm thẳng đừ, bất động hoàn toàn. Anh bị trói chặt mấy chỗ. Ngay gáy cũng bị dán chặt xuống giường. O'Brien nhìn anh một cách chăm chú, có vẻ buồn nữa. Nhìn từ dưới lên, nét mặt anh ta có vẻ thô và nhàu nát với những chỗ xệ ra ngay bên dưới mí mắt và những vết nhăn chạy từ khoé mũi xuống cằm. Anh ta có vẻ già hơn là Winston vẫn tưởng, phải bốn tám hoặc năm mươi. Anh ta cầm cái tay quay lắp trên mặt một bảng tròn có ghi số xung quanh như mặt đồng hồ.

"Tôi đã nói với anh", O'Brien bảo. "Nếu chúng ta còn gặp nhau thì sẽ là gặp ở đây rồi mà."

"Vâng", Winston trả lời.

Chỉ thấy tay O'Brien khẽ cử động, ngoài ra không một tín hiệu báo trước nào, thế mà một cơn đau như chụp xuống toàn thân anh. Cái đau này rất đáng sợ, vì anh không biết người ta đang làm gì và anh cảm thấy đang bị một đòn chí tử. Anh thấy toàn thân vặn vẹo không còn hình thù gì, các khớp thì như bị giật tung ra, nhưng không hiểu đấy là thật hay chỉ là cảm giác do tác dụng của dòng điện thôi. Toát mồ hôi hột vì đau, nhưng còn hơn cả đau là nỗi sợ: xương sống anh sắp gẫy đến nơi. Anh nghiến chặt răng, chỉ thở bằng mũi, cố kìm tiếng la, càng lâu càng tốt.

"Anh sợ", O'Brien vừa nói vừa quan sát nét mặt anh, "rằng sắp gẫy cái gì đó. Anh sợ nhất là gẫy xương sống. Anh thấy rõ cảnh những đốt sống rời ra và tuỷ sống chảy xuống. Winston, anh đang nghĩ đến chuyện đó, đúng không?"

Winston không trả lời. O'Brien vặn ngược tay quay. Cơn đau dịu xuống nhanh cũng như lúc nó đến.

"Đấy mới là bốn mươi", O'Brien bảo. "Anh thấy số trên này ghi đến một trăm. Anh phải nhớ nhá, trong khi chúng ta nói chuyện, tôi có thể làm cho anh đau bất cứ khi nào và với bất cứ mức độ nào mà tôi muốn. Nếu anh nói dối, nếu anh quanh co, nếu anh tỏ ra ngốc nghếch hơn bình thường, thì ngay lập tức anh sẽ phải thét lên vì đau đấy. Anh có hiểu không?

"Hiểu", Winston đáp.

O'Brien tỏ ra dịu dàng hơn. Anh ta thận trọng sửa lại kính và đi qua lại vài bước. Giọng anh ta tỏ ra nhẹ nhàng và nhẫn nại. Anh ta có vẻ là một bác sĩ, một thày giáo, một cha cố, chỉ cố giảng giải, thuyết phục chứ không có ý trừng phạt.

"Tôi phải mất công với anh lắm đây", O'Brien nói, "vì anh xứng đáng như vậy. Anh biết rõ anh gặp rắc rối vì chuyện gì rồi. Anh biết lâu rồi, nhưng anh không chịu nhận. Anh bị loạn óc. Trí nhớ của anh có vấn đề. Anh không thể nhớ các sự kiện có thật, nhưng lại tự khẳng định là nhớ các sự kiện chưa hề xảy ra bao giờ. May là chuyện này có thể chữa được. Anh chưa chữa vì anh không muốn. Chỉ cần một chút ý chí thôi, nhưng anh đã không chịu làm. Ngay bây giờ, tôi biết rõ mà, anh vẫn bám lấy căn bệnh của mình và cho rằng đấy là đạo đức. Ta hãy bắt đầu bằng một thí dụ cụ thể. Hiện nay Oceania đang đánh nhau với siêu cường nào?"

"Khi tôi bị bắt thì Oceania đánh nhau với Eastasia"

"Với Eastasia. Tốt. Thế Oceania luôn luôn đánh nhau với Eastasia, đúng không?"

Winston hít một hơi dài. Anh mở miệng định nói rồi lại thôi. Anh không thể rời mắt khỏi cái bảng số.

"Winston, hãy nói sự thật. Sự thật của anh. Hãy nói cho tôi biết, anh nhớ những gì?"

"Tôi nhớ một tuần trước khi tôi bị bắt, chúng ta không hề đánh nhau với Eastasia. Chúng ta đã là đồng minh của họ. Lúc đó đang đánh nhau với Eurasia. Chiến tranh kéo dài đã bốn năm. Trước khi…"

O'Brien giơ tay ra hiệu cho anh ngưng lại.

"Một thí dụ nữa", anh ta nói, "mấy năm trước anh có một lầm lẫn rất lớn. Anh tin rằng, ba người, một thời từng là đảng viên tên là Jones, Aaroson và Rutherford, không mắc những tội mà họ bị qui kết như phản bội và phá hoại, sau khi chính họ đã thú nhận tất cả và bị tử hình. Anh tin rằng, anh đã nhìn thấy bằng chứng không thể bị phủ nhận rằng những lời thú tội của họ đều là giả. Anh tưởng đã từng nhìn thấy một bức ảnh. Anh tin rằng đã từng cầm một bức ảnh như thế trên tay. Một bức giống như bức này".

Trong tay O'Brien bỗng xuất hiện một mẩu báo hình chữ nhật. Anh ta giơ trước mặt Winston chừng năm giây. Đấy đúng là một tấm ảnh, không còn nghi ngờ gì nữa, đúng nó. Chính là bức ảnh ĐÓ. Bức ảnh chụp Jones, Aaroson và Rutherford tham dự một buổi lễ của Đảng ở New York, mà anh đã từng cầm trong tay mười một năm về trước và lập tức huỷ ngay. Nó hiện diện trước mặt anh trong một sát na rồi biến mất. Nhưng anh đã nhìn thấy, chắc chắn là đã nhìn thấy! Anh cố hết sức, cố một cách tuyệt vọng để tách nửa người ra khỏi cái giường. Nhưng anh không thể cụ cựa được, hướng nào cũng bị xiết chặt. Lúc ấy anh quên cả cái bảng số. Lúc đó anh chỉ muốn một điều: được cầm tấm ảnh hoặc ít nhất cũng được nhìn cho rõ.

"Đã từng có một bức như thế!", anh gào lên.

"Không", O'Brien bảo.

Anh ta bước ngang qua căn phòng. Có một cái lỗ nhớ trên bức tường đối diện. O'Brien nâng tấm chắn lên.

Mẩu giấy vô hình, mỏng manh đó cuốn đi theo luồng gió ấm và sẽ bị ngọn lửa thiêu ngay tức khắc. O'Brien quay lại.

"Tro", anh ta nói. "Tro không có hình thù. Bụi. Nó không tồn tại. Chưa bao giờ tồn tại."

“Nhưng nó đã tồn tại! Đang tồn tại! Nó tồn tại trong đầu. Tôi nhớ. Anh nhớ."

"Tôi không nhớ", O'Brien đáp.

Winston vô cùng chán ngán. Đây chính là nước đôi. Anh cảm thấy hoàn toàn bất lực. Nếu anh biết chắc là O'Brien nói dối thì đấy không thành vấn đề. Nhưng rất có khả năng là O'Brien đã thực sự quên bức ảnh. Nếu như vậy thì anh ta đã quên việc phủ nhận là mình nhớ và quên luôn cả việc mình đã quên. Làm sao có thể tin chắc rằng đây đơn giản chỉ là một trò lừa đảo? Nhỡ cái sự "chập mạch" này xẩy ra thật thì sao? – đấy chính là điều làm anh bối rối.

O'Brien nhìn anh đầy ưu tư. Lúc này trông anh ta càng giống một ông thày đang vất vả với một đứa học trò ngang bướng nhưng có triển vọng.

"Có một câu khẩu hiệu của Đảng về vấn đề làm chủ quá khứ", anh ta nói. "Anh có nhớ không?"

"Ai làm chủ quá khứ người đó sẽ làm chủ tương lai; ai làm chủ hiện tại người đó sẽ làm chủ quá khứ", Winston ngoan ngoãn nhắc lại.

"Ai làm chủ hiện tại người đó sẽ làm chủ quá khứ", O'Brien vừa nói vừa gật đầu tỏ vẻ đồng tình. "Winston, theo anh thì quá khứ có thực sự tồn tại không?"

Một lần nữa, Winston lại cảm thấy hoàn toàn bất lực. Anh liếc nhìn cái bảng số. Anh không biết phải trả lời là "có" hay "không" thì sẽ không bị đau; anh cũng không biết câu nào là đúng nữa kia.

O'Brien khẽ mỉm cười.

"Winston, anh là một nhà lí luận tồi. Anh chưa bao giờ suy nghĩ xem tồn tại nghĩa là gì. Tôi xin nói rõ hơn. Quá khứ có tồn tại một cách cụ thể, trong vũ trụ, không? Quá khứ có đang xảy ra tại một chỗ nào đó, tại một thế giới vật lí nào đó không?"

"Không."

"Thế thì nó tồn tại ở đâu?"

"Ở trong các tài liệu. Bằng giấy trắng mực đen."

"Trong các tài liệu. Và…"

"Trong đầu óc. Trong đầu óc con người."

"Trong đầu óc. Rất tốt. Nhưng chúng tôi, Đảng, làm chủ tất cả các tài liệu và chúng tôi làm chủ tất cả các khối óc. Thế thì chúng tôi làm chủ quá khứ rồi, có phải thế không?"

"Nhưng các anh làm thế nào bắt người ta thôi nhớ?", Winston gào lên, đột nhiên quên khuấy mất cái bảng số. "Nó nằm ngoài ý thức. Nó không phụ thuộc vào ý chí. Các anh làm sao kiểm soát được đầu óc người ta? Các anh không kiểm soát được đầu óc tôi!"

O'Brien trở nên nghiêm khắc. Anh ta đặt tay lên bảng số.

"Ngược lại", anh ta bảo. "Chính anh không kiểm soát được đầu óc mình thì có. Vì vậy mà anh phải ở đây. Anh phải ở đây vì thiếu khiêm tốn và không chấp hành kỉ luật. Anh không chịu phục tùng và đấy chính là cái giá phải trả cho sự sáng suốt. Anh thích được một làm người điên, làm thiểu số, cái thiểu số rút lại chỉ còn một người. Winston, chỉ có tâm trí đã được đưa vào kỉ cương mới nhận thức được hiện thực. Anh tin rằng hiện thực là một cái gì đó khách quan, bên ngoài, tồn tại tự thân. Anh còn tin rằng hiện thực là hiển nhiên, ai cũng thấy. Vì suy nghĩ một cách lầm lạc như vậy, cho nên khi anh trông thấy một cái gì đó thì anh cho rằng người khác cũng thấy như thế. Nhưng tôi xin nói với anh rằng hiện thực không phải là cái gì đó bên ngoài. Hiện thực nằm trong đầu óc người ta, ngoài ra, không ở đâu khác. Không phải trong đầu óc cá nhân, vì cá nhân rất hay lầm lẫn hay chí ít cũng mau tàn lụi: hiện thực nằm trong trí tuệ của Đảng, trí tuệ tập thể và vĩnh hằng. Đảng coi cái gì là chân lí thì cái ấy là chân lí. Không thể thấy hiện thực nếu không nhìn bằng cặp mắt của Đảng. Winston, đấy chính là điều anh cần học lại. Để làm điều đó, cần phải có ý chí, cần phải huỷ diệt chính cá nhân mình. Muốn trở thành người sáng suốt, anh phải tập trở thành người khiêm tốn trước đi đã".

Anh ta ngừng trong giây lát, dường như để Winston có thì giờ tiêu hoá những điều vừa nói.

"Anh còn nhớ", anh ta tiếp tục, "đã viết trong nhật kí: "Tự do là tự do nói hai cộng hai là bốn" chứ?"

"Có", Winston đáp.

O'Brien giơ tay trái lên, lưng bàn tay hướng về phía Winston, ngón cái quặp vào trong, bốn ngón chìa ra.

"Có mấy ngón tay, Winston?"

"Bốn."

"Nhưng nếu Đảng bảo không phải bốn mà năm thì sao?"

"Bốn."

Vừa nói xong, anh đã phải thét lên vì đau. Mũi kim trên cái bảng số nhảy ngay lên năm mươi lăm. Mồ hôi túa ra khắp người. Hít vào thì đau như xé phổi, thở ra thì bao giờ cũng kèm theo những tiếng rên rỉ nặng nề, anh đã cắn chặt răng, nhưng không ăn thua. O'Brien theo dõi, bốn ngón tay vẫn giơ lên như cũ. Anh ta quay cái cần sang bên trái. Cơn đau có giảm chút ít.

"Có mấy ngón tay, Winston?"

"Bốn"

Mũi kim chỉ sáu mươi.

"Có mấy ngón tay, Winston?"

"Bốn! Bốn! Tôi phải nói thế nào nữa? Bốn!"

Mũi kim chắc chắn đã nhích lên, nhưng anh không nhìn. Anh chỉ nhìn thấy một bộ mặt nghiêm khắc, tàn nhẫn và bốn ngón tay. Các ngón tay đứng ngay trước mắt, như những cái cột, to lớn, mờ ảo, có vẻ như đang lay động, nhưng vẫn chỉ có bốn.

"Có mấy ngón tay, Winston?"

"Bốn! Thôi đi! Thôi đi! Sao lại làm thế? Bốn! Bốn!"

"Có mấy ngón tay. Winston?"

"Năm! Năm! Năm!"

"Không, Winston, vô ích thôi. Anh nói dối. Anh vẫn nghĩ chỉ có bốn. Bây giờ có mấy ngón?"

"Bốn! Năm! Bốn! Anh muốn bao nhiêu thì là từng ấy. Thôi đi, đừng làm đau nữa!"

Bất thình lình anh ngồi dậy, tay O'Brien quàng qua vai. Có thể anh đã ngất đi mất mấy giây. Những sợi dây trói anh đã được cởi ra. Anh cảm thấy rất lạnh, người cứ run bắn lên, răng va vào nhau lập cập, nước mắt chảy thành từng dòng xuống hai bên má. Anh ngả người vào O'Brien, như một đứa trẻ, cảm thấy yên lòng khi có cánh tay rắn chắc quàng quanh vai. Anh cảm thấy rằng O'Brien là người che chở, rằng đau là từ bên ngoài đưa lại, từ một nguồn nào đó và O'Brien chính là người đã cứu anh.

"Winston, anh chậm hiểu lắm", O'Brien dịu dàng nói.

"Tôi biết làm thế nào được", Winston vừa nói vừa khóc. "Làm sao tôi có thể không nhìn thấy những cái đứng ngay trước mặt? Hai cộng hai là bốn."

"Đôi khi, Winston. Đôi khi là năm đấy. Đôi khi là ba nữa kia. Đôi khi là tất cả. Anh phải cố nữa lên. Trở thành sáng suốt không phải là việc dễ dàng đâu."

Anh ta đặt Winston nằm xuống giường. Chân tay lại bị trói như cũ, nhưng đau đã giảm nhiều, run cũng hết, chỉ còn mệt và rét. O'Brien gật đầu với người mặc áo choàng trắng, vốn vẫn đứng yên một chỗ suốt cuộc thẩm vấn vừa rồi. Người mặc áo choàng trắng cúi nhìn vào mắt Winston, kiểm tra nhịp tim, kề tai vào sát ngực anh để nghe, gõ chỗ này chỗ khác vài cái rồi gật đầu với O'Brien.

"Lần nữa nhá", O'Brien bảo.

Cơn đau lập tức thấm vào da thịt Winston. Kim đồng hồ chắc phải ở số bảy mươi, bảy lăm. Lần này anh nhắm mắt lại. Anh biết rằng các ngón tay vẫn ở đấy, vẫn chỉ có bốn. Vấn đề là vượt qua được cơn co giật. Anh không biết là mình có kêu gào hay không nữa. Đau giảm dần. Anh mở mắt ra. O'Brien xoay cái cần lại.

"Có mấy ngón tay, Winston?"

"Bốn. Tôi nghĩ là bốn. Tôi sẽ nhìn ra năm nếu có thể được."

"Anh muốn gì? Muốn thuyết phục tôi là nhìn thấy năm hay muốn thực sự như vậy?"

"Muốn thực sự."

"Lần nữa nhá", O'Brien lại bảo.

Cái kim có thể đã nhảy lên tám mươi, cũng có thể chín mươi rồi. Thỉnh thoảng Winston mới nhớ được lí do mình bị đau. Một rừng ngón tay lay động như đang nhảy múa, dầy lên rồi thưa đi, cái nọ lùi vào sau cái kia rồi lại tái xuất hiện. Anh cố gắng đếm, nhưng để làm gì thì anh không nhớ. Anh chỉ biết rằng không thể nào đếm được, có thể là vì sự trùng hợp bí ẩn giữa số bốn và số năm. Đau lại giảm dần. Anh mở mắt ra, hoá ra anh vẫn nhìn thấy y như trước. Rất nhiều ngón tay, giống như một rừng cây đang chuyển động, uốn lượn về đủ mọi hướng, đan chéo vào nhau rồi lại rời ra. Anh nhắm mắt lại.

"Tôi đang giơ lên mấy ngón tay, Winston?"

"Tôi không biết. Tôi không biết. Anh còn làm thế một lần nữa là tôi chết đấy. Bốn, năm, sáu… xin thề, tôi không biết!"

"Khá hơn rồi đấy", O'Brien bảo.

Mũi kim tiêm chọc ngập vào cánh tay Winston. Ngay lúc đó một luồng hơi ấm dễ chịu, viên mãn tràn khắp các ngõ ngách trong cơ thể anh. Anh đã gần như quên hết cơn đau vừa rồi. Anh mở mắt ra và nhìn lên O'Brien với vẻ biết ơn. Khi nhìn thấy khuôn mặt thô, đầy nếp nhăn, vừa rất xấu vừa rất thông minh đó, lòng anh như muốn tan ra. Nếu có thể cử động được thì anh đã duỗi tay ra và đặt lên tay O'Brien rồi. Chưa bao giờ anh yêu O'Brien hơn lúc này, nhưng đấy không phải chỉ vì anh ta không còn bị hành hạ nữa. Tình cảm xưa cũ đã trở về: O'Brien là bạn hay thù không quan trọng. O'Brien là người có thể nói chuyện, thế thôi. Có thể là người ta cần được người khác thông cảm hơn là được yêu thương chăng. O'Brien đã tra tấn anh, xuýt nữa làm anh bị điên và chốc nữa chắc chắn sẽ giết anh. Nhưng không sao. Trong một nghĩa nào đó thì điều này còn sâu sắc hơn là tình bằng hữu. Họ đã là những người gần gũi với nhau, đã từng có chỗ cho họ gặp nhau và trao đổi ngay cả khi chưa một từ nào thực sự được thốt ra thành tiếng. O'Brien nhìn anh như muốn nói rằng anh ta cũng đang nghĩ như thế. Giọng anh ta thật nhẹ, giống như hai người đang tâm sự vậy.

"Winston, anh có biết mình đang ở đâu không?"

"Tôi không biết. Tôi chỉ đoán thôi. Trong Bộ Tình Yêu."

"Anh có biết đã ở đây bao lâu không?"

"Tôi không biết. Mấy ngày, mấy tuần, mấy tháng gì đó... Tôi nghĩ phải mấy tháng rồi."

"Thế anh có biết vì sao chúng tôi lại đưa người ta đến dây không?"

"Để bắt họ nhận tội."

"Không, không phải thế đâu. Thử lần nữa xem nào."

"Để trừng phạt"

"Không!", O'Brien reo lên. Giọng anh ta bỗng trở thành khác hẳn, nét mặt thì vừa nghiêm nghị vừa rất sinh động. "Không! Không phải chỉ để bắt các người thú tội, cũng không phải để trừng phạt các người đâu. Liệu tôi có phải nói cho anh biết vì sao chúng tôi lại đưa các anh đến đây không? Để chữa cho các anh đấy! Để làm cho các anh trở thành những người sáng suốt đấy! Tất cả những ai đã đến đây, sau khi rời tay chúng tôi, đều được chữa khỏi hết, anh có hiểu không, Winston? Chúng tôi không quan tâm đến những tội lỗi vớ vẩn mà các anh đã làm. Đảng không quan tâm đến những hành động công khai: chúng tôi chỉ quan tâm đến tư tưởng thôi. Chúng tôi không chỉ tiêu diệt kẻ thù, chúng tôi còn cải hoá chúng. Anh có hiểu tôi nói gì không?"

Anh ta cúi sát xuống người Winston. Vì nhìn gần nên mặt anh ta thành ra to khủng khiếp và vì nhìn từ dưới lên cho nên càng thấy nó xấu kinh khủng. Hơn nữa, nó còn có vẻ phấn khích, vẻ chăm chú của một người điên. Winston lại thấy nản. Anh chỉ mong làm sao chui được thật sâu xuống nữa. Anh nghĩ, chắc chắn O'Brien sẽ vặn tay quay để đùa cho vui. Nhưng đúng lúc đó O'Brien quay mặt đi. Anh ta đi đi lại lại vài bước rồi bắt đầu nói, không còn sôi nổi như trước nữa:

"Trước hết anh phải hiểu rằng, ở đây không có những kẻ tử vì đạo. Anh đã đọc về những sự bức hại tôn giáo trong quá khứ. Thời Trung Cổ từng có Toà Dị Giáo. Nhưng họ đã thất bại. Họ định nhổ tận gốc dị giáo, nhưng kết quả lại hoàn toàn ngược lại. Vì cứ một tên bị thiêu sống thì lại xuất hiện hàng ngàn tên khác. Vì sao? Vì Toà Dị Giáo hành quyết kẻ thù một cách công khai, hành quyết khi chúng chưa sám hối, thực chất là chúng bị giết do không chịu sám hối. Người ta chết vì không chịu từ bỏ đức tin của mình. Dĩ nhiên là nạn nhân sẽ được tôn vinh, còn quan toà, đao phủ thì bị phỉ nhổ. Sau này, trong thế kỉ XX, có những chế độ gọi là toàn trị. Đấy là những người phát xít ở Đức và cộng sản ở Nga. Người Nga bức hại dị giáo còn tàn tệ hơn Toà Án thời Trung Cổ. Họ tưởng rằng đã học được từ những sai lầm của quá khứ, dù sao họ cũng hiểu rằng không được tạo ra những kẻ tử vì đạo. Trước khi đưa các nạn nhân ra xét xử công khai, họ đã cố gắng buộc chúng tự huỷ hoại thanh danh của chính mình. Phạm nhân bị hành hạ bằng tra tấn, bằng cách phong toả về thể xác và tinh thần, biến chúng thành những kẻ ti tiện, hèn hạ; chúng đã thú nhận tất cả những gì người ta mớm cho, tự bôi nhọ mình, đổ tội cho nhau, khóc lóc, van xin tha tội. Nhưng chỉ được vài năm rồi tình hình lại trở lại như cũ. Những người bị giết lại được phong thánh, sự tha hoá của họ được tha thứ. Một lần nữa lại phải hỏi vì sao? Trước hết, vì những lời thú tội của chúng là do bị tra khảo, không thật. Chúng tôi sẽ không mắc sai lầm kiểu đó. Tất cả mọi lời thú tội được nói ra ở đây đều chân thật hết. Chúng tôi sẽ làm cho những lời khai đó thành ra chân thật. Và trên hết, chúng tôi không cho những người chết đứng dậy chống lại chúng tôi. Winston, đừng có nghĩ rằng hậu thế sẽ minh oan cho các anh. Hậu thế sẽ không biết các anh là ai. Các anh sẽ bị xoá sạch khỏi dòng chảy của lịch sử. Chúng tôi sẽ biến các anh thành khí và phun vào tầng bình lưu. Các anh sẽ không để lại gì, không còn tên trong sổ hộ tịch, không còn trong trí nhớ của người đời. Các anh sẽ bị xoá khỏi quá khứ cũng như tương lai. Các anh chưa và sẽ không bao giờ có mặt trên cõi đời này.

Thế thì mất công tra tấn mình làm gì? Winston cay đắng nghĩ. O'Brien im bặt, như thể Winston vừa nói thành tiếng vậy. Bộ mặt xấu xí, to bè cúi xuống sát Winston, đôi mắt hơi nheo lại.

"Anh nghĩ", anh ta nói tiếp, "rằng nhất định chúng tôi sẽ thịt anh, tất cả những lời anh nói, những việc anh làm sẽ chẳng có ý nghĩa gì, trong trường hợp đó tại sao chúng tôi lại mất công lấy cung anh, đúng không? Có phải anh đang nghĩ thế không?"

"Phải", Winston đáp.

O'Brien khẽ mỉm cười.

"Anh là vết nứt trong một cái khuôn. Anh là một vết ố cần phải tẩy sạch. Tôi đã nói với anh là chúng tôi khác những tên đao phủ trong quá khứ rồi phải không? Đối với chúng tôi, vâng lời một cách tiêu cực hay ngay cả sự quy phục hèn hạ nhất cũng chưa đủ. Cuối cùng, khi anh đầu hàng chúng tôi thì đấy phải là hành động tự nguyện hoàn toàn. Chúng tôi không bao giờ thịt một tên dị giáo vì hắn còn chống đối chúng tôi: khi nó còn chống đối thì chúng tôi chưa thịt. Chúng tôi cải đạo hắn, giành lấy khối óc của hắn, cải hoá hắn. Chúng tôi sẽ gột rửa hết ác tâm và ngộ nhận của hắn, đưa hắn về phe với mình, mà không phải bề ngoài đâu nhé, thực sự, bằng cả tâm hồn và trí tuệ kia. Chúng tôi biến hắn thành người đằng mình, rồi sau mới giết. Chúng tôi không chấp nhận tư tưởng sai lầm, dù ở đâu, dù bí mật và vô nghĩa đến mức nào. Dù có chết ngay chúng tôi cũng không chấp nhận bất kì sự lệch lạc nào. Trong quá khứ, một tên dị giáo đi lên giàn hoả thiêu vẫn còn là dị giáo, hắn tiếp tục hô hào, hân hoan với giáo lí của mình. Ngay nạn nhân của những cuộc thanh trừng ở Nga, khi đi qua hành lang ra pháp trường, vẫn có thể giữ trong đầu những ý nghĩ phản loạn.Chúng tôi khác, chúng tôi làm cho đầu óc người ta trở nên trong trắng hoàn toàn rồi mới đập. Mệnh lệnh của các chế độ chuyên chế trong quá khứ là: "Mi không được". Mệnh lệnh của các chế độ toàn trị là: "Mi phải". Mệnh lệnh của chúng tôi là: "Mi là". Không kẻ nào được đưa đến đây còn đủ sức chống lại chúng tôi nữa. Tất cả đều được tẩy sạch hoàn toàn. Ngay ba tên phản bội khốn nạn, anh đã từng tin là chúng vô tội, là Jones, Aaroson và Rutherford, cuối cùng cũng bị chúng tôi hạ gục đấy. Chính tôi cũng tham gia hỏi cung. Tôi trông thấy chúng kiệt sức dần, chúng rên rỉ, khúm núm, khóc lóc và cuối cùng thì không phải vì đau hay vì sợ mà là vì hối hận. Trước khi chúng tôi giải quyết xong thì chúng chỉ còn lại là những cái vỏ người mà thôi. Trong đầu chúng chỉ còn lại sự nuối tiếc vì những việc đã làm và tình yêu đối với Anh Cả. Thật là cảm động khi được chứng kiến tình yêu của chúng đối với Anh. Chúng cứ van xin được bắn cho mau, để chúng có thể chết khi tâm hồn vẫn còn trong trắng.

Giọng anh ta đầy vẻ mộng mơ. Nhưng nét mặt thì vẫn phấn khích, cuồng nhiệt một cách điên khùng như cũ. Anh ta không giả vờ, Winston chợt nghĩ, anh ta không phải là kẻ đạo đức giả, anh ta tuyệt đối tin tưởng vào những điều mình nói. Nhưng cái làm Winston khó chịu nhất chính là anh đã nhận ra sự kém cỏi về trí tuệ của mình. Anh cứ ngắm mãi cái thân hình nặng nề nhưng tao nhã của O’Brien đi qua đi lại, thoắt ẩn thoắt hiện trước mắt. O’Brien lớn hơn anh về mọi phương diện. Không có điều gì anh từng suy nghĩ hay có thể suy nghĩ từ trước đến nay mà O’Brien không biết, không cân nhắc kĩ và không bác bỏ từ lâu. Đầu óc anh ta chứa trọn đầu óc của mình, Winston nghĩ. Thế thì làm sao có thể nói là O’Brien điên? Chắc chắn là ta, Winston, ta bị điên rồi. O’Brien dừng bước, cúi xuống nhìn. Giọng anh ta trở lại cứng rắn như cũ.

"Winston, anh đừng có nghĩ là sẽ thoát, dù anh có đầu hàng hoàn toàn thì cũng thế thôi. Chưa một người lầm lạc nào được tha thứ. Ngay cả nếu chúng tôi để anh được sống một cách tự nhiên thì anh cũng không thoát khỏi tay chúng tôi đâu. Những việc xảy ra với anh ở đây sẽ là vĩnh viễn. Hãy hiểu trước như vậy đi. Chúng tôi sẽ dầy xéo anh đến không còn ngẩng đầu lên được nữa kia. Anh sẽ gặp những cái không thể gỡ ra được, dù anh có sống thêm cả ngàn năm nữa cũng vậy thôi. Anh sẽ không bao giờ còn những tình cảm của một người bình thường nữa. Bên trong anh tất cả đều sẽ chết. Trong anh không bao giờ còn có tình yêu, tình bằng hữu, niềm vui sống, nụ cười, tính hiếu kì, lòng dũng cảm hay trung thực nữa. Anh sẽ thành rỗng tuếch. Chúng tôi sẽ vắt anh đến giọt cuối cùng, rồi sẽ đưa chúng tôi thế vào chỗ đó."

Anh ta ngừng lời và ra hiệu cho người mặc áo choàng trắng. Winston cảm thấy có vật gì nằng nặng đẩy vào phía sau đầu. O’Brien ngồi xuống cạnh giường, mặt anh ta chỉ cao hơn Winston chút ít.

"Ba ngàn", O’Brien nói với sang người mặc áo choàng trắng.

Hai cái gối nhỏ, âm ẩm, kẹp vào hai bên thái dương Winston. Anh co rúm người lại. Đau, nhưng khác lần trước. O’Brien động viên bằng cách cầm lấy tay, cử chỉ gần như thân mật.

"Lần này thì không đau đâu", anh ta nói. "Hãy nhìn thẳng vào mắt tôi."

Đúng lúc đó xảy ra một vụ nổ kinh hoàng, hay là một cái gì đó giống như một vụ nổ, mặc dù anh không dám chắc là có kèm theo tiếng động hay không. Điều chắc chắn là đã có một tia chớp loá mắt. Winston không bị đau, nhưng bị hất tung lên. Mặc dù anh vẫn nằm ngửa từ trước, nhưng lúc đó anh có cảm giác như bị vật ra vậy. Một cú giáng không đau đè anh nằm sát xuống giường. Trong đầu cũng có chuyện nữa. Khi mắt đã nhìn rõ, thì anh nhớ lại được mình là ai, hiện đang ở đâu và nhận ra được người đang nhìn mình, nhưng ở đâu đó, không rõ là ở đâu vẫn có một khoảng trống khá lớn, cứ như là một phần não bị lấy đi mất rồi vậy.

"Rồi sẽ qua thôi", O’Brien nói. "Nhìn vào mắt tôi đây. Oceania đang đánh nhau với nước nào?"

Winston nghĩ. Anh biết Oceania nghĩa là gì, anh cũng biết mình là công dân Oceania. Anh cũng nhớ cả Eurasia và Eastasia nữa; nhưng ai đánh nhau với ai thì chịu. Thực ra là anh không biết rằng đang có chiến tranh nữa kia.

"Tôi không nhớ."

"Oceania đang đánh nhau với Eastasia. Bây giờ anh đã nhớ chưa?"

"Nhớ rồi".

"Oceania luôn luôn đánh nhau với Eastasia. Từ ngày anh mới sinh, từ ngày có Đảng, từ ngày có sử, chiến tranh liên miên, không nghỉ, vẫn chỉ là một cuộc chiến tranh mà thôi. Anh nhớ chưa?"

"Nhớ rồi."

"Mười một năm trước anh đã bày đặt ra một câu chuyện về ba kẻ bị kết án tử hình vì tội phản bội. Anh phịa ra là nhìn thấy một mẩu giấy chứng minh rằng chúng vô tội. Mẩu giấy đó chưa hề tồn tại. Anh bịa ra như thế rồi sau đó lại tin là thật. Bây giờ anh nhớ lại chính cái lúc mình bịa đặt toàn bộ chuyện này. Anh nhớ được chưa?"

"Nhớ rồi."

"Bây giờ tôi sẽ đưa các ngón tay của tôi lên. Anh nhìn thấy năm ngón tay. Anh có nhớ không?"

"Nhớ."

O’Brien giơ tay trái lên, ngón cái quặp vào trong.

"Có năm ngón tay. Anh có nhìn thấy năm ngón tay không?"

"Có."

Anh quả thật đã nhìn thấy, trong một tích tắc, trước khi tâm trí anh thay đổi. Anh nhìn thấy năm ngón tay, không hề có sự sai lệch nào. Rồi mọi thứ trở lại bình thường như cũ, cả nỗi sợ hãi, cả lòng hận thù, cả sự lúng túng cùng ùa vào một lúc. Nhưng có một lúc, anh không biết có dài không, có thể chỉ ba mươi giây, chắc chắn là thế, khi những lời gợi ý của O'Brien lấp vào khoảng trống ở trong đầu và trở thành chân lí tuyệt đối và hai cộng hai có thể là ba mà cũng có thể là năm, nếu cần. Trạng thái đó trôi qua trước khi O'Brien bỏ tay anh ra, mặc dù anh không thể tái tạo được, anh vẫn nhớ nó, như người ta nhớ những kinh nghiệm sống động của những giai đoạn "hồn Trương Ba, da hàng thịt"[1] trong cuộc đời vậy.

"Bây giờ", O'Brien nói, "ít nhất anh cũng hiểu rằng điều đó có thể xảy ra."

"Vâng", Winston đáp.

O'Brien đứng lên, có vẻ hài lòng. Winston trông thấy người đàn ông mặc áo choàng trắng đứng bên trái anh bẻ một lọ thuốc và hút vào ống tiêm. O'Brien mỉm cười. Anh ta sửa lại gọng kính theo thói quen.

"Anh có nhớ", O'Brien nói, "đã viết trong nhật kí rằng tôi là bạn hay là thù không quan trọng, vì chí ít tôi cũng là người hiểu được anh và có thể tâm sự được? Anh có lí. Tôi thích nói chuyện với anh. Cách tư duy của anh hấp dẫn lắm. Chúng ta có cách suy nghĩ giống nhau, ngoại trừ một việc: anh bị tâm thần. Trước khi kết thúc buổi hôm nay, nếu muốn, anh có thể hỏi tôi vài câu."

"Câu hỏi nào cũng được à?"

"Câu nào cũng được", anh ta thấy Winston liếc nhìn cái mặt đồng hồ đo. "Tắt rồi. Câu hỏi đầu tiên"

"Các anh đã làm gì với Julia?"

O'Brien lại mỉm cười.

“Winston, cô ta đã phản bội anh. Ngay lập tức, vô điều kiện. Hiếm có người giác ngộ nhanh như vậy. Nếu gặp, chưa chắc anh đã nhận ra cô ta đâu. Tất cả những sự hung hăng, dối trá, ngu dốt và hư hỏng của cô ta đều đã được gột rửa hết. Sự chuyển biến phải nói là tuyệt vời, như sách giáo khoa."

“Các anh có tra tấn cô ấy không?"

O'Brien không đáp.

"Hỏi câu khác đi", anh ta bảo.

“Anh Cả có tồn tại không?"

"Tất nhiên là có. Đảng tồn tại. Anh Cả là hiện thân của Đảng."

"Ông ta có tồn tại giống như tôi không?"

"Anh không tồn tại", O'Brien nói.

Một lần nữa, anh lại cảm thấy bất lực. Anh biết hay anh có thể tưởng tượng ra những lí lẽ chứng tỏ anh không tồn tại, nhưng đấy là những lí lẽ nhảm nhí, đấy chỉ là trò chơi chữ mà thôi. Câu: "Anh không tồn tại" không phải là vô lí hay sao? Nhưng nói làm gì? Tâm trí anh như thắt lại khi nghĩ đến những lí lẽ không thể bác bỏ được, những lí lẽ điên rồ mà O'Brien sử dụng để quật ngã anh.

"Tôi nghĩ rằng tôi tồn tại", anh nói một cách mệt mỏi. "Tôi nhận thức được nhân dạng của chính mình. Tôi đã sinh ra và tôi sẽ chết. Tôi có tay và chân. Tôi chiếm một thể tích nhất định trong không gian. Không một vật rắn nào có thể nằm trong khoảng không đó đồng thời với tôi. Anh Cả có tồn tại theo nghĩa như vậy không?"

"Điều đó không quan trọng. Ông ta tồn tại."

"Anh Cả có chết không?"

"Dĩ nhiên là không. Anh Cả chết làm sao được. Câu tiếp theo."

"Huynh Đệ có tồn tại không?"

"Winston, điều này thì không bao giờ anh biết được đâu. Nếu chúng tôi quyết định tha anh khi xong việc và nếu anh có sống đến chín mươi tuổi đi nữa thì anh cũng không tìm được câu trả lời là có hay không cho câu hỏi này đâu. Đấy sẽ là câu đố không giải được trong suốt cuộc đời còn lại của anh."

Winston nằm im. Ngực anh nâng lên hạ xuống gấp hơn trước. Anh vẫn chưa hỏi câu xuất hiện đầu tiên trong kí ức. Anh phải hỏi câu đó, nhưng lưỡi như cứng lại, không nói được. Có một cái gì đó như sự khôi hài thoáng hiện trên mặt O'Brien. Ngay cặp kính cũng ánh lên vẻ nhạo báng. Anh ta biết, Winston chợt nghĩ, anh ta biết mình sắp hỏi câu gì! Vừa nghĩ thế các từ đã tự động bật ra:

"Người ta làm gì trong buồng một linh một?"

Nét mặt O'Brien không hề thay đổi. Anh ta đáp cộc lốc:

"Winston, anh biết người ta làm gì trong buồng một linh một. Tất cả đều biết người ta làm gì trong buồng một linh một."

Anh ta lấy tay ra hiệu cho người mặc áo choàng trắng. Cuộc nói chuyện có vẻ như đã kết thúc. Chiếc kim tiêm đâm ngập vào cánh tay Winston. Anh lập tức ngủ say như chết.


[1] Nguyên văn: when one was in effect a different person - khi người ta thực chất là một người khác.